Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[Review Sách] Vào Trong Hoang Dã (Into The Wild), Jon Krakauer – Hành Trình Đến Được Với Cái Chết

“Ông đã nhầm nếu nghĩ rằng Niềm Vui bắt nguồn chỉ từ hoặc chủ yếu từ mối quan hệ giữa con người với nhau. Chúa đem niềm vui đến đặt xung quanh chúng ta. Nó ở trong mọi thứ và là tất cả những gì mà chúng ta trải nghiệm. Chúng ta chỉ phải lấy can đảm thay đổi thói quen và dấn thân vào cuộc sống khác với thông thường.”

Tôi bắt đầu bằng những dòng thư mang một trong những tư tưởng đầy tự do phóng khoáng và ngập tràn hương vị phiêu lưu của chàng trai trẻ có thật trong lịch sử – Christopher Johnson McCandless. Nhưng cuốn truyện kinh điển của tác giả Jon Krakauer lật lại chuyến đi định mệnh của cậu tới miền Alaska hoang dã lại mở màn bằng một cái chết – cái chết đầy bí ẩn của kẻ khát khao tự do và thiên nhiên hùng vĩ đã coi khinh mọi luật lệ, quy tắc, nghĩa vụ mà xã hội loài người đã gây dựng nên để giữ chân những kẻ nô lệ yếu đuối chỉ dám quanh quẩn nơi đáy giếng của mình. Nếu tác giả của cuốn sách Vào trong hoang dã lần lại những dấu vết trên mọi nẻo đường đi của Chris McCandless để tìm ra nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của chàng trai trẻ, thì tôi sẽ bắt đầu từ thôi thúc mãnh liệt trong việc dấn thân vào những trải nghiệm mới của Alexander Supertramp – tên gọi hoang dã của cậu – để đi xuyên suốt cuộc hành trình đến được với cái chết của chàng thanh niên 23 tuổi này trong chiếc xe bus cũ trên đài nguyên Alaska rộng lớn và buốt lạnh.

Vứt bỏ mọi nghĩa vụ, coi khinh mọi luật lệ, đứng về phía ngược lại với sự áp đặt và dính mắc, Chris McCandles quyết tâm đi vào miền hoang dã với một tiếng gọi mãnh liệt bên trong tâm hồn. Chuyện này giống như cuộc tái sinh của chàng trai trẻ để đến với một thế giới mới – thế giới không hề có sự can thiệp của nền văn minh, không hề có một bóng người, ngoại trừ chính cậu. Cuộc hành trình của chàng trai trẻ này khiến tôi không khỏi xúc động và trăn trở khi nhìn lại về chính bản thân mình – kẻ đã có không hề ít sự bất mãn với những thói đời, truyền thống, quy tắc ứng xử đầy giả tạo – khi tự hỏi mình rằng “Tôi đã thật sự buông bỏ được những gì khi sống trên cõi đời này?” và “Cuộc hành trình của tôi sẽ đi đến đâu khi bây giờ vẫn có những điều làm cho tôi đau đớn?” Tiền bạc, danh vọng, gia đình, sự nghiệp, sách vở, tình dục,… Liệu tôi có còn bị chúng cuốn đi vào một ngày bất chợt nào đó trong một phút giây hoan lạc mê đắm hay trong một khoảnh khắc đau đớn tột cùng hay không? Liệu tôi có đủ sức mạnh để đứng sang một bên và ngắm nhìn mọi thứ vận hành không, hay vẫn chỉ là kẻ u mê đang còn một chân trong cửa, một chân ngoài thềm?

Buông bỏ, đó là một chuyện vô cùng đơn giản, khi thật sự nó không khác gì việc hít thở, để dòng khí đi vào cơ thể rồi để nó đi ra, liên tục, liên tục như vậy. Nhưng nó lại là một điều quá đỗi khó khăn đối với phần lớn những con người trong xã hội này khi họ chỉ biết hít vào cho phình thật to hai lá phổi mà chẳng bao giờ thở ra để cho những người bạn cây cối có chút CO2 làm bữa điểm tâm rắc thêm chút ánh nắng mặt trời. Và rồi khi chợt nhớ ra là mình cần “buông bỏ” thì lồng ngực họ đã nổ tung mất rồi, hoặc là việc thở ra sẽ khiến họ bị đau lỗ mũi đến chết vì cái mũi đáng thương ấy chẳng quen với chiều đi ngược lại của những luồng không khí!

