Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sách Tâm Lý Hay Nên Đọc: Trong Chớp Mắt (Malcom Gladwell)

Theo bạn, liệu khi ra quyết định chúng ta nên tin theo trực giác hay dựa trên lí trí cùng những phân tích kĩ càng?

Đáp án rõ ràng là không có bất kì một phương pháp nào chắc chắn đúng trong mọi trường hợp cả.

Trong cuốn sách tâm lí học nổi tiếng “Trong chớp mắt”, tác giả Malcolm Gladwell giúp chúng ta hiểu hơn về việc ra quyết định dựa trên trực giác là như thế nào.

Tại sao có những người quyết định dựa trên trực giác một cách nhanh chóng và sáng suốt, trong khi đó những người khác lại phải cần rất nhiều thời gian phân tích, suy ngẫm mà vẫn đưa ra những quyết định sai lầm? Khi nào thì chúng ta nên tin và nghe theo trực giác? Liệu rằng trong những tình huống căng thẳng có tính chất sống còn thì việc dựa theo các quyết định cảm tính có còn chính xác nữa không?”

Trong chớp mắt là một cuốn sách viết về sức mạnh của việc nghĩ mà không cần suy nghĩ.Ngay phần giới thiệu, Malcolm Gladwell đã đưa ra một tình huống đặc biệt. Một bức tượng cổ đã được cả một hội đồng khoa học gồm rất nhiều chuyên gia hàng đầu của một bảo tàng ở Mỹ khẳng định chắc chắn là thật nhưng cuối cùng được phát hiện là đồ giả mạo. Không phải bằng các thiết bị tối tân mà chỉ bằng một thoáng nhìn kéo dài 2 giây của một số chuyên gia khi họ có dịp thăm bảo tàng. Như vậy chỉ cần 2 giây, họ có thể nắm rõ được bản chất bên trong của bức tượng hơn cả một đội ngũ chuyên gia của bảo tàng đã nghiên cứu bức tượng trong 14 tháng.

Chuyện gì đã sảy ra trong não bộ của chúng ta trong vòng 2 giây đó vậy? Làm sao mà các chuyên gia có thể đưa ra một quyết định đúng đắn như vậy chỉ đơn giản bằng cái nhìn liếc qua? Một điều thú vị là ngay cả những người trong cuộc, họ cũng không giải thích được suy nghĩ của chính mình. Họ chỉ cảm thấy nó “mới”, “có một làn sóng chạy dọc cơ thể” hay tự nhiên thốt ra câu “tôi rất tiếc về điều đó” sau khi nghe bảo tàng nói sẽ mua lại bức tượng mặc dù rằng đây mới chỉ là lần đầu tiên họ nhìn thấy nó.

Tại sao lại vậy?

Tác giả cho rằng não bộ của mỗi người sở hữu một bộ vi xử lí cực mạnh, có khả năng xử lí một lượng lớn thông tin trong một thời gian rất ngắn để đưa ra những quyết định nhanh chóng gọi là tiềm thức thích nghi. Khác với nhận thức xử lí mọi thông tin thu thập được, tiềm thức thích nghi chỉ tập trung vào những thông tin quan trọng và loại bỏ những thông tin không liên quan. Do đó, việc ra quyết định dựa trên trực giác sẽ nhanh chóng và sáng suốt hơn rất nhiều so với nhận thức trong một số trường hợp.

 

Vậy việc quyết định theo lối vô thức dựa trên tiềm thức thích nghi thực sự có sức mạnh như thế nào? Trong cuốn sách, tác giả đưa ra rất nhiều những ví dụ minh họa sống động. Chẳng hạn, nếu bạn học ở một trường đại học, mất bao lâu để bạn có thể đánh giá được trình độ của một giảng viên? Sau một buổi học? Hai buổi? Hay là phải cần tới cả một học kì? Một lần, chuyên gia tâm lí Nalini Ambady đã cho các sinh viên xem một cuộn băng video dài 10 giây về một giảng viên (đã cắt bỏ phần âm thanh), bà nhận ra rằng những sinh viên này không gặp khó khăn nào cả về khả năng gây ấn tượng của giảng viên đó. Sau đó, Ambady cắt bớt đoạn băng và cho chiếu lại đoạn băng chỉ còn thời lượng năm giây nhưng những sinh viên vẫn không thay đổi.

Thậm chí chỉ khi được xem cuộn băng trong hai giây thì ý kiến của họ vẫn kiên định như trước. Sau đó Ambaby đem những đánh giá được thực hiện trong thời gian ngắn này so sánh với nhận xét của các sinh viên đã trải qua cả khóa học do giảng viên đó giảng dạy và bà nhận ra về cơ bản các đánh giá và nhận xét đều giống nhau. Như vậy một sinh viên xem đoạn phim câm dài hai giây về một giảng viên chưa từng gặp mặt cũng sẽ có kết luận tương tự như của sinh viên đã ngồi trong lớp của giảng viên đó trọn vẹn cả khóa học. Đây chính là sức mạnh của tiềm thức thích nghi trong mỗi con người.

Ngoài ra, đọc cuốn sách chúng ta sẽ thấy rằng trực giác đưa ra những quyết định chớp nhoáng nhưng vô cùng chính xác chỉ dựa trên những “lát cắt mỏng” – những mẩu thông tin quan trọng. Chẳng hạn, chuyên gia tâm lí John Gottman chỉ cần phân tích vài phút cuộc trò chuyện giữa các cặp vợ chồng là có thể dự đoán chính xác đến 95% khả năng li dị của họ trong tương lai hay một huấn luyện viên quần vợt có thể dự đoán chính xác cú đánh bóng lỗi của vận động viên ngay trước khi quả bóng chạm vào vượt mà không giải thích được là tại sao. Đôi khi, chúng ta cũng thấy khó hiểu bản thân khi mà gặp một ai đó xa lạ trong vòng vài giây, chúng ta lại có cảm tình và muốn hẹn hò với họ mặc dù đó chưa hẳn là mẫu người yêu lí tưởng của mình.

Tác giả cũng giải thích những định kiến trong tiềm thức ảnh hưởng đến việc ra quyết định của chúng ta như thế nào. Những ví dụ điển hình được ông khơi gợi và mổ xẻ dưới con mắt của một nhà tâm lý ứng dụng rất đáng đọc và suy ngẫm. Từ những hiện thực trong lịch sử như việc Warren Harding trở thành Tổng thống Mỹ là một sai lầm điển hình của hình thức ưa nhìn, phong thái lịch lãm và đẹp trai của một ứng viên tổng thống đã làm lu mờ khả năng chính trị của các đối thủ khác, đến những sai lầm của các cảnh sát khi nhầm lẫn giữa một người đang sợ hãi với một tên tội phạm nguy hiểm, giải thích tại sao chiến dịch “New Coke” của Cocca đã thất bại thảm hại như thế nào trong khi các cuộc thử nghiệm trước đó cho thấy lượng người dùng ủng hộ hơn 6 -8% so với Pepsi…

Chắc chắn rằng, sau khi đọc cuốn sách, bên cạnh những cảm xúc bất ngờ, tò mò trong việc khám phá ra khả năng quyết định kì diệu của trực giác, chúng ta sẽ hiểu hơn về bản thân mình và đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn. Chúng ta sẽ ngạc nhiên với khả năng suy nghĩ của chính mình.

Theo bạn, liệu khi ra quyết định chúng ta nên tin theo trực giác hay dựa trên lí trí cùng những  phân tích kĩ càng? 

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

447 lượt xem