Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tóm Tắt Sách: Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn - Vì Sao Nhiều Hơn Hóa Ra Lại Là Ít Hơn

Tác giả: Barry Schwartz

Tóm tắt: Blinkist

Người dịch: Hà Minh Ngọc

 

Tóm tắt

Xã hội hiện đại đưa ra cho chúng ta quá nhiều lựa chọn làm cho chúng ta tin rằng chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn và được hài lòng nhiều hơn. Tuy nhiên, tác giả Barry Schwartz lý luận rằng quá nhiều lựa chọn cũng có thể phá vỡ sự cân bằng  về mặt tâm lý cũng như tình cảm của chúng ta. Thông qua các lý luận dựa trên nghiên cứu khoa học xã hội ngày nay, tác giả chứng minh rằng vì sao nhiều hơn thực ra lại có thể là ít hơn.

Ai nên đọc cuốn sách này?

  • Những ai quan tâm đến lý do vì sao ra quyết định là việc khó khăn
  • Những ai muốn biết hệ quả của việc đối mặt với quá nhiều lựa chọn.

Về tác giả

Barry Schwartz là nhà tâm lý học và là giáo sư Đại học Swarthmore ngành Lý thuyết và hành vi Xã hội. Ông đã xuất bản một vài cuốn sách, bao gồm cuốn Cái giá của cuộc sống: Thị trường tự do ăn mòn những điều tốt đẹp trong cuộc sống như thế nào, đồng thời là tác giả thường xuyên của một số bài báo trên tờ New York Times, USA Today và Scientific American.

Bạn học được gì qua cuốn sách này?

Trong xã hội đầy đủ vật chất hiện nay, mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với vô vàn lựa chọn, từ quần áo chúng ta mặc cho đến thức ăn chúng ta ăn. Chính những sự lựa chọn này khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống thật trọn vẹn và giải phóng con người thật của chúng ta.. Hoặc chí ít là chúng ta nghĩ vậy.  Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn làm thay đổi hoàn toàn những quan điểm phổ biến và lý luận rằng khi phải đối diện với quá nhiều sự lựa chọn với những đòi hỏi khắt khe có thể gây ra tình trạng mệt mỏi về mặt tâm lý và làm chúng ta khó có thể lựa chọn.

Khi chúng ta đưa ra quyết định cuối cùng, việc tồn tại của những lựa chọn khác cũng có thể làm khó chúng ta. Trong bài tóm tắt này, bạn sẽ hiểu bằng cách nào và vì sao quá nhiều lựa chọn sẽ xóa bỏ cảm giác vui sướng chúng ta có được từ sự lựa chọn của mình. May mắn làm sao, cuốn Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn cũng chia sẻ cách tránh những tác động tiêu cực do quá tải với những lựa chọn bằng cách tìm kiếm những biện pháp hạn chế thích hợp. Tác giả gợi ý cách chúng ta đơn giản hóa việc ra quyết định và hài lòng với sự lựa chọn của chúng ta

Những lựa chọn chúng ta đối mặt hàng ngày đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Chỉ vài thập kỷ trước thôi, các lựa chọn cho cuộc sống hàng ngày thực sự hạn chế.

Ví dụ, ở thế hệ cha mẹ chúng ta, các dịch vụ tiện ích được phân phối độc quyền, do đó người tiêu dùng không phải băn khoăn xem ai sẽ cung cấp dịch vụ điện hoặc điện thoại. Và khi phải đưa ra lựa chọn liên quan đến giáo dục, các trường đại học thường yêu cầu sinh viên hoàn thành 2 năm giáo dục đại cương với một số lựa chọn vô cùng hạn chế về các khoá học. Nhưng khi xã hội tiến bộ hơn, những lựa chọn cho đời sống hàng ngày cũng tăng lên đáng kể. Chúng ta ngày nay phải đối mặt với nhu cầu lựa chọn không giống bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử loài người.

