Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tác Giả Cuốn Sách “Những Điều Bạn Chưa Biết Về Trai Tây”: “Con Gái Việt Nữ Tính Một Cách Hấp Dẫn”

Bắt đầu quan tâm đến Việt Nam từ khi còn ở Úc, lúc đang yêu bạn gái Việt kiều, nhưng hai người chia tay do hiểu lầm nhau nên Cameron Shingleton cố gắng học tiếng Việt để thuyết phục người ấy quay lại. Tuy không được, nhưng anh càng học thích thú hơn, thậm chí còn đến Việt Nam sống và muốn ở lại luôn. Có lẽ cũng một phần vì chuyện tình buồn như thế mà “Những điều bạn chưa biết về trai Tây” viết về tình yêu giữa trai Tây-gái Việt ra đời.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn gửi gắm tình cảm đặc biệt của Cameron đối với Việt Nam, không phải kiểu bề nổi như “tôi thích nước này vì cảnh đẹp, người dân thân thiện hay thức ăn ngon”, mà đằm sâu hơn, thể hiện qua những chia sẻ chân thành, có châm biếm nhưng không hề quá lố, có chê bai nhưng hướng tới ý nghĩa tích cực, cùng với đó là niềm hy vọng rằng các cô gái Việt sẽ có được lựa chọn đúng hơn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc.

Cơ duyên hay lí do gì thôi thúc anh viết cuốn sách “Những điều bạn chưa biết về trai Tây”?

Sau khi ở Việt Nam được 2 năm, mình có viết một cuốn bằng tiếng Anh dành cho trai Tây, để giới thiệu về đất nước, văn hóa và cách suy nghĩ của người Việt. Bạn mình có góp ý là nên viết sách “đi ngược chiều” dành cho các cô gái Việt, chia sẻ về phong cách sống và lối suy nghĩ của trai Tây cũng như người phương Tây nói chung.

Thấy đó là ý kiến hay, mình bắt đầu viết nháp bằng tiếng Anh. Rồi khi viết được 2-3 tháng, có một người bạn khác lại khuyên nên tự tin lên, viết bằng tiếng Việt luôn để dễ tiếp cận với độc giả hơn chứ văn phong bằng tiếng Anh khá phức tạp, khó mà hiểu hết ý. Thế là cuốn “Những điều bạn chưa biết về trai Tây” ra đời!

Trong quá trình cho ra đời tác phẩm, anh có đi tìm hiểu thực tế nhiều hay chủ yếu dựa vào suy nghĩ, kinh nghiệm của bản thân mình?

Một phần là kinh nghiệm bản thân, mình đã có 2-3 mối quan hệ với con gái Việt, có cả yêu đơn phương lẫn song phương. Bên cạnh đó, mình có khá nhiều bạn người Việt, mà phần lớn là con gái. Một số trong đó đang hẹn hò/yêu đương với trai Tây hoặc cưới chồng Tây nên thường chia sẻ trải nghiệm tốt/xấu về mối quan hệ đó, rồi có chuyện muốn tìm hiểu nên hỏi ý kiến. Ngoài ra, vài bạn không hề có ý định quen trai Tây nhưng vẫn có quan điểm nhất định, mình đều phỏng vấn để khai thác nhiều góc nhìn khác nhau.

Sách chứa đựng các câu chuyện của những người mình tình cờ gặp gỡ, hoặc góc nhìn và trải nghiệm của chính trai Tây về đất nước Việt Nam. Bản thân mình đã học tiếng Việt được 5 năm nên thường xuyên đọc sách và nghiên cứu về văn hóa Việt. Mình rất thích xem chương trình “Vợ chồng son” và “Bạn muốn hẹn hò”, đây là nguồn thông tin hữu ích nếu muốn hiểu hơn cách nghĩ của người Việt về tình yêu và nhiều thứ liên quan. Đồng thời, mình viết cuốn sách này là cũng để trả lời cho câu hỏi “một người bạn Việt Nam tò mò muốn biết nhiều hơn về trai Tây và thế giới phương Tây nói chung thì cần quan tâm đến những điểm nào, đặc biệt là nếu muốn yêu trai Tây nghiêm túc thì nên và không nên làm gì”.

Anh thích con gái Việt ở điểm nào?

Nhiều cô…… đẹp muốn xỉu!

