Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tóm Tắt Sách : Cho Đi Là Còn Mãi - Nghệ Thuật Sống Để Hạnh Phúc Hơn

LỜI GIỚI THIỆU

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất trắc với những nỗi đau của nhân loại cùng sự hủy hoại nghiêm trọng của môi trường. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm đến nhau nhiều hơn để góp phần giảm bớt những nỗi đau và bất trắc ấy trong cuộc sống. Thế nhưng, chúng ta sẽ thể hiện điều đó như thế nào để có thể làm vơi đi những bất hạnh của chính mình và của người khác?   Bí quyết đơn giản nhất chính là: “Mỗi người hãy biết chia sẻ, biết cho đi, biết trao tặng những gì tốt nhất mà mình có cho người khác”. Thật vậy, cuộc sống chính là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể trao tặng cho người khác, từ của cải vật chất cho đến một lời khuyên, một trải nghiệm, một lời nói chân tình, hay thậm chí chỉ là một ánh mắt thiện cảm, một nụ cười đôn hậu… Những hành động chia sẻ đó thể hiện tấm lòng yêu thương của chúng ta dành cho mọi người. Và chắc chắn rằng chúng ta cũng sẽ đón nhận được không ít điều tuyệt vời bắt nguồn từ sự cho đi cao đẹp này.   Sự sẻ chia luôn mang lại nhiều điều kỳ diệu cho cuộc sống. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều có thể chia sẻ và quan tâm đến người khác. Hãy nhớ rằng, khi bạn vui vẻ và hạnh phúc thì ít nhiều bạn cũng đã tạo ra được những tác động tích cực đến những người xung quanh. Ngạn ngữ có câu: “Với thế giới, bạn chỉ là một người bình thường, nhưng với riêng một người nào đó, bạn có thể là cả thế giới”. Và kỳ diệu thay, người đầu tiên nhận được sự cho đi của bạn – không ai khác – đó chính là bản thân bạn. Bản thân mỗi người chúng ta có thể ban tặng chính mình một điều gì đó và cũng có thể nhận lại một điều gì đó từ chính mình.   Khi chúng ta có sự chia sẻ và quan tâm lẫn nhau thì cả người trao lẫn người nhận đều có được những tặng phẩm quý giá nhất của cuộc đời. Sự chia sẻ này góp phần làm cho nhân cách mỗi cá nhân trở nên hoàn thiện hơn. Những hành động cao cả sẽ đọng mãi nơi ký ức tốt đẹp của bạn bè, gia đình và xã hội, còn niềm đau sẽ vơi đi và dần bị lãng quên theo lớp bụi thời gian.   Điều diệu kỳ của sự chia sẻ đã đến và làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bé Carlie. Khi lên ba, Carlie là một cô bé khỏe mạnh bình thường, cho đến một ngày cô bé bị một cơn sốt rất nặng hành hạ. Sau khi đưa Carlie nhập viện, cha mẹ của em – ông bà Russ và Lynette – đã rất đau buồn và choáng váng khi nghe tin con gái mình mắc bệnh ung thư. Đó là một căn bệnh vô cùng quái ác, chính vì thế mà trong suốt quá trình chữa trị cho Carlie, cha mẹ của em không thể làm gì hơn ngoài cầu nguyện. Trong gần mười tháng trải qua nhiều đợt hóa trị, cô bé luôn khao khát thực hiện được ước mơ của mình, đó là được đến bờ biển Sea World. Bà ngoại của Carlie đã thỉnh cầu Tổ chức thực hiện ước mơ (Make-AWish Foundation) ở Canada để giúp cô bé thỏa nguyện mơ ước. Đây là một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, có chi nhánh ở 32 quốc gia. Tổ chức này được thành lập nhằm mục đích đáp ứng nguyện vọng đặc biệt của các trẻ em mắc những căn bệnh hiểm nghèo.   Ba tuần trước khi nhận được lời đáp ứng cho ước nguyện của mình là đến được bờ biển Sea World, bé Carlie bất chợt lại bị viêm phổi, rồi bị cúm. Sáu ngày sau, Carlie rơi vào tình trạng hôn mê. Các bác sĩ nói với cha mẹ Carlie rằng cô bé chỉ còn 20 phần trăm cơ may sống sót mà thôi. Bệnh tình của Carlie mỗi lúc càng nặng hơn. Sau 17 ngày vẫn còn ở trong tình trạng hôn mê, phổi bị mất đi 98 phần trăm dung tích hoạt động. Cơ thể được nối với 13 ống trợ giúp, cô bé bị liệt hoàn toàn. Các bác sĩ chẩn đoán cô bé không thể sống đến cuối tuần. Sau này, ông Russ nhớ lại: “Thật không thể tưởng tượng được nỗi bàng hoàng của chúng tôi khi nghe tin dữ, đứa con gái bé bỏng của chúng tôi sẽ không thể qua khỏi!”.   Khi hết ca trực vào đêm thứ Sáu, các cô y tá đã nói lời từ biệt với bé Carlie, nhưng vào sáng ngày thứ Hai tuần sau, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông Russ vẫn còn lưu lại trong bệnh viện. Điều kỳ diệu đã xảy ra: Bé Carlie đã tỉnh lại! Cơ thể cô bé đã bị mất đi phân nửa trọng lượng. Mười hai ngày sau, Carlie được đưa lên trực thăng bay đến bờ biển Sea World. Tại đây, cô bé đã thực hiện được niềm mơ ước của mình là bơi lội cùng bầy cá voi. Hai tuần sau, Carlie trở về nhà. Lúc này, cô bé đã đủ khỏe để chạy đến ngả vào vòng tay âu yếm của bà ngoại! Có thể nói, sự bình phục của bé Carlie thật đáng kinh ngạc.   Ngày hôm nay - 5 năm sau sự kiện đáng nhớ đó, Carlie là một cô bé tràn đầy sức sống và khỏe mạnh. Cha cô - ông Russ - đã hạnh phúc thổ lộ rằng, ông là một trong những người may mắn nhất trên đời. Ông cảm nhận được rằng đứa con gái bé bỏng, yêu quý của mình đã được trao tặng sự sống. Ông nói: “Nhiều em nhỏ khác tuy không có may mắn được sống lại từ bệnh tật như Carlie, nhưng những ước mơ ấp ủ trong lòng của chúng cũng được đáp ứng nhờ có những tổ chức làm công việc từ thiện như Make-A-Wish Foundation. Là một người cha suýt bị mất đứa con gái yêu dấu của mình, tôi muốn nói rằng: “Nếu thực sự khao khát và quyết tâm, bạn có thể đạt được những gì mình mong muốn””.   Mơ ước của cô bé Carlie được trở thành hiện thực là nhờ có khoảng 170 nhà hảo tâm từ khắp nơi đã gởi tiền quyên góp cho Make- A-Wish Foundation ở Canada. Những nhà hảo tâm này tuy chưa từng gặp Carlie, nhưng họ đã sẵn lòng chia sẻ mà không hề biết câu chuyện của cô bé. Khi đóng góp tiền, họ chỉ hy vọng là có thể giúp đỡ một đứa trẻ bị bệnh nào đó; và thế là, qua việc làm của mình, họ đã chia sẻ một quà tặng với cuộc đời. Hiện nay, ông bà Russ cũng đang tình nguyện làm việc cho tổ chức này như là một sự tri ân để trao tặng lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Hai ông bà thường xuyên đi khắp nơi kể lại câu chuyện của họ, câu chuyện về giá trị của sự chia sẻ, để quyên tiền tiếp tục tìm cách giúp đỡ những trẻ em kém may mắn khác.   Câu chuyện của Carlie cho chúng ta thấy sự chia sẻ luôn mang lại niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe, và thậm chí là cả sự sống cho con người. Chỉ cần bạn thật tâm, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mất đi khi chia sẻ những gì mình có, bởi vì cho đi là còn mãi!   Với quyển sách này, chúng tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng, khơi dậy niềm khát khao chia sẻ trong bạn, thắp sáng niềm tin nơi tâm hồn bạn, để bạn tiếp tục trao tặng những điều tốt đẹp cho cuộc sống nhiều hơn nữa. Và chúng tôi tin tưởng mãnh liệt rằng: Một khi bạn cho đi, chính là lúc bạn được nhận lại! - Azim Jamal & Harvey McKinnon

VÀI NÉT VỀ CÁC TÁC GIẢ

Cả hai tác giả cùng tâm sự rằng, họ rất may mắn khi có nhiều cơ hội để chia sẻ những điều tốt đẹp với mọi người trong cuộc sống, và họ xem đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đời mình. Sau nhiều năm nỗ lực phục vụ cộng đồng, cả hai đều tích lũy được những kinh nghiệm sống phong phú, cảm nhận được nhiều niềm vui và càng hiểu rõ hơn chân giá trị của sự chia sẻ.   Hai mươi lăm năm qua, AZIM JAMAL đã dành trung bình 20 giờ mỗi tuần để làm việc như một tình nguyện viên. Ông làm chủ tịch cho nhiều tổ chức tình nguyện, từ những tổ chức phúc lợi xã hội cho đến các tổ chức thanh niên. Ông đã đi nhiều nơi, đến châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Úc, Mỹ, New Zealand, đã phục vụ ở những nơi bị chiến tranh tàn phá hay những vùng có thiên tai, thảm họa, giúp đỡ người tị nạn Afghanistan ở Pakistan. Trước khi trở thành một diễn giả chuyên nghiệp, Azim đã có những buổi nói chuyện tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ trên thế giới, nói về “sự cân bằng trong cuộc sống”, về “giá trị của sự chia sẻ”...   Từ thuở ấu thơ, Azim đã học cách phục vụ người khác qua những tấm gương sống động, gần gũi nhất trong gia đình mình như cha mẹ và ông bà. Ông thấy mọi người trong gia đình mình chia sẻ với người khác một cách hoàn toàn tự nguyện, từ thời gian, tiền bạc, cho đến những trải nghiệm, vốn sống, sự hiểu biết… Họ đã chia sẻ với mọi người bằng một tấm lòng khiêm tốn, biết ơn, xuất phát tự nhiên từ sâu thẳm tâm hồn. Điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Azim không chỉ trong thời niên thiếu mà còn kéo dài trong suốt những năm tháng sau này khi đã trưởng thành.   Tác giả HARVEY MCKINNON cũng có rất nhiều hoạt động chia sẻ với cộng đồng hơn 30 năm qua. Suốt nhiều năm, ông đã làm tình nguyện viên cho hàng loạt tổ chức phi lợi nhuận. Ông không nề hà bất cứ công việc nặng nhọc nào, từ việc đi phân phát thư từ, rửa chén bát cho đến việc tham gia vào Ủy ban quốc gia của một số tổ chức phi lợi nhuận lớn trên thế giới. Cách đây vài thập niên, ông quyết định đem những kỹ năng chia sẻ của mình nhân rộng ra trong các tổ chức phi lợi nhuận để phục vụ trong các lĩnh vực bảo vệ công lý xã hội, bảo vệ môi trường. Ông đóng góp nhiều cho công việc từ thiện, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, thời gian để cùng mọi người xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều năm qua, ông đã tích cực nghiên cứu, tổng kết các kỹ năng chia sẻ và tìm cách huấn luyện những kỹ năng này cho hàng ngàn nhân viên, tình nguyện viên của các tổ chức phi lợi nhuận ở hơn 50 quốc gia trên thế giới.   Một trong những lí do để hai tác giả gặp gỡ nhau và cùng viết quyển sách này là vì cả hai đều yêu thích việc học hỏi, tìm kiếm kiến thức và muốn truyền lại cho người khác. Họ nghĩ rằng điều này sẽ giúp ích được cho rất nhiều người và góp phần làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Hai ông rất thích thú khi tự nhận thấy mình giống như những người mà tác giả Malcolm Gladwell mô tả trong quyển sách The Tipping Point: luôn tìm cách tiếp thu kiến thức, học hỏi, trải nghiệm những điều mới mẻ và luôn có một sự thôi thúc sâu xa từ bên trong là muốn được chia sẻ những điều tốt đẹp này với nhiều người khác.

GIÁ TRỊ CỦA THE POWER of GIVING – CHO ĐI là CÒN MÃI

“Cho đi là còn mãi là quyển sách có nội dung sâu sắc, lời giới thiệu thấm đượm chất nhân văn về sự chia sẻ, về tấm lòng bao dung, rộng mở. Harvey McKinnon và Azim Jamal đã truyền cảm hứng cho độc giả nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống, để mọi người cùng có lợi. Sức mạnh của sự chia sẻ xóa bỏ khoảng cách giữa người với người, từ đó tất cả sẽ cùng hiệp lực tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn.” - Tim Draimin-Giám đốc của Tides Canada Foundation “Về cơ bản, số phận của chúng ta được định hình bởi những gì chúng ta chia sẻ, chứ không phải bởi những gì chúng ta nhận được. Cuốn sách mang lại niềm cảm hứng vô tận làm cho cuộc sống chúng ta có nhiều ý nghĩa hơn, giúp chúng ta trở thành những người như chúng ta mong muốn.” - Robin SharmaTác giả của The monk who sold his ferrari “Cho đi là còn mãi là quyển sách rất thực tế, nó cho thấy tình yêu thương giữa con người với con người có giá trị cực kỳ lớn lao. Cuốn sách đưa lại nhiều xúc cảm, truyền cảm hứng và niềm hy vọng trong lòng mỗi độc giả. Hai tác giả đã phản ánh những suy nghĩ, tâm tư qua những trải nghiệm thực tế, qua nghiên cứu được chứng minh và qua những câu chuyện không thể nào quên để minh họa cho quan điểm sống của mình. Những lời khuyên về cách sống, biết yêu thương và biết chia sẻ đều rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Đây thật sự là quyển sách cần thiết cho mọi gia đình và mọi người.” - Kay Sprinkel GraceTác giả của High Impact Philanthropy “Harvey và Azim đã gợi mở nhiều ý tưởng trong quyển sách tuyệt vời và quan trọng của mình. Cho đi là còn mãi sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống của bạn. Những gì hai tác giả viết đều mang đậm tính nhân văn, nhưng không kém phần kiên quyết, thôi thúc mỗi chúng ta phải suy nghĩ về nhiều cách thức khác nhau để thể hiện lòng nhân ái, sự quan tâm của mình đối với những người chung quanh. Với nhiệt huyết của họ, niềm đam mê chia sẻ đã trở thành một điều rất dễ lan truyền. Bạn hãy đọc quyển sách này và tiếp tục chia sẻ nó với mọi người.” - Tiến sĩ Michael TobiasNhà sinh thái học, nhà văn, nhà làm phim “Những ý tưởng tuyệt vời trong cuốn sách này sẽ truyền cảm hứng để tạo nên một thế giới với những con người biết quan tâm lẫn nhau. Hãy tặng cuốn sách này cho tất cả những người bạn yêu quý.” - Ken BurnettTác giả của Relationship Fundraising “Bất cứ ai đọc cuốn sách này đều nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi những gì mà tác giả gọi là virus của sự chia sẻ, và do vậy, thế giới này sẽ trở nên tươi đẹp hơn rất nhiều."

CHƯƠNG 1: SỨC MẠNH CỦA SỰ CHIA SẺ

Chúng ta không thể phủ nhận rằng, thế kỷ 21 mà chúng ta sống hiện nay đang diễn ra những cạnh tranh hết sức gay gắt, khốc liệt, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực rất nhiều trong công việc cũng như trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Dường như chúng ta chẳng bao giờ có đủ thời gian để làm những việc cần thiết, chẳng hạn: theo kịp một dự án, hoàn tất một công việc nào đó, hay dành thời gian cho gia đình, bạn bè, kiếm đủ tiền để mua nhà, sắm sửa tiện nghi trong gia đình.    Phải đối mặt với quá nhiều thử thách mỗi ngày khiến bạn luôn tự hỏi: “Tại sao tôi phải mất thời gian quan tâm đến việc chia sẻ?”, hay: “Tôi đang phải đương đầu một cách gay go với mọi áp lực, làm sao mà có thời gian, sức lực và cảm hứng để chia sẻ với người khác?”, hoặc là: “Chẳng thấy ai cho không tôi cái gì cả, mọi thứ tôi có được đều là do sự nỗ lực phấn đấu của chính bản thân tôi, thế thì tại sao tôi lại phải chia sẻ với người khác?”.v.v.   Thật ra, sự chia sẻ có một sức mạnh lớn lao mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho chính bạn. Trong chương này, chúng tôi hy vọng giúp bạn thấy, dù đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi bạn đang gặp một số khó khăn trong cuộc sống, bạn vẫn có khả năng để chia sẻ với người khác.   NHỮNG QUÀ TẶNG TRONG ĐỜI   Có lẽ trên đời này không có món quà nào quý giá bằng sự quan tâm sâu sắc, những hy sinh cao cả và niềm kỳ vọng lớn lao mà mỗi người nhận được từ cha mẹ. Thế nhưng cha mẹ không phải là người duy nhất cho chúng ta. Trong suốt cuộc đời, chúng ta còn nhận được rất nhiều từ những người khác, như quà tặng từ các thầy cô giáo, những người bà con, và thậm chí từ những người xa lạ nữa. Trường học, bệnh viện, đường sá, công viên… được xây dựng nhờ công sức, mồ hôi nước mắt và tiền đóng thuế của biết bao người. Thật ra, hầu hết những gì ta có trong đời đều do công sức lao động khổ nhọc của người khác tạo ra. Cuộc sống êm ả thanh bình mà chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh máu xương của biết bao thế hệ đi trước. Khi nghĩ như vậy, bạn sẽ thấy mọi người trong thế giới này đều chung tay góp sức làm nên điều khác biệt cho cuộc sống của bạn, mang lại nguồn cảm hứng vô tận và góp phần làm cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn. Vậy thì tại sao bạn lại không có những tác động tích cực ngược trở lại đối với cuộc sống của những người xung quanh mình?   Bạn thử suy nghĩ về một vài con số thống kê trên thế giới sau đây:

  • Cứ 4 người thì có 1 người bị đói.
  • Một tỉ người không có nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt.
  • Có ít nhất 200 triệu người đang chịu đựng nỗi đau khủng khiếp của chiến tranh, của tù tội và sự thống khổ về thể xác lẫn tinh thần.
  • Cứ cách vài giây lại có một trẻ em bị chết vì những căn bệnh mà chúng ta có thể ngăn ngừa được.
  • Một phần bảy dân số thế giới chưa biết chữ.