Ngày nay, các trường đại học được ví như các trung tâm mua sắm kiến thức, tiêu biểu cho nguyên lý đề cao vị trí tối thượng của tự do lựa chọn. Thậm chí ở trường Swarthmore, trường đại học nhỏ với khoảng 1,350 sinh viên, đưa ra khoảng 120 môn học đại cương, trong số đó, sinh viên chỉ cần chọn ra 9 môn là đủ. Trên thực tế, ở một số trường đại học hiện đại, sinh viên được phép tự do theo đuổi ý thích của mình. Những sự lựa chọn thừa thãi như vậy có ở mọi nơi, lĩnh vực dịch vụ tiện ích là một ví dụ, việc xóa bỏ sự điều tiết của nhà nước và sự cạnh tranh trong công nghiệp điện thoại và điện năng đưa ra nhiều lựa chọn đến chóng mặt. Và chúng ta cũng được mời chào  với hàng loạt lựa chọn khác nhau cho bảo hiểm sức khỏe, hình thức nghỉ hưu và chăm sóc y tế. Trên thực tế, động đến bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống hàng ngày, các lựa chọn có sẵn cũng tăng hơn hẳn về mặt số lượng so với những thập kỷ trước. Vì thế, cho dù đang lựa chọn một nhà cung cấp dịch vụ tiện ích hay quyết định công việc, xã hội ngày nay đều đưa ra cho chúng ta rất nhiều lựa chọn.

Càng có nhiều lựa chọn hơn, càng khó để có quyết định tốt.

Triết gia Abert Camus đặt ra câu hỏi: “Tôi nên tự vẫn hay uống một tách cà phê?”, chỉ ra luận điểm rằng mỗi lĩnh vực, trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời luôn có những lựa chọn chờ chúng ta quyết định. Không chỉ thế, mà những lựa chọn của chúng ta luôn có những sự thay thế.

Tuy thế, may mắn làm sao, hầu hết hành động của chúng ta lại tự động đến nỗi mà chúng ta không thực sự tính đến các giải pháp thay thế khác. Do đó, có một thực tế là trong nhiều lựa chọn chúng ta thậm chí chẳng hề có sự cân nhắc nào: chẳng hạn như khi chúng ta mặc đồ lót hay đánh răng.  

Nhưng ngày nay, chúng ta liên tiếp được mời chào các lựa chọn mới mà chúng ta phải mất nhiều công sức hơn bao giờ hết để quyết định.

Điển hình là những lựa chọn trong lĩnh vực tài chính và chăm sóc sức khỏe yêu cầu bạn phải bỏ thêm công sức để nghiên cứu, và hầu hết mọi người đều không cảm thấy họ có đủ kỹ năng hoặc hiểu biết cơ bản để đưa ra những quyết định khôn ngoan trong những lĩnh vực phức tạp như vậy của cuộc sống.

Cách đây không lâu, bảo hiểm sức khỏe duy nhất bạn có thể chọn là Blue Cross. Nhưng giờ đây, sự lựa chọn cho các chương trình và nhà cung cấp đã trở nên phức tạp đến khó tin và những người có khả năng hiểu đầy đủ phạm vi bảo hiểm sức khỏe của họ quả thực là rất hiếm.

Hơn thế, việc phải đối mặt với những lựa chọn đòi hỏi khắt khe như vậy đặt gánh nặng trách nhiệm lên mỗi cá nhân. Vài chục năm gần đây, với sự bùng nổ và dịch chuyển sự tín nhiệm sang phía thị trường tự do, gánh nặng quyết định dịch chuyển từ phía chính phủ sang người dân.

