Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Hãy Cứ Ngây Thơ. Hãy Cứ Dại Khờ. Hãy Cứ Khờ Khạo Mộng Mơ. Thần Kinh Theo Cách Bạn Muốn

Bị “thần kinh” có… khoa học

            Vị triết gia người La Mã cổ đại Seneca từng nói rằng, “Không thể có những thiên tài vĩ đại nếu không có một chút điên rồ.”

            Có thể bạn không tin nhưng sự xuất hiện của các niềm tin tôn giáo, những công trình kiến trúc nổi tiếng, hay bảng tuần hoàn hoá học hầu hết đều được phát minh từ sự giả tưởng, hay nói cách khác là từ sự không bình thường của thần kinh. Sau đây là một vài ví dụ, được trích dẫn nguồn từ Tâm lý học tội phạm: Dù là người có tư tưởng vĩ đại nhất và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại, Isaac Newton, theo như những thông tin thu thập được, có hơi bị ấm đầu một chút, và còn là một kẻ đáng ghét. Newton nổi tiếng là kẻ nhỏ nhen và hay thù vặt. Ông cũng từng trải qua những thời kỳ làm việc điên cuồng suốt nhiều ngày mà không ăn không ngủ. Về sau này, ông bị trầm cảm nặng, không chịu gặp gỡ hay nói chuyện với bất kỳ ai, và thường có ý định tự sát. Trong những thời điểm đen tối nhất, Newton thường mắc chứng ảo giác và hay nói chuyện với những nhân vật tưởng tượng. Đương nhiên, Newton không phải là thiên tài bác học điên duy nhất. Nikola Tesla cho ra đời tận hơn 200 phát minh trong suốt đời mình, bao gồm cả nguyên mẫu đầu tiên của động cơ mô tô chuyển hoá điện năng thành cơ năng, chiếc điều khiển từ xa đầu tiên, và góp phần vào việc phát minh ra máy chụp X quang. Ông sáng chế ra nhiều loại thiết bị điện hơn cả Edison, và chính điều này đã xúi giục Edison trở thành một tên khốn toàn tập và luôn cố phá hoại sự nghiệp của Tesla.

             Nên vấn đề đặt ra là, tất cả chúng ta đều hơi bị thần kinh, theo cách của riêng mình. Đó chỉ là các mức độ khác nhau của hành vi con người, và những người với chứng “bệnh tâm thần”. Dẫu ở thái cực tích cực hay tiêu cực, mà thường là tiêu cực, cũng là những thái cực dẫn đến sự bùng nổ của sự sáng tạo và thiên tài.

 

Rào cản bởi định kiến số đông

            Chúng ta không giống với mọi người nghĩa là chúng ta sai, chúng ta không bình thường mà cần được đưa vào bệnh viện ngay lập tức? Chúng ta có quyền phán xét một ai đó chỉ vì họ “đáng bị” thế, chỉ vì nhiều người cũng phản đối họ như thế. Chúng ta bị tù túng trong một thế giới do chính mình tạo ra? Suy nghĩ của chúng ta bị đóng khuôn do chính cái hộp chúng ta tự làm? Chúng ta không dám ước mơ xa vời do lối suy nghĩ rằng mình không-có-khả-năng?

            Ngày bé chúng ta đến trường bằng sự háo hức hồ hởi bằng một dấu “hỏi chấm”. Nhưng phần lớn ra trường được đóng khung bởi “dấu chấm”.  Sự sáng tạo dường như bị đóng khung bởi những cuốn sách giáo khoa, những bài giảng được soạn bài bản kĩ càng của của thầy cô giáo, và lỡ như những ai hay có ý kiến trái chiều hoặc phát biểu hơi đi quá xa so với bài học, thì y như người ấy sẽ lập tức bị dán mác là “không được bình thường (cho lắm)”.

            Đứa bạn thân tôi là ví dụ điển hình. Không những bị mọi người kỳ thị chỉ với cái lý do lãng xẹt vì nó không theo số đông như những người khác, mà còn bị cả lớp học tẩy chay, bị miệt thị, và không một ai chơi với. Cả quãng thời trung học ấy đối với bạn tôi là quãng thời gian đen tối chỉ vì nó không giống với mọi người, chỉ vì nó kể câu chuyện mà nó được đọc với một giọng văn diễn cảm như một nhân vật lớn tuổi, chỉ vì nó thấy câu chuyện ấy buồn mà kể xong rồi nó khác, chỉ vì nó có những ý tưởng khác lạ mà mọi người cho rằng bạn tôi bị điên, bị tâm thần.            

             Đọc đến đây có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng hẳn bạn tôi phải là người thông minh lắm, táo bạo và sẽ có triển vọng thành công sau này lắm. Nhưng không bạn ạ, ở trong một cộng đồng bị hạn chế bởi giáo dục, mà xung quanh không tìm thấy đến một người đồng quan điểm cũng như cảm thông ủng hộ, thì họ sẽ dần thu mình lại mà đóng chăt lại với cánh cửa tưởng tượng vốn có của mình. Bạn tôi dần trở nên nóng tính cục cằn như một thằng đàn ông thô lỗ nhu nhược, khó quản lý được cảm xúc của mình, hay nói cách khác, mọi cảm xúc dễ được bộc lộ trong hầu hết mọi hoàn cảnh như một đứa trẻ con vậy. Chính vì thế mà sự đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống của bạn tôi vô cùng khó khăn và chật vật, suy cho cùng cũng chỉ vì một đám đông bị tư duy lối mòn ăn sâu vào tận gốc rễ nhận thức để chối từ sự mới mẻ khác lạ, đẩy những số phận “khác người” vào bước đường cùng.

