Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Đối Nhân Xử Thế: “Đắc Nhân Tâm” Hay “Đắc Thâm Tâm”

“Đắc nhân tâm” về cơ bản là việc áp dụng một các linh hoạt cách thức cư xử và giao tiếp với mọi người để đạt được thành công trong cuộc sống. Có kha khá các loại sách, báo, tạp chí,… bàn về vấn đề này cũng như hướng dẫn con người ta làm thế nào để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Các nhà “đắc nhân tâm học” phân chia xã hội thành nhiều loại người khác nhau, từ đó tiếp tục mổ xẻ ra các tình huống cư xử khác nhau và phương hướng giải quyết chúng. Cảm giác nó gần như đã trở thành một môn khoa học về tâm lý học ứng xử chứ không còn đơn giản là câu chuyện về vài ba người đang nói chuyện với nhau nữa.

Chúng ta thường than thở về việc học nhiều mà chẳng dùng được bao nhiêu thì ở đây cũng y hệt như thế, biết cách cư xử là một chuyện, áp dụng nó vào cuộc sống lại là một câu chuyện khác.

Tôi xin mạn phép kể lại câu chuyện đối nhân xử thế của tôi như một ví dụ nho nhỏ thế này:

Tôi là một người hướng nội, yêu thích viết những thứ linh tinh. Tôi nhận được một công việc viết SEO Content quảng cáo cho một sản phẩm với KPI khoảng 40 bài/ tháng, mỗi bài rơi vài khoảng hơn 700 chữ. Công việc với dân chuyên có vẻ không hề hấn gì nhưng tay mơ như tôi thì đó quả là một thách thức. Bởi vậy tôi gần như chết dí ở trước cái máy tính của mình để tìm kiếm thông tin, “copy” ý tưởng từ các bài viết tương tự, tinh chỉnh để lách luật đạo văn, tìm kiếm hình ảnh đắp vào bài viết rồi đẩy lên trang Web,…

Công việc khá lu bù khiến tôi gần như suốt ngày cắm mặt vào máy tính. Kết hợp với tính cách hướng nội bẩm sinh khiến tôi trở thành một “cục đá trầm lặng” trong công ty. Tần suất giao tiếp hạn chế ở mức tối đa. Gần như tôi chỉ giao tiếp với trưởng nhóm của mình để cố lấy thêm chút ít thông tin cho bài viết. Với những dự án thiết hụt thông tin, tôi nhanh chóng suy sụp khi đáp ứng cái KPI chết dẫm ở trên ấy. Đôi khi mọi người nhìn vào và cảm thấy tôi như thiếu sức sống, trầm lặng ít nói, ít tham gia vào hoạt động vui chơi và trò chuyện bên lề của phòng kinh doanh.

Tôi cũng hiếm khi tham gia vào các hoạt động ăn chơi vào ngày lễ tết, hay Noel mới gần đây của phòng. Tôi thấy mình cần thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn là hòa đồng với mọi người vào các ngày nghỉ cứng, nếu việc đó xảy ra trong giờ làm việc có thể tôi sẽ suy nghĩ lại.

Không nắm chắc việc có được làm chính thức là thành hay bại nên bản thân tôi cũng không muốn quá hòa đồng với tất cả. Có thể bởi tính cách hướng nội cực đoan nên tôi không thích mình bị rằng buộc với quá nhiều mối quan hệ mới mẻ. Tôi tự nhủ: “nếu quá gắn bó với công ty thì khi bị đuổi việc chắc sẽ đau đớn lắm”, nên tôi cũng không thực sự đầu tư thời gian vào các mối quan hệ lắm.

Sau 2 tuần làm việc, tôi được trưởng nhóm đánh giá là “tạm ổn” với cơ hội rộng mở thành nhân viên chính thức. Mọi chuyện có vẻ toàn màu hồng cho đến khi…

Ông sếp tổng vốn xuất thân là nhân viên kinh doanh, nóng nảy và lúc nào cũng chực chờ bùng cháy. Có lẽ do sức ép mỗi khi gặp khách hàng khó tính. Có một ông ổng chê tôi thế nào: “Anh thấy mày cứ lù rà lù rù thế nào ấy. Mấy thằng cùng năm 93 với mày có thằng làm trưởng phòng hết rồi đấy.” – Tôi hơi bực một chút, ông ấy đã không đóng góp được cái gì về chuyên môn cho tôi còn chê bai này nọ. Bài tôi viết do trưởng nhóm duyệt “OK” rồi, tôi nghĩ cũng không hiểu sao mình bị chê nữa.