Các cô gái Việt nữ tính một cách rất hấp dẫn mà ở phương Tây hoặc ở Úc không có. Nhìn chung, gái Tây có xu hướng nam tính một chút, rất mạnh mẽ, họ muốn cạnh tranh với đàn ông quá mức (nhiều cô biết nhậu nhẹt còn hơn mình). Phụ nữ Việt không cạnh tranh như vậy, có nhưng một cách hòa nhã và tinh tế hơn, mà trong tiếng Việt có một câu rất hay: lạt mềm buộc chặt. Ngoài ra, nhiều cô gái Việt rất năng động, nhạy bén, cách suy nghĩ rất hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống (mềm mỏng, kiên nhẫn, biết hy sinh…)

Theo anh thì con gái Việt dễ hay khó cưa?

Đối với mình thì không dễ chút nào, chắc vì tâm lý hẹn hò khác nhau khá nhiều, và đó là lý do anh phải viết sách này để đôi bên có thể hiểu lòng nhau. Trong sách mình có nói về “bộ luật bất thành văn của việc hẹn hò với con gái Việt Nam” – 10 điều luôn! Phần lớn hơi khó hiểu với trai Tây, còn một số thì khó mà chấp nhận được.

Quan niệm về sự lãng mạn của trai Tây và gái Việt có nhiều điểm khác biệt

Ví dụ, thông thường lần đầu tiên trai Tây mời cô gái Việt đi cà phê, họ sẽ từ chối (mặc dù muốn đi) vì có thể muốn “chảnh” xíu hoặc kiểm tra xem đối phương thực sự có tình cảm hay không. Khi ấy, trai Tây không hiểu tâm lý nên cứ nghĩ bị từ chối là dấu hiệu cô ấy không thích mình, thế nên không theo đuổi nữa. Hay, mình gặp trường hợp mời một cô mà khi gặp lại dẫn theo cả nhóm bạn đến nên thấy khá sốc. Còn có chuyện phải “xin phép” trước khi quen, muốn bắt đầu mối quan hệ chính thức thì phải hỏi kiểu “Anh với em quen nhau được không?” “Em có muốn làm bạn gái anh không?” Ở phương Tây chẳng ai hỏi kiểu cách như vậy, hai người cứ đi bước tiếp theo khi sẵn sàng, thế thôi.

Theo anh, những quan điểm khác biệt của trai Tây về sắc đẹp và vẻ dễ thương của gái Việt là gì?

Thời gian đầu đến Việt Nam, mình đã thích một cô gái như thế này – hơi gầy, mũi thấp, không được cao. Tính cách cô ấy rất đẹp (chu đáo, suy nghĩ thấu đáo) nên mình thấy ngoại hình cũng đẹp kinh khủng luôn, đẹp đến mức còn khoe hình cho sinh viên coi. Thế nhưng, mình còn nhớ rõ phản ứng của mọi người: “Ủa sao thích cô gái xấu vậy”, khi ấy mình thấy rất khó chịu (khi đang thích một người nào đó, mình không chịu được khi người khác chê người ấy xấu).

Nhiều người Việt suy nghĩ về sắc đẹp theo kiểu này: tiêu chuẩn đẹp ở Việt Nam là ABC = da trắng, cao, mũi cao, thân hình mảnh dẻ; còn tiêu chuẩn của người Tây là DEF = da rám nắng, thấp hay cao cũng được, vẻ đẹp khỏe mạnh. Nhưng thực ra không phải thế, phương Tây không có tiêu chuẩn cố định mà rộng hơn nhiều, họ không chỉ thích DEF, mà cũng thích ABC và rất nhiều yếu tố khác nữa.

Ví dụ, ở bên Tây sẽ có một số đàn ông thích cô gái da vàng hoặc da ngăm đen và thân hình săn chắc – điều này đúng rồi, nhưng trai Tây cũng thích những cô nàng có làn da trắng trẻo và vóc dáng mảnh mai như kiểu người Việt thích. Hay, không phải trai Tây không thích phụ nữ cao và thon gọn, rõ ràng họ thích; nhưng họ CŨNG thích cô gái không được cao lắm, hơi mũm mĩm (ở phương Tây có kiểu đẹp “quá khổ”, một số đàn ông rất thích).

Dưới góc nhìn của người phương Tây, tiêu chuẩn của người Việt về sắc đẹp quá khắt khe và hẹp. Cameron thường tự hỏi tại sao phụ nữ Việt lại phải chạy theo những yếu tố mà đại đa số không có (chiều cao, mũi cao, vòng 1-3 khủng), để rồi dằn vặt bản thân cả đời, vô lý quá. Từ đó mới thấy một ưu điểm khi quen trai Tây là không cần tự ti gì cả.

