Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Trầm Cảm Đã Và Đang Nghiền Nát Chúng Ta Như Thế Nào?

 

“Cố gắng vào được trường đại học đó đi, rồi thích làm gì thì làm”.

Tôi vẫn nhớ có lần mình được xem clip dựng lại một câu chuyện có thật về cô bé người Hàn đang ôn thi đại học. Cô có sở thích vẽ tranh. Những bức vẽ trong tập của cô rất đẹp và không khó để nhận ra cô bé này sở hữu tài năng về nghệ thuật . Tuy nhiên, mẹ cô lại cho rằng con gái đang sao lãng việc học và lúc nào cũng kè kè theo sát bên cô để chắc chắn rằng cô đang học bài. Thậm chí khi thấy cô con gái mình ngủ gật, người mẹ này chỉ nhẹ nhàng đến kế bên và ngắt vào vai để nhắc cô thức dậy học tiếp. Rồi cứ thế thời gian trôi qua, cuối củng cô cũng đỗ vào trường đại học mà mẹ mình hằng mơ ước cho cô. Trong một bữa cơm, cô mới hỏi mẹ: “Mẹ ơi, bây giờ con có thể làm điều mình muốn rồi chứ?”. Mẹ cô cười bảo: “Tất nhiên rồi con yêu.” Và cô lập tức dừng ăn lại, chạy lên ngồi ở ban công, nở một nụ cười mỉm mãn nguyện để rồi... nhảy xuống bên dưới.

Điều gì có thể khiến con người ta, sau cùng lại có thể bỏ lại tất cả những ước mơ, hi vọng, bạn bè, người thân, để kết liễu cuộc đời của mình một cách dứt khoát như vậy?

Có lẽ phải mãi đến gần đây, người ta mới bắt đầu nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về sức khoẻ tinh thần (mental health), nhất là sau khi chứng kiến nhiều cái chết rất thương tâm của người trẻ, trong đó có chàng ca sĩ 27 tuổi Jonghyun người Hàn Quốc. Càng tồi tệ hơn, khi người ta thống kê được rằng mỗi năm có khoảng một triệu người tự sát vì trầm cảm, nếu chia trung bình ra thì một ngày phải có hơn 3000 người chấp nhận rời bỏ thế giới này.

Trầm cảm có thể được hiểu là một bệnh thuộc dạng tâm lý nên hầu như diễn biến rất âm thầm khiến cho việc chẩn đoán rất khó để thực hiện. Người trầm cảm thường buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú với cuộc sống, mặc cảm, tự ti về bản thân, ăn ngủ không thoải mái,... Nguy hiểm nhất là khi họ bắt đầu cảm thấy không thể chịu đựng được vấn đề hay nỗi đau của bản thân thêm một giờ phút nào nữa và cách giải quyết duy nhất là tự chấm dứt cuộc đời này để giải thoát mọi thứ.

Mỗi người chúng ta chắc hẳn đều có ngày nắng ấm tươi đẹp và ngày mưa buồn rầu rĩ, đó là sự thường tình. Chúng ta cảm thấy suy sụp, thất vọng, tự dằn vặt bản thân trước những áp lực, thất bại dù trong một vài phút hay một vài ngày thì đó cũng là những phản ứng tâm lý rất tự nhiên. Nhưng đáng tiếc thay, nếu nỗi buồn khá nặng nề, dai dẳng và u ám gây ảnh hưởng đến khả năng của các cá nhân trong công việc, học tập, quan hệ xã hội, đồng thời  làm rối loạn các chức năng trong cơ thể thì điều này không còn bình thường nữa. Hay nói như các nhà tâm lí lâm sàng và tâm thần học thì đó là rối loạn cảm xúc trầm cảm!

 

MỘT TÂM TRÍ LẠC QUAN CŨNG CÓ THỂ BỊ ĐÁNH NGÃ

Vậy mấu chốt của trầm cảm so với những nỗi buồn thông thường chính là mức độ và thời gian của nó. Chúng ta không ngạc nhiên nếu một người trở nên sụp đổ hoàn toàn về cả tâm trí lẫn thể xác vì phải chịu đựng một (hay vài) điều bất hạnh, đau khổ trong vài tháng. Khi sức khoẻ tinh thần không ổn định, nó cản trở chu kì sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, khiến cho cả cơ thể trở nên mệt mỏi và thiếu sức sống. Đó chính là cách trầm cảm đã và đang nghiền nát con người chúng ta.

