Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tóm Tắt Sách : Tốc Độ Của Niềm Tin - Cuốn Sách Khai Phá Và Nâng Tầm Nhận Thức Của Bạn Để Thành Công Trong Cuộc Sống

GIỚI THIỆU

  • Trong gia đình hay tổ chức, niềm tin có mối quan hệ nghịch chiều với tốc độ và chi phí.
  • Niềm tin = Tính cách + Năng lực

5 làn sóng Niềm tin:

  • Làn sóng Niềm tin vào bản thân: Nguyên tắc của sự tín nhiệm (Credibility) – Khả năng đưa ra và thực hiện cam kết.
  • Làn sóng Niềm tin trong mối quan hệ: Nguyên tắc của Hành động nhất quán (Consistent action).
  • Làn sóng Niềm tin trong tổ chức: Nguyên tắc của mối liên kết (alignment)
  • Làn sóng Niềm tin trên thương trường: Nguyên tắc của sự uy tín (reputation)
  • Làn sóng Niềm tin trong xã hội: Nguyên tắc của sự cống hiến (contribution)

LÀN SÓNG THỨ NHẤT: NIỀM TIN VÀO BẢN THÂN – Nguyên tắc: Sự tín nhiệm

  • Hai câu hỏi cần trả lời: 1) Bạn có tin vào chính mình? và 2) Người khác có tin bạn?
  • Bốn yếu tố cốt lõi của Niềm tin cá nhân là: 1) Sự chính trực, 2) Ý định, 3) Năng lực và 4) Kết quả.

1/ Sự chính trực

Sự chính trực gồm:

  1. Đồng nhất giữa lời nói, suy nghĩ, hành động và các giá trị.
  2. Sự khiêm tốn: Quan tâm đến xây dựng tập thể > Đề cao bản thân; Đề cao sự đóng góp của người khác > Mong đợi mọi người đề cao mình; Hành động đúng > Chứng tỏ mình đúng.
  3. Dũng cảm

Để nâng cao sự chính trực: 1) Đưa ra cam kết và thực hiện nó. 2) Đề ra những giá trị, tuyên ngôn cho bản thân. 3) Có tư duy rộng mở, tiếp thu.

Chú ý khi đưa ra cam kết: 1) Tôn trọng cam kết của chính mình. 2) Không đưa ra quá nhiều cam kết cùng một lúc. 3) Không đưa ra cam kết một cách tùy tiện, thiếu suy nghĩ.

2/ Ý định: gồm động cơ, kế hoạch và hành động

1. Động cơ

Động cơ để tạo niềm tin lớn nhất là quan tâm chân thật đối với người khác, quan tâm đến mục đích chung của tập thể, quan tâm đến chất lượng việc bạn đang làm và quan tâm đến xã hội nói chung.

2. Kế hoạch hành động

Kế hoạch xuất phát từ động cơ. Kế hoạch chỉ tạo niềm tin lớn nhất khi hướng đến lợi ích chung, nghĩa là bạn thật lòng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho những người liên quan, không chỉ quan tâm mà còn thật lòng muốn họ đạt thắng lợi.

3. Hành động

  • Hành động tạo sự tín nhiệm và niềm tin lớn nhất là hành động vì lợi ích của người khác.
  • Đừng suy diễn ý định của người khác bằng cách “suy bụng ta ra bụng người”. Trong mọi tình huống hãy luôn cố hiểu thiện chí của người khác, dù đó chỉ là phỏng đoán. Ví dụ: Nếu một người vượt xe ôtô bạn trên đường, hãy nghĩ cho họ rằng: “Có thể họ đang chở một phụ nữ mang bầu vào bệnh viện” hoặc “Có thể anh ta trễ giờ đón con”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG TẦM Ý ĐỊNH?

  1. Xem xét và điều chỉnh động cơ

Ta nên thường xuyên tự vấn lương tâm:

  • Khi tiếp xúc với trẻ con: Hành động của tôi có xuất phát từ sự quan tâm, thương yêu thực sự không? Tôi có hành động vì lợi ích cao nhất của đứa trẻ không? Tôi có đủ khiêm tốn để chấp nhận mình sai không? Hay tôi đang muốn áp đặt ý muốn của mình vào nó?
  • Trong quan hệ vợ chồng: Tôi có chân thành lắng nghe vợ / chồng tôi không? Tôi có thực sự tiếp thu ý kiến của cô ấy/anh ấy? Tôi có hiểu quan điểm của vợ/chồng không, hay chỉ chú ý bảo vệ quan điểm của mình?
  • Trong quan hệ đồng đội: Tôi có nhận ra và thừa nhận sự đóng góp của các thành viên khác không? Tôi có quan tâm vào thắng lợi của toàn đội hay chỉ chú tâm vào “chiến thắng” của riêng mình để trở thành “người hùng” và được mọi người thừa nhận.
  • Trong quan hệ kinh doanh: Tôi có muốn lợi ích cho cả hai bên? Tôi có suy nghĩ đồng tâm hiệp lực và giải pháp thứ ba? Hay tôi chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình?

