Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Trở Nên Hạnh Phúc Hay Trở Nên Thành Công Trong Cuộc Sống?

Ngày bé, tôi có một ước mơ thế này: Trưởng thành thật nhanh và trở thành hiệp sĩ giải cứu thế giới khỏi mọi điều xấu xa tàn ác. Tôi của năm vài tuổi khao khát làm được một điều thật ý nghĩa cho cuộc đời, dù thực tế là sẽ chẳng bao giờ làm được.

Ngày bé, tôi tiêu tốn không biết bao kilogram giấy để vẽ những câu chuyện mà tôi tưởng tượng, dù đường nét nghuệch ngoạc và nội dung ấu trĩ. Nhưng đó là điều tôi thực sự yêu thích.

Thời gian qua đi, tôi biết mình không thể trở thành hiệp sĩ, càng không thể giải cứu thế giới, điều duy nhất tôi có thể làm là không ngừng cố gắng, không ngừng học tập. Sự “lớn dần” cho tôi nhiều mối lo hơn, mối lo về công việc mà bản thân thực sự đam mê, về nghề nghiệp, về tương lai. Theo một cách nào đó, khi công nghệ ngày càng phát triển, không gian thông tin ngày càng rộng mở, tôi bị ám ảnh bởi những người thành công. Tôi không muốn bản thân quá tầm thường, tôi chán nản vì những thất bại của bản thân, tôi cảm thấy tương lai là một dạng thức vô định và mờ mịt. Tôi sợ bản thân không thành công, hoặc nói đúng hơn, tôi sợ bản thân tầm thường.

 

 

Nhưng thế nào là thành công đây? Tiền bạc, địa vị, các mối quan hệ, danh tiếng, người truyền cảm hứng? Đó là những nhãn dán nhảy ra trong tâm trí tôi ngay lúc này. Nhưng tôi chợt nhớ đến một người bạn. Trong một buổi tư vấn hướng nghiệp, chúng tôi được phát những tờ phiếu kháo sát, trong đó có vài câu hỏi liên quan đến định hướng tương lai, cụ thể nhất là: “Nghề nghiệp tương lai mà bạn mong muốn.” Chúng tôi điền nghề nghiệp mơ ước vào ô trả lời, tất nhiên cũng có những người chỉ vừa nghĩ đại ra một nghề để lấp vào chỗ trống. Chúng tôi đọc ước mơ của nhau, rồi bỗng chốc cười phá lên vì một câu trả lời: “Tôi muốn làm nhân viên văn phòng.” Trong tiềm thức, chúng tôi nghĩ đó là một công việc nhàm chán, quanh quẩn, thiếu tính sáng tạo, và có phần… bình thường. Nhưng cô bạn của tôi không cảm thấy ngại ngần, không cảm thấy xấu hổ, cô bạn của tôi mỉm cười. Lúc ấy tôi chợt nghĩ, vì sao mình lại cười phá lên? Lý do gì để mình phân định công việc nào là bình thường, công việc nào là đáng giá? Và lý do nào để mình nghĩ một nhân viên văn phòng là người kém thành công hơn một ông chủ doanh nghiệp? À, có thể trong mắt những người khác, một ông chủ doanh nghiệp tất nhiên sẽ thành công hơn một nhân viên văn phòng. Nhưng nếu việc trở thành nhân viên văn phòng là điều cô bạn của tôi thực sự bỏ công sức để theo đuổi, để cố gắng, thì thực hiện được mong mỏi ấy chẳng phải đã là thành công đối với cô ấy rồi hay sao?