Tôi từng khá tự tin vì bản thân là một người có thể suy nghĩ tích cực ở mọi chuyện. Cho dù tôi có buồn đến đâu thì chỉ cần một vài ngày tôi đều có thể quên được. Mãi đến gần đây, lúc tôi bắt đầu gặp khá nhiều thất bại khi nộp đơn đi trao đổi nước ngoài, cộng thêm nỗi lo về tài chính ngày một tăng thêm. Gia đình tôi bắt đầu gặp khó khăn về tiền bạc mà tôi thì vẫn đang xoay xở trong mớ định hướng nghề nghiệp vẫn còn quá mơ hồ của mình. Người ta cứ hay đùa với nhau nếu không thể giải quyết vấn đề thì ít ra cũng đừng lo lắng. Nhưng mà này, thực tế một chút đi! Đâu phải cứ vô tư, lạc quan thì vấn đề sẽ biến mất. Một vấn đề, hai vấn đề rồi mười vấn đề... Nó sẽ không có tên là “vấn đề” nếu tôi có được một giải pháp loại bỏ được nó một cách nhanh nhất. Để rồi cho chúng thời gian từ từ bóp vụn sức khoẻ tinh thần lẫn thể xác của bản thân tôi. Tôi hoàn toàn phản đối việc khoan hai tay lại trước các khó khăn, nhưng bạn biết đấy, có vài rắc rối nằm ngoài khả năng của chúng ta. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là lo lắng về nó.

Khi tôi thực hiện bài viết này, một cô bạn của tôi đã tự làm bản thân bị thương rồi đăng tải hình ảnh ấy lên Facebook. Thật ngỡ ngàng! Một cô gái học luật, tài năng và tự tin mà tôi hay gặp lại đang để ngón tay mình chảy máu xuống những tờ giấy bên dưới, tạo thành tên nhóm nhạc Hàn mà cô ấy yêu thích rồi khoá tài khoản của mình lại. Trong khoảng khắc ấy, tôi thật sự đã bị sốc. Tôi không thể hiểu được! Đành rằng nhiều lúc tôi cũng bị cảm xúc điên cuồng, dữ dội lấn át, kêu gào mong được giải thoát, cùng lắm thì tôi chỉ đặt nghi ngờ về sự tồn tại của mình và băn khoăn liệu nếu tôi biến mất thì mọi người, thế giới xung quanh này có được tốt đẹp hơn được tí nào không. Nhưng tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng tự tạo một nỗi đau khác lên bản thân lại có thể giúp con người ta khá hơn, dù chỉ trong phút chốt. Trầm cảm có thể đáng sợ đến thế sao?

 

(Nguồn: pexels.com)

 

BỒI ĐẮP SỨC KHOẺ CỦA TINH THẦN

Sau đó cô bạn của tôi đã xoá những hình ảnh đó và mở tài khoản lại. Vì cũng không thân thiết nhiều với cô ấy để tiện hỏi thăm nên tôi chỉ đành hi vọng rằng bạn thân của cô ấy sẽ giúp đỡ cô khá hơn. Quay trở lại vấn đề, tôi nhận ra ngày nay người trẻ đang chịu áp lực lên tinh thần rất lớn. Định vị bản thân, tìm kiếm công việc, duy trì các mối quan hệ, cân bằng giữa việc học và trải nghiệm bên ngoài trường lớp... Chúng đã quá nhiều rồi.

Tệ hơn, một số bạn trẻ có phải gánh thêm xung đột từ gia đình. Phần lớn những người bạn mà tôi để ý rằng họ hay ít biểu đạt cảm xúc của mình đều có nỗi buồn từ gia đình. Cũng phải mà, gia đình là nơi để quay về ngay cả khi thế giới xung quanh đều chối bỏ chúng ta. Còn gì tệ hơn nếu ngay cả nhà - nơi ở cuối cùng - cũng không chào đón mình? Cha mẹ cãi nhau, li hôn, cha say rượu đánh đập mẹ, thậm chí có cha mẹ còn ghét bỏ con cái ruột của mình. Dù là mỗi nhà mỗi cảnh như có những cái cảnh thật đáng sợ. Tinh thần nào mà không bị tổn thương cơ chứ, đó là chưa nói đến các chàng trai, cô gái vẫn đang tuổi mới lớn, vẫn đang cần thời gian để chững chạc, để mạnh mẽ thì lại bị dày vò như vậy?

Tâm lí và cảm xúc của con người luôn làm tôi tò mò và hứng thú để tìm hiểu nhiều hơn. Một phần vì tôi mong có thể cải thiện tinh thần của mình tốt hơn và phần còn lại là để giúp đỡ những người xung quanh mình. Sau cùng, bạn là ai nếu không có bất kì tương tác nào với thế giới, đúng không? Có rất nhiều (phải nói là rất nhiều luôn) phương pháp chữa trầm cảm cũng như giải quyết các áp lực về tinh thần trên mạng internet. Tuy nhiên, tôi xin được chia sẻ 3 phương pháp của riêng mình để làm giảm áp lực lên tinh thần cũng như có thể để tâm trí khoẻ mạnh hơn. Có thể bạn không thể áp dụng nguyên xi nhưng hãy tham khảo và nếu cần, cố gắng tìm ra bí quyết cho riêng mình nhé. Dưới đây là bí quyết của tôi:

