Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

11 Tips Làm Cho Cuộc Sống Của Bạn Trở Nên Đầy Sáng Tạo

Bài viết sau đây được dịch từ chia sẻ trên trang ideas.ted.com của Elizabeth Gilbert, tác giả cuốn sách "Ăn, cầu nguyện, yêu".

 

Elizabeth Gilbert chia sẻ 11 cách suy nghĩ khôn ngoan về sáng tạo.

Sáng tạo là một từ khó giải thích. Những nhà tư vấn rao bán nó, các nhãn hàng hứa hẹn nó, chúng ta đều cố gắng vì nó, trong khi chúng ta thường chẳng biết tí xíu gì về việc nó thật sự là gì. Nói đơn giản hơn, có rất nhiều những nhận thức sai lầm về sự sáng tạo. Nhưng ngay bây giờ tác giả Elizabet Gilbert (TED Talk, Thiên tài sáng tạo khó nắm bắt của bạn) sẽ nhanh chóng trình bày về chủ đề này bằng một cách tiếp cận mới lạ. Với cô, chúng ta đều là những linh hồn đầy sáng tạo, chúng ta chỉ cần tìm ra cách vận dụng những nguồn cảm hứng và giải phóng tinh thần sáng tạo tiềm ẩn bên trong. Ở đây, cô ấy sẽ chia sẻ những lời khuyên hữu ích nhất để sống một cuộc đời sáng tạo có ích.

 

 1.Nếu bạn còn sống, bạn là một người sáng tạo.

Đã bao nhiêu lần bạn nghe người nào đó bảo rằng: “Tôi chẳng có cái xương sáng tạo nào trong cơ thể đâu”, cứ như thể ai đó đã trao cho người đó một tấm bảng như thế từ năm chín tuổi, và người đó cứ đeo nó ở cổ mãi đến bây giờ. Nhưng thay vì thách thức họ về điều đó, bởi vì họ sẽ không chịu thay đổi, tôi yêu cầu họ bỏ từ “sáng tạo” ra khỏi câu nói và thay vào đó từ “tò mò”. Bây giờ thì hãy xem câu này nghe vớ vẩn thế nào. Nếu bạn có thể thả lỏng bản thân khỏi những lo ngại và gánh nặng, những điều có lẽ đi đôi với từ “sáng tạo”, bởi vì bạn đang rơi vào sự tưởng tượng rằng sáng tạo chỉ thuộc về một cái gì đó đặc biệt, một cái gì đó thật khổ ải và chuyên nghiệp, và sau đó, bạn thay "sáng tạo" bằng từ “tò mò”, bạn sẽ thấy, thật ra, bạn là một người cực kì sáng tạo, bởi vì mọi sự sáng tạo đều bắt nguồn từ sự tò mò. Và một khi bạn đã tận dụng sự tò mò và cho phép bản thân mình đi theo nó đến mọi nơi mà nó dẫn bạn đến, bạn sẽ rất nhanh chóng nhận ra rằng bạn đang sống một cuộc sống sáng tạo hơn cuộc sống của bạn vào năm ngoái.

 

2. Bạn không phải là thiên tài, bạn sở hữu một thiên tài.

Một cách suy nghĩ thần kì mà tôi sử dụng để gắn với sự sáng tạo là ý tưởng rằng nguồn cảm hứng không bắt nguồn từ tôi, mà nó đến với tôi. Và lý do tôi chọn để tin tưởng điều đó là vì, thứ nhất, tôi cảm thấy như thế và thứ hai, đó là cách mà rất nhiều người trước Thời kì Khai sáng đã mô tả về cảm hứng. Thậm chí những người thật sự lý trí và khoa học cũng sẽ nói: “Và rồi ý tưởng này đến với tôi”. Họ sẽ sử dụng từ ngữ đó, mặc dù nếu bạn định ép họ nói ra điều đó, họ sẽ từ chối và sẽ chỉ cho bạn ý tưởng đó xuất phát từ phần nào của võ não. Nói cách khác, họ sẽ làm tan nát cái suy nghĩ “ý tưởng đến với tôi” và họ sẽ giải thích nó theo cách siêu chán thay vì theo kiểu Hogwarts, và tôi thích giữ nó theo kiểu Hogwarts bởi vì tôi nhận rằng trong cuộc sống chúng ta, nơi an toàn và có ích nhất để có những tư duy diệu kì chỉ có thể là trong lãnh thổ của sự sáng tạo.