Chuyện Alex cắt đứt tối đa những mối dây liên kết với xã hội loài người để tìm đến thế giới tự nhiên của riêng cậu và sống hoàn toàn dựa vào sự vận động của thiên nhiên đã gợi nhắc cho tôi về việc vứt bỏ đi mọi gánh nặng quá khứ níu chân, mọi ràng buộc xã hội cứa vào da thịt đau đớn, và mọi định nghĩa đóng khuôn cứng nhắc chụp lên tâm trí nhỏ nhoi để đi tìm lại chính mình trong một sự thuần khiết tuyệt đối hệt như một đứa bé mới chào đời.

Nhưng muốn buông bỏ được thì hiển nhiên trước tiên ta phải sở hữu. Và hầu hết việc CÓ một cái gì đó, một điều gì đó, một ai đó trong cuộc đời mình thường không mấy khi nhắc nhở cho những ông chủ tội nghiệp rằng “Hãy buông đi!” mà lại rất dễ dàng mơn trớn và đưa họ vào cái bẫy ngọt ngào đầy đau đớn của sự dính mắc. Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện về một cô gái trẻ, đã trải qua năm cuộc tình và lần nào cũng chịu nhiều đau khổ, cuối cùng cô cũng đã nhận ra rằng mọi sầu não và phiền muộn đến từ sự dính mắc chứ không phải từ tình yêu. Chính sự thức tỉnh này đã đưa cô gái trẻ đến hạnh phúc viên mãn trong mối duyên thứ sáu trong cuộc đời đầy thăng trầm của nàng.

Tất nhiên khi đã nhận ra và gỡ bỏ được những sợi dây xích đang ngày ngày cứa cổ thì hẳn nhiên kẻ đó sẽ được giải phóng lần lượt trên mọi phương diện của cuộc sống. Một sự sụp đổ mạnh mẽ của những cấu trúc thối nát cũ kèm theo sự bất mãn lớn lao của cái tôi hèn mọn, nếu chúng không giết chết được kẻ đó thì khả năng cao, chúng sẽ dẫn hắn ta tới miền tự do đầy mê hoặc và kì vĩ – giống như cậu bé Alexander Supertramp (Siêu lang thang) tiến vào thế giới Alaska vậy!

“Có một điều không thể phủ nhận… đó là được tự do làm theo ý thích của mình luôn khiến chúng ta vui sướng. Trong tâm trí ta, điều này luôn song hành cùng việc trốn chạy khỏi lịch sử và áp bức, luật pháp và những nghĩa vụ tẻ nhạt, cùng tự do tuyệt đối và con đường luôn dẫn tới miền Tây.” – Wallace Stegner, Miền Tây nước Mỹ – Một nơi để sống

Ha, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản khi mà chúng ta bước ra với thế giới – nơi đầy rẫy những sự mưu mô, giả tạo và tranh đấu, nơi ngập tràn những sự phán xét và làm tổn thương lẫn nhau vì chỉ những lí do không đáng. Và dù khi Chris McCandless đã tách rời khỏi nền văn minh để tới nơi thiên nhiên kì vĩ và sống cuộc sống mơ ước của riêng mình, chàng trai trẻ này vẫn không thoát khỏi những lời cay độc của xã hội khi họ tìm thấy cái xác khô của cậu ở trong chiếc xe bus cũ trên đài nguyên Alaska và rồi cái chết của cậu được đưa lên trang nhất của những tờ nhật báo kèm theo hàng ngàn lá thư chỉ trích về cái sự mà thiên hạ cho là ngu dốt và ngạo mạn của cậu. Khi nhận ra điều này, tôi đã tự dặn lòng mình rằng: “Đừng để xã hội tìm ra! Nếu không thì mày sẽ có một cuộc mai táng giả tạo như biết bao người khác. Hãy luôn chắc chắn là lúc đó mày chẳng còn quan tâm đến việc cỗ quan tài màu gì hay cuộc hỏa thiêu kéo dài bao nhiêu phút vì thân xác mày có thể bị tìm thấy, nhưng linh hồn mày sẽ nằm ngoài tầm mắt của xã hội.”

