Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

"Thi Sư Phạm Không Cần Điểm Cao, Thôi Thì Con Làm Giáo Viên cCho Nhàn..."

Hết hạn

"Mẹ ơi, lớn lên con sẽ làm thầy giáo dạy học cho tụi trong xóm.

Nhưng mà mẹ ơi, con muốn làm phi công hơn cơ. Con thích bay lắm.

Cơ mà con ốm yếu thế này chắc không làm phi công được mẹ nhỉ? Hay con làm bác sĩ nhé, để chữa bệnh cho nhà mình!

Không được rồi mẹ ơi, thi trường Y thì khó quá. Thi sư phạm không cần điểm cao, thôi thì con lại làm giáo viên cho nhàn..."

Vậy là rất nhiều những người trẻ đặt chân vào ngành giáo dục với chỉ lí do: đại học sư phạm lấy điểm thấp. 

Ngày xưa, phải nói là cái chữ nói khan nó hiếm, ông đồ mới thật là đáng nể, đáng kính và quan trọng biết là bao nhiêu. "Tôn sư trọng đạo" vốn dĩ là cái đạo lí làm người mà ai cũng phải thầm nhuần từ những ngày bé. Thầy cho kinh, cho chữ, cho đạo nghĩa. Thầy là cha, là mẹ.

 

Ấy vậy mà chỉ vừa ngót nghét được vài chữ gọi là biết khôn đủ để bước ra khỏi cái khổ, cái đói, người ta lại vội quên mất cái giá trị đích thực của nghề giáo. Cả người dạy lẫn người học.

Làm thầy dễ lắm ai ơi?!

Đã gọi thầy là cha, là mẹ, làm thầy cũng như sinh con, trách nhiệm lớn lao khôn tả. Trọng trách làm thầy lẽ nào ai muốn cũng làm được chăng? Vậy mà chỉ vì cái danh cái tiếng, hay vì ngành sư phạm này quá dễ dãi đã để những kẻ coi thường nghiệp dạy học dấn thân vào công cuộc trồng người vĩ đại của bao nhà giáo tâm huyết khác?

Người ta vẫn hay nói:"Nhất y, nhì dược, tạm được mới tới bách khoa", vẫn biết ngành y cao quý lắm, nhưng còn nghề giáo thì không đáng được đề cao? Thi đại học ngày nay chẳng khác gì ra trận, chỉ không phải "thắng làm vua, thua làm giặc" mà lại là "thắng làm bác sĩ, thua làm giáo viên". Một người thầy thì không cần phải giỏi như một bác sĩ hay sao?

"Thi đại học mà mười mấy hai mươi điểm thì chỉ làm giáo viên thôi con à." Học sinh, phụ huynh xót một thì cả xã hội này phải xót tận mười. Nghề giáo cao quý ngày trước giờ đây chỉ đáng giá "mười mấy hai mươi điểm"? Với chừng ấy, họ - những giáo viên tương lai ấy - sẽ truyền đạt kiến thức cho thế hệ tiếp theo bằng cách nào? Và cứ như vậy, những đứa học trò sẽ lại tiếp tục cất ước mơ của chúng sang một bên để "thi chừng mỗi môn năm bảy điểm là làm giáo viên được rồi"!

Mỗi môn năm ba điểm đã trúng tuyển ngành sư phạm?! - Hình ảnh minh họa -

Tất nhiên, rất may mắn là truyền thống nghề giáo vẫn đủ vững chãi, đủ kiên cố khỏi mai một bởi sự tha hóa của xã hội. Đó còn có thể là công lao của ai khác ngoài những thầy cô yêu nghề bằng cả trái tim và cả những người trẻ vẫn cháy lửa ước mơ sư phạm kia chứ? Mỗi người chúng ta đều nợ họ một lời cảm ơn.

 Đến cả người học cũng tha hóa...

"Xã hội hiện đại đến mức này, làm gì còn ai mù chữ nữa", nhưng không có nghĩa là nghề giáo nhất định "lỗi thời" rồi. Mức độ phát triển của đất nước dường như tỉ lệ nghịch với sự thông hiểu lễ nghĩa của một bộ phận phụ huynh và học sinh. "Muốn con hay chữ" thì không còn nhất thiết "phải yêu kính thầy" nữa. Người ta nghiễm nhiên cho rằng trách nhiệm của nhà giáo là "dạy và nhận tiền là đủ". Những đứa trẻ chẳng còn biết "tôn sư trọng đạo" là gì khi bố mẹ chúng có tiền, quyền lực và điểm đại học cao hơn thầy cô giáo.

Sự tôn kính vốn có dành cho người thầy đã bị nhuốc nhơ mất.

Vậy thì...

...Lỗi tại ai?

