Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tình Yêu Cuồng Si: Thế Nào Là “Lửa Tình” Và Bằng Cách Nào Ta Có Thể Giữ Nó Sống Mãi Theo Thời Gian?

Nhiều người trong chúng ta thích yêu và được yêu, nhưng có bao giờ ta dừng lại để nghĩ xem mình đang mơ tưởng đến kiểu tình yêu nào không? Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nỗ lực phân loại các kiểu tình yêu khác nhau. Gần đây, Tiến sĩ Barbara Acevedo đã tìm thấy một số đặc điểm thú vị của một kiểu tình yêu đặc biệt. Tình Yêu Lãng Mạn: kiểu tình yêu với những đặc điểm như “cảm xúc mãnh liệt, thủy chung và mặn nồng gối chăn” có thể kéo dài cả đời. Các nhà khoa học thần kinh thậm chí còn phát hiện ra rằng bộ não của những cặp đôi trải qua kiểu tình yêu này có thể giữ được “ngọn lửa tình” dành cho nhau đến khoảng 20 năm. Tình Yêu Lãng Mạn gắn liền với cảm giác viên mãn trong hôn nhân, cảm giác hạnh phúc, lòng tự trọng cao và mối quan hệ bền lâu. Tuy nhiên, có một kiểu tình yêu khác được gọi là “Tình Yêu Cuồng Si” mà nhiều người trong chúng ta thường trải qua trong những giai đoạn yêu đương ngọt ngào ban đầu nhưng có thể không hữu ích lắm cho một mối quan hệ lãng mạn lâu dài.

“Tình Yêu Cuồng Si” có nhiều điểm tích cực giống như Tình Yêu Lãng Mạn nhưng cũng bao gồm cảm giác không chắc chắn và lo lắng. Theo hai nhà khoa học Elaine Hatfield và Richard Rapson, Tình Yêu Cuồng Si miêu tả “trạng thái khao khát mãnh liệt muốn hòa hợp với đối phương.” Tuy nhiên, như Acevedo chỉ ra, kiểu tình yêu này cũng chứa “yếu tố ám ảnh được biểu hiện ở những suy nghĩ lung tung, cảm giác bất ổn và tâm trạng thất thường.” Nói chung, Tình Yêu Cuồng Si có thể phù hợp vào thời gian đầu của mối quan hệ, nhưng về lâu dài thì nó có thể trở nên có hại.

Phải thừa nhận là ta khó lòng xác định được kiểu tình yêu mà mình đang trải qua khi mới phải lòng một ai đó. Cảm giác đam mê và háo hức ban đầu mà ta dành cho đối phương là rất quý giá và thường rất đáng để ta sẵn sàng trao đi. Việc cố dán nhãn hoặc kiểm tra điều riêng tư và trừu tượng như tình yêu theo hướng khoa học có vẻ giống như một việc làm chẳng lãng mạn chút nào. Tuy nhiên, vì tình yêu vừa là nguồn gốc làm bao người hạnh phúc cũng cũng vừa là nguyên nhân khiến bao người tan nát cõi lòng, xem xét tình yêu từ góc độ tâm lý có thể giúp ta duy trì được tình yêu lâu dài thay vì ngầm hủy hoại nó hết lần này đến lần khác. Vì thế, mặc dù câu hỏi “mình đang yêu theo kiểu nào” có thể khó trả lời, tìm hiểu về chủ đề này có thể giúp ta biết được một thông tin quan trọng hơn: làm thế nào mình có thể duy trì hiệu quả nhất tình yêu và đam mê qua thời gian.

Thế nào Tình Yêu Cuồng Si?

