Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tại Sao “Lớn Lên” Thì Dễ Còn “Trưởng Thành Hơn” Thì Lại Khó?

Kể từ khi con người biết suy nghĩ, chúng ta đã hướng về tương lai. Chúng ta tưởng tượng ngoại hình mình sẽ ra sao, con người chúng ta sẽ trở thành như thế nào khi trưởng thành hơn. Mặc dù não bộ không tự nhận thức được việc này, nhưng chúng ta đã đặt ra những kì vọng. Bởi vì lúc này mọi thứ đều có vẻ khả thi. Khi còn nhỏ, ai cũng từng được nghe nhiều lần câu “con có thể làm bất cứ điều gì bộ não yêu cầu“. Mặc cho sự khắc nghiệt ngoài kia có ra sao, chúng ta vẫn tin tưởng vào nó.

Lớn lên và già đi

Già đi, lớn tuổi hơn thường đồng nghĩa với tự do. Ở độ tuổi nhất định bạn có thể lái xe, ở độ tuổi này bạn có thể cầm phiếu đi bầu,… Và cũng đến lúc mà bạn bắt đầu sự nghiệp của riêng mình và một lối sống riêng. Bạn nghĩ rằng khi lớn tuổi hơn, bạn có thể làm bất kì điều gì mình muốn. Tôi cũng từng mơ trở thành một tay chơi trống. Nhưng gia đình lại bảo tôi rằng sẽ tốt hơn nếu con tập trung học hành. Và tôi phải tạm gác lại giấc mơ chơi trống của mình, vốn đã rất xa vời.

Nhưng mà, đến khi chúng ta bắt đầu lớn lên thì những người đi trước lại bảo chúng ta hãy tận hưởng tuổi thơ đi. Hãy tận hưởng sự tự do mà chúng ta có ngay bây giờ đi. Tự do ư? Nhưng không phải tự do sẽ đến khi chúng ta lớn lên sao?

Đấy là bởi vì tự chúng ta lý tưởng hóa chuyện lớn lên, già đi đồng nghĩa với trưởng thành hơn. Quyền lợi tăng lên khi chúng ta lớn lên nhưng trách nhiệm cũng vậy. Đáng buồn là, chúng ta không thể biết được điều này, cho đến khi chúng tìm đến.

Già đi không có nghĩa là trưởng thành hơn

Vậy thì vội vã làm gì nhỉ? Điều gì khiến chúng ta muốn đốt cháy thời gian như vậy ?

Đó là vì các quyền lợi và những lợi thế chúng ta được hưởng khi lớn lên, tôi nghĩ vậy.

Khi chúng ta còn nhỏ, người lớn dường như có tất cả. Trong suốt giai đoạn tuổi thơ, chúng ta đã phải học cách chịu đựng một số giới hạn đến từ độ tuổi. Ví như uống cà phê hoặc nhuộm tóc…Luật pháp không cấm nhưng xã hội tự đặt ra những quy chuẩn chung. Phải đến một độ tuổi nhất định con người mới được phép làm những gì mình muốn.

Và rồi đến những việc như lái xe, sử dụng tiền bạc hoặc uống rượu,…đều bị luật pháp ngăn chặn vì chúng ta chưa đủ tuổi. Điều này đã hạn chế chúng ta rất lâu trước khi chúng ta có quyền làm theo ý mình.

Trưởng thành hơn đồng nghĩa với kinh nghiệm sống, không dựa vào tuổi

Hãy đối mặt nó nào. Làm người lớn chẳng thú vị chút nào, và tất cả chúng ta đều biết rất rõ điều này. Tại sao lại như thế nhỉ? Hay chúng ta làm sai ở đâu chăng? Sự thật là bởi vì thực tế cuộc sống không đáp ứng được kì vọng của con người, đơn giản vậy thôi.

Già đi rất khác với trưởng thành hơn. Bởi vì vế thứ nhất là điều dĩ nhiên, còn vế thứ hai thì chưa chắc.

Thứ mà khiến con người trưởng thành hơn khi lớn lên đó là kiến thức và kinh nghiệm sống. Kinh nghiệm trong quá khứ đã định hình bạn ngày nay và sẽ định hình con người bạn trong tương lai. “Người lớn” được định nghĩa bằng cách bạn nhận được kinh nghiệm, cách bạn nhìn nhận nó, nhìn nhận bản thân một cách thực tế và cách mà bạn bước tiếp về phía trước.

