Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Tôi Là Kẻ Phải Lòng Tết Xưa Nhưng Thiết Nghĩ Vẫn Nên Thực Lòng Với Hiện Tại

Tôi viết cho những người phải lòng Tết xưa, Tết cổ truyền dân tộc song thiết nghĩ là người của hôm nay nên thành thực với hiện tại. Bởi, Tết của hôm nay, Tết của chúng ta, Tết của những ai thực lòng với hiện tại dù lòng thầm thương trộm nhớ ngày xưa cũng đẹp vô cùng...

  1. Người hôm nay nói về Tết nay.

Tôi nghe người ta nói nhiều về Tết, nghe được cả những lời hay cả những điều chẳng đẹp, nghe được những niềm vui lẫn vào những tiếng thở dài....

Buổi sáng một ngày Đông những ngày cuối tháng Chạp, thành phố ngàn năm tuổi còn ngái ngủ trong sương, ấp ủ những giấc mơ thuở nào... Trời lạnh nhưng chẳng vì thế mà cuộc sống chững lại, một ngày mới vẫn bắt đầu với tất cả những nhộn nhịp, những ồn ã của nó. Đi học, tôi mua một gói xôi của cô bán hàng gần nhà. Cô hỏi tôi bao giờ sinh viên nghỉ Tết. Tôi trả lời, cô xuýt xoa thắc mắc sao “nghỉ muộn quá chừng”. Cô bảo khi nào mấy đứa nghỉ Tết, cô cũng về quê ăn Tết với các con. Cô nhớ con nhưng không đủ điều kiện về thăm, chăm sóc các con thường xuyên. Cô mong mỏi biết bao ngày Tết để trở về bên gia đình, để vun vén cho mái ấm của mình.Với người lao động, với những cô, những chú tha phương cầu thực, đi xuôi về ngược một năm, Tết là để về nhà, để đoàn tụ với người thân yêu.

 

 

Tới trường, tôi mua giúp một gói lì xì của các anh chị làm từ thiện quyên tiền giúp những người neo đơn, những người kém may mắn. Có những bạn đến từ sớm mong bán được thêm một chút đồ để có thể góp sức giúp người khác có được một cái Tết ấm áp hơn.Với nhiều người trẻ, nhiều tấm lòng nhân ái, nhiệt huyết, Tết là để trao đi yêu thương mà chẳng mong nhân lại.

Tôi biết một người anh đang chuẩn bị đi phượt vào dịp Tết. Anh mong muốn có chuyến đi này lâu lắm rồi nhưng cả năm cứ bộn bề công việc. Tết được nghỉ là anh đi liền, “đi để khám phá đất nước mình, để nạp năng lượng cho một năm mới”, anh hào hứng chia sẻ. Với nhiều người bận bịu cả một năm, Tết là những chuyến đi, đi để khỏa lấp những khát khao phiêu lưu của tâm hồn.

Buổi tối, ba mẹ gọi điện cho tôi mong mỏi con gái về nhà vì sắp Tết. Mẹ khoe đã sắm được một bộ bát đĩa mới, ba phấn khởi bảo ba chờ con về rồi ba con mình cùng mua cành đào về trang trí nhà. Tết với mẹ, với ba giản dị lắm, chỉ là mua những món đồ mới để năm mới dùng lấy may, là chăm chút cho đứa con mải miết học hành, xa nhà cả kì học.

Có cô bạn du học cách quê hương cả nửa vòng trái đất thầm khóc vì chẳng thể về nhà ăn Tết. Tết với cô gái can đảm một mình nơi đất khách quê người ấy vừa là niềm mong ngóng, vừa là những cô đơn chẳng dám cất thành lời vì sợ gia đình lo lắng. Người con đất Việt ở xứ người lặng lẽ tìm mua một cái bánh chưng, làm món chả nem truyền thống ngày trước mẹ hướng dẫn, cho khuây khỏa nỗi nhớ thương.

Ở ngoài đảo xa có người chiến sĩ vẫn ngày đêm canh giữ vùng trời vùng biển Tổ quốc. Có ai không mong một Tết đoàn viên, sum họp nhưng hơn tất cả họ lặng thầm cống hiến, làm tròn trách nhiệm.

Tết khi đó còn là cả một trời thương nhớ tha thiết...