Cuốn truyện đã đề cập rất rõ ràng và chân thực về những làn sóng chỉ trích của dư luận trước cái chết của Alex khi nguyên nhân dẫn đến cái chết của cậu chưa được hoàn toàn xác minh, họ chỉ chăm chăm nhìn vào những thứ họ coi là khuyết điểm “to đùng” của chàng trai trẻ. Những người viết thư đã cho rằng Supertramp là một kẻ ngạo mạn, coi thường thiên nhiên, quái gở và ngu xuẩn hết mức, thậm chí họ còn coi cái chết của cậu là rất xứng đáng với những “phẩm chất” như vậy.

Tôi không biết liệu có mấy ai đủ dũng cảm để tìm hiểu một người trước khi phán xét hành động hay chính bản chất con người ấy, giống như Jon Krakauer đã làm đối với cậu chàng Chris McCandless này? Liệu có mấy ai đủ thương yêu để hoàn toàn lắng nghe những câu chuyện, những trăn trở, dằn vặt của người khác trong cuộc đời họ như việc tác giả kiên nhẫn lắp ghép những manh mối về cuộc hành trình của Alex? Và liệu có mấy ai đủ thông thái để kể lại câu chuyện cuộc đời của một con người bằng sự công minh mà dạt dào cảm hứng như cha đẻ cuốn sách này? Có ai? Có những ai nào để tôi được hân hạnh đếm trên một vài đầu ngón tay!

Tôi đã từng nghĩ cuộc đời là một trò hề, một trò lừa đảo ngoạn mục với những tâm trí mờ rối và hữu hạn. Nhưng khi đọc cuốn sách này, tôi bị choáng ngợp bởi một sự chân thực và chân thành đến hiếm có. Nó là một tiếng gầm đầy uy lực át đi mọi thứ gọi là phán xét, lên án hay thậm chí là làm nhục và gây thương tổn. Tôi đã nhận ra khá nhiều điểm trùng khớp trong tư tưởng của chính mình và chàng trai mang tên Chris McCandless này (dù rằng nó không là tất cả), nhưng ít nhất nó khiến tôi cảm thấy mình đã chạm được tới một phần nào tâm hồn của cậu ấy. Một trong những nỗi niềm tương đồng mà tôi cho rằng rất quan trọng đó là: “Tại sao con người ta cứ làm nhau đau đớn mãi?”

Tại sao chúng ta không thể hoàn toàn chấp nhận nhau, chấp nhận mọi dạng biểu lộ của người khác trong một sự bình lặng và kiên nhẫn đến vô cùng? Tại sao chúng ta cần phải chỉnh sửa, chỉnh đốn họ để khớp với những gì chúng ta thấy hợp lí? Tại sao chúng ta lại trở nên điên cuồng hay đau khổ khi không thể thay đổi được người khác hay khi bị người khác cố gắng bóp méo sự hiện diện của chúng ta?

Đứa trẻ ngây thơ ấy ra với cuộc đời và bị cuộc đời làm cho tan nát. Nhưng hãy nhìn xem câu chuyện về chàng trai trẻ 23 tuổi này, cậu đã không còn bị xã hội mần xéo nữa dù những chuyến nhảy tàu chở hàng vẫn bị phát hiện và cậu bị đánh cho tơi bời, dù chuyến vượt sông không giấy phép vẫn bị cơ quan chức trách địa phương truy lùng, thậm chí dù cậu đã chết khô mà vẫn bị dư luận mang ra đay nghiến. Xã hội chỉ có thể chà đạp lên vẻ bề ngoài của cậu – thứ Alex đã chẳng còn vương vấn. Khi đến với Alaska, đến với thiên nhiên hoang dã, cậu đã không còn phải quanh quẩn bên những khả năng gây nên đớn đau của loài người dành cho nhau nữa. Phải chăng mỗi người nên tự tạo ra một Alaska bên trong mình để nhìn ngắm xem những dao nhọn đục khoét và những thương tổn đã xuất hiện rõ ràng như thế nào mỗi khi chúng ngóc đầu trỗi dậy vào lúc ta tương tác với thế giới bên ngoài?

