Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sai Lầm Thường Gặp Khi Bạn Đưa Ra Lời Khuyên

Mỗi người đều có ý kiến của riêng mình và sẵn sàng chia sẻ ý kiến đó, nhất là trên Internet. Và không chỉ chia sẻ, thông thường ta còn tự tin hơn bao giờ hết rằng mình đúng.

Vì vậy tôi muốn đưa ra 6 nguyên tắc cơ bản về cách đưa ra lời khuyên cho người khác.

1) Chắc rằng đối phương thật sự muốn nhận lời khuyên

Không có lời khuyên nào tệ hơn lời khuyên “không mời”. Không ai dễ bị lờ đi hơn một người tọc mạch biết tuốt. Hãy chắc rằng người mà bạn đang cố giúp đỡ thật sự đang tìm kiếm sự giúp đỡ, bằng không bạn sẽ bị coi là thích “dạy đời” người khác.

2) Biết rõ mình đang nói gì

Sai lầm lớn thứ hai trong việc khuyên bảo người khác là cho họ lời khuyên mà bạn chưa áp dụng. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm nhưng cảm thấy mình có những lời khuyên hữu ích, thì hãy luôn bắt đầu bằng cách nói: “Tôi chưa từng gặp vấn đề này, nhưng theo ý tôi thì…” hoặc những câu tương tự trước khi đưa ra lời khuyên.

3) Đứng trên lập trường của đối phương

Nhiều người trong chúng ta khó có thể đặt bản thân vào vị trí của đối phương để suy xét. Ta có xu hướng áp đặt các vấn đề và thành công của mình lên người khác dù hoàn cảnh của ta không hẳn giống hoàn cảnh của họ. Việc đưa ra lời khuyên dựa trên những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của bản thân chứ không phải của đối phương vừa không hiệu quả vừa rất vô duyên.

4) Tránh phân tích tâm lý

Đây dường như là lỗi phổ biến trong các diễn đàn phát triển bản thân và hẹn hò. Tình huống tệ nhất là dù bạn đúng đi chăng nữa thì bạn vẫn chẳng giúp được ai cả. Cách nhanh nhất để làm cho ai đó bực tức và khép lòng là cố nói cho họ biết bản chất của họ như thế nào, tại sao họ có những suy nghĩ như vậy, tại sao họ mắc lỗi, vân vân. Mọi chuyện sẽ chỉ tệ hơn khi bạn bắt đầu giả định về tính cách, cuộc sống hay quá khứ của đối phương.

Tình huống này liên quan đến việc đặt bản thân vào vị trí của đối phương, nhưng chỉ vì bạn nhìn ra vấn đề không có nghĩa là bạn phải khắc phục vấn đề. Nếu ai đó có thái độ tiêu cực và nghĩ rằng cả thế giới đang chống lại họ, thì việc nói với họ rằng họ có thái độ tiêu cực chẳng giúp ích được gì. Họ sẽ nghĩ rằng bạn đang hạ thấp họ và bạn cũng thuộc nhóm người đang chống lại họ. Cách tốt nhất là đặt bản thân vào vị trí của đối phương và trả lời câu hỏi của họ theo cách đơn giản nhất có thể.

Đây là cái bẫy tôi hay rơi vào nhất khi đưa ra lời khuyên và dễ khiến người khác không coi trọng lời nói của tôi. Một điều hữu ích cần nhớ là khi người khác đang tìm kiếm những lời khuyên cụ thể theo tư duy và quan điểm của họ, thì kiểu lời khuyên này (được diễn đạt một cách phù hợp) sẽ có ích. Nhưng xin nhắc lại, nếu họ không đi tìm lời khuyên thì kiểu lời khuyên này sẽ không đem lại hiệu quả.

5) Phê bình hành động chứ không phải tính cách

Phân biệt giữa hành động của một người với chủ ý của họ là rất quan trọng. Mọi người rất thường làm những điều ngu ngốc vì các ý định tốt đẹp. Những ai trưởng thành trong gia đình có cha mẹ hay chỉ trích sẽ hiểu được cảm giác của người bị phán xét tính cách chỉ vì một lỗi lầm mà mình gây ra.

6) Người khác không nợ bạn điều gì cả

Chỉ vì bạn dành thời gian cho ai đó lời khuyên không có nghĩa là họ bắt buộc phải làm theo bạn hay phải biết ơn bạn. Rất nhiều lần (thường là trên các diễn đàn) tôi bắt gặp một người đưa ra lời khuyên thất vọng vì người khác không làm theo ý họ. Mọi người không có nghĩa vụ phải áp dụng lời khuyên của ta. Đó là cuộc đời của họ. Nếu những gì bạn nói liên quan đến họ, họ sẽ xác định ra và làm thử. Còn nếu không thì họ chẳng nợ bạn điều gì cả. Lời khuyên là một món quà. Và vì là quà nên lời khuyên cần được trao đi vô điều kiện.

Nói vậy tức là bạn có thể tiếp nhận lời khuyên trong bài viết này và áp dụng thử, hoặc bỏ qua nó. Lựa chọn là của bạn.

Chúc bạn luôn cho và nhận những lời khuyên giá trị.

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,313 lượt xem