Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tôi Không Bao Giờ Nghĩ Rằng “Tôi Đi Làm Thêm” – Mà Tôi Đi Học

Không biết sẽ gắn bó bao lâu, nhưng mai sau nếu ra trường, tôi nghĩ tôi sẽ tự hào về hai tấm bằng của mình. Một là tấm bằng đại học và hai là tấm bằng mang tên kỹ năng và trải nghiệm.

Tôi là một cậu sinh viên ngành quản trị nhân lực. Cuộc sống sinh viên của tôi nó trôi thật nhẹ nhàng với những tháng ngày cắp sách đến trường, rồi lại về lại căn phòng trọ 20m2 chật hẹp nấu cơm – giặt giũ – bài vở. Những tưởng cái thói quen sống một cách yên bình như vậy sẽ gắn liền với tôi suốt quãng đời sinh viên.

Nhưng đúng thật! Người tính không bằng trời tính. Như một bản nhạc giao hưởng, có nốt cao – nốt thấp, lúc trầm – lúc bẩm. Cuồng quay cuộc sống nơi thủ đô cuốn tôi theo một nhịp điệu khác. Đó là lúc tôi đi làm thêm.

Từ một sinh viên tỉnh lẻ – cuộc sống chỉ quanh quẩn với nhiều thứ quen thuộc. Tôi trở thành một nhân viên phục vụ tại cửa hàng pizza. Cái tên thì cũng giải thích phần nào công việc của tôi. Nhiệm vụ chính là nhận order – đóng gói sản phẩm cho khách hàng và dọn dẹp cửa hàng.

Thời gian kéo dài từ 6h tối đến 11h tối. Mỗi tuần tôi có một ngày nghỉ (thường là chủ nhật). Lương bao gồm lương cơ bản theo hợp đồng và thưởng hoa hồng. Với một sinh viên part-time, đây là một mức lương đủ để chi tiêu và mua vài thứ mới nữa.

Công việc nào cũng có cái khó riêng

Đám bạn thường hay xuýt xoa khen tôi may mắn vì tìm được một công việc nhẹ nhàng – lương cao. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Những gì mọi người nhìn vào chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Công việc nào cũng có cái khó của riêng nó.

Không chỉ đòi nhiều kỹ năng mềm để giao tiếp và ứng xử với khách hàng, công việc cũng cần sự nhanh nhẹn và hoạt bát. Việc khách không vừa ý, phàn nàn về sản phẩm… không phải không bao giờ xảy ra.

Nói qua nói lại, khách hàng cũng khách nọ khách kia. Vấn đề nằm ở chỗ mỗi nhân viên phải có cách ứng xử riêng trong các tình huống đó. Làm việc sao cho đẹp lòng khách mà bản thân cũng không thiệt hại gì mà thôi.

Thời gian làm việc có năm tiếng đồng hồ mà có lúc tưởng như phải làm công việc của cả năm ngày, có lúc lại chẳng phải làm gì cả. Cái đó được nhân viên chúng tôi kháo nhau là “hên xui từ sếp”. Có những ngày (thường là ngày giảm giá hay cuối tuần) thì việc làm không xuể, không có một phút để nghỉ, tay chân cứ thoăn thoắt chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Còn có ngày cả buổi sáng mới vài đơn.

Những lúc “rảnh” như vậy, nhân viên chúng tôi thường kể cho nhau nghe câu chuyện về cuộc sống, gia đình, ước mơ và hoài bão. Có lẽ vì có khoảng thời gian đó, chúng tôi trở nên thân thiết hơn.

Có những lúc... thật áp lực!

Nói về cái nghề này, mọi người (phần lớn là phụ huynh, cô, chú bác...) nhìn cái việc tôi đang chăm chỉ hằng ngày bằng con mắt không mấy thiện cảm. Áp lực thời gian, áp lực từ gia đình. Lắm khi mệt mỏi, chán nản chỉ muốn nghỉ. 

Nhưng rồi cũng tự động viên mình cố gắng, ngày trước tôi cố gắng chỉ vì để giữ công việc để trang trải cho cuộc sống chứ không vì một niềm đam mê nào cả. Vâng và mục đích cũng chỉ có vậy, chỉ là để có thu nhập lo “cơm, áo, gạo, tiền”, hằng tháng đóng tiền trọ, rồi giáo trình, sách vở, điện nước, sinh nhật bạn bè,… Ôi thôi hơn một nghìn thứ tiền.

Vâng cái suy nghĩ đi làm chỉ là đi làm và để phục vụ mục đích có tiền của tôi đã thay đổi sau 3 tháng làm việc. Cứ 3 tháng, cửa hàng sẽ tổ chức training và gặp gỡ các anh chị ở cấp trên.

Tôi không đi làm thêm, mà... tôi đi học!

Tôi được tiếp xúc, làm quen và được nghe những chia sẻ, trải nghiệm. Tất cả đều về công việc, những cái khó và cả những niềm vui trong nghề. Tham gia khóa training này giúp tôi vỡ ra nhiều điều mới.

Những thứ kiến thức về bán hàng, giới thiệu sản phẩm, thực hành,… Tưởng chừng chỉ nằm trên lý thuyết thì giờ đây tất cả đều được ứng dụng linh hoạt trên chính công việc hằng ngày của tôi.

Lần đầu tiên sau hai tháng đi làm tôi thực sự yêu thích công việc mình đang làm, chính nghề này đã dạy cho tôi kỹ năng sồng, kĩ năng ứng xử, cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm cũng như cuộc sống.Mọi người đều tự hào và có quyền tự hào về nghề nghiệp của mình bởi chỉ có con người tự làm xấu mình chứ không có công việc nào xấu.

Kết luận

“Nghề nào thì nghiệp đó”. Ai đi làm mà chưa từng trải qua áp lực căng thẳng. Có người còn nhiều hơn tôi nhưng cái chính là tôi đã và đang từng ngày cố gắng vì niềm yêu thích của mình. Đôi khi, bạn dễ dàng tìm ra điều mình yêu thích. Nhưng cũng có những hoàn cảnh mà bạn phải bắt tay làm một thứ gì đó rồi bạn mới thấy yêu quý nó.

Tôi không còn sợ định kiến không tốt về nghề của mình nữa. Nếu giờ có ai hỏi tôi sẽ tự tin nói với họ về công việc của tôi. Hơn cả một công việc, đó là một nơi tôi có thể học được những điều không có trên trường. Không biết sẽ gắn bó bao lâu, nhưng mai sau nếu ra trường, tôi nghĩ tôi sẽ tự hào về 2 tấm bằng của mình. Một là tấm bằng đại học và hai là tấm bằng mang tên kỹ năng và trải nghiệm.

Theo blog.viecngay.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

310 lượt xem