Việc này chẳng có gì đáng nói đối với các quyết định tài chính  nhỏ nhặt trong đời sống, nhưng khi phải quyết định liên quan đến bảo hiểm sức khỏe, chương trình nghỉ hưu hay chăm sóc y tế thì người dân phải chịu trách nhiệm lớn hơn. Ví dụ như một quyết định sai lầm của một người cao tuổi có thể phá hỏng kế hoạch tài chính hoàn toàn, hệ quả là phải lựa chọn xem nên ưu tiên cho thức ăn hay thuốc thang. Sự lớn dần của những lựa chọn khắt khe mà chúng ta là người phải gánh chịu hậu quả cuối cùng làm cho việc đưa ra sự lựa chọn sáng suốt ngày càng khó khăn, đồng thời tự do quyết định cuối cùng trở thành  làm cho chúng ta thấy khó khăn hơn khi phải đưa ra một quyết định khôn ngoan.

Càng có nhiều lựa chọn, khả năng mắc sai lầm càng cao.

Khi ta biết được chúng ta thực sự cần gì tức là ta có thể dự đoán được cảm giác của chúng ta đối với mỗi lựa chọn. Mặc dù nghe có vẻ đơn giản nhưng đây quả là một thử thách.

Khi phải đưa ra lựa chọn giữa nhiều giải pháp, người ta dễ mắc sai lầm khi đưa ra quyết định. Đó là do thực tế rằng các lựa chọn một phần bị chi phối bởi ký ức của chúng ta, nhưng đó lại là yếu tố thường mang tính chất thiên vị.

Bác sĩ tâm lý Daniel Kahneman đã chỉ ra rằng, cách chúng ta nhớ lại những kinh nghiệm quá khứ hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta cảm thấy như thế nào ở đỉnh điểm của cảm xúc vào thời điểm đó (tốt nhất hoặc tồi tệ nhất) và chúng ta cảm thấy như thế nào khi mọi việc kết thúc. Ví dụ như khi bạn hồi tưởng lại một chuyết đi, ấn tượng của bạn về chuyến đi có thể bị chi phối bởi những trải nghiệm tốt nhất hoặc tồi tệ nhất, chẳng hạn như bạn cãi nhau với người vợ/ chồng, hoặc cách chuyến đi kết thúc, ví dụ như thời tiết trong ngày cuối cùng.

Thêm vào đó, những dự đoán liên quan đến việc lựa chọn đó sẽ mang lại cảm giác gì hiếm khi chính xác. Điều này được minh họa trong một nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu hỏi các sinh viên chọn những đồ ăn vặt cho giờ giải lao của buổi hội thảo hàng tuần.

Một nhóm chọn một lần cho cả tuần, đơn giản là vì họ biết cảm giác của mình khi ăn món đó. Những sinh viên chọn các món họ thích sẽ chọn món giống như vậy các tuần khác. Một nhóm khác lại được yêu cầu chọn các loại khác nhau cho 3 tuần tiếp theo đó, những sinh viên này chọn rất nhiều loại vì nghi ngờ sai lầm rằng họ sẽ chán món đó nếu ăn lại, kể cả món họ thích.

Kết quả là những sinh viên buộc phải đoán trước xem họ sẽ cảm thấy thế nào vào 3 tuần tới tỏ ra kém vui hơn với lựa chọn của mình.

Xu hướng mắc sai lầm chỉ tồi tệ hơn khi số lượng và sự phức tạp của quyết định tăng lên. Do đó, nếu những sinh viên trong ví dụ trên phải chọn trong số vài trăm, thay vì chỉ vài tá loại đồ ăn vặt, họ sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi phải đoán trước xem họ sẽ muốn gì. Việc có nhiều lựa chọn hơn không chỉ khiến việc ra quyết định khó khăn hơn mà còn đánh cắp cảm giác hài lòng chúng ta có được từ sự lựa chọn đó. Bạn sẽ hiểu được điều này trong phần tiếp theo.

Càng nhiều lựa chọn, chúng ta càng kém hài lòng với quyết định của mình.

Giả dụ như bạn đang lựa chọn một kỳ nghỉ: Đi du lịch ở Bắc California thì sao? Hay là bạn nên ở tại một căn nhà bên bờ biển cả tuần ở Mũi Cod?

