Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tóm Tắt Sách "Hoàng Tử Bé" - Con Đường Tìm Lại Chính Mình

Tác giả : Antoine De Saint-Exupéry

Đây là một cuốn truyện đặc biệt mà lời văn cùng nét vẽ hòa quyện vào nhau đến nỗi ở Pháp, người ta không thể sắp xếp lại chữ lần thứ hai mà luôn phải trình bày duy nhất trong mọi lần xuất bản. Câu chuyện kể về một hoàng tử nhỏ cô đơn từ tiểu tinh cầu xa xôi viếng thăm rồi lại lìa xa Trái đất. Hoàng tử bé được xem là tác phẩm thơ mộng nhất của mọi thời đại.

Ai nên đọc cuốn sách này?

Những ai cảm thấy chán thế giới của "người lớn" và muốn tìm lại phần trẻ thơ trong sáng và giàu tưởng tượng.

Những tâm hồn mộng mơ muốn khám phá ý nghĩa cuộc sống.

Tác giả cuốn sách này là ai?

Antoine Saint-Exupéry là một nhà văn và phi công Pháp nổi tiếng. Saint-Exupéry được biết tới nhiều nhất với kiệt tác văn học Hoàng tử bé (Le Petit Prince). Tác phẩm của Saint-Exupéry tập trung vào đề tài phi công hoặc lấy cảm hứng từ những chuyến bay của chính tác giả. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Hoàng tử bé, nói về cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa một phi công bị rơi xuống sa mạc với cậu bé ngoài hành tinh. Do mất tích khi mới 44 tuổi và cũng dành rất nhiều thời gian để thực hiện các chuyến bay, số lượng tác phẩm của Saint-Exupéry không nhiều, nhưng đa phần đều đặc sắc

Chủ đề

1. Những nguy hiểm của lối tư duy hạn hẹp

Hoàng tử bé cho thấy sự vô minh đi kèm với góc nhìn không đầy đủ và hạn hẹp. Ví dụ, trong chương 4, khi nhà thiên viên học người Thổ Nhĩ Kì lần đầu tiên trình bày khám phá của mình về Tiểu Hành Tinh B-612, không ai thèm quan tâm bởi vì ông mặc một bộ đồ người Thổ truyền thống. Nhiều năm sau, ông diễn thuyết tương tự nhưng mặc Âu phục và nhận được lời nhiều lời khen tấm tắc. Bởi vì bông hoa 3 cánh miêu tả trong chương 16 đã dành cả đời mình ở sa mạc, nó sai lầm khi kết luận rằng Trái Đất chỉ có một vài mống người và họ không có rễ, luôn trôi nổi.

Kể cả các nhân vật chính trong Hoàng tử bé cũng có lúc suy nghĩ hạn hẹp. Trong chương 17, người kể thừa nhận rằng mô tả trước đây của anh về Trái Đất tập trung quá nhiều vào loài người. Trong chương 19, ông hoàng nhỏ nhầm lẫn tiếng vọng của mình thành tiếng nói của loài người và buộc tội con người chỉ biết lặp đi lặp lại. Câu chuyện cho thấy, những phán xét vội vàng này dẫn đến sự phát triển các mẫu hình và định kiến nguy hiểm. Chúng cũng cản đường lối tư duy phản biện và cởi mở, điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.

Phần lớn nội dung cuốn Hoàng tử bé coi hạn hẹp là một phẩm chất của người lớn. Ngay trong chương đầu, người kể đã phân minh rõ ràng giữa thế giới quan của người lớn và trẻ em. Ông mô tả người lớn không biết tưởng tượng, nhàm chán, bề nổi, và ngoan cố khẳng định rằng quan điểm giới hạn của họ là đúng sự thật. Mặt khác, với ông, trẻ em biết mộng mơ, suy nghĩ cởi mở, và ý thức được cũng như nhạy cảm trước bí ẩn và vẻ đẹp của thế giới.

Trong những chương đầu của câu truyện, người kể giải thích rằng người lớn thiếu trí tưởng tượng để nhìn thấy Bức họa số 1 của anh, thể hiện một con trăn đang nuốt một con voi, chứ không phải một cái mũ. Khi câu truyện tiến triển, những ví dụ về sự mù quáng của người lớn dần xuất hiện. Khi ông hoàng nhỏ di chuyển từ hành tinh này tới hành tinh khác, sáu người lớn cậu chạm mặt đã tự hào bộc lộ những phẩm chất của mình, và rồi bị cậu bóc mẽ những mẫu thuẫn và thiếu sót.

Ông hoàng nhỏ đại diện cho sự cởi mở của trẻ em. Cậu là một người lang thang, không ngừng đặt câu hỏi, và sẵn sàng chấp nhận những bí ẩn vô hình, tuyệt mật của vũ trụ. Cuốn tiểu thuyết cho thấy sự tò mày này là chìa khóa để thấu hiểu và sống hạnh phúc. Tuy nhiên, cuốn sách cũng cho thấy tuổi tác không phải là rào cản chính ngăn cách giữa người lớn và trẻ em. Ví dụ, người kể cũng đã hơi già để nhớ cách vẽ, nhưng anh vẫn đủ trẻ con để hiểu và làm bạn với ông hoàng nhỏ bé bỏng, từ chốn xa lạ.

2. Khai sáng bằng cách đi khám phá 

Như nhà phê bình James Higgins chỉ ra, mỗi nhân vật chính trong câu truyện đều khao khát thám hiểm (khám phá thế giới bên ngoài) và nội quan (khám phá bản thân mình). Chính nhờ cuộc gặp gỡ của người kể với hoàng tử bé đang bị lạc đường giữa sa mạc cô lập mà anh chàng không bạn bè của chúng ta mới giác ngộ về thế giới. Nhưng trong những lần phiêu lưu của ông hoàng nhỏ, Saint-Exupéry cho thấy sự lớn lên về mặt tinh thần đòi hỏi bạn phải chủ động đi khám phá. Kết hợp giữa nhìn ra thế giới và nhìn vào bên trong, người kể và ông hoàng nhỏ mới hiểu rõ hơn về bản chất và vai trò của mình trong thế giới.

3. Các mối quan hệ dạy ta sống trách nhiệm

Cuốn sách Hoàng tử bé dạy ta rằng trách nhiệm sinh ra bởi mối quan hệ của ta với người khác sẽ khiến ta thêm thấu hiểu và nhận thức rõ hơn vai trò của mình trong thế giới nói chung. Câu chuyện về hoàng tử và bông hồng của cậu là một dụ ngôn (câu truyện dạy một bài học) về bản chất của tình yêu thật sự. Tình yêu của hoàng tử với bông hồng là lực đẩy chính phía sau câu truyện.