Và để nâng tầm ý định, hãy:

  • Xác định các nguyên tắc đúng đắn.
  • Tìm kiếm những con người sống theo những nguyên tắc này.
  • Luôn lắng nghe tiếng nói từ lương tâm.
  • Hành động dựa trên lợi ích của người khác chứ không phải bản thân mình.
  1. Nói rõ ý định của bạn

Việc nói rõ ý định của bạn báo hiệu cho người khác biết điều gì sắp xảy ra để sau đó họ có thể nhận thức và chấp nhận những hành động của bạn. Khi nói, hãy thành thật, thực tế và bảo đảm mục đích phục vụ cho cả người khác chứ không chỉ bản thân mình.

  1. Suy nghĩ rộng rãi

Không phải suy nghĩ kiểu “bạn được, tôi mất”, mà suy nghĩ thành công có đủ cho tất cả mọi người. Thật lòng vui khi người khác thành công và chúc mừng họ.

Hãy tự vấn rằng:

  • Trong một cuộc thương lượng, tôi có tin là có giải pháp có lợi cho cả hai bên, hay tôi nghĩ theo kiểu “bạn được, tôi mất”?
  • Trong một cuộc họp, tôi có nghĩ ý kiến mọi người đều đáng trân trọng, hay chỉ ý nghĩ của tôi mới có giá trị?
  • Tôi có tin rằng dù mọi hoàn cảnh, tôi vẫn có thể chia sẻ và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người?

3/ Năng lực: TASKS – Talents, Attitudes, Skills, Knowledge, Style

  • Talents – Tài năng

Thế mạnh và năng khiếu riêng của tôi là gì? Tài năng của tôi dùng tốt nhất vào việc gì? Làm thế nào tôi có thể phát huy tối đa tài năng đó? Tôi có những tài năng nào chưa được phát triển?

Chúng ta có thể sở hữu những tài năng mà chúng ta chưa phát hiện. Có thể ta chưa suy nghĩ thấu đáo về nó; hoặc để cho những nhu cầu tuyển dụng, hoặc người khác xác định tài năng thay chúng ta. Đi sâu vào quá trình tự nhận diện bản thân sẽ hé mở những hướng đi bất ngờ và lý thú.

  • Attitudes – Thái độ

Có một thái độ cần thận trọng là “tâm lý cậy quyền”: Tôi là người quản lý, tôi có địa vị cao, nên tôi có thể thảnh thơi trong khi mọi người khác phải làm việc. Thái độ này nhanh chóng gây xói mòn, hủy hoại niềm tin, tạo ra sự căng thẳng trong quan hệ quản lý – nhân viên.

Như Steve Jobs nói: Các nhà quản lý hạng B phải thuê nhân viên hạng C; các nhà quản lý hạng C lại thuê nhân viên hạng D,…Trong khi đó, các nhà quản lý hạng A (không mang tâm lý cậy quyền) thuê nhân viên hạng A+, từ đó hoàn thành công việc tốt hơn và đạt niềm tin cao hơn. Vì thế, hãy luôn tập trung xung quanh mình những nhân viên có năng lực và tài năng hơn mình. Để làm được điều này, người lãnh đạo phải có sự tự tin mạnh mẽ – một niềm tin bắt nguồn từ sự chính trực, ý định tốt đẹp và một thái độ không ngừng hoàn thiện.

  • Skills – Kỹ năng

Có một điều cần thận trọng mà Jim Collins gọi là “lời nguyền của năng lực”: Đôi khi chúng ta làm rất tốt một công việc nhưng chúng ta không đam mê nó. Đừng để những kỹ năng mà chúng ta đang rèn luyện hạn chế hay định hình chúng ta.

  • Knowledge – Kiến thức

Hỏi một vị CEO:”Nếu tất cả người ông đào tạo xong lại bỏ công ty thì sao?”. Ông nói: “Vậy nếu chúng ta không đào tạo mà tất cả họ đều ở lại thì sao?”.

Một cách để đẩy nhanh tốc độ học tập cho cá nhân cũng như tổ chức là học tập với mục đích dạy lại cho người khác những điều bạn học được.

  • Style – Phong cách

BA CÁCH TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC

  1. Phát huy thế mạnh của bản thân: Tập trung vào thế mạnh của riêng mình, đồng thời hợp tác với những người khác để họ bù đắp điểm yếu của ta và ngược lại.
  2. Liên tục nâng cao năng lực chuyên môn
  3. Định rõ mục tiêu của bản thân: Mọi người sẽ đi theo bạn nếu bạn biết rõ mình đang đi về đâu. Do đó, luôn biết rõ mình sẽ đi về đâu và nói cho người khác biết về ý định và kế hoạch của mình.

4/ Kết quả

  • Đặt câu hỏi “Kết quả tôi muốn đạt được là gì?” và “Làm thế nào để đạt được chúng?”.
  • Một kết quả quan trọng mà ta phải hướng đến đó là sự trưởng thành và hãy chấp nhận và trải nghiệm rủi ro để trưởng thành.
  • Để tạo sự tín nhiệm nơi người khác, chúng ta không phải chỉ chú tâm đến việc lập thành tích, mà còn phải để mọi người biết thành tích của mình. Vì vậy việc thông báo thành tích của mình cho người khác cũng là điều quan trọng.

