Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Stephen Hawking - Thấy Gì Sau Một Cuộc Đời Vĩ Đại?

Hẳn các bạn cũng biết, thế giới vừa tiễn một vĩ nhân trở về với những vì sao tinh túy – nơi vốn dĩ thuộc về ông – người cống hiến cả đời mình cho sự lấp lánh của những thiên hà. Ít ai biết rằng, 300 năm trước ngày Stephen Hawking được sinh ra, một kiệt xuất khác là Galileo Galilei đã phải từ giã cõi đời và đến nay, cũng trùng hợp thay, vào ngày mất của Stephen Hawking (14/03/2018) lại là ngày sinh của thiên tài Albert Einstein cách đây gần 140 năm trước. Tôi không nghĩ đây là một sư trùng hợp vô lý bởi rõ ràng với những thành tựu đã tạo ra thì bản thân tôi nghĩ phải chăng Stephen Hawking là sự kết hợp hoàn hảo của hai nhà khoa học lỗi lạc kia và hơn thế nữa, chính ông là người tự tạo nên vận mệnh của mình – một con người mà bất kì ai nhìn vào cũng đều ngã mũ thán phục, tôi tin chắc như vậy! Thế mới thấy, đằng sau một thiên tài Stephen Hawking là cả một kì tích, cả một cuộc đua với số phận nghiệt ngã mà tôi dám chắc rằng cuộc đời ông đã khiến nhiều người không ít lần thổn thức!

Lẽ ra, Stephen Hawking có “quyền” từ bỏ mọi thứ, ông có “lý do chính đáng” để phó mặc số phận cuộc đời, mặc cho cuộc sống sẽ đưa ông đi đến đâu. Nhưng không, ông đã chưa một lần có ý nghĩ rằng sẽ đầu hàng số phận, với ý chí phi thường trong một cơ thể bất thường của một con người bình thường, Stephen Hawking đã vượt lên tất cả, giành giật lấy sự sống và chứng minh cho cả thế giới thấy rằng giới hạn chỉ là những gì mà con người tự vạch ra cho chính họ!

“Có tật có tài” có lẽ là câu nói phù hợp nhất để nói về cuộc đời phi thường của Stephen Hawking khi mà cuộc sống của ông ngặt nghẽo đến nỗi tôi không nghĩ Thượng Đế đã thỏa lòng khi “tạo ra” ông với hình hài như vậy! Cuộc đời Stephen Hawking gắn liền với những thăng trầm, với những nấc thang chênh vênh mà không phải ai cũng đủ dũng khí để bước đến bậc cuối cùng một cách trọn vẹn như cách mà người hùng thế kỷ đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình. Qua cuốn sách cuộc đời mà Stephen Hawking đã viết nên, tôi chợt nhận ra những điều vô giá mà dường như một người trẻ như thế hệ tôi đôi lúc lại tỏ ra “thờ ơ” với chúng!

