Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Ước Mong Có Bố Mẹ Tuyệt Vời Của Những Đứa Con Chưa Ngoan

[THTT] Ước mong có bố mẹ tuyệt vời của những đứa con chưa ngoan.

Bố mẹ chẳng hiểu con gì cả!”; “Bố mẹ thì biết cái gì?”

“Con xin lỗi vì không làm theo mong muốn bố mẹ. Con hứa sẽ cố gắng lần sau”.

Đây là có lẽ là những lời các bạn trẻ hay nói với bố mẹ mình nhất. Bố mẹ đã dần trở thành một trở ngại rất lớn của các bạn trẻ và ta thấy rằng mình chính là người đau khổ nhất trong cuộc sống này.

Bố mẹ không bao giờ chịu hiểu con.

Sẽ luôn có những khoảng cách và sự khác nhau giữa các thế hệ. Và chúng ta lấy đó là lí do cho mọi cuộc xung đột gia đình và lỗi chắc chắn thuộc về những người lớn. Thế hệ của bố mẹ đã quá khác so với các con và bố mẹ không bao giờ chịu hiểu chúng ta.

Càng lớn thì ta lại càng ít đi mua quần áo với mẹ, thích tự giải quyết vấn đề một mình và càng không muốn bố đưa mình đi học như thuở nào nữa. Bởi càng lớn, chúng ta lại càng thấy bố mẹ mình sao mà lạc hậu quá. Càng lớn mà bố mẹ vẫn coi mình là con nít. Mẹ vẫn kè kè bên ta để chọn quần áo, lắc đầu khi ta chọn một bộ đang “mốt” hiện nay. Bố vẫn nhìn ta vào cổng mới chịu quay xe, chằm chằm khi thấy mình đi với bạn khác giới. Giới trẻ ai chẳng có Idol, mà bố mẹ lại không thích…

Vậy bạn có biết hồi nhỏ bạn từng thích những bộ quần áo ấy biết nhường nào, bạn muốn bố trở đi học biết bao nhiêu. Là bạn đã thay đổi, hay là bố mẹ quá lạc hậu, không chịu hiểu bạn, không chịu bắt kịp những xu thế hiện đại? Bố mẹ cổ hủ, không hiểu hay bạn đang thay đổi chóng mặt mà đôi khi đến mình cũng không thể hiểu được mình?

Bố mẹ không thể hiểu chúng ta như những người bạn? Vậy bạn có nói chuyện với bố mẹ mình như những người bạn? Không bao giờ ta chịu bình tĩnh và can đảm nói chuyện với bố mẹ chuyện của mình. Vì họ không thể hiểu được. Thực ra vì bạn chắc chắn bố mẹ không thể giúp mình, họ chỉ làm rắc rối hơn vấn đề mà thôi! Nhưng khi chuyện trở nên nghiêm trọng, chúng ta tìm đến họ!

Muốn hỏi:

Sinh nhật của Idol bạn bao nhiêu?

Thế còn sinh nhật của bố mẹ bạn?

Vậy mà bạn tủi thân khi bố mẹ tự tổ chức sinh nhật, không để bạn tự quyết định.

Idol bạn thích gì?

Bố mẹ bạn thích gì, muốn gì?

Bố mẹ chỉ muốn những đứa con của mình hạnh phúc. Họ chỉ thích khi con mình muốn mình cùng nó vượt qua mọi khó khăn.  

Bạn có biết: Mẹ đã từng cố tìm hiểu những “mốt” của lứa tuổi bạn, và bạn đã đổi “mốt” mới? Bố mẹ đã tìm hiểu và hỏi về bạn bất khi nào gặp bạn của bạn. Họ biết ai là bạn thân, ai là bạn cùng lớp của bạn?

Chắc không.

Đó là khi bạn nghĩ bố mẹ không chịu hiểu mình.

Bố mẹ không yêu thương con.

Sinh ra và lớn lên ở thôn quê, tôi hiểu rõ những người nông dân chất phác, giàu tình cảm nhưng rất ít khi trực tiếp bộc lộ tình yêu của mình. Bố mẹ chưa bao giờ nói thương tôi, yêu tôi dù chỉ một lần. Họ không được học các phương pháp giáo dục hiện đại, rằng khoa học hay hiệu quả, họ chỉ biết con hư thì phải đánh đòn, con làm sai thì phải dạy dỗ. Họ cũng đã trưởng thành dưới sự dạy dỗ của ông bà như thế. Bố mẹ không bao giờ nghe tôi giải thích, không cho tôi cơ hội giải thích: “Nói một câu thì cãi lại mười câu”. Và bố mẹ rất vô lí.

Nhưng không bao giờ tôi nghĩ, khi đánh mình, bố mẹ thấy thế nào. Chưa bao giờ chúng ta nghĩ rằng những thứ mình đang có là những gì tốt nhất bố mẹ có thể có và dành cho mình, hoàn toàn không vụ lợi, không tính toán. Tôi ghét ăn món thịt kho chán ngấy của mẹ. Nhưng thậm chí mẹ tôi còn không dám ăn. Bố mẹ không dám giết gà khi tôi học xa nhà. Những con gà béo mẫm mẹ tôi chăm nhưng mẹ không dám ăn. Họ thương tôi đến ích kỉ!

