Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tại Sao Nên Tiếp Tục Học? Đại Học Có Ý Nghĩa Như Thế Nào Với Bạn?

Lúc bạn mới sinh ra, bạn chỉ có mỗi việc ăn, ngủ và chơi. Lớn một chút, tầm 4 tuổi bạn bắt đầu đi học mẫu giáo. Gọi là học nhưng thực chất cũng chỉ môi trường cho bạn chơi đùa là chủ yếu. Đến khi bạn 6 tuổi, mọi chuyện có vẻ khó khăn hơn đôi chút, bạn bị bắt buộc phải đến trường, từ đây bạn sẽ bắt đầu đối mặt với áp lực học bài và thi cử, nếu lười không chịu học chữ hay làm toán là sẽ bị cô giáo quất cho vài phát vào mông. Cứ thế, bạn bắt buộc phải đến trường để học hàng trăm hàng ngàn thứ khác nhau trong suốt 12 năm trời dài đằng đẵng, chúng ta hay gọi là 12 năm phổ thông. Tận 12 năm sau kể từ  “ngày đầu tiên đi học”, thì những gì bản thân bạn và những đứa bạn của bạn phải học về cơ bản là rất giống nhau: tất cả đều học theo khung chương trình giáo dục phổ thông 12 năm của Bộ Giáo Dục. Thế rồi một bước ngoặt kì lạ xảy ra vào cuối năm thứ 12: bạn không bị bắt buộc phải đến trường nữa.

Suốt 12 năm, giả sử vào ngày thứ hai bạn đi học, thì bạn cũng biết chắc thằng hàng xóm bằng tuổi bạn cũng sẽ đi học, bạn phải học cái môn Địa Lí chết tiệt, thì bạn cũng biết chắc là thằng hàng xóm đó cũng sẽ phải học cái thứ khỉ gió đó. Thế rồi tới cuối năm lớp 12, bạn biết rằng bạn có quyền được ở nhà và không đi học nữa, nhưng lại thấy thằng hàng xóm kế bên lọc cọc đi làm hồ sơ thi đại học – và rất có thể nó sẽ đi học đại học, vậy liệu bạn có giống như nó tiếp không? Bạn sẽ ở nhà không học nữa hay là sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình Đại học ở một trường nào đó? Sẽ chẳng ai bắt bạn đi học nữa, nhưng liệu bạn có nên tiếp tục? Để mình đưa cho các bạn một vài gợi ý!

Lưu ý: Trong bài này, từ “Đại học” mình ám chỉ chung các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp, có thể hiểu là bậc học sau THPT.

Tại sao bạn nên tiếp tục việc học sau khi kết thúc THPT?

Câu trả lời ngắn gọn là: Bạn cần phải như thế. Nhưng tại sao lại vậy nhỉ?

Như mình có đề cập ở bài trước, một đời người có thể chia làm 3 giai đoạn: nhỏ học tập, lớn làm việc, già về hưu. Quá trình học tập cơ bản nhất được quy định bắt buộc, đó là 12 năm học phổ thông, thế rồi sau đó điều mà bạn sẽ phải làm đó là: LÀM VIỆC. Để làm gì? Để tự kiếm sống, để không phải phụ thuộc, để xây dựng tương lai riêng của mình… Nhưng, trước khi thể có được một công việc nào đó, bạn cần phải có các kĩ năng làm việc tương ứng. Làm sao để có được các kĩ năng này? Câu trả lời rất đơn giản: HỌC.

Giáo dục 12 năm phổ thông chỉ là những kiến thức cơ bản, nhắc lại là “cơ bản” nhé, chỉ vừa đủ để bạn có thể hiểu được xã hội hiện tại bạn đang sống là gì. Nếu bạn muốn làm việc, thì bạn phải tiếp tục học các kĩ năng cần thiết của công việc. Có rất nhiều cách để học kĩ năng công việc cần, ví dụ như: bạn muốn trở thành thợ cắt tóc thì bạn phải đi học nghề cắt tóc, bạn muốn làm thợ sửa xe hơi thì bạn phải đi học các lớp về cơ khí ô tô, muốn mở tiệm bán thuốc tây thì đi học dược sĩ …v..v. Đọc đến đây, thì mình muốn các bạn đồng tình với mình rằng: bạn cần phải học kĩ năng nghề nghiệp trước khi có thể đi làm.