  1. Niềm tin vào lý do tại sao mình được sinh ra!

Không giống như bao người, Stephen Hawking được sinh ra như vì một cơ duyên nào đó hơn là vì ước nguyện của một đôi vợ chồng bình thường. Cuộc sống đối với ông đang rất tuyệt diệu cho đến khi ông được chẩn đoán bị mắc hội chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS). 50 năm chiến đấu ròng rã với con “quái thú” này đã không hề làm vơi đi niềm tin trong ông. Stephen Hawking luôn tin rằng mình được sinh ra để làm điều gì đó vĩ đại. Và quả đúng như thế, những thành tựu mà ông đóng góp cho nhân loại đã phần nào nói lên sức mạnh ý chí của con người phi thường này. Có một thực tế rằng khi 9 tuổi, kết quả học tập của ông chỉ đứng ở phần cuối lớp. Lên các lớp trên có sự tiến bộ hơn nhưng không nhiều. Vấn đề không nằm ở trí tuệ mà có vẻ do sự trễ nải của ông. Và mặc dù điểm số không tốt nhưng cả giáo viên và bạn bè đều thấy được tố chất thiên tài của ông. Biệt danh của ông ở trường là “Einstein”. Theo thời gian, ông ngày càng chứng tỏ năng khiếu đáng chú ý đối với các môn khoa học tự nhiên, và nhờ thầy Tahta khuyến khích, quyết định học toán tại đại học. Cha Hawking khuyên ông học y vì lo ngại rằng không có mấy việc làm cho một sinh viên ngành toán ra trường. Theo nguyện vọng của cha, Hawking tới học dự bị ở trường cha ông từng học là University College (thuộc Đại học Oxford). Vì khi đó tại trường không có ngành toán, Hawking quyết định học vật lý và hóa học. Mặc dù hiệu trưởng khuyên ông chờ thêm một năm, Hawking đã thi sớm và giành học bổng tháng 3 năm 1959. Dẫu cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng nhưng theo cảm nhận cá nhân, tôi thấy Stephen Hawking đã luôn đặt niềm tin của mình vào “kim chỉ nam” mà ông tự vạch ra cho đời mình để gắng công theo đuổi dù với bất cứ giá nào. Thế mới thấy, khi con người ta có niềm tin đủ lớn thì mọi thứ còn lại chẳng hề chi! Là người trẻ, là chủ nhân tương lai của đất nước, tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng nhau tìm cho mình một lý tưởng sống để phấn đấu, để dấn thân trên hành trình đầy chông gai dẫn đến mục tiêu một cách tuyệt hảo như cách mà Stephen Hawking đã truyền cảm hứng cho chúng ta.

    2. Nghị lực thôi chưa đủ, nỗ lực cũng là một điều đáng trân quý.

Chắc chắn tất cả chúng ta không ai có thể phủ nhận nghị lực phi thường của Stephen Hawking. “Thán phục” thôi e rằng là chưa đủ để ca ngợi con người ông. Nếu thấu hiểu được những cố gắng không ngừng nghỉ của Stephen Hawking cùng với những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông thì tôi nghĩ bạn cũng sẽ phải thốt lên những mỹ từ để diễn tả cảm xúc của mình khi ấy. Theo tìm hiểu của tôi tại Wikipedia, vào thời đại học, tháng 10 năm 1959, Hawking vào học tại Đại học Oxford khi mới 17 tuổi. Trong 18 tháng đầu tiên ông thấy chán học và cô đơn: ông ít tuổi hơn phần lớn sinh viên, và thấy việc học hành "dễ một cách kỳ cục". Thầy dạy vật lý Robert Berman sau này kể lại, "Đối với cậu ta chỉ cần biết điều gì đó có thể thực hiện, và cậu có thể làm nó mà không cần phải ngó xem những người khác đã làm thế nào." Một sự thay đổi xảy ra vào năm thứ hai và thứ ba khi, theo Berman, Hawking cố gắng trở nên hòa nhập hơn với trang lứa. Hawking phấn đấu và trở thành một sinh viên được quý mến, hoạt bát, dí dỏm, hứng thú với nhạc cổ điển và tiểu thuyết viễn tưởng. Một phần sự biến chuyển này đến từ quyết định gia nhập Câu lạc bộ đua thuyền của trường, nơi Hawking phụ trách lái trong một đội đua thuyền. Huấn luyện viên khi đó nhận thấy Hawking trau dồi một phẩm cách táo bạo, lái đội đua theo những hướng nguy hiểm thường dẫn tới thuyền bị hư hại.

