Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Sống "Hạnh Phúc" Với Sống "Đạo Đức", Cái Nào Hơn?

Sống một cuộc đời “hạnh phúc” với sống một cuộc đời “đạo đức”, cái nào hơn?

 

“Chúng ta đâu có thể có được mọi thứ trong đời.”

 

 

Thế nào là hạnh phúc và thế nào là đạo đức?

Không có một khái niệm hay định nghĩa nào giống hệt nhau. Mỗi một người lại có một cách định nghĩa riêng, có thể đối với người này có được một ngôi nhà để che mưa che nắng đã là một niềm hạnh phúc thì đối với một người khác đó lại là một chuyện đương nhiên phải có. Hạnh phúc của người này thì chưa chắc đã là hạnh phúc của người kia và điều làm người kia cười lại cũng chưa chắc đã làm người khác cười theo.

Bởi vì mỗi người lại được sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau. Có người được sinh ra và lớn lên trong những gia đình giàu có thế phiệt trâm anh, họ muốn gì được lấy. Nhưng cũng có nhiều người lại phải sống trong hoàn cảnh nghèo khó, hoặc mồ côi bị bỏ đói bị lạm dụng.

Nhưng điều đó không có nghĩa là không có những điểm tương đồng trong những khao khát của con người. Chẳng phải hầu hết chúng ta đều cho rằng phải có thật nhiều tiền, phải được nhiều người coi trọng, phải có được địa vị cao trong xã hội, có được một gia đình gắn bó và yêu thương nhau, vân vân và vân vân thì cuộc sống mới có thể coi là hạnh phúc đó hay sao?

Vậy có phải là khi ta hạnh phúc là ta đang sống có đạo đức không?

Không hẳn vậy. Vì ta vẫn có thể làm những việc trái với đạo đức để đạt được những điều mình muốn, ta cho rằng chỉ khi nào mình sở hữu những thứ đó thì ta mới có thể  hạnh phúc. Do đó ta hành động bất chấp tất cả, ta biện minh cho những hành động vô đạo đức của mình bằng cách cho rằng ai cũng làm vậy và nếu mình không làm mình sẽ là người bị thiệt thòi. Lấy cái kẹp giấy có là gì khi mà ai cũng lấy chứ, tại sao người ta gian lận mà mình lai không thể, sẽ là bất công nếu mà mình không làm như họ.

Điều quan trọng là với ta cái nào quan trọng hơn đạo đức hay là hạnh phúc. Mọi thứ chẳng thể lúc nào cũng vẹn toàn cả đôi đường, không phải lúc nào ta cũng có thể vừa có được hạnh phúc lại vừa có thể cư xử có đạo đức được. Sẽ có lúc ta phải đưa ra sự lựa chọn rằng ta sẽ đánh đổi hạnh phúc của mình để hành động có đạo đức hay ngược lại chọn hạnh phúc và để đạo đức sang một bên hay không.

Nếu đó là một tình huống có thể làm ta đau khổ hoặc nó bất công với ta thì ta có chấp nhận bỏ qua hạnh phúc của bản thân để cho qua điều dó không? Gỉa như khi mà người yêu của ta không còn yêu ta nữa, người đó nói với ta rằng họ đã tìm được một người, người mà giờ đây đã là tất cả thế giới của họ. Thì ta có để người đó ra đi tìm hạnh phúc cho riêng mình không, có thể nói lời chúc phúc cho họ không hay là bất chấp tất cả để giữ người đó lại cho riêng mình. Cho dù người ta yêu có đau khổ, có van nài ta buông tay ra.