Cách đây nhiều năm Ellen Berscheid và Elaine Walster cho rằng có hai kiểu tình yêu, một dựa trên đam mê nhiều hơn và một dựa trên tình bạn nhiều hơn. Trong nhiều năm, người ta thừa nhận rằng ngọn lửa Tình Yêu Cuồng Si thường sẽ bừng lên rồi tắt ngúm giống như pháo hoa hoặc sẽ âm thầm trở nên ít cuồng nhiệt hơn và chuyển thành kiểu tình yêu giống với tình bạn hơn. Điều này giúp giải thích lý do vì sao các cặp vợ chồng chuyển từ giai đoạn trăng mật ngọt ngào sang giai đoạn tình bạn thân thiết. Cùng với đồng nghiệp Arthur Aron, Acevedo đã miêu tả cách hình thành nên kiểu tình yêu dựa trên tình bạn, trong đó tuy rất gắn bó với nhau, nhưng hai người thường có nhu cầu thân mật thấp hơn, ít chia sẻ các sở thích với nhau hơn và có thể không có nhu cầu tình dục và hấp dẫn nhau về mặt thể xác. Kết quả là kiểu tình yêu này có xu hướng chỉ thỏa mãn các bên ở một mức độ vừa phải. Tuy nhiên, kiểu tình yêu thứ ba đã được đề cập bên trên, Tình Yêu Lãng Mạn, dường như kết hợp được nhiều yếu tố chính của một Tình Yêu Cuồng Si nhưng có thêm ưu điểm là giúp cho cả hai người cảm thấy hạnh phúc và yêu thương nhau lâu dài.

Tại sao Tình Yêu Cuồng Si lại phai nhạt?

Nếu đam mê thật sự có thể tồn tại dưới dạng Tình Yêu Lãng Mạn, thì câu hỏi đặt ra là tại sao đam mê thường phai nhạt? Ta thường làm gì khiến cho tình cảm phai nhòa? Là do ta ngày càng thể hiện sự ám ảnh, bất an, ghen tuông v.v. hay ngày càng trở nên sợ hãi và xa cách, kém nồng nhiệt và thiếu sáng tạo trong mối quan hệ của mình? Ta có thể tìm thấy một số câu trả lời cho những câu hỏi này bằng cách xem xét 3 yếu tố có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm tình yêu của ta trong các mối quan hệ: mô thức gắn bó, các cơ chế phòng thủ tâm lý và ảo tưởng ràng buộc.

  • Mô Thức Gắn Bó

Các mô thức gắn bó của ta được thiết lập trong các mối quan hệ từ thời thơ ấu và tiếp tục tác động đến các mối quan hệ trong suốt cuộc đời ta. Những gắn bó đầu đời định hình cách ta mong đợi người khác hành xử, cách ta kết nối với người khác cũng như làm cho họ đáp ứng mong muốn và nhu cầu của mình. “Phong cách gắn bó của ta ảnh hưởng đến mọi khía cạnh, từ việc ta chọn bạn đời đến mức độ tiến triển trong các mối quan hệ của ta. Đáng buồn thay, phong cách này cũng ảnh hưởng đến cách các mối quan hệ kết thúc,” Tiến sĩ Lisa Firestone nhận định. “Đó là lý do vì sao việc xác định được mô thức gắn bó có thể giúp ta hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình trong một mối quan hệ… Khi có mô thức gắn bó an toàn, ta sẽ tự tin, tự chủ và có thể dễ dàng tương tác với người khác. Tuy nhiên, khi có mô thức gắn bó lo lắng hoặc né tránh, ta sẽ chọn một đối tượng phù hợp với mô thức đó. Nhiều khả năng ta sẽ quen một người không phải là mẫu người có thể làm ta cảm thấy hạnh phúc.” Đôi khi, mọi người “phải lòng” một người phù hợp với mô thức gắn bó ban đầu của họ, nhưng về lâu dài, họ có thể cảm thấy khó gần gũi với người đó. Họ có thể cảm thấy thiếu an toàn – cảm giác cần có nếu muốn mối quan hệ luôn vững bền và viên mãn.