Hoàng tử rời hành tinh của mình bởi vì nàng, và cuối cùng, nàng luôn hiện hữu trong câu chuyện giữa hoàng tử với người kể, nàng trở thành lý do mà cậu muốn quay trở về. Nguồn gốc của tình yêu là cảm giác trách nhiệm của cậu đối với người mình yêu. Khi con cáo mong muốn được cảm hóa, nó giải thích cho hoàng tử bé rằng đầu tư thời gian vào một người khiến người đó, và mọi thứ liên quan đến họ, trở nên đặc biệt hơn. Cuốn truyện cho thấy những gì ta cho đi quan trọng hơn là thứ mình được nhận lại.

Mô-típ

1. Bí mật 

Trung tâm của cuốn Hoàng tử bé là lời khẳng định mạnh mẽ của con cáo rằng "những gì quan trọng thì không thể nhìn được bằng mắt." Tất cả những nhân vật mà ông hoàng nhỏ bắt gặt trước khi xuống Trái Đất hào hứng và cởi mở giải thích cho cậu mọi điều về cuộc sống của họ. Nhưng hoàng tử bé thấy rằng trên Trái Đất, mọi ý nghĩa đích thực lại bị ẩn đi. Nhân vật đầu tiên chào đón cậu trên địa cầu là con rắn, chỉ nói chuyện bằng câu đố.

Trong các chương sau, người kể và cậu thường xuyên miêu tả những sự kiện mang tính "huyền bí" và "bí ẩn." Cách dùng từ rất quan trọng với thông điệp của cuốn sách. Miêu tả những bí ẩn của cuộc đời như là những câu đố hay câu hỏi ám chỉ rằng ta có thể trả lời chúng. Tuy nhiên, những sự kiện trên Trái Đất được gọi là bí ẩn cho thấy chúng không bao giờ có thể được giải mã trọn vẹn.

Dù vậy, ý tưởng này không bi quan đến thế. Cuốn tiểu thuyết khẳng định rằng, trong khi rất nhiều câu hỏi trong cuộc đời vẫn còn là bí ấn, khám phá những chân trời chưa biết tới mới là điều quan trọng, kể cả không có thể không dẫn tới những câu trả lời toàn mỹ.

2. Những bức vẽ của người kể chuyện

Minh họa của người kể về câu chuyện của anh nhấn mạnh niềm tin của Saint-Exupéry rằng ngôn từ có giới hạn của nó và rất nhiều sự thật không thể giải thích chỉ bằng lời. Người kể đặt các bức họa vào 1 số đoạn để giải thích những lời gặp gỡ của anh trên sa học, và mặc dù những minh họa này rất đơn giản, chúng là yếu tố quan trọng để hiểu được câu truyện. Saint-Exupéry đi ngược lại lẽ thường cho rằng các truyện chỉ nên có từ ngữ và làm giàu tác phẩm của mình bằng cách bổ sung các bức họa.

Bức vẽ cũng giúp người kể trở lại những lăng kính tuổi thơ đã mất của mình. Anh sử dụng Bức Họa Số 1 của mình để kiểm tra những người anh gặp. Bức vẽ thật ra đang mô tả một con trăn đang nuốt một con voi, nhưng hầu hết người lớn coi nó như một chiếc mũ, cho thấy đầu óc của họ hạn hẹp tới mức nào.

Người kể cũng ghi lại vài lần trong câu chuyện rằng mình đã không còn biết vẽ bởi vì anh đã từ bỏ nó vào lúc 6 tuổi, sau khi cảm thấy rằng người lớn không màng đến những bức họa của mình. Vì vậy, quyết định minh họa câu chuyện của anh cũng cho thấy sự trở về tuổi thơ đã đánh mất của mình.

3. Cảm hóa

Câu chuyện của Saint-Exupéry chứa đầy các nhân vật nên hoặc đã bị cảm hóa. Con cáo giải thích rằng cảm hóa là "tạo ra các mối liên hệ" với người khác để hai người trở nên đặc biệt hơn với nhau. Chỉ liên lạc đơn giản thôi không đủ: đức vua, kẻ khoác lác, gã bợm rượu, nhà doanh nghiệp, ông địa lý, và người thắp đèn đều đã gặp hoàng tử, nhưng họ quá quen với lối sống của mình nên không thể thiết lập những mối liên hệ đúng nghĩa với cậu.

Con cáo là nhân vật đầu tiên giải thích rằng để có thể thực sự kết nối với người khác, một số nghi thức phải được tuân thủ và hai người phải trao nhau một phần của mình. Trên thực tế, quá trình cảm hóa thường được miêu tả sẽ vất vả với người cảm hóa hơn là người được cảm hóa. Tuy tốn công sức và sự đầu tư tình cảm cần thiết, cảm hóa có những lợi ích rõ ràng. Con cáo giải thích rằng ý nghĩa của thế giới xung quanh nó sẽ giàu có hơn bởi vì hoàng tử bé đã cảm hóa nó. Trái lại, nhà doanh nghiệp thậm chí không thể nhớ được những ngôi sao ông sở hữu được gọi là gì.

4. Những vấn đề nghiêm túc

Khái niệm "những vấn đề nghiêm túc" (serious matters) được nêu lên vài lần trong câu truyện, và mỗi lần nó lại làm nổi bật sự khác nhau giữa những ưu tiên của người lớn và trẻ em. Đối với người lớn, những vấn đề nghiêm túc liên quan tới chuyện kinh doanh và những thiết yếu nhất của cuộc sống.

Ví dụ, nhà doanh nghiệp sở hữu tất cả các ngôi sao gọi mình là một "người nghiêm túc," một tuyên bố rõ ràng ngớ ngẩn bởi vì ông ta không sử dụng cũng như chẳng cống hiến gì cho tài sản của mình. Thậm chí người kể thốt ra một câu tuyệt vọng, những có thể hiểu được rằng sửa chữa động cơ của anh còn quan trọng hơn là lắng nghe những câu truyện của hoàng tử. Tuy nhiên, người kể sớm thừa nhận rằng thực tế động cơ hỏng hóc kia chẳng là gì khi so với những giọt nước mắt của ông hoàng nhỏ.

Saint-Exupéry rõ ràng về phe với trẻ em, với người đại diện là ông hoàng nhỏ, người tin rằng những vấn đề nghiêm túc là vấn đề của sự tưởng tượng. Với hoàng tử bé, vấn đề quan trọng nhất thế gian là liệu con cừu mà người kể đã vẽ cho em có ăn mất bông hồng yêu quý không.

Khi câu chuyện tiến triển, người kể mới dần hiểu ra sự nghiêm trọng trong mối lo lắng của ông hoàng nhỏ. Người kể phản ứng lại với sự đồng cảm về nỗi ưu tư của cậu về con cừu ngay từ đầu, bỏ các dụng cụ sang một bên và vội vàng an ủi cậu trong chương 7, khi cậu khóc thét lên rằng câu hỏi liệu chú cầu có ăn bông hồng của cậu quan trọng hơn nhiều chiếc máy bay của người kể. Tuy nhiên, trong lời bình luận cuối cùng, người kể nói rằng câu hỏi về chú cừu và bông hoa quan trọng tới mức nó sẽ thay đổi góc nhìn của anh về thế giới, cho thấy tự anh đã hiểu mức quan trọng của câu hỏi đó.

