Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tiết Học Y Đức Đầu Tiên – Học Y Để Cứu Mẹ

Tại sao tôi học Y? Để kiếm nhiều tiền? Vì ba mẹ muốn tôi làm bác sĩ như ông bà? Hay vì tôi lỡ đâu y rồi thì học thôi?... Bao nhiêu lý do cho đủ để giải thích việc tôi đang ngồi tại giảng đường trường Đại học Y Dược Huế. Nhưng rồi một cô giáo đã chỉ cho chúng tôi rằng đó là cái Nghiệp, và nhắc nhở chúng tôi hãy làm trọn cái Nghiệp đó với đời. Tiết học đặt dấu mốc quan trọng trong suy nghĩ của tôi về việc học Y thuật chính là buổi học Tâm lý – Y đức.

Đó là một chiều nóng nực, quạt ở giảng đường lay lắt từng cơn gió nhẹ. Đi học cũng được 5 tuần rồi và đây là buổi học chiều đầu tiên của lớp tôi. Qúa quen với việc ngủ trưa thoải mái nên tôi cực kì bực mình khi phải đi học trưa nắng như thế này. Chiều nay chúng tôi có 2 tiết Tâm lý. Đây là môn tôi cực kì hào hứng vì rằng tôi muốn biết giáo viên sẽ dạy được cho tôi điều gì, có thể dạy cho tôi những kiến thức để trở thành một bác sĩ tâm lý được không hay chỉ dạy những lý thuyết đại cương nhàm chán,… tôi cực kì mong chờ những bài giảng chuyên sâu bởi vì tôi muốn tự chữa tâm bệnh của mình – đó là ước mơ của tôi những lúc gặp chuyện phiền phức và mệt mỏi.

Cô giáo bước vào, một giảng viên đã đứng tuổi, bộ đồ tây màu ghi giản dị, cô bước nhẹ nhàng vào lớp như cách cô dịu dàng nhìn chúng tôi – những đứa học trò ồn ào hơn cái chợ vỡ. Thoáng một chút thân thương, vì tôi thường rất kính trọng những thầy cô lớn tuổi – khi học y mới biết cực khổ và trải qua tháng ngày học tập làm việc ấy là rất dài để con người ta trưởng thành và già dặn kinh nghiệm với đời.

Thật không ngoài dự đoán, chúng tối lật giáo trình và học những giai đoạn lịch sử của Y đức thầy thuốc qua từng giai đoạn. Ừ thì cố học để mà thi, chứ cái tôi mong muốn là được tìm hiểu về tâm lý, nhìn và cảm nhận được trạng thái cảm xúc, người ta đang nghĩ gì cơ. Chứ lý thuyết về đạo đức ngành y thì thật như người Việt Nam nói yêu Bác Hồ và thuộc quốc ca vậy. À trong phần này thì cúng tôi lúi húi ghi ghi, gạch gạch trong sách những phần mà cô nói sẽ ra trong đề kiểm tra ấy. Đi học đôi khi đơn giản là để lúc kiểm tra mình biết nên học cái gì cho nhàn hạ.

Lớp tôi vốn ồn ào và bị thầy cô bộ môn Sinh Lý nói là lộn xà lộn xộn. Ấy thế mà bỗng dưng lại im phăng phắc khi cô giáo bắt đầu tâm sự. À bạn có nhớ tôi đánh giá khách quan rằng cô giáo là một người lớn tuổi rồi nhỉ. Cô nói chỉ còn 1 tháng nữa là cô nghỉ hưu. Bạn biết không, đối với tôi vào lúc này, sinh viên năm 2, tiếp xúc với nhiều anh chị, nhiều ngành nghề tôi nhận ra rằng nghề Y quan trọng không phải vì tiền vì khi đi làm ai cũng có tiền đủ sống cả. Tôi thương cảm ở cô là cái tuổi đi làm, cái lòng nhiệt huyết, kinh nghiệm bao nhiêu năm, nay đã đến lúc cáo lão về vườn. Một đời cống hiến thế là gần hoàn tất trong khi tôi thì còn 5 năm nữa. Một quãng thời gian dài ngay trước mắt nhưng lại ngắn qua từng năm. Và rồi cô nói trúng tâm lý của tụi lớp tôi rằng “Tại sao các em lại học Răng hàm mặt? Cô nghĩ rằng hầu hết các em ngồi đây đều không muốn học ngành này, mà các em là do không đậu Bác sĩ đa khoa nên rớt xuống lớp Răng học. Cô biết có những em thiếu 0,25 hay thậm chí là 0,18 thôi mà làm tròn lên 0,25 thì các em cũng đã rớt rồi. Vậy thì các em có cảm giác mình đang làm đúng những gì mình ao ước hay chưa?”. Bạn biết đấy, đó là một sự thật nghiệt ngã, rằng 90% lớp chúng tôi đều 25,75 và chỉ thiếu 0,25 là đậu Y đa khoa rồi. Tôi thầm cười vì nghĩ rằng “Chà, cô nói đúng rồi đấy ạ. Thật là một câu chuyện muôn thuở và đôi khi nó trở thành truyện cổ tích của lớp Răng hàm mặt chúng em”. “Các em à, cô cũng từng không chọn ngành Y, nhưng đôi khi đó là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”. Tôi cảm thấy cực kì nhàm chán với những câu nói đổ lỗi cho số phận ấy. Haiz nhưng bạn có biết rằng những gì cô sắp kể về cuộc đời cô đã khiến một bạn sinh viên năm 2 bé nhỏ là tôi ngồi rưng rưng nước mắt, chùi mắt mà ướt cả bàn tay nguyên cái tiết học đó.