Trong cuộc sống có rất nhiều thử thách mà chúng ta phải vượt qua. Để đối mặt với nó, chúng ta có hai cách để lựa chọn. Hoặc là dành một chút thời gian giúp đỡ những người chung quanh và nghĩ đến việc mình có thể thay đổi cách sống, hướng tới một tương lai tốt đẹp, hoặc là chẳng làm gì cả và điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn đang để tuột mất những giá trị của sự chia sẻ. Bạn cũng có thể thấy rằng, khi mọi người cùng ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết những vấn đề khó khăn thì chúng ta thường nhận được hơn là mất đi, đặc biệt là mỗi khi ta tự nguyện giúp đỡ một ai đó.   GIÁ TRỊ CỦA SỰ CHIA SẺ   Bạn hãy hiểu rằng, khi bạn cố gắng chia sẻ, giúp đỡ người khác là bạn đang tự giúp chính mình. Nhờ đó bạn có thể có được những điều sau đây:

  • Tạo thêm được những mối quan hệ mới
  • Cảm thấy an toàn
  • Có thêm những hoạt động thú vị
  • Có sức khỏe tốt hơn
  • Cảm thấy tự hào và thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn sau khi làm được việc tốt.
  • Hạnh phúc
  • Thanh thản và yêu thương

Cho đi chính là nhận lại – điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là một sự thật mà rất nhiều người công nhận. Chỉ trừ khi bạn cho đi với dụng ý được nhận lại – đó là lúc mà hành động vốn cao đẹp này bị mất đi ý nghĩa – thì bạn sẽ chẳng nhận lại được gì cả. Sự chia sẻ thật sự phải xuất phát từ tình cảm chân thành của con tim, từ chính niềm vui cùng lòng vị tha của chúng ta. Động lực của sự chia sẻ hoàn toàn là do tự nguyện mà không cần đền đáp. Có như vậy, sự chia sẻ mới mang lại nhiều ý nghĩa. Các bậc cha mẹ chia sẻ thức ăn, chỗ ở và tình yêu thương cho con cái, đơn giản chỉ vì họ yêu quý các con chứ không phải vì họ mong chờ được con yêu thương lại. Suy cho cùng, ý nghĩa của sự chia sẻ rất cao đẹp, nhưng đôi khi chúng ta lại làm hoen ố ý nghĩa cao đẹp của nó, nếu như chúng ta trao tặng để rồi chỉ mong được người khác công nhận và trông chờ được đền đáp. Điều này đã làm cho cả người cho lẫn người nhận đều không còn nhận thấy giá trị tốt đẹp của việc chia sẻ nữa.   Sự chia sẻ tạo nên những mối quan hệ mới    Các nhà tâm lý học nhận thấy từ trẻ sơ sinh cho đến người trưởng thành đều luôn khao khát mối quan hệ tác động qua lại giữa người với người. Những đứa trẻ không được lớn lên trong tình yêu thương thì khi trưởng thành, dù rất khao khát nhưng vẫn rất khó để có được một đời sống ổn định về cảm xúc. Người trưởng thành cũng gặp những tổn thương tương tự. Thiếu vắng những mối giao lưu thân tình với người khác, tâm hồn chúng ta thường bị lệch lạc.   Thật vậy, cuộc sống của chúng ta được hình thành từ các mối quan hệ khác nhau, là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Qua đó, ta nhận thức về thế giới, về bản thân và ngay cả “số phận” của mình: Những người có mối quan hệ tốt đẹp với người khác thì mau trưởng thành hơn, sống hạnh phúc hơn, tâm hồn trở nên rộng rãi hơn. Linh mục Thomas Merton đã từng viết: “Tâm hồn của chúng ta cũng giống như các vận động viên, luôn cần có đối thủ ngang sức ngang tài để thể hiện đầy đủ sức mạnh của mình”. Các cơ bắp sẽ trở nên yếu đi nếu không được luyện tập thường xuyên và đầy đủ. Tâm hồn của bạn cũng như thế! Và cách luyện tập tuyệt vời nhất là hãy biết chia sẻ và làm điều tốt cho người khác những khi có thể.   Sự chia sẻ tạo cho bạn cảm giác an toàn    Sự chia sẻ cũng làm giảm bớt những nỗi sợ hãi, nhàm chán trong cuộc sống của chúng ta do nó thúc đẩy những mối giao tiếp xã hội và làm tăng cảm giác sống có mục đích, cảm giác an toàn cho mỗi người.   Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, những người xem nhiều tin tức trên truyền hình thường lo sợ thái quá về những mối hiểm nguy đối với cuộc sống bình yên, hạnh phúc của họ. Nguyên do là vì phần lớn các chương trình truyền hình đều tập trung đưa những bản tin, những hình ảnh rùng rợn, bất an, làm nảy sinh tâm lý hoang mang, sợ hãi trong lòng khán giả. Và đáng ngại hơn, cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều “những cái kén người” tìm cách sống thu mình lại. Nói cách khác, những người này chỉ muốn tự nhốt mình trong tháp ngà của những mối quan hệ với người thân mà đánh mất dần quan hệ tốt đẹp với hàng xóm. Chính lối sống ích kỷ này càng làm cho họ dễ bị kẻ xấu tấn công và dễ gặp những chuyện nguy hiểm hơn. Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng, từ đó bắt đầu một quá trình tạo nên sự khác biệt. Cội nguồn của mọi hiểm nguy đều xuất phát từ hệ quả của những mặt trái xã hội, nhưng thường thì chúng ta không dám nhìn thẳng vào những vấn đề này. Bản chất của sự việc diễn ra không quan trọng bằng cách mà chúng ta đón nhận những sự việc đó. Chúng ta cần có thái độ thích hợp để làm giảm thiểu những nguyên nhân gây ra mọi bất ổn trong cuộc sống của mình.   Những giá trị mới từ sự chia sẻ    Sự chia sẻ là bí quyết then chốt để mỗi chúng ta tự vượt lên chính mình. Bạn hãy dành thời gian để giúp đỡ, an ủi, hoặc đơn giản là ở bên cạnh người khác mỗi khi họ cần, điều này sẽ làm cho các mối quan hệ của bạn trở nên gần gũi hơn. Từ đó, tâm lý tự cho mình là nhân vật trung tâm chắc chắn sẽ giảm dần đi; đồng thời, bạn còn thoát khỏi cảm giác sợ hãi và cô đơn thường ngự trị trong lòng mình. Kết quả dự án nghiên cứu rất quy mô của Robert Putnam, được trình bày trong quyển Bowling Alone cho thấy rõ: việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác sẽ giúp cho chúng ta được an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc, và thậm chí còn có thêm lợi nhuận nữa. Bạn đã bao giờ có cơ hội tìm được việc làm tốt nhờ vào những mối quan hệ tốt đẹp chưa? Rồi trong những lúc lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, bạn có được người hàng xóm giúp đỡ không? Những lúc bạn kiệt sức, bạn bè của bạn đã giúp bạn chăm sóc con cái? Danh sách những việc mà chúng ta cần người khác giúp đỡ còn dài lắm! Và chính trong những lúc vất vả, thậm chí trong hoạn nạn, chúng ta mới nhận ra ai là người bạn tốt nhất của mình!   Sự chia sẻ giúp bạn có được sức khỏe tốt    Kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Y học Hoa Kỳ chứng minh rằng, những ai dành nhiều thời gian để chia sẻ, giúp đỡ người khác thường tạo được những ảnh hưởng rất tốt cho thể chất lẫn tinh thần của họ. Một bài báo đăng trên tạp chí American Health tháng 5/1988 phân tích các nghiên cứu về đề tài này cho thấy: hoạt động tình nguyện chia sẻ, giúp đỡ người khác góp phần làm tăng tuổi thọ, tăng hạnh phúc của mọi cá nhân. Đó là do sự chia sẻ góp phần làm cho chúng ta giảm bớt cảm giác nhàm chán và làm tăng cảm giác sống có mục đích. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người không tham gia hoạt động tình nguyện có nguy cơ đột tử cao gấp 2,5 lần so với người tham gia hoạt động tình nguyện ít nhất mỗi tuần một lần.   Bài báo còn mô tả những lợi ích khác mà các nhà khoa học tìm thấy qua các hoạt động tình nguyện:

  • Tăng cường khả năng miễn dịch
  • Làm giảm lượng cholesterol trong máu
  • Tăng cường sức mạnh của tim
  • Giảm nguy cơ tức ngực
  • Giảm căng thẳng

Thế giới này sẽ trở nên khác biệt và tốt đẹp hơn rất nhiều khi mọi người đều biết chia sẻ và cảm thông với bản thân mình và với người khác.   Sự chia sẻ giúp bạn phát huy năng lực tiềm ẩn của bản thân   Có một chuyện kể rằng nhà hiền triết Rumi(*) một hôm hỏi Thượng Đế khi thấy Ngài đi ngang qua những người ăn mày đang ngồi bên vệ đường mà không mảy may cho họ một xu nào: “Thưa Thượng Đế, tại sao Ngài không giúp gì cho những người ăn mày này?”. Thượng Đế trả lời:“Ta đã làm một điều là sáng tạo ra các ngươi”.   Thông điệp mà nhà hiền triết muốn gửi đến cho chúng ta qua câu chuyện này đó là: Mỗi chúng ta đều có khả năng làm những gì chúng ta muốn để cải thiện đời sống của mình - khả năng “đánh thức” những năng lực còn tiềm ẩn của bản thân.   Hầu hết mọi người chỉ mới sử dụng một phần nhỏ năng lực của mình. Và chắc chắn lâu nay mỗi chúng ta đều chưa từng khám phá và khai thác hết những năng lực tiềm ẩn mà chúng ta có! Trong những lúc người khác cần sự giúp đỡ, chỉ cần bạn đưa tay ra cho họ thì điều đó cũng giống như một ngọn nến được thắp sáng lên để xua đi màn đêm tăm tối. Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời này là được cho đi tình yêu thương, để rồi những yêu thương đó lại thắp sáng trong lòng bạn, thúc đẩy bạn vươn tới những tình cảm cao thượng, quên đi những tị hiềm nhỏ nhen để cho tình cảm giữa người với người trong cuộc sống được thăng hoa. Khi bạn làm được điều đó, tức là bạn đã có thể phát huy hết những năng lực tiềm ẩn trong bạn, để giúp đỡ chính mình và người khác.   Cho đến năm 1997, Azim là một kế toán chuyên nghiệp. Vào năm 1993, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị về phúc lợi xã hội trong cộng đồng nơi ông cư ngụ và ông đã tình nguyện làm việc cho nơi này 20-25 tiếng mỗi tuần. Nhưng khi có lời mời gọi đóng góp cho quỹ phát triển của Tổ chức Nhân đạo Focus, ông đã nhanh chóng nhận lời mời này để đến trại tị nạn Afghanistan ở Pakistan trong vài tuần.   Trong khoảng thời gian ở Pakistan, Azim đã có dịp chứng kiến nhiều mảnh đời đau khổ có sức lay động lớn đến tâm hồn ông. Ông đã nghe kể nhiều chuyện về cuộc sống mà những người tị nạn Afghanistan đã trải qua sau chiến tranh. Chạy trốn khỏi Afghanistan chỉ với vài bộ đồ trên người, có người đã tận mắt chứng kiến cảnh cha mình bị giết như thế nào. Họ đã làm việc 14 tiếng một ngày chỉ để kiếm được 1 đô-la. Azim cũng đã gặp những em nhỏ người Afghanistan cùng lứa tuổi với con ông đang phải sống cảnh khốn cùng. Những câu chuyện đó cứ mãi ám ảnh ông: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các con tôi cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như thế này?”. Ông đã nghe nhiều điều tốt đẹp về những mối quan hệ khác nhau trong xã hội, chúng nối kết nhiều tâm hồn với nhau trong sự chia sẻ, bao dung; nhưng đây là lần đầu tiên ông thực sự cảm nhận được cảm xúc chia sẻ và bao dung đó. Lúc ngồi trên xe tắc-xi trở về khách sạn, ông đã khóc hồn nhiên như một đứa trẻ.   Suốt đêm hôm đó, ông không sao chợp mắt được. Ông cứ nằm trằn trọc và trăn trở, tự hỏi làm thế nào có thể giúp đỡ những đứa trẻ ấy. Cuối cùng, ông nhận ra rằng, nếu tiếp tục làm một kế toán chuyên nghiệp, ông không thể nào tạo ra được những tác động lớn để giúp đỡ những người khốn khổ, và đó cũng là lúc ông không còn tha thiết gì với nghề kế toán của mình nữa. Ngay chính trong cái đêm nhiều trăn trở đó, ông đã đưa ra một quyết định tạo nên bước ngoặt mới trong đời mình, đó là theo đuổi sự nghiệp viết lách và diễn thuyết. Đây là điều mà trước đó ông chưa bao giờ dám nghĩ đến. Có thể nói, những ngày ở trại tị nạn Afghanistan mang lại những trải nghiệm sâu sắc làm thay đổi cả cuộc đời Azim, giúp ông tiến gần hơn đến con đường phát huy năng lực tiềm ẩn của bản thân.   HỆ THỐNG THANG BẬC VỀ NHU CẦU CỦA MASLOW   Một số người cho rằng, họ không thể chia sẻ với người khác vì ngay cả bản thân họ còn chưa thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu của mình. Có lẽ những người này vẫn còn đang dựa vào hệ thống thang bậc về nhu cầu của Abraham Maslow. Qua nhiều năm nghiên cứu, Maslow đã đưa ra một kim tự tháp về tám thang bậc biểu thị những nhu cầu của con người bao gồm:Nhu cầu căn bản đầu tiên mang tính sinh học rất cần thiết đối với sự sống của chúng ta như: nước, thức ăn, chỗ ở, giấc ngủ, tình dục...Nhu cầu thứ hai là nhu cầu về sự an toàn, tức là nhu cầu được bảo vệ, che chở tránh những nguy hiểm do thiên nhiên gây ra và do trật tự xã hội quy định.Nhu cầu thứ ba bao gồm những nhu cầu về xã hội như: tình yêu, gia đình, các mối quan hệ, công ăn việc làm...Nhu cầu thứ tư là nhu cầu được thể hiện cái tôi của mỗi người thông qua sự thành đạt, sự nổi tiếng, bổn phận, trách nhiệm, sự tự do, độc lập...Nhu cầu thứ năm đề cập đến nhu cầu về nhận thức bao gồm: kiến thức, hiểu tường tận ý nghĩa các sự việc, sự tự nhận thức...Nhu cầu thứ sáu thể hiện những yếu tố về thẩm mỹ: vươn tới vẻ đẹp hài hòa và cân đối của cơ thể.Nhu cầu thứ bảy là nhu cầu được thể hiện đầy đủ năng lực tiềm ẩn của bản thân. Nhu cầu này được thỏa mãn qua sự trưởng thành của mỗi cá nhân, sự tự hoàn thiện và sử dụng được tiềm lực của riêng mình.   Nhu cầu cuối cùng là nhu cầu về tâm linh, được thể hiện qua tính siêu việt và nhu cầu giúp đỡ người khác phát huy năng lực tiềm ẩn.   Theo Maslow thì các nhu cầu của con người phải thỏa mãn trình tự tám thang bậc mà ông đưa ra. Ông cho rằng, mỗi cá nhân sau khi đạt được một nhu cầu căn bản nào đó thì mới tiếp tục hành động để thỏa mãn những nhu cầu tiếp theo. Tám thang bậc về nhu cầu của Maslow cơ bản là rất hợp lí. Nhưng thực tế cho thấy việc thỏa mãn những nhu cầu này không nhất thiết lúc nào cũng phải đi theo một trình tự từ thấp đến cao. Chẳng hạn, một người nào đó đang cố gắng để hoàn thiện nhu cầu thứ ba (nhu cầu về xã hội), nhưng phải qua kiến thức (nhu cầu thứ năm) thì nhu cầu này mới được thực hiện. Chia sẻ để tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống    Tất cả mọi người đều khát khao cảm nhận ý nghĩa cuộc sống, khát khao vươn đến sự hoàn thiện và mong muốn nhận ra hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Thế nhưng điều này sẽ không bao giờ đạt đến được nếu bạn luôn mang bên mình sự ích kỷ, luôn tự cho mình là nhân vật trung tâm. Sự chia sẻ phải bắt nguồn từ mong muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, khơi dậy niềm tin và lòng can đảm đương đầu với nghịch cảnh để tạo nên sự khác biệt cho đời. Mẹ Teresa là một tấm gương điển hình về sự chia sẻ hạnh phúc. Mẹ đã tìm thấy sự mãn nguyện trong cuộc sống khi tận tâm giúp đỡ và làm thay đổi vẻ mặt của những người hấp hối từ chỗ đầy buồn đau, sợ hãi đến trạng thái thanh thản và bình an. Bằng cách cống hiến đời mình cho người khác, mẹ đã góp phần làm dịu bớt nỗi đau và giúp họ thêm can đảm.   Tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện ngụ ngôn thú vị: Có một người sắp chết đuối, mọi người vây quanh hô lớn: “Hãy đưa tay ông ra cho chúng tôi cứu!” nhưng ông ta lưỡng lự để rồi vật vã chống cự với dòng nước. Cuối cùng, có người đã nói: “Hãy nắm lấy tay tôi đi!” và ngay lập tức, ông ta đã nắm chặt lấy! Sự khác nhau đó là gì? Rõ ràng người đàn ông trong câu chuyện này thường được nhận nhiều hơn là cho đi và ông ta đã suýt chết vì chỉ muốn được nhận!   Nếu lâu nay bạn vẫn cảm thấy hoặc tự cho mình là một người bất hạnh trong cuộc sống, bạn hãy thử làm cho người khác hạnh phúc, bạn sẽ thấy được điều kỳ diệu xảy ra. Nếu bạn đang cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng, bạn hãy thử làm một việc gì có ý nghĩa và xứng đáng, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn.   Điều đáng lưu ý là bạn phải thực hiện công việc một cách hăng say, nhiệt tình. Nếu sự chia sẻ của bạn không xuất phát từ những tình cảm thực sự của con tim, bạn sẽ không còn cảm thấy hứng thú và cũng không tin rằng việc làm của mình là có ý nghĩa.   Có một câu chuyện kể về một người thợ xây rất giỏi nhưng đã cao tuổi. Ông ta muốn có một cuộc sống an nhàn bên vợ con và gia đình nên đã nói với ông chủ về quyết định nghỉ hưu của mình. Người chủ rất tiếc khi phải để một người thợ có năng lực và kinh nghiệm lâu năm như ông phải nghỉ việc, nhưng cuối cùng cũng đã chấp nhận. Trước khi người thợ về nghỉ hưu, ông chủ khẩn khoản mong ông cố gắng hoàn tất một ngôi nhà cuối cùng. Dù rất muốn nghỉ, nhưng người thợ cũng đành miễn cưỡng đồng ý. Và ông ta đã xây ngôi nhà một cách cẩu thả với những vật liệu xây dựng kém chất lượng. Khi người thợ làm xong ngôi nhà, người chủ đã đến xem và vui vẻ trao chiếc chìa khóa cửa cho người thợ. Ông nói: “Đây chính là ngôi nhà của ông đấy, mong ông coi nó như một món quà về hưu mà tôi dành tặng ông!”. Nghe ông chủ nói vậy, người thợ cảm thấy thật bàng hoàng và ân hận. Giá như ông biết ngôi nhà này được dành cho chính mình thì chắc chắn ông đã xây nó theo một cách khác hẳn.   Điều này cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta. Mỗi ngày sống, qua từng việc làm và ý nghĩ, chính là lúc chúng ta đang xây ngôi nhà cho riêng mình, đang tạo dựng cuộc đời của riêng mình. Và ở một thời điểm nào đó, chúng ta tỏ ra thiếu nhiệt tình để rồi sau đó phải hối tiếc khi sống trong ngôi nhà không hoàn hảo do chính mình xây nên. Nếu được làm lại từ đầu, chúng ta sẽ làm theo cách khác.   Chính vì vậy, bạn hãy cư xử với mọi người theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn. Muốn được sống trong yêu thương, bạn hãy học cách yêu thương người khác. Dù làm bất cứ công việc gì, bạn hãy cố gắng hoàn tất bằng tất cả lòng nhiệt huyết và sự say mê. Sự chọn lựa đúng của bạn trong ngày hôm nay sẽ tạo nên một tương lai hạnh phúc cho bạn ngày mai.   CHIA SẺ ĐỂ BIẾT RẰNG ĐỜI SỐNG THẬT PHONG PHÚ   “Đời sống phong phú”- theo định nghĩa của nhà triết học và thần học Cornel West - là một cuộc sống biết chia sẻ và sống vì mọi người, cố gắng làm cho thế giới này ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Nếu bạn cho rằng bạn giàu có, nhưng lại không thể chia sẻ sự giàu có, điều tốt hay kiến thức của mình cho người khác thì chưa hẳn bạn đã là một người thật sự giàu có. Ngược lại, nếu bạn không giàu có, nhưng bạn biết dành thời gian, sức lực và sự hiểu biết để chia sẻ với những người chung quanh, cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, động viên hay giúp đỡ một ai đó, thì bạn đã là một con người rất đỗi giàu có. Bạn sẽ có nhiều bạn tốt và thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa và hạnh phúc. Bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn cả những gì bạn mong đợi.   Mahatma Gandhi từng nói: “Luôn luôn có đủ cho người nghèo nhưng không bao giờ có đủ cho người tham lam”. Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp không ít những người nghèo luôn tỏ lòng biết ơn, trân trọng với những điều ít ỏi mà họ có được, trong khi những người tham lam thì chẳng bao giờ cảm thấy đủ, dù cuộc sống của họ thực sự sung túc.   Nếu của cải của bạn đáng giá hàng tỷ đô-la mà bạn không thể tìm thấy động cơ nào hay một người bạn nào để chia sẻ thì bạn làm gì với số tiền đó? Bạn có thể sống trong bao nhiêu ngôi nhà? Bạn có thể lái bao nhiêu chiếc xe? Bạn có thể ăn bao nhiêu bữa mỗi ngày và thậm chí, nếu bạn tự cho phép mình phung phí, hưởng thụ thỏa thích những gì mình có được, thì bạn sẽ làm gì với phần tiền còn lại?   Có một câu chuyện kể về một nhà doanh nghiệp giàu có, không bao giờ chia sẻ bất cứ cái gì cho ai. Một hôm, có một nhà quyên góp đến xin ông ủng hộ tiền cho một tổ chức từ thiện, nhưng đã bị ông khước từ. Sau khi thuyết phục thật lâu, cuối cùng nhà quyên góp hỏi xin một nắm đất trong khu vườn của người đàn ông giàu có này và xem đó như một món quà. Mong thoát khỏi sự quấy rầy và biết rằng một nắm đất cũng chẳng đáng giá là bao, người đàn ông đã đồng ý cho. Vài ngày sau, người đàn ông giàu có này cảm thấy tò mò nên đã tìm gặp nhà quyên góp để hỏi lý do tại sao ông ta chỉ xin một nắm đất. Nhà quyên góp trả lời, “Tôi muốn ông cảm nhận được vẻ đẹp của sự chia sẻ, ngay cả khi quà tặng chỉ là một nắm đất. Một khi ông trải nghiệm được cảm giác hạnh phúc của sự chia sẻ, dù rất nhỏ, thì sau này chắc chắn ông sẽ tiếp tục chia sẻ với người khác những món quà lớn lao hơn”.   Khi bạn cố gắng tạo nên sự thay đổi tích cực cho người khác, thì tức là bạn đang tạo nên sự thay đổi tích cực cho cuộc đời riêng của bạn. Khi bạn cho đi cũng chính là lúc bạn nhận lại – quan trọng là bạn hãy làm điều đó thật lòng, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được niềm vui thật sự trong tâm hồn.   Nhà văn Earl Nightingale kể một câu chuyện khác về một người đến bên lò sưởi lạnh lẽo của mình và nói: “Hãy cho ta sức nóng, ta sẽ cho ngươi củi đốt!”. Hẳn bạn nghĩ rằng anh chàng này thật ngớ ngẩn và anh ta sẽ chẳng thể nào có được sự ấm áp. Sự chia sẻ bao giờ cũng luân chuyển theo luật nhân quả của vũ trụ. Bạn cần phải lao động kiếm củi trước khi nhận được hơi ấm của ngọn lửa. Nói cách khác, phần thưởng của chúng ta luôn luôn phù hợp với cách mà chúng ta phục vụ - gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy - như kinh Phật từng nhắc nhở con người.   Cuộc sống là một quá trình cho và nhận không ngừng. Sự cho đi làm phong phú cuộc đời bạn, giúp bạn hoàn thiện bản thân và sống một đời sống hạnh phúc.   NHỮNG ĐIỀU SUY NGẪM