Dễ thương là ưu điểm, nhưng làm quá thì không hiệu quả tí nào 

Về sự dễ thương. Trong sách, Cameron có đề cập dễ thương là một trong số những kiểu đẹp của phụ nữ (đẹp kiểu cổ điển, kiểu hơi nam tính, kiểu đẹp kỳ lạ, đẹp quá khổ…). Nhiều cô gái Việt sở hữu kiểu đẹp này: mặt hơi tròn, mũi hơi nhỏ, mắt khá to, cười duyên, vui tính, cởi mở… Vấn đề ở chỗ là cái dễ thương đang trở thành mốt ở Việt Nam ngày nay, được nhiều cô gái cố tình thổi phồng. Chương 13 của sách có ví “sự dễ thương được cố tình thổi phồng” là bánh bèo. Trai Tây cảm thấy sự cố tình dễ thương này con nít quá, chưa vị thành niên thì sao mà quen được, họ muốn quen cô gái chín chắn hơn.

Theo anh, rào cản lớn nhất giữa trai Tây và gái Việt là gì?

Theo mình là ngôn ngữ – hai người không có ngôn ngữ chung rất dễ dẫn đến hiểu lầm, cãi nhau, từ đó làm tổn thương nhau (cãi nhau mà không có ngôn ngữ chung thì khó giải quyết nữa). Đó là lý do Cameron viết trong sách, rằng cô gái muốn quen trai Tây thì phải nói tiếng Anh khá rành rồi, và ngược lại, trai Tây muốn quen gái Việt nghiêm túc phải học tiếng Việt hết mình, có ngôn ngữ chung thì tốt, hiểu tiếng mẹ đẻ của nhau còn tốt hơn nhiều. Với mình, hiểu được tiếng mẹ đẻ của người yêu/vợ là cách để hiểu tâm hồn của đối phương, tránh được các vấn đề về sau. Về lâu dài, nếu cưới vợ Việt mà không biết tiếng Việt, còn vợ chỉ biết tiếng Anh sơ sơ thì dễ có cảm giác cô đơn bởi bạn đời không hiểu được lòng mình.

Nếu không biết tiếng Việt mà muốn lấy vợ Việt thì khó mà “qua cửa” các bậc phụ huynh đấy!

Theo anh, trai Tây có “chung thuỷ” hơn trai Việt ko?

Trong sách, Cameron có nói trai Tây trung bình chung thủy hơn một chút, nhưng không có nghĩa là ít trai Việt chung thủy với vợ/người yêu và trai Tây nào cũng chung thủy cả. Ở đây mình có thể liệt kê ra vài lý do:

Theo mình quan sát và tìm hiểu, phụ nữ Việt sẵn sàng duy trì hôn nhân cả khi bắt gặp chồng/người yêu ngoại tình, đàn ông Việt biết vợ mình sẽ phớt lờ hoặc tha thứ thì càng thoải mái hơn. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt cứ nghĩ mình phải biết chịu đựng, phải hy sinh hạnh phúc của mình vì con cái/gia đình/dư luận thì mới là người mẹ tốt, hay không dám để hôn nhân đổ vỡ vì sợ không đủ sức gánh vác trách nhiệm nuôi con một mình.

Ngoài ra, người Việt không được giáo dục một cách đầy đủ về giới tính nên nhiều cặp vợ chồng không biết cách để làm bản thân mình lẫn bạn đời thăng hoa trong chuyện ấy. Khi ấy, người đàn ông có xu hướng tìm người khác để “thỏa mãn nhu cầu”.

Đồng thời, xã hội vẫn còn quan niệm đàn ông ngoại tình chẳng tốt lành gì nhưng vẫn tha thứ được, còn phụ nữ mà như vậy là trọng tội, không thể chấp nhận được, như người ta truyền miệng “Đàn ông ngoại tình vì sinh lý, còn phụ nữ ngoại tình vì tình yêu”. Ở phương Tây người ta suy nghĩ bình đẳng hơn: tôi là đàn ông, tôi muốn vợ/người yêu chung thủy với mình thì tôi cũng nhất định phải chung thủy với họ, như họ. Ko có chuyện “đàn ông ngoại tình là dễ hiểu, phụ nữ ngoại tình là hư hỏng”

NHƯNG, có một số lý do khiến trai Tây bớt chung thủy khi đến Việt Nam. Ở đây, họ nhân được nhiều sự chú ý, đặc biệt là từ phía phụ nữ, do đó trở nên lăng nhăng, tự mãn, không còn chung thủy như ở nước nhà, đổi bạn gái thường xuyên. Nói đúng hơn, trai Tây nhìn chung chung thủy hơn trai Việt một chút nhưng chỉ ở nước họ mà thôi, còn ở Việt Nam quá nhiều cám dỗ nên không còn chung thủy như phụ nữ Việt tưởng.

