Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Ai Có Quyền “Đánh Thuế” Uớc Mơ Của Tuổi Trẻ?

“Không ai đánh thuế ước mơ cả, vậy nên cứ mơ đi!”. Đó là câu trả lời tôi nhận lại được từ một số người bạn khi chia sẻ với họ về những ước mơ của bản thân. Thú thật, tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều về nó: là một lời khích lệ hay đơn thuần chỉ là một câu từ chối khéo về tính viễn vông của giấc mơ kia? Có thực sự là không ai đánh thuế ước mơ của ta không? Nhưng rồi thật may mắn khi tôi đã tự tìm ra được đáp án cho những băn khoăn đó.

Be your dream NOW or NEVER!

Nguồn ảnh: anhbiafb.com

Người ta thường hiểu thuế theo nghĩa thông thường là một khoản tiền bắt buộc mà công dân phải nộp cho Nhà nước, tức nộp thuế chính là nghĩa vụ của công dân. Vì vậy, đặt trong bối cảnh câu nói thì có thể dễ hiểu rằng: chúng ta không phải mất tiền để ước mơ cũng như chẳng có sự ràng buộc lợi ích nào giữa ước mơ với một chủ thể khác, vậy nên cứ thoải mái, tự do và đắm chìm trong bức tranh ước mơ do mình vẽ ra đi.

Nhưng nếu nhìn vấn đề theo một phương chiều khác, chúng ta sẽ nhận ra rằng thực tế mỗi người vẫn vô hình để ước mơ của mình phải “chịu thuế” dưới hình thức khác là những bất đồng, những định kiến của người đời – nhất là khi ta còn trẻ. Vậy phải làm gì đây để tránh khỏi nghịch cảnh đó?

NHẬN RA AI ĐANG LÀ NGƯỜI “ĐÁNH THUẾ” ƯỚC MƠ CỦA MÌNH

Ngày còn nhỏ, nếu ai đó hỏi ta: “Ước mơ của con là gì?”, ắt hẳn câu trả lời rất đa dạng, thậm chí là to tát, phi thực tế: là phi hành gia, là siêu nhân,... Người lớn mỉm cười khích lệ, ủng hộ ước mơ đó và ta chẳng bao giờ ngại nói ra những điều mình muốn. Nhưng khi lớn lên, ta luôn phải cân nhắc đối với việc nói về những ước mơ của chính mình bởi ta bắt đầu có đủ nhận thức để sợ - sợ những định kiến, những lời nói không hay về nó. Ta gián tiếp để cho những ước mơ của bản thân chết yểu từ trong phôi thai. Thật ra điều này cũng chẳng có gì là lạ khi ta vẫn còn dễ bị những người xung quanh tác động đến:

