Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Rối Loạn Ăn Uống – Kỳ 1: Chứng Biếng Ăn Tâm Thần (Anorexia Nervosa)

Trước khi bước vào phân tích chi tiết về Anorexia Nervosa (AN), hãy để mình kể các bạn nghe một case điển hình nổi tiếng trong chứng biếng ăn này:  Eisha là một cô gái 22 tuổi và đang học chương trình 4 năm tại một trường đại học ở Mỹ khi cô lần đầu tìm đến chữa trị. Tuy nhiên, chứng rối loạn ăn uống của cô đã bắt đầu từ rất nhiều năm về trước, khi cô mới 14 tuổi và đang học tại một trường ở quê hương, Ấn Độ, nơi mà chứng rối loạn bắt đầu le lói. Cô báo cáo lại rằng các bạn cùng lớp bắt nạt mình, bị nói là nhìn rất mập trong váy đồng phục mới. Sau tai nạn đó, cô bắt đầu có cảm giác mình thật sự rất mập và tự bỏ đói để giảm cân. Vào thời điểm 18 tuổi, Eisha có một thể trạng rất yếu ớt, chỉ ăn mỗi ngày một bữa, phần còn lại trong ngày cô chỉ tập thể dục, và từ chối tất cả yêu cầu ăn thức ăn. Thỉnh thoảng, khi chịu hết nổi, sự hạn chế mà cô duy trì trở nên yếu đuối, Eisha ăn một cách vô độ (binge eat). Sau khi trải qua giai đoạn ăn vô độ, Eisha tự bỏ đói mình từ 3 – 4 ngày để bù lại lượng thức ăn mà mình đã ăn. Cuối cùng, cô bắt đầu uống thuốc xổ hằng ngày sau khi ăn để chắc rằng mình không tăng bất kỳ cân nặng nào. Cô có niềm tin rằng “để đẹp, bạn cần phải trở nên thật gầy” (to be beautiful you need to be thin) và rằng ăn là xấu. Mỗi lần, sau khi ăn, cô đều tự nói với mình rằng “mày là đứa vô dụng” (you are good for nothing) (Based on Roy, 2014).

Thuật ngữ “Anorexia Nervosa” theo nghĩa đen có nghĩa là “thiếu sự thèm ăn do căng thẳng gây ra”, nhưng định nghĩa như vậy đôi khi lại gây ra nhầm lẫn vì thiếu sự thèm ăn không phải là vấn đề khó khăn chính và cũng không cần thiết khi chuẩn đoán. Trái tim của chứng rối loạn này nằm ở chính sự theo đuổi tính mảnh khảnh, ngoại hình gầy (thinness) liên tục không ngừng nghỉ và có liên quan đến những hành vi làm chỉ số cân nặng cơ thể thấp một cách quá đáng.

Tiêu Chuẩn Chẩn Đoán Theo DSM-V và Các Kiểu AN

Theo DSM-V (APA, 2013) thì tiêu chí để chuẩn đoán AN bao gồm:

A. Sự hạn chế năng lượng đưa vào cơ thể liên quan đến mức yêu cầu tối thiểu, dẫn đến việc có chỉ số cân nặng cơ thể cực kì thấp, không phù hợp với tuổi, giới tính, quỹ đạo phát triển (vòng phát triển) và sức khỏe thể lý. Chỉ số cân nặng cơ thể cực kì thấp được định nghĩa là khối lượng cân nặng ít hơn mức tối thiểu ở người bình thường (minimally normal), hoặc, đối với trẻ em và trẻ vị thành niên, thấp hơn cân nặng tối thiểu được kỳ vọng.

B. Có nỗi sợ mãnh liệt về việc tăng cân hoặc trở nên mập mạp, hay có hành vi dai dẳng gây trở ngại đến việc tăng cân bất chấp việc người đó đang có cân nặng cực kì thấp.

C. Có nhiễu loạn trong cách nghĩ khi trải nghiệm cân nặng hoặc hình thể, ảnh hưởng quá đáng của cân nặng hoặc hình thể đến việc tự đánh giá về bản thân, hoặc liên tục không nhận thức được tình trạng nghiêm trọng hiện tại của cơ thể khi có cân nặng quá thấp.