Với các cô gái Việt, việc thẳng thắn đưa ra các quan điểm thường bị gán cho nhãn là “mạnh mẽ, cá tính”. Anh nghĩ gì về chuyện này?

Theo mình, kiểu phụ nữ Việt mạnh mẽ, cá tính, thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình RẤT HỢP với trai Tây. Chuyện này liên quan đến sự khác biệt khá lớn trong văn hóa hẹn hò giữa phương Tây và Việt Nam. Trai Tây và gái Tây nếu tinh tế thì khi hẹn hò dù có đưa ra ý kiến riêng, rồi bất đồng quan điểm đều có thể bàn bạc, từ đó khiến cho cuộc gặp trở nên thú vị hơn.

Còn ở Việt Nam thì sao? Phần lớn trai Việt sẽ thấy một người con gái tự tin bày tỏ ý kiến, đặc biệt khi hai người đang hẹn hò, là không được bình thường cho lắm. Còn phần lớn phụ nữ Việt lại thích được đàn ông nuông chiều và bảo vệ, muốn lúc nào đối phương cũng phải nhường nhịn bất kể đúng sai, xem mình là người rất đặc biệt – kiểu đàn ông này tiếng Anh gọi là “yes man”, tức là chỉ biết vâng lời bạn gái, chỉ biết làm theo ý bạn gái, khi hẹn hò sẽ tránh bất cứ điều gì có thể gây tranh cãi nên hầu như không tranh luận.

Trong mắt trai Tây, con gái không biết hay không thích bày tỏ ý kiến có vẻ hơi nhạt nhẽo. Nếu bạn nào muốn quen trai Tây thì… mạnh mẽ lên! Tự tin đưa ra quan điểm của mình sẽ giúp bản thân cuốn hút hơn rất nhiều.

Có người đã đùa rằng đọc cuốn sách này xong sẽ biết được cách “tán trai Tây”. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Cameron hy vọng là như vậy. Nhưng mình có một thắc mắc, từ “tán” trong tiếng Việt có ý nghĩa hơi tiêu cực – có đúng không? Tiếng Việt có nhiều từ đồng nghĩa như tán tỉnhcuatheo đuổiđeo đuổitấn công – phần lớn những từ này có ý nghĩa hơi xấu, thường chỉ dành cho con trai. Tiếng Anh có một từ rất hay “flirt” – mang nghĩa trung tính hơn, tức là có thể mang nghĩa tốt hoặc xấu tùy vào tình huống, và dành cho cả hai phái. Một người biết “flirt” là họ biết hấp dẫn người khác phái bằng cách nói chuyện, cư xử và phong cách của mình. Một người đàn ông “flirt” với phụ nữ chẳng có gì không đàng hoàng, còn phụ nữ mà “flirt” với anh chàng nào đó cũng không hề dễ dãi.

Cameron hy vọng cuốn sách của mình sẽ giúp con gái Việt “flirt” với trai Tây theo nghĩa tích cực, tức là đủ tự tin bắt chuyện, nói chuyện một cách cuốn hút và thoải mái đưa ra quan điểm cũng như bày tỏ tình cảm của mình, đồng thời đủ bản lĩnh để nhận ra những kẻ không ra gì và từ chối dứt khoát.

Ở Việt Nam, việc lệch tuổi của các cặp tình nhân, hoặc vợ chồng (older woman – tức người phụ nữ lớn tuổi hơn) thỉnh thoảng gây bối rối cho người trong cuộc (lẫn khó hiểu cho người ngoài cuộc); có hẳn một cụm từ là “phi công trẻ lái máy bay bà già” để chỉ về việc này. Còn đàn ông phương Tây quan niệm thế nào?

Quan niệm của người phương Tây khác hẳn, mối quan hệ lệch tuổi chẳng có gì to tát. Phụ nữ lớn tuổi hơn người yêu/chồng mình 3 hay 5 năm là hết sức bình thường, còn nếu lệch 10 thậm chí 20 năm như vợ chồng Tổng thống Pháp đi chăng nữa thì cũng là chuyện riêng của hai người trong cuộc thôi, người ngoài cuộc không quan tâm nhiều.