  • Sẽ còn rất nhiều khổ đau trong cuộc sống nhưng cũng có nhiều cách để bạn vượt qua và vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
  • Khi bạn cho đi, bạn sẽ nhận lại rất nhiều: những mối quan hệ mới, tình bạn, cảm giác an toàn, sức khỏe, hạnh phúc, cảm giác tự hào, mãn nguyện. Tâm hồn bạn sẽ thêm thăng hoa một khi bạn biết mở rộng lòng mình với mọi người.
  • Với tinh thần tự nguyện và niềm say mê làm việc thiện, bạn sẽ phát huy được tiềm năng sáng tạo của riêng mình.
  • Cũng như nhiều người khác, bạn khát khao cảm nhận hạnh phúc của cuộc sống. Do đó, cách tốt nhất là sống hết mình để phát huy hết năng lực tiềm ẩn của bản thân nhằm tạo ra một cuộc sống tốt đẹp và tươi sáng hơn cho mình và cho người khác.
  • Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mất đi khi yêu thương và chia sẻ. Chỉ khi nào bạn khư khư giữ cho riêng mình, mọi thứ sẽ dễ tuột khỏi tầm tay.
  • Sự chia sẻ là những trải nghiệm đẹp trong cuộc sống.

CHƯƠNG 2: NHỮNG MÓN QUÀ TỪ TRÁI TIM

Có thể bạn đang có rất nhiều thứ để chia sẻ với người khác hoặc bạn chỉ có một ít mà thôi. Nhưng điều đó có hề chi, điều chủ yếu là sự cho đi xuất phát từ những tình cảm thật sự của con tim và tiềm lực của riêng bạn. Bước đầu tiên để sự cho đi có ý nghĩa là bạn nên nghĩ xem mình có thể chia sẻ những gì và những cái đó có giá trị đối với người khác như thế nào.

  Bạn hãy đánh giá lại năng lực, kỹ năng và các nguồn lực vật chất khác mà mình đang có. Đó có thể là thời gian, tiền bạc, khả năng tổ chức một buổi quyên góp từ thiện, một kinh nghiệm sống hoặc có thể là những quà tặng tinh thần như tình yêu thương, lời nói chân tình, sự quan tâm,… Hái biếu người hàng xóm của mình một bó rau trong vườn, gọi điện thoại cho một người bà con ở xa dù chỉ để thăm hỏi vài câu, học cách tung hứng đồ vật để làm cho đám trẻ nhỏ cảm thấy vui thích... đều là những món quà thể hiện sự quan tâm. Bạn không cần phải tốn kém quá nhiều tiền bạc hay thời gian để tạo nên những món quà như vậy.   Mỗi chúng ta đều có khả năng khơi dậy sự quan tâm và hào hứng của người khác trong việc trao tặng như cậu bé Travor trong bộ phim dựa theo tiểu thuyết của Catherine Ryan Hyde - Pay It Forward (Đáp đền tiếp nối). Cậu bé 11 tuổi này đã đưa ra một ý tưởng có thể làm thay đổi cả thế giới: Nếu ai đó làm một điều tốt cho mình, bạn hãy thể hiện lòng biết ơn bằng cách làm điều tốt cho ba người khác. Ngày hôm sau, ba người này mỗi người lại làm điều tốt cho ba người khác nữa. Rồi ngày kế tiếp, từng người trong số những người này tiếp tục làm điều tốt cho ba người khác nữa… Cứ như thế, trong vòng hai tuần sẽ có 4.782.969 người được đón nhận và làm việc thiện, khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.   Chuyện phim đã gây xúc động mạnh và Quỹ Pay It Forward được thành lập nhằm khuyến khích trẻ em ở khắp nơi trên thế giới mở rộng vòng tay nhân ái, giúp các em hiểu rằng các em có thể làm thay đổi cả thế giới bằng tấm lòng rộng mở của mình.   Trong chương này, chúng tôi giới thiệu những món quà mà các bạn có thể chia sẻ với người khác như:

  • Tình yêu thương
  • Nụ cười
  • Kiến thức
  • Khả năng lãnh đạo
  • Niềm hy vọng
  • Cuộc sống
  • Thời gian
  • Tiền bạc
  • Kỹ năng
  • Sức khỏe
  • Sự âu yếm
  • Sự quan tâm
  • Lời khuyên