 

                    

 

Đôi khi để có thể sống đạo đức ta cũng phải dưa ra những lựa chọn bất lợi cho chính mình. Có thể ta sẽ nghèo hơn người khác, sẽ bị nhiều người coi thường và chịu nhiều thiệt thòi hơn vì ta đã không chịu luồn cúi hay chẳng thể gian lận hay mánh khóe như người ta. Ta không thể nói dối cho dù nó có thể giúp ta thăng tiến bởi vì ta biết rằng đồng thời điều đó cũng sẽ làm cho một người khác bị tổn thương. Ta không muốn hạnh phúc của mình được tạo ra từ bất hạnh của người khác, ta cố gắng nhiều nhất để không phải nhìn thấy điều đấy dù biết rằng cuộc đời này vẫn chứa đựng nhiều điều bất công. Nhưng ta có sẵn sàng chấp nhận việc nhìn mình nghèo hơn người khác, bị người ta coi thường hay không? Hay ta muốn được mọi người nhìn mình như một người giàu có thành công được nhiều người ngưỡng mộ bất kể là phải làm gì.

Ta phải đưa ra lựa chọn cho mình, cuộc đời của con người được định hướng bởi chỉ một vài lựa chọn quan trọng mà thôi. Không quyết định nào là tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, nhưng mỗi lựa chọn lại dẫn tới những con đường đi khác nhau. Cuộc đời ta sẽ ra sao nếu ta làm việc này mà không làm việc kia? Nếu ta làm việc này thì sẽ như thế nào? Hay nếu ta không gặp người nào đó thì cuộc đời ta có khác đi không? Có rất nhiều “nếu”, “nhưng” và “giá như”, nhưng chỉ một số ít trong đó là đáng quan tâm thôi vì chúng có năng lực thay đổi cuộc đời ta.

 

Vậy có phải là sống đạo đức không nếu ta cảm thấy ganh tị với niềm vui và hạnh phúc của người khác ngay cả khi đó là người thân của mình? Mọi thứ đều từ con người mà ra, ta sẽ sử dụng những xúc cảm của mình để tiếp thêm năng lượng cho mình hay là tự hủy hoại mình bởi những hằn học đó. Chính sự lựa chọn của ta mới chứng tỏ ta thực sự là ai. Khi nhìn vào thành công của người khác ta có thể cảm thầy tràn đầy hứng khởi vì biết rằng bản thân mình cũng có khả năng đạt được những thành quả ấy, cảm thấy ngưỡng mộ những cố gắng và nỗ lực người ta đã bỏ ra. Hoặc là ta thấy đố kỵ với những gì họ đã đạt được, cho rằng họ chỉ dựa vào may mắn vì được sinh ra trong những gia đình giàu có luôn có một đội ngũ đông đảo đứng sau giúp đỡ cho dù có thế nào đi chăng nữa. Hay ta lại nghĩ rằng mình bất tài chẳng có tài năng gì và sẽ chẳng bao giờ có thể thành công được như người ta dù ta cũng có được những điều kiện như vậy hoặc dù ta có làm gì đi chăng nữa thì ta vẫn sẽ thất bại.

Người ta thường nói rằng luôn có những cánh cửa hoặc ngã rẽ khác nhau trên con đường đời. Đôi khi, chỉ sau này nhìn lại, chúng ta mới nhận ra mình đã có quyền lựa chọn. Hầu hết chúng ta đều là nạn nhân của hoàn cảnh hoặc nô lệ của số phận. Vì vậy hãy cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra sự lựa chọn và luôn nhớ rằng một người thông minh thì luôn nghi ngờ và đặt câu hỏi về mọi thứ. Điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn đó là chúng ta chẳng biết gì chắc chắn cả.

Điều cuối cùng mà tôi muốn nói đến trong bài viết này đó là một đoạn trích nhỏ mà tôi thực sự rất thích trong một cuốn sách mà tôi đã đọc, nó như sau:

Cuộc sống vốn ngắn ngủi.

Tình yêu thì rộng lớn.

Hãy sống như thể không còn có ngày mai.”

 

Tác Giả: Stephanie Duong

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100010634082317 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,309 lượt xem, 1,310 người xem - 1393 điểm