Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Người Ta Nói Người Thành Công Có Thể Không Học Đại Học, Nhưng Không Ai Nói Không Học Đại Học Thì Sẽ Thành Công

Cùng với hàng loạt tấm gương là những doanh nhân thành đạt, những vị tỷ phú hay các diễn giả nổi tiếng trên mạng xã hội đã “từng” bỏ ngang con đường học tập ở trường để đạt tới thành công với gia sản hàng triệu đô la. Kết hợp với truyền thông mạng xã hội đã biến các trường học trở thành một cái gì đó có phần tầm thường.

Các quan điểm mới hiện nay đánh giá học đại học là một loại áp lực. Áp lực đến từ gia đình khi coi đại học là một cái gì đó chúng ta phải đạt được trong cuộc sống. Áp lực đến từ nhà trường vào mỗi cuối cấp 3 khi tờ giấy nguyện vọng trao tay, đến từ thầy cô giáo mỗi khi nhắn nhủ chúng ta về việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Với nhiều lý lẽ khá là thuyết phục, nhiều bài viết đã thuyết phục mọi người rằng Đại học suy cho cùng cũng chỉ giống như trường cấp 3 mở rộng. Kiến thức đem lại không áp dụng được bao nhiêu trong khi thời gian chúng ta bỏ ra cho nó lại quá nhiều. Tri thức từ cuộc sống, từ những cuốn sách hay internet có thể đem đến cho chúng ta nhiều hơn thế, còn thời gian lại được rút ngắn đi tương đối.

Nhìn chung, học tập tập trung, đặc biệt là giáo dục đại học trở thành một cái gì đó bình thường dần theo thời gian.

Sau một thời gian dài tốt nghiệp không xin được việc, tôi cũng dần oán trách trường đại học của tôi. Tại sao các kiến thức mà tôi học không được nhà tuyển dụng coi trọng. Tại sao số lượng công việc đúng chuyên ngành của tôi lại ít đến thế. Trong khi người ta không học lại làm việc tốt đến như vậy? Thời gian càng trôi, nỗi oán trách trong tôi càng lớn dần.

Mọi chuyện thay đổi cho tới lần phỏng vấn gần đây của tôi cùng cuộc trao đổi ngoài lề về 6 năm học đại học của tôi với nhà tuyển dụng. Về “sự nghiệp” học tập đại học của tôi, các bạn có thể xem thêm ở bài viết khác ở đây.

Người tuyển dụng săm soi cái CV mỏng đét của tôi và đặt câu hỏi tại sao sau khi tôi bỏ đại học ở trường cũ lại quyết định thi lại một trường khác? Tại sao tôi quyết định học ngành đấy lại xin vào làm việc ở công ty này? Những kiến thức mà tôi đã học tôi đã áp dụng được bao nhiêu rồi?

Tôi đáp nhanh gọn rằng tôi bỏ thi lại vì tôi thấy kinh tế không hợp với mình lắm. Tôi phải xin việc khắp nơi vì ngành mà tôi học không có nhiều đầu việc lắm. Những kiến thức mà tôi học dĩ nhiên là tôi chưa áp dụng vào đâu cả vì tôi đã xin được việc đúng ngành đâu.

Nhà tuyển dụng tiếp tục đặt câu hỏi ước mơ của tôi là gì? Tôi trả lời và cả hai bắt đầu “nói chuyện” với nhau về câu hỏi khác nữa là: “tại sao em nghĩ học đại học có thể giúp em thực hiện ước mơ”?

Người ta nói không sai, khi con người ta bị dồn vào chân tường học sẽ bộc phát những tiềm năng đáng ngạc nhiên. Một câu hỏi nhanh của nhà tuyển dụng đòi hỏi tôi trả lời ngay. Tôi lướt thật nhanh qua 6 năm của cuộc đời mình và nhanh chóng đưa ra kết luận: “Tôi cần một góc nhìn đúng để tiếp cận với ước mơ của mình”.