Ở đây có 2 công đoạn chính mà bạn cần chú ý: việc đầu tiên là xác định “muốn làm gì”, việc thứ hai là “học ở đâu?”. Ở bước đầu tiên, mình đã có bài hướng dẫn cho các bạn cách chọn được công việc phù hợp với bản thân. Sau khi đã biết mình muốn làm gì rồi, bạn sẽ phải đối mặt với một câu hỏi cũng rất khó khăn: học kĩ năng mình cần ở chỗ nào bây giờ? Có rất nhiều câu trả lời khả dĩ, một trong số đó là: theo đuổi chương trình Đại học.

Đại học có ý nghĩa gì đối với bạn?

Có nhiều bạn có luận điểm rằng: không cần bằng đại học vẫn có thể thành công, hãy nhìn Bill Gate hay Mark Zuckerberg làm ví dụ. Rồi cũng có luận điểm cho rằng: cần gì học đại học chi cho tốn tiền bạc và công sức tới tận 3-4 năm, thằng Abc hay Xyz gì đó có học gì đâu mà vẫn kiếm được tiền kìa ..v..v. Nếu bạn đã từng nghe ai đó nói những điều đó, thì nó không sai, thế nhưng …

Những trường hợp không có bằng đại học mà vẫn thành công lớn như Bill hay Mark thật ra rất hiếm, ak không phải, rất rất hiếm, đó không phải là những trường hợp điển hình và do vậy không thể lấy điều đó ra để ví dụ cho một thứ mang tính phổ quát cho mọi người. Hơn nữa, không khó để nhận ra được rằng những người có sở hữu bằng đại học hoặc cao hơn nữa sẽ có được thu nhập cao hơn những người không có bằng trong phần lớn trường hợp. Bạn có thể tra google điều này dễ dàng với các kiểu từ khoá như: How Much More Do College Graduates Earn Than Non-College Graduates, College graduate vs high school graduate salaries, … Mình có tìm sơ qua thì mức chênh lệch này lên tới 75%, một con số không hề nhỏ. Con số này cũng là câu trả lời cho luận điểm thứ hai được nêu ở phía trên. Suy cho cùng thì tốt nhất bạn cũng nên đầu tư nghiêm túc cho việc học, dù sao biết nhiều thứ cũng hay mà.

Thống kê tại Mỹ về thu nhập bình quân dựa trên nền tảng giáo dục. Dễ dàng nhận thấy bạn sẽ có cơ hội để có thu nhập cao hơn nếu được đào tạo kĩ năng tốt hơn phải không nào!

Không chỉ riêng về khía cạnh thu nhập, đại học còn mang lại cho bạn nhiều điều hơn nữa.

Đại học là nơi để HỌC và để TRƯỞNG THÀNH

Với một số người, đây là lần đầu tiên họ có cơ hội tự mình đưa ra quyết định cho bản thân thông qua lựa chọn việc bước tiếp trên con đường giáo dục và tự giáo dục. Bạn sẽ có cơ hội được tự lập, và chắc chắn là sẽ phải như thế rồi, điều đó sẽ giúp bạn trưởng thành hơn. Tất nhiên, trước khi quyết định, bạn cần phải biết khả năng, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Bạn phải có động cơ học tập và sẵn lòng phấn đấu trong suốt quá trình học tập. Bạn sẽ có cơ hội để thể hiện mình.

Đại học là nơi bạn gặp được những người đặc biệt

Đại học là nơi gặp gỡ nhiều người khác nhau, đến từ khắp nơi trên đất nước, sẽ có những người rất đặc biệt, sẽ có những người rất tài năng và thân thiện, bạn sẽ có cơ hội để có thêm những người bạn mới. Bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ họ, và có những trải nghiệm rất thú vị và đáng nhớ. Cùng nhau – những người cùng chung ước mơ, mọi người có thể làm được rất nhiều điều đặc biệt.

Mặc dù trường đại học có vai trò không giống như trường phổ thông, nhưng về cơ bản đó vẫn là trường học – nơi bạn có thể phạm sai lầm. Không giống xã hội bên ngoài, nơi sai lầm có thể trả giá rất đắt, thì trường đại học vẫn là nơi bạn có thể phạm phải những sai lầm, nhưng bạn sẽ có thầy cô hoặc bạn bè chỉ cho chỗ sai và có thể rút kinh nghiệm từ đó. Học từ những sai lầm giúp bạn ngày càng khôn ngoan và trưởng thành hơn.

Tóm lại

Bên cạnh những khía cạnh về công việc và thu nhập sau này, môi trường đại học mang đến cho bạn rất nhiều cơ hội để học hỏi, trải nghiệm và phát triển bản thân mình. Mặc dù đại học không phải là tất cả, nhưng đó là một trong những lựa chọn tốt nhất cho tương lai của bạn. Hãy cân nhắc tương lai của mình cách cẩn trọng

Theo techtalk.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,960 lượt xem