Công nghệ sinh học thực phẩm là đam mê của cô ngay từ năm lớp 10. Sau khi học thực hành bài đu đủ, một ngọn lửa say mê nghiên cứu đã thôi thúc con người cô. Đến ngày làm hồ sơ thi đại học, dĩ nhiên là cô đã đăng ký nguyện vọng học kĩ sư công nghệ thực phẩm. Nhưng bước ngoặt cuộc đời bỗng chốc xuất hiện trong giây lát đã khiến cô đi theo con đường Y khoa rồi đứng đây ngay lúc này với vai trò giảng viên để dạy chúng tôi.

Đó là một ngày trưa nắng nóng, mẹ cô đang ăn bất ngờ bị rớt bát và ngã khuỵu xuống đất, một nửa người bên phải bỗng chốt bị liệt không thể cử động được. 12 giờ trưa, cô cuống cuồng gọi xích lô đến chở mẹ cô đi khám cách nhà cô 3 cây số. Đến nơi, cô vội vàng đập cửa hòng mong sớm giúp người mẹ, lúc này đang mất trí, có thể bình thường trở lại. Một người phụ nữ trung niên bước ra với nét mặt cau có.

 - Làm gì mà ầm ầm thế hả, bây giờ đâu phải giờ khám bệnh, về đi, bác sĩ nghỉ trưa rồi.

- Cô ơi cô cứu mẹ cháu với, tự nhiên mẹ cháu bị liệt nửa người, không biết gì nữa cả, cô cứu mẹ cháu với cô ơi. – Cô nức nở, òa khóc ôm tay người phụ nữ đó mà cầu khẩu, van xin.

- Ai hơi đâu mà khám giờ này. Bị bệnh thì đi nơi khác. Bác sĩ nghỉ trưa rồi. Ồn ào quá. Đã nói không khám là không khám. Đi chỗ khác đi.

Người phụ nữ dứt bỏ bàn tay khốn đốn kia, để lại sau lưng ánh mắt trẻ dại bơ vơ lạc lõng cùng người mẹ mất trí khờ khạo, đôi tay rũ xuống vì không thể cử động. Một cảm giác vỡ òa bất lực, trời đất như sụp đổ, khi mà mẹ cô bỗng chốc bệnh nặng còn người được gọi là thầy thuốc Lương y như từ mẫu lại đành đoạn từ chối mẹ con cô. Khi con người ta đến đường cùng, không được ai giúp đỡ chúng ta liền thức tỉnh và nhận ra rằng chỉ mình mới có thể giúp mình mà thôi. Ý nghĩ mạnh mẽ trong cô bừng đến, rằng cô phải làm bác sĩ, phải học ngành Y để về chữa bệnh cho mẹ cô. Thế là chiếc xích lô cuộn tròn bánh đưa người mẹ bệnh và đứa con thơ về căn “nhà tranh vách đất”.