 

3. Chế tạo vài thứ, làm vài thứ, làm mọi thứ.

Nếu bạn sở hữu một bộ óc sáng tạo, nó sẽ giống như việc bạn sở hữu một chú chó thuộc giống Border Collie. Bạn phải cho chú vài thứ để làm hoặc chú sẽ tự tìm lấy vài thứ để làm, và bạn sẽ không thích những thứ chú chó của bạn tự làm đâu. Vậy nên nếu bạn đi làm và để chú chó Border Collie của mình không được trông nom và vận động trong căn hộ của bạn, bạn sẽ về nhà và phát hiện ra rằng chú chó của mình tự tìm việc mà làm, và cái việc chú đã làm có thể sẽ là lôi hết ruột của chiếc đi-văng hay lôi ra toàn bộ giấy trên cuộn giấy vệ sinh chỉ vì chú ta cần một công việc. Một bộ não sáng tạo cũng giống như vậy. Kinh nghiệm của tôi trong việc có một bộ óc sáng tạo là nếu tôi không cho nó một công việc nào đó, một quả bóng để đuổi theo, một cái gậy để nhặt lấy, một vài con vịt để chăn giữ, tôi không biết đâu, có một thứ gì đó sẽ tự động bật lên. Việc để chú chó này chạy nhảy là một điều quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của tôi. Cho nên hãy cho chú chó của bạn một công việc, đừng lo nghĩ về việc liệu kết quả nó mang lại có vĩ đại hoặc trường tồn hay không, hoặc nó có thay đổi cuộc đời của mọi người, thay đổi thế giới, thay đổi bạn hay không, hoặc việc nó có phải là nguyên bản, nó đột phá, hay có thể bán được hay không. Chỉ cần cho chú chó một công việc, và cuộc đời bạn sẽ hạnh phúc hơn nhiều mà chẳng cần biết đến kết quả sẽ ra sao.

 

4. Thôi phàn nàn và bắt đầu làm việc.

Bạn sẽ chẳng bao giờ nghe ai phàn nàn nhiều hơn những người sống trong lĩnh vực sáng tạo đâu. Họ là những đứa trẻ hay càu nhàu và ác ý nhất mà bạn từng gặp phải. Và cảm giác về quyền lợi và sự đau khổ phát ra từ miệng những người này làm tôi phát điên. Bạn cố gắng dành cả đời mình để gắn liền với việc sử dụng khả năng tối cao của bộ não con người, và bây giờ bạn muốn lảm nhảm phàn nàn về nó? Im đi! Chẳng ai bắt bạn phải làm điều đó đâu. Hành động như thể bạn đang chịu đựng gánh nặng bởi năng khiếu của mình, gánh nặng bởi tài năng của mình và như thể bạn mệt hết hơi vì sự cố gắng để sáng tạo của mình, như thể bạn bị ép buộc phải làm nó bởi một gã độc tài ác quỷ nào đó chứ không phải ý muốn của chính mình nghe thật nực cười. Và cuối cùng, tệ hơn tất thảy, bạn đang dọa cho cảm hứng chạy mất. Cảm hứng, như tất cả chúng ta, cũng muốn được yêu thương và được trân trọng, và nếu nó nghe thấy bạn nói rằng nó đang hủy hoại cuộc đời bạn nhiều như thế nào, nó sẽ biến đi nơi khác. Vậy nên mỗi lần tôi nghe những người sáng tạo phàn nàn về việc công việc của họ giống như bãi chiến trường, và họ đã hi sinh quá nhiều cho công việc ra sao, và công việc của họ tệ hại đến mức nào, tôi luôn muốn thì thầm với nguồn cảm hứng của họ rằng: “Này, nếu cậu phát ngán với cô ta thì hãy tới chỗ tớ đi!”