            Tôi cũng chẳng phải ngoại lệ. Từ lúc mới ê a đánh vần những câu chữ đầu tiên, tôi đã biết phải học như thế nào để được thầy cô khen thế nào là tốt, bố mẹ tự hào về con mình là vừa giỏi vừa ngoan. Vậy là trong suốt thời đi học, tôi bị cái nhãn dán “con ngoan trò giỏi” đeo bám. Tôi học đều tất cả các môn học bao gồm cả những môn mình không thích, gieo rắc một niềm tin vững chắc là sau này sẽ cố gắng học ít nhất để vào những trường đại học danh giá. Nhưng kết quả thì sao?

            Mặc dù giờ đây đã vào được trường đại học mà tôi thích. Nhưng tư duy lối mòn vẫn còn đấy, thể hiện ở phương pháp học, ở lối sống, trong một văn hoá Á Đông.  Trước đây và đến bây giờ vẫn vậy, tôi luôn bị dằn vặt bởi những cái mác người khác dán cho mình. Chính những hình ảnh ấy đã kìm kẹp và ám ảnh tôi đến cả những khi đi ngủ. Rằng tôi có lỡ làm việc gì chệch khỏi đường ray ấy, những sự kỳ vọng ấy, tô màu khác những màu sắc trong hình ảnh ấy, tôi lại cảm thấy mình như một tội đồ. Và rồi cái ham muốn làm khác đi cứ theo đuổi tôi. Nhưng lại bị giằng xé bởi chính những hình ảnh bên ngoài. Cứ thế không dứt, tôi khổ tâm một cách tột độ và luôn hối hận về những điều mình không dám làm mọi thứ khác đi.

 

Mộng mơ để bước chân đến giấc mơ

 

             Cô diễn viên Mia nói với anh nghệ sĩ nhạc jazz Sebastian trong bộ phim La La Land. Chàng và nàng gặp nhau trong một ngày trời xanh vắt giữa dòng xe kẹt cứng tại Los Angeles đương đại, để rồi cứ thế, cuộc đời của cả hai va vấp lấy nhau trong bản hòa tấu của những tâm hồn hoài cổ.

            Nàng, một nhân viên phục vụ luôn chìm đắm trong giấc mơ được trở thành minh tinh điện ảnh dù cho liên tiếp bị đánh trượt trong các buổi thử vai. Chàng, một nghệ sĩ dương cầm ấp ủ ý định mở một quán bar chơi thứ nhạc jazz thực thụ, phải khiên cưỡng chơi những bản nhạc theo thị hiếu tại các quán ăn rẻ tiền.

            Chúng ta cần tới những con người không chỉ có khả năng sáng tạo để nhìn thế giới theo những cách thức mới thôi đâu, mà còn phải có cả sự ảo tưởng và điên rồ để tin rằng những ý tưởng của họ không hề hoang tưởng hay điên cuồng. Như là nhà sáng lập nổi tiếng của Apple từng nói rằng, “Bởi vì chỉ những kẻ đủ điên để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới mới chính là những người làm được điều đó.”

            Và bởi vì tất cả chúng ta đều có hơi điên điên chút đỉnh, nên nhận thức của chúng ta về cái sự kỳ cục của mình và cả các khuynh hướng sẽ dẫn tới những hệ quả thực tế trong cuộc đời ta. Hãy tìm hiểu về đầu óc bạn. Tìm hiểu về những thói tật của nó. Nó khác biệt so với những người khác ra sao? Nó tương đồng với những người như khác như thế nào?-Mark Mason

            Nhiều người cảm thấy xấu hổ trước cái cách mà đầu óc họ vận hành. Họ quá nhạy cảm, là những gì họ vẫn thường được nghe. Hoặc là họ quá trầm tính và hướng nội. Hoặc là họ dành quá nhiều thời gian cho những cuốn tiểu thuyết viễn tưởng và việc vẽ tranh. Hoặc là họ quá khó tính và ám ảnh về vẻ diện mạo của mình, hay quá dễ kích động và buồn vui thất thường, hay là gì đi chăng nữa.

            Hãy chấp nhận nó-sự điên rồ chút đỉnh, như bất cứ bộ phận nào trên cơ thể chính mình, hãy đồng hoá chúng cũng như chấp nhận mọi sự rủi ro có thể xảy đến. Hãy tìm hiểu và tận dụng chúng, một cách triệt để. Để làm của riêng, không phải thông qua sự mù quáng hay giấu giếm như một khuyết tật. Mà là dựa vào sự chấp nhận mà bộc lộ chúng.

            Cũng giống như jazz hay ca nhạc, những nghệ thuật của nhân loại vẫn tiềm tàng trong mỗi ngóc ngách của tiềm thức con người, trong những con người như Mia và Seb, trong La La Land. Cái tên phim vẽ nên miền đất hứa mộng mơ, nhưng đồng thời cũng là mảnh đất của tiếng thở dài thực tại, nơi những kẻ viễn du  phải đánh đổi để hiện thực hóa giấc mơ của đời mình.

Tác giả: Nông Thị Yến Nhi – ĐH KHXH&NV

                        Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/my.ruly.5

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN?

Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,879 lượt xem