Hawking ước tính rằng ông đã học chừng 1000 giờ trong 3 năm ở Oxford (tức trung bình 1 giờ/ngày). Thói quen học hành không ấn tượng này khiến cho các kì thi cuối kỳ của ông trở nên đáng ngại, và ông quyết định chỉ trả lời những câu hỏi vật lý lý thuyết và bỏ qua những câu đòi hỏi kiến thức thực tế. Trong khi đó, ông cần phải có một bằng danh dự hạng nhất để đăng ký học tại ngành vũ trụ họctại Đại học Cambridge mà ông đã dự tính. Kỳ thi diễn ra căng thẳng và kết quả nằm ở đúng điểm số ranh giới giữa hạng nhất và hạng nhì, và như thế cần có thêm buổi kiểm tra vấn đáp (viva) để phân hạng.

Hawking lo rằng sẽ bị xem là một sinh viên lười nhác và khó tính, nên tại buổi vấn đáp khi được yêu cầu mô tả kế hoạch tương lai của mình, ông trả lời "Nếu các vị trao cho tôi hạng Nhất, tôi sẽ tới Cambridge. Nếu tôi nhận hạng Nhì, tôi sẽ ở lại Oxford, vì vậy tôi hi vọng các vị cho tôi hạng Nhất." Kết quả ông được hạng Nhất ngoài mong đợi: Berman bình luận rằng giám khảo "đủ thông minh để nhận ra rằng họ đang nói chuyện với ai đó thông minh hơn nhiều phần lớn người trong số họ". Với bằng cử nhân hạng nhất tại Oxford và sau một chuyến du lịch tới Iran cùng với một người bạn, Hawking bắt đầu vào học bậc trên đại học tại Trinity Hall (Đại học Cambridge) từ tháng 10 năm 1962.

Năm thứ nhất là nghiên cứu sinh tiến sĩ của Hawking thực sự khó khăn. Ban đầu ông có phần thất vọng vì được chỉ định làm luận án dưới sự hướng dẫn của Dennis William Sciama thay vì nhà thiên văn học lừng danh Fred Hoyle,  đồng thời thấy mình chưa được trang bị đầy đủ kiến thức toán học để nghiên cứu thuyết tương đối rộng và vũ trụ học.'

Ông cũng phải vật lộn với sức khỏe suy giảm. Hawking bắt đầu vướng phải những khó khăn trong vận động kể từ năm cuối ở Oxford, bao gồm một cú ngã cầu thang và không thể đua thuyền. Nay vấn đề tệ hơn, và tiếng nói của ông trở lên lắp bắp; gia đình ông nhận thấy sự thay đổi này khi ông nghỉ kì Giáng Sinh và đưa ông đi khám bệnh. Năm Hawking 21 tuổi, người ta chẩn đoán ông mắc bệnh thần kinh vận động và khi đó các bác sĩ cho rằng ông chỉ sống thêm được 2 năm nữa.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, Hawking rơi vào trầm uất; mặc dù các bác sĩ khuyên ông tiếp tục học hành, ông cảm thấy chẳng còn mấy ý nghĩa. Tuy nhiên cùng thời gian đó, mối quan hệ của ông với Jane Wilde, bạn của em gái ông, người mà ông gặp ít lâu trước khi chẩn đoán bệnh, tiếp tục phát triển. Hai người đính hôn vào tháng 10 năm 1964. Sau này Hawking nói rằng việc đính hôn đã "cho ông điều gì đó để sống vì nó." Mặc cho căn bệnh ngày càng diễn tiến xấu đi-Hawking bắt đầu khó có thể đi mà không có giúp đỡ, và giọng của ông hầu như không thể hiểu được-ông giờ đây quay trở lại công việc với niềm hứng thú. Hawking bắt đầu nổi danh về trí tuệ xuất chúng cũng như tính cách ngược ngạo khi ông công khai thách thức công trình của Fred Hoyle và sinh viên của ông này, Jayant Narlikar, trong một bài thuyết trình tháng 9 năm 1964.