Bất kì một thử thách hay kinh nghiệm nào đều là một cơ hội để định hình con người bạn. Có duy nhất hai lựa chọn khả dĩ cho bạn: hoặc để mọi thứ giúp bạn mạnh mẽ hơn hoặc để nó phá nát con người bạn. Vì vậy hãy đối diện với trách nhiệm của mình và tìm ra một giải pháp, một hướng đi cụ thể. Đó chính là cách mà một cá thể trưởng thành làm.

Lớn lên muốn làm cái gì cũng được?

Giống như việc nhận ra ông Bụt là không có thật. Chúng ta lớn lên để rồi nhận ra rằng trưởng thành hơn không thực sự chứa đựng nhiều hi vọng như vẫn nghĩ. Đây là một cú giáng mạnh. Thay vì sự tự do thì là những luật lệ và rất nhiều quy định. Có cả một đống quy định và tiêu chuẩn xã hội bạn phải tuân theo khi trưởng thành. Và chúng ta rất dễ bị tổn thương khi không chịu đi theo những tiêu chuẩn kia. Như việc bạn có thể đi tù vì chống đối công an, vì họ vốn là đại diện của pháp luật.

Trong thế giới làm việc, không ai quan tâm “bạn là ai” khi trưởng thành. Mà là “bạn trưởng thành đến đâu” ! Bạn có trách nhiệm hay không? Bạn làm việc có tổ chức không? Có đi làm đúng giờ không? Có tính hợp tác không? Và bạn phải vờ thể hiện là mình có mọi thứ. Thế đó, càng lớn tuổi hơn thì trách nhiệm càng nặng nề hơn.

Điều tuyệt vời nhất? Chẳng có ai giúp hoặc chỉ đường cho bạn.

Bạn đã là người lớn rồi, tự giải quyết đi.

Không có ai thực sự biết cách làm “người lớn”

Cũng như không có ai thực sự biết họ đang làm gì. Đa số chỉ đang cố gắng làm hết sức mình mà thôi. Nhiều người có vẻ đang làm rất tốt việc họ làm, nhưng trong sâu thẳm có lẽ họ cũng đang tự đặt câu hỏi cho bản thân đấy.

Đối với những người trẻ tuổi, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là gì? Đó là tìm đến sự trợ giúp từ những người có kiến thức và nhiều kinh nghiệm. Hoặc tìm đến bạn bè và gia đình mình. Chẳng ai có thể bảo bạn chính xác phải làm gì trong những trường hợp cụ thể. Nhưng họ có thể cho bạn biết họ sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó. Ai cũng đều muốn có một điều gì đó khác biệt trong cuộc sống, vì vậy chúng ta sẽ hành động khác nhau trong những trường hợp giống nhau. Chúng ta dành cả cuộc đời để tìm lối đi, tận dụng cơ hội và hi vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến.

Trưởng thành hơn cũng giống như việc làm cha mẹ. Không có ai thực sự sẵn sàng cho việc này, không có ai thực sự biết họ đang làm gì. Vì vậy khi lớn lên, chúng ta mới thực sự tôn trọng cha mẹ mình hơn. Vì chúng ta biết, họ chỉ đang cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình mà thôi. Bạn cũng dần hiểu ra mọi điều ngăn cấm hay hình phạt họ đưa ra lúc nhỏ đều chứa đụng một điều gì đó. Từ đó, chúng ta cảm thông với họ hơn.

Bạn thực sự cần dành thời gian cho những thứ mình thích

Nếu không, chúng sẽ không bao giờ thành hiện thực đâu. Đừng tự nhủ “khi trưởng thành hơn” nữa. Bởi vì sớm muộn bạn cũng nhận ra thời gian đã hết và tất cả chỉ còn là ước mơ. Bạn càng lớn tuổi, thời gian có vẻ trôi càng nhanh. Bởi vì thời gian của bạn thực sự đã và đang trôi dần đi.

Cứ cho rằng bạn ngủ 8 tiếng, làm việc 8 tiếng một ngày đi. Ba tiếng cho việc ăn, giao tiếp và tắm rửa. Bây giờ bạn chỉ còn 5 tiếng mỗi ngày. Bạn không còn quá trẻ nữa và bạn cảm thấy nhiệt huyết và động lực không còn lớn như trước nữa. Rất khó để dành đủ thời gian để theo đuổi mơ ước khi bạn có một lịch trình cụ thể như vậy. Cho nên đừng dựa dẫm vào tương lai nữa, hãy hành động ngay đi thôi.