Cho dù bạn chọn gì đi nữa, quyết định đó sẽ bỏ qua những cơ hội mà các lựa chọn khác mang lại.

Cái này được gọi là chi phí cơ hội, và là một phần thiết yếu khi cân nhắc ra quyết định. Ví dụ như, chi phí cơ hội cho một kỳ nghỉ ở Mũi Cod là khả năng đến một nhà hàng lớn ở California. Thật không may là những chi phí cơ hội này làm giảm mức độ hài lòng cho những lựa chọn mà cuối cùng ta quyết định.

Điều này được chứng minh bằng một nghiên cứu trong đó nhiều người được hỏi xem họ trả bao nhiêu để đặt các tạp chí nổi tiếng. Một vài người tham gia được cho xem nhiều tạp chí khác nhau trong khi những người khác xem những tạp chí tương tự nhau. Trong hầu hết các trường hợp, người được hỏi đánh giá thấp giá trị của tạp chí khi họ nhìn thấy bên cạnh những loại khác. Do đó khi  chúng ta cần ra quyết định liên quan đến chi phí cơ hội, chúng ta cảm thấy kém hài lòng với lựa chọn của mình hơn nếu chúng ta chưa biết đến những giải pháp khác. Và khi có nhiều giải pháp khác hơn, chúng ta càng có nhiều trải nghiệm hơn với các chi phí cơ hội, chúng ta càng kém vui với lựa chọn cuối cùng. Hãy xem nghiên cứu này: có hai nhóm cùng ăn rất nhiều loại mứt trên một bàn mẫu. Một nhóm chỉ có thể lấy mẫu 6 loại mứt khác nhau, nhóm kia được lấy 24 loại. Nhóm được lấy mẫu nhiều hơn tỏ ra ít có khả năng sẽ mua hơn là nhóm chỉ được giới thiệu 6 mẫu. Tại sao vậy?

Khi mà người trong thí nghiệm này thu hẹp những lựa chọn xuống một loại mứt cụ thể, nét hấp dẫn phong phú của tất cả các loại mứt không được chọn sẽ thúc đẩy và làm loại mứt được chọn dường như kém đặc biệt hơn. Do đó, chi phí lựa chọn càng cao thì loại mứt được chọn càng trở nên kém hấp dẫn so với mong đợi. Như vậy càng có nhiều loại mứt thì loại được chọn càng có vẻ kém hấp dẫn hơn.

Như ví dụ này cho thấy, số lựa chọn nhiều hơn sẽ làm giảm cả năng lực quyết định và mức độ hài lòng từ lựa chọn của chúng ta.

Lựa chọn bằng thói quen hiếm khi làm chúng ta hài lòng như chúng ta mong đợi.

Lần cuối bạn mua một thứ gì thật sự đẹp là khi nào? Thử tưởng tượng đó là một chiếc kính lúp điện tử mà bạn đã mất nhiều thời gian mới quyết định mua. Nếu về cơ bản bạn giống như mọi loài sinh vật, độ hài lòng của bạn với thiết bị này sẽ giảm bớt đi sau một thời gian.

Loài người, giống như các loài vật khác, hưởng ứng ít dần với một sự kiện bất kỳ khi sự kiện đó không thay đổi – đó đơn giản là vì chúng ta quen dần với sự việc.

Quá trình này được biết đến như là thích nghi, và là một nét đặc trưng của tâm lý loài người.

Lấy ví dụ như cư dân một thị trấn nhỏ khi đến Manhattan có thể bị choáng ngợp vì sự nhộn nhịp, nhưng một người New York đã quen với cảnh tấp nập  thì có thể hoàn toàn không chú ý đến điều đó.

Không may làm sao, quá trình thích nghi làm mất đi sự hào hứng nhanh hơn chúng ta tưởng, trong khi đáng nhẽ chúng ta có thể phấn khởi hơn với một trải nghiệm tích cực.

