Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tại Sao Phải Đọc Sách Khi Đến Jack Ma Còn Nói “Không Đọc Sách Lâu Rồi”?

Trước giờ mục đích đọc sách chính không phải là để thành công mà là đạt được tri thức, trí tuệ, nâng cao khả năng tư duy.

Gần đây, trên mạng chia sẻ rất nhiều về một đoạn nói chuyện của Jack Ma trong chương trình “Đối thoại”, Mã Vân có nói: “Những người bày sách trong văn phòng công ty, trong số mười thì phải đến tám là dối trá.” Jack nói bản thân đã rất lâu không đọc sách, “Trong văn phòng thật sự không có thời gian để đọc sách, công ty trả tiền cho tôi không phải để tôi đọc sách”.

Thật đáng buồn, khi ngày ngày chúng ta đều hô hào trên giảng đường, các em hãy đọc nhiều sách, “chim muốn bay cao thì phải học vỗ cánh trước, người muốn tiến bộ thì phải đọc nhiều sách”. Nhưng thần tượng – Jack Ma của chúng ta lại không đọc sách.

Đúng vậy, Jack Ma là thần tượng của rất nhiều người trong chúng ta. Vẻ ngoài của Jack tuy xấu xí nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ, xuất thân tầm thường nhưng thành tích xuất chúng, thêm vào đó là hàng loạt những bài báo về hành trình thành công của Jack khiến ông trở thành người có sức ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Câu chuyện của Jack ít nhiều gì cũng là nguồn cổ vũ đến mỗi cá nhân. Vâng, chúng ta phải học tập Jack Ma, học tập thật tốt, rồi sẽ có ngày chúng ta cũng thành công. Nhưng hiện thực thì Mã Vân lại nói đã lâu lắm rồi ông không đọc sách, vậy chúng ta phải làm sao? Rốt cục có cần đọc sách hay không?

Thật ra, tranh luận về việc không đọc sách này đã được Jack Ma nhắc đến rất lâu rồi. Từ năm 2012, trong một buổi diễn thuyết nói đến việc “Có thành công hay không, không liên quan đến việc đọc sách”. Jack nói, có thành công hay không, liên quan đến EQ, “Thành công hay không ít nhiều gì đều không liên quan đến việc đọc sách, nhưng lại liên quan đến việc sau khi thành công, nếu người thành công không đọc sách thì nhất định sẽ tuột dốc, hơn nữa còn tuột dốc rất kinh khủng.” Theo Jack Ma, đọc sách không có tác dụng gì nhiều với việc bạn thành công hay không, nhưng khi muốn bảo vệ được sự thành công đó không bị tuột dốc thì nó sẽ phát huy tác dụng to lớn.

“Sử ký – lệ sinh lục cổ loạt truyện” ghi lại một đoạn tích: Hán Cao Tổ Lưu Bang vừa đoạt được thiên hạ, văn sỹ Lục Cổ thường hay nói “thơ”, nói “sách”. Lưu Bang rất không thoải mái, vậy nên quát rằng: “Thiên hạ sắp về tay ta rồi, đọc sách thêm thì có ích gì?” Lục Cổ vẫn kiên trì khuyên ngăn: Đoạt thiên hạ không cần đọc sách, nhưng “văn” cũng rất quan trọng khi muốn giữ thiên hạ. Ý của Jack Ma cũng chính là đạo lý này.

Nhưng, trong bài phỏng vấn mới nhất không hoàn toàn có ý đó, Jack Ma biểu lộ không cần đọc sách, không nên đọc sách, “không đọc sách cũng có cái tốt”. “Thế giới này, EQ quan trọng hơn rất nhiều”, chỉ cần EQ là đủ rồi. Mà EQ lại không dựa vào đọc sách, đạt được nhờ vào đối đáp thế nhân, thấu thiểu thế sự. Ý của Jack Ma rất rõ ràng: một là muốn thành công mà dựa vào đọc sách (đọc sách để kiếm tiền cho công ty) thì không thực tiễn, có nhiều người bẩm sinh không hợp đọc sách, nhưng không có nghĩa là không thể thành công. Hai là đọc sách đương nhiên quan trọng, nhưng mắt nhìn người, đối nhân xử thế còn quan trọng hơn.

Theo logic của Jack, lớp thanh niên có chí lập nghiệp như chúng ta nên từ bỏ việc đọc sách sao? “Đọc ít đi, làm nhiều lên”, như vậy chúng ta có thêm thời gian giao tiếp, khởi nghiệp sao? Vậy có nghĩa là muốn thành công thì phải ít đọc sách sao?

Đã gọi một tiếng Thầy Jack thì thầy không nên dạy hư trẻ nhỏ như thế! Trong chương trình, ông Vương Kiện Lâm cũng thể hiện quan điểm trái chiều của mình. Ông Vương cho rằng Jack Ma vốn là thầy giáo, vì vậy tương đối giỏi ăn nói, nói bản thân không đọc sách, còn tìm những lý lẽ biện chứng cho quan điểm của mình. Còn về sách, vẫn nên đọc là hơn!