Các biểu tượng

Biểu tượng là những đồ vật, nhân vật, hình vẽ, hay màu sắc dùng để đại diện cho những ý tưởng hay khái niệm trừu tượng.

1. Những vì sao

Là một phi công, người kể rất coi trong các vì sao bởi vì anh phụ thuộc vào nó để định hướng. Sau khi gặp hoàng tử bé, anh thấy rằng chúng lại mang theo một nghĩa mới bởi vì anh biết ông hoàng nhỏ sống giữa chúng. Những ngôi sao trong Hoàng tử bé cũng biểu trưng cho những bí ẩn xa xôi của thiên đường, sự vô song của vũ trụ, và ở đoạn cuối, nỗi cô đơn trong cuộc đời người kể chuyện.

Bức họa cuối cùng của người kể, đi kèm với lời ca thán của anh về nỗi cô đơn, chính là ngôi sao trên bầu trời sa mạc mà ông hoàng bước xuống. Trong hình ảnh này, sự hiện diện của ngôi sao vừa nhấn mạnh sự vắng mặt của hoàng tử lẫn sự hiện diện còn mãi của cậu. Ngôi sao cũng là lời nhắc về vũ trụ rộng lớn và đông đúc ngoài Trái Đất mà ông hoàng nhỏ đã từng ghé thăm.

2. Sa mạc

Cuốn truyện có bối cảnh ở sa mạc Sahara, 1 nơi khô cằn sẵn sàng cho các trải nghiệm. Sa mạc cũng là 1 nơi khắc nghiệt, không có nước và có những con rắn chết người. Chính vì thế, nó biểu tượng cho tâm trí của người kể. Bị những ý tưởng của người lớn làm cho cằn cỗi, tâm trí của người kể dần dần mở ra dưới sự chỉ dẫn của hoàng tử bé giống như cách sa mạc chết người từ từ biến mình thành mảnh đất học hỏi, và một khi chiếc giếng xuất hiện, nó đầy sức sống.

3. Những đoàn tàu 

Đoàn tàu xuất hiện trong chương 22 đại diện cho những nỗ lực vô vọng của con người khi cố gắng sống ý nghĩa hơn. Những chuyến tàu là các cuộc hành trình vôi vàng, không bao giờ đi đến hạnh phúc bởi vì, như người bẻ lái tiết lộ cho ông hoàng nhỏ, mọi người không bao giờ hạnh phúc trong hiện tại.

Ngoài ra, những chuyến tàu lao vội vàng theo hướng ngược nhau, cho thấy nhiều việc người lớn làm hoàn toàn mâu thuẫn và vỗ nghĩa. một lần nữa, chỉ có bọn trẻ mới hiểu ra sự thật. Chúng biết cuộc hành trình quan trọng hơn điểm đến và áp mặt vội vàng lên những ô cửa sổ khi tàu chạy để tận hưởng khung cảnh.

4. Nước 

Vào cuối câu chuyện, hình ảnh uống nước xuất hiện như một biểu tượng rõ ràng về món ăn tinh thần. Những mối lo của người kể về chuyện thiếu nước khi anh ta lần đầu gặp nạn trên sa mạc phản chiếu lời than phiền của anh rằng mình đã già. Sau đó, khi anh và hoàng tử tìm thấy chiếc giếng bí ẩn, những giọt nước khiến anh nhớ lại lễ hội Giáng sinh. Suy tưởng của anh về các buổi lễ Giáng sinh cho thấy chính tâm hồn, chứ không phải cơ thể của anh, mới đang thực sự chết khát.

Có người bán viên thuốc chống khát, nhưng hoàng tử bé cho thấy sẽ không có gì thay thế được thức ăn thực sự cho tinh thần. Viên thuốc có thể làm ai đó hết khát, nhưng nó không giúp nhiều cho đời sống tinh thần. Hoàng tử tuyên bố rằng cậu sẽ dành chính 53 phút tiết kiệm được bởi viên thuốc để đi đến suối nguồn mát lạnh, nơi giúp lấp đầy khoảng trống tinh thần thực sự mà người ta có thể hi vọng.

Bối cảnh

Sinh ra tại Lyons, Pháp, năm 1900, Antoine de Saint-Exupéry coi mình là 1 nhà phi công chứ không phải nghề gì khác. Trong 20 năm, ông thực hiện đủ các chuyến bay từ đi nguyên cứu bản đồ đến chở khách thương mại, và bay chiếm một vị trí quan trọng trong các bài luận triết học và tác phẩm giả tưởng của ông. Chủ đề hàng không thường là điểm cất cánh của Saint-Exupéry để đi đến những thỏa luận trừu tượng hơn về các vấn đề như đi tìm sự thông tuệ và ý nghĩa của cuộc đời. 

Saint-Exupéry bắt đầu viết Hoàng tử bé trong thế chiến thứ 2, sau cuộc xâm lăng của Đức sang Pháp đã buộc ông phải bỏ nghề bay và chạy sang New York. Ngoài những suy tư hành hạ bản thân về cuộc chiến ở châu Âu, phải rời đất mẹ và không còn được lái máy bay ảnh hưởng tới Saint-Exupéry nặng nề.Nỗi nhớ tuổi thơ của Hoàng tử bé cho thấy cả nỗi nhớ nhà của ông lẫn hi vọng để trở lại thời bình. Chính sự lo âu thời chiến này không nghi ngờ gì, đã tạo cảm giác bức bách trong thông điệp về tình yêu và lòng trắc ẩn của Saint-Exupéry.

Ngoài việc ca ngợi sự ngây thơ như một đứa trẻ, Hoàng tử bé cũng là bản cáo trạng của sự mục nát tâm hồn (Spiritual decay) mà Saint-Exupéry nhận thấy ở nhân loại. Năm 1943, ông viết,

"Trong hàng thế kỉ, loài người đã tuột xuống một bậc thang khổng lồ, mà bậc trên cùng đã bị ẩn trong mây và bậc cuối cùng cũng lạc mất trong vực thẳm. Ta có thể đi lên; thay vào đó ta lại chọn đi xuống. Mục nát tâm hồn rất đáng sợ... Có một và chỉ một vấn đề trên thế giới này: làm sống lại trong con người 1 chút ý nghĩa tâm linh..."

Bằng việc ca ngợi một thế giới quan thanh sạch không có những hạn chế chán ngắt của người lớn, cuốn tiểu thuyết cố gắng hồi sinh cảm giác tâm linh trên thế giới.

Một vài câu chuyện trong Hoàng tử bé được lấy từ những sự kiện của chính cuộc đời Saint-Exupéry. Nếu người đọc thấy câu chuyện thần tiên hư ảo của nó thật và riêng tư một cách kì lạ, thì hiệu ứng đã đạt được, một phần bởi thực tế Saint-Exupéry sử dụng chính trải nghiệm của ông làm chất liệu.

