Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sách Tâm Lý Hay Nên Đọc: Sức Mạnh Của Thói Quen

Nhà triết học Aristotle từng nói“95% những gì chúng ta làm mỗi ngày đều là do thói quen mà ra”.Điều đó nói lên rằng thói quen ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mỗi người như thế nào. Ai cũng biết rằng nếu muốn hạnh phúc và thành công hơn, chúng ta phải có thật nhiều những thói quen hữu ích cũng như loại bỏ các thói quen không hữu ích. Nhưng không phải ai cũng làm được.

Vậy thói quen được hình thành như thế nào? Làm thế nào để mỗi cá nhân, tổ chức hay thậm chí cả cộng đồng có thể tạo nên những thói quen mới một cách khoa học và dễ dàng nhất? Tất cả câu trả lời sẽ được hé lộ trong cuốn sách: “Sức mạnh của thói quen” của tác giả Charles Duhigg.

Cuốn sách có bố cục làm 3 phần rõ ràng. Mỗi phần đều có phần lí giải cơ sở lí thuyết khoa học cùng những ví dụ thực tế sinh động, gần gũi.

Phần đầu tác giả nghiên cứu về cách thức hình thành thói quen trong cuộc sống của con người.Qua những thí nghiệm với các loài động vật, tác giả phát hiện ra rằng các thói quen hình thành một cách vô thức qua một quy trình nhất định gọi là “vòng lặp thói quen” bao gồm ba thành tố là: gợi ý – hành động – phần thưởng. Khi nhìn thấy một gợi ý nào đó, chúng ta tạo ra một hành động và có một phần thưởng đi kèm (có thể về mặt cảm xúc hoặc vật chất). Nếu như việc này lặp đi lặp lại nhiều lần thì  thói quen hành động sẽ được hình thành mỗi khi gợi ý xuất hiện.  Giả sử như nhiều người có thói quen đi tập thể dục vào một thời điểm nhất định trong ngày như buổi sáng hoặc sau khi đi làm về (một gợi ý về thời gian) bởi vì họ được nhận một phần thưởng là sau khi tập xong, họ được nhận một phần thưởng là cơ thể tiết ra hoocmon Endorphins khiến họ cảm thấy sảng khoái. Người đọc có thể vận dụng phát hiện này để hỗ trợ mình trong việc hình thành thói quen mới. Tác giả còn chỉ ra các nhà quảng cáo vận dụng nguyên tắc này để thay đổi thói quen của người tiêu dùng như cách các hãng kem đánh răng định hướng người dùng tạo thói quen đánh răng vào mỗi buổi sáng chẳng hạn.

Phần hai tác giả xem xét thói quen của những công ty và tổ chức đã thành công. Tác giả phát hiện ra rằng đa phần hoạt động của một tổ chức đều được tạo ra do những lề thói đã được hình thành trong một khoảng thời gian dài. Tác giả sẽ đưa ra ví dụ về cách các công ty như Starbucks đào tạo nhân viên thói quen đối xử chuyên nghiệp với khách hàng ngày cả khi họ đang tức giận như thế nào hay một công ty sản xuất nhôm thường xuyên sảy ra tai nạn đã biến những quy định về an toàn lao động trở thành bản năng của công nhân ra sao.

Phần ba tác giả nói về các thói quen xã hội. Tác giả tìm hiểu xem những thói quen xã hội dẫn đến những cuộc biểu tình như cuộc vận động quyền dân chủ của Martin Luther King năm 1963. Phần này tác giả phân tích khá chung chung, gây cảm giác khó hiểu cho người đọc.

So với những cuốn sách tâm lí khác thì cuốn sách này đã tạo một bước đột phá mới của khoa học trong việc tìm hiểu sâu hơn về thói quen của con người. Cuốn sách chỉ ra cách thói quen hình thành và cách vận dụng dựa trên vòng lặp của thói quen là “gợi ý – hành động – phần thưởng”. Với rất nhiều những kết quả thực nghiệm và ví dụ thực tế tạo cho nội dung cuốn sách thêm gần gũi, sinh động mà không bị nhàm chán bởi những lí thuyết khoa học đơn thuần.

Bên cạnh những điểm tốt, cuốn sách còn một điểm hạn chể rằng nội dung thiên hơi nhiều về phân tích và lí giải các hiện tượng mà chưa đi sâu vào cách vận dụng cơ sở khoa học để tạo thói quen mới. Trong phần vòng lặp thói quen, tác giả chưa đi sâu vào cách vận dụng sao cho hiệu quả. Phần hai và phần ba của cuốn sách còn khá phân tích khá chung chung, chưa nêu cụ thể cách áp dụng hiệu quả cho người đọc.

Tại sao những người biết công thức này vẫn thất bại trong việc hình thành thói quen mới?

Một phần là do họ muốn thay đổi quá nhiều thói quen trong một lúc hoặc vận dụng quá nhiều ý chí trong việc hình thành thói quen mới khiến họ cảm thấy mệt mỏi và từ bỏ. Độc giả có thể tìm hiểu về cách tạo dựng những thói quen nhỏ (Tên tiếng anh là Tiny habits) của tiến sĩ BJ Fogg – người có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về hành vi của con người ở đại học Stanford –  để giúp bản thân tạo thói quen mới một cách dễ dàng hơn. Dù sao thì đây vẫn là một trong những cuốn sách hay nhất về cách thay đổi hành vi của mỗi cá nhân và tổ chức mà bạn độc không thể bỏ qua.

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

685 lượt xem