Chẳng ai bận tâm đến bạn (hoặc cái quote bạn vừa chia sẻ)

Bây giờ chúng ta đã lớn tuổi hơn, gánh trách nhiệm trên vai. Ai cũng vậy thôi. Và đó là lí do mà đa số mọi người đều vô cùng tập trung vào bản thân. Bởi vì đó là điều bắt buộc phải như vậy. Hiện tại thời gian là một thứ rất khác so với khi còn ở tuổi vị thành niên. Lúc chúng ta có rất nhiều thời gian chỉ để đi chơi và đi mách lẻo.

Chúng ta không có cái tự do tự tại chúng ta muốn khi lớn lên. Bởi vì chúng ta dần phải tự lo cho bản thân. Những người có gia đình và con cái trách nhiệm còn nặng nề hơn. “Đi chơi” không còn là một ưu tiên nữa, thay vào đó là những mục tiêu và trách nhiệm với người khác. Sự chú ý được chuyển sang những vấn đề lớn lao hơn, hàng ngày được phát trên truyền hình và các phương tiện truyền thông. Vì đa số mọi người đều có chung quan điểm và sở thích nên điều đó không khiến chúng ta cảm thấy hứng thú với họ nữa. Quan hệ của chúng ta cũng ưu tiên khác đi, không còn đề cao tiêu chí “vui là được”.

Trưởng thành là một vùng xám, không có chuyện đúng hẳn hay sai hẳn

Tuổi thơ thì khác, rất thẳng thắn. Người lớn chỉ chúng ta cách phân biệt giữa đúng và sai. Nhưng khi lớn lên, mọi thứ không còn rõ ràng như vậy. Những điều bạn tin tưởng khi xưa bắt đầu bộc lộ những mặt trái khi bạn lớn lên. Cái gì cũng vậy, cũng có hai mặt và chúng ta tự chọn mình sẽ theo mặt nào.

Ví dụ, đi học chúng ta đều được dạy rằng khí CO2 là có hại với môi trường. Nhưng đến khi lớn lên thì bạn nhận ra người ta lại chẳng làm gì nhiều để cắt giảm nó cả. Vì những lợi ích kinh tế, họ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ. Trong khi vẫn kêu ca về lượng khí thải quá lớn.

Theo đuổi ước mơ = 99% chịu đựng + 1% thành công

Khi còn bé thì đúng là dễ vạch ra trong đầu đích đến chúng ta muốn trong tương lai. Cha mẹ và giáo viên động viên chúng ta theo đuổi những ước mơ đó vì chúng có ích. Như bác sĩ thì đi cứu người, kĩ sư thì thiết kế những tòa nhà cao tầng và những cây cầu. Mọi người sẽ đi qua chúng và trầm trồ.

Điều họ không tiết lộ, đó là những ước mơ đó rất khó thực hiện. Nó đòi hỏi hàng tấn nỗ lực và sự hi sinh quên cả bản thân. Trong khi cuối cùng mọi thứ rất có thể sẽ chẳng đi đến đâu cả. Đấy là thời điểm người lớn thích bỏ quên chúng ta. Cái mà họ nên bảo, đó là nếu muốn trở thành bác sĩ thì bạn phải học cực kì chăm chỉ, không có ngày nghỉ. Bạn phải thực tập theo ca trong bệnh viện trong khi học và điều đó khiến việc cân bằng cuộc sống trở nên xa xỉ. Tệ hơn, bạn sẽ không thể cứu sống tất cả bệnh nhân của mình.

Những lúc này chúng ta không thể tự trách mình vì đã bỏ cuộc dễ dàng. Chúng ta đã được dẫn dắt để tin rằng nếu chúng ta muốn thứ gì đó đủ lớn, nó rồi sẽ là của chúng ta. Nhưng chúng ta không biết hay được chỉ rằng mọi thứ sẽ vận hành theo cách nào. Chúng ta chưa bao giờ được dạy sẽ phải chịu đựng nhiều thế nào khi theo đuổi một ước mơ.

Theo tôi, để trở thành con người mà mình mong muốn, bạn cần trải nghiệm nhiều nhất có thể. Tận dụng những kinh nghiệm đó và để chúng giúp bạn mạnh mẽ hơn, thông minh hơn và hoàn thiện hơn. Giữ cho trí tuệ luôn thông suốt và luôn tìm tòi học hỏi kiến thức. Thời điểm bạn dừng học tập cũng là thời điểm bạn ngừng phát triển.

Theo toisong.net

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,234 lượt xem