BA CÁCH TĂNG THÀNH TÍCH

  1. Chịu trách nhiệm với kết quả công việc của mình

Có một sự khác biệt giữa hành động và kết quả. Ví dụ:

  • Hành động: Tôi đã gọi điện cho khách hàng – Kết quả: Tôi đã bán được hàng.
  • Hành động: Tôi đã ăn kiêng – Kết quả: Tôi đã giảm được 5 kg
  • Hành động: Tôi đã thử – Kết quả: Tôi đã làm được.
  1. Kỳ vọng vào chiến thắng

  2. Quyết tâm về đích

  • Việc có trách nhiệm với kết quả, dù kết quả thậm chí không phải lỗi của bạn, hay không được tốt, cũng tạo ra sự tín nhiệm.
  • Ví dụ: Năm 1982, có 7 người chết do trong thuốc Tylenol (thuốc giảm đau) của hãng Johnson & Johnson có chất cyanua (được trộn vào do có người muốn hạ thấp uy tín của hãng này. Tuy không phải lỗi của mình, nhưng J&J đã cho thu hồi, kiểm tra và đổi lại toàn bộ số thuốc trên thị trường, đặt giải thưởng cho ai tìm ra thủ phạm, sử dụng bao bì mới với ba lớp niêm phong. Những hành động kịp thời này của Johnson & Johnson thậm chí còn giúp tăng uy tín của họ hơn trước.
  • Trong cuộc sống công việc, gia đình hay cá nhân, hãy nói: “Anh / em / con xin lỗi vì có một phần trách nhiệm trong chuyện này. Tôi có thể làm gì để khắc phục nó không”. Hãy nói: “Dù sao đi nữa, tôi cũng thừa nhận mình có trách nhiệm trong việc này. Tôi có trách nhiệm tìm ra giải pháp cho chuyện này”.

LÀN SÓNG THỨ 2: NIỀM TIN TRONG MỐI QUAN HỆ – Nguyên tắc: Hành động nhất quán

Hành vi 1: Nói thẳng

Nguyên tắc: chính trực, trung thực, thẳng thắn

Hành vi ngụy tạo: nói quanh co, lấp lửng, nói nước đôi, nịnh bợ, phô diễn, thêu dệt, xuyên tạc. Hành vi trái ngược: lừa gạt, nói dối.

Ví dụ: Các công ty thường phải tổ chức ba cuộc họp thay vì một: 1 cuộc họp “chuẩn bị” (để chuẩn bị, xếp đặt), 1 cuộc họp “chính thức” (các vấn đề chính ít khi được bàn đến trong cuộc họp này), và “những cuộc trao đổi sau khi họp” (những cuộc họp riêng lẻ nơi người ta thực sự bàn những vấn đề chính).

Người ta có can đảm nói thẳng thì giao tiếp sẽ rõ ràng hơn, họp hành sẽ bớt đi và đi thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên, bạn phải khéo léo, tế nhị và có óc phán đoán khi nói thẳng.

Những cách nâng cao khả năng nói thẳng:

  • Tự hỏi: “Điều gì ngăn cản bạn nói thẳng? Bạn sợ hậu quả của nó? Sợ mình sai? Sợ xúc phạm người khác? Sợ làm mất lòng ai đó? Do thiếu can đảm? Hay do môi trường nơi mà mọi người đều không nói thẳng?
  • Tập cách nói thẳng vào vấn đề.

Hành vi thứ 2: Tôn trọng người khác

  • Gồm 2 khía cạnh: Tôn trọng và Quan tâm, chăm sóc.
  • Nguyên tắc: công bằng, lòng tốt, sự yêu thương, phép lịch sự.
  • Hành vi ngụy tạo: Giả vờ tôn trọng người khác; hay chỉ tôn trọng số ít người có lợi cho bạn.
  • Hành vi trái ngược: Xem thường. Biểu hiện: do bạn thực sự không muốn quan tâm, hay do bạn không biết cách thể hiện hoặc không có thời gian.
  • Hãy nhớ, những điều nhỏ sẽ đem lại kết quả lớn lao. Khởi đầu của tệ nạn ngược đãi trong gia đình cũng bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt, như xem thường khả năng của nhau, chỉ trích nhau, không nói chuyện với nhau, hứa lèo, vu cáo thiếu cơ sở hay đập vỡ đồ đạc.
  • Do đó, hãy tôn trọng người khác, làm những hành vi cụ thể, cố gắng làm người khác vui hàng ngày. Trong gia đình, hãy nói “làm ơn”, “cảm ơn”, lắng nghe chân thành, tự dọn dẹp những thứ mình bày ra, gây bất ngờ cho nhau bằng những hành động yêu thương.
  • Đừng xem những mối quan hệ hiện có là đương nhiên mà cần phải luôn chăm chút cho nó.