Rốt cuộc chúng ta “định giá” thành công như thế nào? Có phải bằng những nhãn dán mà tôi đã liệt kê trước đó: tiền bạc, địa vị, các mối quan hệ, danh tiếng, người truyền cảm hứng? Vậy thì có khi cả đời bạn cũng chẳng thể trở thành người thành công được. Đừng định nghĩa thành công một cách to tát như vậy, hãy nghĩ thành công chỉ đơn giản là hoàn thành mục tiêu mà bạn theo đuổi bấy lâu. Có lúc con đường ấy sẽ khiến bạn mệt nhoài, đó là điều tất nhiên. Có lúc bạn sẽ vì thành công mà phải đánh đổi nhiều thứ. Trong đó, có thể là một phần của hạnh phúc. Miệt mài cố gắng, rồi sẽ có lúc khiến bạn mỏi mệt, khiến bạn chán nản, khiến bạn thất bại, khiến quỹ thời gian riêng tư của bạn co hẹp rất nhiều. Nhớ lại quãng thời gian luyện thi học sinh giỏi, tôi có rất ít thời gian dành cho sở thích cá nhân, bạn bè thân thiết cũng ít gặp gỡ, thậm chí cả ngày chỉ ngồi với bố mẹ chừng mười lăm phút vào bữa cơm chiều. Áp lực khiến tôi có lúc gắt gỏng vô cớ với bố mẹ, khó chịu với chính mình. Người ta nói rằng bạn vẫn có thể tìm thấy niềm vui trong áp lực, nếu áp lực ấy đến từ công việc bạn yêu thích. Nhưng đã gọi là "áp lực", thì sao có thể không mỏi mệt? Khi bạn lao mình vào công việc để vươn tới thành công, bạn bỏ lỡ cuộc vui, bạn bỏ lỡ một số mối quan hệ, và có đôi lúc bạn cảm thấy cô đơn.

 

“Cái giá cho việc trở thành con cừu là sự nhàm chán. Còn cái giá phải trả cho việc trở thành con sói là sự cô đơn. Dù đi theo con đường nào, là cừu non hay chó sói, bạn đều phải cân nhắc thật kỹ.” - Hugh MacLeod

Tôi từng thấy hai đứa trẻ trong cùng một độ tuổi, một cô bé được bố mẹ rất đầu tư vào việc học, cô bé tham gia các lớp học thêm từ khi còn nhỏ, có ít thời gian vui chơi hơn các bạn đồng trang lứa. Một cô bé, bố mẹ không đặt nặng chuyện học hành, cô bé có nhiều bạn và rất vui vẻ với những trò chơi của mình. Tôi không thể khẳng định cách nuôi dạy nào tốt hơn, vì có thể sau này một cô bé sẽ rất thành công với vốn tiếng Anh dồi dào và kiến thức chắc chắn của mình, cô bé còn lại thoải mái với cuộc sống đơn giản và bình an. Nuôi dạy một đứa trẻ trở nên thành công hay trở nên hạnh phúc? Việc đưa ra câu trả lời khó khăn y như việc chọn trở thành sói hay cừu, nhưng lựa chọn nào cũng sẽ có sự đánh đổi, không có sự lựa chọn nào trọn vẹn hoàn toàn. Việc chúng ta có thể làm là bằng lòng với sự lựa chọn của bản thân. Khi bạn đã lựa chọn, nghĩa là bạn nên chấp nhận, cả vinh quang và thất bại, cả mỏi mệt và thanh nhàn, tất cả những gì mà sự lựa chọn ấy mang lại.

Thầy giáo tôi có một người bạn bỏ học khi đang là sinh viên năm hai trường Đại học Luật Hà Nội. Bạn thầy bỏ học, tự mày mò kinh doanh, lăn lộn sang nước ngoài tìm nguồn cung sản phẩm, nhiều lúc trằn trọc về chiến lược kinh doanh, về điều khoản thương lượng với các bên đối tác, công việc chạy đôn chạy đáo, ít có khi ngơi nghỉ. Thầy tôi kể có lần đi du lịch Sa Pa cùng bạn bè, bạn thầy vội về Hà Nội sau một cuộc điện thoại, sáng ngày hôm sau đã bay vào Thành phố Hồ Chí Minh gặp đối tác. Trong khi thầy chuẩn bị lập gia đình, thì bạn thầy vẫn đang miệt mài với công việc kinh doanh. Thầy bảo thầy thích cuộc sống của bạn thầy, nhiều phiêu lưu hơn, nhưng cũng nhiều thành công lớn hơn. Bạn thầy lại thích cuộc sống của thầy, một cuộc sống hài hòa và ổn định. Nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một cách nói khác về “những điều phải đánh đổi” khi lựa chọn con đường hiện tại, chứ thực tâm hai người đều rất yêu thích công việc của mình. Thầy tôi luôn nhiệt huyết với những bài giảng, say sưa tìm tòi và phát triển phương pháp dạy học kết hợp với công nghệ. Bạn thầy thì chuẩn bị mở rộng thị trường sản phẩm sang nhiều thành phố lớn. Họ có thành công không? Tôi cho là có. Họ có hạnh phúc không? Tôi vẫn cho là có. Tôi đang bác bỏ lập luận của chính mình rằng lựa chọn con đường nào cũng phải đánh đổi? Không. Họ vẫn phải đánh đổi, một, vài, hoặc nhiều điều nào đó trong cuộc sống của họ. Nhưng những thứ phải đánh đổi ấy không phải toàn bộ hạnh phúc, cũng không phải toàn bộ sự thành công.