 Lo cho mẹ uống thuốc xong xuôi, cô xách dép chạy đến trường. Hôm nay là thứ 6 và là ngày cuối cùng để nộp danh sách thi đại học lên bộ giáo dục. Thầy chủ nhiệm của cô vừa mới gõ xong danh sách bằng chiếc máy đánh chữ cổ lỗ sỉ ngày đó. Mồ hôi nhễ nhại vì phải chạy bộ 3 cây số để trến trường, vừa nói vừa thở hồng hộc không ra hơi:

- Thầy ơi thầy cho em làm bác sĩ … để em cứu mẹ em với. Thầy ơi cho em làm bác sĩ đi thầy…

- Ơ mi bị điên à. Mấy nay sao không nói, lúc nào cũng đòi làm kĩ sư thực phẩm cơ mà. Sao giờ lại thay đổi. Không sửa được đâu. Giờ chuẩn bị đưa thầy hiệu trưởng ký rồi. Không làm gì được nữa đâu.

(À có một lưu ý là chiếc máy gõ chữ ngày xưa là không thể xóa đi viết lại như ngày này đâu bạn nhé. Nếu bạn xem mấy phim cũ hoặc tìm hiểu thì sẽ rõ.)

Thầy hiệu trưởng nghe ồn ào, liền chạy qua và hỏi chuyện gì xảy ra vậy. Cô lao đến nắm tay thầy mà van xin:

  • Thầy ơi thầy cho em làm bác sĩ để em cứu mẹ em với. Thầy cho em làm bác sĩ đi thầy, để em về em cứu mẹ em…
  • Trời ơi. Gì mà giờ này còn thay đổi nữa. Mấy nay em muốn làm kĩ sư thực phẩm cơ mà.
  • Thầy ơi, em nhất định phải học bác sĩ để cứu mẹ ạ. Thầy cho em làm bác sĩ đi thầy. Em bắt buộc phải học Y thầy ơi. Thầy giúp em với. – Vừa níu tay thầy cô vừa nức nở van xin.

Thầy hiệu trưởng với cái đầu bóng loáng thở dài ngán ngẩm nói với thầy chủ nhiệm.

  • Thôi, để tôi ngồi đọc rồi thầy đánh máy lại cho nó.

Rồi quay sang nói với cô.

  • Em cầm bộ hồ sơ này, viết lại bộ mới rồi mang lên phường kí. Nếu được thì về đây thầy cho đi thi Y. Nếu làm được thì âu đây cũng là cái nghiệp của em vậy.

Cô nhận lấy bộ hồ sơ, vội vàng nghuệch ngoạc vài chữ rồi xách dép chạy qua phường. Đến nơi đã là 4h15 chiều, mà hôm nay là thứ 6 nên Phường sẽ nghỉ từ 4 giờ chiều cho đến thứ 2. Cô văn thư đang đóng cửa phòng và chuẩn bị xách cặp ra về. Cô chạy đến ôm khư khư chân cô văn thư mà nức nở:

  • Cô ơi cô cho em đi thi Y với, cô cho em làm bác sĩ để em về em cứu mẹ em.
  • Mi bị gì vậy. Răng mà giờ chừ còn đến đây. Nghỉ làm hết rồi, về đi. – Mặt cô cau có.

Bỗng một người đàn ông trung niên xách cặp xuất hiện. Cô liền chạy qua túm chân ông này mà lay:

  • Chú ơi chú giúp con với, con phải làm bác sĩ để con cứu mẹ con. Chú giúp con đóng dấu với.
  • Ơ! Gì mà giờ này còn qua đây. Nhưng mà mi là con ai.
  • Dạ, cháu là con của bà ba bánh ướt. – tên tục của mẹ cô.

Ông chú bỗng nhiên khụy xuống và than vãn.

  • Trời đất ơi, làm gì mà cả mẹ cả con đều khốn khổ cả vậy. Thôi thôi cô văn thư lấy con dấu ra tôi ký rồi cô đóng dấu cho nó đi.

Chả là gia đình tôi thuộc diện nghèo nhất phường. À mà bất ngờ là chú này lại đích thị ông chủ tịch phường đấy. Cô văn thư bất ngờ rút vội con dấu, liếc nhìn tôi với con mắt thẫn thờ, vừa đóng dấu cạch cạch lên bộ hồ sơ. Ông chủ tịch phường kiểm tra lại:

  • Trời đất, chữ mi gì mà xấu như mèo cào thế này. (Lúc đó tôi vừa khóc vừa viết, lại vội vã nên chữ khủng khiếp lắm, không thể đọc được luôn ấy). Cơ mà cô văn thư sao lại đóng dấu ngược thể này.
  • Thôi chết, tôi nhầm – Cô văn thư bối rối.

Bỏ qua việc chữ xấu hay con dấu ngược đó, cô cuống quít cảm ơn rồi lại xách dép chạy về trường. Thầy hiểu trưởng lo lắng, đi qua đi lại trong phòng, nghe tiếng chân chạy về liền đưa tay sẵn sàng đón bộ hồ sơ.