Trong cuốn Gió, Cát và Những vì sao (Wind, Sand and Stars), cuốn tự thuật của ông về những cuộc hành trình làm phi công, ông hồi tưởng lại lần hạ cánh bắt buộc của mình tại xa mạc Sahara. Khi đi lang thang, Saint-Exupéry có một số ảo giác, bao gồm một lần gặp con cái fennec, một loài cáo xa mạc giống hệt như chú cáo được miêu tả trong Hoàng tử bé.

Saint-Exupéry có thể phản chiếu bản thân trong lời người kể và cả cậu hoàng tử. Giống như người dẫn truyện, ông là một phi công, gặp nạn ở Sahara, và trải nghiệm một kiểu mặc khải thần bí. Tuy nhiên, ông hoàng cũng đại diện cho một vài khía cạnh của Saint-Exupéry, và câu ta chắc chắc đại diện cho triết lý và cảm hứng của Saint-Exupéry.

Mối quan hệ của hoàng tử với bông hồng cũng có thể là sự phản ánh mối quan hệ của Saint-Exupéry với vợ ông, và ông hoàng cũng là một người thích khám phá và du hành trên bầu trời - đây là một trong những điểm chung đầu tiên giữa người dẫn truyện và ông hoàng. Nhìn theo hướng này, Hoàng tử bé có thể được đọc như một ẩn dụ cho quá trình tự khám phá bản thân, khi hai nửa của bản thể gặp nhau và học hỏi lẫn nhau.

Mặc dù Hoàng tử bé chắc chắc bị ảnh hưởng bởi sự khủng khiếp của Thế chiến thứ II, Saint-Exupéry muốn hướng đến sự phân tích khái quát, phi chính trị về bản chất con người. Sự xuất hiện của các biểu tượng về các chết và cái ác trong Hoàng tử bé thường được diễn giải là ám chỉ Quân Phát Xít Đức, nhưng các biểu tượng cổ tích phổ biển và biểu tượng của Thế chiến thứ II trong cuốn sách biến chúng thành một cặp đôi kì lạ.

Hoàng tử bé được dựa trên truyền thống kéo dài của dụ ngôn và văn học giả tưởng Pháp, được thể hiện đặc trưng nhất trong cuốn Chàng ngây thơ của Voltaire. Giống như Voltaire, Saint-Exupéry thúc giục người đọc hãy chủ động tham gia vào quá trình đọc, sử dụng trí tưởng tượng của mình để gắn nghĩa sâu xa hơn vào lối văn xuôi và thơ tưởng chừng đơn giản. Saint-Exupéry và cuốn tiểu thuyết của ông tất nhiên bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh lịch sử thời đó, nhưng Hoàng tử bé sẽ mãi là câu truyện dụ ngôn vượt thời gian và không gian về sự quan trọng của sự trong sáng và tình yêu.

Quả thực, từ khi xuất bản lần đầu, Hoàng tử bé đã trở thành 1 trong cuốn sách được dịch nhiều nhất trong lịch sử văn học Pháp.

Chương 1-3

Bắt đầu câu chuyện bằng việc thảo luận về bức họa tuổi thơ mình, người kể giới thiệu ý tưởng rằng sự nhận thức của một đồ vật thay đổi theo từng người. Người kể định cho mọi người thấy bức họa của mình hình con trăn đang nuốt một chú voi, nhưng hầu hết người lớn không thể nhìn thấy con voi trong bụng và nghĩ rằng bức vẽ này đang mô tả một cái mũ.

Trong suốt cuốn sách Hoàng tử bé, các bức họa của người kể giúp Saint-Exupéry thảo luận những khái niệm mà ông không thể diễn tả được hết bằng lời. Bức họa, cuốn sách cho thấy, là một cách để truyền tải kiến thức sáng tạo hơn và có thể được giải thích bằng nhiều góc độ và vì vậy phù hợp với góc nhìn trừu tượng của trẻ. Bởi vì nó cần được giải nghĩa, Bức họa số 1 là ví dụ của một biểu tượng. Nó là một bức tranh về một cái mũ, nhưng thật ra muốn biểu thị con trăn đã ăn một con voi, nhưng người xem phải có trí tưởng tượng để phát hiển ra ý nghĩa không được diễn tả bằng lời đó.

Chương 2 cũng tiếp tục củng cố những ý tưởng về sức mạnh của hội họa và sự quan trọng của trí tưởng tượng. Saint-Exupéry cho thấy, giống như người kể và ông hoàng nhỏ, người đọc sẽ sử dụng khả năng tưởng tượng của mình để nắm bắt câu chuyện thực sự.

Những bức họa mời gọi người đọc tham gia vào cuộc gặp gỡ của người kể với ông hoàng nhỏ và suy luận ý nghĩa của các bức vẽ với các nhân vật trong truyện. Bằng việc đặt các bức tranh trong cuốn sách, Saint-Exupéry đang cho chúng ta sức mạnh tưởng tượng như hoàng tử bé và người kể. Vì vậy, cuốn sách có "sống" hay không tùy thuộc vào bạn. Ta cần phải nhìn câu chuyện giống như cách mà ông hoàng nhỏ nhìn chú cừu sống và ngủ trong chiếc hộp mà người kể đã vẽ ra.

Cách mà hoàng tử bé ngay lập tức nhìn thấy sâu hơn vẻ bề ngoài ban đầu, có thể nhận ra con trăn trong bức vẽ đầu tiên của người kể và con cừu trốn trong một chiếc hộp cho thấy trẻ em khác với người lớn như thế nào. Trong chương 1, người lớn nhìn mọi thứ không có chút tưởng tượng, quá thực dụng và nhàm chán, trong khi góc nhìn của trẻ rất sáng tạo, đầy ngạc nhiên, và cởi mở trước vẻ đẹp bí ẩn của vũ trụ.

Cuốn tiểu thuyết cho thấy bé hay lớn là tùy thuộc vào cách bạn nghĩ, chứ không phải một sự thật tuổi tác. Ví dụ, khi kể chuyện thì người kể là người lớn, nhưng anh ta khao khao có bạn bè với góc nhìn thuần khiết của trẻ nhỏ.

Sự cô đơn của người kể ở đầu chương 2 cho thấy mối quan hệ với mọi người quan trọng như thế nào. Ở sa mạc, người kể bị cô lập với mọi giao tiếp với người, nhưng sự đơn độc này giúp anh tận hưởng 1 mối quan hệ hạnh phúc nhất của đời mình. Nhờ hoàn cảnh xô đẩy khỏi sự ảnh hưởng thoái hóa của thế giới người lớn, anh có thể toàn tâm toàn ý với ông hoàng và những bài học cậu bạn mới này đem lại.

Tuy nhiên, những câu hỏi liên tiếp của người kể trong chương 2 và 3 cho thấy chúng ta không thể hi vọng nhận được câu trả lời quá dễ dàng. Trong chương 3, người kể đặt rất nhiều câu hỏi, nhưng nếu hoàng tử bé có trả lời, cậu cũng nói gián tiếp, và khá mơ hồ. Câu chuyện muốn nói rằng các câu hỏi quan trọng hơn nhiều câu trả lời. Và sau, cả ông hoàng bé nhỏ và người kể tiếp tục thảo luận bài học này chi tiết hơn.