Chính chúng ta cũng không chịu nghe người khác giải thích khi mình đang tức giận nhưng ta lại đòi hỏi bố mẹ phải nghe mình biện hộ khi chính mình là người sai. Bố mẹ chính là người vô lí!

Tôi thức khuya để học bài trong khi bố mẹ đã ngủ. Khi chúng ta đang vật lộn với đống bài tập và đề tài. Bố mẹ đã ngủ.

Nhưng họ luôn biết khi nào tôi ngủ quên trên bàn học, lúc nào tôi dậy sớm học bài. Họ đã vất vả cả ngày trong khi trên lớp chúng ta có thực sự học nghiêm túc?

Chúng ta sẽ so sánh bất cứ khi nào có thể với những bạn cùng trang lứa để thấy mình thiệt thòi quá! Rằng mình có phải con của bố mẹ không? Còn bố mẹ sẽ luôn so sánh với những bố mẹ khác để có thể cho con được những gì tốt nhất. Chúng ta chắc chắn còn quý hơn cả bản thân họ!

Chúng ta không biết điều đó!

Bố mẹ thích so sánh với “con nhà người ta”.

Bố mẹ thích so sánh con với “con nhà người ta”. Và chúng ta chính là bản lỗi, mình thua kém và khó chịu. Thực sự rất ngán ngẩm, khó chịu và bực dọc.

Nhưng đó chỉ là những câu nói vu vơ của cha mẹ. Ai mà không muốn con mình tốt hơn, ai mà chẳng mơ con mình tài giỏi.

Tôi ghét những lúc ngồi cùng bố mẹ xem những chương trình quyên góp cho trẻ em vượt khó. Luôn bị so sánh với những học sinh đó, và những cuộc hội thoại lại chẳng đi đến đâu. Tôi và họ đâu có giống nhau. Nhà họ nghèo nên tất nhiên họ phải cố gắng rồi. Nhà mình không nghèo như thế, không thể giống nhau. Người đó có gen tốt từ bố mẹ, đâu phải lỗi của tôi.

Nhưng tôi không biết đó đơn giản chỉ là những lời nói ngưỡng mộ của bố mẹ. Chẳng bao giờ tôi phải vất vả mưu sinh như những đứa trẻ ấy cả. Bố mẹ tôi không cho phép. Những đứa trẻ vượt khó là rất tốt. Nhưng bố mẹ không bao giờ phải để tôi cố gắng, học tập trong khốn khó vậy. Không ai muốn như vậy cả.

Bố mẹ luôn áp đặt cho con. Con không được sống là chính mình.

Mọi người nói rất nhiều về việc: bố mẹ ngày nay đang dập tắt ước mơ của con bằng suy nghĩ của họ. Cuộc sống của con đang bị mong muốn của bố mẹ đè bẹp.

Có bao giờ chúng ta dũng cảm nói với bố mẹ về ước mơ và điều mình muốn làm? Chúng ta muốn nhiều thứ nhưng lại không chịu nói ra và đòi hỏi bố mẹ phải hiểu tất cả. Bố mẹ cũng muốn tốt cho con. Nhưng chính sự bao bọc của bố mẹ khiến chúng ta đang trở nên yếu mềm và sợ hãi trước ước mơ của mình. Niềm đam mê không đủ để bạn dũng cảm nói sở thích của mình. Và đó là lỗi của tình yêu thương của bố mẹ!

Bố mẹ sẽ hạnh phúc lắm nếu bạn chịu nói với họ ước mơ của mình. Sẽ không ai ngăn cảm nếu ta dám quyết tâm và lập ra kế hoạch cho ước mơ của mình, không dựa vào bóng bố mẹ.

Chúng ta mệt mỏi và đau khổ, bố mẹ không hề hạnh phúc. Ai cũng mong muốn con mình giỏi giang nhưng hơn hết họ muốn con mình trưởng thành và hạnh phúc.

Vậy ai đang dập tắt ước mơ của mình?

Tôi vẫn chưa làm mẹ. Nhưng tôi không còn ngây thơ đến mức không nhận ra tình yêu thương của cha mẹ mình. Tôi không vô cảm đến mức phớt lờ đi tình cảm của họ bằng sự nông cạn của tuổi trẻ. Tôi vẫn chưa đủ trưởng thành để hiểu hết về những nỗi lòng và tâm sự của những người lớn. Chắc chắn là chưa đủ!

Các bạn trẻ đang đọc những dòng này, chắc chắn đều hiểu. Biết hoặc không. Nhưng ta vẫn đang cố tình phớt lờ nó. Ta cố tình không hiểu.

“Một ngày con lớn. Một ngày con khóc. Một ngày con phải đi xa mẹ…” Một ngày nào đó chúng ta sẽ có cuộc sống riêng của mình nhưng cuộc sống của bố mẹ chỉ có chúng ta. Một lúc nào đó, chúng ta dành hết tình yêu cho một người và bỏ lại phía sau tình yêu bố mẹ. Họ vẫn chỉ lặng lẽ phía sau…

“Không có bố mẹ nào hoàn hảo

Nhưng tình yêu của họ luôn tuyệt vời”.

Những đứa con chưa ngoan có xứng đáng mong muốn bố mẹ tuyệt vời???

Tác Giả: Hương Đoàn

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

483 lượt xem, 476 người xem - 484 điểm