Hiện tại, theo nghiên cứu thì có 2 kiểu AN: 

  • Kiểu hạn chế (The restricting type): Đây là kiểu người bệnh sẽ dùng mọi nổ lực để hạn chế lượng thức ăn tiêu thụ. Calories đưa vào cơ thể được kiểm soát chặt chẽ. Bệnh nhân sẽ cố gắng trốn tránh việc phải ăn khi có sự hiện diện của người khác. Khi đi ăn, họ có thể ăn cực kì chậm, cắt thức ăn thành những mảnh rất nhỏ, hoặc vứt bỏ thức ăn không để ai thấy (Beaumont, 2002).
  • Kiểu ăn vô độ/xổ ra (The binge – eating/ purging type): Tự hạn chế tiêu thụ thức ăn kéo dài đôi khi bất khả thi đối với bệnh nhân chán ăn. Vì vậy, ta có kiểu thứ 2, bệnh nhân dạng này thường có cả ăn vô độ, sau đó dùng mọi nổ lực để xổ hết ra, có khi là cả 2 trong cùng một lúc. Ăn vô độ liên quan đến những hành vi tiêu thụ thức ăn mất kiểm soát, với một lượng thức ăn cực kì nhiều mà một người bình thường khó có thể dùng trong khoảng thời gian và hoàn cảnh nhất định. Sau khi ăn vô độ là nỗ lực làm sao loại bỏ hết lượng thức ăn mình vừa tiêu thụ, như trường hợp case study nêu ở đầu bài. Phương pháp để loại bỏ thức ăn vừa ăn thường là tự gây ói mửa, lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, hay rửa ruột. Những hành vi bù đắp khác không liên quan đến việc “xổ ra” bao gồm luyện tập quá độ hoặc nhịn ăn. Kể cả khi dùng chiến thuật xổ hết ra, việc đó cũng không ngăn chặn hoàn toàn sự hấp thụ calories từ thức ăn.

Biểu hiện và suy nghĩ của bệnh nhân mắc phải chứng AN

Bệnh nhân với chứng chán ăn tâm thần gầy hốc hác, trơ xương nhưng vẫn cứ phủ định rằng mình có vấn đề về cân nặng hay sức khỏe. Họ sẽ cố gắng rất nhiều để che giấu ngoại hình gầy gộc của bản thân bằng cách mặc đồ rộng thùng thình hay uống một lượng nước rất lớn để trông như có cân nặng bình thường hoặc để tăng cân tạm thời (ví dụ như theo chỉ dẫn của bệnh viện chẳng hạn).

Bảng 9.1 sau dẫn ra những giá trị méo mó xuất hiện trong đầu của người bệnh, những người với chứng biếng ăn tâm thần thuộc kiểu “hạn chế” thường rất được người khác ngưỡng mộ với căn bệnh. Một bệnh nhân từng báo cáo lại rằng cô không “thành công” trong chứng biếng ăn tâm lý của bản thân vì thất bại trong việc đạt được khối lượng cơ thể cực thấp. Niềm tin cốt lõi của cô là, để đánh dấu cho sự thành công thật sự của một người trong chứng biếng ăn, người đó phải chết đói, và người bệnh có khả năng thực hiện điều này nhưng không biết tại sao lại đảo ngược suy nghĩ (Bulik & Kendler, 2000):

Bảng 9.1. Suy nghĩ méo mó ở người mắc chứng biếng ăn tâm thần

“Tôi có một quy tắc khi tôi cân. Nếu tôi tăng cân, tôi sẽ tự bỏ đói mình cả ngày sau đó. Nhưng nếu tôi giảm cân, tôi cũng tự bỏ đói mình sau đó.”

“Xương xẩu-định nghĩa chúng ta thật sự là ai, hãy để chúng được mọi người chiêm ngưỡng”.

“Một cơ thể không hoàn hảo phản ánh một người không hoàn hảo”

“Chứng biếng ăn, bản thân nó không phải là một căn bệnh tự gây nên, mà nó là sự tự kiểm soát phong cách sống”.