 

5. Thất vọng không làm gián đoạn quá trình, nó quá trình.

Tôi đã từng xem rất nhiều những người tài năng, sáng tạo và có nhiều sáng kiến giận dữ với công việc của họ, hoặc tệ hơn là ngừng làm việc bởi sự thất vọng mà họ gặp phải trên con đường cố gắng sáng tạo ra điều gì đó. Họ nói về sự tuyệt vọng này như thể nó là một vật cản đến từ vũ trụ và phá hoại mọi thứ. Tất cả những gì họ muốn làm là trở nên thật sáng tạo, và thất vọng ập đến, lấy hết mọi thú vui, khiến công việc trở nên không thể thực hiện được và phá hủy toàn bộ cuộc chơi. Và cảm giác của tôi là “Này các bạn, các bạn đang nhầm lần cả một quá trình, bởi vì thứ các bạn yêu thích làm, và thứ các bạn đam mê làm chính là khoảnh khắc trong quá trình sáng tạo, khi mà mọi thứ đang làm việc - tất cả các xi-lanh đang hoạt động hết công suất, và nguồn cảm hứng đang tuôn trào, và mọi thứ đều thật dễ dàng, thật vui, thật hân hoan”. Nhưng đó là một sai lầm. Cái khoảnh khắc của sự trơn tru, của sự may mắn dễ dàng ấy khi mà mọi thứ đều thật hoàn hảo, nó không bình thường. Đó là một phép màu hiếm có và chỉ xuất hiện khi bạn cực kì may mắn mà thôi. Sự thất vọng, phần công việc đầy khó khăn, những trở ngại, sự thiếu tự tin, những thách thức, và việc “Tôi không biết phải làm gì với thứ này bây giờ”, những điều đó là quá trình sáng tạo. Nếu bạn muốn thực hiện chúng mà không gặp bất kì trở ngại hay tuyệt vọng nào, thì bạn không hợp với công việc đó đâu.

 

6. Từ bỏ ảo tưởng về sự hoàn hảo

Sự hoàn hảo là cái chết của mọi điều tốt đẹp, cái chết của mọi niềm vui, cái chết của năng suất, của hiệu quả, của hân hoan. Sự hoàn hảo là cái dùi cui đi vòng quanh và ám sát mọi thứ tốt đẹp. Ai đó đã từng cho rằng tôi không thành thực khi nói về điều này, vì tôi chắc chắn rằng sẽ luôn hoàn thành công việc của mình tốt nhất có thể. Điều này thực ra rất chính xác - nhưng có một khác biệt rất lớn giữa “tốt nhất có thể” và sự hoàn hảo.

 

7. Bạn không thể chạy trốn nỗi sợ hãi, những hãy nhớ rằng sợ hãi rất buồn chán.

Đây là sự đối lập căn bản của tôi đối với giấc mơ nhiệm màu về sự không sợ hãi, cũng như nỗi thất vọng của tôi bất kể khi nào sự không sợ hãi được ca ngợi như một thứ đức tính. Tôi chỉ cảm thấy rằng đây là một trận chiến sai lầm. Bởi vì một điều, bạn sẽ không muốn thoát khỏi nỗi sợ hãi bởi vì bạn cần chúng để giữ mình còn sống. Chúng ta đều ở đây vì chúng ta đã có những nỗi sợ để giữ chúng ta tồn tại. Vậy nên thật là thiếu tôn trọng với sự sợ hãi nếu chúng ta nói rằng chúng ta muốn trở nên không lo sợ. Tuy nhiên, sợ hãi là phần xưa cũ nhất, sâu thẳm nhất và dễ thấy nhất trong đời sống tinh thần của chúng ta, và đó là lý do khiến nó thật nhàm chán. Nó thật đần độn. Nó chẳng có lấy một sắc thái nào. Vậy nên hãy chuyện trò với nỗi sợ của bạn khi nó vừa bắt đầu rộ lên trong lúc bạn đang cố làm điều gì đó sáng tạo, nói cho nó biết rằng: “Tôi đang cố viết một bài thơ, và sẽ chẳng có ai chết chóc gì ở đây cả!” Nhưng đừng cố phát động chiến tranh với nó, điều đó thật phí năng lượng. Chỉ cần chuyển hóa nỗi sợ và tiếp tục tiến lên.

