Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tại Sao Khi Buồn Không Nên Nghe Nhạc Buồn?

Có không ít người trong chúng ta, mỗi khi rơi vào một chuyện buồn gì đó, thường là chuyện tình cảm – chẳng hạn như thất tình, yêu đơn phương, bị phụ bạc – chúng ta thường nằm một mình trong phòng, tìm trong playlist một bản nhạc buồn cho đúng tâm trạng và đúng điệu, xong rồi tự xát muối vào trái tim yếu đuối để đau đớn đến vật vã. Nói theo kiểu ngôn tình, hành vi này cũng như bạn “tự ngược” chính bản thân mình. Ngược ở đây có nghĩa là bị đau đớn, dằn vặt về tinh thần (ngược tâm) hay thể xác (ngược thân).

Con người ta cũng thật lạ, đáng lẽ khi rơi vào tình trạng đau buồn, thay vì phải tìm mọi cách để vượt qua tình trạng đó, chúng ta lại thường drama hóa nó lên một cách tột cùng và tự ngược đãi bản thân để thỏa mãn cái đau đớn đó.



Mỗi lần xem những chương trình radio kiểu tâm sự mỏng của Việt Nam, tôi hơi buồn cười một tẹo ở chỗ, khi thính giả viết thư tâm sự những chuyện buồn trong tình cảm, những người dẫn chương trình thay vì phải san sẻ, đồng điệu (kỹ thuật rapport) và vực dậy tinh thần của người đang chia sẻ, thì họ đang làm một việc ngược lại – cố nhấn mạnh vào nỗi đau của chủ thể và càng làm nó đau đớn hơn để lấy nước mắt cũng như những cảm xúc mạnh từ phía thính giả nghe đài. Thậm chí, tới cả ca khúc được phát ngay sau đó cũng là một bản nhạc buồn thê lương thảm thiết cho đúng tâm trạng của chủ thể và càng xoáy sâu hơn vào nỗi đau của họ. Việc này cũng giống như khi bạn đi chia sẻ vết thương trong tim của mình cho một người, họ đã không chữa lành thì thôi lại còn lấy dao đâm thêm một nhát rồi xát muối vào trái tim bạn.

Nếu là một người am hiểu về tâm lý, những người dẫn chương trình nên là người đứng về phía thính giả, an ủi họ, làm cho họ cảm thấy giá trị của bản thân cao hơn, lên dây cót tinh thần cho họ và kết thúc lời tư vấn bằng một bài hát nào đó tươi sáng, vui vẻ để thính giả cảm thấy tích cực hơn vì cuộc đời vẫn đẹp sao mà vui vẻ bước tiếp, thôi đau buồn và nghĩ ngợi nhiều về những chuyện đã qua.


Tại sao khi buồn thì không nên nghe nhạc buồn và chìm đắm trong nỗi buồn quá lâu? Trong NLP, có một thuật ngữ gọi là neo. Để dễ hình dung, bạn chỉ cần nghĩ đến mỏ neo truyền thống của một con tàu. Khi thả neo từ mạn tàu, nó lập tức rơi xuống đáy và giữ cho con tàu cố định một chỗ. Trên phương diện hành vi con người, mỏ neo ấy là một tác nhân kích thích được chọn nhằm mang lại một phản ứng cụ thể. Thuật ngữ neo này xuất phát dựa trên công trình nghiên cứu có tên gọi phản xạ có điều kiện Pavlov. Trong thí nghiệm, Pavlov rung chuông mỗi khi ông cho lũ chó ăn tối. Lũ chó tự động tiết nước bọt khi thức ăn được mang đến. Sau vài lần lặp đi lặp lại, lũ chó đã quen với việc rung chuông đồng nghĩa với việc ăn tối. Khi Pavlov rung chuông nhưng không mang thức ăn tới, lũ chó vẫn tiết nước bọt dù chỉ nghe tiếng ăn mà thôi.

Neo là biện pháp kết hợp một tác nhân kích thích được chọn với một phản ứng cụ thể. Con người chúng ta vẫn thường tự tin nghĩ rằng mình là người sống lý trí, nhưng sự thật chúng ta không có tự do ý chí mà sống theo cảm tính là chủ yếu mà không nhận ra. Tất cả chúng ta đều tự động “neo” mình vào vô số những tác nhân kích thích mà chúng ta không hề biết, thậm chí còn không nhận ra.



Khi chúng ta gặp chuyện đau buồn như thất tình, những cảm xúc tại thời điểm đó được gọi là cảm xúc nông. Cảm xúc nông là cảm xúc nhất thời nảy sinh tại thời điểm xảy ra sự việc nào đó, bao gồm 5 dạng cảm xúc chính: yêu thương, đau buồn, sợ hãi, giận dữ, ghen tị. Để giải quyết cảm xúc nông, ta có thể làm chủ tạm thời bằng cách thay đổi trạng thái cơ thể, âm nhạc, ánh sáng, môi trường. Ví dụ khi trong người đang mệt mỏi, buồn chán, chỉ cần bạn đứng dậy vươn vai, hít thở sâu, đi ra khu vực cửa sổ để hít khí trời và hứng nắng sớm, thì tự nhiên sẽ thấy vui vẻ, yêu đời trở lại. Hoặc giả khi đang gặp chuyện gì bực dọc, không vui trong lòng, tự nhiên có một bản nhạc vui như Despacito ai đó mở vang lên thì bỗng dưng thấy mọi buồn phiền tan biến hết. Tuy nhiên, chính vì đa số chúng ta không am hiểu quy luật tâm lý trên để xử lý cảm xúc nông ngay thời điểm nó khởi phát, cảm xúc nông được tồn tại trong một thời gian dài hoặc không được giải quyết rốt ráo sẽ trở thành cảm xúc sâu. Cảm xúc sâu lúc ấy không được giải quyết bằng cách làm chủ cảm xúc tạm thời mà phải giải quyết bằng các phương pháp tâm lý phức tạp hơn từ những người có kinh nghiệm về tâm lý (như bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm lý, chuyên viên coaching…) giúp đỡ bạn.