Hành vi thứ 3: Hành động minh bạch

  • Nguyên tắc: thành thật, cởi mở, chính trực, chính xác.
  • Hành động đối lập: sự giấu diếm, che đậy, làm mơ hồ.
  • Hãy nói đúng sự thật, thực tế, chân thực, cởi mở. Không theo đuổi những kế hoạch đen tối. Không bưng bít thông tin, không giấu diếm.

Hành vi thứ 4: Sửa chữa sai lầm

  • Nguyên tắc: khiêm tốn, chính trực, thái độ sửa lỗi chân thành.
  • Hành động trái ngược: bào chữa cho sai lầm hoặc miễn cưỡng nhận trách nhiệm khi không còn cách nào khác. Đó là sự nhượng bộ trước sức ép của hoàn cảnh chứ không phải lương tâm.
  • Không che đậy lỗi lầm, không để tính tự ái ngăn chặn việc sửa chữa lỗi lầm (che đậy lỗi lầm mà bị phát hiện còn tệ hơn).
  • Không chỉ là xin lỗi mà phải hành động. Đó là sự đền bù và hàn gắn những tổn thất do mình gây ra, sau đó là hành động vượt trên cả sự mong đợi của người khác.
  • Ví dụ: Trong kinh doanh: khôi phục chất lượng dịch vụ, sửa chữa sai sót, tặng phiếu mua hàng, tặng quà. Trong quan hệ cá nhân: lời xin lỗi, cử chỉ chăm sóc, tặng hoa, hoặc phục vụ một bữa ăn sáng.

Hành vi thứ 5: Ghi nhận sự trung thành

  • Ghi nhận công lao của người khác. Hình ảnh ẩn dụ “tấm gương và chiếc cửa sổ”: Khi đội nhóm thành công, bạn nhìn ra cửa sổ để ghi nhận công lao của mọi người. Nhưng khi đội nhóm thất bại, bạn nhìn vào tấm gương để nhìn nhận lỗi lầm của mình trước.
  • Hành vi trái ngược: giành lấy mọi thành quả về mình.
  • Có nhiều cách công nhận: chúc mừng, tạo ra những giai thoại qua những câu chuyện kể, gửi lời cảm ơn bằng thiệp, thư, hoa, công bố những câu chuyện thành công của họ lên bảng thông báo tại nơi làm việc.
  • “Bạn có thể hoàn thành mọi việc trong cuộc sống nếu bạn không bận tâm công lao đó thuộc về ai” – Harry Truman.
  • Nói về người vắng mặt như họ đang có mặt. Đừng nói bí mật của một người cho một người khác. Đừng tiết lộ thông tin cá nhân.
  • Khi nghe người khác nói xấu người vắng mặt, bạn có thể bỏ đi, hay im lặng, hay nói tốt cho người đó để cân bằng câu chuyện, hay nói thẳng rằng: “Tôi không thoải mái khi nói về người này như vậy khi họ vắng mặt”.
  • Trong gia đình, hãy thận trọng khi nói về thành viên khác khi họ vắng mặt, kể cả đó là con cái. Ngược lại, hãy khen ngợi con cái khi chúng có hành vi tốt.

Hành vi thứ 6: Tạo thành quả

  • Việc tạo thành quả phải dựa trên kỳ vọng của người tiếp nhận nó.
  • Ví dụ: Ba mẹ cật lực làm việc trong khi kỳ vọng của con cái là ba mẹ dành thời gian cho chúng. Nhân viên làm việc cật lực nhưng không đúng kỳ vọng của sếp.
  • Đối với khách hàng hay đồng nghiệp, hãy dự đoán kỳ vọng của họ trước khi họ yêu cầu.
  • Đừng biện minh khi không tạo ra thành quả.

Hành vi thứ 7: Cầu tiến

Hành vi giả tạo:luôn học nhưng không bao giờ thực hiện.

  1. Tiếp thu ý kiến phản hồi
  • Hỏi người khác: “Tôi có thể làm gì để trở nên tốt hơn?”.
  • Ý kiến phản hồi còn giúp chúng ta hiểu thêm về người góp ý, hiểu những kỳ vọng của họ ở bạn, và những hành vi nào của bạn sẽ giúp tăng tài khoản niềm tin của bạn với họ.
  • Cảm ơn ý kiến phản hồi và nói họ biết kế hoạch hành động của bạn.
  1. Rút kinh nghiệm từ sai lầm

Einstein: “99 lần tôi đưa ra kết luận đều sai, chỉ 1 lần đúng”.

Edison: “Không phải tôi thất bại 10.000 lần, mà tôi đã thành công trong việc loại ra 10.000 sản phẩm không đạt yêu cầu”.

Hãy gửi phiếu thăm dò “Tiếp tục / Ngưng / Bắt đầu” tới nhân viên, khách hàng, thành viên trong nhóm, thành viên trong gia đình:

  • Điều gì chúng ta nên tiếp tục?
  • Điều gì chúng ta nên dừng lại?
  • Điều gì chúng ta chưa làm và nên bắt đầu?