Sẽ thật đáng thương nếu chúng ta chỉ mải trách cứ những người bước chân vào ngành giáo dục một cách bất đắc dĩ, bởi họ cũng vì cho có cái nghề, cái nghiệp với người ta mà bỏ quên cả ước mơ của bản thân và cả của những đứa học trò nhỏ.

Cũng sẽ thật bất công nếu chỉ đổ lỗi cho các bậc phụ huynh và học sinh chỉ vì quá mất niềm tin vào ngành giáo dục.

Có trách phải trách cả xã hội này đã bỏ quên cái sự cao quý vốn có của ngành lại trong quá khứ.

Phải chăng chỉ vì hai chữ "định kiến" đã quá lớn khiến người ta cố tình không chịu hiểu: nghề giáo cao trọng hơn những gì mà mọi người đang nghĩ?

"Tôi tin rằng giáo viên là người quan trọng và chịu nhiều trọng trách nhất của xã hội vì những nỗ lực trong nghề nghiệp của họ ảnh hưởng tới số phận của cả trái đất".

- Bác sĩ Helen Caldicot -

Xã hội thấy bác sĩ cứu người, thấy cảnh sát bắt cướp, thấy phi công lái máy bay, thấy kỹ sư xây nhà, vậy tại sao người ta không thấy những nhà giáo đang trồng người? Nếu không có bác sĩ, người bệnh sẽ chết; nếu không có cảnh sát, những tên cướp hoành hành; nếu không có phi công, sẽ chẳng có chuyến bay nào hết và nếu không có kỹ sư, sẽ không có những ngôi nhà để ở. Nhưng nếu không có nhà giáo, cả xã hội sẽ chết, hay chỉ còn lại những tên cướp, cũng chẳng có chiếc máy bay nào ra đời cả và thậm chí những ngôi nhà xây lên rồi sẽ lại sập xuống. 

Không mấy ai nhìn nhận điều này cả.

Có trách phải trách nhà nước đã không công bằng với nhà giáo khi lương của họ chỉ "ba cọc ba đồng". Dù muốn dù không, ta đều phải thừa nhận rằng lương bổng là một trong những thước đo địa vị quan trọng nhất trong xã hội ngày nay. Đã không được trọng vọng thì chớ, lại vấp phải chữ “nghèo”, "học giỏi ai mà thèm sư phạm" cũng phải thôi. Ấy là chưa nói đến khi những giáo viên có năng lực bắt đầu dạy thêm (đúng quy định) để tăng thu nhập thì lại vướng phải lệnh cấm lên cấm xuống. Nghề giáo bị "bạc" đến thế sao?

- Hình ảnh minh họa -

Có trách phải trách cả bộ giáo dục đã không làm được gì hơn là để ngành sư phạm phải "khép nép" trước các ngành "đao to búa lớn" khác như y dược, kinh tế, an ninh hay chính trị. 

Có trách cũng nên trách bản thân mỗi người đã từng mơ được làm cái nghề "bạc" này nhưng rồi lại từ bỏ để vết hằn định kiến này mỗi ngày thêm sâu sắc...

Một nhà giáo chân chính...có gì?

Một nhà giáo thì không có nhiều tiền. Tất nhiên là không phải giáo viên nào cũng "nghèo".

Một nhà giáo chân chính thì không hề nhàn.

Đừng bao giờ nghĩ rằng thầy cô thật "nhàn nhã" trong khi bạn phải ngốn cả đống bài tập, vì bạn không hiểu được những áp lực mà họ phải đối mặt. Nếu bài tập của bạn là học, thì bài tập của họ là dạy. Khó khăn ở chỗ, bạn có thể làm sai một phép toán, viết sai một lỗi chính tả, đọc sai công thức một chất hóa học, hay nói sai tên một định luật vật lý, thì họ không thể. Thú thực đi, có phải bạn đã từng "xét nét" giáo viên của mình đủ điều không? Và hơn hết đó chính là "bài tập" khó nhằn nhất của một nhà giáo.

Làm giáo viên...có nhàn? - Hình ảnh minh họa -

Một nhà giáo chân chính sẽ không có sức hút của một minh tinh, không được ngưỡng mộ như một bác sĩ, không quyền lực như một chính trị gia hay mạnh mẽ như một cảnh sát. 

Nhưng những thứ  đó có còn quan trọng không khi họ dắt bạn đi trên con đường mà bạn chọn, dạy bạn làm thế nào đương đầu với những thử thách? Họ thậm chí còn giúp bạn dẹp bỏ những bụi gai trên đường có thể làm bạn chảy máu, chỉ là bạn không nhận ra thôi.

Họ có kiến thức, tình yêu và nhiệt huyết. Tình yêu ấy vượt lên trên cả những định kiến và tiền bạc.