Hãy xem xét sự thích nghi của chúng ta với sự hài lòng (“hưởng lạc”) làm ví dụ. Giả sử như trải nghiệm lần đầu làm tăng cảm giác hài lòng của bạn lên 20 “độ”, lần sau đó nó chỉ có thể đẩy lên 15, và 10 ở lần tiếp theo nữa. Cuối cùng thì trải nghiệm này có thể không làm tăng cảm giác đó nữa.

Có một ví dụ nổi tiếng về sự thích nghi hưởng lạc, một nghiên cứu hỏi những người tham gia có vẻ may mắn hoặc bất hạnh đánh giá mức độ hạnh phúc của họ. Một vài trong số đó năm ngoái đã trúng số khoảng 50.000 đến 1 triệu đô la, trong khi những người khác bị tàn tật do tai nạn. Kết quả cho thấy những nười trúng số không hạnh phúc hơn người bình thường nói chung và các nạn nhân tai nạn vẫn đánh giá mình hạnh phúc (dù trong số đó vẫn có những người kém hạnh phúc hơn những người bình thường). Điều này chứng minh là con người có thể thích nghi với cả may mắn và bất hạnh.

Bạn có thể hy vọng rằng một cái máy tính mới mua sẽ mang lại cho bạn niềm vui bất tận, tuy nhiên, niềm vui xuất phát từ bất kỳ trải nghiệm tích cực nào cũng chẳng tồn tại lâu.

Sự choáng ngợp trước số lượng của lựa chọn đóng góp vào căn bệnh bất hạnh của xã hội hiện đại.

Dường như khi xã hội Mỹ trở nên giàu có hơn, người Mỹ tự do hơn theo đuổi bất kì những gì họ thích thì họ lại càng trở nên kém hạnh phúc hơn.

Hãy xem xét thực tế là GDP của Mỹ – thước đo cơ bản của sự thịnh vượng – đã tăng gấp đôi trong 30 năm gần đây trong khi “trong khi “tỷ lệ Hạnh Phúc” của người Mỹ không ngừng giảm. Trên thực tế, số người mô tả bản thân là “rất hạnh phúc” đã giảm mạnh trong 30 năm qua, trong đó nổi trội là mức độ tăng đột ngột của bệnh trầm cảm. Theo ước tính, số ca bị bệnh trầm cảm đã tăng gấp 10 lần từ năm 1900 đến năm 2000. Vậy con số này cho thấy điều gì?

Nói một cách đơn giản là chúng ta luôn bị lưỡng lự giữa các lựa chọn tốt. Khi chúng ta được mời chào quá nhiều các lựa chọn thì lựa chọn cuối cùng hóa ra lại gây thất vọng và chúng ta luôn có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân – quả thực là chúng ta đang phải chịu đựng.

Bác sĩ tâm lý Martin Seligman đã khám phá ra là việc không thể hoặc thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến trầm cảm nếu một người giải thích nguyên nhân thất bại là global (“Tôi thất bại trong mọi lĩnh vực của cuộc sống”), chronic (“Tôi sẽ luôn là kẻ thất bại”) và personal (“hình như là chỉ có tôi là luôn thất bại”).

Những kiểu tự đổ lỗi cho bản thân liên tục ngày càng nảy nở trong thế giới với vô vàn lựa chọn. Bạn sẽ dễ dàng đổ lỗi cho bản thân đối với một kết cục thất vọng so với những hoàn cảnh tương tự nhưng ít lựa chọn hơn. Đó là vì nếu chúng ta được phép làm chủ định mệnh, đương nhiên chúng ta sẽ kỳ vọng vào bản thân nhiều hơn. Do đó, dường như sẽ chẳng có ai khác ngoài chính bản thân mình để đổ lỗi.

