Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tâm Lý Học Về Sự Vô Cảm Trong Xã Hội

Sự vô cảm đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay, làm cho chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao nhiều người có thể lạnh lùng, dửng dưng và có thể bỏ mặc khi thấy người khác gặp nạn như vậy. Hiệu ứng “người ngoài cuộc” (bystander effect) được đưa ra như một câu trả lời từ góc độ tâm lý học.

Để tìm hiểu rõ hơn tại sao con người có thể hành xử như vậy, hai nhà tâm lý học xã hội Jonh Darley (hiện tại là giáo sư tâm lý học tại trường đại học Princeton) và Bibb Latane (nguời điều hành trung tâm về khoa học con nguời ở North Carolina) đã thực hiện một chuỗi thí nghiệm có ảnh hưởng rất lớn và đáng tin cậy nhất trong tâm lý học xã hội. Từ những nghiên cứu này, có thể kết luận có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này: sự thờ ơ tập thể và sự phân tán trách nhiệm.

1.Sự thờ ơ tập thể

Một trong những bước đầu tiên để bất cứ quyết định giúp đỡ người khác là người này phải nhận thức được rằng có người thật sự cần được giúp đỡ. Để làm được điều này, người qua đường phải nhận ra rằng họ đang chứng kiến một tình huống khẩn cấp và nạn nhân cần được giúp đỡ. Vì vậy, lý do chính khiến người ta không can thiệp vào là họ thậm chí còn không nhận ra họ đang chứng kiến một tội ác. Khi chúng ta ở trong một tình huống mơ hồ và ta không chắc đó liệu có phải là một tình huống khẩn cấp hay không, ta thường nhìn xem những người khác hành động như thế nào. Ta cho rằng người khác có thể biết điều gì đó mà ta không biết, vì vậy ta đánh giá phản ứng của người khác trước khi ta quyết định sẽ làm gì. Nếu những người xung quanh hành động như đó là một tình huống khẩn cấp, ta sẽ xem như đó là thật và làm theo. Nhưng nếu họ tỏ ra bình tĩnh, ta sẽ không nhận thức được sự nghiêm trọng của sự việc và dẫn đến sự thờ ơ.

Ví dụ, tưởng tượng bạn đang ở một bể bơi công cộng và nhìn thấy một đứa bé đang vùng vẫy dưới nước. Theo bản năng, bạn sẽ nhìn xung quanh và xem người khác phản ứng như thế nào. Nếu họ hoảng loạn và kêu cứu, bạn sẽ kết luận rằng đứa bé đang bị đuối nước và nhảy xuống cứu. Nhưng nếu họ chỉ phớt lờ hoặc cười cợt, bạn sẽ cho rằng đứa bé chỉ đang chơi đùa mà thôi. Để tránh việc trông thật ngu ngốc, bạn sẽ chỉ đứng nhìn và bỏ qua cơ hội cứu sống đứa bé. Điều này dường như là cách tiếp cận tình huống hợp lý nhất và hơn hết, nó giúp ta không hành động ngu ngốc trong mắt người khác. Nhưng vấn đề là xu hướng nhìn vào người khác để xác định cách hành xử có thể trở thành một hiện tượng gọi là sự thờ ơ tập thể. Sự thờ ơ tập thể được miêu tả rằng trong một nhóm, phần đông cá nhân cùng tin vào một điều nhưng lại cho rằng (một cách không chắc chắn) những người khác tin vào điều ngược lại.

Một ví dụ nữa, sự thờ ơ tập thể giải thích tại sao những học sinh của tôi thường không đặt câu hỏi trong giờ học. Giả dụ như có một học sinh của tôi băn khoăn về một vấn đề nào đó mà tôi vừa giảng và muốn hỏi để hiểu rõ hơn. Trước khi giơ tay, cô ấy sẽ nhìn cả lớp xem có ai cũng không hiểu và định giơ tay hay không. Nếu không có ai, cô ấy sẽ cho rằng mình là người duy nhất trong lớp. Để tránh việc trông thật ngu ngốc, cô ấy sẽ không giơ tay và không hỏi nữa. Là một giáo viên, tôi phát hiện ra rằng nếu có một học sinh không hiểu bài thì hầu hết học sinh trong lớp cũng không hiểu bài. Vậy nên những học sinh của tôi đang bị ảnh hưởng bởi sự thờ ơ tập thể vì mỗi người đều cho rằng  mình là người duy nhất không hiểu bài trong khi hầu hết mọi người đều như thế, “chỉ có một mình mình” là một suy nghĩ không đúng chút nào. Quá trình tương tự có thể xảy ra khi chúng ta chứng kiến một tình huống khẩn cấp mơ hồ không rõ ràng. Người qua đường sẽ nhìn những người khác để xác định xem liệu tình huống đó có là một tội ác đang diễn ra hay không và nếu không ai làm gì cả, mọi người sẽ kết luận sai lầm rằng đó không phải là một tình huống khẩn cấp và tất nhiên sẽ không ai đứng ra giúp đỡ.