  • Cơ Chế Phòng Thủ Tâm Lý

Những trải nghiệm đầu đời trong các mối quan hệ, bắt đầu với những mối quan hệ mà ta có với cha mẹ hoặc những người chăm sóc chính, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cơ chế phòng thủ mà ta hình thành và thường đối mặt trong suốt cuộc đời. Cơ chế này có thể là chiến lược mà ta áp dụng để sinh tồn trong những điều kiện kém lý tưởng lúc nhỏ. Ta có thể trở nên tách biệt hoặc trốn tránh người cha/người mẹ thường đeo dính ta hoặc can thiệp quá mức vào các hoạt động của ta, hoặc ta có thể trở nên dễ xúc động hoặc đeo dính người cha/người mẹ thường hay vắng mặt hoặc hắt hủi ta. Có thể ta sẽ tìm cách chăm sóc hoặc xoa dịu bản thân vì không phải lúc nào ta cũng cảm thấy được nuôi dưỡng, hoặc ta có thể hiểu rằng để có được điều mình cần thì ta phải nổi giận và làm to chuyện. Những sự thích nghi này có thể giúp ích cho ta khi còn nhỏ nhưng có thể gây hại cho ta trong các mối quan hệ khi ta đã trưởng thành. Khi mới phải lòng đối phương, ta thường không phòng thủ, ta mở lòng hơn với họ. Tuy nhiên, khi ngày càng gần gũi họ hơn, ta có thể cảm thấy sợ sự thân mật và quay trở lại cơ chế phòng thủ trước đây. Tùy vào cơ chế phòng thủ của bạn là gì, bạn có thể trở nên khó tính và cảnh giác hơn hoặc trở nên lo lắng và kiểm soát hơn.

Ngoài ra, thậm chí ta có thể bị hấp dẫn bởi những người sẽ làm tổn thương mình giống như cách ta từng bị tổn thương khi còn nhỏ. Ví dụ, ta có thể đặc biệt bị thu hút bởi một người hờ hững với ta, thường xuyên không ở bên ta hoặc một người cực kỳ hung hăng hoặc đeo dính ta. Rủi thay, ta thường bị hấp dẫn bởi những người có cơ chế phòng thủ phù hợp với cơ chế của ta và những người khơi gợi lại trong ta những cảm giác quen thuộc, dù có thể không dễ chịu, về bản thân ta và về những người khác. Mặc dù ta có thể đam mê và nồng nhiệt trong những giai đoạn ban đầu của mối quan hệ này, cơ chế phòng thủ của ta cuối cùng thường sẽ trở thành chướng ngại, vì ta sẽ cảm thấy mình ngày càng trở nên xa cách hoặc ngày càng đeo dính người yêu theo những cách kích hoạt cơ chế phòng thủ của họ.

  • Ảo Tưởng Ràng Buộc

Ảo tưởng có thể giết chết tình yêu đích thực theo 2 cách. Ví dụ, nếu thấy một người nào đó hấp dẫn vì hình thức hoặc vẻ ngoài của họ, ta có thể mơ tưởng đến việc được ở bên họ trong khi không có tình yêu sâu sắc dành cho họ. Yêu có thể khiến ta cảm thấy ước mơ của mình đã thành hiện thực, nhưng tình yêu không phải là câu chuyện thần tiên mà phải được dựa trên hiện thực: tình cảm chân thật, sự tôn trọng và sự hấp dẫn đối với đối phương. Đôi khi mọi người chỉ yêu cảm giác được ở trong mối quan hệ yêu đương với ai đó, nên cuối cùng vì không dựa trên giá trị thực sự, những đam mê ban đầu của họ sẽ phai nhạt.

Mặt khác, ảo tưởng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ thậm chí sau khi ta thật sự yêu thương một người nào đó. Trên thực tế, Tiến sĩ Robert Firestone đã phát triển khái niệm ảo tưởng ràng buộc để miêu tả ảo tưởng về sự kết nối nhưng không bắt nguồn từ tình yêu và sự gần gũi thật sự giữa một cặp đôi. Ảo tưởng ràng buộc hình thành khi một cặp đôi thay việc kết nối của mỗi cá nhân trong tình yêu bằng việc là “một cặp”, xem hai người là một và từ bỏ sự độc lập của mình, thường tư duy theo hướng “chúng ta” thay vì “anh và em”. Sự ràng buộc này có xu hướng làm giảm đi cảm giác hấp dẫn và đam mê.