Thứ nhất, hãy tin rằng có một “đấng tạo hoá”. Nghe có vẻ kì cục thật, nhưng hãy để tôi giải thích. Bạn có thể đang theo bất kì tôn giáo nào cũng như tin hoặc không tin và thần thánh, nhưng theo tôi thì bạn nên tin rằng sự hiện diện của tất cả chúng ta đều là sản phẩm tuyệt vời của một “kiến trúc sư” tài ba vĩ đại nào đó - người đã vượt ra khỏi sự hiểu biết của con người. Vì sao? Vì nếu thật sự như vậy, sẽ có thứ gọi là “kiếp sau” (life after death), được vị kiến trúc sư đó tạo ra song song với chúng ta nhằm để hoàn thiện thứ mà cuộc sống này không làm được. Nơi mà mỗi nỗi đau khổ, bất công mà bạn và tôi đang gánh chịu sẽ đều được đền bù xứng đáng. Công lí tối thượng sẽ được thực thi lên bất kì cá nhân nào, thứ mà luật pháp hiện tại ở trên quả cầu này vẫn đang tạm chấp nhận là khiếm khuyết.

Tôi rất hi vọng bạn không cho điều này là mê tín dị đoan. Điều vớ vẩn nhất con người ta hay làm là tin rằng mình có thể có được mọi thứ chỉ bằng việc cầu xin thế lực siêu nhiên. Nhưng khi tin rằng sự tồn tại của bạn hoàn toàn có chủ đích chứ không phải ngẫu nhiên từ hư vô mà có (đại khái như nếu cuộc đời lắc xí ngầu được hai mặt giống nhau thì bạn sẽ được tồn tại, còn không thì thôi vậy), tin rằng rồi sau cùng những nỗ lực bạn bỏ ra, đau khổ mà bạn chịu đựng đều sẽ không vô ích, tâm trí của bạn sẽ thay đổi và cách bạn nhìn nhận những vấn đề của mình cũng chuyển biến theo.

Không sao cả nếu bạn tin vào điều đó nhưng lại không biết rằng liệu có đúng như vậy không. Sau tất cả, bạn chẳng mất thứ gì, lại còn nhận được một quan điểm sống rất là hay cơ mà? Bạn hãy thử nhé!

 

Nói vui thì "kiến trúc sư" đã tạo ra bạn nhằm một mục đích sâu xa nào rồi, nên hãy cố gắng sống cuộc sống này để tìm hiểu điều đó nha!

(Nguồn: pexels.com)

 

Thứ hai, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn. Các nhà tâm lí học khi quan sát những người dừng tự làm tổn thương bản thân và hồi phục được sau rối loạn cảm xúc, họ nhận ra rằng một số người do ngày càng trở nên lớn tuổi và tiếp xúc được nhiều mặt của cuộc sống hơn, một số lại từ bỏ khi tốt nghiệp hoặc có việc làm, có gia đình của riêng mình.

Có những nỗi đau lớn hơn nỗi đau thể xác và tuy mất rất nhiều thời gian để lành lặn, vẫn có thể được chữa khỏi bằng các trải nghiệm tinh thần. Bản thân tôi cảm thấy nguyên nhân mình vẫn đang tiếp tục sống đến ngày hôm nay là vì tôi liên tục tìm cho mình lí do để làm vậy. Những lí do này, có thể cao quý (như là viết bài chia sẻ hiểu biết của mình với người trẻ) hoặc đơn giản (lỡ sống rồi thì sống thôi), nhưng đều cho tôi nhiều cảm xúc tích cực hơn, mà từ đó, lấn át những cảm xúc không hay đi.

Cuối cùng, hãy cho bản thân không gian để thở. Điều này có nghĩa là đừng gay gắt với bản thân của mình quá. Có rất nhiều người vì luôn ép bản thân của mình theo một tiêu chuẩn của mình, của gia đình hay của xã hội (đơn cử như là con trai không được khóc, phải có sự nghiệp, con gái phải thuỳ mị,tam tòng tứ đức) để rồi đến khi họ không thực hiện được, tâm trí của họ bắt đầu quay vòng trong cái thất bại mà họ nghĩ là như vậy - thứ mà không tốt cho sức khoẻ tinh thần một chút nào.

Này bạn ơi, thất bại có thể có cái vị thật đáng ghét, nhưng hãy từ tốn khi nếm phải nó. Phần lớn những gì chúng ta cho là tận cùng của cuộc đời mình đều sẽ biến mất sau một khoảng thời gian. Hãy cho bản thân một cơ hội để cố gắng, để nỗ lực lại. Miễn là bạn còn thở, còn khoẻ mạnh, chắn chắn (phải nói là chắn chắn 200-300%) là bạn vẫn sẽ làm được một điều gì đó. Nhưng mà điều đó sẽ hoàn thiện cuộc sống của bạn hơn hay tồi tệ hơn thì phải trông chờ bạn quyết định như thế nào rồi, và tin tôi nhé, bạn hoàn toàn được quyết định cái phần này đấy!

Bài viết cũng khá dài rồi nên tác giả xin được thay phần kết thường lệ bằng một câu nói này:

Cuộc đời của chúng ta tựa như một cuốn truyện, vậy nên hãy để nó là một tác phẩm hay, bạn nhé!”.

 

Tác Giả: Huỳnh Phát, Sinh viên @ Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Phat.Huynh.97 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,595 lượt xem, 1,591 người xem - 1599 điểm