“Có lẽ, suy cho cùng, thói quen xấu của những tài năng sáng tạo là dìm mình và trong trạng thái cực đoan bệnh hoạn nhằm đến được với những cảm quan sâu sắc, nhưng điều đó không hề mang lại lối sống bền vững cho những ai không thể chuyển biến những vết thương tâm lí của mình thành tư tưởng hay nghệ thuật giàu ý nghĩa.” – Theodore Roszak, Tìm kiếm phép màu

Ra với cuộc đời và bắt đầu lớn lên, đứa trẻ không thể tránh khỏi việc mang trong mình những đổ vỡ trong trái tim ngây thơ và thuần khiết khi đối mặt với thực tại đầy bất công và bịp bợm. Cậu bé McCandless đã phải gánh chịu những tổn thương tâm lí sâu sắc khi cậu phát hiện ra những điều cha cậu đã dối trá trong đời sống hôn nhân của mình. Mâu thuẫn với cha mẹ không chỉ vì những áp đặt của họ lên con cái, mà còn vì sự giả tạo đầy đau đớn khi đáng ra họ cần phải chân thành hơn bao giờ hết. Cuốn truyện đã đạt được thành công lớn trong việc phân tích tâm lí nhân vật, những động lực gốc sâu xa dẫn đến những hành vi và phản ứng của con người trong cuộc sống.

“Niềm tin của cha tôi vào bản thiết kế cuộc đời vững chắc đến mức không thể lay chuyển. Rốt cuộc, đó chính là con đường mà ông đã đi để có được thành công. Nhưng tôi không phải bản sao của ông. Trong suốt thời niên thiếu, khi bắt đầu nhận ra điều đó, tôi dần bước lệch khỏi con đường ông vạch ra trước đó cho tôi, ban đầu là từng bước một, về sau là dứt khoát.”

Hay như là:

“Khi cố lí giải những hành vi khác thường của McCandless, một số người đã tìm nhiều điểm tương đồng giữa cậu với John Waterman, người cũng có vóc người nhỏ con và có lẽ đã từng phải chịu đựng “nỗi mặc cảm của người thấp bé”, vốn là nguyên nhân cơ bản của sự thiếu tự tin khiến khổ chủ tự thôi thúc bản thân phải chứng minh dũng khí bằng những thử thách hành hạ thể chất đến cực điểm.”

Bản thân tôi là người rất coi trọng việc quan sát và tìm hiểu tâm lí của con người. Tôi cho rằng việc chúng ta không thấu hiểu nhau và dẫn đến mâu thuẫn, tổn thương phần lớn là do mỗi người không nắm bắt được tâm lí của đối phương, mà việc đó lại phụ thuộc rất nhiều vào việc họ đã sáng tỏ về động lực gốc trong hành động của chính mình như thế nào. Ý tôi ở đây tức là một kẻ không hiểu mình thì sẽ không có khả năng đọc vị được bất kì người nào khác. Bi kịch thường xuyên xảy đến khi kẻ đó đã chẳng những không cố gắng trau dồi thêm sự nhạy cảm trong tâm hồn để có thể giao tiếp bằng sự hòa ái mà còn nhiệt tình vun đắp đầu óc và miệng lưỡi phán xét của chính mình trong một sự u mê thái quá.

Jon Krakauer đã rất xuất sắc khi xuyên suốt cuốn truyện, ông đã dành ra một lượng lớn công sức để phân tích tâm lí của những nhân vật giúp người đọc có thể trả lời được câu hỏi gốc rễ nhất như là “Tại sao hắn ta làm thế?” hay “Vì đâu mà cô ấy nên cơ sự như thế này?” Đặc biệt tác phẩm đề cập đến rất nhiều những tổn thương trong đời sống gia đình, rạn nứt trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã tác động mạnh mẽ như thế nào đến hành vi của những đứa trẻ sau này – khi chúng trưởng thành, trong đó Christopher McCandless là một ví dụ điển hình.

Ngoài việc bất mãn với sự tàn nhẫn và giả tạo của xã hội, cậu bé đã chịu những khổ sở, phiền muộn khi sống trong một gia đình mà cha mẹ có quan điểm trái ngược và áp đặt lên cậu những điều mà họ muốn. Cùng với khát khao tự do và tình yêu với tự nhiên hoang dã, sự mâu thuẫn trong gia đình này lại càng đẩy Chris về điểm cùng cực của sự bất mãn, và thổi bùng lên niềm tha thiết đi ra ngoài thiên nhiên của cậu. Để dễ hiểu hơn, các bạn có thể hình dung cha mẹ và thiên nhiên là hai đầu của một cán cân, khi một bên đẩy cậu ra xa hết cỡ bằng cách cố gắng bao bọc cậu, còn một bên hút cậu lại gần hết mức bằng cách để cậu được tự do tuyệt đối. Vậy cậu bé trong sáng của chúng ta sẽ rơi về bên nào? Khỏi cần nói các bạn cũng thừa sức nhìn ra câu trả lời.