Hành vi thứ 8: Đối mặt với thực tế

  • Nguyên tắc: dũng cảm, trách nhiệm, hiểu biết và tôn trọng.
  • Hành động trái ngược: Lảng tránh.
  • Đối mặt với thực tế giúp xây dựng những mối quan hệ cởi mở và huy động được nhiều nguồn lực cùng giải quyết vấn đề.
  • Khi gặp một tin không hay, tin xấu, nhiều nhà lãnh đạo ém nhẹm nó, hay đùn đẩy, ép cấp dưới thông báo thay mình. Vì họ nghĩ rằng làm như vậy sẽ có thể giữ khoảng cách với những điều không hay và có thể duy trì sự tín nhiệm. Thế nhưng thực tế không phải như vậy.
  • Có hai lý do khiến con người ta không dám đối mặt với sự thật: họ muốn được lòng mọi người, hoặc không muốn ngại ngùng, mất mặt.
  • Hãy giải quyết vấn đề ngay khi nó vừa phát sinh. Đừng chạy trốn mà hãy nhìn vào sự thật.

Hành vi thứ 9: Xác định kỳ vọng

  • Xác định kỳ vọng trong kinh doanh: lập bằng văn bản trên nguyên tắc tin cậy lẫn nhau.
  • Xác định kỳ vọng trong gia đình: xác lập kỳ vọng, vai trò, trách nhiệm của vợ, chồng. Đặt ra những kỳ vọng rõ ràng và cụ thể cho con cái.

Hành vi thứ 10: Chịu trách nhiệm

Bản thân chịu trách nhiệm, không đổ lỗi.

Hành vi thứ 11: Lắng nghe trước

  • Tôi phát hiện có hai đức tính mà một CEO cần có: đó là khả năng lắng nghe và tin vào động cơ của người khác” – Greenberg, CEO McDonald.
  • Nếu có bí quyết thành công nào lớn nhất trên đời thì đó là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và nhìn sự vật bằng quan điểm của họ cũng như của bạn” – Henry Ford.
  • Có 5 mức độ lắng nghe: 1) Không lắng nghe, 2) Giả vờ lắng nghe, 3) Lắng nghe có chọn lọc, 4) Nghe chú tâm, 5) Nghe thấu hiểu. Bạn cần lắng nghe thấu hiểu, sau đó còn cần phải đưa ra quyết định hoặc lời khuyên đối với người khác, đáp ứng nhu cầu của họ.
  • Hãy lắng nghe mà không suy nghĩ liệu đối phương sẽ nói gì tiếp theo.
  • Trong giao tiếp, chỉ có 7% thông tin được truyền bằng lời nói, 38% bằng cách nói và đến 55% bằng ngôn ngữ cơ thể. Do đó bạn cần lắng nghe bằng cả tai, mắt và trái tim.

Hành vi thứ 12: Giữ cam kết

  • Thực hiện mọi điều mà bạn hứa với bản thân, tại gia đình và trong công việc.
  • Chúng ta thường xem nhẹ các cam kết trong gia đình, nhưng niềm tin trong gia đình mới là niềm tin quan trọng nhất.
  • Đừng hứa quá nhiều mà không làm. Nếu phải thương lượng lại về thời gian hoàn thành, hãy làm ngay và đừng trễ hẹn.
  • Khi bắt đầu một mối quan hệ mới, hãy cam kết – thực hiện, cam kết – thực hiện. Khi lặp đi lặp lại quá trình đó, tài khoản niềm tin sẽ tăng lên nhanh chóng.

Hành vi thứ 13: Tin vào người khác

  • Nguyên tắc: khả năng ủy quyền và niềm tin cơ bản rằng mọi người đều đáng tin cậy, muốn được tin cậy và sẽ đáp ứng điều mong muốn của người khác khi được tin cậy.
  • Vì sao đa số nhân viên không tin vào lãnh đạo? Một phần là do nhà lãnh đạo không tin vào nhân viên. Người ta sẽ không tin những ai không tin tưởng họ.
  • “Hãy đối xử với nhân viên như cách bạn muốn đối xử với khách hàng” – P. Chủ tịch Jet Blue.
  • “Các công ty cần tin tưởng để những nhân viên làm việc tại nhà nhiều hơn. Việc đi lại hàng ngày mất rất nhiều thời gian và công sức mà lẽ ra có thể dành cho việc sáng tạo” – Richard Branson.
  • Nhiều ông chủ phân vân không biết có nên tin vào nhân viên của mình hay không. Thế là họ chọn cách đối xử với 90% số người họ tin cậy giống như cách đối xử với 10% những người mà họ không tin cậy. Lẽ ra họ nên làm điều ngược lại, 10% những người không đáng tin cậy kia sẽ tự nhiên bị đào thải.
  • Nếu làm cha mẹ, hãy xem lại xem bạn có nghi ngờ, ngầm theo dõi, hay giám sát con cái hay không.
  • Nhiều người nghĩ rằng tin người khác là rủi ro. Nhưng không tin ai cả thậm chí còn là điều rủi ro lớn hơn.
  • Tóm lại: Đặt niềm tin hoàn toàn với người bạn tin cậy, và niềm tin có điều kiện với những người bạn chưa thực sự tin cậy.