  • Đó là gia đình. Phần lớn các bậc phụ huynh ở những nước Phương Đông vẫn còn giữ cách giáo dục con cái theo quan điểm truyền thống. Họ gần như dành cả cuộc đời của mình để bao bọc, che chở cho chúng. Họ bảo con cái phải làm điều này, đừng làm việc kia chỉ với lý do “Cha mẹ chỉ muốn tốt cho con”. Họ nắm tay con cái dắt đi từng bước một trên lộ trình cuộc đời mà họ đã vạch sẵn. Bởi vậy, nếu con cái có một ước mơ nào đó trái ngược với những bước đi trong bản thảo, chắc chắn nó không được phép hình thành. Và rồi những đứa trẻ cứ mãi lớn lên cho đến khi trưởng thành vẫn được dìu dắt, trở thành những “thai nhi quá hạn”. Để rồi đến một thời điểm nào đó của cuộc đời, khi nhìn lại, những người con thấy hối tiếc với những ước mơ mình không dám dấn thân để thực hiện vì họ nhận ra rằng họ hoàn toàn có khả năng đạt được nó, thậm chí theo một cách tuyệt vời nhất. Chẳng hạn như trường hợp của một người anh mà tôi quen. Cha mẹ anh ấy là cán bộ Nhà nước, họ muốn hướng anh theo nghiệp cảnh sát trong khi anh lại ước ao trở thành một nhà phiên dịch bởi anh đam mê và rất giỏi tiếng Anh. Anh vốn dĩ không thích sự quy củ nhưng rồi gặp phải sự phản đối của cha mẹ, anh ấy cũng không dám làm trái vì anh nghĩ cha mẹ luôn là người có quyết định đúng. Và rồi khi đã ra trường và làm đúng ngành nghề đã chọn, anh vẫn không khỏi day dứt bởi niềm đam mê không được thực hiện: “Lẽ ra anh nên can đảm đấu tranh cho ước mơ của mình, lẽ ra anh đã có thể làm nhiều hơn thế”. Tôi biết anh chỉ là một trong rất nhiều người trẻ đang sống thay cho ước mơ của người khác.
  • Đó là người thân bạn bè. Họ thường lấy kinh nghiệm của bản thân hoặc đơn giản là những điều nghe được để nói đến ước mơ mà bạn đang chia sẻ. Nếu họ đưa ra nhằm cung cấp thông tin thì xem như chúng ta đang có thêm một nguồn tham khảo. Nếu những điều đưa ra là áp đặt, đối nghịch và mang tính bác bỏ ước mơ thì thực sự đó là một rào cản rất lớn. Đơn cử như việc chọn ngành vào Đại học, khi ước mơ của bạn là vào ngành X nhưng người thân/ bạn bè của bạn lại bảo: “Ôi dào, bây giờ ai còn học ngành ấy nữa, phải đua nhau theo ngành Y, ngành Z đang hot này thì mới may ra kiếm được công việc lương cao” hay “Tưởng gì chứ ngành ấy chị A kia học ra rồi khó xin việc lắm”. Dẫu bạn biết rằng chẳng có ai làm được tất cả các nghề, hiểu thấu đáo và toàn diện tất cả những ưu, khuyết của từng ngành nghề một. Tệ hơn là họ chưa chắc đã hiểu được năng lực thực sự của bạn, những điều bạn thực sự mong muốn khi thực hiện ước mơ đó không phải là một mức lương quá cao cũng chẳng phải để có một công việc ổn định mà là thực hiện được đam mê của chính mình. Nhưng bạn vẫn bị dao động trước những lời nói đó vì chúng ta sợ hãi trước những định kiến ấy.

“Cuốc sống thường không chật hẹp trong những ngôi nhà, trên những con đường, góc phố mà chính trong định kiến và suy nghĩ của con người”.

Nguồn ảnh: wallstreetenglish.edu.vn

 

NHẬN RA ƯỚC MƠ CỦA BẢN THÂN QUAN TRỌNG ĐẾN NHƯỜNG NÀO

Nhắc đến ước mơ, người ta vẫn hay dành cho nó thật nhiều mỹ từ, họ quan niệm rằng ước mơ phải là những thứ gì đó lớn lao và vĩ đại lắm! Còn đối với tôi, ước mơ chẳng hề vượt qua khỏi phạm trù khả năng của con người, giống như nhà diễn thuyết truyền động lực người Úc - Nick Vujicic từng nói: “Không có mục tiêu nào quá lớn, không có ước mơ nào quá xa vời”. Ước mơ tuy không tồn tại dưới dạng hình khối nhưng sẽ trở thành hữu hình trong từng hoạt động cụ thể khi chúng ta nỗ lực để đạt được nó. Ước mơ là thứ kéo tôi ra khỏi chiếc giường khi đang trong giấc ngủ lười biếng để bắt đầu một ngày mới. Ước mơ là thứ nói với tôi phải gò mình vào kỷ luật bản thân mới có thể chạm đến vạch đích. Và ước mơ cũng là một chiếc đòn bẩy mạnh mẽ giúp tôi tiến về phía trước mỗi khi nghĩ về nó...