Chuyện này khiến tôi nghĩ đến không ít những đứa trẻ có tuổi thơ đau đớn chịu sự kìm kẹp và áp đặt của gia đình, khi lớn lên nếu chưa được cân bằng trở lại thì chúng sẽ có xu hướng nổi loạn, phá vỡ mọi quy tắc, rất mẫn cảm với những lời khuyên bảo hay những chỉ dẫn từ người khác dù có chân thành đến đâu đi chăng nữa, thậm chí khi đó chẳng phải là một lời khuyên thì cảm giác về sự bị áp đặt vẫn trỗi dậy trong lòng đứa trẻ khiến nó run rẩy và phản ứng kịch liệt.

Một số biểu hiện trái ngược để lấy lại cân bằng là một tình yêu tha thiết với thiên nhiên hoang dã giống như trường hợp của McCandless, một số thay thế thiên nhiên bằng người yêu, tình dục hay chất kích thích và trở nên dính mắc trong đó khiến xã hội xuất hiện thêm nhiều thành phần mù quáng, cuồng loạn và nghiện ngập. Nếu xét trên góc độ này, tôi cho rằng cậu chàng McCandless cũng là một tên nghiện, hắn nghiện thiên nhiên, nghiện sự tự do, nghiện những lí tưởng sống cao đẹp, trinh bạch của chính bản thân mình. Chính sự cực đoan trong tư tưởng đã khiến cậu bộc lộ những hành vi, hành động, cách ứng xử mà một nửa thế giới sẽ coi đó là dị hợm, điên rồ, nửa còn lại sẽ coi đó là kiệt xuất và vĩ đại.

Việc đi sâu vào phân tích tâm lí nhân vật, tác giả đã làm sáng tỏ được bức tranh tổng thể về sự tương tác giữa con người với nhau và với thế giới xung quanh. Chính vì sự sáng tỏ này, thiên hạ sẽ bớt phỏng đoán, bớt tin hay không tin, bớt phán bừa về các nhân vật trong truyện với một thái độ thiếu tình thương yêu và sự hiểu biết. Nếu bạn đọc không học được cách cư xử đúng mực với thế giới dưới sự dẫn dắt của người thầy là cuốn truyện tuyệt vời này thì có lẽ các bạn sẽ học được cách đào sâu vào tâm hồn để lấy lại cân bằng cho chính mình. Chìa khóa của sự chữa lành là Cân Bằng. Không có bậc thầy quyền năng nào, không có kĩ thuật thần thánh nào có thể hàn gắn vết thương cho một con người đến mức triệt để được nếu khổ chủ không hiểu rằng tất cả chỉ là sự tương tác năng lượng, và khi cán cân của họ bị lệch đi về bất kì một bên nào thì bệnh tật và đau đớn sẽ xuất hiện ở nơi đó!

Tôi có cảm giác chắc chắn rằng cậu chàng McCandless đã lấy lại được cân bằng trong nội tâm khi đã quyết định đi vào miền hoang dã theo tiếng gọi của trái tim mình. Các bạn hãy thử nhìn mà xem, cậu đã trải nghiệm hai trạng thái cực cực đoan nhất – áp đặt và tự do. Điều này giống như việc chàng trai trẻ đang ở trong một quả bóng bay ngột ngạt và chật hẹp, cậu đã vươn hai cánh tay mình ra về hai phía đối nhau cho đến quá giới hạn cuối cùng của quả bóng. Nó phát nổ một tiếng “BÙM!” và McCandless chết!

Có thể cái chết của chàng trai Siêu lang thang chỉ có thể vỏn vẹn được nhìn thấy đơn giản như việc cậu đã ăn phải nấm độc trên rễ cây cỏ dại và đi tới kiệt quệ (điều cuối cùng tác giả đã phát hiện ra.) Nhưng tôi lại nhìn thấy rằng cái chết của Alex lại thật hoàn hảo và tuyệt diệu khi nó xảy đến vào lúc cậu đã hoàn thành bài học về sự cân bằng, hài hòa thông qua việc trải nghiệm những cực điểm của mâu thuẫn, và sự đau đớn tột cùng khi đắm mình trong nhị nguyên.

