Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sách Tâm Lý Hay Nên Đọc: Lẽ Phải Của Phi Lý Trí

Nếu bạn đã từng đọc cuốn “Phi lý trí”, một cuốn sách kinh điển về tâm lý và kinh tế học hành vi của tác giả Dan Ariely thì chắc hẳn bạn đã vô cùng kinh ngạc khi nhận ra rằng trong rất nhiều trường hợp, con người chúng ta đưa ra những quyết định phi lý đến ngạc nhiên, thậm chí phi lý một cách thường xuyên và có hệ thống.

Tại sao chúng ta quyết định ăn kiêng nhưng lại bỏ cuộc ngay khi nhìn thấy món ăn tráng miệng hấp dẫn? Tại sao chúng ta sẵn sàng cho một người nghèo khổ vài nghìn nhưng lại sẵn sàng kì kèo vài nghìn lẻ với người bán đồng nát khi bán đống giấy vụn trong nhà? Tại sao bệnh nhân lại cảm thấy thuốc hiệu quả hơn khi biết giá thuốc đắt tiền hơn hay bác sĩ giả vờ phẫu thuật cho họ? Vậy nếu như con người đã thường xuyên phi lý trí đến vậy thì làm sao để có thể nhận biết và tận dụng điều này để ra những quyết định tốt hơn?

Đây chính là lý do tác giả tiếp tục cho ra đời cuốn sách “Lẽ phải của phi lý trí”, cuốn sách chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực trong cách tư duy và hành vi của con người trong các mặt của đời sống để chúng ta có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.

  • Tại sao các phần thưởng lớn lại khiến cho các CEO làm việc kém hiệu quả?
  • Điều gì lại khiến cho con người có xu hướng trả thù đến vậy?
  • Vì sao mà các trang Web hẹn hò lại không thực tế?

Được đúc rút qua rất nhiều thực nghiệm thú vị và thống kê giống như cuốn sách ban đầu, tác giả chỉ ra như thế nào và tại sao con người đôi khi lại trở nên phi lý một cách ngạc nhiên trong công việc và các mối quan hệ. Cuốn sách một lần nữa phá vỡ những định kiến, lối tư duy logic của chúng ta từ trước đến nay trong những vấn đề tưởng chừng như đơn giản, dễ hiểu, tưởng chừng như luôn luôn đúng mà hóa ra lại sai lầm một cách tệ hại.

Tại sao lại phải thưởng lớn cho các CEO, các nhà môi giới chứng khoán hay các nhà điều hành ngân hàng để khiến họ làm việc tốt hơn, trong khi chả nhẽ tiền lương cao ngất ngưởng của họ không đủ sống hay sao? Liệu có phải nghịch lí không khi mà các khoản thưởng cao lại khiến cho nhân viên làm việc kém hiệu quả hơn?

Nếu bạn để con chuột trong mê cung và chích điện nó thì bạn càng tăng dần độ mạnh của dòng điện thì con chuột càng phải học thích nghi và tìm ra lối thoát nhanh hơn. Nhưng nếu dòng điện mạnh đến mức đủ lớn, nó sẽ bị đơ và không thể tìm ra lối thoát nữa. Khi xem các phần thưởng lớn như những dòng điện mạnh và nhân viên giống như những chú chuột thì chúng ta lập tức hiểu ngay vấn đề. Qua các thực nghiệm, tác giả khám phá ra rằng con người sẽ làm việc kém hiệu quả hơn trong điều kiện áp lực cao.

Điều này giải thích lý do tại sao điểm luyện thi ở nhà của học sinh luôn cao hơn so với thi thật hay khi bị áp lực xã hội như bị hàng nghìn con mắt nhìn vào thì đa phần các bài diễn thuyết đều trở nên ấp úng, khó khăn hơn khi luyện tập ở nhà trước đó. Do đó, để khiến cho các nhân viên làm việc hiệu quả hơn thì việc các nhà quản lí đưa ra các mức thưởng hiệu quả trong công việc là vô cùng cần thiết, để chi ít mà hiệu quả cao hơn.

Bạn có đang yêu thích công việc của mình không? Bạn đã gặp ai có một công việc mức lương cao, được khen thưởng rất nhiều nhưng lại chẳng cảm thấy một chút ý nghĩa trong công việc của mình chưa?

Trong cuốn sách, tác giả làm một thực nghiệm cho người chơi tham gia vào việc lắp trò chơi Lego. Đối với nhóm người thứ nhất, nhiệm vụ của họ làm lắp từng Lego một và sau đó các nhà nghiên cứu sẽ quan sát các mô hình một cách chăm chú và trân trọng nó. Đối với nhóm thứ hai, mỗi khi người chơi lắp xong một mô hình, các nhà nghiên cứu sẽ phá vỡ nó ngay lập tức và bảo họ lắp tiếp cái khác. Mặc dù, cả hai nhóm đều có chung mức thưởng cho số Lego mà họ lắp được nhưng càng về sau thì nhóm thứ hai tỏ ra chán nản và mất hết năng lượng và dễ bỏ cuộc hơn so với nhóm thứ nhất.

Tại sao lại thế?

Qua nhiều thực nghiệm khác, tác giả chỉ ra rằng khi thấy công việc của mình mất đi giá trị, điều này ảnh hưởng cực kì lớn đến động lực làm việc của chúng ta. Ta sẽ không cố gắng làm việc khi việc đó không có ý nghĩa gì cả.

Điều này cũng giải thích vì sao việc lắp ráp những chiếc đinh một cách vô hồn trên băng chuyền trong nhà máy lại khiến người lao động có cảm giác bị tách bạch khỏi hoạt động lao động và không tìm thấy sự nhất quán cũng như ý nghĩa trong công việc của mình.

Ngoài ra khi đọc cuốn sách ta sẽ khám phá và hiểu thêm về hành vi của bản thân để điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Tại sao việc chúng ta luôn mua sắm đồ mới để tăng cảm thấy thỏa mãn những chả bao giờ cảm thấy đủ cả? Điều này liên quan gì đến khả năng thích nghi của con người? Vì sao chúng ta lại đánh giá cao thành quả của mình đến vậy? Điều này có thể thấy rõ khi mà đặt cạnh hai em bé Châu Âu với nước da trắng, mắt xanh và tóc vàng bên cạnh em bé Châu Phi đen nhẻm với hàm răng trắng muốt thì bà mẹ Châu Phi bao giờ cũng thấy con mình luôn tuyệt vời hơn tất cả những đứa trẻ khác.

Tác giả cũng giúp chúng ta nhận ra rằng ta không cảm thông với người khác một cách lý trí như chúng ta nghĩ. Tại sao chúng ta chỉ cứu giúp một người chứ không phải là rất nhiều người? Khi nói về một thảm họa, chính Joseph Stalin từng nói: “Một người chết là thảm họa còn hàng nghìn người chết chỉ là con số thông kê mà thôi”

Còn rất nhiều những bằng chứng khác trong cuốn sách khiến chúng ta nhìn rõ bản thân mình hơn và biết cách điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp. Còn đây là thông điệp của tác giả:

“Con người luôn nghĩ rằng chúng ta là những sinh vật lý trí, tuy nhiên thực tế lại cho thấy điều ngược lại, mỗi khi phải đứng trước những quyết định khó khăn. Trong tình huống đó, chúng ta khó có thể gạt bỏ được sự thiên lệch, từ đó khiến chúng ta hành động không như ý chúng ta muốn. Để có những quyết định sáng suốt, chúng ta cần phải tự mình nhận ra sự phi lý trí và sống chung với nó.”

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,435 lượt xem