Nghĩa là chúng ta vẫn có thể trở nên thành công và trở nên hạnh phúc. Vậy thì, làm thế nào để có một cuộc sống như vậy?

Success is getting what you want. Happiness is wanting what you get. - Dale Carnegie

Hãy cho bản thân một lý tưởng, một mục đích sống

Thực tế là không ít người quyết định từ bỏ con đường đang theo đuổi để bắt đầu con đường mà thâm tâm thực sự muốn đi. Có lẽ không cần thiết phải dẫn chứng về họ, thay vào đó, tôi sẽ hỏi bạn vài câu hỏi. Bạn có cảm thấy thoải mái nếu đi lang thang trên một sa mạc không định hướng? Bạn có từng cảm thấy bản thân vô dụng và lạc lối khi trôi dạt giữa những lựa chọn? Bạn có nghĩ rằng bản thân có thể làm một công việc nào đó trong suốt 30 năm tới của cuộc đời mà không thấy chán nản, mệt mỏi, muốn bỏ cuộc? Hãy nghĩ về điều đó.

Cảm giác mới lạ ban đầu có thể khiến bạn nhiệt huyết trong phút chốc, nhưng chỉ sự yêu thích mới khiến bạn tận tâm và say mê suốt quá trình thực hiện. Chúng ta có một cuộc đời để trải nghiệm những điều ta muốn, chứ không phải trải nghiệm những điều người khác muốn. Tự hỏi bản thân mình thích gì, muốn làm gì, nhưng công việc bạn chọn lựa còn phải dựa trên cơ sở phù hợp với bản thân. Là người hướng nội thì chọn con đường nào, mình là người kỷ luật hay thiên hướng sáng tạo, mình là người trầm tính hay sôi nổi, mình phát huy tốt hơn khi ở trong một tập thể hay thấy thoải mái khi được làm việc độc lập? Một cái cây sẽ vươn cao nhất, khỏe khoắn nhất ở nơi có đất đai và khí hậu phù hợp với nó nhất. Hãy dành thời gian nghiêm túc suy nghĩ về bản thân mình, tự tìm hiểu bản thân mình, càng sớm càng tốt, để tránh những lựa chọn khiến bản thân hối hận. Đừng nghĩ rằng cứ học đi, đến lúc nộp hồ sơ thi đại học rồi lựa chọn nguyện vọng vẫn chưa muộn. Cho mình một mục tiêu lớn, dành thời gian vạch ra những kỹ năng cần thiết và dần dần trau dồi những kỹ năng đó. Bởi luôn có những kỹ năng nhà trường không dạy, nhưng công việc và xã hội đòi hỏi bạn phải biết. Tất cả hãy dựa trên cơ sở rằng bạn yêu thích và phù hợp với nghề nghiệp đó.

“Chúng ta học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rúng này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.” – Phạm Lữ Ân

 

Một cảm giác sâu sắc hơn cả theo đuổi lý tưởng, là có cho mình một mục đích sống. Mục đích sống không đồng nghĩa với công việc, nghề nghiệp. Tôi muốn nói đến giá trị mà ta mang lại cho người khác, cho cuộc sống. Xem chừng có vẻ lớn lao và hoa mỹ. Nhưng không, nó giản đơn, bình dị hơn bạn nghĩ. Tôi vừa nhắc đến thầy tôi và người bạn của thầy. Khi thầy tôi lựa chọn con đường giáo dục, thầy đã chọn cho mình một mục đích sống: mang lại tri thức cho người khác. Khi bạn của thầy lựa chọn con đường kinh doanh, bạn thầy đã lựa chọn một giá trị: mang đến thực phẩm sạch, thích hợp ăn vặt nhưng an toàn với sức khỏe hơn Snack. Tôi từng đọc về đội quân đồng tính bất bại của thành Thebes, một đội quân vẻn vẹn 150 cặp đồng tính, nhưng đã đánh bại quân đội cả ngàn người của thành Sparta – thành bang hung hãn và thiện chiến nhất Hy Lạp bấy giờ. Điều gì đã làm nên sức mạnh gần như kỳ diệu đó? Phải chăng "tình yêu sẽ biến đổi một kẻ nhát gan nhất trở thành một người hùng đầy năng lực"? Tôi không nghĩ tới một lý giải nào hợp lý hơn ngoài việc họ đã trang bị cho mình một mục đích sống: chiến đấu để bảo vệ nửa kia của mình. 