Trong một trong những nghiên cứu kinh điển của Darley và Latane, hai người đã thử tái tạo hiện tượng này trong phòng thí nghiệm. Họ cho những người than gia thí nghiệm trả lời một bảng câu hỏi và sau ít phút, khói được thổi vào phòng từ dưới khe cửa ở đằng sau. Một số người than gia chỉ có một mình trong phòng và số còn lại có thêm hai người cùng tham gia nữa. Hai người này thực ra được nhà nghiên cứu sắp đặt và luôn luôn giữ thái độ bình tĩnh cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Câu hỏi mấu chốt ở đây là những người tham gia thí nghiệm sẽ để ý đến khói và đi tìm sự giúp đỡ hay họ không quan tâm và tiếp tục trả lời các câu hỏi. Kết quả cho thấy những người chỉ có một mình, 75% trong số họ sẽ đi cảnh báo về tình huống xuất hiện khói trong phòng. Nhưng khi có thêm hai người nữa ở đó tỏ ra bình tĩnh, chỉ 10% trong số đó tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong một số trường hợp, khói trở nên dày đặc đến nỗi người tham gia còn khó có thể đọc được câu hỏi nhưng miễn là những người cùng ở đó tỏ ra dửng dưng như không có gì, họ cũng sẽ như vậy. Vì vậy khi chúng ta chỉ có một mình, ta thường sáng suốt hơn trong việc đánh giá một tình huống mơ hồ không rõ ràng và hành động cho phù hợp. Khi ta ở trước mặt những người ngoài cuộc khác, ta lại nhìn họ để tìm kiếm chỉ dẫn và nếu họ không có phản ứng gì thậm chí cười cợt hay chụp ảnh, chúng ta có thể đưa ra kết luận sai lầm rằng đó không phải là một tình huống khẩn cấp và bỏ qua cơ hội giúp đỡ.

Bây giờ thì chúng ta đã biết được tại sao người ngoài cuộc lại dửng dưng không giúp đỡ bởi vì họ không nhận thức được mình đang chứng kiến một tình huống khẩn cấp, vậy ta sẽ sử dụng thông tin này như thế nào cho có ích? Thứ nhất, nếu bạn gặp một tình huống mơ hồ không rõ ràng, đừng để ý xung quanh và làm theo bản năng mách bảo. Trường hợp xấu nhất, bạn cũng chỉ tự làm mình xấu hổ trong vài phút nhưng bù lại, bạn có thể sẽ cứu được một mạng người. Thứ hai, nếu không may trở thành nạn nhân và cần sự giúp đỡ, bạn phải làm những người xung quanh biết rằng đây là trường hợp khẩn cấp. Một số huấn luyện viên hướng dẫn tự vệ thường khuyên các bạn nữ khi bị tấn công bởi ai đó, bạn nên kêu “cháy” thay vì kêu “cứu”. Bởi vì từ “cứu” được sử dụng trong nhiều trường hợp không đến mức đe dọa tính mạng nên khi nghe thấy nó, chúng ta không thực sự nghĩ có chuyện gì nghiêm trọng đang xảy ra. Mặt khác chúng ta chỉ kêu “cháy” khi thực sự có cháy, vì vậy khi kêu “cháy” bạn sẽ ngay lập tức làm những người xung quanh nhận ra họ đang ở trong một tình huống khẩn cấp.