 

8. Nếu điều gì đó đủ chân thật, nó sẽ mang lại cảm giác độc đáo.

Tôi không phải là fan của sự khát vọng làm điều gì đó độc đáo. Thứ nhất, điều đó tạo ra một nỗi lo sợ cực kì lớn, và thứ hai, đó là một khát vọng bất khả thi, bởi vì chẳng có cái gì là tác phẩm độc đáo nguyên bản cả. Nếu bạn cho tôi xem một tác phẩm mĩ thuật được quảng bá rằng hoàn toàn độc đáo, tôi sẽ đem đến mười học giả và nhà phê bình, những người sẽ nhìn vào tác phẩm ấy và nói cho bạn biết nguồn cảm hứng của người họa sĩ đến từ đâu, người ấy đã đọc những tác giả nào, đã xem tranh của những họa sĩ nào… Thật ra tôi thấy hứng thú với chuỗi cảm hứng hơn là bày tỏ sự tự kiêu của mình về tính nguyên bản. Cách duy nhất mà bạn có thể sáng tạo ra tác phẩm của chính mình, chính là mang theo sự khiêm tốn, thật nhiều chân thành và một sự tò mò to lớn trên con đường theo đuổi những câu hỏi của mình, hãy đi đến nơi chúng dẫn bạn đến, và hãy tin tưởng vào mọi điều bạn tìm được, rồi bạn sẽ cảm thấy tác phẩm của mình trở nên độc đáo. Khi những người khác có lẽ đã làm những việc giống nhau, bạn chưa làm việc đó, nhưng ngay khi bạn bắt đầu làm và bạn in dấu ấn cá nhân của mình lên công việc ấy, nó sẽ, bằng tất cả mọi quyền mà nó có, mang lại cảm giác độc đáo, miễn là nó được xuất phát từ chính trái tim bạn.

 

9. Nếu bạn làm về nghệ thuật, bạn không cần phải tốt nghiệp cao học.

Thật ra, hãy để tôi diễn đạt lại: Nếu bạn làm về nghệ thuật, bạn không nhất thiết phải nợ nần. Sự thật là, một khoản nợ là cái thứ chết tiệt cuối cùng mà bạn cần có. Vậy nên tôi không quan tâm đến việc học viện ấy danh giá thế nào, không quan tâm việc các giáo sư xuất sắc ra sao, không quan tâm đến những điều họ hứa hẹn sẽ cho bạn; nếu họ đang cho bạn một khoản nợ, họ không phải đang giúp bạn đâu. Nếu bạn có thêm 100,000 đô la, bạn chẳng có chuyện gì để làm và muốn đi học ở trường đó, tôi đảm bảo với bạn rằng bạn sẽ có được những điều tuyệt vời hơn là kinh nghiệm, bởi vì những kinh nghiệm tuyệt diệu là điều buộc phải có ở trường rồi. Nếu họ cho bạn một hành trang đầy đủ, và nhà trường cho phép bạn đến đó học miễn phí, tôi nhắc lại lần nữa, đi học ngay! Tận hưởng nó, hãy nghĩ rằng bạn là một kẻ may mắn. Nhưng nếu họ nói với bạn: “Chúng tôi sẽ ban cho bạn cơ hội lớn lao để có được kho báu mà những giảng viên hàng đầu của chúng tôi chắc chắn sẽ mang đến cho bạn, nhưng trước tiên bạn phải đi đến ngân hàng và và vay 150,000 đô la để trở thành nhà thơ”, thì tôi sẽ nằm dài trước cửa ngân hàng đó để ngăn bạn lại. Tôi không thể nào năn nỉ cầu xin bạn rằng đừng làm thế. Tôi làm vậy không phải vì tôi chống đối lại các trường cao học, tôi làm vậy để chống đối lại các khoản nợ nần cho những con người muốn sống thật sáng tạo.