Sách là phương tiện truyền đạt thông tin quan trọng của văn minh nhân loại. Xã hội hiện nay, đọc sách là cách cần thiết để có được cuộc sống ngang hàng với nhau, bởi chúng ta đều có tố chất giáo dục như nhau, vì vậy thế giới mới bằng phẳng được như hôm nay, giao tiếp giữa con người mới dễ dàng được như hôm nay, khoảng cách giữa con người mới xích gần lại được như hôm nay. So với ngày nay, khoảng cách giữa quân tử và tiểu nhân, sỹ nhân và dân thường có thể dùng khoảng cách giữa trời và đất để hình dung.

Đối với phần lớn người trẻ tuổi, đọc sách là một cách để tiến bộ. Chúng ta phải học thật tốt ở phổ thông, vào một trường đại học tốt, tìm một công việc tốt, chăm chỉ học tập, đọc sách là điều rất cần thiết. Dù là Jack Ma thì cũng nhờ đọc được tác phẩm “Nhân sinh” của tác giả Lu Yao, nên hạ quyết tâm học đại học, chính nhờ chăm chỉ học tập mới thi đậu Đại học sư phạm Hàng Châu. Chúng ta hoàn toàn có thể nói, không đọc sách thì Jack Ma không thể thi đậu đại học, cũng không thể đạt được thành công như ngày hôm nay. Đương nhiên chúng ta không kể đến kiểu thiên tài như Murakami Haruki, người có câu “danh ngôn” nổi tiếng “Hồi trung học không chăm chỉ học hành, sau này mới phải học Đại học Waseda.”

Đối với người thường như chúng ta, đọc sách là cách tốt nhất để hun đúc tâm hồn. Khi ông Lương Khải Siêu bàn đến việc đọc có nói “ ‘Luận ngữ’ như cơm, là chất dinh dưỡng tốt nhất, ‘Mạnh tử’ như thuốc, là chất kích thích phát triển tốt nhất”. Thật ra, không chỉ Khổng – Mạnh là tác gia kinh điển, còn rất nhiều tác phẩm khác cũng có mang linh hồn như cơm như thuốc, đọc sách là cần thiết để “tu dưỡng và hưởng thụ”.

Thật ra, chúng ta uống rượu, thưởng trà, ca hát, rèn luyện sức khỏe, du lịch, đều là cách hưởng thụ để thư thả tâm hồn, hun đúc tình cảm, nhưng “hưởng thụ” nhất vẫn là đọc sách. Cổ nhân nói “đọc sách là phúc” “đọc sách có lợi” nên không sai vào đâu được.

Thế nhưng chúng ta vẫn muốn theo đuổi thành công, theo đuổi phú quý, đọc sách có ích không? Có câu nói vui như sau “từng muốn theo đuổi thành công nhưng đọc sách nhiều rồi, nhìn lại, lại không muốn thành công nữa, cảm thấy một cuộc sống bình thường, lấy đọc sách làm niềm vui cũng rất tốt”. Cũng đúng! Nhưng không có sức thuyết phục.

Sau khi suy nghĩ thấu đáo, tôi tổng kết được rằng đọc sách có rất nhiều lợi ích tốt. (Tôi tin những tổng kết này đều là sản phẩm nhắm mắt làm liều, chỉ là những điều dựa vào trí tưởng tượng. Dù sau thì tôi đã đọc sách bao năm rồi cũng không “thành công”. Quệt nước mắt! Mời quý vị nghe chơi, cũng mong những nhân sỹ thành công chỉ bảo thêm.)

Đọc sách có thể nâng cao IQ. Xã hội truyền thống tin rằng “học nhi ưu tắc sỹ” “học nhi ưu tắc dụng” (hoàn thành tốt một việc, có thể học từ đó, rút kinh nghiệm từ đó; học tập cũng vậy, học tốt rồi có thể dùng những kiến thức đó áp dụng vào thực tiễn cuộc sống). Những điều này có thể đúc kết ra từ việc kiên trì đọc sách. Trong “Lễ ký” có dạy: “Học sinh mỗi năm nhập học, cách một năm sẽ kiểm tra một lần. Năm đầu tiên, kiểm tra khả năng đọc kinh thư và chí hướng của bản thân. Năm thứ ba, kiếm tra học sinh có tôn trọng nghiệp học, có hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa. Năm thứ năm, kiếm tra kiến thức nắm được có sâu rộng hay không, có kính trọng thầy không. Năm thứ bảy, kiếm tra bản lĩnh nghiên cứu vấn đề và khả năng chọn bạn của học sinh. Nếu đều đạt được những tiêu chuẩn trên thì coi như có thành tích nhỏ. Đến năm thứ chín, học sinh có khả năng phán đoán sự việc, có lập trường chính trị độc lập, ý chí vững vàng. Nếu đạt được tiêu chuẩn trên thì gọi là thành tích lớn.” “Đọc hiểu kinh thư, hiểu được chí hướng của thánh hiền” là điều cơ bản. Một người đọc hiểu, thông, áp dụng được nội dung sách vào thực tế mới có thể dễ dàng xử lý nhân thế, mới có thể phán đoán sự việc, áp dụng vào thực tiễn, mã đáo thành công.

