Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Thời Buổi Bây Giờ. Có Bằng Đại Học Cũng Như Không. Tại sao Sinh Viên Vẫn Theo Đuổi Tấm Bằng ?

Tấm bằng đơn giản nó chỉ là một thứ để chứng nhận bạn đã học mấy năm, học ở trường nào, học chuyên ngành gì, học môn gì, với số điểm bao nhiêu; chứ nó không phải là thứ xác nhận thực lực của bạn như nào và kiến thức của bạn ra sao. Ngày xưa thì có thể nghĩ như vậy nhưng bây giờ thì không. Vì tấm bằng đại học nó không còn mang giá trị vốn có của nó nữa. Bởi bây giờ, bằng đai học nó như một thứ hàng hóa vậy. Nó có thể được trao đổi, lưu thông trên thị trường. Nó cũng được mua bán như những vật phẩm hàng ngày. Thậm chí nó còn có thể được làm giả.

Đúng vậy. Ở cái thời buổi này, với xu thế xã hội hiện nay thì quả thực thằng có bằng cũng chưa chắc đã bằng thằng không có. Bằng đại học bây giờ người ta còn chẳng thèm để treo tường hay gác lên mái nhà mà khoe mẽ nữa. Có khi họ sẽ giấu nhẹm nó đi, thay vì khoe nó ra.  Vì bằng đại học giờ vô giá trị rồi – có cũng như không mà thôi.

Nói như vậy thì sẽ có người nghĩ mình coi thường học đại học, coi thường bằng cấp – cái mà mọi người luôn nghĩ nó sẽ là “cần câu cơm” . Ờ thì tùy bạn nghĩ sao thì nghĩ, nhưng trước khi soi xét tôi thì hãy nghe tôi nói đã. Hoặc nếu bạn không hài lòng ở chỗ nào thì cũng cứ bình tĩnh đọc, đọc để mà xem có chỗ nào không đúng theo ý bạn thì góp cho tôi ít quan điểm. Bởi quan điểm của tôi và bạn và người khác cũng chẳng hề giống nhau hoàn toàn.

Hầu hết sinh viên, khi học đại học, mục đích của họ là bằng giỏi. Và để đạt được mục đích ấy thì bắt buộc điểm của họ phải cao. Điểm cao chính là vấn đề và bằng giỏi cũng chính là vấn đề. Vấn đề là họ đã xác định SAI mục đích của bản thân khi học đại học. Vậy một câu hỏi đặt ra là Bằng giỏi thì để làm gì ? Tôi đã từng hỏi câu hỏi đó cho rất nhiều bạn thì câu trả lời nhận được hầu như là để KIẾM VIỆC LÀM. Ờ thì tôi đồng ý với điều đó. Nhưng cái tôi không hài lòng đối với các bạn đó là : các bạn đã hiểu sai bản chất khi đi học và khi đi làm.

Thực ra, học đại học không phải để có bằng giỏi mà đi xin việc. Cái bằng không thể mài ra mà ăn được, càng không thể đi xin việc được cho các bạn. Một thực tế cho thấy, cái bằng nó chỉ là một tờ bìa cứng không hơn không kém. Nó chẳng có ý nghĩa to lớn như các bạn vẫn hay ảo tưởng đâu. Hãy thực tế một chút đi, hỡi các bạn sinh viên !

Tấm bằng đơn giản nó chỉ là một thứ để chứng nhận bạn đã học mấy năm, học ở trường nào, học chuyên ngành gì, học môn gì, với số điểm bao nhiêu; chứ nó không phải là thứ xác nhận thực lực của bạn như nào và kiến thức của bạn ra sao. Ngày xưa thì có thể nghĩ như vậy nhưng bây giờ thì không. Vì tấm bằng đại học nó không còn mang giá trị vốn có của nó nữa. Bởi bây giờ, bằng đai học nó như một thứ hàng hóa vậy. Nó có thể được trao đổi, lưu thông trên thị trường. Nó cũng được mua bán như những vật phẩm hàng ngày. Thậm chí nó còn có thể được làm giả. Hơn hết, nó còn được đấu giá với đủ mọi loại hình thức khác nhau… Chính vì vậy, người ta thường hay nói bằng đại học bây giờ nhan nhản ra, có bằng đại học mà vẫn thất nghiệp như thường,…

Điều quan trọng mà tôi muốn nói ở đây, đó là cái mà doanh nghiệp họ cần ở bạn là bạn có làm được việc cho họ không và trong đầu bạn, trong óc bạn có những kiến thức hay kĩ năng gì. Cái họ cần là thực lực thật sự, chứ không phải là tấm bằng. Chẳng có một doanh nghiệp nào nhìn vào bằng cấp mà tuyển bạn cả. Vì họ không còn tin vào tấm bằng đó nữa. Họ cần tận mắt thấy kiến thức của bạn như thế nào, bạn hiểu biết ra sao, trông bạn có sáng sủa không…Vì thế mà càng ngày vòng phỏng vấn ở các lần tuyển dụng của mỗi công ty ngày càng chặt chẽ.