Chương 4-6

Trong chương 4, với giọng tự tin, người kể chuyện minh định rõ sự ranh giới giữa thế giới người lớn và thế giới của hoàng tử bé. Bằng cách gọi người lớn là "họ", người kể đẩy chúng ta sang phía anh, để ta cảm thấy đồng quan điểm về những chuyện mà những người khác không thể hiểu được.

Ngoài ra, người kể không đề cập đến ông hoàng nhỏ khi anh thảo luận về sự ám ảnh của người lớn với những con số, khuôn mẫu và các dạng phân tích định tính khác. Để nhấn mạnh sự khác biệt to lớn giữa đoạn hội thoại của người kể với hoàng tử bé và giữa những người lớn với nhau, người kể không đề cập đến cả hai trong cùng một chương.

Cuộc thảo luận của người kể chuyện trong chương 5 về cây bao báp có thể được đọc như sự lên án quân Phát Xít Đức và sự làm ngơ của nhân loại trước những hành động của Adolf Hitler. Saint-Exupéry viết Hoàng tử bé ở New York năm 1942 khi ông chứng kiến Chiến Tranh Thế Giới thứ II xé nát quê hương châu Âu của ông.

Trong cuốn tiểu thuyết này, người kể giải thích rằng thế giới có cả những hạt cây tốt và xấu, anh giải thích rằng cần phải liên tục trông chừng những chiếc hạt xấu và nhổ chúng đi bởi vì nếu không chúng sẽ lớn và đè bẹp mọi thứ xung quanh chúng. Tuy nhiên, người kể chỉ ra rằng trên Trái Đất, cây bao báp không gây ra mối nguy hiểm nào. Chỉ ở những tiểu hành tinh như B-612 thì cây bao báp mới trở nên nguy hiểm.

Vì vậy, một số người coi cây bao báp như là biểu tượng của những chướng ngại và khó khăn thường ngày trong cuộc đời, mà nếu không để ý, có thể bóp ngạt và hủy hoại bạn. Cách diễn giải này giải thích câu nói của người kể rằng mọi người đấu tranh với những cây bao báp mỗi ngày, và thường không nhận ra nó.

Saint-Exupéry nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân như là một giải pháp cho các vấn đề mà cây bao báp gây ra. Khi làm thế, ông tiếp tục truyền thống cổ điển của văn học Pháp, khi liên kết trách nhiệm với việc làm vườn. Ví dụ, câu cuối cùng trong tiểu thuyết nổi tiếng của Chàng ngây thơ của Voltaire cho rằng, "Chúng ta phải chăm sóc khu vườn của mình...Khi con người được đưa vào khu vườn Địa đàng, anh ta ở đó để có thể làm việc, điều chứng tỏ rằng con người sinh ra không phải để nghỉ ngơi." Hình ảnh ẩn dụ này xuất hiện rất nhiều lần trong suốt Hoàng Tử Bé.

Chương 7-9

Khi người phi công ngừng sửa chữa đông cơ của mình để lắng nghe câu chuyện của hoàng tử bé và bông hoa hồng của cậu, anh khẳng định câu nói của ông hoàng khi cho rằng tình yêu và các mối quan hệ là những "vấn đế quan trọng nhất" trong tất cả.

Nhà phê bình văn học Joy Marie Robinson viết rằng bông hoa hồng "được hiểu đúng nhất, có lẽ, theo truyền thống văn chương cổ của Roman de la rose [một loại thơ Pháp thế kỉ XIII], như một hình ảnh dụ ngôn về người tình của mình." Robinson lập luận rằng bông hồng là biểu tưởng phổ biến về người tình và mối quan hệ của bông hồng với hoàng tử biểu hiện sự đại diện đơn giản, trực tiếp về sức mạnh - và nỗi đau- của tình yêu.

Bản chất của mối quan hệ giữa bông hồng và hoàng tử bé rất bí ẩn. Họ không trực tiếp bộc lộ tình yêu của mình với nhau cho tới thời khắc chia tay đau đớn. Trước đó, bông hoa ý nhị ra hiệu về tình yêu của cô, nhưng cô không bao giờ thực sự nói rõ cảm giác của cô với ông hoàng cho tới khi cậu nói lời tạm biệt.

Cũng không rõ là vào lúc đó trong câu truyện tại sao hoàng tử bé lại cảm thấy yêu bông hoa hồng, một sinh vật kiêu kì, ngu ngốc, yếu đuối và ngây thơ. Tuy nhiên, hoàng tử bé cũng thể hiện bản thân mình có chút khờ dại. Cậu không thể hiểu hành vi kì lạ của bông hoa, và cậu quyết chí ra đi dù có rơi lệ.

Rất nhiều nhà phê bình và viết tiểu sử coi bông hồng là đại diện cho người vợ của  Saint-Exupéry, Consuelo. Cuộc hôn nhân giữa Antoine và Consuelo Saint-Exupéry rất mộng mơ, mãnh liệt và thường gặp vấn đề. Trong tâm trí Saint-Exupéry, Consuelo xuất hiện quá kiêu kì, và khó quan tâm, và tiếng ho thường xuyên của bông hồng gợi nhớ đến bệnh hen của Consuelo. 

Saint-Exupéry cũng đôi lần không chung thủy với vợ mình, cuộc ra đi của hoàng tử có thể được xem như dụ ngôn cho sự bất trung của Saint-Exupéry. Trên thực tế, Hoàng tử bé, được viết vào thời điểm chông gai trong cuộc hôn nhân của Saint-Exupéry, có thể được đọc như những bức thư tình tự vấn, giãi bày của Antoine cho Consuelo, trong đó ông chứng minh tình yêu của mình dành cho cô và cố gắng giải thích tính phiêu lưu của mình mà người vợ không ủng vợ và xu hướng ngoại tình thường khiến ông lạc lối khỏi lời ước nguyện vợ chồng. 

Chương 10-12

Đây là các chương mà người kể mô tả cuộc hành trình của hoàng tử bé từ hành tinh này đến hành tình khác như cuốn tiểu du đãng (a picaresque narrative). Đây là 1 dòng văn học nhiều tập trong đó nhân vật chính di chuyển từ nơi này tới nơi khác hay tham gia nhiều chuyến phiêu lưu liên tiếp. Trong Hoàng tử bé, mỗi người lớn cậu bắt gặp trong rất nhiều tinh cầu biểu tượng cho một tính cách đặc trưng của người lớn nói chung.

Nhà vua là một biểu tượng chính trị, nhưng Saint-Exupéry biếm họa tính cách của ông hơn là hệ thống chính trị mà ông đại diện. Saint-Exupéry nhấn mạnh rằng nhà vua không phải là nhà chuyên chế mà là con người ngớ ngẩn, có nhu cầu quyền lực và thống trị nhỏ mọn. Nhà vua, giống như các nhân vật khác mà ông hoàng gặp trên đường đi, rất cô đơn.