LÀN SÓNG THỨ 3: NIỀM TIN TRONG TỔ CHỨC – Nguyên tắc: Mối liên kết

Ở công ty có niềm tin thấp: mọi người thao túng, xuyên tạc sự thật; thông tin bị ém nhẹm, bưng bít; mọi người chú trọng quá mức vào việc giành công lao cho mình; mọi người thổi phồng sự thật theo hướng có lợi cho mình; những ý tưởng mới bị phản đối và vô hiệu, sai lầm được che đậy, giấu diếm; mọi người đổ lỗi, nói xấu nhau; hiện tượng tập trung, tán gẫu phổ biến; họp hành tràn lan, không hiệu quả; mọi người hứa nhiều, làm ít; đủ lý do để ngụy biện; mọi người thấy áp lực và sợ hãi; mức độ nhiệt tình thấp.

Công ty có niềm tin cao: thông tin được chia sẻ công khai; sai lầm được khoan dung và xem như bài học kinh nghiệm; trung thành với người vắng mặt; nói chuyện thẳng thắn và đối mặt với vấn đề; thái độ giao tiếp và hợp tác thật lòng; mọi người chia sẻ công lao với nhau; rất ít cuộc họp vô bổ; hành động minh bạch; tinh thần trách nhiệm cao; nhiệt tình, khí thế.

Những biểu hiện của không có niềm tin:

  • Cuốn sổ tay nội quy dài 100 trang.
  • Nhà quản lý cấp cao đỗ xe đắt tiền tại khu vực riêng.
  • Mua một tác phẩm nghệ thuật đắt tiền treo trong phòng ban lãnh đạo khi công ty đang gặp khó khăn.
  • Nhiều nhân viên bị sa thải. Đối xử với nhân viên theo kiểu “chúng tôi sẵn sàng thay thế anh”.
  • Không tạo điều kiện cho nhân viên làm việc.

Những biểu hiện của có niềm tin:

  • CEO bỏ thời gian đọc tất cả thư phản hồi của khách hàng và lắng nghe góp ý của nhân viên.
  • Làm theo những giá trị của công ty.
  • Sổ tay nhân viên của Nordstorm (hãng thời trang) chỉ có 2 mặt giấy.
  • Ở Hewlett – Packard (HP), một ngày, CEO Bill Hewlett thấy nhà kho chứa công cụ dụng cụ bị khóa, ông quyết định mở khóa và ghi “HP tin tưởng nhân viên của mình.
  • Phòng của Michael Dell không có cửa ra vào.

Nếu công ty bạn thiếu niềm tin, hãy xem lại 4 yếu tố cốt lõi:

  • Chính trực: Tổ chức bạn có sự chính trực không? Các bạn có biết mình đang đại diện cho những giá trị gì không? Cơ cấu, hệ thống quản lý có dựa trên sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau không? Có xây dựng được văn hóa trung thực và khiêm tốn không? Có lắng nghe ý kiến của nhau không? Chúng ta có thừa nhận sai lầm không? Các bạn có đủ can đảm để đối mặt với những vấn đề gai góc? Hệ thống có khuyến khích việc ứng xử có đạo đức?
  • Ý định: Tổ chức bạn có ý định tốt không? Có văn hóa chăm sóc nhau không? Có quan tâm đến khách hàng không? Hệ thống tổ chức có khuyến khích chia sẻ ý tưởng, thông tin thoải mái không? Hay nó khiến người ta giữ lại những điều họ biết?
  • Năng lực: Những kỹ năng chuyên môn nào tổ chức bạn yêu cầu? Tổ chức có đủ điều kiện tạo nên giá trị không, có thu hút và duy trì TASKS (tài năng, thái độ, kỹ năng, kiến thức và phong cách) để cạnh tranh trên thương trường không? Bạn có chọn đúng người đúng việc không? Bạn có liên tục cải tiến và đổi mới?
  • Kết quả: Tổ chức có thẩm đạt được các kết quả mong muốn, có thực hiện được những gì đã cam kết? Khách hàng có giới thiệu công ty bạn cho người khác không?

Chỉnh lý

  • Chính trực: chỉnh lý bản tuyên ngôn sứ mệnh, khuyến khích mọi người cùng tham gia xây dựng để nó không chỉ là khẩu hiệu sáo rỗng treo trên tường. Tạo văn hóa thực hiện cam kết. Điều này đặc biệt quan trọng đối với cấp lãnh đạo, nhất là trong những vấn đề nhỏ nhặt.
  • Ý định: Xây dựng những hệ thống, chủ trương vì lợi ích chung, bao gồm các thỏa thuận trách nhiệm công việc, khen thưởng các hành vi hợp tác; biểu lộ niềm tin với người khác.
  • Năng lực: xây dựng cơ cấu, hệ thống tuyển dụng, lương bổng có khả năng thu hút và giữ chân người giỏi. Thường xuyên huấn luyện, tư vấn qua các chương trình đào tạo – phát triển để mọi nhân viên đều bắt kịp, đáp ứng nhu cầu thời đại.
  • Kết quả: xây dựng nhận thức chung về mục tiêu, thành quả mong muốn, được mọi người đồng thuận.