Nhưng tôi cũng nghe cô bạn của mình than thở: “Tết chán thật. Chỉ loay hoay dọn dẹp với nấu nướng. Tao chẳng thích Tết chút nào, cứ ăn, ngủ rồi cũng hết ngày.” Phải rồi, với nhiều người trẻ như tôi, Tết đơn thuần chỉ là dịp nghỉ dài ngày,không lên lớp, không bài vở. Tuy thế cũng là may mắn, bởi thậm chí nghe đâu, các em học sinh còn có bài tập Tết. Tết là tiếng thở dài ngao ngán “ăn Tết chỉ sợ bánh chưng lấp hết kiến thức” như chúng tôi vẫn kháo nhau hồi cấp hai.

Tết với nhiều người cũng không khác ngày thường, như bác tôi vẫn hay khẽ nhắc anh họ tôi “Tết mà suốt ngày thấy gõ gõ, tính toán, làm việc hoài”. Hóa ra, với những người như anh họ, những người “tham công tiếc việc”, Tết không khác ngày thường là mấy, vẫn làm việc, hoặc làm nhiều hơn vì phải bù cả phần của người nghỉ.

Có người ngóng trông, có người háo hức, có người ngao ngán,... mỗi khi Tết đến. Song, như có một điều gì đó khiến ngày Tết vẫn luôn đặc biệt với chúng ta, như một âm vang từ muôn thuở trước vẫn ngân lên đúng thời điểm trong vô thức chúng ta.

  1. Có chăng đừng nên so sánh Tết xưa, Tết nay?

Tôi chưa từng thưởng thức hương vị Tết xưa, chỉ nghe qua lời kể của những người không thôi lưu luyến ngày trước. Tôi tưởng tượng Tết xưa đẹp, thân thương mà bình dị với những gì đã đi vào tiềm thức của người Việt: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ- Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”

Tôi thầm thương Tết ấy. Nhiều người trong chúng ta cũng yêu biết mấy Tết ấy, tiếc nuối những xa xăm quá khứ. Và vì thầm thương Tết ấy nên tôi, chúng ta khó tránh khỏi cảnh thất vọng, hụt hẫng khi chứng kiến Tết nay, để rồi vô tình hờ hững với Tết nay. Song, tôi tự hỏi liệu Tết của hôm nay có chán đến nhường ấy không?

Tết, Tết của hôm nay, phôi pha từ ngày trước, phảng phất hương vị quá khứ nhưng tất yếu vẫn đậm đà nét hiện đại. Người ta nghĩ về ngày trước Tết đến vui sướng vì được mặc áo mới, được ăn mứt ngọt rồi thở dài cho những đủ đầy đến dư thừa vật chất khiến ta không mong ngóng, yêu Tết nữa. Nhưng tôi biết, chưa thực như vậy. Tết hôm nay cũng đáng yêu vô cùng. Tôi yêu những phong tục xưa vẫn được gìn giữ lặng lẽ dưới mỗi nếp nhà dù có chút khác xưa cho phù hợp với hoàn cảnh.

 

 

Tôi yêu những lời chúc đẹp đẽ mọi người chân thành dành cho nhau, tôi yêu những hương vị ngọt ngào của những thức quà tết. Tôi yêu Tết, Tết hôm nay, Tết mà người xa xứ có thể “đoàn tụ tinh thần” với người thân cách nửa vòng trái đất qua màn hình điện thoại. Tôi yêu Tết, Tết hôm nay, Tết mà người ta chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trên mạng xã hội, để kết nối và lan tỏa những điều trân quý.

Câu chuyện Tết xưa Tết nay cái nào tốt hơn có lẽ sẽ khó mà kết thúc cho thỏa đáng nếu ta cứ một lòng hướng về quá khứ, nhớ tiếc những điều xưa...

  1. Tết khác hay lòng mình chẳng còn vẹn nguyên như thuở ban đầu?

Mua một tờ báo, mở ra đọc, lòng đã thầm đối chiếu với những trang báo ngày trước. Bước những bước đi trên con đường nhựa êm ái lại mơ tưởng về con đường làng nhỏ hẹp xa xưa. Cũng như vậy, khi Tết đến, tôi lại nhớ tới những quan niệm thế nào mới là Tết đẹp, Tết cổ truyền, Tết ý nghĩa thay vì sống với hiện tại, sống với những ngày Tết của những thập niên đầu thế kỉ 21. Liệu như vậy có đúng không, liệu Tết hôm nay có kém Tết trước? Tôi không rõ. Tôi chỉ thảng thốt, hóa ra mình chưa bao giờ thực lòng với hiện tại, lúc nào cũng khư khư ôm lấy mộng ngày cũ.

Ta luôn hỏi sao cái này thay đổi, cái kia khác quá mà quên rằng lòng mình có bao giờ vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Lòng mình đã đổi khác sao bắt mọi thứ vẫn y nguyên như ý mình? Biến chuyển không ngừng chẳng phải là quy luật của đời sống hay sao?