Đọc sách có thể cung cấp “hệ sinh thái” cần thiết cho thành công. Có câu chuyện rất kinh điển khuyên học của Tôn Quyền như sau: Lã Mông là võ tướng dưới trướng của Tôn Quyền, dưới sự khuyến khích của Tôn Quyền đã bắt đầu đọc sách. Quan văn Lỗ Túc lúc bấy giờ mới nói “ba ngày không gặp, người khác đã tiến bộ khác, không thể dùng con mắt cũ để đánh giá một người”, tỏ ra thán phục và muốn kết giao bằng hữu. Có thể nói nếu Lã Mông không đọc sách thì khó có thể kết giao được với Lỗ Túc, cũng khó đạt được thành tựu sau này. Phạm Trọng Yêm khuyên Trương Tải nhà nho đọc sách thánh hiền cũng có niềm vui của nó, sao nhà binh cũng vậy”, khuyên hắn nên đọc sách, sau này Trương Tải quả nhiên trở thành nhà tư tưởng lớn, người đời xưng là Hoành Cừ tiên sinh. Thời Tam Quốc, “bất học thi, vô dĩ ngôn” (không đọc thư kinh, thì không ăn nói tươm tất được), không “biết được một hai câu thơ văn” thì giống như quý tộc châu Âu không hiết nói tiếng Pháp, gặp Lưu Tam Tỷ không biết hát dân ca, khó mà giao tiếp cùng được, đừng nói là có tư cách ngồi uống cafe cùng.

 Đọc sách là sự đảm bảo của tư tưởng mạnh mẽ. Con người sống trong một loại “ý nghĩa”, thứ “ý nghĩa” này thẩm thấu vào toàn bộ cuộc sống của chúng ta, hơn nữa nó xuyên suốt từ đầu đến cuối xã hội loài người. Sự tồn tại điểm kết của thế giới, giá trị cao nhất của con người, quy luật nội tại của vũ trụ, quan hệ giữa con người và tự nhiên…đều tuôn chảy vào não bộ chúng ta khi thời gian thích hợp đến, nó có thể quấy nhiễu có thể là trí tuệ đối với chúng ta. Sau khi đạt đến trạng thái “thành công” hoặc được thỏa mãn mọi yêu cầu, vấn đề chúng ta suy sét sẽ càng có “ý nghĩa” (Tôi đoán thế). Vì vậy,  tỷ phú Ding Lei mới nói “kiếm tiền chỉ là việc tiện thể, còn hạnh phúc mà tiền mang lại, còn chưa đến 5%.” Cảm giác hạnh phúc là một cách thể hiện của “ý nghĩa”, làm sao mới có thể có “ý nghĩa”? Đọc sách! Trí tuệ đạt được khi đọc sách là cách đơn giản mà hiệu quả nhất để chúng ta nâng cao khả năng suy xét sự việc. Mã Vân nói “người thành công không đọc sách nhất định sẽ tàn lụi” có lẽ chính là ý này.

Mã Vân cũng từng nói “Đến tuổi này, sách đúng cũng không ít”, tôi cũng lấy làm đồng tình. Tôi đã từng tận tình khuyên bảo sinh viên của mình: biết trân trọng thời gian, hãy đọc sách đi! Giờ có thày giáo thúc, có gia đình mong đợi, xã hội bao bọc, bạn học cạnh trạnh chúng ta cùng đọc sách, khó mà có cơ hội lần thứ hai, có gì hạnh phúc hơn lúc này? Đợi đến khi tốt nghiệp, lập nghiệp thành thân, bận rộn công việc, thật sự không có thời gian động đến sách. Bởi vì sau khi tốt nghiệp có đọc sách hay không cũng không ai quản, rất nhiều người bắt đầu “sa đọa”: Sao phải đọc sách? Cuộc sống này không phải vẫn tốt đẹp sao? Chơi điện tử, xem phim, nghịch điện thoại, có bao nhiêu thứ vui vẻ hơn đọc sách cả nghìn lần. Như tôi đây, mỗi lần muốn đọc sách, thì thể nào cũng bị ma xui quỷ khiến mà cầm điện thoại lên…

Không nói nữa, tôi phải đi đọc sách đây.

Theo Bookaholic.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,495 lượt xem