Người Tây có thái độ thoáng hơn về tình yêu, sắc đẹp và tuổi tác. Hai người trưởng thành có thể quyết định yêu nhau, tuổi tác không quan trọng lắm, dù lệch tuổi nhau nhiều thế nào cũng vậy. Hơn nữa, với họ, phụ nữ ở từng độ tuổi khác nhau có nét đẹp riêng, trái ngược với cách nghĩ rằng sắc đẹp của phụ nữ sẽ phai tàn sau 30 tuổi hoặc sau khi sinh con của người Việt. Thậm chí một số anh còn thích/hướng tới đối tượng lớn tuổi hơn mình nữa.

Anh nghĩ đàn ông Việt sẽ cảm thấy như thế nào nếu đọc cuốn sách này?

Các biên tập viên của nhà xuất bản lo lắng rằng sẽ có anti-fans là đàn ông Việt, nhưng cuối cùng lại không có. Chắc có lẽ vì phần lớn đàn ông Việt không quan tâm đến sách vì nghĩ sách của anh chỉ dành cho con gái mà thôi. Hoặc, vài người nếu thích đọc sách này sẽ đồng ý với Cameron là nếu muốn có mối quan hệ hạnh phúc thì đàn ông Việt nên bớt nhậu, bớt gia trưởng, bớt ăn to nói lớn và cư xử với người yêu/vợ như người ngang hàng. Đồng thời, họ cũng nên giữ và phát huy những tính cách tốt như biết hy sinh trong tình yêu, theo đuổi kiên trì, ga-lăng kiểu Việt với người con gái họ yêu.

Trong cuốn sách, Cameron có chia sẻ khá nhiều điểm tốt nhưng cũng lộ ra nhiều điểm xấu. Hy vọng các đấng mày râu Việt có thể chấp nhận hoặc nếu không thích thì cũng đừng ném đá. Hy vọng mọi người không có cách phản ứng kiểu mới đọc 1 2 trang đã nhận xét: Ủa thằng Tây này nói trai Việt xấu hả, thằng Tây này nghĩ tất cả con gái Việt đều nên lấy chồng Tây hả vv…

Anh có dự định cho ra một vài tác phẩm nữa hay không?

Có một số bạn đọc hỏi Cameron có viết phần 2 cho cuốn sách này không, hoặc viết một cuốn mới về mối quan hệ giữa trai Việt và gái Tây. Chuyện đó chắc là chưa thể thực hiện được. Nhưng mình sắp viết lại cuốn “Những điều bạn chưa biết về trai Tây” bằng tiếng Anh dành cho khách du lịch hoặc người nước ngoài định cư lâu ở Việt Nam, hoặc người Việt thích bản gốc mà muốn thực hành tiếng Anh.

Theo Cameron, có rất nhiều khách du lịch hoặc người nước ngoài đến Việt Nam mà không biết nói tiếng Việt nên không thực sự khám phá đất nước một cách trọn vẹn vì không được nói chuyện với người Việt bình thường.

Anh có dự định gắn bó lâu dài với Việt Nam hay không?

Mình hiện tại không có kế hoạch về Úc. Thấy sách đầu tiên viết bằng tiếng Việt bạn cũng được nên muốn viết thêm cuốn thứ hai. Đặc biệt khi đã vật vã 5 năm để học tiếng Việt, mình thấy Việt Nam cực kỳ thú vị nên muốn ở lại và khám phá thêm…

Thêm nữa, Cameron cảm giác mình có thể đóng một vai trò tích cực khi tiếp tục ở Việt Nam và viết về Việt Nam từ góc nhìn của người Tây. Đôi khi người Tây và người Việt tranh luận về vấn đề nào đó, cứ nói đến khuyết điểm này hoặc ưu điểm kia thì dễ ném đá ngay (như trường hợp Dan Hauer). Cameron hoàn toàn không thích như vậy, thay vào đó là một cuộc nói chuyện trưởng thành, suy nghĩ lại vấn đề theo kiểu phát huy cái tốt, hạn chế cái xấu. Mình muốn tiếp tục làm nhà văn với mục đích chính là chia sẻ về Việt Nam một cách khách quan, có thể khen ngơi, phê phán lẫn châm biếm nhưng không mất đi sự tôn trọng.

Cảm ơn anh vì buổi phỏng vấn!

Theo barcodemagazine.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,961 lượt xem