 

Ai đó đã từng quan niệm rằng: “Hiện thực xảy ra hai lần, đầu tiên là trong đầu của bạn, sau đó mới là trong thực tế”. Vậy điều gì kết nối hai lần hiện thực ấy lại với nhau thành một chỉnh thể thống nhất? Là ước mơ. Hãy xem hiện thực là một bức tranh hoàn chỉnh. Hiện thực “xảy ra trong đầu” là những nét phác thảo đầu tiên, tuy sơ khai, giản đơn nhưng lại là những nét vẽ quan trọng, mang tính định hình kết cấu cho toàn bộ bức tranh. Hiện thực “xảy ra trong thực tế” là những màu sắc được sử dụng trong bức tranh ấy. Và chỉ có ước mơ mới giúp ta dốc hết tâm huyết và nỗ lực để hoàn thiện bức tranh hiện thực của đời mình bằng những gam màu tươi tắn nhất.

Chúng ta vẫn hay nói với nhau rằng người khốn cùng nhất không phải là người không có một xu dính túi mà là người không có nổi một ước mơ. Bởi khi ta sống trên cuộc đời này mà không có nổi một mục tiêu, không có được một khát khao để thực hiện thì đó không gọi là sống mà chỉ là “tồn tại” (về mặt sinh học). Còn khi ta có một ước mơ nhưng lại không dám thực hiện hoặc nó bị thay thế bởi ước mơ của người khác thì theo tôi, đó vẫn là sống nhưng lại là sự sống trong gông cùm. Khi chúng ta không thực hiện được những giấc mơ của bản thân, chúng ta sẽ mãi đứng yên tại chỗ. Con người ta thường hay đạt được một điều gì đó lớn lao là khi họ ở tận cùng của vực thẳm hay ở đỉnh cao của thành công, còn những người ở mức giữa, họ thường bằng lòng với mức sống quân bình. Họ luẩn quẩn trong mớ bòng bong, chấp nhận chịu sự chi phối của nó và không thể thoát ra khỏi bi kịch ấy. Để rồi mãi mãi chúng ta chẳng thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Đi theo tiếng gọi của ước mơ, chúng ta không biết rằng mình sẽ chiến thắng hay bại trận nhưng ít nhất chúng ta đã dám cho mình một cơ hội để định vị bản thân, một bài học cho những “chặng đường vạn dặm” sau này.

Khi nói về ước mơ: Hãy biến “impossible” thành “i’m possible”.

Nguồn ảnh: freepik.com

 

NHẬN RA CHỈ CHÍNH MÌNH MỚI CÓ QUYỀN “ĐÁNH THUẾ” ƯỚC MƠ CỦA BẢN THÂN.

Tại những khu rừng bảo tồn, công viên quốc gia ở Mỹ người ta thường gắn biển hiệu Mountains don’t care (thậm chí có nơi còn gắn kèm một bản tóm tắt những điêu cần chuẩn bị trước khi bắt đầu cuộc hành trình) nhằm nhắc nhở những người leo núi cần chuẩn bị thật cẩn thận cho chính mình. Vì sao ư? - Những ngọn núi chẳng quan tâm! Cho dù bạn đã bỏ công sức, thời gian và tiền bạc để đến được tận nơi đây chinh phục những ngọn núi – chúng chẳng quan tâm. Cho dù bạn đã phải cố gắng vật lộn, gồng mình vượt qua mọi thử thách thiên tai khắc nghiệt để đến được đỉnh núi, phóng tầm mắt ngắm cảnh núi hùng vĩ – chúng chẳng quan tâm. Và thậm chí ta lạc đường, bị bão tuyết nhấn chìm, bỏ cuộc vì đói khát trên hành trình chinh phục – chúng chẳng quan tâm. Cũng giống như những ngọn núi, những người xung quanh ta cũng chỉ là những hiện tượng khách quan tồn tại độc lập với ta. Họ có thể phản đối, bác bỏ, dè bỉu, tỏ thái độ khi bạn nói ra ước mơ của mình nhưng sau đó thật ra chẳng ai thật sự quan tâm đến việc bạn có làm việc đó hay không. Chẳng ai rảnh rỗi đến mức cứ mãi “dòm ngó” đến cuộc sống của người khác, họ còn bận lo cho cuộc sống của chính mình. Cũng không ai chịu trách nhiệm đối với cuộc đời của chúng ta cả. Chúng ta không có nghĩa vụ phải sống theo mong muốn của người khác, chúng ta không có nghĩa vụ phải đem lại cho người khác lợi ích là ước mơ và họ sẽ đáp trả lại bởi một điểu tương tự. Chỉ đơn giản là không ai có thể sống thay cuộc đời của người khác. Suy cho cùng, ước mơ là của ta, quyết định là ở ta, thành bại cũng là ở ta và tất cả do ta thụ hưởng hoặc gánh chịu. Bởi vì, “after all, people don’t care.

Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện về ước mơ mang đậm màu sắc cá nhân của mình. Năm lớp 9, tôi đã có ý định làm hồ sơ để tham gia thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Văn, thực sự tôi đã rất ước mơ mình có được giải cao trong kỳ thi đó. Khi biết được, rất nhiều người bạn của tôi đã khuyên tôi từ bỏ vì nhìn mặt bằng chung, lớp tôi không giỏi (nếu không muốn nói là khá yếu so với khối) và họ nói thẳng “Thi làm chi, điểm thấp quê lắm!”. Nói thật, tôi đã không tránh khỏi trạng thái lo sợ, dao động. Vì đó là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc thi lớn như vậy và cũng là lần đầu tiên tôi gặp phải định kiến. Nhưng rồi khi nghĩ về ước mơ của mình, tôi đã nhắc nhở bản thân phải mạnh mẽ hơn nữa, phải dấn thân để đạt được nó, tôi không để ai được “đánh thuế” ước mơ của mình. Và ước mơ đã kéo tôi ra khỏi vũng lầy hoang mang, đẩy tôi vào khuôn khổ cố gắng trau dồi kiến thức từng ngày một để tiến về cuộc thi. Trong lần thi đó, tôi đã vượt qua, đứng thứ 13/15 người đại diện thành phố đi thi cấp tỉnh. Nó như là bước đà tốt để tôi rút kinh nghiệm, tiếp tục cuộc cạnh tranh với 120 thí sinh trên toàn tỉnh để hoàn thành bước nhảy xa của mình để đến với giải Nhì chung cuộc. Sau này, cuộc thi đó đã giúp tôi rất nhiều, để trở thành một học sinh chuyên Văn, tăng khả năng viết... và quan trọng là nó trở thành nguồn động lực vô cùng lớn để tôi thực hiện những ước mơ lớn lao hơn nữa. Quả thật, những thành quả mà tôi có được là do tôi thụ hưởng, ngày đó cho dù tôi có thành công hay thất bại thì đâu ai quan tâm. Mọi thứ sẽ chỉ dừng lại ở một câu an ủi hay chúc mừng. Chấm hết!

 

Để khép lại bài viết của mình, tôi xin được phép trích dẫn câu nói trong bài phát biểu của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp của trường đại học Stanford năm 2005: “Hãy cứ khát khao, hãy mãi dại khờ”. Tuổi trẻ nồng nhiệt nhất là khi được sống với chính bản ngã của mình, dám ước mơ và dám thực hiện nó, tuy non nớt và khờ dại nhưng đáng để ta đánh đổi, đáng để ta sống đúng với tiếng gọi của trái tim. Chúng ta không vịn vào lý do “vì tôi còn trẻ” để ngụy biện cho những hành động của mình, chúng ta dùng nó để chứng minh rằng ta đang thực sự sống với nguồn sinh lực tràn trề nhất của đời người. Để rồi sau này, khi đã đi đến những cột mốc khác của cuộc đời, ngoảnh mặt lại ta vẫn có thể mỉm cười vì đã có một tuổi trẻ đầy màu sắc ước mơ, không phải hối hận vì những năm tháng sống hoài sống phí. Hãy tự “đánh thuế” ước mơ của mình theo một nghĩa khác, bằng sự ràng buộc bởi kỷ luật, bằng những điều bản thân phải trả giá nếu không thực hiện đến cùng. Hãy viết tiếp cuốn sách cuộc đời bằng những trang viết ước mơ tươi đẹp nhất.

Một lần nữa, hãy cùng gửi đến tuổi trẻ của chúng ta thông điệp ấy: “Hãy cứ khát khao, hãy mãi dại khờ”.

 

Tác Giả: Phantom

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/canh.dong.hoang.133

 --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,886 lượt xem, 3,650 người xem - 3652 điểm