Điều này khiến tôi không thể không liên tưởng đến Phật Thích Ca – ông ta cũng là biểu tượng tiêu biểu của một linh hồn giác ngộ với bản thiết kế cuộc đời dựa trên những trải nghiệm phân cực. Chàng trai trẻ Gautama đã đi từ người giàu có, quyền uy bậc nhất thế gian tới một kẻ ăn xin đói khổ cùng với sự nhịn ăn hành xác đến mức hồn suýt lìa khỏi thế giới; đi từ người có gia đình êm ấm đề huề đến một kẻ lang thang, tu hành đơn độc dưới cội cây bồ đề. Và chính nhờ những trải nghiệm cực đoan như vậy, Gautama đã ngộ ra con đường của hạnh phúc đó là Trung đạo khi một ngày chàng trai nghe tiếng đàn phát ra từ một sợi dây căng và một sợi dây chùng!

Tôi cho rằng cái chết của McCandless đã tới vì lí do ban đầu như vậy, việc ăn phải nấm độc chỉ là một nguyên nhân trực tiếp mà thôi. Tôi cũng đã tự hỏi rằng tại sao cái chết của cậu không phải là bị gấu tát, viêm phổi hay chết đói? Chính cái chết của chàng trai trẻ cũng khắc ghi dấu vết của sự phân cực: Cậu ăn phải nấm độc trên rễ của một loài cây không độc. Có thể các bạn không lấy làm vừa lòng với sự lí giải của tôi, nhưng tôi ở đây không phải với mục đích làm cho ai vừa lòng cả, tôi chỉ đang chia sẻ một góc nhìn trong việc tiếp cận nguyên nhân của vấn đề mà thôi.

Một nguyên nhân nữa khiến Alex Supertramp xứng đáng với cái chết, đó là cậu đã sống một cuộc đời trọn vẹn. Trọn vẹn ở đây hàm ý rằng chàng trai trẻ đã sống thật với lòng mình nhất, đã dám theo đuổi đến cùng mục đích của cuộc đời, đã tận hưởng cuộc sống mà cậu lựa chọn ở mức tối đa (cho dù ở đó cũng không ít những cơn đói khát và những phen sợ hãi.) Cái chết của cậu cũng là sự kết thúc của một cuộc hành trình sống đầy đam mê và nhiệt huyết, nó cũng là dấu chấm hết cho một cái tôi hèn mọn. Lần này, cậu lại khiến tôi nhớ đến hình ảnh Jesus bị đóng đinh trên cây thập giá. Và chính những thông điệp cậu đã để lại trên chiếc xe bus đã thể hiện điều đó rất rõ ràng:

“HAI NĂM NAY ANH PHIÊU BẠT. KHÔNG ĐIỆN THOẠI, KHÔNG BỂ BƠI, KHÔNG THÚ CƯNG, KHÔNG THUỐC LÁ, HOÀN TOÀN TỰ DO. MỘT NGƯỜI CỰC ĐOAN. MỘT CHÀNG LANG THANG CÓ ÓC THẨM MỸ VỐN COI ĐƯỜNG ĐI LÀ NHÀ. ANH ĐÃ TRỐN KHỎI ATLANTA. VÀ SẼ KHÔNG QUAY TRỞ LẠI, VÌ “MIỀN TÂY LÀ NHẤT.” VÀ GIỜ ĐÂY SAU HAI NĂM PHIÊU BẠT, CHUYẾN PHIÊU LƯU CUỐI CÙNG VÀ VĨ ĐẠI NHẤT ĐÃ TỚI. CUỘC CHIẾN CAM GO NHẤT ĐỂ HỦY DIỆT CÁI TÔI GIẢ TẠO BÊN TRONG VÀ KẾT THÚC CUỘC CÁCH MẠNG TRONG KHẢI HOÀN.”

Và một lời từ biệt:

“TÔI ĐÃ CÓ MỘT CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC VÀ XIN CẢM ƠN CHÚA. TẠM BIỆT NGƯỜI VÀ CẦU CHÚA PHÙ HỘ CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI!”