Nhiều bạn nói rằng, tấm bằng đại học cũng là một “vòng gửi xe” , để giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn thiện cảm hơn với bạn. Ờ thì cứ cho là đúng như vậy đi. Nhưng thiện cảm gì nếu bạn không có thực lực thật sự thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị tống cổ ra khỏi công ty thôi. Tôi muốn chúng ta học một cách thực sự và không hình thức, không hời hợt nữa. Tôi không thích học theo kiểu chống đối. Cứ đến lúc thi mới mở sách ra học, rồi hối lộ, rồi đút lót, rồi nhờ vả này kia. Học là học cho mình. Học là để mình có kiến thức, để não mình phát triển và có nếp nhăn. Học để mình sau này có thể giúp ích được cho xã hội. Chứ không phải học vì điểm cao, vì bằng đẹp. Cao với đẹp chỉ là hình thức, không phải là nội dung - bản chất. Vì vậy cao với đẹp cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.

Não bộ của mình thu nạp kiến thức được đến đâu thì đến, hãy cứ để nó phát triển theo cách mà nó muốn. Hãy học những cái mà bạn yêu thích, bạn đam mê; học những cái mà phục vụ cho mục tiêu tương lai của bạn. Đừng bắt ép bộ não phải gò bó theo những khuôn mẫu cứng nhắc. Hãy làm thế nào để không lãng phí tuổi trẻ, không lãng phí thời gian, sức khỏe , tiền bạc là được.

Có rất nhiều sinh viên học giỏi thực sự và có số điểm cao thực sự thì tôi sẽ không bàn đến. Cái mà tôi muốn bàn là sự không đúng thực lực. Nhưng dù có học giỏi thực sự ở trường học mà không có các yếu tố khác thì cũng chỉ làm một nhân viên tốt mà thôi. Trường đại học sẽ là nơi đào tạo ra hầu hết những người đi làm thuê; còn ở trường đời mới là nơi để bạn có thể làm ông chủ. Vì vậy, chỉ ở trường đại học thôi cũng chưa đủ; bạn phải có hiểu biết, phải có kiến thức sâu rộng ở cả trường đời. Trường đời sau này chính là nơi bạn sống, là nơi bạn phát triển, là nơi quyết định bạn là ai, giàu hay nghèo, sang hay hèn.

 

Vậy tại sao sinh viên vẫn đi theo đuổi một cách điên rồ tấm bằng đại học mà quên đi nhiều kiến thức cần tích lũy khác. Có lẽ họ chả hiểu gì và chả có lối suy nghĩ rộng. Thật điên rồ và khờ dại khi 4 hay 5 năm đại học chỉ chôn vùi vào đống sách vở mà chẳng cho mình thêm kinh nghiệm sống, thêm các mối quan hệ rộng mở hơn. Thật đáng tiếc khi ở ngoài kia có rất nhiều điều mới mẻ, hay ho và thú vị mà họ lại không hề hay biết. Thật đáng tiếc khi họ chỉ mãi quanh quẩn bốn bức tường phòng trọ và khu ở trọ. Phải chăng họ sợ thử thách, sợ khó khăn, sợ sự thay đổi, hay sợ đi qua khỏi giới hạn…

Bạn không phải người lớn tuổi, không phải người già, lại càng không phải người bị bệnh hay tàn tật gì; bạn là một người trẻ. Một người trẻ mà chỉ biết khu mình sống, trường mình học, bạn ở lớp mình chơi thì có nhạt nhẽo không? Tại sao luôn tung hô người trẻ phải trải nghiệm phải khám phá; tại sao luôn photoshop những bức ảnh thật trẻ, thật xinh trên facebook; trong khi lại luôn sống khép kín và chỉ chăm chăm vào học để có tấm bằng như vậy ? Cuộc đời của sinh viên đâu chỉ dừng lại ở tấm bằng. Có bằng bạn không chết mà không có bằng bạn cũng sẽ không chết. Tấm bằng đâu có quan trọng đến nỗi bạn phải dành cả tuổi thanh xuân của mình cho nó đâu…

Có lẽ, người Việt ta vẫn bị bệnh sĩ diện đeo bám cả đời này sang kiếp khác. Có lẽ, bằng đại học là một thứ mà các bạn muốn khoe, muốn khẳng định mình, muốn cho bạn bè khác thấy được “ à, à, con này giỏi / thằng này giỏi ” . Với các bạn, bằng đại học là thứ duy nhất để chứng tỏ “ Tao học giỏi hơn mày !” . Với bố mẹ các bạn , đó là thứ mà các bác phụ huynh chứng tỏ với người khác rằng : Con tôi học rất giỏi ! Đó là những gì mà thực tế chúng ta luôn thấy được như vậy. Nhưng hãy thử lắng đọng và suy nghĩ lại đi. Liệu bạn có hài lòng với bản thân mình không, liệu bạn có lo lắng gì không. Hãy thử đặt mình vào cảm giác trước câu hỏi : “ Sao có bằng giỏi mà vẫn thất nghiệp à mày ?”

Tấm bằng đại học không phải là tất cả, không phải là thanh xuân, cũng chẳng phải là tương lai của bạn. Đừng quan tâm người khác nghĩ gì và đừng coi sự đánh giá của người khác là quan trọng. Hãy sống của đời của mình, cho mình, vì mình – Một cách thực tế và thật sự nhất !

Tác Giả: Chinh Kieu (hMn)

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/chinhhvtc 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,999 lượt xem, 2,964 người xem - 2970 điểm