Tuy nhiên ham muốn cai trị của ông đã xâm chiếm ông tới mức ông không coi cuộc viếng thăm của hoàng tử bé như cơ hội để giảm bớt nỗi cơ đơn của mình. Thay vào đó, ông lại cố biến cuộc ghé thăm của cậu bằng thế giới quan lệch lạc của mình bằng việc ra lệch cho hoàng tử làm quan tư pháp của mình.

Kể cả đức vua là con người tử tế, thay đổi mệnh lệnh của mình cho phù hợp với ước muốn của hoàng tử bé, cậu vẫn không đồng ý về mặt nguyên tắc với ý tưởng bị điều khiển. Phản ứng của cậu tới nhà vua nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tự do ý chí và nhận trách nhiệm cho hành động của mình.

Hoàng tử bé từ chối phán xét người khác, cậu cũng từ chối làm bất cứ điều gì mà mình không muốn. Bởi vì đức vua chỉ ra rằng ông luôn luôn tha tội cho con chuột [vì nó là người bạn duy nhất của người], hoàng tử bé sẽ dễ dàng làm vui lòng đức vua bằng cách kết án tử cho con chuột. Tuy nhiên, hoàng tử bé từ chối bởi vì cậu không thích ý tưởng kết tội. Cậu cũng phản ứng tương tự khi đức vua bổ nhiệm cậu là nhà đại sứ của ông. Cậu vẫn giữ im lặng khi rời đi, ngầm ý phủ định chức danh này. Cậu tiếp tục du lịch theo ý mình, chứ người phải là người đại diện của nhà vua.

Cảm giác tự cao của gã khoác lác tương đồng với vương quyền vô nghĩa của nhà vua. Giống như vị thế của nhà vua, cảm giác uy quyền của gã khoác lạc phụ thuộc vào sự cô đơn. Miễn là anh ta là người đàn ông duy nhất trên hành tinh, anh ta đảm bảo sẽ là người hấp dẫn nhất.

Cùng lúc đó, cảm giác quyền lực của gã khoác lác cũng phụ thuộc vào những lời tán dương của mọi người. Những sự mâu thuẫn này thể hiệu thái độ chán ghét của Saint-Exupéry với cuộc sống người lớn. Ông lập luận rằng người lớn, với những giới hạn của họ và trí tưởng tượng nghèo nàn, không biết rằng họ thực sự cần gì trong cuộc đời này. Những người lớn mà hoàng tử bé gặp chỉ toàn đẩy tình bạn đi xa khi họ có cơ hội.

Mặc dù sống lỗi, ông bợm nhậu còn đồng cảm với hoàng tử bé hơn là ông vua và gã khoác lác. Không giống họ, ông bợm nhậu dường như rất mâu thuẫn với bản thân. Sự thật là ông uống để quên đi nỗi xấu hổ vì cái nhậu của mình tưởng chừng rất ngớ ngẩn và phi lý, nhưng chính "sự xấu hổ" đóng vai trò lớn trong các hành động của ông cho thấy ông nhận thức được sự trống rỗng trong cuộc đời mình.

Tuy nhiên, người say rượu lại thể hiện mình người lớn giống như đức vua và gã khoác lác. Sự xuất hiện của hoàng tử bé tạo ra cơ hội cho gã bợm rượu có thể phá bỏ thói quen xấu, nhưng thay vào đó ông ta lại nhất quyết im lặng, bởi vì quá cố chấp và không chịu thừa nhập vấn đề nan giải của mình.

Chương 13-15

Thay vì lắc đầu và đi tiếp như cậu đã làm trong ba hành tinh đầu, hoàng tử bé dành thời gian để xem xét phản ứng của mình với cách sống của nhà doanh nghiệp. Thời gian cậu dành để phê phán doanh nhân kia cho thấy ông ta đại diện cho những sai lầm của thế giới người lớn nhiều hơn các nhân vật khác.

Hoàng tử tinh tế liên hệ nhà doanh nhân với gã bợm rượu. Cả hai đều bị ám ảnh theo đuổi những thứ không đâu tới mức họ không còn thời gian tiếp khác. Nhà doanh nhân ham hố ý tưởng sở hữu tới mức ông không thể nhớ, kể cả khi cậu đã gặng hỏi, những tài sản của ông chỉ là những ngôi sao. Ông hoàng nhỏ tiếp tục chứng minh sự trống rỗng của xí nghiệp kia bằng cách chỉ ra rằng nhà doanh nhân không động đến đống tài sản của ông ấy.

Ông hoàng ngưỡng mộ sự tận tâm của người đốt đèn với công việc của mình, và cậu cũng thích bản chất của công việc mang lại cái đẹp cho vũ trụ. Tuy nhiên, người thắp đèn cũng thể hiện một vài giá trị của người lớn. Ông mù quáng tuân theo những mệnh lệnh đã hết hạn, và ông không chịu thử gợi ý của cậu rằng ông nên nghỉ ngơi bằng cách đi theo hướng mặt trời.

Hành động của người đốt đèn biểu hiên một sự cuồng tín tôn giáo. Ông phục tùng khiêm nhường những mệnh lệnh bí ẩn từ một sức mạnh vô hình. Công việc đốt và tắt đèn giống như kiểu một lễ nghi, như truyền thống đốt nến Sabbath của người Do Thái hay vai trò của nến trong tín ngưỡng Thiên Chúa Giáo. Một mặt nào đó, Saint-Exupéry có thể đang ca tụng nghi lễ tôn giáo và từ bỏ mình trước đấng tối cao. Chắc chắc, lòng mộ đạo của người đốt đèn với nghề nghiệp của mình có cao quý hơn sự thành tâm của nhà doanh nghiệp với các tài sản của ông.

Tuy nhiên, người đốt đèn là một nhân vật bi kịch. Ông là 1 nạn nhân của hoàn cảnh. Hành tinh của ông quá nhỏ cho người ngoài, vì vậy định mệnh của ông là sống cô đơn. Ông cũng mệt và mong muốn ngủ. Căn bệnh chính của ông là không thể đạt được sự thỏa mãn trong công việc.

Giống như nhiều người đi theo các nghi lễ tôn giáo, người đốt đèn làm vậy bởi vì ai đó đã bảo ông, nhưng ông chưa bao giờ suy nghĩ về chúng, điều vô cùng cần thiết để đạt được sự minh triết thục sự. Trong thế giới của Hoàng tử bé, nỗi buồn là một phần của cuộc sống đáng kính phục giống như cách cây bao báp là một hiểm họa không thể tránh khỏi của thế giới tự nhiên.

Cũng như người thắp đèn, hiểu biết và nghề nghiệp của nhà địa lý cũng lầm lỗi. Ông tuyên bố mình biết tuốt, nhưng thực sự ông biết rất ít bởi vì ông quá cố chấp không chịu tự đi thám hiểm. Ông có những phương tiện để trở thành một người học thức thực sự, nhưng việc tuân lệnh mù quáng một quy tắc ngẫu nhiên về những việc mà nhà địa lý nên làm đã khiến ông trở nên nông cạn như những người lớn khác.