1. Thế nào là góc nhìn đúng?

Góc nhìn đúng, theo tôi biện luận, là cách thức nhìn nhận vấn đề, tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề một cách đúng đắn nhất. Giống như việc nhặt được của rơi, nếu chúng ta trả lại cho người bị mất thì đó là góc nhìn đúng, nếu chúng ta tiện tay đút túi thì đó là góc nhìn sai.

Nếu tôi muốn trở thành một nhà sử học nhưng chưa biết phải làm như thế nào thì tôi nên đăng kí vào khoa sử của một trường đại học nào đó, nơi các nhà sử học đích thực đang giảng dạy cách để tôi trở thành một người giống như họ.

2. Kiến thức ở trường đại học liệu có đúng?

Không có gì là chắc chắn cả nhưng từ trước đến nay tôi chưa thấy ai bảo kiến thức ở đó sai cả. Các kiến được giảng dạy đại trà tại các trường đại học gần như đã được nghiên cứu và chuẩn hóa tương đối kĩ càng. Trải qua hàng nghìn thế hệ giảng dạy và học tập với sự chỉnh sửa liên tục qua từng bài giảng tôi không nghĩ rằng các kiến thức ở đó có thể sai được. Nếu sai chắc chắn sẽ được chỉnh sửa ngay lập tức.

Những điều này trở thành ưu điểm đáng ghi nhận của kiến thức đại học so với các kênh học tập khác. Chúng ta có thể chê bai nó đã lỗi thời, không sử dụng được, tính áp dụng thấp chứ khó có thể nói nó sai được.

Bởi vậy, khi tôi lạc lõng giữa dòng đời, tôi không biết làm thế nào để trở nên thành công thì tôi lựa chọn một con đường đã được kiểm chứng, học các phương pháp để trở thành ai đó một cách đúng đắn, học cách nhìn xã hội dưới một góc nhìn đúng đắn.

Những điều này có thể chưa đủ để giúp tôi trở thành một người đại thành công nhưng nó đã giúp tôi trở thành một người tốt hơn. Trừ khi bạn đến trường để chơi chứ không phải để học.

3. Kiến thức ở trường đại học liệu có đủ?

Không đủ. Đó là điều mà tôi và nhiều người khác có thể tự cảm nhận thấy được. Ngay cả bản thân các trường đại học cũng thừa nhận là họ chỉ có thể cung cấp các kiến thức nền tảng và để có thể đáp ứng được nhu cầu xã hội hiện nay, các trường đại học cần phải liên tục thay đổi và nâng cao chất lượng giảng dạy của họ nhiều hơn nữa.

Kiến thức nền có quan trọng không? Có chứ. Có loại kiến thức nào lại không quan trọng. Điểm đáng phê phán mà nhiều người nhắm đến môi trường đại học đó là việc tính ứng dụng của các kiến thức nền này không cao.

Một ví dụ đơn giản thế này. Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp chẳng hạn. Mọi môn võ công dù tinh hoa ảo diệu đến đâu cũng không nằm ngoài ba thế đánh cơ bản gồm: đâm (tấn công thẳng – trực diện), chém (tấn công chéo góc) và đỡ gạt (phòng thủ). Tuy nhiên khi đi đánh nhau nếu chỉ dùng ba cái đâm chém loạn xạ lên thì chắc chỉ bắt nạt được mấy người không biết đánh nhau là gì thôi. Còn để giỏi hơn người khác thì chúng ta cần phát triển nó lên như kết hợp các thế đánh với di chuyển linh hoạt (sử dụng khing công) hay sử dụng kèm các loại binh khí sắc bén (tăng tính sát thương),…

Kiến thức ở trường đại học chỉ dạy những cái cơ bản và chung nhất. Còn việc phát triển nó lên như thế nào thì cấp độ đại học có lẽ vẫn chưa thể truyền đạt hết. Đó là lý do mà các cấp học cao hơn như thạc sỹ, tiến sỹ ra đời. Các bạn có thể không quá coi trọng cấp đại học nhưng với cấp thạc sỹ và tiến sỹ chắc các bạn cũng có cái nhìn “kính trọng nhất định”.