Khi Hawking bắt đầu làm nghiên cứu sinh, có nhiều tranh cãi trong cộng đồng vật lý về các lý thuyết đang thịnh hành liên quan tới sự khai sinh vũ trụ: thuyết Vụ Nổ Lớn và thuyết vũ trụ tĩnh tại (được Hoyle cổ vũ). Dưới ảnh hưởng của định lý về kì dị không-thời gian trong tâm các hố đen của Roger Penrose, Hawking áp dụng ý tưởng tương tự cho toàn thể vũ trụ, và trong năm 1965 đã viết luận án tiến sĩ về chủ đề này. Bên cạnh đó, có những tiến triển tích cực khác: Hawking nhận học bổng nghiên cứu tại Cao đẳng Gonville và Caius (thuộc Đại học Cambridge), ông và Jane kết hôn ngày 14 tháng 7 năm 1965. Ông nhận bằng tiến sĩ tháng 3 năm 1966, và tiểu luận của ông, "Các kỳ dị và Hình học của Không-Thời gian" cùng với luận văn của Penrose nhận giải Adams (giải dành cho nghiên cứu toán học xuất sắc nhất hàng năm của Cambridge) năm đó.

Rõ ràng rằng, những thành tựu, những công lao của ông không tự nhiên mà có, càng không phải chỉ vì phẩm chất “thiên tài” trong ông! Cũng như bao người bình thường khác trong xã hội này, thậm chí ông còn “thua thiệt” hơn về nhiều mặt nhưng sự kiên cường cùng bản lĩnh quyết đoán trong ông đã không làm phụ lòng Stephen Hawking và những người mến mộ “thiên tài” này. Đến đây tôi mới thấy những khó khăn mình phải đối mặt chẳng đáng gì so với vô vàn thách thức mà Stephen Hawking đã vượt qua. Câu chuyện này luôn thôi thúc tôi không ngừng cố gắng để tiến lên phía trước dẫu chông gai, thất bại, hãy đứng lên dũng cảm như một chiến binh.

  1. Chưa bao giờ ngừng tiến bước!

Điều tôi cảm phục nhất về Stephen Hawking chính là sự trau dồi miệt mài của ông! Stephen Hawking chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại sau khi phát minh ra định lý này hay định luật kia. Sự đổi mới và sáng tạo một cách khoa học chính là ngọn lửa duy trì niềm đam mê nghiên cứu vũ trụ học của ông tại đại học Cambridge. Stephen Hawking luôn tìm tòi, khám phá mọi thứ một cách đầy nhiệt huyết và ông làm điều này vì sự hiếu kỳ trong con người mình. Ông chưa bao giờ nghĩ việc tìm ra cái này hay khám phá được cái kia cốt để giúp ông trở nên nổi tiếng hay có nhiều tiền. Tôi cũng không nghĩ tiền tài và danh vọng có thể giúp ông làm điều này một cách miệt mài từ thất bại này đến thất bại khác, từ khó khăn này đến thách thức kia. Làm bất cứ việc gì cũng thế, điều tối quan trọng là thực hiện bằng niềm tin yêu thật sự từ chính con tim mình, lấy thành quả làm niềm vui, lấy thử thách làm cơ hội và lấy manh mối làm đòn bẩy, có như thế bạn mới có thể đi xa được trên con đường mưu cầu trí huệ của mình.

Qua cuộc đời vĩ đại của Stephen Hawking, tôi giật mình vì tuổi trẻ dần qua đi trên từng kẽ tay của mình mà không hề có sự kiểm soát. Làm được gì hay để tuổi thanh xuân vụt qua một cách hư vô chính là câu hỏi tôi luôn nhắc nhở mình mỗi ngày để ý thức về những việc mình sẽ làm ngày hôm nay. Xét một cách công bằng, nhiều người trong số chúng ta lành lặn hơn Stephen Hawking gấp nhiều lần, cớ sao còn hoài nghi về năng lực của bản thân!

Tác giả: Ha-li

  Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/shark.hali.1603 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

  (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

526 lượt xem, 524 người xem - 527 điểm