Một hôm khác tôi đang ngồi làm việc thì ông sếp tiếp tục sai tôi đi mua băng dính để dán một vài giấy tờ lên bảng thông tin, trong khi công việc đấy do hành chính phụ trách. Đi qua tiền sảnh thì tiện thể bị nhờ đi mua thêm vài thứ khác cũng liên quan đến công việc thôi. Tôi nhận lời nhưng chợt thấy mình quên ví. Thế là tôi quay lại phòng để tìm ví và tiếp tục công việc. Ông sếp thấy tôi quay trở lại với hai bàn tay trắng hỏi xoáy ngay một câu:

- Thế bây giờ em định thế nào ấy nhỉ?

- Em quên ví nên quay lại lấy – Tôi đáp. Ông sếp bồi ngay một câu:

- Mày cứ chậm chạp thế này thì kiếm tiền thế quái nào được. Anh thấy mày bị làm sao ấy.

Tôi thực sự muốn đấm vào mặt ông sếp của mình. Tôi vẫn đang làm tốt chuyên môn của mình, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của nhân viên, quy định của công ty. Hơn hết tôi đơn giản chỉ là một nhân viên quá mới, việc hòa nhập ra sao với cộng đồng cần thêm thời gian hoặc ít ra là thời điểm hợp lý. Nhưng tôi vẫn liên tục bị xát muối vào vết thương với một loạt lời chê nhắm vào tính cách hơn là chuyên môn.

Ông ấy tổng kết một câu thế này: “Trong một môi trường mà mọi người đều hừng hực khí thế thì một người mới hoặc sẽ được kéo lên hoặc sẽ tạo hiệu ứng tiêu cực cho mọi người. Anh thấy chú cần phải thay đổi ngay, phải hừng hực khí thế vào, phải chai mặt mới bán được hàng chứ.”

Tôi muốn bỏ việc. Tôi không biết ông ấy thuê nhân viên Content hay người đa năng nữa nhưng lúc đầu trao đổi công việc tôi không được trao đổi vấn đề này. Ông anh trưởng nhóm an ủi tôi: “Anh biết bản chất cái bọn viết lách như mày vừa lầm lì vừa ít nói rồi. Cứ làm với anh vài năm rồi chú sẽ ổn ngay”.

Mọi chuyện không tốt lên là bao, tôi cảm thấy ngột ngạt khi ông sếp tổng lượn lờ quanh tôi, dù ông ấy mắng người khác. Cảm hứng lụi tàn mỗi khi ông ấy ở gần tôi. “Hắn cần phải thay đổi cách hắn đối xử với tôi, nếu không tôi sẽ nghỉ” – tôi thầm nghĩ như vậy.

Tôi chia sẻ câu chuyện bên li trà đá thì mấy người chị làm bên hành chính khuyên nhủ tôi nên suy nghĩ lại. Mấy chị cũng góp ý là mày trầm quá nhưng cũng thấu hiểu cho tôi với vị trí là người mới, ngại giao tiếp. Cũng mắng ông sếp vào câu bào lúc nào cũng sồn sồn lên này nọ,…

Tôi cảm thấy được an ủi đôi chút và tự nghĩ: “Ai mới là người cần thay đổi ở đây?”

Có vẻ sếp của tôi có phần đúng, nhưng tôi không nghĩ mình đã sai hoàn toàn. Tôi vẫn đáp ứng được công việc một cách ổn, mối quan hệ với các nhân viên khác không quá thân nhưng cũng không đến mức bị xa lánh (trừ với ông sếp), bị sai gì cũng làm, nói gì cũng tiếp thu (trừ với ông sếp ra). Tôi cảm thấy tương lai mình có thể phát triển ở đây nhưng tôi không muốn bị thúc ép bản thân phải thay đổi ngay lập tức như vậy. Điều này thực sự quá khó với tôi.

“Đắc nhân tâm” hay “Đắc thâm tâm”

Tôi có nghiên cứu về đắc nhân tâm học, môn này có giúp tôi một vài phương pháp để đối phó với sếp của mình. Nhưng tôi không muốn làm điều này hoặc đơn giản là chưa thể làm. Tận sâu trong đáy lòng tôi đã cản trở tôi lại. Tôi gần như sẽ phải thay đổi nhiều thứ: giá trị quan, thói quen, tính cách cố hữu vốn có, và quan trọng hơn hết là tôi không cảm thấy mình đã sai trong cách ứng xử của mình.

