Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sự Tiến Hoá Của Lòng Vị Tha: Từ Thiện Để Làm Gì?

Chúng ta cổ vũ những hành động tử tế như hiến máu, dọn rác quanh bờ hồ, từ thiện cho trẻ em vùng cao. Dĩ nhiên là không chỉ ở nhân loại, sự tử tế còn có ở các loài động vật khác. Một vài người quyên góp vào các tổ chức từ thiện và cảm thấy hạnh phúc hơn như một kết quả tức thì của sự tử tế. Trong thế giới động vật, rất nhiều loài thể hiện sự tử tế bằng cách rút lui khỏi những cuộc ẩu đả bạo lực khi gặp mâu thuẫn. Thay vào đó chúng sử dụng các hình thức chiến đấu không gây tổn thương lẫn nhau như một hiệp ước giữa hai bên. Ví dụ như hai con cua đực đánh nhau để tranh giành một cái hang nhưng không bao giờ tấn công vào phần cơ thể với cái càng to của chúng, những con rắn chuông vật lộn nhưng không cắn nhau hay thậm chí loài hắc tinh tinh giúp đỡ lẫn nhau kể cả không được yêu cầu.

Những ích lợi mà sự tử tế mang lại thường rất rõ ràng. Nhưng động cơ để thực hiện các hành động tử tế lại mù mờ và kém thuyết phục. Trên thực tế, sự hiện diện của sự tử tế và vị tha lại trái ngược với thuyết tiến hóa của Darwin, dựa trên tính cạnh tranh của quá trình chọn lọc tự nhiên và kẻ phù hợp nhất sẽ sống sót. Ví dụ, những hành động quên mình để bảo vệ tổ trước mối nguy của các con kiến thợ là một trong những vấn đề khiến Darwin phải tự ngẫm lại và nói rằng đó là những hành vi “thật khó tin và là điểm trí mạng trong lí thuyết của tôi”.

Vậy những hành động tử tế đã tiến hóa như thế nào - và tại sao nó lại không bị xóa bỏ bởi chọn lọc tự nhiên? Rất nhiều nhà nghiên cứu đã vò đầu bứt tóc để trả lời câu hỏi này qua nhiều năm.

Lí giải sự tử tế

Với những tiến cận ban đầu, từ thời đại của Darwin cho tới tận những năm 1960, người ta đã cố giải thích sự tiến hóa của tử tế bằng giả thuyết cho rằng các cá thể sẽ hành động vì lợi ích của cả nhóm hoặc loài, bất chấp những hậu quả mà cá thể đó sẽ phải chịu. Giả thuyết “chọn lọc nhóm” này là lời giải thích duy nhất qua nhiều thế kỉ, nhưng vẫn gây ra nhiều hoài nghi. Làm thế nào mà một cộng đồng hợp tác, lại có thể sống sót tót hơn so với những loài có tính cạnh tranh cao và có khả năng tiến hóa trước?

Trong cuốn sách vô cùng nổi tiếng “Gen vị kỉ”, Richard Dawkins đã trả lời cho câu hỏi này bằng lí thuyết di truyền, theo đó, chọn lọc tự nhiên ủng hộ sự tử tế với những người thân họ hàng, những người trông giống chúng ta và có chung bộ gen với chúng ta. Giúp đỡ họ hàng là một cách để truyền lại các sao chép trong gen của chúng ta và nó có lợi cho người giúp đỡ tỉ lệ theo sự gần gũi với người được giúp đỡ.

Nhưng điều này không giải thích được sự tử tế với những người không có chung huyết thống. Vậy nên với những cá thể không có sự liên quan họ hàng, một thuyết khác đã được đặt lên hàng đầu. Lý thuyết “lòng vị tha lẫn nhau” bao gồm cả tư tưởng “Nếu mày đánh tao một cái thì mày cũng sẽ phải nhận lại” có thể là một chiến lược đôi bên cùng có lợi. Nếu hai cá thể đối xử tử tế lẫn nhua, thì sau đó họ sẽ thiết lập nên một mối quan hệ hợp tác. Trên thực tế, các cảm xúc xã hội như tội lỗi, biết ơn, đồng cảm đã tiến hóa để tránh việc chơi xấu cũng như lợi dụng lẫn nhau, tạo nên các quan hệ qua lại rất quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người.

Với những kẻ lạ mặt

Nhưng lí thuyết này không giải thích được sự tử tế với người lạ mà ta sẽ có thể không bao giờ gặp lại nhau trong đời. Trong những tương tác kiểu này, sự tử tế có thể được lan truyền một cách gián tiếp. Điều này diễn ra khi chúng ta quan sát được những người khác đối xử tốt với nhau và học theo điều đó. Những bằng chứng trong thế giới thực cho thấy người ta có khả năng giúp đỡ người lạ mặt nếu như trước đó họ đã từng chứng kiến những hành động tử tế khác. Kết quả là mọi người đều có động lực để xây dựng danh tiếng vì lòng tốt thông qua hành vi tử tế mà những người khác sẽ biết về. Danh tiếng như vậy có thể gợi lên lòng tốt từ người khác và mang lại lợi ích lâu dài.

Nhưng điều đó không giải thích được hành động tử tế ngay cả khi không có ai quan sát. Và có một ý tưởng về “hình phạt vị tha” đã được đề ra. Lý thuyết này nói rằng người ta có một bản năng muốn trừng phạt kẻ xấu hay những kẻ ích kỉ bằng cách bêu xấu hay chỉ trích. Đây là một hình phạt “vị tha” bời vì nó là tấm gương cho cộng đồng cũng như khiến người bị trừng phạt phải chịu hậu quả tức thì và cả nguy cơ bị trả thù.

Kết hợp tất cả lại với nhau, những lí thuyết này đã chứng minh rằng sự tử tế không hoàn toàn đi ngược lại lí thuyết của Darwin. Hành động tử tế là việc hoàn toàn có lí. Nhưng liệu nó có thực sự như biểu hiện bên ngoài của nó? Sự tử tế chỉ đơn thuần là một cách biểu hiện hành vi ngụy trang cẩn thận của ích kỷ? Vị tha liệu thực sự có tồn tại?

Trong khi cuộc tranh luận về triết học của sự tử tế vẫn đang diễn ra, chúng ta có thể yên tâm rằng, bất kể động lực, hành động của lòng nhân ái không chỉ cải thiện lợi ích của xã hội tmà còn làm cho những người vị tha cảm thấy tốt đẹp hơn.

Theo tramdoc.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

980 lượt xem