 

10. Lĩnh vực sáng tạo hướng đến những nghề nghiệp tào lao.

Người ta thường nói họ muốn làm một công việc sáng tạo, và rồi họ cố làm nó, và cuối cùng họ làm việc ở một nơi mà công việc họ làm không đủ sáng tạo để khuấy động tâm hồn họ, và nó cũng không phải là một nghề có thể giúp họ ổn định về mặt tài chính. Nói một cách khác, họ đang hi sinh cả hai. Suy nghĩ của tôi là, đừng cố bám lấy hai điều này, và hãy tách chúng ra. Hãy chọn cho bạn một nghề nghiệp sáng tạo, cố gắng tìm thứ có thể khiến tâm hồn bạn tràn đầy sinh khí khi bạn thực hiện nó và hãy tự mình làm công việc đó. Hãy làm điều đó bằng tất cả những phương tiện cần thiết, hoàn toàn đắm mình vào đó, và rồi sau đó tìm cách khác để thanh toán hóa đơn khí đốt. Khi tôi dần trở nên tiến bộ trong sự nghiệp viết lách của mình, tôi đã xác định rất sớm rằng tôi sẽ trở thành sếp của mình, bạn đời của mình, người cha ngọt ngào của mình và tôi sẽ không bao giờ đòi hỏi những điều tôi viết có thể chu cấp cho tôi bất kì điều gì, trừ một điều tôi biết nó chắc chắn sẽ mang lại cho tôi, đó là cảm giác hài lòng và vui sướng, và khiến tôi cảm thấy tôi không phải chỉ là một kẻ ngoài cuộc và là một kẻ tiêu dùng trong thế giới này.

 

11. Sự tò mò là chân lý và con đường đến lối sống sáng tạo.

Bất kể khi nào bạn được bảo là “hãy theo đuổi niềm đam mê của mình”, điều đó có thể nghe rất đáng sợ, và có thể rất mập mờ, bởi vì đôi khi đam mê là thứ không mấy rõ ràng, đôi khi đam mê bùng cháy mãnh liệt rồi tắt ngúm, đôi khi đam mê của bạn thay đổi, đôi khi vào một buổi sáng thứ ba buồn bã nào đó khi bạn không ngủ đủ giấc, ý tưởng về niềm đam mê của bạn trở nên xa tầm tay với đến mức bạn còn chẳng thể hình dung rằng mình sẽ đạt được nó. Nhưng khác với đam mê, sự tò mò là một nguồn năng lượng đáng tin cậy, kiên định, thân thiện và dễ tiếp cận, một nguồn năng lượng không bao giờ xa tầm với của bạn. Cái ngày mà bạn không thể nạo vét những mảnh nhỏ hứng thú còn sót lại trong bất kì một điều gì sẽ không bao giờ xảy ra, không cần biết sự hứng thú ấy khiêm tốn đến mức nào, không cần biết nó tầm thường đến thế nào, không cần biết nó chẳng liên quan gì đến những thứ bạn làm ra sao, không cần biết nó tùy hứng đến đâu. Đam mê đòi hỏi một sự cam kết đầy đủ từ bạn: bạn có thể sẽ cần phải li dị, cạo đầu, thay đổi tên tuổi, đi đến Nepal và xây dựng một trại trẻ mồ côi. Và có thể bạn không cần phải làm điều đó vào tuần này. Nhưng sự tò mò, trong khi đó, chẳng lấy gì từ bạn cả. Sự tò mò chỉ mang lại cho bạn, và tất cả mọi thứ nó mang lại cho bạn, là những manh mối, là một chủ đề tốt đẹp, là một dấu vết nhỏ nhoi từ một cuộc săn tìm để chứng minh rằng bạn là duy nhất trên thế giới này.

---------------------------------

Tác giả: Elizabeth Gilbert, nhà văn, tiểu thuyết gia

Link bài gốc: http://ideas.ted.com/fear-is-boring-and-other-tips-for-living-a-creative-life/

Dịch giả: Karla - YBOX.VN Translator

(*) Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Karla - Nguồn: YBOX.VN". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ:"Theo Ybox" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Trở thành dịch giả trên YBOX.VN, xem chi tiết tại đây: http://bit.ly/yboxtranslateteam

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,190 lượt xem