Do cuộc sống hiện đại sản sinh ra quá nhiều lựa chọn đi cùng với việc nhấn mạnh vào quyền tự do chọn lựa, dường như chúng ta lại tự đổ lỗi cho bản thân nhiều hơn nếu chúng ta không thành công để đưa ra lựa chọn thông minh.

Càng đổ lỗi cho bản thân nhiều càng dẫn đến trạng thái thất vọng, do đó chúng ta có lý do để tin rằng quá nhiều các lựa chọn trong xã hội có mối tương quan với căn bệnh bất hạnh hiện đại.

Các lựa chọn càng đòi hỏi cao và càng đáp ứng được ít nếu bạn là người cầu toàn: người tìm kiếm và chỉ chọn những kết quả tối ưu.

Thử tưởng tượng bạn đang đi mua một cái áo len. Nếu bạn tham vọng có một vụ giao dịch tốt nhất có thể, và bạn tự thúc giục mình kiểm tra các phương án khác để chắc chắn rằng bạn đã tìm được cái áo len đúng, bạn có thể là người cầu toàn.

Theo chiến lược ra quyết định, tối ưu hóa luôn là một nhiệm vụ khó khăn vì người cầu toàn luôn tham vọng chỉ chọn những kết quả tối ưu. Nếu bạn là người cầu toàn, mỗi lựa chọn có khả năng sẽ làm bạn mắc kẹt trong mớ bòng bong cân nhắc.

Lấy ví dụ như vì có vô số các khả năng ở bên ngoài, chỉ có kết quả tốt nhất mới được chọn, người cầu toàn cần có nhiều thời gian so sánh giá cả các mặt hàng, cả trước và sau khi họ ra quyết định mua mặt hàng đó.

Trên thực tế, các nghiên cứu tiến hành bởi tác giả và đồng nghiệp cho thấy rằng khi phải đối mặt với các lựa chọn, người cầu toàn sẽ rất mất côngtưởng tượng các khả năng khác – kể cả khi những khả năng này là không tưởng. Ví dụ như khi phải lựa chọn giữa một cái áo len casơ mia vừa nhẹ và ấm và một cái rẻ, người cầu toàn sẽ nhanh chóng nghĩ đến cảnh sẽ tìm thấy một cái áo len casơ mia rẻ trong tưởng tượng.

Không chỉ người cầu toàn tự làm khổ mình theo cách này, mà cả những người cuối cùng đã giải quyết xong khó khăn về phần chọn lựa và đã thực sự đã có lựa chọn của mình vẫn có xu hướng kém hài lòng với sự lựa chọn của mình hơn so với người khác.

Vì lý do này, những người cầu toàn đặc biệt nhạy cảm với “nối hối hận của người mua”. Ví dụ là một người cầu toàn, dù đã mua thành công một cái áo len vừa ý sau khi tìm kiếm rất nhiều vẫn thấy khó chịu vì những lựa chọn khác mà họ chưa có thời gian để tìm hiểu. Càng tưởng tượng về “thứ đáng lẽ ra” đã được chọn càng làm lựa chọn của họ kém hấp dẫn hơn. Trong thế giới các lựa chọn vô hạn, người cầu toàn luôn cảm thấy khó khăn và mệt mỏi về mặt tinh thần, họ sẽ không thể nào ngồi yên nếu chưa có được lựa chọn tốt nhất.

Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy trong phần tiếp theo, bạn sẽ thấy mình không cần phải tiếp tục làm một người cầu toàn. Có một lựa chọn đơn giản hơn dành cho bạn mà cho phép bạn một giải pháp tốt đẹp hơn: trở thành người tri túc – Satisficer

Các lựa chọn sẽ ít đòi hỏi hơn và đáp ứng nhiều hơn nếu bạn là một người tri túc: người có thể hài lòng với thứ “đủ tốt”

Chúng ta đều biết rằng con người có thể lựa chọn nhanh chóng và dứt khoát. Những người tri túc có đặc điểm là luôn có sẵn có những tiêu chuẩn nhất định để chọn lựa thay vì theo đuổi mục tiêu “tốt nhất”.

