Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sách Tâm Lý Hay Nên Đọc: Nghệ Thuật Tạo Hạnh Phúc (Đạt Lai Lạt Ma)

“Hạnh phúc phải được rèn luyện trong nội tại còn việc tìm kiếm bên ngoài là điều bất khả thi”

Hạnh phúc ? – Một câu hỏi lớn trước nhân loại, chẳng phải thời nay mà đã có từ thời thượng cổ. Nhân loại đã đổ không biết bao xương máu, trải qua bao cuộc chiến tranh, ở đâu đó, ở góc độ nào đó, đều liên quan đến hạnh phúc. Hạnh phúc không từ trên trời rơi xuống. Hạnh phúc và gian khổ là hai mặt của một vấn đề.Trong thế giới cận đại và hiện đại, người ta đã tốn không ít công sức, giấy mực viết về đề tài này, từ người bình dân tới văn nghệ sĩ, đến các nhà khoa học, học giả, nhà triết học… Các tôn giáo cũng luôn đề cập đến đề tài này. Nhưng có lẽ đây là cuốn sách hiếm có, một góc độ lạ lùng nhìn vào vấn đề hạnh phúc. Và tôi phải thú thật rằng, đây là một sự kết hợp Đông – Tây tuyệt đẹp; một nhà tâm lý học Phương Tây – Bác sĩ Howard C. Cutler trình bày vấn đề hạnh phúc dưới lăng kính Phật Giáo Phương Đông mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đại diện.

Cuốn sách mang đến cho bạn đọc những suy ngẫm nghiêm túc về hạnh phúc mà đôi khi có thể chúng ta ngộ nhận hoặc lầm lẫn với niềm sung sướng. Cái ranh giới mong manh, vi tế ấy quả thật không dễ phân biệt. Nếu chúng ta không định nghĩa rạch ròi, làm sao chúng ta biết làm gì để đạt được hạnh phúc.

Nhưng để phấn đấu giành cho được hạnh phúc, vấn đề đó lại liên quan mật thiết với tâm – hay đúng hơn: tâm mới là nguồn hạnh phúc. Và tâm con người mới phức tạp, rối ren làm sao. Bạn sẽ kinh ngạc trước sự mổ xẻ tâm hết sức mạch lạc, sáng sủa dẫu rằng đó không phải là vấn đề dễ dẫn dắt. Tôi hoàn toàn tin rằng bạn sẽ bị thuyết phục và bắt tay vào rèn luyện tâm. Giản dị như là muốn khỏe mạnh thì phải tập thể dục, và để có hạnh phúc thì phải luyện tâm. Tất cả những điều đó đều được Đức Đạt Lai Lạt Ma so sánh với những ví dụ gần gũi, sinh động, khiến cho lý thuyết của Ngài trở nên giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Rồi chúng lại được so sánh với những kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại, vấn đề lại càng sáng tỏ, đầy sức thuyết phục.

Washington từng nói: “Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc”. Quả là đúng. Song để có quyền này cũng đã là không dễ rồi. Rồi thì không phải những người có cái quyền này là đạt được hạnh phúc. Bạn hãy đọc cuốn sách này và bắt đầu một cuộc hành trình khám phá hạnh phúc cho riêng mình.

Trích đoạn:

Giờ đây, chúng ta được làm người để tìm cầu hạnh phúc. Rõ ràng là cảm giác yêu thương, tình cảm, gần gũi, và từ bi mang lại hạnh phúc, tôi tin là mỗi người trong chúng ta có cơ sở để có hạnh phúc, để đi với trạng thái tâm trìu mến và từ bi, những trạng thái mang đến hạnh phúc, Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định.

Thật ra, đó là một trong những niềm tin chủ yếu của tôi mà chúng ta vốn có không chỉ là khả năng từ bi mà tôi tin là bản chất căn bản tiềm ẩn trong con người là tính hòa nhã.

Purchase this image at https://www.stocksy.com/1473925

Niềm tin đó của Ngài dựa vào cái gì?

Học thuyết Phật Giáo về “Phật Tánh” cung cấp một số điểm về niềm tin này là bản chất cơ bản của tất cả chúng sinh thực chất là hiền hòa và không gây gổ. Nhưng ta có thể tiếp nhận quan điểm ấy mà không cần phải dùng đến học thuyết Phật Giáo về Phật Tánh. Niềm tin của tôi còn dựa vào những điểm khác. Tôi nghĩ rằng vấn đề tình cảm hay từ bi của con người không phải chỉ là vấn đề tôn giáo, nó còn là một nhân tố cần thiết cho đời sống từng ngày của con người.

Cho nên, trước hết nếu chúng ta nhìn vào chính mô hình cuộc sống từ lúc tuổi nhỏ đến lúc chết, chúng ta có thể thấy cách chúng ta được cơ bản nuôi dưỡng là tình cảm của người khác. Nó bắt đầu ngay lúc mới sinh. Sau khi sinh ra, hành động thực sự đầu tiên của chúng ta là bú mẹ hay sữa của người nào đó. Đó là một hành động của tình cảm, của tình thương. Không có hành động đó chúng ta không thể tồn tại. Điều ấy thật rõ ràng. Hành động ấy không thể thực hiện được nếu không có cảm giác yêu mến lẫn nhau. Từ phía đứa trẻ, nếu không có cảm giác tình cảm, không có ràng buộc gì với người cho sữa thì đứa trẻ có thể không bú sữa. Và nếu không có tình cảm về phần người mẹ, hay người nào khác, sữa không tự nhiên có được. Cho nên, đó là cách sống. Đó là thực tế.

Rồi, cấu trúc thân thể dường như phù hợp hơn đối với cảm giác tình yêu thương và từ bi. Chúng ta đều thấy tình trạng bình tĩnh, tình cảm, lành mạnh có tác dụng tốt cho sức khỏe và hạnh phúc thể chất. Ngược lại, những cảm giác thất vọng, sợ hãi, bồn chồn và nóng giận có thể hủy hoại sức khỏe của chúng ta.

Trong triết học Phật Giáo, “Phật Tánh” nói đến bản chất tiềm ẩn, căn bản, và tinh tế nhất của tâm. Trạng thái tâm này, hiện hữu ở mọi con người, hoàn toàn không bị hư hoại bởi cảm xúc hay tư tưởng tiêu cực.

Chúng ta cũng có thể thấy sức khỏe cảm xúc của chúng ta được nâng cao bởi cảm giác tình cảm. Muốn hiểu việc này, chúng ta chỉ cần nghĩ xem chúng ta cảm thấy ra sao khi những người khác tỏ ra nhiệt tình và tình cảm với chúng ta. Hoặc hãy quan sát cảm giác tình cảm hay thái độ của chính mình đã  tác động một cách tự động và tự nhiên ảnh hưởng đến bên trong chúng ta ra sao, chúng làm cho chúng ta cảm thấy ra sao. Những xúc cảm hiền hòa và ứng xử tích cực đi kèm với chúng ta dẫn đến gia đình và đời sống cộng đồng.

Theo tamly.blog

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,668 lượt xem