Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Tôi Không Thích Đi Ra Ngoài. Và Nếu Vậy Thì Sao?

 

 

Người cảm thấy hạnh phúc khi sống một mình là người thông minh?

Thực sự thì chẳng có lý do gì để viết cho đến khi tôi đọc được nghiên cứu này. Nó đã chỉ ra và giúp tôi hiểu được phần nào về căn nguyên rễ gốc cho sự không có hứng thú đi ra ngoài để gặp gỡ những người xung quanh. Nhưng với bài viết này, tôi cũng không cổ suý cho việc làm ấy. Nghĩa là việc gây dựng các mối quan hệ về sau không bị ảnh hưởng hay gián đoạn bởi những mong muốn ấy- thích ở một mình.

Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ các cuộc phỏng vấn do Nghiên cứu theo chiều dọc của Quốc gia về Sức khoẻ vị thành niên (Thêm Sức khoẻ) trong năm 2001-2002 với 15.197 người trong độ tuổi 18-28. Các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm sự tương quan giữa nơi mà một người được phỏng vấn sống - ở một vùng nông thôn hoặc thành thị - và sự hài lòng của cuộc sống. Họ quan tâm đến việc đánh giá mức độ mật độ dân số và tình bạn ảnh hưởng đến hạnh phúc như thế nào.

Kết quả điều tra cũng tiết lộ rằng những người thông minh ít có khả năng cảm thấy rằng họ nhận được sự  hạnh phúc từ tình bạn, nhưng họ thực sự xã hội hóa hơn là những người kém thông minh hơn.

Vậy tại sao những người thông minh lại thích ở một mình? Những người thích ở một mình thường tập trung vào vấn đề gì nếu họ không đi ra ngoài, gặp gỡ người khác? Những người có IQ cao dành ít thời gian cho việc tụ tập bởi vì họ không muốn gián đoạn sự tập trung vào công việc, dự án và những suy nghĩ quan trọng. Đặc biệt, người làm việc đòi hỏi tính sáng tạo và nghiên cứu  cho thấy họ luôn cảm thấy vui vẻ cho dù họ ở một mình.

Những người có IQ cao cũng không phải là người sống tách biệt hoàn toàn với cộng đồng. Họ chỉ thích dành thời gian để liên kết nội tâm, từ đó giúp họ thích nghi và cân bằng trong mọi hoàn cảnh. Mục tiêu lớn của họ là khai thác hết tiềm năng của bản thân.

Điều đó cũng không có nghĩa là những người không thích ở một mình không thông minh. Nghiên cứu ở đây chỉ đề cập đến khía cạnh về sự hạnh phúc của hầu hết những người thông minh mà thích ở một mình thường cao hơn người khác mà thôi.

 

 “Tôi thích sống một mình” là sự nguỵ biện cho việc trốn tránh bản thân?

 “Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng” – nhà toán học và triết học Pháp Blaise Pascal đã nói vậy vào giữa thế kỷ 17. Được chứng minh bằng thực nghiệm trên rất nhiều người tự nguyện tham gia. Thực nghiệm này vô cùng đơn giản, người tham gia chỉ cần ngồi trong một căn phồng không có gì cả và một cái nút ấn. Nếu ấn nút sẽ bị điện giật với mức độ tăng dần, mà trước khi thực hành, ai cũng cam kết rằng có chết cũng không ấn vào nút ấy. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Lẽ ra khi không làm gì, chúng ta có thể ngồi để suy nghĩ và tự chữa lành, để phục hồi tâm trí. Nhưng không, hầu hết mọi ngươi thà làm gì đó, kể cả đau họ cũng làm, chứ chẳng thể làm ngồi yên một chỗ.

Căn nguyên của các rắc rối, theo ông, là chúng ta luôn tìm cách chạy trốn bản thân. Không muốn đối diện với chính mình, tâm trí con người luôn lùng sục điều kích thích tiếp theo, như một con khỉ không thể ngừng văng mình tới cành cây trước mặt. Từ cãi vã với hàng xóm tới xung đột giữa các quốc gia, nhiều điều tệ hại bắt nguồn từ lý do này.