CHIA SẺ TÌNH YÊU THƯƠNG   Sự chia sẻ chân thật xuất phát từ tình yêu thương. Tình yêu thương là vẻ đẹp tỏa sáng tâm hồn và tình yêu có đủ sức mạnh làm thay đổi cả thế giới.   Mọi tôn giáo đều kêu gọi chúng ta mở rộng tấm lòng quan tâm, chia sẻ với người khác. Thí dụ, Cơ Đốc giáo khẳng định: “Có ba điều trường tồn mãi mãi trên thế gian này, đó là: lòng thủy chung, niềm hy vọng và tình yêu thương. Trong ba điều đó, tình yêu thương có sức mạnh mãnh liệt nhất”. Trong Phật giáo, điều răn quan trọng nhất dành cho các Phật tử là lòng từ bi. Theo Do Thái giáo, từ “khoan dung” được dùng để mô tả việc tạo dựng một thế giới tươi đẹp hơn và người Do Thái được nuôi dạy để làm những việc tốt. Kinh Coran cổ vũ, khuyến khích người theo đạo Hồi giúp đỡ, chia sẻ với những người đang gặp khó khăn. Còn trong các tôn giáo khác, chẳng hạn như đạo Hindu, sự rộng lượng luôn được tán dương và xem là một con đường để cứu rỗi linh hồn.   Cho dù mỗi chúng ta xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau, lớn lên dưới ảnh hưởng của những nền văn hóa khác nhau hoặc theo những tôn giáo khác nhau, nhưng tình yêu thương có thể kéo gần tất cả các khoảng cách đó. Sức mạnh của tình yêu thương kỳ diệu đến mức có thể biến một kẻ thù thành một người bạn. Chính vì vậy, bạn hãy trao tặng tình yêu thương ở bất cứ nơi nào bạn đặt chân đến, mà trước hết là ở ngay trong chính căn nhà mình. Hãy yêu thương con cái, người bạn đời, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm và tất cả những người sống quanh bạn.   Nhiều người phải lớn lên trong những hoàn cảnh rất khắc nghiệt, phải chịu đựng những tổn thương về tinh thần, tình cảm ngay từ khi còn nhỏ. Đến khi trưởng thành, từ thẳm sâu tâm hồn, họ đã đánh mất đi tình yêu, niềm hy vọng vào cuộc sống. Với những con người ấy, chỉ có tình yêu thương mới là phương thuốc nhiệm mầu nhất để chữa lành mọi vết thương. Trên con đường tìm kiếm thành công và hạnh phúc cá nhân, tâm tính con người thường trở nên rất phức tạp, đôi khi họ xúc phạm bạn, làm tổn thương bạn, họ tỏ ra thờ ơ và lãnh đạm với bạn. Thế nhưng, nếu chịu khó suy nghĩ lại một chút, bạn sẽ thấy chính mình cũng như thế. Đôi khi, do vô tình hay cố ý, bạn cũng không ít lần gây ra nỗi đau tinh thần tương tự đối với người khác. Đó là lý do tại sao sự cảm thông và tình yêu thương vô điều kiện lại có ý nghĩa quan trọng đến thế. Nó phá bỏ cái vòng luẩn quẩn tiêu cực trong các mối quan hệ, làm sống lại tình yêu thương và sự tận tụy mà con người có thể dành cho nhau trong cuộc sống.   Để yêu thương không phải lúc nào cũng dễ    Không ai có thể phủ nhận tình yêu thương là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, là nền tảng phát triển tất cả các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống và phần chính yếu trong tình yêu là sự tự nguyện hy sinh.   Cha mẹ thường hy sinh hết mình vì hạnh phúc của con cái. Họ sẵn sàng từ bỏ những thói quen, những sở thích riêng để dành sự ưu tiên cho con mình. Chính tình yêu thương đã trở thành động lực khiến họ làm được điều đó. Khi có con, mỗi chúng ta sẽ cảm nhận được sâu sắc suối nguồn yêu thương ấy.   Hôn nhân chỉ bền chặt khi bạn yêu thương người bạn đời bằng một tình yêu vô điều kiện. Điều này có nghĩa là bạn yêu con người thật của họ, yêu những gì mà người ấy có, chứ không phải là yêu con người mà bạn muốn họ trở thành. Đúng là không dễ gì thực hiện được điều ấy, nhưng nếu làm được thì đó là món quà tuyệt vời nhất cả hai dành tặng cho nhau. Các bậc cha mẹ có thể yêu thương và hy sinh cho con cái vô điều kiện (đặc biệt là khi chúng chưa trưởng thành) nhưng họ lại rất khó khăn khi yêu thương những người xa lạ một cách vô điều kiện như vậy. Bởi vì, tình yêu vô điều kiện đòi hỏi rất nhiều thời gian, sự tận tụy và cả sự quan tâm. Sự quan tâm chỉ đến khi bạn nhận thức rõ động cơ thúc đẩy, cảm xúc, tư tưởng của bạn và bạn phải thường xuyên nhìn nhận lại chúng. Hàng ngày vẫn có hàng triệu Phật tử và nhiều người khác vẫn đấu tranh để đạt được sự bình an trong tâm hồn. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp tâm an tịnh đó là ngồi thiền. Khi tâm hồn được tĩnh lặng, mọi căng thẳng sẽ được giải tỏa, bạn sẽ dễ cảm thông với người khác, quan hệ giữa bạn và mọi người vì thế sẽ gắn kết hơn. Nói cho cùng, khi bạn càng hiểu rõ về bản thân mình, bạn càng có cơ hội trở thành con người tốt hơn.   Thí dụ, vẻ tức giận bên ngoài của mỗi chúng ta thường là biểu hiện của những dạng cảm xúc khác đang bị che giấu bên trong, chẳng hạn như nỗi sợ hãi hay đau khổ. Một khi hiểu được nguyên nhân sâu xa của sự giận dữ, bạn có thể tự điều chỉnh và yêu thương người khác nhiều hơn. Điều tuyệt vời nhất ở đây chính là bạn học được cách kiềm chế và biết tự chủ bản thân. Do đó, thay vì bộc lộ tất cả sự giận dữ, bạn có thể thể hiện những cảm xúc của mình một cách khác nhẹ nhàng hơn. Thay vì nói: “Chuyện đó làm tôi tức muốn điên lên!”, bạn có thể nói một cách bình tĩnh mà vẫn khiến người nghe phải suy nghĩ như: “Chuyện vừa rồi khiến tôi cảm thấy rất buồn”.   Nhờ hiểu rõ nguyên nhân gây ra những xúc cảm và biết cách thể hiện chúng một cách nhã nhặn, chân thật, bạn sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ với những người khác. Đây cũng là một bước tiến quan trọng để phát triển cá tính đáng yêu của bạn. Sự tĩnh tâm giúp bạn phát hiện cảm xúc thật của mình và biết cách diễn tả chúng vào một thời điểm thích hợp nhất.   Đừng nhầm lẫn những thứ không phải là tình yêu    Trong cuộc sống, từ “yêu” thường bị lạm dụng với những nghĩa khác xa với nghĩa gốc của nó. Chúng ta thường nghe mọi người nói với nhau: “Hắn ta rất yêu tiền.” “Cô ấy yêu thích các kiểu giày dép.” “Bọn nó yêu thích đánh nhau.”   Hầu như ngày nào chúng ta cũng nghe từ “yêu” được thốt lên với những ý nghĩa bị bóp méo. Yêu tiền không phải là tình yêu thương. Đó có thể là sự ám ảnh, một sự thúc ép, một nhu cầu thiết yếu. Tương tự, yêu giày dép hay yêu thích những thứ khác cũng không phải là tình yêu thương. Đó chỉ là sở thích hay sự mong muốn có được một món đồ đặc biệt nào đó mà thôi.   Lúc lâm chung, chẳng có ai trăng trối: “Giá mà tôi có thêm nhiều đôi giày trong cuộc đời mình”. Trong phút giây sinh ly tử biệt, con người thường chỉ nhớ về những người thân yêu, những kỷ niệm vui - buồn, những lỗi lầm, những day dứt, ân hận mà họ đã gây ra cho người thân. Hoặc người ta cũng có thể nhớ về những điều cao cả khác như: tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, lý tưởng cống hiến cho xã hội, cho nhân loại – hầu hết là biểu hiện của sự hy sinh và tình yêu thương. Họ thường hối tiếc vì mình đã thiếu quan tâm, thiếu yêu thương đối với người thân, hay buồn bã về những hiểu lầm, những xích mích, những chuyện buồn... Thông thường, vào giây phút cuối đời, con người thường mong muốn thực hiện những tâm nguyện mà họ chưa hoàn thành lúc còn khỏe mạnh.   Trong quyển “Bảy thói quen để thành đạt”, tác giả Stephen Covey nhắc nhở chúng ta rằng “Yêu là động từ”. Cho nên, tình yêu không thụ động. Tình yêu đòi hỏi phải hành động và thực hành. Đừng để tình yêu trong tâm hồn bạn bị thiên lệch, méo mó bởi ảnh hưởng từ những chuyện tình trên phim ảnh - những mối tình diễn ra trong chớp nhoáng, rồi sớm vụt tan. Đó là những tình yêu nông cạn, hời hợt và chỉ đưa đến những đau đớn, bất hạnh. Trên thực tế, tình yêu luôn cần có thời gian để vun đắp, để lớn lên mỗi ngày. Bạn sẽ cảm nhận được sự bình an thật sự trong tình yêu. Hơn thế nữa, tình yêu đã trở thành một điển hình của cho và nhận và là biểu tượng của sự gắn kết con người với nhau.   Dành thời gian để bày tỏ tình yêu thương    Chìa khóa dẫn đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc là các bạn phải biết dành thời gian cho nhau để cùng trò chuyện, âu yếm và để ý đến những đổi thay của người bạn đời. Có như thế người này mới biết cách chỉnh sửa để phù hợp với những tư tưởng và cảm xúc của người kia. Nếu gặp khó khăn về tài chính, các bạn có thể bàn tính việc thay nhau chăm sóc con để tạo cơ hội cho cả vợ lẫn chồng có thể đi làm kiếm thêm thu nhập.   Thường thì trước khi có con, vợ chồng sẽ có nhiều thời gian dành cho nhau. Họ có thể trò chuyện, dạo chơi, âu yếm, cùng nhau nuôi những mơ ước, dự định, cùng nhau làm việc nhà, tỏ ra đặc biệt chăm sóc lẫn nhau. Thế nhưng, khi đã có con, quỹ thời gian mà hai người dành cho nhau sẽ bị giảm đi rất nhiều. Vì vậy, điều quan trọng để hôn nhân hạnh phúc là mỗi người đều phải biết dành thời gian quan tâm đến nhau và giữ được những khoảnh khắc lãng mạn, ngọt ngào của tình yêu. Dù việc có con khiến cả vợ lẫn chồng đều bận rộn, nhưng hãy thắt chặt hơn nữa sợi dây giao cảm giữa hai người bằng cách quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Trong tình yêu luôn tồn tại nghịch lý: “Hai người tuy hai, nhưng vẫn là một”. Cha mẹ có hạnh phúc, con cái mới được chăm sóc và sống trong tình yêu thương trọn vẹn, đó cũng là món quà tốt đẹp nhất bạn dành cho con cái mình.   Cách bày tỏ tình yêu thương   Tình yêu chân thật thường rất vị tha. Người có tình yêu chân thật thường nghĩ nhiều đến nhu cầu và hạnh phúc của người khác hơn là của bản thân mình. Tình yêu chân thật làm cho chúng ta thay đổi bản thân và ngày một trưởng thành hơn. Một mối tình sâu sắc bao giờ cũng trường tồn ngay cả sau khi người đó đã từ giã cõi đời. Tuy nhiên, tình yêu không được bày tỏ thì không bao giờ đạt được ý nghĩa đích thực của nó, bởi vì tình yêu càng được bày tỏ thì tình yêu càng trở nên sâu sắc.   Chia sẻ tình yêu thường đòi hỏi rất nhiều cố gắng. Có bao nhiêu người cho rằng họ quá bận rộn với cuộc sống nên không thể dành thời gian bày tỏ tình thương yêu đối với người khác được? Có bao nhiêu người thật sự động viên, an ủi những người sống bên họ? Khi bạn không hề so đo tính toán những việc tốt bạn đã làm cho người khác, nhất là khi bạn sẵn lòng chia sẻ gánh nặng với người thân, sẵn lòng bỏ bớt những dự tính riêng tư của mình để giúp đỡ người khác, thì bạn đã có một tình yêu vô điều kiện. Đây là quà tặng tuyệt vời nhất mà bạn có thể trao tặng cho mọi người quanh bạn.   Tha thứ lỗi lầm cho những người đã từng xúc phạm bạn trong quá khứ cũng là một cách biểu lộ tình yêu. Hãy hiểu rằng tất cả chúng ta đều chỉ là những cá nhân chưa hoàn hảo. Chỉ biết gặm nhấm nỗi đau tinh thần và những giận hờn trong lòng, thì chẳng khác nào ta đang tự cô lập bản thân và ích kỉ không chịu tha thứ. Lối sống khép mình chẳng khác nào bức tường ngăn cản bạn yêu thương. Khi muốn tâm sự với ai đó về một vấn đề mà bạn cảm thấy khó khăn hoặc e ngại, hãy mạnh dạn vượt qua thử thách ban đầu này! Thà rằng một lần dám trao đổi thẳng thắn với nhau còn hơn cứ giữ mãi những e ngại trong lòng để rồi sau này phải tiếc nuối. Đôi khi, bạn cần phải mạnh dạn hơn, đây cũng là một dạng của tình yêu thương chân thật.   Chẳng hạn, Michelle không thích cách mà mẹ cô cứ hối thúc cô phải lập gia đình. Đặc biệt, cô cảm thấy rất bực bội khi mẹ thường xuyên đề cập chuyện này ngay trước mặt bà con họ hàng và khách khứa. Điều đó khiến cô cảm thấy bị áp lực và tổn thương vì năm nay Michelle đã 37 tuổi. Cô cũng rất muốn lập gia đình nhưng cô lại thấy lúng túng khi bày tỏ điều này với mẹ. Cuối cùng, Michelle đã lấy can đảm nói với mẹ rằng, thật sự thì cô cũng có mong muốn như mẹ vậy, nhưng lập gia đình vốn dĩ đâu phải là chuyện đơn giản, và nếu mẹ cô cứ nói về chuyện này trước mặt người khác, sẽ khiến cô càng khó chịu và phản kháng lại ý kiến của mẹ. Cô rất sẵn lòng tâm sự với mẹ về chuyện này, chỉ với điều kiện là mẹ cô không đề cập nó trước mặt mọi người nữa. Cô thật lòng mong mẹ mình hiểu được những nỗi khổ tâm của cô. Cuối cùng, mẹ của Michelle cũng cảm thấy thật nhẹ nhõm khi biết con gái mình thật ra rất nghiêm túc trong việc tìm kiếm người bạn đời. Mối quan hệ của họ đã được cải thiện rất đáng kể sau buổi trò chuyện đó.   Bạn đừng chần chừ khi muốn bày tỏ tình yêu thương. Cách đây không lâu, Azim có đến dự lễ tang của Ronale Sanjay - đứa con trai 21 tuổi của một người bạn thân. Anh đã chứng kiến cảnh mọi người rất đau lòng trước sự ra đi đột ngột của chàng trai trẻ đầy tài năng. Cha mẹ chàng trai gần như chết lặng trước mất mát quá lớn này. Azim vẫn còn nhớ rất rõ cảnh cha mẹ chàng trai đau đớn khóc lóc trong lễ an táng con trai mình. Các thành viên trong gia đình và bạn bè của người đã khuất quỳ hàng giờ đồng hồ trước mộ phần. Mọi người đều đau buồn trước sự ra đi quá đột ngột của chàng trai trẻ, cảm giác mất mát bao trùm cả không gian tĩnh lặng. Nhưng tại sao phải đợi đến khi một người mà ta yêu quý giã từ cõi đời thì chúng ta mới chịu biểu lộ tình yêu thương và niềm đau đớn? Tại sao chúng ta không bày tỏ với gia đình, bạn bè và mọi người tấm lòng yêu thương của chúng ta ngay khi họ còn sống? Hãy bày tỏ tình yêu với mọi người xung quanh ngay khi chúng ta còn hiện diện trong cuộc sống này. Hãy nhớ rằng: tình yêu là ngọn lửa sưởi ấm cuộc đời của mỗi người chúng ta. Và vì vậy, bạn đừng ngần ngại khi muốn nói với ai đó rằng bạn rất yêu quý họ!   CHIA SẺ NỤ CƯỜI   Nụ cười là phương thuốc quý giá nhất. Từ lâu các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng khi chúng ta cười, bộ não sẽ tiết ra chất endorphins có tác dụng làm giảm cơn đau, tăng cường sự lanh lợi, hoạt bát, đồng thời mang đến cho chúng ta cảm giác phấn khởi và vui vẻ.   Cuộc sống ngày nay của chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thử thách, từ khó khăn kinh tế cho đến xung đột sắc tộc, khủng bố; từ ô nhiễm môi trường đến dịch bệnh. Vì thế, chúng ta rất cần tiếng cười để tâm hồn được thanh thản, tinh thần được thư thái và giảm bớt áp lực từ những toan tính đời thường.   Bạn có thể vượt qua những khúc quanh của cuộc đời mình dễ dàng hơn bằng cách mỉm cười với chúng. Không những thế, bạn hãy mỉm cười với chính mình và với mọi người. Khi bạn biết mang nụ cười đến những người chung quanh, có nghĩa là bạn đã mang niềm tin đến cuộc sống của họ. Nhờ đó, chúng ta đều cảm thấy được chia sẻ, được động viên và khích lệ.   Trong nhiều nền văn hóa khác nhau, sự hài hước là phương thức tốt nhất để chữa lành mọi nỗi đau. Dù giàu có hay mạnh khỏe, ai cũng trải qua ít nhiều đau khổ trong đời. Mức độ thăng trầm trong cuộc sống tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể và tùy thuộc vào sự biến đổi thời cuộc ở quanh ta. Tiếng cười làm giảm bớt nỗi đau và sự sợ hãi. Thật vậy, các danh hài tuyệt vời nhất, nổi tiếng trên thế giới, phần lớn đều xuất thân và trưởng thành trong hoàn cảnh rất khó khăn. Phải chăng, sự hài hước chính là cơ chế chịu đựng đau khổ mà tạo hóa ban tặng cho mỗi người chúng ta? Hãy nhớ rằng, khi nghĩ về những điều vui vẻ, bạn sẽ cảm thấy mình hạnh phúc, mọi người sẽ thích thú khi ở bên bạn và những mối quan hệ hiện tại của bạn cũng sẽ được cải thiện tốt hơn.   Theo trang web về đề tài Tiếng Cười, trẻ nhỏ cười mỗi ngày trung bình 150 lần, còn người lớn chỉ cười có 15 lần một ngày mà thôi. Những lo toan trong cuộc sống khiến cho người lớn chúng ta mất dần đi sự hồn nhiên, vui vẻ của trẻ thơ. Thậm chí, có những người còn “bỏ quên” cả tiếng cười, cuộc sống của họ chỉ còn những toan tính và lo âu. Như thế chẳng phải là một điều đáng tiếc hay sao?   Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Bên cạnh mặt tích cực, tiếng cười còn ẩn chứa những khía cạnh tiêu cực. Người ta có thể sử dụng tiếng cười theo cách thức rất tàn nhẫn để chế nhạo người khác, để phân biệt đối xử hay làm cho người khác xấu hổ. Tiếng cười là một công cụ, nó phải được sử dụng một cách cẩn thận và tế nhị, để phát huy hết tính tuyệt vời và sức mạnh của nó.   Bạn chia sẻ quà tặng tiếng cười như thế nào? Nào, chúng ta thử bắt đầu nghiền ngẫm xem điều gì làm cho người ta cười. Những trò vui nhộn, kể chuyện tiếu lâm, lời nói dí dỏm, cười cợt bản thân … Nhiều lắm!   CHIA SẺ KIẾN THỨC   Mỗi người đều có những câu chuyện để kể lại, những trải nghiệm quý giá được rút ra từ những trở ngại, thách thức mà mình gặp phải trong cuộc sống. Chúng ta nên chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm sống với những người chung quanh. Khi đó, bạn sẽ phá vỡ được những rào cản quanh mình, các mối quan hệ thân tình, sự tin tưởng sẽ được hình thành, bạn sẽ trở nên ý nghĩa hơn đối với mọi người.   Những thông tin trên bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào – từ báo chí đến truyền hình – đều cho bạn sự nhận thức về những điều có trong thực tế, mặc dù đôi khi chúng cũng bị bóp méo, xuyên tạc. Nhưng chính sách vở mới có thể giúp bạn nhận thức sâu sắc hơn về những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Có thể nói, sách (hay kiến thức) là món quà tuyệt vời để trao tặng và là cách thức hay nhất để xây dựng mối quan hệ với mọi người, giúp họ giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.   Đừng mất quá nhiều thời gian cho truyền hình   Nếu bạn dành quá nhiều thời gian xem truyền hình, có thể là bạn đang lãng phí cuộc đời mình. Truyền hình có thể tiếp thêm hương vị cho cuộc sống, cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết, nhưng nếu quá lạm dụng, nó sẽ khiến bạn chẳng còn thời gian để sống một cuộc sống đúng nghĩa.   Groucho Marx từng nói: “Truyền hình tốt cho trí tuệ, nhưng mỗi lần có ai mở truyền hình xem liên tục thì tôi sẽ đi ngay sang phòng kế bên để đọc sách”.   Trong quyển Bowling Alone, Robert Putnam cho rằng xem truyền hình quá nhiều làm chúng ta mắc phải thói quen hưởng thụ bị động, đồng thời nó cũng lấy đi những khoảng thời gian mà lẽ ra chúng ta dành cho các mối quan hệ trong xã hội ý nghĩa hơn. Một số người xem truyền hình nhiều đến nỗi, họ chẳng còn nhiều thời gian để trò chuyện với người thân hoặc để ý đến những điều thú vị khác đang diễn ra xung quanh. Điều này không chỉ cản trở việc hình thành tính cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến nếp sống gia đình của họ nữa.   Thế nên, đừng bật ti-vi chỉ vì nó đang ở ngay trước mặt bạn hoặc chỉ vì bạn đã có thói quen đó. Chỉ cần làm được điều này thôi đã là một món quà có giá trị bạn dành tặng cho bản thân mình và cho con cái. Một trong những người bạn của chúng tôi đã thực hiện theo cách này. Cách đây 8 năm, ba đứa con của anh suốt ngày say mê xem truyền hình, anh nhận thấy điều này không tốt cho sức khỏe cũng như lối sống của chúng. Cuối cùng anh cương quyết đem cất ti-vi dưới tầng hầm và hủy bỏ dịch vụ thuê bao truyền hình cáp. Lúc đầu, cậu con trai 15 tuổi không vui trước quyết định của cha. Dần dần, bọn trẻ biết dành thời gian để luyện tập thể dục thể thao nhiều hơn và ham đọc sách hơn. Cả nhà lại có thêm nhiều thời gian cùng trò chuyện, vui đùa với nhau. Bây giờ thì cậu con trai đã hiểu ra và tỏ lòng cảm ơn món quà tuyệt vời cha mình đã làm cho anh em cậu. Cuộc sống gia đình anh ngày càng thêm hạnh phúc.   Các bạn hãy thử làm theo cách này đi nhé. Thời gian đầu có thể các con bạn sẽ cảm thấy chán, nhưng sau khi thoát khỏi tình trạng buồn chán này, chúng sẽ chủ động tìm đến những hoạt động mới mang tính sáng tạo hơn, và tất nhiên chúng sẽ học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích khác. Nếu bạn nghĩ đây là một biện pháp rất khó thực hiện, bạn có thể hạn chế con cái xem từ từ, mỗi ngày giảm bớt một ít. Và nhất là, bạn phải là người gương mẫu thực hiện trước. Nếu các bậc cha mẹ cứ cố hạn chế các con xem truyền hình, trong khi bản thân mình lại cứ nằm ườn ra nhiều tiếng đồng hồ để xem các chương trình trên ti-vi thì thật là dễ hiểu, bạn sẽ chẳng thể nào làm gương cho con cái mình được!   Thích khám phá và học hỏi suốt đời    Một trong những quà tặng có giá trị nhất mà bạn có thể trao tặng cho bản thân mình và người khác, đặc biệt là trẻ em, đó chính là: sự yêu thích học hỏi. Khi bạn ham học hỏi, nhạy cảm với cái mới và hiểu rõ tầm quan trọng của học vấn, bạn sẽ dũng cảm đi tìm những giá trị mới, mục đích sống cao hơn trong từng giai đoạn của cuộc đời.   Không chỉ học ở trường lớp, chúng ta còn có thể học hỏi từ chính những trải nghiệm trong cuộc sống, dưới nhiều hình thức. Học là việc cả đời, chẳng bao giờ kết thúc, ngay cả khi bạn đã đạt được nhiều bằng cấp. Đối với một số người, việc học kéo dài liên tục và suốt đời, không hề có một giới hạn nào cho sự học hỏi. Mọi nẻo đường của cuộc sống đều ẩn chứa những bài học rất riêng. Nhà văn Conrad Squires luôn tâm niệm: “Học hỏi giống như sự hình thành các cơ bắp trong lĩnh vực kiến thức, tạo nền tảng cho sự thông thái, khôn ngoan”. Và dĩ nhiên, để thành công trong cuộc sống, để sống bình an trong một thế giới đầy biến động như hiện nay thì bạn cần phải trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm sống, để nâng cao những kỹ năng làm việc của bản thân mình.   Sau nhiều năm đi công tác khắp nơi trên thế giới, Azim thấy rằng sự ham thích học hỏi chính là bí quyết mang lại thành công và phát triển đầy đủ tiềm năng của bạn. Ông cũng nhấn mạnh rằng, học vấn chỉ là một phần trong quá trình học hỏi mà thôi. Thông qua học hỏi, bạn sẽ đạt được nhiều thứ hơn: hình thành tính cách, mở mang trí tuệ, học cách tôn trọng người khác và khiêm tốn hơn, bởi vì càng học hỏi bạn càng hiểu rằng kho tàng kiến thức là vô tận. Và bạn có thể học hỏi nhiều thứ từ mọi người chung quanh, từ mỗi trải nghiệm, hay những khó khăn, giông tố trong đời.   Trí thông minh và sự trải nghiệm cuộc sống    Trong cuộc sống, nếu may mắn có được học vấn và kiến thức, chúng ta cần biết chia sẻ quà tặng vô giá này với người khác. Chỉ giữ khư khư cho bản thân cũng có nghĩa là ta đang làm chúng rơi rụng và hao hụt dần. Trái lại, nếu biết chia sẻ những gì mình đã học hỏi, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, mọi người quanh ta đều hiểu biết hơn và cùng chung tay góp sức cho một cuộc sống tốt đẹp.   Những công trình khoa học, những tiến bộ trong y khoa, sự phát triển về kỹ thuật, bưu chính viễn thông và phương tiện đi lại ngày càng được nâng cao… là kết quả của việc vận dụng trí tuệ, khả năng nghiên cứu, sáng tạo của con người. Những ý tưởng sáng tạo được nảy sinh trên cơ sở kế thừa thành quả nghiên cứu của những người đi trước. Họ trao cho chúng ta công cụ, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để sáng tạo và chúng ta tiếp tục truyền lại cho các thế hệ mai sau.   Cùng với những thành quả trí tuệ, sự khôn ngoan là món quà tuyệt vời để chia sẻ với mọi người trong cộng đồng. Khôn ngoan là sự kết hợp của kiến thức, sự trải nghiệm và tư duy. Theo một số tôn giáo, sự khôn ngoan được xem là năng lực suy xét chính xác. Về cơ bản, kiến thức là sức mạnh, nhưng chúng ta cần có sự khôn ngoan, hiểu biết để vận dụng kiến thức của mình đúng lúc, đúng nơi. Khi bạn chia sẻ sự khôn ngoan, hiểu biết với mọi người, bạn giúp họ có được những kỹ năng và sử dụng các kỹ năng đó để tự học hỏi thêm.   CHIA SẺ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO   Khái niệm lãnh đạo có thể được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau. Một người được xem là lãnh đạo giỏi đối với người này nhưng lại là kẻ độc tài trong cái nhìn của người kia. Có người là nhà lãnh đạo rất thành công trong sự nghiệp nhưng lại thất bại trong đời sống riêng tư. Năng lực lãnh đạo dù trong cuộc sống riêng hay trong một tập thể đều có thể làm nên sự khác biệt rất tích cực cho cuộc sống.   Cuộc sống hiện đại có những đổi thay với tốc độ chóng mặt, những bất ổn về tài chính và vô vàn những khó khăn khác khiến vai trò của người lãnh đạo càng được đề cao. Người lãnh đạo sẽ giúp mọi người trấn an tinh thần và vạch ra những hướng giải quyết tốt đẹp hơn. Thế nhưng để có được khả năng lãnh đạo người khác không phải là điều dễ dàng. Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng, nhân dân thường hoài nghi khả năng lãnh đạo của các viên chức cấp cao trong chính quyền hơn là trong các lĩnh vực khác.   Để trở thành nhà lãnh đạo giỏi, bạn phải kiên trì, ham học hỏi, dám dấn thân để tiếp thu kiến thức. Nhờ đó, bạn mới có thể giải quyết ổn thỏa những bất đồng, thúc đẩy công việc tiến lên. Điều này cũng đòi hỏi bạn dám nhận trách nhiệm, tự mình làm chủ chính mình, nghiêm khắc với bản thân, chứ không phải chỉ lệ thuộc vào những đánh giá của dư luận xã hội.   Đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ mỉm cười, vì bạn nghĩ rằng bạn không thể nào trở thành nhà lãnh đạo. Nhưng chúng tôi tin rằng, bạn sẽ ngạc nhiên về những gì bạn thực hiện được khi đã có quyết tâm trở thành một nhà lãnh đạo giỏi.   Trong quyển Khả năng lãnh đạo từ bên trong, tác giả Peter Urs Bender chỉ rõ rằng, bên trong mỗi người đều có hạt mầm của sự cao thượng. Để trở thành nhà lãnh đạo, người ta chỉ cần thực hiện hai bước:

  • Phát triển kỹ năng cần thiết.
  • Vượt qua sự sợ hãi – rào cản lớn nhất.

Bender cho rằng, hầu hết mọi người ngại nói không với những điều họ không muốn, họ sợ bày tỏ những cảm xúc thật của mình, ngại bị phê bình hay sợ bị người khác coi là ngớ ngẩn, vụng về. Chắc chắn bạn đã từng trải qua hoặc đang có một trong những nỗi sợ hãi này. Sự sợ hãi chính là trở ngại ngăn cản mọi bước tiến của bạn. Với bạn, làm việc dưới quyền người khác còn thoải mái hơn nhiều so với vai trò làm lãnh đạo. Cách suy nghĩ này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu muốn vượt lên sự nhút nhát của bản thân, cách tốt nhất bạn hãy thừa nhận sự hiện diện của nó, sau đó không lưu tâm đến nó nữa, để vững bước đi lên. Ngoài ra, bạn có thể chọn một công việc lãnh đạo phù hợp với khả năng và có ý nghĩa đối với mình.   Năng lực của người lãnh đạo còn thể hiện ở khả năng phát hiện ra giá trị của người khác. Nhà lãnh đạo chân chính thường tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống cộng đồng. Họ trân trọng khả năng của người khác, mời gọi sự cộng tác của những người có năng lực, qua đó mọi người cùng đồng tâm hiệp lực tạo nên thành công chung.   William Arthur Ward – một nhà văn, đồng thời cũng là nhà giáo từng nói: “Một thầy giáo bình thường thì nói ra sự việc, một thầy giáo giỏi thì phân tích nó, một thầy giáo giỏi hơn nữa thì tìm cách chứng minh, còn một thầy giáo vĩ đại thì truyền cảm hứng của sự việc đó”. Điều này cũng đúng đối với các nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo muốn hoạt động có hiệu quả cần có những đức tính cốt yếu sau đây:

  • Biết tập trung vào việc giải quyết các vấn đề, không tập trung vào những trở ngại của vấn đề.
  • Quan tâm đến những việc quan trọng, chứ không phải là những việc cấp bách. Đồng thời, phải biết cách động viên, khuyến khích người khác quan tâm đến những vấn đề nào quan trọng nhất.
  • Tiếp cận mục tiêu một cách lâu dài và kiên trì, không đốt cháy giai đoạn. Dành thời gian để tạo dựng những mối quan hệ bền vững dựa trên việc đối xử với nhau một cách chân tình và trân trọng lẫn nhau.
  • Biết vận dụng sự nhạy bén và giác quan thứ sáu của mình để tạo nên lợi thế trong giao tiếp. Đồng thời phải phục vụ mọi người với tấm lòng yêu thương.
  • Biết cách tạo dựng một môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện, để bất cứ ai cũng có cơ hội phát huy hết năng lực của bản thân.
  • Biết hy sinh. Mọi người thường dùng cụm từ “người đầy tớ của nhân dân” để gọi các nhà lãnh đạo tài ba. Nghe cụm từ này có vẻ sáo rỗng nhưng kỳ thực lại rất đúng. Họ chính là những người luôn tận tụy, trung thành và mong muốn được phục vụ người khác.