“Đó không phải là sự mất mát, mà đó là sự giải phóng”.

Biếng chứng y khoa và tỉ lệ lưu hành

AN có thể gây ra những biếng chứng y khoa nghiêm trọng cho người bệnh. Tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh (đa phần đều là nữ) cao hơn gấp 5 lần so với tỷ lệ tử vong của phụ nữ trẻ có độ tuổi từ 15 đến 34 trên tổng dân số ở US (Keshavia & cộng sự, 2014). Bệnh nhân mất đa phần đều do biến chứng y khoa, và xấp xỉ 3% trên tổng số lượng người bệnh chết do hậu quả của việc tự bỏ đói (Signorini & cộng sự, 2007). Ngoài ra, suy dinh dưỡng ở người mắc AN cũng có ảnh hưởng rất lớn bằng nhiều cách (Mitchell & Crow, 2010). Nhiều bệnh nhân với loạn thần biếng ăn trông rất suy nhược. Tóc trên da đầu cực kì mỏng và giòn, móng tay cũng vậy. Da khô, lông thưa bắt đầu mọc khắp mặt, cổ, cánh tay, lưng và chân. Bệnh nhân cũng phát triển màu da vàng ở lòng bàn tay lẫn chân.

Hình 9.2 sau đây minh họa khá rõ biến chứng y khoa mà người mắc chứng AN gặp phải

Với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy, nhưng may mắn là chứng AN có mức độ phổ biến khá thấp. Ước tính ở Hoa Kỳ cho biết, rối loạn dạng này chỉ có 0.9% ở nữ và 0.3% ở nam (Hudson & cộng sự, 2007). Còn ở Thụy Điển là 1.2% cho nữ và 0.29% cho nam (Bulik & cộng sự, 2006). Trong một nghiên cứu, tỉ lệ mắc bệnh cao hơn đối với người sinh sau năm 1945 so với người sinh trước (Klump & cộng sự, 2007), đúng cho cả nam và nữ. Còn ở Việt Nam thì vẫn chưa có số liệu cụ thể cho chứng biếng ăn tâm thần. Đây được xem là một trong những rối loạn cực hiếm, nhưng mức độ nghiêm trọng thì ngang với tâm thần phân liệt vậy.

Cách thức điều trị cho chứng biếng ăn tâm thần

Người bệnh với chứng  biếng ăn tâm thần thường xem rối loạn chỉ là một trạng thái mãn tính và thường lạc quan về khả năng phục hồi của mình (Holliday & cộng sự, 2005), tỉ lệ bỏ trị liệu khá cao, và bệnh nhân với kiểu ăn vô độ/xổ ra hay chấm dứt điều trị nội trú từ rất sớm (Steinhausen, 2002; Woodside & cộng sự, 2004). Một phần bệnh nhân cũng cực kỳ lưỡng lự khi tìm đến điều trị. Mối quan tâm tức thời nhất đối với rối loạn dạng này là phải làm sao phục hồi lại cân năng ở mức độ không còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp nghiêm trọng, yêu cầu ngay lập tức phải nhập viện và dùng những biện pháp cực đoan như bơm chất dinh dưỡng vào tĩnh mạch, dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính bệnh nhân về lượng calo đưa vào cũng như tiến triển đến phạm vi cân nặng mong muốn, không hơn. Nỗ lực ngắn hạn như vậy thường thành công. Tuy nhiên, nếu thiếu sự điều trị được thiết kế để chú tâm giải quyết vấn đề tâm lý – thứ củng cố hành vi loạn thần – thì bất kỳ nổ lực tăng cân nào cũng chỉ là tạm thời và bệnh nhân sớm muộn gì cũng cần phải được chăm sóc y khoa lần nữa. Trong một vài trường hợp, nỗ lực trị liệu ép buộc có thể phản tác dụng (Strober, 2004). Sau đây, là một số cách tiếp cận trong trị liệu:

  1. Y Khoa (Mediacations): Trị liệu y khoa thường dùng chủ yếu để giúp bệnh nhân tạm thời thoát khỏi cơn nguy kịch. Tuy nhiên, đôi khi bác sĩ cũng sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, mặc dù không có bằng chứng chứng minh thuốc mang lại hiệu quả (Brown & Keel, 2012b). Ngược lại, một vài nghiên cứu cũng nói thuốc chống loạn thần, tên Olanzapine có mang lại lợi ích, giúp bệnh nhân loại bỏ các suy nghĩ bóp méo về hình dáng và cân nặng của mình.