Tuy nhiên, bài học của nhà địa lý về sự phù du của bông hoa hồng khiến ông trở thành 1 nhân vật chủ chốt. Ông nhìn thấy sự chóng tàn của loài hoa như một dấu hiệu cho thấy giá trị thấp của bông hoa hồng, nhưng đối với hoàng tử bé, điều đó còn khiến bông hoa trở nên đặc biệt hơn.

Khi cậu nhận ra bông hồng cần mình tới mức nào, ông hoàng nhỏ lần đầu tiên cảm thấy sự tiếc nuối. Tình yêu của cậu với bông hồng lại phụ thuộc vào chính việc cậu chăm sóc nàng như nào, vì vậy chính áp lực của thời gian và cái chết khiến cậu càng trân trọng nàng hơn. Bởi vì một ngày nào đó nàng sẽ mất đi, cậu càng phải yêu cô ấy đến khi mình còn có thế.

Chương 16-20

Giống như cây bao báp, con rắn mà ông hoàng nhỏ gặp trong chương 17 đại diện cho thế lực nguy hiểm. Tác giả gợi lên hình ảnh con rắn trong Kinh Thánh, kẻ đến khiến Adam và Eve bị trục xuất khỏi thiên đàng bằng cách dụ dỗ họ ăn trái cấm. 

Con rắn trong Hoàng tử bé đóng vai trò tương tự. Nó nói mập mờ về chất độc cực mạnh của mình và rồi hứa hão với hoàng tử với ý tưởng đưa cậu trở về nhà. Mặc dù nó không thể tấn công một sinh linh ngây thơ như ông hoàng nhỏ, con rắn cho rằng cậu quá yếu ớt và mỏng manh đối với thế giới này và gợi mở lời đề nghị đưa cậu trở về nhanh hành tinh của mình. Thật ngạc nhiên là con rắn dường như cần được sự chấp thuận để giết cậu.

Trong chương 16 và 17, người kể chuyển góc nhìn một vài lần. Ban đầu, anh ta trình bày thế giới quan hiển nhiên, tập trung vào số lượng chính xác những ông vua, nhà địa lý, nhà doanh nghiệp, kẻ bợm rượu và gã khoác lác mà thế giới này có. Giọng của anh nhanh chóng đầy màu sắc và đam mê khi kể lại vở kịch ba-lê toàn cầu của những người đốt đèn.

Sau đó, bắt đầu chương 17, người kể dùng giọng tâm sự và thừa nhận cách mô tả trái đất của anh không phải hoàn toàn đúng sự thật, bởi vì anh chỉ tập trung vào những người lớn, vốn không phải phần quan trọng nhất của hành tinh này. Lời lừa dối của người kể cho thấy cả góc nhìn thực dụng của người lớn và tưởng tưởng của trẻ con đều có những giới hạn. Đồng thời, khả năng nói dóc cũng cho thấy sự thành thạo của anh với những thế giới quan khác nhau, một dấu hiệu cho thấy đầu óc anh đã cởi mở.

Chương 18 và 19 đi xa hơn trong việc khám phá cách thức thế giới quan của một người bị hạn chế. Nếu chỉ ở mãi một chỗ, không ai có thể đánh giá chính xác thế giới này. Bông hoa ba cánh chỉ có thể nhìn thấy vài người đi qua sa mạc, vì vậy nó nghĩ rằng con người chẳng có rễ và chỉ có sáu hay bảy mống.

Hoàng tử cũng chỉ nghe thấy tiếng vọng của mình, vì vậy cậu nghĩ rằng con người ở hành tinh này chỉ đơn giản lặp lại những gì được nói cho họ. Kể cả một nhân vật khai sáng và đáng yêu như hoàng tử bé cũng để niềm tin mình định hướng bởi thế giới quan hạn hẹp xung quanh cậu.

Sự thay đổi góc nhìn đồng nghĩa với việc học được những thứ mới, và sự khám phá về khu vườn hoa hồng của ông hoàng nhỏ minh chứng cho những bài học nhận được đắt giá đến mức nào. Khi biết được bông hồng của cậu không phải là duy nhất, cậu cảm thấy đau đớn. Theo một góc nào đấy, hoàng tử đã sống cuộc đời giống như gã khoác lác. Một mình trên tinh cầu, cậu tin rằng chỉ bông hồng của cậu mới có giá trị.

Chương 21-23

Để hiểu được cuộc gặp mới với chú cáo, bạn cần phải hiểu cách dùng từ "cảm hóa" (tame) của tác giả. Trong tiếng Anh, từ này biểu thị ý thuần hóa và hạ cấp. Nhưng trong tiếng Pháp có 2 động từ cùng có nghĩa là "to tame". Nghĩa đầu, "người thuần hóa " (domestiquer) thực chất là biến các loài động vật hoang dã phải tuân lệnh và phụ tùng. Tuy nhiên, Hoàng tử bé sử dụng động từ "cảm hóa" (apprivoiser), ám chỉ sự kết nối yêu thương qua lại. Bạn cần phải phân biệt được 2 động từ này bởi vì từ gốc tiếng Pháp không có hàm nghĩa ông chủ và kẻ phục tùng, không may tạo ra như khi dịch sang tiếng Anh.  

Việc tiếp lộ bí mật của con cáo tổng hợp khéo léo câu truyện đạo đức bao trùm cuốn tiểu thuyết: cái gì là bí mật cũng là thứ quan trọng nhất. Bắt đầu với sự nhất quyết của người kể khi cho rằng hình ảnh ẩn giáu trong Bức Họa Số 1 mới là thứ quan tọng nhất, sự quan trọng của bí mật được gợi nhắc trong suốt Hoàng từ bé, nhưng những lời của con cáo đã diễn đạt nó rõ ràng hơn.

Năm 1939, Saint-Exupéry viết, "Bạn không hiểu rằng chúng ta đã lạc lối trên đường đi hay sao?...ta thiếu một thứ gì căn cốt mà thật khó để miêu ta. Ta cảm thấy bớt con người hơn; đâu đó ta đã đánh mất đặc quyền bí ẩn của mình." Thứ căn cốt đó và đặc quyền bí ẩn là những bí mật vô hình mà con cáo thúc giục ông hoàng nhỏ nên trân trọng.

Bài học của con cáo phải được tự trải nghiệm hơn là được dạy, và khi con cáo tiết lộ bí mật của mình, nó chỉ xác nhận lại những gì mà ông hoàng đã tự học được trong những chuyến du kí của mình. Hành trình của hoàng tử nhỏ giúp cậu khám phá bản thân mình cũng như thế giới xung quanh, nhưng con cáo cho thấy kể cả những nhà thám hiểm vĩ đại nhất cần sự xác nhận.