Lãnh đạo trong một công ty    Lãnh đạo một công ty là công việc đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Một trong những mục đích cơ bản của công ty là tạo lợi nhuận cho cổ đông và nhân viên. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải nỗ lực thực sự, dám liều lĩnh và sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro. Chính vì vậy, người lãnh đạo cần được đền bù cho những công sức mà họ đã bỏ ra.   Bên cạnh đó, không thể không kể đến những đóng góp của các thành viên khác trong công ty, bởi trên thực tế không một công ty nào phát triển mạnh mà lại không có sự chia sẻ lợi nhuận giữa các thành viên. Một công ty có doanh thu cao sẽ phải trả lương tương xứng cho nhân viên, chia lãi cho cổ đông, đồng thời còn phải biết quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Việc cung cấp dịch vụ càng tốt, công ty càng thu được nhiều lợi nhuận. Khi biết áp dụng phương châm “chung sức” và “mọi người cùng hưởng” công ty sẽ có được động lực phát triển và gặt hái được nhiều thành công hơn.   Ngày nay, việc khuyến khích các công ty thực hiện chính sách xã hội đã trở thành một phong trào phổ biến trên khắp thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán rằng, công ty nào biết thể hiện trách nhiệm đối với xã hội thì chắc chắn sẽ tiến nhanh hơn các công ty khác trong quá trình cạnh tranh. Đây cũng là một đòi hỏi chính đáng từ người tiêu dùng. Họ thường tín nhiệm những công ty biết quan tâm đến đời sống nhân viên, đến môi trường sống. Họ thích những công ty thường làm công tác từ thiện, ủng hộ các tổ chức phi lợi nhuận. Vào năm 1998, trung tâm Roper thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến người tiêu dùng, 65% người dân Mỹ cho biết họ sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để ủng hộ sản phẩm của công ty nào có tham gia vào công tác từ thiện. Cuộc thăm dò cũng cho thấy có 83% người tiêu dùng nói rằng, họ sẽ để ý đến những công ty ủng hộ cho một tổ chức từ thiện nào đó mà họ đang quan tâm. Trong giới công nhân, có 87% trung thành với người chủ nào có chương trình liên quan đến hoạt động từ thiện và chỉ có 67% trung thành với công ty không có hoạt động từ thiện.   Những con số trên cho thấy người dân rất quan tâm đến hoạt động từ thiện của các công ty. Đây cũng là điểm mà các nhà lãnh đạo cần tham khảo để phát triển doanh thu cũng như nâng cao khả năng lãnh đạo của chính mình. Câu nói "cho là nhận" cũng có thể áp dụng cả trong trường hợp này.   Là nhà lãnh đạo, bạn có thể chia sẻ như thế nào? Bob Galvin - con trai của người sáng lập công ty điện thoại khổng lồ Motorola có lần nhận xét: “Cha tôi xem thường những công nhân nữ thực hiện dây chuyền sản xuất, điều này làm tôi phải suy nghĩ: Tất cả họ đều giống mẹ tôi, họ cũng có con cái, có gia đình để chăm sóc, có những con người cần đến họ”. Từ nhận thức này đã thúc đẩy Galvin Sr. nỗ lực làm việc để tạo cho nhân viên của mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là một thí dụ điển hình về khả năng chia sẻ điều tốt đẹp từ năng lực lãnh đạo công ty.   Khi người lãnh đạo công ty biết cống hiến thời gian, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình cho nhân viên, họ sẽ có được những cộng sự đắc lực. Khi một công ty biết quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng, công ty đó sẽ tạo được lòng tin cho khách hàng, công việc kinh doanh của công ty vì thế sẽ phát triển bền vững, lâu dài.   Một số công ty chuyển những món nợ ngắn hạn thành dài hạn theo chương trình “bán hàng trả góp” ở những nước đang phát triển. Chương trình này giúp người nghèo có thể khởi nghiệp kinh doanh, giúp họ có cơ hội thoát khỏi đói nghèo. Đây cũng là một dạng chia sẻ trong giới kinh doanh hiện nay.   Nhiều khách hàng vẫn thường tin tưởng vào thương hiệu nổi tiếng của những công ty lớn. Nhưng nếu các công ty đó hoạt động kinh doanh không lành mạnh thì giá trị thương hiệu cũng nhanh chóng giảm đi và người tiêu dùng sẽ nhanh chóng nhận ra điều đó qua các phương tiện truyền thông hoặc trên mạng Internet.   Đối với nhiều tập đoàn, việc xây dựng thương hiệu luôn gắn liền với hoạt động kinh doanh của họ. Quan tâm, chia sẻ, tạo quyền lợi cho nhân viên, cho cộng đồng và cho môi trường là bí quyết thúc đẩy sự phát triển và sống còn của thương hiệu trong tương lai.   CHIA SẺ NIỀM HY VỌNG   Agakhan IV từng nói: “Nhiều người khi mới bước vào đời nghèo khổ đến nỗi họ bị tước đoạt luôn cả khát vọng vươn lên làm cho cuộc đời mình tốt đẹp hơn. Nếu không có lòng hảo tâm của một tổ chức kinh doanh nào đó thì cả đời họ sẽ chìm vào cảnh đói nghèo cùng cực, sự tuyệt vọng sẽ khiến họ mất đi khả năng cảm xúc, thậm chí trở nên lãnh đạm, tàn nhẫn với chính mình và với mọi người. Chỉ có chúng ta - những người may mắn hơn, là tác nhân tạo ra những tia lửa làm bừng cháy khát vọng vươn lên ở nơi họ”.   Trong đời, ai cũng cần có một người tin tưởng mình. Những lúc cảm thấy tuyệt vọng, chúng ta cần có một người bạn để sẻ chia, động viên tinh thần. Hoặc khi rơi vào những tình huống tưởng chừng không thể nào giải quyết nổi, ta rất cần ai đó cho ta một lời khuyên.   Nhiều người rất dễ trở nên hận đời, nghiện ngập hoặc phạm pháp chỉ vì họ có một tuổi thơ thiếu thốn sự chăm sóc, yêu thương. Tâm hồn họ mãi bị dằn vặt bởi những ký ức đau buồn.   Muốn đưa đến niềm hy vọng cho người khác, trước hết chính bản thân bạn phải có trong lòng niềm hy vọng. Hãy tưởng tượng bạn có mục tiêu, có ước mơ nhưng lại không có hy vọng, chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội. Bạn sẽ không còn hứng thú chia sẻ điều gì với ai bởi vì lúc nào bạn cũng cảm thấy mình thiếu thốn. Bạn sẽ lạc lối trong đám mây mù của quá khứ và không còn khao khát vươn tới tương lai. Khi đó, bi kịch trong quá khứ sẽ làm bạn chùn bước. Lòng nhân ái, sự quan tâm và biết lắng nghe là những hạt mầm hy vọng gieo vào tâm hồn những ai không có niềm hy vọng, giúp họ biết cách xoay chuyển tình thế làm thay đổi cuộc đời theo chiều hướng tích cực hơn.   CHIA SẺ SỰ SỐNG   Bất cứ ai cũng có khả năng cứu sống một người nào đó. Thực tế đã có rất nhiều câu chuyện minh chứng cho điều này. Một người cha hy sinh để cứu đứa con gái bé bỏng của mình khỏi chết đuối, một người mẹ lao vào đầu xe hơi để bảo vệ con trai của mình, một thanh niên đã lao vào đám cháy để cứu sống một em bé,… Chưa hết, có thể bạn còn nghe những câu chuyện khác tuy không dũng cảm bằng nhưng cũng không kém phần cảm động, như việc: hiến máu nhân đạo, tình nguyện hiến nội tạng cho những người đang bị mắc bệnh hiểm nghèo, khuyên nhủ một người có ý định tự tử hay an ủi ai đó đang trải qua cơn hoảng loạn trong đời.   Shelly – cô em gái của Michael Nicoll Yahgulanaas, một họa sĩ nổi tiếng người Haida sống ở British Columbia - bị mắc bệnh ghẻ lupus rất hiếm gặp. Cô bé sẽ chết nếu không được ghép thận từ những người thân trong gia đình. Michael đã tình nguyện hiến thận cho em gái mà không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Sau cuộc giải phẫu đó, anh phải trải qua cả năm trời mới hồi phục sức khỏe trở lại. Quả thận là món quà mà Michael đã dành tặng em gái mình. Cảm giác thật tuyệt vời mỗi khi anh nhìn thấy em gái vẫn còn được sống hạnh phúc, vui vẻ trên cõi đời này. Cô bé đã thoát khỏi bàn tay tử thần chỉ trong gang tấc.   Michael là một trong số rất nhiều người hiến tặng nội tạng cho người thân yêu của mình. Bên cạnh đó, còn phải kể đến không ít người sẵn sàng hiến tặng nội tạng cho những người hoàn toàn xa lạ nếu họ có cùng nhóm máu. Trong cuốn “Bowling Alone”, Robert Putnam kể lại một câu chuyện có thật rằng: John Lambert - 64 tuổi - nhân viên bảo vệ đã về hưu của trường Đại học Michigan, suốt 3 năm nằm trong danh sách những người chờ được ghép thận. Andy Boschma - nhân viên kế toán 33 tuổi, nghe kể về tình cảnh của Lambert liền tình nguyện hiến tặng thận. Họ chỉ biết nhau qua liên đoàn bóng bowling. Giữa hai người lại có sự khác biệt về tuổi tác và nghề nghiệp, Boschma da trắng, còn Lambert là người Mỹ gốc Phi. Boschma đã tự nguyện hiến tặng thận đơn giản vì anh muốn giúp Lambert.   Một câu chuyện khác của Jenny Oad - một phụ nữ tràn đầy sức sống ở tuổi 30, cô luôn nghĩ mình sẽ hiến tặng thận cho một ai đó nếu có dịp. Khi phải chứng kiến cái chết của một người bạn thân, cô càng cảm thông hơn với nỗi đau mất mát của người khác. Thế là, cô quyết định không chờ đợi nữa. Cô lên mạng và tìm thấy trang web livingdonorsonline.org. Tại trang web này, cô đọc được lá thư của Mike Fogelman, một người cha 52 tuổi hết lòng yêu quý con cái mình nhưng ông sẽ chết nếu không được thay thận. Sau khi hẹn gặp người đàn ông này, cô đã quyết định hiến thận cho ông. Cuộc giải phẫu diễn ra thành công và Mike may mắn được sống thêm những tháng ngày hạnh phúc bên các con. Quả thận còn lại của Jenny vẫn hoạt động tốt, cô rất vui là mình đã cứu sống được một con người.   Nhiều người tình nguyện sau khi chết sẽ hiến nội tạng của mình cho Trung tâm nghiên cứu y học hay cho những tổ chức ghép nội tạng. Đó là những món quà kỳ diệu – quà tặng của những con người có tấm lòng biết chia sẻ, truyền cho người khác sự sống ngay cả khi mình không còn có mặt trên đời.   CHIA SẺ THỜI GIAN   Thời gian là tài sản vô cùng quý giá. Nếu không biết phân bố thời gian một cách phù hợp, bạn sẽ không phát huy hết được năng lực còn tiềm ẩn của mình. Thậm chí, bạn còn gây ra điều phiền toái cho gia đình, gặp khó khăn trong sự nghiệp và phải đương đầu với những rắc rối tâm lý khác.   Quỹ thời gian của một đời người là hữu hạn. Do đó, khi bạn biết dành thời gian cho người khác nghĩa là bạn đã trao cho họ một quà tặng tuyệt vời. Chia sẻ thời gian với người thân yêu giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, làm cho mối quan hệ trở nên gắn bó sâu sắc chứ không đơn thuần chỉ là sự gắn kết vì trách nhiệm. Đôi khi chỉ cần dành ra một ít thời gian để quan tâm đến người khác, chúng ta có thể tạo nên điều kỳ diệu cho cuộc sống họ. Một lời khuyên của thầy cô giáo có thể thắp sáng cuộc đời của đứa học trò ngỗ nghịch; thái độ quan tâm của một người qua đường có thể níu giữ một người sắp trầm mình tự tử… Cuộc sống có rất nhiều câu chuyện diệu kỳ như vậy. Do đó, chúng ta hãy biết dành thời gian để giúp đỡ, an ủi, hay đơn giản chỉ là ở bên cạnh những người đang cần được giúp đỡ.   Biết cách quản lý quỹ thời gian của mình một cách hợp lý giúp bạn có thêm thời gian để chia sẻ với người khác. Biết bao lần, bạn phải bù đầu với những kế hoạch, những nhiệm vụ, nào là: “Tôi phải đi làm”, “Tôi phải dọn dẹp nhà cửa” rồi “Tôi phải ăn tối”,... Đúng là những sinh hoạt này rất cần thiết, nhưng nếu chỉ biết sử dụng thời gian cho những nhu cầu ấy thì cuộc sống của bạn thật đơn điệu, nghèo nàn! Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của một người tử tù được hoãn thi hành án, bạn sẽ làm gì trong giờ phút ngắn ngủi, quý báu đó? Đây là cách tốt nhất giúp bạn đánh giá việc sử dụng quỹ thời gian của đời mình.   Dù bận rộn đến đâu, bạn cũng nên dành thời gian cho gia đình và những người xung quanh. Điều đó sẽ giúp bạn cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống.   CHIA SẺ TIỀN BẠC   Bên cạnh việc học cách sử dụng thời gian cho ý nghĩa, bạn cũng cần tham khảo thêm làm thế nào để quản lý đồng tiền của mình một cách hợp lý. Rõ ràng, tiền có thể được dùng như một sự chia sẻ rất tuyệt vời. Nhưng để là người hào phóng, bạn cần biết rõ những cảm xúc của mình về tiền bạc cũng như cách quản lý tài chính hiệu quả.   Thái độ của bạn đối với tiền bạc như thế nào? Mỗi người chúng ta đều có những cảm xúc rất phức tạp khi đề cập đến chuyện tiền nong. Những cảm xúc này ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời và chi phối sự lựa chọn của chúng ta trong những vấn đề như chỗ ở, việc làm, và thậm chí là cả cuộc sống hôn nhân. Lần đầu tiên khi Harvey thực hiện buổi thuyết trình về thái độ của mọi người đối với tiền bạc, để mở đầu cho bài thuyết trình, ông yêu cầu tất cả tập trung ngồi thiền trong ít phút, nhắm mắt lại, thư giãn, thở sâu và thử không suy nghĩ gì. Sau hai phút, ông yêu cầu mọi người nhớ lại những ký ức đầu tiên về tiền bạc và những cảm xúc có liên quan đến nó khi họ còn trẻ. Khi Harvey mở mắt ra, ông thấy khuôn mặt nhiều người trở nên dúm dó, đau đớn, sợ hãi, u sầu. Tiếp đó, ông yêu cầu họ nhớ lại những cảm xúc có liên quan đến tiền bạc trong thời gian gần đây. Các khuôn mặt đã dúm dó càng trở nên thê thảm hơn. Dường như mọi người không còn bình tâm thư giãn được nữa.   Harvey yêu cầu mọi người mở mắt ra, lần lượt kể cho nhau nghe những ký ức vừa hiện về trong tâm trí họ. Trong vòng 20 phút, Harvey thấy được rõ những tình cảm mà bấy lâu nay mọi người thường che giấu. Những người này - cũng như hầu hết chúng ta - đều có những cảm xúc bức bối chưa được giải tỏa trong chuyện tiền bạc. Những cảm xúc này hiện diện một cách ngấm ngầm, làm tổn thương tâm hồn, ước mơ và cuộc sống của mỗi người.   Cảm xúc được thể hiện ở mỗi người trong trường hợp này tùy thuộc vào tình hình tài chính của họ. Phần đông, họ đều trải qua những ký ức đau buồn, khó chịu liên quan đến tiền bạc. Một người đàn ông 50 tuổi mô tả ký ức đầu tiên về tiền bằng cách bắt chước giọng người cha giàu có của ông ta: “Tiền không tự dưng mọc trên cây”. Một phụ nữ khác thì nói: “Không có tiền cho những thứ con cần đâu! – Cha mẹ tôi thường nói như thế với tôi”.   Những ký ức buồn này khiến chúng ta không khỏi giật mình. Rõ ràng, từ những năm tháng tuổi thơ, nhiều người đã bị ảnh hưởng không tốt bởi vấn đề tiền bạc, kinh tế.   Vậy còn bạn thì sao? Khi bạn có nhiều tiền, bạn có để ý đến những người chung quanh thiếu tiền không? Bạn có ganh tị với những người giàu có hơn bạn không? Cha mẹ bạn có phung phí tiền mua những thứ mà họ không cần không? Mọi người trong gia đình bạn có tranh giành tiền bạc với nhau không? Tiền bạc làm nảy sinh nhiều cảm xúc rất đáng sợ như sự sợ hãi, giận dữ, tị hiềm hay tham lam. Tốt nhất, bạn nên xem lại thái độ của mình đối với tiền bạc và nhất là đừng để vấn đề này làm mất đi sự hồn nhiên, tươi vui ở trẻ thơ. Sự xung đột về tiền bạc được xem là nguyên nhân số một dẫn đến tình trạng ly hôn ở Bắc Mỹ. Khi chúng ta biết xem lại thái độ của mình đối với đồng tiền, chúng ta sẽ biết điều chỉnh quan hệ với người bạn đời sao cho tốt đẹp hơn. Hãy nhớ rằng hạnh phúc không nằm ở chuyện có thật nhiều tiền. Dù bạn vẫn phải lo lắng về tiền bạc, nhưng hãy tin rằng cuộc sống luôn còn rất nhiều niềm vui, hạnh phúc đang chờ đón mình.   Phân biệt cái mình “muốn” và cái mình “cần” Trong cuộc sống, chẳng bao giờ chúng ta có đủ mọi thứ mình muốn cả. Mà nói đúng ra, những thứ mình muốn nhiều khi không thật sự cần đến, chúng ta muốn đơn giản bởi chúng ta chưa có được chúng, thế thôi! Ngày nay, trong nhiều xã hội giàu có ở phương Tây, tình trạng mắc nợ tín dụng đang ngày càng gia tăng. Nhiều người mải mê chạy theo những thứ mình “muốn” như xe hơi đời mới, máy móc, tiện nghi đắt tiền… để rồi ngập đầu trong đống nợ nần. Vì cố thanh toán những khoản nợ chồng chất nên họ phải lao đầu vào những công việc mà họ chẳng mấy ưa thích, xa rời những công việc đúng đắn, xa rời bạn bè, người thân.   Rõ ràng, nếu có nhiều tiền thì cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn, bạn sẽ giảm được stress và thỏa mãn được nhiều ước muốn xa xỉ của mình. Nhưng không vì thế mà bạn có thể xem kiếm tiền là mục tiêu quan trọng số một của đời mình. Thật nhầm lẫn nếu ai đó cho rằng có tiền là có tất cả! Bạn có biết rằng, những người giàu có nhiều lúc cũng rơi vào tâm trạng buồn khổ hay không? Hãy hình dung, một người có cả địa vị và tiền bạc, nhưng cuộc sống hôn nhân lại căng thẳng, liệu họ có cảm thấy hạnh phúc không? Nếu một triệu phú ở tuổi trung niên mắc phải một căn bệnh vô phương cứu chữa thì liệu tiền bạc có phải là vấn đề để ông ta hãnh diện hay không? Vậy nên trong khi có những người bất chấp tất cả vì tiền bạc thì cũng có rất nhiều người khao khát đánh đổi sự giàu có lấy tình yêu, con cái hạnh phúc, sức khỏe tốt, đời sống vui vẻ.   Tiền không xấu nhưng cũng không tốt. Giống như nước hay lửa vậy, tiền có sức mạnh, nhưng không phải là tất cả, ta cần nước để sống, nhưng nước có thể nhấn chìm ta, làm ta chết đuối. Lửa giữ ấm cho ta, nhưng cũng có thể đốt cháy ta.   Tiền cũng thế thôi, nếu được sử dụng vào mục đích tốt (nuôi sống gia đình, giúp đỡ người khác,...) thì tiền trở nên hữu ích, nhưng nếu sử dụng vào mục đích xấu (khống chế người khác, lao vào những cuộc truy hoan, làm ăn bất chính,…), đó sẽ là những đồng tiền tội lỗi. Tiền cũng là một dạng của năng lượng, khi bạn chia sẻ nó một cách hào phóng vì lợi ích của cộng đồng, bạn sẽ nhận được nhiều hơn, thường ở những dạng khác. Vì khi bạn cho đi, bạn sẽ thu lại gấp nhiều lần những món quà tinh thần, như: lòng biết ơn, sự kính trọng và cả sự thanh thản trong tâm hồn. Ngược lại, nếu chỉ biết khư khư giữ cho mình, chẳng khác nào bạn đang ngăn cản dòng chảy của năng lượng, và rất có thể bạn sẽ trở thành một người đứng bên lề xã hội. Khi mỗi người biết bình tâm suy nghĩ về những điều thật sự cần thiết cho cuộc sống thì tiền và những vật chất khác thường đứng vào hàng thứ yếu.   Mỗi lựa chọn đúng của chúng ta sẽ tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống. Thí dụ, khi bạn mua những cây rau cải được bón phân hữu cơ, thì cũng là cách bạn phản đối rau cải bị phun thuốc trừ sâu. Tương tự, bạn có quyền lựa chọn đầu tư cho những hãng thuốc lá gây ra hàng ngàn cái chết mỗi ngày hoặc bạn quyết tâm đầu tư cho các công ty quan tâm đến sự an sinh của xã hội? Tất cả đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn!   Khi bạn nhận thức được rõ đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn, bạn sẽ có nhiều điều hơn để chia sẻ.   Quản lý đồng tiền   Một trong những món quà có giá trị nhất và bền vững nhất bạn có thể tặng cho mình đó là kỹ năng quản lý tiền bạc hay trình độ hiểu biết về tài chính, bao gồm cả kỹ năng chia sẻ tiền. Để đánh giá sự khôn ngoan về cách quản lý tiền, người ta không quan tâm bạn kiếm được bao nhiêu, mà là bạn giữ được bao nhiêu, bạn chia sẻ bao nhiêu và bạn quản lý nó như thế nào. Tiền bạc cho bạn nhiều sự lựa chọn, nhưng bạn không được phung phí nó. Bạn hãy ghi lại những chi tiêu hàng ngày, việc đó có thể giúp bạn thấy mình đang đi đến đâu. Nếu biết tiêu tiền một cách khôn ngoan, hợp lý, bạn có thể đạt được nhiều điều lớn lao hơn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.   