  2. Tâm lý trị liệu – Hiện nay tiếp cận gia đình và nhận thức-hành vi là một trong những cách trị liệu thường được nhắm tới để điều trị bệnh nhân AN (còn một số cách tiếp cận khác):
  • Trị liệu gia đình (Family Therapy): Trị liệu gia đình thường được lựa chọn trong việc điều trị AN ở thanh thiếu niên và được chứng minh là có hiệu quả qua các thử nghiệm lâm sàng (hiệu quả cao nhất ở người dưới 19 tuổi và ít hơn 3 năm thời gian mắc phải chứng biếng ăn tâm thần). Một tiếp cận được nghiên cứu tốt nhất là mô hình Maudsley. Chương trình trị liệu theo tiếp cận này thông thường kéo dài trung bình từ 10 – 20 phiên, diễn ra trong vòng 6 đến 12 tháng. Buổi trị liệu thường có 3 giai đoạn: Trong giai đoạn “tái ăn uống” (Refeeding), nhà trị liệu làm việc với cha mẹ và hỗ trợ họ để giúp con mình (thường là nữ) ăn uống lành mạnh lại. Bữa ăn gia đình thường được giám sát bởi nhà trị liệu, nổ lực hướng dẫn cha mẹ hành động như một đội hỗ trợ để con gái họ hồi phục. Sau khi bệnh nhân lên cân, giai đoạn thương lượng để tạo lập những khuôn mẫu bắt đầu quan hệ mới, vấn đề gia đình và cá nhân được chú trọng. Sau cùng, giai đoạn kết thúc của điều trị tập trung vào việc phát triển mối quan hệ lành mạnh giữa người nhà và bệnh nhân (Lock và cộng sự, 2001). Điều đáng tiếc là cách tiếp cận này đối với những người lớn tuổi hơn và những người có thời gian trải qua thời gian dài bị chứng chán ăn tâm thần mang lại rất ít hiệu quả lâm sàng.

  • Trị liệu nhận thức hành vi (Cognitive – Behavior Therapy): CBT được chứng minh là rất có hiệu quả trong việc trị liệu dạng BN. Bởi vì AN chia sẻ nhiều đặc điểm giống với BN nên CBT cũng được sử dụng tốt cho AN. Thời gian điều trị được đề nghị là từ 1 đến 2 năm. Trọng tâm chính của việc điều trị liên quan đến việc sửa đổi niềm tin sai lệch liên quan đến cân nặng và thức ăn, cũng như niềm tin méo mó về bản thân có thể đã gây ra rối loạn. Hiện tại, có rất ít nghiên cứu về CBT cho AN (do tỷ lệ hiếm của rối loạn, người có AN không sẵn lòng tìm liếm trị liệu, sợ sự thay đổi, từ bỏ trị liệu cao), Watson và Bulik (2013) đã xem xét lại 30 năm nghiên cứu thử nghiêm đối chứng ngẫu nhiên về AN, chỉ có 48 nghiên cứu về CBT với AN. Các kết quả thu được cho thấy CBT so sánh tốt với các liệu pháp hiện có nhưng không tốt hơn so với tham vấn dinh dưỡng.

Với bài viết này, mình hi vọng mọi người có được góc nhìn rõ ràng về một trong những rối loạn nguy hiểm nhất của cụm rối loạn ăn uống. Người bệnh nên được chữa trị kết hợp cả tâm lý và lẫn y khoa. Nếu có những biểu hiện của AN, đừng tự chuẩn đoán mà hãy nhờ đến chuyên gia, bạn nhé!.

Theo Góc Nhìn Tâm Lý Học

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

738 lượt xem