Tri túc là chiến lược quyết định đơn giản – tức là tìm kiếm cho đến khi gặp được lựa chọn đáp ứng tiêu chuẩn của họ và dừng lại tại điểm đó.

Thế giới của người tri túc được chia thành hai kiểu, một là những lựa chọn đáp ứng được tiêu chuẩn của họ và một là những loại không đáp ứng được. Vì vậy khi lựa chọn, họ chỉ cần khảo sát những lựa chọn trong kiểu đầu tiên.

Người tri túc tìm kiếm mua một cái áo len mới sẽ hài lòng với cái áo đầu tiên cô ấy thấy đáp ứng được các tiêu chí về kích cỡ, chất lượng và giá cả. Người tri túc không quan tâm đến những cái áo len tốt hơn hay khả năng mặc cả tốt hơn nữa. Ngoài việc tiết kiệm thời gian, lợi ích của tri túc là gì?

Người tri túc hạnh phúc hơn với lựa chọn của họ, và quan trọng hơn là nói chung cuộc sống của họ sẽ hạnh phúc hơn.

Bởi vì người tri túc không so sánh giữa các lựa chọn bất tận khi họ chọn, họ không có cảm giác giảm mức độ hài lòng khi tính toán khả năng có những lựa chọn khác.

Và do là họ không cố đưa ra một quyết định hoàn hảo, họ không dành quá nhiều thời gian nghĩ về những lựa chọn đưa ra sự hài lòng hoàn hảo trong thế giới giả tưởng.

Như vậy thì họ thấy dễ hài lòng hơn với lựa chọn của mình nói riêng và với cuộc sống nói chung. Trên thực tế, trong các cuộc điều tra đo lường mức độ hạnh phúc và lạc quan, người tri túc luôn duy trì được điểm số cao.

Đối mặt với vô vàn lựa chọn trong xã hội ngày nay, bạn sẽ may mắn nếu bạn là người tri túc bởi số lượng các lựa chọn sẵn có sẽ không có ảnh hưởng lớn tới việc bạn đưa ra quyết định. Tin tốt là hầu hết chúng ta đều có khả năng trở thành người tri túc, mặc dù có thể có những người luôn cảm thấy bối rối vì quá nhiều lựa chọn. Tất cả những gì yêu cầu để đạt được kỳ vọng là những gì “tốt nhất” có thể.

Nếu chúng ta coi những ràng buộc tự nguyện như một kiểu tự do, các mối quan hệ xã hội sẽ được cải thiện và bản thân chúng ta sẽ thấy thoải mái hơn.

Tự do vô hạn đối với các lựa chọn trong quá nhiều lĩnh vực của cuộc sống có thể làm chúng ta cô đơn và khiến chúng ta mệt mỏi hơn ta tưởng.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta có thế kiếm được và tiêu nhiều tiền hơn trước kia, nhưng chúng ta cũng dành ít thời gian cho những người xung quanh ta. Khoa học gia chính trị Robert Lane đã giải thích rằng thực tế khi ảnh hưởng và tự do tăng lên, chúng ta phải trả giá bằng sự giảm sút đáng kể về cả chất và lượng các mối quan hệ xã hội, đây là nguyên nhân chính làm giảm hạnh phúc của chúng ta.

Những mối quan hệ như thế rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta, kể cả khi những mối quan hệ này là ràng buộc và kìm hãm chúng ta theo một khía cạnh nào đó. Trên thực tế, cam kết và tham gia vào một nhóm hoặc tổ chức xã hội nào đó gần như là một liều vaccine chống lại căn bệnh bất hạnh.

Hãy xem xét cộng đồng đan len truyền thống của người Amish, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm trong số người Amish thấp hơn tỷ lệ 20% trên cả nước – một kết quả thể hiện mối liên hệ xã hội cực kỳ mạnh.