4. Kiến thức nền quan trọng đến mức nào?

Điều này thực sự thú vị và nó cũng là vấn đề gây tranh cãi chính cho câu hỏi: “Tại sao chúng ta học đại học?”

Tùy vào các nhìn nhận của mỗi người và số lượng kiến thức mà họ áp dụng vào cuộc sống mà con người ta có cái nhìn khác nhau về vấn đề này. Người dùng được nhiều thì đánh giá nó cao, còn người dùng được ít thì đánh giá nó thấp. Nhưng với bản thân tôi, dù tôi chưa có cơ hội sử dụng kiến thức nền nhưng tôi đánh giá chúng thực sự quan trọng và đáng giá với cuộc đời ta, đáng giá 4 năm mà cuộc đời tôi phải bỏ ra để học tập.

Tại sao tôi lại nói thế? Tôi xin tiếp tục lấy một ví dụ thế này:

Bây giờ tôi đang làm một nhân viên Content Marketing thử việc. Những cái mà tôi được dạy để viết bài bao gồm cách giật “tít”, câu “view”, viết thể nào để hút khách, để bán được hàng,… cơ bản là bằng mọi giá phải thu hút được khách hàng. Đó là cách mà thực tế công việc dạy cho tôi. Nền tảng của “Content Marketing” tôi đang theo đuổi là “chém gió”, chém bay túi tiền của khách hàng, dẫn dắt khách hàng vào con đường mà trận thông tin mà chúng tôi giăng sẵn, trước khi nhân viên kinh doanh ra tay “kết liễu” họ.

Còn nếu bạn tiếp cận theo kiến thức nền thì nền tảng của mọi dự án Marketing đều xuất phát từ “xây dựng thương hiệu”. Lấy thương hiệu và sản phẩm của công ty làm cốt lõi để phát triển ý thưởng quảng cáo sản phẩm. Điều này sẽ rất khó để áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi quá trình đưa thương hiệu vào tâm trí người tiêu dùng là một quá trình dài và cần sự bền bỉ. Lượng tiền đổ vào không ít mặc dù nó sẽ đạt được hiệu quả trong lương lai lâu dài. Dù nó là con đường đúng đắn đi nữa thì tính ứng dụng của phương pháp này cần phải có sự linh hoạt nhất định.

Thế nhưng, các bạn nên “chợt” nhận ra rằng, các kiến thức nền tảng có tính “đúng” cực kì cao. Các kiến thức nền thực ra có thể giải quyết gần như mọi vấn đề mà bạn mắc phải – tất nhiên phải đúng chuyên ngành mà bạn học. Giống như môn toán, mọi bài tập đều không nằm ngoài 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Như môn văn, mọi câu chữ đều không nằm ngoài bộ từ vựng Tiếng Việt,…

Các kiến thức đại học cũng khá đa dạng, bao gồm các kiến thức tin học căn bản, tiếng anh căn bản, phương pháp suy luận căn bản (dựa trên phép biện chứng của Mác – Lenin),… sau đó mới là các kiến thức chuyên ngành đặc thù.

Tiếc rằng thực trạng xã hội hiện nay đang là thừa thầy thiếu thợ. Tỷ lệ người phải làm trái ngành trái nghề quá cao dẫn tới tính ứng dụng của các kiến thức nền đại học càng có ít đất diễn. Điều đó khiến con người ta không còn coi trọng việc học tập ở trường nữa.

5. Nhưng bạn có thể thay đổi nó

Khác với các quốc gia phương Tây, việc học đại học ở Việt Nam có phần “nhàn” hơn – theo đánh giá của cá nhân tôi. Nếu các bạn nghe các câu chuyện sinh viên “Ha-vớt” chết chìm ở thư viện chỉ để theo kịp tiến độ học thì ở Việt Nam, các thầy cô đã đọc và tóm tắt hộ sách còn chúng ta chỉ việc chép bài đầy đủ. Việc này giúp sinh viên Việt Nam có một thời gian “trống” kha khá. Đó là lúc chúng ta bổ sung thêm kiến thức cho bản thân mình, bằng hình thức nào mà bạn muốn.