7 loại thuế khi không có niềm tin trong tổ chức

  1. Sự dư thừa: bộ máy quản lý đa tầng nấc, cơ cấu trùng lặp, kiểm soát lẫn nhau
  2. Tệ quan liêu: những quy định, chính sách, quy trình rườm rà, không cần thiết.
  3. Tình trạng bè phái, tranh giành địa vị
  4. Thiếu nhiệt tình trong công việc: nhân viên chỉ làm việc vừa đủ để hưởng lương, không năng nổ, sáng tạo.
  5. Người trong rời bỏ: nhân tài bỏ đi
  6. Người ngoài quay lưng: khách hàng, nhà cung ứng, nhà phân phối, nhà đầu tư.
  7. Gian lận
  • “Khi tập quán đạo đức được tôn trọng thì luật lệ nào cũng không cần thiết. Khi đạo đức không được tôn trọng thì không có luật lệ nào có thể thực thi”.
  • Vì thế, nếu cố gắng kiểm soát chặt chẽ hơn để chống gian lận, sẽ chỉ giải quyết được chút ít, nhưng lại khiến các loại thúê khác tăng lên.

7 loại cổ tức khi có niềm tin

  1. Làm tăng giá trị (cho cổ đông, khách hàng)
  2. Kích thích tăng trưởng: khách hàng mua thường xuyên hơn, nhiều hơn và giới thiệu cho người khác, doanh thu, lợi nhuận tăng, chi phí giảm.
  3. Đẩy mạnh đổi mới
  4. Tăng cường cộng tác: sự cộng tác trong nội bộ, với khách hàng, nhà cung ứng.
  5. Thắt chặt quan hệ và đối tác: các hợp đồng dựa trên cơ sở niềm tin chứ không phải những thỏa thuận nghiêm ngặt, các điều khoản phạt sẽ mang nhiều cổ tức niềm tin cao hơn. Đó không phải là sự cả tin, mà phải trải qua một quá trình.
  6. Thực thi chiến lược hiệu quả
  7. Nâng cao lòng trung thành (của đồng sự, nhà cung cấp, nhà đầu tư, nhà phân phối)

Johnson & Johnson: “Không có niềm tin, bạn chẳng thể đạt kết quả khả quan nào. Nhưng nếu có niềm tin, bạn sẽ vượt qua tất cả”.

Trong gia đình, hãy tự hỏi:

  • Chính trực: Sự trung thực có tồn tại trong gia đình không? Các giá trị có rõ ràng? Các quyết định, hướng dẫn của cha mẹ có ủng hộ các giá trị đó? Đó có phải môi trường lý tưởng cho sự trung thực và khiêm tốn? Các thành viên trong gia đình có mạnh dạn bày tỏ ý kiến trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau?
  • Ý định: Có văn hóa tôn trọng, quan tâm nhau không? Mọi người có chủ trương vì lợi ích chung, hay chỉ có người lớn, hay trẻ con có ưu thế? Gia đình có đặt ra các quy chế khen thưởng cho các hành vi hợp tác không?
  • Năng lực: Gia đình có những năng lực gì? Cơ cấu gia đình có tạo điều kiện, khuyến khích sự phát triển và trưởng thành? Gia đình có khuyến khích rút kinh nghiệm từ những sai lầm? Có những chương trình để trẻ con phát triển những kỹ năng?
  • Thành tích: Có những thành tích gì? Có hành động gì để tạo niềm vui chia sẻ thành tích của ai đó? Các thành viên có đạt được những mục tiêu quan trọng không?

LÀN SÓNG THỨ 4: NIỀM TIN TRÊN THƯƠNG TRƯỜNG – Nguyên tắc: Sự uy tín

Thương hiệu đối với một công ty cũng như uy tín của một cá nhân. Để có được uy tín bạn phải thực hiện tốt những công việc khó khăn” – Jeff Bezes, nhà sáng lập Amazon.

Tài sản của chúng tôi là con người, tiền vốn và uy tín. Trong đó tài sản uy tín là thứ khó lấy nhất“- Hank Paulsen, CEO Goldman Sachs.

Hãy tự hỏi:

  • Chính trực: Thương hiệu của chúng ta có chính trực không? Chúng ta có được tin tưởng vì trung thực không? Chúng ta có những giá trị nào để mọi người tin tưởng và tín nhiệm không? Chúng ta có đề cập ngay đến những vấn đề gai góc để thành thật thừa nhận và sửa chữa sai lầm?
  • Ý định: Thương hiệu của ta có thể hiện thiện ý không? Liệu mọi người cho rằng chúng ta “chỉ chạy theo lợi nhuận” hay họ cảm thấy chúng ta thực sự quan tâm và muốn giúp mọi người cùng có lợi?
  • Năng lực: Thương hiệu của chúng ta có chứng tỏ được khả năng không? Mọi người có gắn thương hiệu của chúng ta với chất lượng, sự ưu việt và liên tục cải tiến? Liệu chúng ta có được thừa nhận khả năng “hoàn thành mục tiêu” theo hướng xây dựng niềm tin không?
  • Kết quả: Mọi người có cảm thấy chúng ta đem lại cho họ kết quả như chúng ta đã hứa? Tên tuổi chúng ta có gắn với thành tích tốt? Liệu mọi người có giới thiệu thương hiệu của chúng ta với người khác?