Con cáo là người dẫn lối, giúp chỉ ra những điều quan trọng nhất mà ông hoàng đã học được và giúp cậu suy nghĩ rõ ràng hơn. Khi con cáo giải thích cảm hóa nghĩa là như thế nào, hoàng tử bé mới nhận ra cậu đã bị bông hồng cảm hóa, kể cả khi cậu không biết quá trình đó có tên gọi. Con cáo thúc giục cậu hay ghé thăm lại vườn hoa hồng, và nhờ đó cậu tự ngộ ra phần thứ hai của bí mật - thời gian mà cậu dành cho hồng mới khiến nàng trở nên đặc biệt.

Sau khi nhấn mạnh trong chương 21 rằng dành thời gian cho một người là thứ tạo ra mối liên hệ đặc biệt giữa một sinh linh, Hoàng tử bé đưa ra hai ví dụ nữa về sự lãng phí thời gian, khi mà công nghệ giúp ta sống nhanh hơn với cái giá là ta bỏ lỡ những thứ thật sự quan trọng.

Những con tàu lao đi với tốc độ ánh sáng, nhưng chỉ những lũ trẻ thấy được giá trị đáng giá của chuyến đi. Người bẻ ghi chỉ ra rằng tất cả những chuyến đi đó không khiến những người lớn này hạnh phúc hơn chút nào. Người bán thuốc chống khát nước cũng nhấn mình vào sự tiết kiệm thời gian, nói với hoàng tử bé rằng những viên thuốc của ông sẽ làm mọi người có thêm 53 phút mỗi ngày. Ông hoàng nhỏ đáp làm rằng 53 phút thêm đó sẽ được sử dụng hữu ích nhất bằng cách bước thật chậm tới suối nguồn mát lạnh, phủ định chính công dụng của sản phảm chống khát kia.

Chương 24-25

Trong chương 24 và 25, người kể học được từ kinh nghiệm những bài học mà ông hoàng nhỏ lĩnh ngộ được khi ở bên con cáo. Cuộc tìm kiếm giếng nước trong sa mạc làm anh hiểu rõ được rằng con người phải tự khám phá ý nghĩa của mọi thứ để khiến chúng có giá trị. Người kể tự mình tìm ra giếng, giữ ông hoàng nhỏ đang ngủ say trong vòng tay.Một khi người kể hiểu được bài học về chính quá trình khám phá khiến thành quả có giá trị, anh thấm nhuần nó và có thể áp dụng nó vào các cảm xúc trong quá khứ của mình, khi ông hồi tưởng về ngôi nhà tuổi thơ bí ẩn .

Mặc dù, câu chuyện kể cho chúng ta tất cả những khám phá và cuộc gặp gỡ của hoàng tử, Saint-Exupéry đang cố thông báo với người đọc rằng ta sẽ không thực sự hiểu nếu không tự mình đi tìm kiếm ý nghĩa. Kể cả người kể chứng kiến tận mất câu chuyện của hoàng tử, cũng cần tự trải nghiệm những bài học của con cáo thay vì chỉ nghe kể lại.

Trước khi họ tìm thấy chiếc giếng, hoàng tử bé nói với người kể về người bán những viên thuốc chống khát. Bạn có thể nghĩ chúng chính xác là những gì anh và ông hoàng cần để sống sót trên xa mạc, nhưng chính họ lại chưa bao giờ ao ước chúng.

Khi người kể uóng nước từ chiếc giếng, anh nhận được nhiều thứ hơn là dưỡng chất cho cở thể. Nước làm tim anh thêm sức sống, và vui sướng như một món quà Noel. Anh nói rằng thứ khiến nước giếng ngon đến thế chính là tất cả công sức bỏ ra khi đi tìm nó, nhấn mạnh vào các mối quan hệ, các đồ vật và trải nghiệm chỉ có giá khi bạn đầu tư thời gian và công sức vào chúng.

Ngoài việc thể hiện những bài học đạo đức quan trọng, mối quan hệ giữa người phi công và hoàng tử bé cũng mang tính nhân văn cao. Hoàng tử bé nhẹ nhàng trêu các bức vẽ của người kể, và người kể cũng vô cùng lo lắng về sự an toàn của ông hoàng nhỏ. Mối quan hệ của họ làm nền cho câu truyện và tuy họ có bàn đến những chủ đề lớn như tâm linh và đạo đức, tình bạn giữa người kể và hoàng tử nhỏ vẫn rất vô tư và hồn nhiên.

Chương 26-27

Đối với chúng ta, cũng như với người kể, câu chuyện về ông hoàng nhỏ kết thúc trong bí ẩn. Người đọc phải tự đoán xem liệu hoàng tử bé có thể cứu được bông hồng của mình hay không. Có lúc, người kể chắc chắc là cuộc đời hoàng tử trên hành tinh của mình sẽ rất hạnh phúc. Lúc khác, người kể chỉ nghe thấy âm thanh của tiếng khóc. Điều duy nhất chắc chắc là một trong những câu hỏi đầu tiên của hoàng tử, về chuyện liệu chú cừu có ăn mất bông hoa hồng của cậu không, đã xuất hiện ở phần cuối như câu hỏi quan trọng nhất

Người kể không xem nhẹ nỗi đau sâu sắc mà anh cảm thấy trong tình bạn của anh với hoàng tử bé. Mặc dù anh có đề cập rằng mình có những người bạn khác, sự rời đi của ông hoàng nhỏ cũng để lại cảm xúc lớn trong anh như lúc gặp cậu.

Câu chuyện không phủ nhận rằng mất đi người mình yêu sẽ rất đau đớn, và kết truyện cũng không cho thấy sự an ủi nào rằng vết thương của người kể sẽ sớm lành. Ở một góc độ, những chương cuối này là một dụ ngôn về cách con người đối mặt với chết của người mình yêu thương.

Tuy nhiên, bất kể những nỗi buồn này, câu chuyện nhất mực khẳng định rằng các mối quan hệ xứng đáng với cái giá phải trả. Con cáo và người kể có thể đều đã mất hoàng tử bé, nhưng thế giới của họ đã khác đi - cánh đồng lúa mạnh và bầu trở đêm đã trở nên sống động hơn. Để nhấn mạnh khía cạnh tích cực của các mối quan hệ đã mất, người kể đã miêu tả bức vẽ cuối cùng về mảnh đất khô cằn nơi mà hoàng tử bé đã ngã xuống như một nơi buồn nhất nhưng cũng đáng yêu nhất trên thế giới.

Cuốn Hoàng tử bé, mặc dù đề cập tới những vấn đề nghiêm trọng và thậm chí đầy thất vọng về thế giới, vẫn nhấn mạnh ý tưởng rằng những điều tốt có thể được rút ra từ những sự việc buồn bã. Hoàng tử bé học được rằng bông hồng của cậu phải chết, nhưng chính điều đó lại làm cậu yêu cô nhiều hơn. Mối quan hệ giữa người kể và hoàng tử đạt đến cấp độ mới chỉ khi hoàng tử đã nói rằng cậu sẽ rời đi.

 Nguồn : tramdoc.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

28,598 lượt xem