Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tìm Người Yêu Và Tìm Việc Làm Có Giống Nhau Không?

Thoạt nhìn thì có vẻ là không, nhưng nếu để ý bạn sẽ thấy hai quá trình tìm người yêu và việc làm có những điểm chung rất thú vị. Khi tìm việc, nhiều người nghĩ chỉ cần xem thông báo tuyển dụng rồi nộp hồ sơ vào công việc mình “chấm” là xong. Thực tế cho thấy, trong cả hai cuộc đua tìm việc và tìm người yêu, những ứng viên chủ động thường là những ứng viên chiếm thế thượng phong, họ chủ động từ việc tìm kiếm cơ hội đến việc lập kế hoạch và không hề ngơi nghỉ cho đến khi hoàn thành giai đoạn “tổng tấn công”.

Đọc bài viết này, bạn sẽ biết được mình cần làm gì để “cưa đổ” Nhà Tuyển Dụng! heart heart

Đưa mục tiêu vào tầm ngắm

Nhiều người tìm việc thích gửi hồ sơ theo kiểu “rải thảm” mà không quan tâm đến tính phù hợp giữa kinh nghiệm họ có với yêu cầu của công việc, việc gửi hồ sơ theo hướng may rủi này thường không mang lại hiệu quả nếu bạn thực sự muốn tìm một công việc phù hợp với bản thân. Khi bắt đầu chặng đường tìm việc của mình, bạn nên tự hỏi bản thân 3 câu hỏi sau: “Tôi đang tìm kiếm công việc gì?”, “Tôi có thể tìm những công việc đó ở đâu?” và cuối cùng là “Tôi nên tiếp cận những công việc đó như thế nào?”

Một mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và khả thi sẽ là câu trả lời điểm 10 cho câu hỏi thứ nhất. Với câu hỏi thứ hai, câu trả lời là “ở mọi nơi và thông qua mọi người”, bạn có thể tìm thấy công việc mình mong muốn trên các website tuyển dụng, trên báo đài và thậm chí là qua lời giới thiệu của người hàng xóm…, cơ hội thành công của bạn sẽ phụ thuộc vào mức độ chủ động mà bạn thể hiện khi tiếp cận với các kênh tuyển dụng. Cuối cùng, đã đến lúc bạn chứng tỏ khả năng “tiếp thị bản thân” với NTD – hãy chuẩn bị “vũ khí” để hạ gục mục tiêu cách chuyên nghiệp nhất.

Hồ sơ tìm việc – “vũ khí” của nhà săn việc tài ba

Một ví dụ nhỏ để bạn hiểu rõ tầm quan trọng của bộ hồ sơ tìm việc: Dũng là một nhân viên kỳ cựu trong ngành IT, tuy chưa biết cách tiếp thị bản thân qua hồ sơ tìm việc nhưng tự tin với kinh nghiệm vốn có của mình, Dũng nghĩ rằng NTD sẽ nhanh chóng “tìm thấy” anh. Qua một thời gian, dù đăng hồ sơ trên khá nhiêu kênh tuyển dụng nhưng rất ít NTD phản hồi & trạng thái chờ việc của Dũng tiếp tục bị kéo dài. Được một người bạn “mách nước”, anh quyết định tìm hiểu kỹ về cách viết một bộ hồ sơ gây ấn tượng với NTD. Dũng làm theo, anh đã chỉnh sửa hồ sơ tìm việc của mình và đăng lại hồ sơ trên các kênh tuyển dụng anh đã dùng, điều kỳ diệu xảy ra chỉ trong tuần lễ đầu tiên, trên 10 NTD đã liên lạc với anh, trong đó có công ty IT nơi anh đang làm việc hiện nay!