Christopher Johnson McCandless đã hoàn thành bài học về sự phân cực, đã sống một cuộc sống hạnh phúc thuận theo tự nhiên, đã vượt qua những giới hạn và cả thể chất và tinh thần, vậy nên cậu ấy xứng đáng được chết hơn tất thảy! Cái chết chỉ là một sự đáng sợ rợn người với những kẻ không dám sống hết mình, chỉ là một giải pháp kết liễu đầy cực đoan dành cho những kẻ không thể trụ nổi với những nỗi đớn đau dày xéo, và là một sự ám ảnh suốt kiếp với những kẻ chẳng hiểu gì về “trường đời” mà mình đang lăn lộn trong đó.

Tôi xin dành đôi lời với những ai có ý định tự tử hoặc đang cảm thấy cực kì suy sụp và không muốn sống tiếp nữa. Đó là: “Các bạn hãy tỉnh lại đi! Tất cả những đớn đau đó đều bắt nguồn từ sự sụp đổ của cái tôi ích kỉ, u mê, đầy rẫy những khái niệm và tượng đài máy móc để bám víu mà thôi. Đừng đồng hóa mình với những nỗi sầu thảm đó mà đi tới một cái chết vô ích! Hãy chỉ để cho một mình “cái tôi” đó chết mà thôi, bạn sẽ có một cái chết khác sau khi đã hoàn toàn hạnh phúc và hài lòng với cuộc đời của chính mình. Hãy sống sao để xứng đáng được chết. Vì cái chết là món quà vĩ đại và hùng tráng nhất mà bạn có thể nhận được chứ không phải thứ gì đó dễ dàng ập đến chỉ đơn giản với một cú nhảy cầu lộn ba vòng trên không hay một liều thuốc chuột cạn chén trăm phần trăm.”

Cuốn truyện là một bài điếu văn ám ảnh hay là một bản anh hùng ca mê hoặc? Chẳng phải là gì trong hai điều đó cả thưa các bạn. Vì nó là một cuộc hành trình đầy ngoạn mục và bi tráng để về với cái chết!

Tôi rất lấy làm thích thú và thỏa mãn khi cuốn sách không chỉ đơn thuần lật lại chuyến đi của chàng trai McCandless, mà Jon Krakauer còn lồng vào đó những câu chuyện phiêu lưu đầy thử thách của NEMO, Franklin hay của chính tác giả. Sự bổ sung và liên kết này nhắc tôi nhớ về mối tương quan chặt chẽ và gần gũi giữa vạn vật trong thế giới. Bắt đầu ở mỗi chương của Vào trong hoang dã, tác giả lại trích dẫn những ý tứ, lời lẽ mô tả về tự nhiên hay con người từ những tác phẩm kiệt xuất khác khiến cho cuốn truyện xuất hiện nên một mạng lưới hình ảnh cũng như nội dung phong phú và sâu sắc hơn bao giờ hết. Tôi dùng từ “mạng lưới”, ngoài ra có thể dùng “sự lồng ghép đa chiều” tạo nên một phức hợp về ngôn từ và tư tưởng khiến người đọc có cảm giác rơi vào một chiều kích hoàn toàn khác, nơi mà họ không tài nào mô tả được bằng câu chữ của Trái Đất. Chính sự đa dạng mê hoặc này khiến tôi không thể không kéo dây dẫn đến với những tác phẩm lừng danh khác có những dấu viết phiêu lưu hoang dã tương tự, như là: Robinson trên đảo hoang, Cuộc đời của Pi hay Chúa tể những chiếc nhẫn. Đây là một nghệ thuật lồng ghép độc đáo mà lần đầu tiên tôi được thưởng thức. Nếu được thốt ra điều gì đó để biểu cảm lúc này thì hẳn là “TRÊN CẢ TUYỆT VỜI!”

Ngoài ra, thành công của tác giả còn nằm ở việc xây dựng kết cấu của câu truyện với những nút thắt vừa đi ngược mà cũng lại là đi xuôi dòng thời gian để diễn lại cuộc phiêu lưu của Chris McCandless. Điều này lại tạo ra một hiệu ứng kích thích trí não bạn đọc, khiến họ đặt một sự tập trung cao độ vào việc nắm bắt từng tình tiết của câu chuyện đầy mê hoặc này.