Trở lại với chuyện nghe nhạc buồn khi tâm trạng đau buồn, đây chính là một trong những cách xử lý sai lầm khiến cảm xúc nông của chúng ta bị khoét sâu hơn và dần dần trở thành cảm xúc sâu. Sau cơn đau buồn, chúng ta cứ ngỡ mọi chuyện đã qua rồi nhưng trong tâm trí, thật sự chúng vẫn chưa qua như chúng ta tưởng. Những cảm xúc tiêu cực chưa được giải phóng này sẽ vẫn nằm lại trong tiềm thức (Unconcious Mind) và bị giấu đi cùng những ký ức cũ. Chỉ cần đúng lúc đúng thời điểm, khi có một tác nhân kích thích xảy ra – chúng ta vô tình nghe lại bản nhạc buồn đó, thì dù tâm trạng hiện tại đang vui cỡ nào, những cảm xúc cũ trong tiềm thức cũng sẽ trỗi dậy, và chúng sẽ gợi nhớ về những chuyện thất tình, bị phụ bạc, đau thương, phản bội trước đây. Và một lần nữa, chúng ta lại bị kéo về trạng thái cũ và chìm đắm trong nỗi đau buồn, đúng kiểu tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.


Khi nói về cảm xúc nông và cảm xúc sâu, tôi chợt nhớ lại một câu chuyện tâm linh thú vị có thật mà một thầy giáo cũ từng kể chúng tôi nghe. Một cô gái trẻ nọ cứ mỗi lần khi trời đổ mưa là cô lại tự dưng thấy buồn, nỗi buồn đau đớn tới giằng xé tâm can mà cô không hiểu được vì sao mình buồn như vậy, dù trong quá khứ cô không có trải nghiệm nào đau buồn liên quan tới trời mưa cả. Thế là, cô tìm gặp tới một chuyên gia trị liệu tâm lý, sau khi đặt ra những câu hỏi về mặt tâm lý để tìm hiểu, vị chuyên gia này vẫn không tìm ra được lý do vì sao cô gái lại buồn mỗi khi trời đổ mưa. Sau đó, vị chuyên gia mới sử dụng kỹ thuật thôi miên để truy tìm một ký ức cũ ẩn sâu trong tiềm thức của cô gái, có thể nó sẽ có ích trong việc tìm ra lý do. Khi rơi vào trạng thái thôi miên, cô gái mới nhớ lại tiền kiếp của mình, trong một kiếp sống, cô từng đi đến gặp người yêu nhưng không may người yêu của cô bị tai nạn giao thông và qua đời. Cô gái đã chứng kiến cảnh người yêu mình bị xe tông, hôm ấy là một hôm trời mưa tầm tã. Nỗi đau buồn tột độ của cô gái đã bị chôn sâu vào tiềm thức, kéo dài đến kiếp sống hiện tại, nên mỗi khi gặp tác nhân kích thích là trời đổ mưa, cô gái bỗng dưng lại trỗi dậy cảm xúc buồn mà không rõ nguyên do.

Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn sẽ được trang bị thêm cho mình một ít kiến thức tâm lý học về cách nhận thức cảm xúc và làm chủ cảm xúc của bản thân. Chúng ta nên yêu thương bản thân nhiều hơn thay vì tự ngược đãi chính mình, nhỉ?

Do vậy, mỗi khi rơi vào trạng thái đau buồn, tôi có vài lời khuyên nho nhỏ dành cho bạn:

  • Đừng nhốt mình trong phòng để gặm nhắm nỗi buồn hay nằm ườn trên giường nghe nhạc buồn, hãy đi ra ngoài tìm gì đó để làm hoặc tìm ai đó để nói chuyện.
  • Gặp gỡ lũ bạn trong hội bà tám và kể lể tâm sự với tụi nó, nỗi lòng khi được trút ra một phần nào đó thì tự mình sẽ thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
  • Đi xem phim hài, phim hành động để tâm trạng hưng phấn trở lại, tránh xem những phim tâm lý quá đau buồn hay hại não.
  • Chơi thể thao, đi tập gym, đi bơi, tennis, cầu lông, bóng rổ, dance… để giải phóng nỗi buồn.
  • Nếu bạn là người hướng nội, không thích ra ngoài và cũng không thích giao du, thì cứ ở nhà nhưng chọn một bản nhạc vui để nghe, một quyển sách thú vị để đọc, một bộ phim hài để xem, hay một game nào đó hấp dẫn chơi cho quên nỗi buồn.

Chúc bạn đủ thông thái để làm bạn với nỗi buồn một cách thông minh 

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,729 lượt xem