Sai phải sửa là điều tất nhiên, là điều nên làm nhưng… tôi có thể làm được chăng?

Tôi có đọc vài bài báo nói mấy người vừa hướng nội vừa hướng ngoại dễ trở thành nạn nhân của xã hội, họ có xu hướng dễ bị trầm cảm hơn là những người “chuẩn hướng nội” hoặc “chuẩn hướng ngoại”. Tôi không dám chắc là nếu mình thử đổi thay mình sẽ trở thành cái gì nữa. Một câu hỏi vang lên trong đầu tôi: “đắc nhân tâm” hay “đắc thâm tâm”.

Thâm tâm hay nội tâm của chính mình là sức mạnh ngăn cản tôi lúc này. Để đắc được nhân tâm trước tiên phải đắc được thâm tâm trước đã. Bạn phải thỏa hiệp với chính mình rằng mình cần phải thay đổi. Đó là một cuộc chiến khốc liệt giữa cái bản chất đã hình thành nên bạn từ rất lâu rồi.

Bạn cần chắc chắn mình sẽ không phát điên mỗi khi đêm về. Cười với đứa mình ghét, tỏ ra thân thiện với người lạ mà mình “không thích lắm”. Nhún nhường dù mình phải chịu thiệt, theo ngôn ngữ hài thì nó cơ bản là “phải biết điềm tĩnh trước gái xinh và không được giật mình trước gái xấu”.

Bạn phải luôn tự nhắc nhở rằng mình cần thay đổi không phải là mình sai mà mình làm vậy để trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn, có nhiều mối quan hệ hơn, từ đó mang đến nhiều lợi ích hơn, đem tới nhiều thành công hơn trong cuộc sống.

Một viễn cảnh tươi sáng.

Không biết các bạn thấy thế nào nhưng hiện nay thì tôi chịu, không làm được. Tôi cần thời gian và mong muốn mọi chuyện thay đổi không quá đột ngột. Có lẽ tôi đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các tượng đài anh hùng võ hiệp của Kim Dung, Cổ Long hay Bao Thanh Thiên, Thủy Hử, Tam Quốc Chí,… nên tôi truy cầu sự thẳng thắn. Làm việc chỉ cần không hổ thẹn với lòng, không trái luân thường đạo lý là ổn rồi. Điều quan trọng là bản thân mình lỗi lạc – “tâm phải bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Câu chuyện ở đây tôi muốn đề cập là xã hội có kha khá người giống như tôi, một số thì tốt hơn nhưng một số thậm chí còn tệ hơn. Tôi không phải thiên tài, tôi chỉ là người bình thường và tôi cần những chỗ dựa vững chắc trước khi tiến bước về phía trước. Tôi cần những người bạn có thể hiểu tôi và dẫn dắt tôi trở nên hòa đồng như họ.

Những người như tôi cần nhiều hơn sự trợ giúp để hòa nhập với tất cả mọi người. Trong các mối quan hệ, xin các bạn đừng vô tâm quá, cũng đừng tỏ ra quá thất vọng nếu một ai đó không thay đổi ngay theo ý muốn của bạn. Đừng ép buộc họ đi chơi nếu họ chưa muốn, hãy thử 1 vài lần mời gọi nữa. Họ đang thực sự phải tranh đấu, phải chiến thắng nội tâm của mình để hòa nhập với tất cả.

Hãy nhớ về ngày xưa thời còn đi học. Bạn phải mất bao lâu để kết giao với một nhóm bạn, rồi phải mất bao lâu thì cả lớp mới trở thành một tập thể gắn kết (hoặc thậm chí là không thể làm được).

Tôn trọng sự khác biệt của nhau. Hiểu và thông cảm cho nhau để cùng nhau tiến bộ. Trước khi muốn ai đó đối xử với mình tốt (đắc nhân tâm) thì hãy giúp họ tự chiến thắng được nội tâm của chính họ (đắc thâm tâm). Như vậy thì con người mới tốt lên được.

Còn nếu cứ thay đổi nửa vời thì sẽ rất không ổn, không ổn một chút nào…

Tác giả: Tiêu Dao Thịnh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/thinhpt93 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,190 lượt xem, 1,183 người xem - 1183 điểm