 

 

Nhiều người trong chúng ta đôi khi quên rằng chính mình cũng đang thay đổi từng ngày. Ta không reo lên như khi được lì xì đầu năm lúc bảy tuổi là vì sao? Ta không hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc giao thừa dù hai mắt đã díu lại như năm mười tuổi nữa là vì sao? Ta không nằng nặc đòi mẹ cho thức canh nồi bánh chưng nữa như khi ta mười hai tuổi là vì sao? Vì Tết hôm nay không còn lì xì, không còn gói bánh chưng hay lòng ta đã đổi khác. Chúng ta vẫn sợ hãi khi nghĩ về sự đổi thay của chính mình, sợ mình “thay lòng đổi dạ”, nên khi chẳng tìm đâu được cảm xúc xưa ta vội đổ cho hoàn cảnh thay đổi. Song chẳng phải đó là khi ta lớn lên, ta trưởng thành sao? Ta không háo hức mong ngóng như một đứa trẻ đôi phần cũng vì ta đã lớn thêm một chút rồi.Tết xưa, Tết nay hay Tết của sau này là những mốc thời gian ta hoảng sợ về những đổi thay, nhưng là chính những đổi thay trong lòng mình. Đừng buồn cũng đừng lo sợ, đổi thay dù đau đớn cách mấy cũng cần thiết và tất yếu.

Nếu Tết năm nay của bạn vẫn chẳng thể “bằng” Tết xưa, sao bạn không thử mở lòng mình hơn, dũng cảm đối mặt với những đổi thay của xã hội, và quan trọng nhất là lòng mình. Thay vì bó buộc trong suy nghĩ Tết phải như thế này, phải nấu cái này, phải làm cái kia, sao bạn không thử làm như những gì đổi thay trong lòng mách bảo.

Bên cạnh món ăn tuyệt ngon truyền thống mẹ nấu, hãy thử vào bếp nướng chiếc bánh mà bạn luôn muốn làm dù nó quá “Tây” so với một ngày lễ cổ truyền. Cũng chẳng phải bỏ điện thoại xuống như người ta rao giảng, một lời chúc trên mạng xã hội cũng chứa chan tình cảm của bạn dành cho mọi người giống như một bưu thiếp hay một câu chúc. Bởi ta biết rằng giá trị của những lời chúc không phải có được nhờ vào cách thể hiện mà lấp lánh nới trái tim chân thành của ta. Đừng ngại chụp những tấm ảnh thật đẹp của bạn trong ngày Tết, những tấm ảnh về những phong tục, những món ăn ngon mắt và chia sẻ trên mạng xã hội với mọi người. Có người gọi đó là “sống ảo”, có người tin rằng làm vậy làm Tết phai lạt đi, nhưng chẳng sao cả, hãy làm những gì bạn muốn, những gì bạn nghỉ cần làm để Tết trọn vẹn hơn với mình.

 

 

Bởi lẽ, truyền thống không phải là cái đã cũ, cái xa lạ với hôm nay, truyền thống là những giá trị tốt đẹp đã nhuần thấm vào từng nếp nhà, từng nếp nghĩ. Cội nguồn và sức mạnh của truyền thống ở chỗ nó có khả năng thích ứng đậm sâu với bão táp đổi thay của lòng người, của lòng đời.

Chúng ta nhất thiết gìn giữ Tết xưa song không phải đóng khung nó để hôm nay mỗi dịp Tết đến mang ra trưng. Không, tinh hoa của Tết xưa, của truyền thống không phải là cái hình thức, vỏ bọc. Tất cả phải thấm vào lối nghĩ, cách cảm, thích ứng với đổi thay của người hôm nay thì mới bền vững và có giá trị.

Nhiều người bi quan trước những đổi thay, nhiều người lạc quan vì được đổi thay. Tết xưa, Tết nay, lòng người ngày qua và ngày nay, những đổi thay khác biệt ta cần chấp nhận thay vì chối bỏ. Dù thế nào, tôi tin sống thực lòng với hiện tại sẽ tốt hơn chỉ biết thầm thương trộm nhớ ngày xưa.

Mong rằng năm mới ta đủ tin yêu để đón nhận và chấp nhận những đổi thay!

Mong rằng chúng ta vẫn yêu Tết xưa, và sẽ yêu thêm cả Tết nay!

Chúc bạn năm mới hạnh phúc!

Tác Giả: Thu Thảo

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/boconganh.vagio.58

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VNXem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

 

 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,079 lượt xem, 2,067 người xem - 2092 điểm