Tuy nhiên, để thiết lập và duy trì những mối quan hệ xã hội ý nghĩa như vậy sẽ cần đánh đổi với tự do chọn lựa và cần sẵn sàng là một phần bị ràng buộc với những mối quan hệ đó. Với những mối liên kết chặt chẽ hoặc các nhóm tổ chức xã hội nòa đó: ví dụ gia đình, bạn bè thân hoặc các hiệp hội công dân và những thứ tương tự như như vậy, chúng ta sẽ phải kìm hãm bản thân để duy trì sự bền vững của những mối quan hệ này.

Nhưng làm sao để đạt được điều đó? Bằng cách dùng các quy tắc để hạn chế bản thân và hạn chế các quyết định chúng ta phải đối mặt, chúng ta có thể có cuộc sống dễ kiểm soát hơn và giảm khả năng trầm cảm về mặt tâm lý.

Ví dụ như, nếu bạn đề ra quy tắc là bạn sẽ không bao giờ lừa dối đối tác của bạn, bạn có thể từ bỏ những quyết định nóng nảy và khó khăn mà có thể bạn sẽ phải đối mặt sau đó. Nhưng bạn cần phải có kỷ luật riêng để sống theo những quy tắc này.

Tự do không giới hạn có thể cản trở các mối quan hệ xã hội và cá nhân đó sẽ theo đuổi những gì người đó cho là đáng giá nhất, tương tự thế, những ràng buộc nhất định sẽ làm chúng ta thoải mái hơn. Khi phải làm việc trong môi trường hạn chế các lựa chọn, chúng ta có thể chọn ít hơn và cảm thấy tốt hơn.

Kết luận cuối cùng

Thông điệp chính trong cuốn sách này:

Các quyết định hàng ngày càng ngày càng trở nên phức tạp do xã hội hiện đại tràn ngập các lựa chọn. Những tác động tiêu cực đối với trạng thái tinh thần tăng lên tỉ lệ thuận với các lựa chọn. Càng có nhiều lựa chọn, chúng ta càng khó để đưa ra những quyết định khôn ngoan và chúng ta càng thấy ít hài lòng với những gì chúng ta đã chọn lựa. Dường như những ràng buộc tự nguyện nhất định sẽ khiến chúng ta thoải mái hơn. Đơn giản là nếu phải chọn ít hơn, cơ hội được hạnh phúc của chúng ta sẽ cao hơn.

Lời khuyên thiết thực từ cuốn sách

Rà soát lại quyết định của bạn

Một bài tập đơn giản giúp bạn hạn chế các lựa chọn để có thể chọn ít hơn và thấy tốt hơn: trước tiên, hãy rà lại một lượt các quyết định của bạn, cả những quyết định lớn và nhỏ, rồi phân loại các bước, thời gian, tìm tòi và trăn trở khi đi đến những quyết định này. Nhờ đó bạn sẽ có được một cái nhìn tổng thể về những chi phí gắn liền với các loại quyết định khác nhau và giúp bạn thiết lập những quy tắc trong tương lai đề ra bao nhiêu lựa chọn bạn nên xem xét, bao nhiêu thời gian và năng lượng bạn nên đầu tư vào việc lựa chọn.

Trở thành người tri túc

Chấp nhận và tôn trọng quy tắc “đủ tốt” sẽ giúp chúng ta đơn giản hóa quá trình ra quyết định và dễ dàng hài lòng hơn. Vì vậy, hãy nghĩ về những cơ hội trong cuộc sống khi bạn đã yên ổn ở mức “đủ tốt” và xét lại kỹ lưỡng xem bạn đã lựa chọn trong những lĩnh vực này như thế nào, rồi sau đó hãy bắt đầu xây dựng chiến lược “hài lòng” trong những lĩnh vực khác của cuộc sống.

Theo sachluoc.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

8,335 lượt xem