Chia sẻ tiền bạc với người khác cũng là một cách đóng góp thiết thực cho xã hội. Quyên tiền cho các tổ chức địa phương, quốc gia hay quốc tế sẽ giúp những tổ chức này thực thi tốt nhiệm vụ, như cung cấp chỗ ở cho người vô gia cư, mở lớp dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp, bảo vệ môi trường và những loài động vật hoang dã; nghiên cứu các loại thuốc và phương pháp chữa trị bệnh nan y; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật v.v. Hussain – một người bạn của Azim, từng quản lý một tổ chức tín dụng ở Pakistan. Tổ chức này đã cho các cá nhân và gia đình nghèo mượn tiền khởi nghiệp với mục đích giúp họ có vốn làm ăn để nuôi sống gia đình, giữ gìn phẩm giá và không trở thành gánh nặng cho xã hội. Theo cách này, mọi người cùng hưởng lợi. Dù chỉ hoạt động trong khoảng thời gian ngắn nhưng tổ chức này đã có những thành công vượt bậc. Trong sổ sách, tổ chức này đã cho mượn khoảng 10 triệu đô-la. Thống kê cho thấy, số người trả nợ là trên 98 phần trăm, và tỷ lệ thành công của những người vay vốn làm ăn cũng cao. Mô hình này được nhân rộng và đem lại lợi ích cho rất nhiều người. Thật là một món quà tuyệt vời để trao tặng!   CHIA SẺ CÁC KỸ NĂNG   Thường thì bất cứ ai cũng có một sở trường nào đó, và tất nhiên khi làm việc đúng với sở trường thì bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn rất nhiều. Tài năng đó hoặc do bẩm sinh có được hoặc do rèn luyện mà nên. Đây cũng là một món quà bạn có thể chia sẻ với mọi người. Khi còn bé, chúng ta luôn học hỏi từ người khác – từ bạn bè cùng trang lứa đến những người lớn tuổi hơn. Trong giao tiếp, mỗi một trải nghiệm đều nâng cao tầm hiểu biết của chúng ta, hoặc ít ra chúng ta cũng có dịp trao đổi kinh nghiệm với nhau. Việc chia sẻ kỹ năng có thể xem là món quà để ta trả ơn những người đã dạy mình. Chia sẻ kỹ năng cũng là cách thức giúp ta nhận lại nhiều hơn, bởi chia sẻ không có nghĩa là mất đi, ngược lại bạn sẽ có thêm nhiều phát hiện mới lạ từ chính những người xung quanh.   Những kỹ năng bạn có thể chia sẻ với người khác Bạn đừng nghĩ rằng mình không đủ kỹ năng để chia sẻ với người khác. Chỉ cần bạn ham thích hoặc làm giỏi một việc nào đó, bạn vẫn có thể giúp ích cho mọi người. Chẳng hạn: Nếu là cầu thủ bóng đá, bạn có thể làm huấn luyện viên cho đội bóng của con trai mình. Nhờ đó, bạn sẽ có cơ hội gần gũi, thân tình với con hơn và biết đâu bạn đã khơi dậy được niềm đam mê ở con – một cầu thủ giỏi trong tương lai. Nếu biết về kế toán, bạn có thể giúp một tổ chức phi lợi nhuận cách ghi chép sổ sách và khai báo thuế.   Nếu có kỹ năng giao tiếp, bạn có thể tham gia hoạt động xã hội, bằng cách tư vấn cho những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn.   Nếu có kỹ năng lãnh đạo, bạn hãy mạnh dạn phát huy khả năng của mình để mang lại lợi nhuận cho công ty.   Bà Johanna Vondeling - người giúp chúng tôi biên tập quyển sách này đã thổ lộ: “Sau khi đọc bản thảo, dường như có một sức mạnh nào đó thôi thúc tôi thực hiện điều mà tôi đã suy nghĩ từ rất lâu, đó là học khóa đào tạo để trở thành gia sư dạy đọc và viết cho những người mù chữ. Tôi học sắp xong rồi và bây giờ tôi đang mong được gặp các em học sinh đầu tiên của mình. Tôi cảm thấy rất vui về việc này”. Điều đáng quý ở Johanna là bà đã có sẵn những kỹ năng và niềm mơ ước phục vụ người khác, vì vậy chỉ cần một ít động lực thúc đẩy, bà sẽ hết mình thực hiện. Cũng nhờ đó, cả bà và học sinh của bà có cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của lòng nhân ái và những kỹ năng bà từng cố gắng trau dồi.   Bạn có rất nhiều cách để chia sẻ những kỹ năng quý giá của mình. Khi bạn chia sẻ một cách tự nguyện, giá trị của sự chia sẻ càng được nâng cao. Bạn sẽ cảm thấy mình được nhận lại nhiều hơn. Đôi khi, phần thưởng là những thứ hữu hình và có khi phần thưởng lại là những món quà tinh thần vô giá như hạnh phúc, niềm vui, hay sự thư thái trong tâm hồn,… Rèn luyện những kỹ năng để chia sẻ Mới đây, Harvey có dịp tham dự một bữa tiệc ở bãi biển cùng với nhiều gia đình khác. Ông say sưa quan sát lũ trẻ từ 4 - 8 tuổi đang chơi trò xây nhà bằng những mảnh gỗ trôi dạt vào bờ mà chúng nhặt được. Chúng đi lượm từng mảnh gỗ, phân công nhiệm vụ, thiết kế cấu trúc và đắp những bức tượng bằng cát.   Chúng cùng tham gia trò chơi một cách rất hào hứng. Harvey chợt nhận ra một điều, nếu người lớn làm việc với tất cả lòng đam mê, tập trung và sáng tạo như chúng, thế giới này sẽ trở nên khác biệt với biết bao công trình vĩ đại. Điều thật sự gây ấn tượng cho Harvey chính là bọn trẻ đã phát huy nhiều kỹ năng trong trò chơi của chúng, như: làm việc theo nhóm, học hỏi lẫn nhau, phân công và nhận trách nhiệm một cách rõ ràng. Kết quả là chúng đã tạo nên một ngôi nhà nhỏ rất đẹp, đầy tính sáng tạo và rất sinh động. Chúng thực sự hãnh diện về công trình của mình, trong khi cha mẹ của chúng đầy ngỡ ngàng, thích thú!...   Trò chơi giúp trẻ nhỏ phát triển được những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Còn với người lớn, chúng ta lại thường quên mất vì sao và bằng cách nào mình có thêm được nhiều kỹ năng. Không ít người tự cho rằng mình đã già để học hỏi những điều mới mẻ. Không bao giờ là quá muộn - dù ở bất cứ lứa tuổi nào. Mỗi ngày bạn đều có cơ hội nâng cao những kỹ năng sống của mình, dĩ nhiên trong đó có cả kỹ năng biết chia sẻ với người khác.   Có nhiều kỹ năng bạn cần học hỏi để có thể giúp đỡ người khác. Dưới đây là một số kỹ năng được đánh giá cao:   Kỹ năng giao tiếp có hiệu quả. Sự giao tiếp gồm nhiều hình thức: nghe, nói và viết, trong đó quan trọng nhất là “biết lắng nghe”. Kỹ năng này giúp bạn dễ dàng hơn trong việc trao tặng lòng nhân ái, sự hiểu biết và niềm hạnh phúc. Dám nhận trách nhiệm về hành động và phản ứng của mình.   Biết cách học và ứng dụng việc học vào cuộc sống hàng ngày.   Biết cách giải quyết xung đột theo tinh thần tích cực và xây dựng.   Biết cách quản lý tiền bạc, tiêu xài trong phạm vi mình kiếm được, để có đủ cho gia đình, cho bản thân và cho mục đích từ thiện.   Biết dành thời gian để tĩnh tâm và nhìn lại mình, từ đó nhận thức được nhược điểm và những xúc cảm của bản thân. Đây là kỹ năng cần thiết để bạn có thể thể hiện được lòng nhân ái, biết cảm thông, quan tâm đến bản thân và người khác.   Muốn tạo nên sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của người khác, bạn cần phải tìm được cách thức phù hợp, tiếp đó hãy vận dụng kỹ năng và lòng nhiệt tâm của bạn. Càng biết học hỏi và rèn luyện những kỹ năng mới, bạn càng có thể chia sẻ với người khác nhiều hơn.   CHIA SẺ THÓI QUEN GIỮ GÌN SỨC KHỎE   Một trong những quà tặng quý giá nhất mà bạn có thể tặng cho bản thân và cho những người bạn yêu quý, đó là ý thức giữ gìn sức khỏe. Thực hiện lối sống điều độ, tích cực, có thói quen ăn thực phẩm đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục mỗi ngày, không hút thuốc, không uống rượu. Đó là những thói quen tốt bạn nên giữ cho mình và dạy bảo con cái.   Cơ thể con người chúng ta là một hệ thống rất phức tạp. Nếu bạn chỉ có những biện pháp để giữ gìn sức khỏe trong từng giai đoạn, từng độ tuổi thôi thì chưa đủ, mà bạn cần có những biện pháp mang tính lâu dài. Con người khi về già là lúc tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vốn sống và hiểu biết nhất, nhưng đó cũng là lúc tình trạng sức khỏe bị sa sút trầm trọng. Rất nhiều người cao tuổi phải chịu những đau đớn về thể xác do sức yếu, bệnh tật hành hạ.   Chỉ khi nào khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, bạn mới có sự minh mẫn trong công việc, và một tinh thần sảng khoái, nhờ đó bạn mới dễ dàng cảm thông và có sức chịu đựng tốt hơn. Vì vậy, biết giữ gìn sức khỏe của bản thân cũng là một cách để chia sẻ với người khác.   ÂU YẾM TRẺ NHỎ   Bạn nên trao tặng con cái món quà gì để nuôi dưỡng lòng nhân ái, tình thương yêu trong chúng, đồng thời khiến chúng sống hòa đồng, thân ái với mọi người? Tiến sĩ Tiffany Field - chuyên gia về tâm lý học phát triển và là giáo sư về nhi khoa - cho rằng quà tặng giản dị nhất đó chính là sự âu yếm. Sau khi quan sát kỹ các bé ở lứa tuổi chưa đi học chơi trong sân và những bé đi cùng cha mẹ ở nhà hàng McDonald ás tại Paris và Miami, Tiến sĩ Field và các đồng nghiệp của bà nhận thấy: các bà mẹ người Pháp thường xuyên âu yếm con cái mình hơn so với các bà mẹ người Mỹ. Tiến sĩ Field cũng nhận thấy, thanh thiếu niên Pháp ở tiệm bánh McDonald ás âu yếm nhau nhiều hơn so với bạn đồng trang lứa ở Mỹ. Thật ra, thanh thiếu niên Mỹ tự âu yếm mình nhiều hơn, chẳng hạn thiếu nữ thường thích tự chải chuốt, vuốt ve mái tóc của mình. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện, trẻ em Pháp ở các sân chơi ít hung hăng hơn trẻ em Mỹ. So với các bạn cùng trang lứa ở Mỹ, thanh thiếu niên Pháp ít cộc tính hơn. Thống kê cho thấy rằng, mức độ bạo lực của trẻ em ở Mỹ cực kỳ cao. Phải chăng thiếu thốn sự âu yếm là một trong những lý do hình thành cá tính này của thanh niên Mỹ? Con người ở lứa tuổi nào cũng cần được âu yếm, được ôm, được hôn và được yêu thương. Một vòng tay dịu dàng dành cho ai đó khi người ta đang phải trải qua những nỗi đau tinh thần, một nụ hôn sẻ chia dành cho đứa trẻ bất hạnh, thương tật… chắc chắn sẽ là những món quà tinh thần vô giá.   Có thể bạn đã nghe nói về những đứa trẻ ở trại mồ côi ở Romania, từ nhỏ đến lớn chúng chưa hề được người lớn ẵm bồng, hôn hít hay âu yếm. Khi trưởng thành, nhiều đứa không thể hội nhập được với xã hội. Chúng luôn gặp khó khăn trong việc giao tiếp với người khác, bởi chúng không được quan tâm chăm sóc, âu yếm ngay từ thời thơ ấu như những đứa trẻ bình thường khác.   Tiến sĩ Field cho biết: “Chúng tôi chứng minh được rõ ràng sự âu yếm cũng quan trọng như chế độ ăn uống và tập thể dục trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Tôi muốn các bậc cha mẹ nên thường xuyên âu yếm các con ngay từ lúc chúng mới sinh ra. Tất cả chúng ta đều cần đến liều thuốc tình cảm này”. Bà cũng nhắc nhở thêm, ngay cả thanh thiếu niên cũng thích được xoa đầu và vuốt lưng. Sự âu yếm có tác dụng tốt cho tất cả mọi người. Hãy nhớ rằng mọi người đều có cảm giác như bạn vậy!   QUAN TÂM ÂN CẦN   Một trong những quà tặng tuyệt vời khác mà bạn có thể chia sẻ là sự quan tâm chăm sóc, sự tôn trọng, thể hiện qua thái độ biết lắng nghe một cách tích cực. Đó là kiểu lắng nghe không chỉ bằng tai mà còn bằng ánh mắt, bằng cả tấm lòng và cả sự lưu tâm trọn vẹn. Muốn chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, người bác sĩ trước tiên phải biết lắng nghe kỹ càng về bệnh trạng của bệnh nhân để chẩn đoán đúng bệnh trước khi kê đơn thuốc. Khi lắng nghe, hãy tạm quên đi những gì mình định nói để có thể nghe một cách đầy đủ, trọn vẹn hơn.   Tạo cho người khác có cơ hội bày tỏ tâm tư tình cảm của mình, ân cần lắng nghe họ là một hình thức chia sẻ tuyệt vời. Khi bạn học được cách lắng nghe người khác, bạn mới có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp, có ảnh hưởng mạnh mẽ, tích cực đối với họ.   CHIA SẺ NHỮNG LỜI KHUYÊN   Nếu để ý bạn sẽ thấy mọi sinh vật đều có những lời khuyên cho đồng loại của mình. Chẳng hạn, kangaroo mẹ dạy cho kangaroo con cách nhảy, cách ăn và cách ẩn nấp, thậm chí cả cách làm thế nào để sống sót và sinh sản thêm nhiều kangaroo con. Mỗi loài động vật có một cách thức khác nhau dạy cho con cái mình, nhằm bảo đảm cho sự duy trì nòi giống.   Cuộc sống của con người cũng vậy. Chúng ta có thể trao tặng lời khuyên và cũng rất cần được đón nhận lời khuyên từ người khác. Khi chúng ta đưa ra lời khuyên, chia sẻ cảm xúc hay quan điểm, đó là dấu hiệu của sự quan tâm và lòng yêu thương dành cho nhau. Lời khuyên có thể chứa sức mạnh và lòng nhân ái giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng lời khuyên cũng có thể làm cho chúng ta lầm đường lạc lối, bị tổn thương và hiểu sai lệch. Do vậy, mỗi khi khuyên nhủ ai đó, hãy luôn tự hỏi xem lời khuyên của mình có đúng đắn hay không.   Hầu hết mọi người đều thích đưa ra lời khuyên. Thế nhưng, chúng ta cũng cần học cách đón nhận lời khuyên. Bất cứ ai cũng có thể suy nghĩ rất chủ quan về những điều xảy ra quanh mình. Chúng ta thường giải quyết các tình huống theo kinh nghiệm riêng, suy nghĩ riêng, hoàn cảnh riêng và theo những mong muốn riêng tư của bản thân mình. Do đó, khi đưa ra lời khuyên, bạn cần biết chăm chú lắng nghe và cân nhắc kỹ lưỡng bản chất của sự việc. Hãy dựa vào những kinh nghiệm từ cuộc sống để đưa ra những quyết định đúng đắn hơn, hài hòa hơn.   Nếu nhìn lại đời mình, bạn sẽ thấy có nhiều người mà lời khuyên của họ đã góp phần làm nên sự thay đổi cuộc đời bạn, như quyết định nghề nghiệp, cách nuôi dạy con cái, nơi sinh sống hoặc chọn lựa cho mình một lĩnh vực học vấn chuyên sâu nào đó. Từ lời khuyên này, bạn đã mang ơn và xem họ như người dìu dắt đời mình, như bạn bè thân thiết hay đơn giản hơn - như những người bạn đáng quý.   Thật là khó để đánh giá khách quan về giá trị và sự hữu ích của những lời khuyên mà bạn dành cho người khác. Bên cạnh đó, làm thế nào để biết được lời khuyên người khác dành cho bạn có đáng giá hay không?   Trước tiên, bạn phải đánh giá kinh nghiệm sống của người đưa ra lời khuyên. Họ có kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết gì đặc biệt không? Tránh hoài nghi, giễu cợt, hãy kiểm tra động cơ của họ và cân nhắc xem lời khuyên đó có tốt cho bạn không.   Thứ hai, nếu lần nào đó bạn bắt gặp mình tự nhủ: “Đó là những gì tôi nên làm”, thì bạn có thể đoán rằng, thực ra bạn sẽ không thực hiện điều đó. Tiềm thức bạn không muốn thay đổi, cho dù điều đó có thể làm giảm đi nỗi buồn hay tăng thêm niềm vui cho bạn. Điều này cũng giống như việc khi bạn cho ai đó một lời khuyên hữu ích giúp họ vượt qua khó khăn trở ngại, nắm bắt được những cơ hội, hoặc thắt chặt thêm các mối quan hệ – nhưng rồi họ lại bỏ ngoài tai lời khuyên ấy, sau khi đáp lại bạn rằng: “Vâng, đó là lời đề nghị rất hay. Đó là điều tôi nên làm”. Trong ngôn ngữ, “nên” là một từ hạn định, nó cũng tương đương với cách nói: “Tôi sẽ không làm điều đó, mặc dù đó là điều có ích”. Bạn có thể thấy sắc thái ý nghĩa này trong những câu sau:   “Tôi nên kết thúc mối quan hệ này.” “Tôi nên đọc nhiều hơn.” “Tôi nên rời bỏ công việc này.” Còn đây là những điều “không nên”: “Tôi biết là tôi không nên uống rượu.” “Đừng nên tiêu phí số tiền đó.” “Đừng nên ăn thêm nhiều món tráng miệng.”   Nếu để ý, bạn sẽ thấy các câu “nên” và “không nên” thường có từ “nhưng” đi kèm theo. Khi người ta thốt lên chữ “nhưng” thì sâu thẳm trong tâm hồn họ đang muốn tranh luận lại vấn đề. Họ phủ nhận, vô hiệu hóa phần đầu của câu nói, kiểu như: “Tôi yêu bạn nhưng ...” “Bạn không lên cân nhiều nhưng ...” “Tôi muốn bỏ thuốc nhưng ...”   Khi bạn đưa ra lời khuyên về vấn đề có liên quan đến tình cảm, bạn phải cẩn thận về tính nhạy cảm của vấn đề. Từ ngôn ngữ bạn dùng cho đến những cử chỉ và giọng điệu bạn diễn tả đều rất quan trọng. Hãy dùng những câu như “Tôi cảm thấy rằng …”, thay vì nói “Bạn cần phải …” hoặc “Bạn nên …”. Điều này khiến người khác sẵn sàng lắng nghe những gì bạn sắp nói và khả năng họ làm theo lời khuyên của bạn sẽ cao hơn. Tất nhiên, để tăng thêm hiệu quả của lời khuyên cũng như để có được lòng tin ở người khác, bạn phải sống sao cho phù hợp với những gì bạn nói. Việc nâng cao kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn thực hiện tốt lời khuyên cũng như đưa ra lời khuyên thiết thực để người khác nghe theo. Bạn sẽ tạo ra nhiều tác động nếu bạn hiểu được tính dễ xúc động cũng như sự nhạy cảm của người khác, về nền tảng học vấn, về sự giáo dục hay về văn hóa của họ...   Bí quyết để chia sẻ lời khuyên hữu ích đó là: bạn phải hiểu được hoàn cảnh, động cơ và cảm xúc của người mà bạn đang cho lời khuyên. Có như vậy, lời khuyên của bạn mới có tác dụng và được coi trọng.   CÂN BẰNG CUỘC SỐNG BẢN THÂN   Cân bằng cơ thể, tâm trí và tâm hồn dường như là một trong những điều mà chúng ta khó đạt được nhất ở thế kỉ 21 này. Khi bản thân bạn sống cân bằng, bạn sẽ có nhu cầu chia sẻ với người khác bằng cả tấm lòng. Và quan trọng nhất, sự cân bằng giúp tâm hồn bạn được bình yên, bạn sẽ biết cân nhắc chia sẻ như thế nào để điều đó thực sự là cần thiết với người khác mà không quá sức mình. Nếu bạn cho đi quá nhiều như thể đang phải dốc cạn tất cả tiềm lực của bản thân, thì chẳng bao lâu khả năng chia sẻ của bạn sẽ bị giảm sút. Khi những điều tốt đẹp nơi sâu thẳm tâm hồn bị kiệt quệ, không được bồi đắp trong một thời gian dài, bạn sẽ không còn khả năng cho đi.   Sự cân bằng trong tâm hồn mỗi người không giống nhau. Có những lúc bạn sẽ cảm thấy mất cân bằng khi khởi đầu công việc mới, khi sức khỏe bị suy sụp hay lúc bạn có con… Những lúc ấy, bạn nên xem lại sự chia sẻ có vừa sức với bạn không để đảm bảo bước tiến của bạn được quân bình hơn.   Phấn đấu đạt được sự cân bằng sẽ giúp bạn tạo dựng được hạnh phúc cho riêng mình. Sự cân bằng tuyệt đối là điều hầu như không thể. Tuy nhiên, nhận thức được lợi ích của sự cân bằng, bạn sẽ tránh được những nguy cơ mệt mỏi tinh thần, tiêu hao sinh lực và sự khô héo trong tâm hồn.   Để tiến gần hơn đến sự cân bằng, bạn nên quan tâm đến những điều ưu tiên trong cuộc sống, biết nghĩ đến cái lâu dài, biết đặt mục tiêu chính cho cuộc đời mình và những điều bạn muốn đạt được trong tương lai. Đôi khi, những lựa chọn của bạn thoạt nhìn có vẻ như trái ngược nhau, nhưng chúng có tác động qua lại với nhau để giữ cho cuộc sống của bạn được cân bằng. Đi tìm sự cân bằng thật ra là bạn đang dàn xếp một cách ổn thỏa giữa sự nghiệp, gia đình, sức khỏe, việc nâng cao tâm hồn, quản lý tài chính và những mối tương quan khác trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc xác định điều mình ưu tiên trong cuộc sống, dựa trên mục tiêu và ước mơ kết hợp với kỹ năng quản lý thời gian thích hợp, sẽ đưa bạn đến cuộc sống cân bằng và vui vẻ.   Đối với việc chia sẻ, bạn cũng nên lựa chọn những hình thức chia sẻ có ích và phù hợp với bản thân. Bí quyết ở đây là bạn hãy đánh giá cho đúng về những gì bạn có khả năng chia sẻ và chia sẻ như thế nào để phù hợp với mục tiêu, năng lực và ước mơ của riêng bạn.   NHỮNG ĐIỀU SUY NGẪM   1. Mỗi người đều có thể chia sẻ một thứ gì đó. Ngay cả khi bạn không thể chia sẻ tiền bạc, vật chất, thì bạn vẫn có thể chia sẻ thời gian, kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng, khả năng lãnh đạo, sự quan tâm, sự âu yếm, lời khuyên, niềm hy vọng, tiếng cười, tình yêu thương… Trong đó, tình yêu thương là món quà tuyệt vời nhất vượt qua mọi biên giới, văn hóa và tôn giáo.   2. Bất cứ ai may mắn có được kiến thức và sự hiểu biết, đều có bổn phận chia sẻ những quà tặng vô giá này với người khác.   3. Thời gian và tiền bạc là hai món quà quý giá trong cuộc sống. Vì vậy, hãy chia sẻ càng nhiều càng tốt.   4. Nếu bạn giúp cho ai đó có được kỹ năng chia sẻ, tức là bạn đã trao cho họ một phương tiện quan trọng để sống.   5. Sự âu yếm là nhu cầu cơ bản của con người.   6. Nâng cao kỹ năng giao tiếp sẽ có lợi cho bạn và những người mà bạn quan tâm.   7. Biết lắng nghe người khác, bạn sẽ hình thành được những mối quan hệ thân tình.   8. Hãy cho đi những gì bạn cần nhất để trải nghiệm được giá trị thật sự của sự chia sẻ.   9. Hướng về sự cân bằng để nhận ra chân giá trị cuộc sống và yêu quý từng khoảnh khắc của sự chia sẻ.