Purchase this image at http://www.stocksy.com/492010

Duy trì đam mê bằng Tình Yêu Lãng Mạn

Tiến sĩ Lisa Firestone khuyên ta nên xem tình yêu là một động từ. Yêu không phải là một trạng thái bị động xảy đến với ta mà là một trạng thái chủ động cần ta nuôi dưỡng để phát triển. Nếu muốn yêu ai đó lâu dài, ta phải thực hiện những hành động yêu thương, tức là ta có thể phải thách thức cơ chế phòng thủ của mình và tránh rơi vào cái bẫy ảo tưởng ràng buộc để luôn mở lòng với đối phương. Trong một bài viết gần đây, Tiến sĩ Lisa Firestone đã liệt kê “một số đặc điểm thiết yếu phù hợp với miêu tả về một mối quan hệ yêu đương”. Các đặc điểm này bao gồm:

  • Thể hiện tình cảm bằng hành động lẫn cảm xúc
  • Mong muốn đem lại niềm vui và cảm giác thỏa mãn cho đối phương
  • Dịu dàng, đồng cảm và nhạy cảm với những nhu cầu của đối phương
  • Mong muốn cùng thực hiện các hoạt động và các mục tiêu
  • Phân chia tài sản ở một mức độ thích hợp
  • Liên tục và chân thành trao đổi về cảm xúc cá nhân
  • Quan tâm, an ủi và hỗ trợ nguyện vọng của đối phương

Nếu biến những đặc điểm này thành những nguyên tắc mà bản thân luôn tuân thủ, ta sẽ dễ duy trì cảm giác yêu thương, cảm giác đam mê, sự hấp dẫn, sự tôn trọng và sự ngưỡng mộ – những nguồn nuôi dưỡng mối quan hệ của ta.

Khi nào Tình Yêu Cuồng Si vượt quá giới hạn?

Một bài viết trên trang kinseyconfidential.org  gần đây đã nhấn mạnh những ảnh hưởng của Tình Yêu Cuồng Si đến não bộ. Bài báo viết rằng “một người yêu đến mức cuồng si thường sẽ đưa ra những lựa chọn có vẻ như phi lý đối với người khác, chẳng hạn như xem trọng người yêu hơn công việc, bạn bè và gia đình, bất kể cái giá phải trả là gì.” Sau khi kiểm tra các nghiên cứu đã sử dụng công nghệ fMRI để tìm hiểu xem những phần nào của bộ não sẽ được kích hoạt khi người ta rơi vào trạng thái yêu cuồng si, tác giả kết luận, “Ở nhiều khía cạnh, các nghiên cứu quét não cho thấy rằng cảm xúc yêu cuồng si về cơ bản là một sự khủng hoảng sức khỏe tinh thần nghiêm trọng. Làn sóng các chất hóa học trong não khiến não rơi vào trạng thái tương tự như trạng thái nghiện ma túy và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Tình yêu thật sự khiến ta điên dại.”

Các nghiên cứu khác gắn Tình Yêu Cuồng Si với cảm giác nghiện. Một nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Frontiers of Psychology kết luận rằng “các cá nhân trong giai đoạn đầu của Tình Yêu Lãng Mạn mãnh liệt cho thấy nhiều triệu chứng hoặc hành vi nghiện, bao gồm trạng thái hưng phấn, thèm muốn, ‘lờn thuốc’, lệ thuộc, cai nghiện rồi lại tái nghiện.”

Ta cần phải biết khi nào những cảm xúc mãnh liệt của mình là không lành mạnh hoặc khi mìh yêu đến mức ám ảnh hoặc cuồng si. Nếu phải chật vật hoặc đau khổ với những cảm xúc khi yêu, ta cần tâm sự với một người nào đó và tìm kiếm sự giúp đỡ. Đối với nhiều người trong chúng ta, tình yêu có thể khơi gợi những vết thương trong quá khứ và kích thích ta theo những cách mà ta rất cần phải tìm cách lý giải nguyên nhân. Các mối quan hệ đặt ra nhiều thử thách, và các liệu pháp điều trị có thể giúp ta hiểu rõ điều gì đang diễn ra bên trong ta và cho ta cảm thấy an toàn hơn từ trong thâm tâm.

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,259 lượt xem