Họ vui khi nhìn thấy bạn, khóc khi chia tay bạn, chúc mừng bạn trong khi những người khác ghen tị với thành công của bạn. 

Ngoài ba mẹ, có mấy ai cho ta được những điều ấy? - Hình ảnh minh họa -

 

“Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên.”

- Gôlôbôlin -

Bạn nhận từ họ nhiều hơn những gì bạn nghĩ, và có lẽ bạn cũng cho họ nhiều hơn những gì bạn có thể tưởng tượng.

Một ngày 20 tháng 11 hằng năm…liệu đã đủ?

Chưa bao giờ là đủ với những gì mà thầy cô đã dành cho bạn. Nhờ họ, bạn trưởng thành. Nhờ họ, bạn thành công. Nhờ họ, bạn có được ngày hôm nay. Vậy thì có lẽ một ngày 20 tháng 11 hằng năm thôi là quá “keo kiệt” rồi đấy.

Một ngày 20 tháng 11 mỗi năm là quá ít ỏi so với những gì thầy cô dành cho bạn. - Hình ảnh minh họa -

Họ xứng đáng được nhận nhiều hơn những gì mà xã hội đang đối đãi với họ.

Đừng dạy học một cách bất đắc dĩ, mà hãy làm vì ước mơ không chỉ của riêng bạn!

Nếu bạn thực sự mơ ước làm giáo viên, đừng ngần ngại theo đuổi tới cùng. Nếu bạn chưa từng muốn dạy học, đừng làm điêu đó chỉ vì bạn không thể lựa chọn gì khác.

“Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện.”

Vijaya Lakshmi Pandit -

Có lẽ bạn sẽ không muốn trở thành một phần của những định kiến về nghề giáo, nên hãy đảm bảo rằng những mối e ngại sẽ không thể ngăn bạn khỏi ước mơ trở thành một giáo viên thực thụ.

Quyết định trở thành một giáo viên có lẽ sẽ là sự đóng góp lớn nhất cho xã hội mà bạn có thể làm đấy.

"Ngành sư phạm lấy điểm thấp" hay "thi sư phạm dễ đậu" không phải là những cái cớ hay để bạn miễn cưỡng đứng trên bục giảng. Đừng mang một tâm thế coi thường hay cho rằng ngành nghề cao đẹp này lại chỉ là một "kế hoạch dự phòng" của bạn. 

Là một nhà giáo, bạn phải mang trên vai sứ vụ gieo trồng những ước mơ tươi đẹp, nhất là ở những nơi mà ước mơ vẫn còn là một thứ xa xỉ. Điều đó thật chẳng dễ dàng chút nào. Bạn thậm chí còn không thể chịu trách nhiệm với ước mơ của mình thì thật khó có thể chịu trách với ước mơ của người khác.

Có thể bạn chưa nhận ra, hoặc không ngờ tới, có rất nhiều những đứa trẻ trên khắp đất nước này, từ những vùng xa xôi và nghèo đói nhất, từ những dân tộc ít người nhất, luôn khao khát được học, được biết. Có thể nói, chúng không mong đợi gì hơn một người dạy học: người dạy chúng biết thế nào là mơ ước và dạy chúng cách theo đuổi những ước mơ. Đừng vô tình dập tắt ước mơ của chúng bằng những suy nghĩ thiếu trách nhiệm:”Học không giỏi thì làm giáo viên vậy.”

Trở thành một giáo viên không đơn thuần là một nghề nghiệp, một mục đích mà là cả một hành trình và chỉ có những con người tâm huyết thực sự mới đủ kiên cường để bước đi trên con đường đó.

- Hình ảnh minh họa -

"Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình." 

- Can Jung -

Kết

Hãy theo đuổi ước mơ thật sự, chứ không phải tiền bạn hay danh vọng. Thầy cô dạy bạn cách theo đuổi ước mơ chứ không dạy bạn cách kiếm tiền. Bạn cần tình yêu, và tất nhiên là cả trách nhiệm nữa, đối với con đường mà mình chọn lựa.

Dù bạn có chọn làm bác sĩ, làm kĩ sư, làm diễn viên hay một nhà ngoại giao đi chăng nữa cũng hãy nhớ rằng, tất cả họ đều sinh ra từ những nhà giáo. Ta đều nợ thầy cô của mình nhiều hơn một lời cảm ơn, một lời xin lỗi và cả một ngày 20 tháng 11 mỗi năm.

“Tôi mang ơn cha mẹ cho tôi sự sống. nhưng tri ân thầy tôi đã dạy tôi sống đẹp.”

Alexander the Great -

 

 

Hết hạn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,055 lượt xem