2.Sự phân tán trách nhiệm

Thậm chí nếu người ta có nhận thức được mình đang chứng kiến một tội ác đang xảy, họ vẫn bỏ qua cơ hội can thiệp nếu họ cảm thấy không có trách nhiệm phải giúp đỡ. Vấn đề là càng nhiều người ngoài cuộc, trách nhiệm của mỗi người lại càng ít đi. Nếu bạn là người duy nhất chứng kiến sự việc, toàn bộ trách nhiệm giúp đỡ sẽ đặt hết lên vai bạn. Nhưng nếu có tới năm người cùng chứng kiến, trách nhiệm sẽ bị phân tán và bạn chỉ còn 20% trách nhiệm mà thôi. Trong trường hợp này, người ta có thể cho rằng ai đó sẽ giúp hoặc có sự giúp đỡ tốt hơn mình. Nhưng nếu tất cả đều suy nghĩ như vậy, sẽ không có ai can thiệp cả.

Thí nghiệm được thực hiện ở một trường đại học, sinh viên của trường tham gia một cuộc thảo luận về những vấn đề cá nhân qua bộ đàm. Mỗi người được ở trong một phòng nhỏ và chỉ người nào bật microphone lên thì mới nghe được người khác nói gì nhưng không được thấy mặt nhau. Mỗi người tham gia sẽ có hai phút để nói về mình. Khi đến lượt mình, anh khiến giọng mình nghe như người bị động kinh và kêu cứu. Thí nghiệm diễn ra trong năm tình huống, bắt đầu với tình huống đối thoạin đơn lẻ (1 vs 1) và kết thúc với đối thoại nhóm (1 vs 5). Phản ứng của họ được do bởi quãng thời gian họ đứng lên, rời khỏi phòng, tìm người thực hiện thí nghiệm và kêu gọi giúp đỡ.

Kết quả như thế nào?

Chỉ có 31% số người tham gia thí nghiệm cố gắng đi tìm sự giúp đỡ. Điều này có nghĩa là hầu hết những người này chẳng bận tâm tới việc đi tìm người thực hiện thí nghiệm để giúp đỡ nạn nhân đang lên cơn động kinh, dù họ có tỏ vẻ lo lắng và bối rối nhưng họ lại chẳng có hành động gì cả.

Tuy nhiên, với tình huống đối thoại đơn lẻ ( 1 vs 1) thì tỷ lệ này cao hơn rất nhiều, đến 85% . Những người này tin rằng chỉ có mình nghe được tiếng kêu cứu nên họ nghĩ mình phải chịu trách nhiệm và họ chạy đến giúp nạn nhân. Ngược lại, càng nhiều người nghe thấy tiếng kêu cứu thì tỷ lệ giúp đỡ càng giảm.

Vậy thì giống như câu hỏi bên trên, bạn nên dùng thông tin này theo cách nào có lợi? Thứ nhất, nếu bạn chứng kiến ai đó gặp nạn với nhiều người xung quanh, nhận ra rằng bản năng đầu tiên của bạn sẽ là chối bỏ trách nhiệm giúp đỡ. Việc bạn nhận ra được bản năng nó có thể giúp bạn thoát khỏi thành kiến về việc khuếch tán trách nhiệm và hiểu rằng mỗi người đều có 100% trách nhiệm giúp đỡ người gặp nạn. Thứ nhì, nếu bạn là nạn nhân và cần sự giúp đỡ, bạn cần phải làm một trong những người chứng kiến đó cảm thấy họ có trách nhiệm với sự an toàn của bạn. Khi chúng ta cần sự giúp đỡ, và có đám đông đang quan sát, chúng ta thường cầu cứu với những ai đang nghe ngóng, nghĩ rằng sẽ có ít nhất một người chịu đứng ra giúp đỡ. Nhưng những thầy dạy tự vệ khuyên rằng thay vào đó, bạn nên chọn một người trong đám đông đó, nhìn chăm chú vào mắt người đó, bằng sự chân thành nhất có thể, và nói với anh/ cô ta rằng bạn cần sự giúp đỡ. Bằng việc cầu cứu cá nhân đặc biệt nào đó, bạn có thể làm người nọ đột nhiên cảm thấy họ hoàn toàn có trách nhiệm cho sự an toàn của bạn, và làm tăng khả năng họ sẽ giúp đỡ bạn. Phương thức này cũng có thể dùng nếu bạn muốn ai đó cùng giúp đỡ nạn nhân. Chỉ vào người nào đó và kêu anh/ cô ta đến giúp người gặp nạn, chỉ vào người khác và kêu họ gọi 911. Đưa ra những chỉ thị chi tiết và đặc thù để chống lại sự khuếch tán của trách nhiệm.

Theo science2vn.wordpress.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,656 lượt xem