CHƯƠNG 3: NHỮNG NGƯỜI CẦN CHIA SẺ

Chúng tôi hy vọng sau khi đọc xong chương 2, bạn đã nhận ra rằng mình cũng có nhiều tiềm năng để chia sẻ với người khác. Bạn sẽ suy nghĩ kỹ năng nào mình có và kỹ năng nào cần phát triển, cân nhắc bạn muốn giúp ai, giúp tổ chức từ thiện nào. Trong chương này, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn cách quản lý thời gian, tiền bạc, kiến thức, sự khôn ngoan, kỹ năng và lòng yêu thương, từ đó bạn có thể lựa chọn người và nơi thích hợp để chia sẻ. Chúng tôi sẽ giải thích và minh họa về những đối tượng mà bạn cần chia sẻ

  • Bản thân mình
  • Gia đình
  • Cộng đồng
  • Tổ chức từ thiện phi lợi nhuận
  • Cả thế giới

HÃY BẮT ĐẦU TỪ BẢN THÂN MÌNH   Ngạn ngữ có câu “Lòng nhân ái bắt đầu từ ngôi nhà mình”. Đáng buồn thay, nhiều người thường xem đây là cái cớ để trở thành người ích kỷ. Chúng tôi cho rằng, câu ngạn ngữ trên mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Theo ý nghĩa trong sáng nhất, lòng nhân ái là tình yêu. Cụm từ “từ ngôi nhà mình” có nghĩa là “hãy bắt đầu lòng nhân ái với chính bản thân mình”. Chỉ khi nào bạn khoan dung, độ lượng với bản thân, biết quan tâm đúng mức bản thân và cảm thấy hài lòng với chính mình, thì khi đó bạn mới có thể cảm nhận được những niềm vui từ bên ngoài. Nhờ đó bạn sẽ vui vẻ hơn, làm việc tốt hơn và luôn sẵn lòng quan tâm, chia sẻ với người khác.   “Cho” đã khó, nhưng “nhận” lại càng khó hơn. Do đó, chúng tôi mong rằng, mọi người cần học cách Cho và Nhận. Joy – cô ca sĩ bạn của tôi, tâm sự rằng: “Bây giờ tôi mới thấu hiểu cho và nhận là một hành động mang tính trọn vẹn. Cho mà không nhận hay ngược lại nhận mà không cho thì thiếu sự trung thực và tính toàn vẹn. Chúng như là hai mặt của một vấn đề. Vậy mà trước đây, tôi cảm thấy rất khó khăn để thực hiện đầy đủ chu trình này khi nhận được quá nhiều từ khán giả. Lúc hát xong, tôi cảm thấy không thoải mái khi đứng trên sân khấu để nhận những tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn ngăn họ lại và lẩn vào phía sau sân khấu thật nhanh. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu rằng, khán giả cần vỗ tay để tán thưởng những gì họ vừa nhận được. Vì vậy tôi có đủ can đảm để đứng chờ cho đến khi tiếng vỗ tay dứt hẳn mới lui vào hậu trường”.   Một vài người cảm thấy rất khó khăn khi đón nhận một điều gì đó, thậm chí chỉ là lời khen tặng đơn giản, dễ thương. Tôi chọc ghẹo cô bạn của tôi rằng, những lời khen ngợi đó đã dính chặt vào đời cô như hình với bóng rồi! Đúng vậy, “cho và nhận” là cả một chu trình yêu thương trọn vẹn.   Lắng nghe tiếng nói bản thân   Đã bao nhiêu lần, từ trong sâu thẳm tâm hồn, bạn nhận thấy mình đang đi sai đường? Dường như có hai con người khác nhau cùng tồn tại trong bản thân bạn: một người đang tranh luận với bạn, hướng dẫn bạn đi đúng đường, còn người kia không chịu lắng nghe, lớn tiếng biện minh cho bạn đi theo con đường sai. Trong trường hợp này, bạn rất cần những giây phút tĩnh lặng để nhìn lại mình, suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc sống, về những gì mình đã làm, con đường mình đang chọn lựa... Từ đó, bạn sẽ có những cảm nhận mới, những thay đổi, điều chỉnh cần thiết cho cuộc sống của chính mình.   Chúng ta cần viết nhật ký đều đặn mỗi ngày để tạo thói quen tự nhìn lại mình, lắng nghe tiếng nói của bản thân. Sống một cuộc đời bình dị, mỗi ngày đều có những phút giây tĩnh tâm – là lối sống rất cần cho mỗi chúng ta. Chỉ với sự tĩnh tâm này, bạn mới có thể nhận ra được điều gì là tốt nhất cho bản thân, để biết cách tự điều chỉnh mình. Nhờ đó, trong mọi tình huống, dù là tình huống tồi tệ nhất, bạn vẫn luôn tìm được câu trả lời, tìm được sự cân bằng cho tâm hồn mình.   Theo nhà văn Joan Borysenko, thiền là bí quyết để đạt được sự tĩnh tâm, qua đó sự nhạy cảm và trực giác sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp thích hợp. Cách đơn giản nhất để thiền là ngồi yên, thư giãn ở nơi hoàn toàn yên tĩnh, cảm nhận được sự phập phồng của từng hơi thở. Cho dù hiệu quả như thế nào, thiền giúp bạn thật sự trầm tĩnh và nhìn lại những gì mình đã làm, xác định những điều mình cần làm tiếp theo.   Ai đó từng nói rằng: “Lắng nghe bản thân, xác định được bạn là ai là một điều hoàn toàn không đơn giản. Nhưng trong giây phút tĩnh lặng, bạn bắt đầu nhận thức được dòng chảy tâm hồn mình. Từ đó bạn sẽ có những cách điều chỉnh hoặc thay đổi thái độ sống cho thích hợp hơn”.   Thiền cũng giống nhiều hình thức tĩnh tâm khác, đòi hỏi thời gian, sự quyết tâm và luyện tập. Nghiên cứu khoa học cho thấy, thiền là cách đơn giản nhất để thư giãn, hình thành hệ thống miễn nhiễm và nâng cao cách nhìn về cuộc sống.   Quan tâm đến mình   Nhiều người nghiêm khắc với bản thân họ còn hơn cả đối với người khác, thậm chí hơn cả người họ không thích. Có một thời gian, Harvey không thể dành được một chút thời gian nào cho bản thân mình để nghỉ ngơi, bởi anh là một thanh niên được sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc giáo bảo thủ. Và đối với những người thanh niên phải lớn lên trong gia đình khắt khe như vậy, thật khó để sống một cách dễ dãi với chính bản thân mình.   Thế nhưng, khi Harvey xem bộ phim tài liệu nhiều kỳ của đạo diễn Michael Apted thì mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Bộ phim này có những tựa đề tuần tự là: ,“Từ tuổi 7”, “Từ tuổi 14”, “Từ tuổi 21”, v.v. Đạo diễn Michael Apted đã dõi theo cuộc sống của 14 người sinh sống ở Anh, bắt đầu từ khi họ 7 tuổi. Cứ cách 7 năm, ông lại đến thăm họ một lần để tiếp tục quay phim ở lứa tuổi tiếp theo. Bộ phim đã thật sự gây sốc về những mảnh đời được mô tả: tương lai của những nhân vật trong phim được xác định vào thời điểm họ 7 tuổi. Vào một đêm, Harvey đã kể lại nội dung bộ phim này cho bạn bè nghe, rồi hỏi về ước mơ nghề nghiệp khi họ 7 tuổi. Eve muốn trở thành nhà văn, còn Alan muốn trở thành một họa sĩ. Hiện tại, Eve đang là nhà văn, còn Alan là kiến trúc sư.   Khi họ hỏi lại hồi đó Harvey muốn làm gì, ông phải suy nghĩ trong giây lát. Rồi đột nhiên, như có một tia sáng lóe lên trong đầu, ông nhớ ra:“khi lên 7, tôi muốn trở thành kẻ chết vì đạo, hy sinh đời mình cho người khác”. Bạn thử đoán xem, Harvey đã dành 35 năm sau để cố gắng làm những việc gì? Chính là công việc từ thiện và chia sẻ với mọi người!   Ông đã chia sẻ lòng nhân ái và hy sinh cho người khác đến nỗi quên cả bản thân mình. Nhưng khoảng 10 năm gần đây, ông bắt đầu có sự thay đổi về thái độ sống. Ông nói: “Bạn bè thường khuyên tôi nên quan tâm đến bản thân. Còn với tôi, hy sinh một cách trọn vẹn chẳng có gì là xấu cả. Nếu tôi có hy sinh cả đời mình cho vợ, cho con, tôi cũng không hối tiếc. Hầu hết chúng ta đều như vậy cả thôi”. Nhưng nếu bạn dùng cả đời mình để hy sinh một cách mù quáng, bạn sẽ không còn thời gian quan tâm đến mình. Bạn từ bỏ mọi nhu cầu bản thân để chia sẻ với người khác, nhưng rốt cuộc sự chia sẻ này không mang lại kết quả như bạn mong muốn. Hứng thú của bạn rồi sẽ giảm đi, lòng nhiệt tình nguội dần, tâm hồn trở nên héo úa, và bạn không còn muốn chia sẻ nữa. Thế nên bạn cần nhận thức được nhu cầu của người khác để cho đi, nhưng cũng không được quên nhu cầu về tinh thần và vật chất của chính bản thân mình. Biết quan tâm đến bản thân cũng là một bí quyết để tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống của bạn.   Khi biết để ý và đáp ứng những nhu cầu của bản thân, cũng là lúc chúng ta biết yêu chính mình. Nếu cảm thấy chán nản, bi quan và luôn mệt mỏi, bạn sẽ không thể chăm sóc người khác. Quan tâm chăm sóc đến mình, cũng có nghĩa là quan tâm chăm sóc đến người khác, và điều đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn dễ chịu hơn.   Hãy chăm sóc sức khỏe, rèn luyện kỹ năng, củng cố các mối quan hệ thân tình, bạn sẽ cảm thấy mình được quan tâm đúng mức và hài lòng với bản thân. Lúc đó bạn luôn sẵn lòng chia sẻ yêu thương với những người khác.   Học hỏi qua những trở ngại, khó khăn   Chấp nhận sự thật đắng cay là bước đầu tiên để can đảm đứng lên, tự sửa chữa sai lầm và vượt lên chính mình. Khi bạn đối mặt với khó khăn, chẳng hạn: những căng thẳng ở cơ quan, lo lắng cho gia đình, hay những thói quen không tốt như nghiện rượu, nghiện hút, mà biết tự sửa chữa và vượt qua – lúc đó bạn đang trao tặng những người bạn yêu thương và cộng đồng một quà tặng quý giá.   Thí dụ, một số người nghiện rượu thú nhận rằng họ cảm thấy bất lực vì không thể từ bỏ rượu nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng. Thừa nhận nhược điểm là bước đầu tiên để bạn chấp nhận lòng nhân ái, sự cảm thông và hiểu biết của người khác dành cho bạn. Tuy nhiên, thừa nhận nhược điểm của mình không phải là điều dễ dàng, nhưng đây chính là điểm khởi đầu cho một sự thay đổi tích cực. Nếu bạn khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn thì bạn sẽ có điều kiện giúp đỡ mọi người nhiều hơn.   Khi Harvey 36 tuổi, anh từng rơi vào tình trạng suy sụp, dường như không thể gắng gượng được nữa. Người mẹ yêu quý của Harvey vừa mới qua đời vì bệnh ung thư. Anh phải từ bỏ công việc 70 tiếng một tuần mà anh yêu thích và gắn bó hơn 10 năm qua. Phải đối diện với cuộc sống độc thân, thất nghiệp, kiệt sức, lại xa người cha đáng kính hơn 3000 dặm… Tất cả khiến lòng dạ Harvey thêm rối bời.   Khi nhớ lại, Harvey nói rằng, đó là giai đoạn khủng hoảng nhất trong đời mình và có lẽ nhiều người cũng đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Anh đã giúp đỡ, chia sẻ hết mình với người khác đến nỗi quên cả bản thân. Nhưng rồi, do bản năng sinh tồn, anh bắt đầu biết quan tâm đến sức khỏe của mình. Anh hiểu ra rằng, chỉ khi có sức khỏe anh mới có thể tiếp tục chia sẻ với người khác được. Sau đó, anh quyết định làm việc bán thời gian trong vòng 6 tháng, đồng thời cắt giảm mọi chi tiêu không cần thiết. Bây giờ sau 14 năm, Harvey vui mừng nhận ra anh đã có được cuộc sống cân bằng, có những việc làm đầy ý nghĩa và có một gia đình tuyệt vời. Hồi tưởng lại những ngày đã qua, anh nhận ra rằng, muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp với người khác thì chúng ta phải biết sống hòa hợp với chính bản thân mình.   CHIA SẺ VỚI GIA ĐÌNH   Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới ngày càng văn minh, tốt đẹp được. Do đó, bạn phải học cách chia sẻ trong gia đình, thường xuyên bày tỏ tình yêu thương và cảm xúc với những người thân trong gia đình. Khi bạn biết chia sẻ lòng nhân ái trong gia đình, bạn mới có thể trải lòng mình với những người bạn gặp trong cuộc sống.   Là cha mẹ, thay vì chỉ dạy dỗ con cái mình bằng lời nói, ta hãy tự bắt tay vào làm những điều đó, các con sẽ biết học hỏi và noi gương những việc tốt ta đã làm.   Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ luôn dạy bảo những điều tốt đẹp là một điều may mắn và hạnh phúc của mỗi người. Rất nhiều người không có được may mắn đó, nhưng dù như thế, họ vẫn dành tình yêu cho cha mẹ, anh chị em và con cái mình.   Giống như nhiều thứ quan trọng khác trong cuộc sống, được yêu thương là điều mà mọi người đều mong muốn, nhưng tình yêu thương không phải dễ dàng có được. Như một quy luật tất yếu của cuộc sống, điều gì quý giá bao giờ cũng hiếm hoi. Giải quyết những bất đồng trong các mối quan hệ là việc vô cùng khó khăn, nhưng nếu làm được, cuộc sống của bạn sẽ trở nên vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều.   Với bạn, hạnh phúc gia đình có phải là điều ưu tiên số một hay không? Bạn có sẵn sàng yêu thương vô điều kiện? Bạn có chủ động trong việc giải quyết những mâu thuẫn và làm dịu đi nỗi đau trong gia đình? Nếu những câu trả lời của bạn là có, hãy bắt đầu bằng cách thay đổi bản thân trước. Có như thế, bạn mới thay đổi được gia đình mình và thay đổi cả thế giới.