Có lẽ, sự tìm kiếm “cái gì đó” đã chiếm hữu chúng ta mỗi ngày. Những suy nghĩ rác luôn không ngừng chạy trong đầu, bạn không có cách nào để đào thải nó. Có phải đi về sinh vẫn phải cầm theo chiếc smart phone? Tôi đã từng vậy, và đến giờ thỉnh thoảng vẫn vậy, nhưng với tần suất ít hơn. Trong lúc đi bộ tôi dành thời gian để đầu óc được thư thả. Tôi dường như cảm nhận được cuộc sống từ đấy, hơn là trốn chạy bằng cách “hãy tìm kiếm thứ gì đó đi”, hơn là tìm chuyện để gây hấn, tìm người để gây sự, như đã từng rất nhiều lần. Đó cũng chính là căn nguyên của mọi tai hại. Hay nói cách khác, sự kiếm tìm như một cơn lốc xoáy cuốn chúng ta đi xa thực tại, mà cuộc sống không là gì khác ngoài thực tại. Thử nghĩ lại mà xem, bạn đã chết từ khi nào rồi?

Trong một bài báo có nhắc tới xu hướng đáng ngại hiện nay là thích sống một mình tại Trung Quốc. Cụ thể là Cao Fang, 29 tuổi, sống một mình trong một căn hộ nhỏ ở thủ đô Bắc Kinh. Cách đây độ chục năm, độ tuổi của cô ở Trung Quốc nếu chưa lập gia đình thì thực sự là “một vấn đề”. Nhưng hiện tại, Cao cảm thấy ổn. Ngoài giờ làm việc, Cao về nhà, nghỉ ngơi hoặc đi ăn tối với các bạn hoặc đồng nghiệp. Cao cũng có thể dành cả ngày ở nhà để đọc sách. “Tôi đã sống như thế này được 4 năm. Chẳng có gì là không được cả”-Cao chia sẻ. Theo Chinadaily, Cao Fang là điển hình của một bộ phận rất đông giới trẻ Trung Quốc hiện nay, sống một mình thay vì lập gia đình.

Ở một mình là cô đơn, tự cách ly khỏi xã hội hay tính cách lập dị? Thực tế, chẳng có gì là sai khi bạn thích dành thời gian một mình nhiều hơn thời gian tương tác xã hội. Đó là khi bạn cần thời gian cho riêng mình, tạo ra sự thư giãn cả về tinh thần lẫn thể chất.

Tâm bất dính giữa dòng đời vạn thính

Chúa Trời đứng một mình – nhưng quỷ sứ thì trái lại, nó tìm tới hội đoàn, nó nhiều vô kể Henry David Thoreau

Đừng để chính kiến của bạn bị  bẹp dí bởi định kiến số đông hay một ý tưởng điên rồ nào đó bị vứt xó, bởi số đông chỉ đơn thuần là tâm lý bầy đàn. Họ có thể dìm bạn xuống đáy vực sâu bởi những lời a dua theo phong trào hay thể hiện họ hơn bạn ở mọi mặt và mãi mãi chẳng thể nào bạn ngóc đầu lên khỏi vũng lầy do chính họ tạo nên. Họ hả hê vì điều đó, đêm về họ vẫn ngủ ngon như mọi ngày. Còn bạn có thể mất ngủ cả năm trời để lên những kế hoạch ấy, dằn vặt ân hận những tháng ngày về sau khi nghĩ lại chỉ vì không đủ mạnh mẽ để chống lại số đông. Có công bằng không?

Trong một loạt thí nghiệm nổi tiếng của Solomon Asch cách đây 60 năm, người tham gia thí nghiệm ngồi cùng với một số người khác (thực chất là những người đồng mưu với Asch). Mọi người trong nhóm được yêu cầu so sánh độ dài của một số đường thẳng – một bài tập cho trẻ con. Hiển nhiên, nếu những người đồng mưu một loạt chọn câu trả lời sai thì tới 30% trường hợp người tham gia thí nghiệm sẽ từ bỏ đánh giá cá nhân của mình để vào hùa với đám đông.

Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Ralph Waldo Emerson, nhà thơ lớn của Mỹ thế kỷ 19, viết: “Người gây cảm hứng và dẫn đường cần tách khỏi những người khác, để không phải sống, thở, đọc và viết hằng ngày dưới gông cùm của những ý kiến của họ”.

Một mình không phải khoảng cách vật lý với những người xung quanh, mà là khoảng cách bởi sự ngắm nhìn và quan sát, trong sự tĩnh lặng của tâm trí, sự cô đọng của tâm hồn. Họ là những người thích tĩnh lặng giữa ồn ào hơn là hoà mình vào sự ồn ã. Dù sao đi chăng nữa, vẻ đẹp của một mình là vẻ đẹp nội tâm đẹp đẽ theo một cách riêng, một sự liên kết tâm hồn với sự sáng tạo, một vẻ đẹp mà không phụ thuộc vào mọi việc đang-diễn-ra.

Tác giả: Nông Thị Yến Nhi – ĐH KHXH&NV

                        Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/my.ruly.5

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN?

Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,002 lượt xem