 

Một mục đích sống, bao giờ cũng khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn, nhiều động lực hơn, mục đích này thường liên quan đến việc cho đi hơn là nhận lại.

Hãy làm một công việc mà bạn yêu thích, giống như cách mà tôi của ngày bé vẽ vời những câu chuyện mình tưởng tượng ra, dù nó thật ngây ngô và ấu trĩ.

Hãy làm việc với một mục đích ý nghĩa, giống như cách mà tôi của ngày bé ao ước rằng mình có thể giải cứu thế giới.

Làm bạn với chính mình

Hầu hết chúng ta đều biết cách làm bạn với người khác. Cách làm bạn với chính mình hoàn toàn tương tự. Nhưng lại không dễ gì thực hiện. Khi một người bạn thất bại, chúng ta chắc chắn sẽ không nói những câu kiểu như “Cậu thật vô dụng, cậu là kẻ thất bại, cậu chẳng làm được gì cả”. Nhưng chúng ta lại nói điều đó với bản thân. Khi một người bạn thất tình, chúng ta chắc chắn sẽ không buông lời chê bai họ, kiểu như “Vì cậu không xứng đáng với cô ấy/anh ấy, cậu chẳng có điểm gì hay ho cả”. Nhưng có đôi khi, chúng ta sẽ nói điều đó với bản thân. Làm bạn với chính mình, hiểu rằng không phải ai cũng hoàn hảo, hiểu rằng ai cũng có lúc thất bại. Làm bạn với chính mình, nhìn nhận những mặt tốt, mặt xấu của chính mình, để phát huy và khắc phục. Làm bạn với chính mình, để cho mình nhiều động lực hơn. Làm bạn với chính mình, để khám phá xem ước mơ thực sự của bản thân là gì, và học tập, phát triển ước mơ ấy.

Trân trọng các mối quan hệ. Xin lỗi, cảm ơn, và cho đi.

Một mối quan hệ quý giá bao giờ cũng tồn tại lâu hơn nhan sắc, tuổi trẻ, thậm chí là tiền tài, sự nghiệp.

Học cách xin lỗi, đặt cái tôi của mình xuống, xin lỗi khi bản thân làm tổn thương ai đó, lỡ làm ai đó tức giận, đừng tặc lưỡi bỏ qua như cái cách mà tôi trót lỡ lời với bố mẹ mình.

Học cách cảm ơn, còn khó hơn cả xin lỗi. Vì có những thứ ta nhận được từ một mối quan hệ, ta lại vô tình cho đó là nghiễm nhiên. Học cách cảm ơn, hoặc là biết ơn.

Học cách cho đi, tôi chắc chắn rằng cảm giác cho đi bao giờ cũng hạnh phúc hơn nhận lại, và cảm giác hạnh phúc này cũng dài lâu hơn. Cho đi đối với những người thân thiết, cho đi trong những chuyến tình nguyện. Tôi chưa thấy một người thành công nào chỉ khư khư giữ những điều tốt đẹp cho mình, cũng chưa thấy một người thành công nào ngại ngần chia sẻ với người khác.

Nói trên lý thuyết thì thật dễ dàng, nhưng tôi biết rằng thật khó khăn để chúng ta cân bằng được tất cả các yếu tố mà ta mong muốn. Nhưng chúng ta đều đang cố gắng vì một cuộc sống ý nghĩa mà, phải không?

 

Tác Giả: Lưu Thị Thu Giang, Học sinh @ Trường THPT Chuyên Trần Phú 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:  https://www.facebook.com/vi.nguyet.9

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

  (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,788 lượt xem, 2,738 người xem - 2759 điểm