CHƯƠNG 4: HỌC CÁCH CHIA SẺ

Bây giờ chúng ta bắt đầu tìm câu trả lời cho những vấn đề cụ thể, thực tế như: chia sẻ như thế nào, chia sẻ khi nào, chia sẻ ở đâu (cơ sở từ thiện hoặc cơ quan tổ chức nào) và chia sẻ bao nhiêu?   Trước hết, sự chia sẻ phải xuất phát từ trái tim, động lực của sự chia sẻ nằm ở sự tự nguyện, chứ không phải ở việc chờ đợi người khác trả ơn. Khi chia sẻ, đừng bao giờ có sự toan tính thiệt hơn. Rất nhiều người trong chúng ta đã dám chia sẻ, giúp đỡ người khác ngay cả khi bản thân mình đang gặp rắc rối, đang phải đương đầu với gian khổ và thử thách. Nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn vẫn tìm được nơi thích hợp nhất để chia sẻ thời gian, tiền bạc, kỹ năng, niềm an ủi, hay những tiềm lực khác.   Bạn sẽ có nhiều thứ để chia sẻ nếu bạn đang mong mỏi tìm thấy sự cân bằng và niềm vui giản dị trong cuộc sống. Đó là sự cân bằng giữa cho và nhận. Chúng ta hãy chia sẻ với mọi người, với gia đình và bản thân. Hãy chia sẻ với cộng đồng, địa phương và cùng nhau giải quyết những khó khăn, thách thức của toàn cầu.   CHIA SẺ NHƯ THẾ NÀO?   Nếu tay bạn lúc nào cũng đút sâu vào trong túi, bạn sẽ không thể nào bắt tay người khác, không thể dang tay ôm ai đó vào lòng, hay không thể bày tỏ những cảm xúc của tình yêu thương… Và bạn sẽ không thể lớn lên thành người - chừng nào bạn chưa học được cách rút bàn tay ra khỏi chiếc túi ích kỷ của mình. Chỉ khi nào đôi tay bạn dám cầm một khoản tiền để giúp đỡ một đứa trẻ mồ côi, giúp bảo vệ môi trường hoặc mang tình yêu thương đến cho nhân loại, thì khi đó, bạn mới thực sự hiểu được giá trị của sự chia sẻ.   Sự chia sẻ dưới bất kỳ hình thức nào cũng tốt hơn là chẳng bao giờ chia sẻ một cái gì. Đặc biệt, khi sự chia sẻ xuất phát từ tình yêu thương thật sự thì ý nghĩa của nó sẽ cao đẹp hơn rất nhiều. Người nhận cảm nhận được tình cảm chân thành, sâu sắc từ một trái tim rộng mở. Kahlil Gibran – một nhà thơ, đồng thời cũng là nhà triết học – từng nói: “Người có trái tim rộng mở sẽ luôn bất tử trong trái tim mọi người”. Chính vì vậy, hãy cố gắng để tiếng nói từ sâu thẳm trái tim bạn trở thành ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn người khác! Hãy mở lòng với mọi người chung quanh! Mỗi khi bạn lạc quan vui vẻ, hãy sẵn sàng bày tỏ tình cảm yêu thương, bạn sẽ tạo thêm được nhiều gương mặt tươi cười ở quanh mình. Những hơi ấm hạnh phúc sẽ tiếp tục có sức lan tỏa, khiến người khác cảm nhận được niềm hạnh phúc giản dị của cuộc sống. Và để có thể làm được như thế, đôi khi, chỉ một nụ cười của bạn cũng đủ!   Chia sẻ của cải vật chất là điều tốt. Tuy nhiên, khi chia sẻ thêm cả những giá trị tinh thần của mình, bạn sẽ tạo nên nhiều tác động sâu sắc hơn đối với người khác. Món quà vật chất chỉ có giá trị tạm thời và trước mắt. Nhưng những quà tặng tinh thần như sự quan tâm, an ủi đến những người xung quanh, hoặc đơn giản chỉ là ở bên cạnh họ mỗi khi họ cần, sẽ tạo nên tình yêu thương. Lòng tốt trong sự chia sẻ sẽ có giá trị vĩnh hằng.   Tất cả chúng ta đều có năng lực chia sẻ rất lớn. Sự chia sẻ trở nên có ý nghĩa hơn nhờ vào tình cảm chân thành của chúng ta. Chính điều này sẽ được người nhận hết sức trân trọng và cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự. Từ đó, chúng ta không những có thể chia sẻ được nhiều hơn mà còn phát hiện ra nhiều khía cạnh mới mẻ khác của cuộc sống.   Hãy chia sẻ với tấm lòng trân trọng    Con người dù ở bất kỳ địa vị xã hội nào, hoặc lứa tuổi, giới tính hay tôn giáo nào đi nữa cũng cần được tôn trọng. Một trong những cách để bạn bày tỏ lòng tôn trọng sự khác biệt giữa mình và người khác là biết chân thành lắng nghe. Qua đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn những gì người khác đang nói và biết cách chia sẻ tốt hơn. Ngược lại, người đó sẽ cảm thấy họ được tôn trọng, được thấu hiểu và được yêu thương. Một cách nữa để chia sẻ với người khác là bạn hãy gợi mở để người đó tự suy nghĩ và lựa chọn giải pháp hành động cho riêng họ. Qua đó, họ không có cảm giác bị bạn ép buộc phải lựa chọn một giải pháp mang tính khiên cưỡng. Họ sẽ thấy rằng, bản thân họ cũng có khả năng tự giải quyết được những vấn đề riêng tư mà không làm phiền đến người khác. Sự khéo léo, tế nhị của bạn trong những trường hợp như vậy giúp họ giữ được lòng tự trọng, không cảm thấy bị tổn thương.   Trong một thế giới có quá nhiều sự khác biệt, xung đột và bất trắc như hiện nay, nhiều người luôn cảm thấy bị hụt hẫng, sợ bị công kích và lo âu đủ thứ chuyện. Các quốc gia không tin tưởng lẫn nhau, người của tôn giáo này xem thường người của tôn giáo khác. Nếu mỗi người, bằng cách riêng của mình, biết bày tỏ lòng tôn trọng những người có quốc tịch khác, có nền văn hóa khác, có niềm tin, có tôn giáo khác với mình, thì đây sẽ là món quà tuyệt vời mà nhân loại có thể dành cho nhau.   Chính việc biết đặt niềm tin vào người khác giúp mọi người cùng có cơ hội học hỏi, phát triển tương lai và quan tâm lẫn nhau. Đây cũng là cách để mọi người trong xã hội biết sống hòa hợp với nhau, cùng tồn tại trong một thế giới có nhiều nhóm sắc tộc, nhiều tư tưởng chính trị hay nhiều tôn giáo khác nhau. Thế giới có thể chung sống hòa bình khi mọi người cùng tôn trọng sự đa dạng và khác biệt. Nó giúp chúng ta nhận ra mọi ngả đường đều đưa đến chân lý, từ đó thúc đẩy lòng khoan dung, sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.   Mọi cây xanh dù có hoa lá khác nhau như thế nào cũng đều có một bộ rễ bám sâu vào lòng đất, cũng như chúng ta có cùng cội nguồn, chúng ta cùng sống trên một hành tinh, cùng đối mặt với những thử thách, khó khăn của loài người. Mỗi người chúng ta có thể tin theo một tôn giáo nào đó, nhưng mọi tín ngưỡng đều dạy chúng ta bài học về sự chia sẻ, chia sẻ với tất cả tấm lòng, thời gian và của cải của mình cho người khác. Bạn chia sẻ không vì những toan tính thiệt hơn, không vì vụ lợi hay vì bất kỳ một giá trị hữu hình nào khác.   Động lực của sự chia sẻ hoàn toàn xuất phát từ lý lẽ của con tim.   Chia sẻ với lòng khiêm tốn   Không phải ai cũng biết cách chia sẻ, thậm chí ngay cả khi họ có cơ hội để thể hiện điều này. Do vậy, chúng ta đừng vội vã, mà hãy biết đón nhận cơ hội để chia sẻ bằng cả hai tay, bằng cả tấm lòng yêu thương, kính trọng và phẩm cách của mình.   Để có được lòng nhân ái và khiêm tốn, chúng ta phải rèn luyện thói quen không lên án hoặc nói xấu sau lưng người khác. Nếu bạn thật sự khiêm tốn và tôn trọng người khác, bạn sẽ biết tự kiềm chế và không phê phán họ. Bạn sẽ nhận thấy cách bạn nhận xét thế giới không phải là do bản thân thế giới như thế nào mà chính là do cách nhìn của bản thân bạn. Chúng ta rất dễ diễn giải mọi thứ trong đời theo ý muốn chủ quan của mình, vì vậy bất cứ ai cũng có thể mắc phải sai lầm.   Mọi người quanh bạn cũng đang cố gắng hết sức để làm mọi việc theo cách mà họ hiểu.   Nhưng nếu ai cũng cố gắng làm theo cách đó thì cuộc sống chung của nhân loại trên hành tinh này sẽ đi về đâu? Plato từng nói: “Hãy sống tốt với nhau, vì mỗi chúng ta đều cùng sống và cùng chiến đấu trong một trận chiến rất cam go”. Do vậy, thay vì phê phán, bạn hãy giúp đỡ những người khác mỗi khi họ cần đến. Khi bạn đưa bàn tay nhân ái ra, thế giới sẽ vươn tay về phía bạn, bạn sẽ đón nhận nhiều điều tốt đẹp, bạn sẽ nhận được nhiều hơn mỗi khi bạn thật lòng giúp đỡ một ai đó.   Suy cho cùng, vũ trụ và thiên nhiên không phán xét ai cả – chúng chỉ đem lại những bài học và hậu quả cho chúng ta.   Chia sẻ một cách tự nguyện   Nếu chúng ta chia sẻ chỉ để được xã hội công nhận và mong được người khác đền đáp, thì hành động chia sẻ đó sẽ không còn ý nghĩa cao đẹp nữa. Nên nhớ rằng, bản chất của sự chia sẻ là không bao giờ tính toán thiệt hơn. Thiên nhiên đã cho chúng ta nhiều thứ hoàn toàn vô điều kiện, hoa vẫn tỏa hương, mặt trời vẫn chiếu sáng mà không cần đền đáp... Tình yêu thật sự là vô giá. Khi bạn yêu, không phải vì người đó đáng yêu hay vì người đó yêu bạn, mà đơn giản chỉ vì bạn yêu người ấy. Sự chia sẻ vô điều kiện giúp bạn nhận được nhiều phần thưởng vô hình. Sự hài lòng với cuộc sống sẽ tăng lên cùng với mức độ chia sẻ, vị tha của mỗi người.   Như nhà văn Ralph Waldo Emerson nhận xét: “Khi bạn giúp đỡ mọi người là bạn đang giúp đỡ chính mình. Đó là sự đền bù đẹp nhất mà cuộc đời đã trao tặng cho chúng ta”.   CHIA SẺ KHI NÀO?   Câu trả lời ngắn gọn nhất: Chia sẻ ngay trong ngày hôm nay!   Một số người cho rằng: chỉ nên cho đi khi mọi việc trong đời tiến triển tốt đẹp. Thực tế cho thấy, bạn có thể chia sẻ bất kỳ lúc nào. Ngay cả khi bạn lâm vào một hoàn cảnh rất gian khổ, gay go, thì sự chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh vượt qua thử thách. Bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, yêu đời hơn và mong muốn được chia sẻ nhiều hơn. Đó chính là sức mạnh của sự chia sẻ.   Đôi khi bạn nghĩ: “Tôi sẽ chia sẻ khi nào tôi có thật nhiều thứ để chia sẻ”, hoặc: “Giá như tôi có được thật nhiều tiền như tỷ phú Bill Gates thì dĩ nhiên, tôi sẽ chia sẻ với thiên hạ thật nhiều”. Thật không may, sự đời lại chẳng mấy khi tiến triển theo chiều hướng như thế.   Hãy thử tính toán xem, bạn quyết định trao tặng 10% lợi tức kiếm được, nhưng bạn nhận thấy thật khó khăn để cho đi 100 đô-la trong số 1.000 đô-la kiếm được. Vậy thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi phải cho đi 10.000 đô-la trong số 100.000 đô-la kiếm được hoặc là 100.000 đôla trong số 1.000.000 đô-la kiếm được? Nếu bạn không tạo cho mình thói quen chia sẻ thì thậm chí khi bạn có nhiều, thật nhiều thứ, bạn cũng khó lòng mà chia sẻ được điều gì với bất kỳ ai.   Chính vì vậy, hãy xem xét đến hoàn cảnh riêng của bản thân. Liệu bạn có thể giảm bớt mức độ tiêu pha cho một điều gì đó mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình thường của bạn? Chẳng hạn như quyết định không mua thêm một cái áo mới trong khi bạn hãy còn rất nhiều áo trong tủ. Nếu suy nghĩ được như vậy thì ngay cả khi không có tiền, bạn vẫn có thể dành thời gian của mình để chia sẻ với người khác.   Đôi khi, ngay cả sự chia sẻ thời gian cũng gặp khó khăn, có thể người thân trong gia đình bạn sẽ buồn bực chỉ vì bạn không chịu ở nhà thường xuyên để làm tròn trọng trách với gia đình. Vậy thì, trong trường hợp này, bạn phải cố gắng tìm ra một sự cân bằng, hoặc bạn phải tạm thời gác việc chia sẻ của mình lại, bởi vì nó chẳng đem lại ích lợi gì mà còn gây ra những bất ổn, xáo trộn không đáng có trong gia đình bạn. Do đó, bạn rất cần đánh giá xem mình đang trong hoàn cảnh nào, từ đó sắp xếp thời gian cho việc chia sẻ một cách thích hợp. Có thế hành động chia sẻ của bạn mới thật sự hiệu quả và ý nghĩa. Nói như vậy có nghĩa là bạn không cần quá quan trọng việc mình chia sẻ được gì và chia sẻ bao nhiêu. Miễn là sự chia sẻ của bạn xuất phát từ tấm lòng chân thành và với động cơ thật sự tốt đẹp, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc nhiều hơn và làm cho các mối quan hệ thêm mật thiết và bền vững. Theo nghĩa như vậy, sự chia sẻ là vô giá! Tại sao bạn không bắt tay vào hành động ngay từ bây giờ? Hãy liệt kê tất cả những điều bạn có thể chia sẻ và thời gian bạn sẽ thực hiện chúng.

CHƯƠNG 5: BIẾT TỪ BỎ

Nếu bạn muốn có một cuộc đời đầy ý nghĩa, hài lòng với bản thân và có được sự thăng hoa trong tâm hồn, bạn phải biết chia sẻ, đồng thời cũng phải biết từ bỏ.   Trong xã hội với nhịp sống hối hả và cường độ làm việc cao như hiện nay, chúng ta thường bị cuốn vào những lo toan bộn bề. Biết từ bỏ những điều không cần thiết giúp cho cuộc sống của bạn thư thả hơn và bạn sẽ có điều kiện chia sẻ nhiều hơn.   Bốn nhóm danh sách được liệt kê dưới đây sẽ giúp bạn suy ngẫm những điều mình có thể từ bỏ để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhưng điều này tuyệt nhiên không bao hàm tất cả những khía cạnh cuộc đời bạn, cũng như nó không hoàn toàn xấu hay có hại cho bạn. Tuy nhiên, biết sống một cách có chừng mực là một bí quyết để sống hạnh phúc và thành công. Nếu bạn giảm thiểu được sự phung phí thời gian và tiền bạc trong các lĩnh vực này, cuộc sống tinh thần và vật chất của bạn sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, từ đó bạn có thể tiếp tục chia sẻ điều tốt đẹp cho những người khác.   Bạn hãy chọn ra một vài điều trong mỗi nhóm dưới đây – những điều nổi cộm cần được giải quyết ngay của bạn.   NHÓM MỘT Bạn bè và người quen nghĩ bạn đang mắc phải một trong những vấn đề sau đây:

  • Lười biếng, chậm chạp
  • Đố kị
  • Nóng giận
  • Ham ăn
  • Tham lam
  • Dâm đãng
  • Ngồi lê đôi mách
  • Hay thù hằn
  • Dễ sợ hãi

NHÓM HAI Bạn bè và người quen nghĩ bạn đang có một số vấn đề như sau:

  • Nghiện ma túy
  • Nghiện rượu
  • Lạm dụng thuốc an thần
  • Cờ bạc
  • Nghiện thuốc lá
  • Làm việc quá sức
  • Không biết tha thứ
  • Có thành kiến với các chủng tộc, tôn giáo và nền văn hóa khác nhau

NHÓM BA Bạn dành quá nhiều thời gian để xem/sử dụng/tiêu thụ/suy nghĩ về:

  • Truyền hình
  • Internet
  • Thi đấu thể thao
  • Mua sắm
  • Các loại xe cộ
  • Các loại thức ăn có hại cho sức khỏe

NHÓM BỐN

  • Bạn có sẵn sàng để từ bỏ:
  • Những định kiến nặng nề
  • Những nỗi đau dằn vặt trong lòng lâu nay
  • Sự phán xét, chỉ trích người khác

Sự trì hoãn, chần chừ trong công việc Hãy nỗ lực giải quyết những vấn đề bạn đang gặp phải, một khi làm chủ được chúng, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật tuyệt vời.   Hãy cam kết thực hiện và nhớ rằng: để trao tặng cho người khác, trước hết bạn hãy trao tặng cho chính mình. Nếu không có được sự cân bằng trong cuộc sống, sự chia sẻ của bạn sẽ giảm dần và do đó, bạn không thể nào phát huy hết được những năng lực còn tiềm ẩn nơi bản thân. Bạn không nhất thiết phải tỏ ra hoàn hảo trong mọi lĩnh vực, mà dù có cố tỏ ra như vậy chăng nữa, đó cũng là điều không thể. Nhưng sự tiến bộ của bạn lại là điều có thể. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi biết cố gắng tự vượt lên chính mình, để trở thành một con người tốt hơn.

LỜI KẾT

Sự chia sẻ là những trải nghiệm tuyệt vời nhất của cuộc sống. Bằng cách chia sẻ, bạn tạo nên tác động tích cực cho chính mình và cho những người chung quanh, tạo nên những cảm xúc tuyệt vời trong tâm hồn.   Chia sẻ giúp bạn tìm được ý nghĩa đích thực trong đời, hài lòng với bản thân, tránh được nỗi cô đơn, không còn những lo âu, sợ hãi, tâm hồn sẽ tràn đầy xúc cảm. Thế giới phong phú vô cùng, và khi bạn chia sẻ càng nhiều thì cuộc sống của bạn càng thêm thăng hoa.   Còn rất nhiều người, nhiều nơi trên thế giới đang cần đến sự chia sẻ của bạn. Hãy chia sẻ cho bản thân, cho những người thân yêu trong gia đình mình, cho cộng đồng, các tổ chức xã hội phi lợi nhuận và cho hành tinh của chúng ta. Ngoài ra, bạn còn có thể để lại cho thế hệ mai sau rất nhiều tặng phẩm. Một trong những món quà tuyệt vời nhất mà bạn trao tặng cho con cái là dạy chúng biết giá trị của sự chia sẻ. Hãy dạy chúng cách quan tâm bảo vệ môi trường, để sau này chúng có thể để lại cho con cháu chúng một thế giới tươi đẹp. Bất cứ ai cũng có thể chia sẻ. Một nụ cười, một lời chúc, hay một ý tưởng… những điều bạn chia sẻ dù lớn lao hay nhỏ bé, dù hữu hình hay vô hình, đều thật đáng quý. Vì vậy, đừng quên chia sẻ kiến thức, sự hiểu biết, tình yêu thương, thời gian, tiền bạc, kỹ năng, sự quan tâm, tính khoan dung,... của bạn với người khác!   Chia sẻ những gì và chia sẻ như thế nào, là những vấn đề chúng ta cần suy nghĩ. Sự chia sẻ vô điều kiện, tự nguyện thường mang lại những tác động lớn lao và tuyệt vời nhất. Biết chia sẻ khi mọi thứ trong cuộc đời bạn diễn ra suôn sẻ là một điều tốt, nhưng càng tốt hơn nữa khi bạn dám chia sẻ ngay cả trong lúc mình gặp khó khăn, gian khổ. Đôi khi, chính trong lúc gian nan, sự chia sẻ giúp bạn quên đi nỗi đau riêng và nảy sinh được những biện pháp tốt để giải quyết vấn đề.   Bạn cũng cần nỗ lực từ bỏ những thói quen xấu ngăn cản sự tiến bộ và làm bạn nản chí không còn muốn chia sẻ, chẳng hạn như: xem truyền hình quá nhiều, hút thuốc, sử dụng thuốc gây nghiện hay uống rượu quá nhiều… Chia sẻ ít hay nhiều, tùy thuộc vào bạn. Càng cho đi nhiều, bạn sẽ càng được nhận lại nhiều hơn. Những gì bạn nhận được có thể xảy ra tức thời hoặc sau này, nhưng chắc chắn sự chia sẻ sẽ luôn được đền đáp.   Sống một cuộc đời giản dị và áp dụng quy luật chia sẻ 10% ngay khi bạn còn trẻ, thói quen chia sẻ sẽ được hình thành một cách nhẹ nhàng và tự nhiên giống như nhịp đập trái tim bạn vậy! Nguồn : sachchiaseyeuthuong.blogspot.com  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

13,238 lượt xem