Có người chọn đi phượt khắp nơi, có người chọn đọc sách, có người chọn intetnet, có người tự làm Vlog hay tham gia câu lạc bộ,…

Nhiều người than thở và đánh giá thấp giá trị của các trường đại học nhưng thời lượng học tập trung bình trên một ngày ở Việt Nam thường không cao, thường chỉ học 1 buổi/ ngày. Đó là hạn chế nhưng cũng là cơ hội cho các bạn sinh viên.

Nếu các bạn có thể tiếp thu trọn vẹn lý thuyết khi ngồi ở trên lớp thì các bạn sẽ có hàng tấn thời gian cho việc tiếp cận hàng loạt thứ hay ho khác. Bản thân các thầy cô khi giảng dạy cũng luôn khuyên bảo chúng ta đọc thêm các loại sách khác nhau, thậm chí là giới thiệu các đầu sách hay cho chúng ta tham khảo.

Chỉ có một số ngành đặc thù quá nặng về lý thuyết khiến bạn hơi mất thời gian như: văn học, triết học, ngôn ngữ học,… hoặc các trường tập trung như trường quân sự, còn lại thì tôi đánh môi trường đại học ở Việt Nam khá mở.

6. Kết luận

Nếu tôi không thể dùng được các kiến thức ở trường đại học, tôi sẽ chỉ trách chính mình chứ không đổ vạ lại cho trường đại học, đó giống như một lời biện hộ vụng về vậy.

Chúng ta cũng có thể đổ lỗi cho áp lực gia đình, áp lực xã hội, áp lực từ mọi phía nhưng quyết định cuối cùng chốt lại vẫn là ở chúng ta.

Chúng ta có thể không tài giỏi và thi đỗ vào trường mà gia đình mong muốn, OK, có thể đổ một chút lỗi là gia đình đã đặt kì vọng quá cao. Nhưng khi chúng ta học ở nơi khác mà vẫn không cố gắng, không chịu học tập, không làm gì thêm để nâng cao kiến thức bản thân thì trách ai? Trách ai bây giờ?

Người ta đổ lỗi cho trường đại học nhưng chính bản thân các trường đại học cũng đã tự thừa nhận là họ chỉ cung cấp các kiến thức nền. Nếu bạn muốn nhiều hơn phải thi vào được trường điểm, trường top đầu, hoặc bạn phải học lên thạc sỹ, tiến sỹ,…

“Tôi lựa chọn học đại học bởi khi tôi đang lạc lõng và không biết phải làm như thế nào thì tôi cần một môi trường có thể tạo cho tôi một góc nhìn đúng. Tôi không chắc tôi sẽ thành công nhưng nó sẽ giúp tôi làm thế nào cho đúng nhất.”

Nếu tôi không thể đi nhanh – đi tắt, tôi chọn đi từ từ - đi theo con đường của người đi trước.

Đại học thực sự cần thiết cho cuộc sống này. Đối với tôi, nó không dạy tôi mọi thứ mà tôi muốn nhưng nó đã cho tôi gần như mọi thứ mà tôi cần. Còn để đạt tới thành công ư? Đó là cuộc nói chuyện đầy khó khăn giữa tôi và thành công. Trước đó, cuộc trò chuyện cảm động giữa tôi và đại học đã kết thúc rất tốt đẹp rồi.

Tuy nhiên, không vì thế mà tôi khuyên các bạn nhất định phải kinh qua con đường đại học. Suy cho cùng “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công”.

Con đường bạn chọn có thể đúng, có thể chưa đúng lắm nhưng những bài học nó đem lại luôn có ích. Đại học cũng vậy, có thể bạn đã học đúng ngành bạn thích, có thể không nhưng những kiến thức đó vẫn sẽ luôn có ích mỗi khi bạn có cơ hội dùng.

Tác giả: Tiêu Dao Thịnh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/thinhpt93  

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

814 lượt xem, 807 người xem - 807 điểm