Chưa kể, giọng văn xuyên suốt tác phẩm là một sự chắc nịch, rõ ràng, thể hiện ý chí mạnh mẽ và sự sắc sảo của người viết. Câu từ không hề rườm rà, hoa mĩ, Jon Krakauer chỉ nói vừa đủ tạo ra cảm giác giản dị mà quyến rũ đặc biệt. Những nghệ thuật tác giả sử dụng trong cuốn sách phản ánh đúng chất một người say mê leo núi. Mỗi câu chữ là những vết cắm chắc chắn vào sườn băng, mỗi góc nhìn là một sự tỉ mỉ mà cũng bao quát đến kinh ngạc, và mỗi ý tứ là một sự quyết tâm, can trường để đạt được đến những đỉnh cao của thiên nhiên hoang dại.

Toàn bộ cuốn sách là một sự hấp dẫn mê hồn như những câu chuyện ly kỳ được những nhà thám hiểm kể lại khi đã thoát chết trong gang tấc. Điểm đắt giá trong nghệ thuật kể chuyện của Jon Krakauer đó là mô tả cuộc phiêu lưu của McCandless sống động đến mức người ta quên cả đi việc cậu ấy đã chết, còn khi mô tả chuyến đi để đời của chính tác giả lên đỉnh ngọn Devil’s Thumb thì bạn đọc nghĩ rằng “Ông này hẳn sẽ chết trong ngay trang kế tiếp thôi!” khi chẳng còn tâm trí nào mà nhớ ra rằng ông tác giả ấy hiển nhiên vẫn còn thở để mà về nhà viết lại câu chuyện.

Nếu so sánh truyện và phim thì hẳn là một sự khập khiễng quá mức. Tôi chỉ xin nêu lên điểm khác biệt lớn nhất mình quan sát được đó là Jon Krakauer kể lại cuộc hành trình của McCandless qua những dấu vết mà ông bám đuổi và lắp ghép chúng theo trình tự thời gian; còn trong phim thì câu chuyện ấy lại được kể dưới góc nhìn của cô em gái Carine và của chính chàng trai trẻ đó theo trình tự không gian – sự đối lập giữa cuộc sống đời thường tương tác với mọi người xung quanh và cuộc sống khi một mình trong thiên nhiên hoang dã. Tôi không biết đạo diễn phim có cố tình làm như vậy hay không, nhưng đây quả thực là một sự bổ sung hoàn hảo, một cặp “âm-dương” đẹp ngây ngất. Đành rằng bộ phim phải lược bớt đi rất nhiều chi tiết và phải sắp xếp lại toàn bộ bố cục sao cho súc tích mà vẫn hấp dẫn nhất – điều này gây nên phản ứng so sánh hơn – kém của người xem khi đã thưởng thức cuốn truyện, nhưng tôi đánh giá rất cao nỗ lực truyền tải lại những nội dung sâu sắc và ấn tượng của cuốn sách cùng với việc hiện thực hóa những góc cảnh cực kì sống động và giàu xúc cảm của cả tự nhiên lẫn con người. Và một ấn tượng nữa không thể không nhắc tới đó là âm nhạc xuyên suốt bộ phim mang trọn vẹn tinh thần Supertramp!

Hẳn nhiên cuốn sách vẫn là thứ vương vấn tôi nhiều hơn, nhưng nếu các bạn muốn thưởng thức tác phẩm này một cách toàn diện và sáng tạo thì hãy dành chút thời gian để theo dõi bộ phim nữa nhé.

Cuối cùng, khi nghĩ đến việc chấm điểm cho Vào trong hoang dã, tôi đã thấy một sự hối tiếc gợn lên trong lòng vì mình đã để điểm 10 trọn vẹn ấy cho một vài tác phẩm khác mà xét về độ sâu sắc thì chẳng thể bằng một phần mười của cuốn sách này. Nhưng âu chuyện cũng đã rồi, và giả như sau này tôi có bắt gặp một tác phẩm siêu kinh điển nào đó mà khiến tôi chẳng còn điểm 10 nào để mà cho nữa thì thôi, hãy cứ đợi đến lúc đó rồi tính tiếp. Còn ngay bây giờ đây, ngay lúc này đây, điểm 10 của tôi dành cho Vào trong hoang dã của Jon Krakauer là hoàn toàn không thiên vị, không nghi ngờ và tuyệt đối không hối tiếc!

Vũ Thanh Hòa

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,717 lượt xem