  • Sao con có ký được không?
  • Dạ con ký được rồi thầy ơi. Thầy cho con làm bác sĩ với.
  • Trời ơi con viết cái chi trong hồ sơ đây, chữ nghĩa gì mà quệt quạc quá vậy. Thôi được rồi, anh lấy tờ giấy mới đánh lại đó đưa tôi ký rồi mang qua Sở nộp. Âu đây là cái nghiệp của nó, mình giúp nó thế này còn lại nó cố gắng mà đi tiếp. Tự nhiên đâu ra cái họa hoàn như thế này cơ chứ. Thật cùng cực cho nó quá.

Và sau mọi cố gắng, cô đã đậu được trường Y Dược Huế, ngành Y đa khoa. Tôi đã khóc khi nghe tin mẹ cô bị bệnh, khi cảm nhận cánh cửa sự sống đóng lại với mẹ con cô giữa trưa nắng gắt, khi cảm nhận sự bần thần, vùng vẫy chống chọi hoàn cảnh để được làm hồ sơ thi Y dược… Mọi khó khăn đó khiến nước mắt tôi chợt trào. Và rồi cũng có những giây phút tôi cười ngô nghê khi những diều kì lạ bất ngờ xảy đến, khi thầy hiệu trưởng ra tay giúp đỡ, khi ông chủ tịch phường bỗng chốc xuất hiện và nhận ra cái gia đình nghèo khó, khốn đốn của cô, tôi cười ngô nghê khi cô rẽ bước thành công sau bao điều kì lạ và thử thách. Chỉ với một câu nói “Xin hãy cho con học Y, để con làm bác sĩ, con cứu mẹ con”. Phải chăng sức mạnh từ việc muốn bảo vệ người thân của mình mạnh đến mức đó, từ bỏ cả đam mê bấy lâu để bất chợt chuyển hướng cuộc đời. Tôi nhớ lại nhân vật Heo Im trong phim “Lang y lừng danh” – ngày nhỏ đi van xin thầy thuốc truyền nghề cho mình để được cứu mẹ - một nữ nô bộc thấp kém. Sức khỏe là tài sản vô giá của con người, và khi mẹ mình mang bệnh, những người con cố gắng học y thuật để tự cứu chữa cho mẹ mình.

Sinh viên y dược chú tâm học tập

Y đức vốn dĩ xuất phát từ nỗi đau cá nhân, để rồi cảm nhận nỗi đau của người bệnh. Xem người bệnh như người thân của mình, ra sức cứu chữa với mong muốn giúp mọi người được khỏe mạnh. 12 lời thề y đức Hippocrates là lời nhắc nhở cho những người theo con đường Y học như tôi.

Tôi mong rằng những người bạn vì lỡ bước chân vào ngành Y, dù là đam mê hay do dòng đời đưa đẩy, hãy cố gắng thực hiện trọn vẹn cái Nghiệp của mình. Cố gắng học tập, đào sâu y thuật, rèn giũa y đức để giúp người giúp đời, mà thiết thực hơn là chữa bệnh cho chính bản thân và người thân trong gia đình.

Đó là tiết học Y đức đầu tiên, cũng là lần đầu tiên tôi khóc trên giảng đường, khóc cho cái Nghiệp của cô mà cũng khóc vì tôi nhận ra cái Nghiệp của mình. Và chúng tôi những người đã bước vào giảng đường Y dược phải cố gắng hoàn thành trọng trách cao cả nhất của cuộc đời mình. Gắn bó với kiến thức y thuật và người bệnh. Lời thề Hippocrates vang lên trong lòng tôi:

  • Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề. Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác.
  • Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.
  • Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết.
  • Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật cắt sỏi mà dành công việc đó cho những người chuyên.
  • Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ.
  • Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ.
  • Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại.

Tác giả: Phan Thị Thanh Tâm

----------

Bạn đam mê và có khả năng viết những bài viết thể hiện quan điểm cá nhân và triết lý sâu sắc? Bạn muốn có thêm thu nhập từ việc viết bài? Bạn muốn thể hiện cá tính và thương hiệu cá nhân?

Dự án viết bài hợp tác giữa YBOX và Kênh 14 là hoàn toàn phù hợp với bạn! Để biết thêm thông tin chi tiết và đăng ký tham gia, xin vui lòng truy cập: https://goo.gl/8MFMrB.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,073 lượt xem