Nếu đã thấy được tầm quan trọng của hồ sơ tìm việc, hãy dẹp bỏ suy nghĩ hồ sơ tìm việc chỉ đơn giản là một tờ giấy để “trút” tất cả những thông tin về bản thân, về kinh nghiệm làm việc và về mong muốn nghề nghiệp. Hồ sơ tìm việc tốt là bộ hồ sơ mà khi đọc nó, NTD sẽ thấy ngay bạn là ứng viên được “đo ni đóng giày” cho vị trí mà họ đang đăng tuyển. Để làm được điều này, trước hết bạn hãy xem xét kỹ yêu cầu công việc mà NTD đưa ra, sau đó sàng lọc lại những kinh nghiệm của bản thân và chọn ra những kinh nghiệm phù hợp để đưa vào hồ sơ. Hiển nhiên, với những yêu cầu công việc khác nhau, bạn phải có những bộ hồ sơ khác nhau. Hãy dành thời gian chỉnh sửa & cập nhật hồ sơ của mình để bạn luôn là ứng viên được “đo ni đóng giày” cho các vị trí mà NTD đang đăng tuyển.

Nộp hồ sơ chưa phải là bước cuối

Ngày nay, với các trang web việc làm, việc nộp hồ đã trở nên nhanh chóng và hiểu quả đến không ngờ. Nhưng có một vài lưu ý nhỏ bạn nên nhớ khi nộp hồ sơ trực tuyến: Trước khi gửi hồ sơ, bạn cần nêu rõ vị trí ứng tuyển và mã số vị trí (nếu có) trong tiêu đề e-mail để tránh bị NTD “bỏ qua” do không biết bạn đang muốn ứng tuyển vào vị trí nào. Ngoài ra, với nguyên tắc những hồ sơ cập nhật mới nhất sẽ xuất hiện trên đầu trong trang kết quả tìm kiếm khi NTD cần chủ động tìm ứng viên, hãy thường xuyên cập nhật hồ sơ trực tuyến của bạn để tên bạn luôn nằm trong tầm ngắm của NTD. Ngoài ra, khi bạn đạt được những kỹ năng hay vị trí mới, đừng “giấu” NTD mà hãy cập nhật những thông tin đó trên hồ sơ trực tuyến của mình – đó cũng là một cách “quảng cáo” hiệu quả cho thương hiệu bản thân bạn.

Song song với nộp hồ sơ trực tuyến, việc tích cực mở rộng các mối quan hệ xã hội cũng giúp bạn tìm thấy nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Chủ động “xuất hiện” trước mắt NTD

Nếu đã nộp hồ sơ trực tuyến một thời gian dài mà không thấy NTD hồi âm, bạn có thể gọi điện hoặc gửi e-mail để hỏi lại về nhu cầu tuyển dụng của họ đối với vị trí bạn đã ứng tuyển, đồng thời bảo đảm rằng NTD đã nhận được hồ sơ của bạn. Bằng cách chủ động “xuất hiện” này, bạn đã khéo léo gửi đến NTD thông điệp rằng bạn là một ứng viên nghiêm túc, có tính chủ động cao và rất quan tâm đến công việc này.

Tuy nhiên, nếu NTD đã thông báo rõ thời hạn và đối tượng được nhận thông báo kết quả, hoặc những nội dung như “Vui lòng không liên hệ qua điện thoại hoặc email” trong phần thông tin NTD, bạn không nên chủ động “xuất hiện” bằng cách liên hệ với NTD vì lúc này sự chủ động của bạn sẽ bị đánh giá là không tôn trọng NTD.

Với sự cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng khốc liệt, hiển nhiên NTD chỉ chọn người phù hợp nhất trong số hàng chục, hàng trăm ứng viên nộp hồ sơ. Vì vậy, muốn chiến thắng, bạn phải luôn ở thế “chủ động tấn công”. Công bằng mà nói, để “săn” việc thành công, bạn luôn cần một chút may mắn. Nhưng đừng quên “thần may mắn” sẽ chỉ chìa tay ra với những người luôn nỗ lực hết mình thôi! laugh smiley cool

(Theo Vietnamwork)

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

538 lượt xem