LÀN SÓNG THỨ 5: NIỀM TIN TRONG XÃ HỘI – Nguyên tắc: Sự cống hiến

  • Trách nhiệm xã hội hiện nay không chỉ được khuyến khích trong kinh doanh, mà trở thành một phần không thể thiếu của kinh doanh
  • Cuối tháng 4/1992, phiên tòa xét xử Rodney King châm ngòi cho các cuộc bạo loạn, đốt phá và cướp bóc tại Los Angeles. Tuy nhiên, tất cả các quán ăn của McDonald vẫn nguyên vẹn. Lý do: McDonald luôn quan tâm tới cộng đồng xã hội, ủng hộ người dân trong các phong trào nâng cao học vấn và tạo điều kiện việc làm cho giới trẻ.
  • Năm 1998, Oprah Winfrey thành lập “mạng lưới thiên thần” nhằm giúp đỡ những người không gặp may tiến thân bằng chính khả năng của mình.
  • Năm 2005, Bill Gates tạo ra quỹ Bill & Melinda Gates. Hai tuần sau, Warren Buffet tuyên bố ông sẽ hiến tặng 84% tài sản của ông (khoảng 37 tỷ USD) cho quỹ này.

NIỀM TIN SÁNG SUỐT

  • Tin bất kỳ ai hoặc không tin ai cả đều là sai lầm như nhau
  • Tin một người là rủi ro nhưng không tin ai cả còn là rủi ro lớn hơn
  • Niềm tin sáng suốt = Tin (trái tim) + Phân tích (khối óc).
  • Hãy tin, nhưng hãy kiểm chứng” – Ronald Regan. (phân tích cơ hội, rủi ro, tính cách và năng lực).
  • Thỉnh thoảng bị lừa dối một chút, còn hơn không tin ai bao giờ” – Samuel Smiles
  • Cuộc sống đầy những rủi ro. Mục đích không phải là tránh rủi ro. Vì bạn không thể tránh nó và cũng không nên tránh nó vì rủi ro là một phần cơ bản của cuộc sống. Mục đích là đối phó với rủi ro một cách khôn ngoan.
  • Nguyên tắc chung: Trao gửi niềm tin có điều kiện cho những người đáng tin cậy và sẵn sàng trao gửi niềm tin cao hơn cho những người mà hành động của họ có đã được kiểm chứng.
  • Hãy đặt niềm tin ở người khác, dù bạn có thể bị lừa gạt hay thất vọng, vẫn tốt hơn việc suy nghĩ rằng hầu hết mọi người là kém năng lực hay thiếu chân thành.
  • Hãy nói với người khác: “Anh có thể làm việc này. Anh rất đáng tin cậy. Anh có tính cách và năng lực để thành công. Tôi tin ở anh”. Bạn sẽ vừa truyền cảm hứng, và người khác sẽ xem bạn như một người cố vấn, thần tượng và người hùng. Người có ảnh hưởng lớn nhất với một người là người tin vào người đó nhất, ngay cả khi không ai tin anh ta.
  • Cha mẹ hãy nói với con cái: “Cha mẹ yêu con. Cha mẹ tin ở con”.
  • Đúng là có một ít người lạm dụng niềm tin, nhưng đa số có phản ứng tích cực. Họ không cần sự giám sát, kiểm tra hay “cây gậy và củ cà rốt”. Họ cảm thấy hứng khởi và hăng hái.
  • Khi đặt niềm tin vào người khác, chúng ta không chỉ tạo ảnh hưởng với cá nhân họ, mà còn với nhiều người khác chịu ảnh hưởng bởi việc làm của họ. Và nó còn tạo khác biệt ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta. Vì bạn càng tin người khác, người khác sẽ càng tin bạn.

KHI NGƯỜI KHÁC LÀM MẤT NIỀM TIN Ở BẠN

1/ Đừng phán xét vội vàng: Hãy đặt mình vào vị trí của người khác, đừng vội quy kết, quy chụp, suy diễn ý định của họ.

2/ Hãy tha thứ

  • “Kẻ yếu đuối không bao giờ biết tha thứ. Khoan dung là thuộc tính của kẻ mạnh” – Gandhi
  • Khoan dung giúp ta suy xét sáng suốt, không để cảm xúc chi phối, lấy những cổ tức niềm tin cao, khuyến khích người khác tự tha thứ và thay đổi bản thân họ.
  • “Chúng ta tha thứ không phải để xóa tội cho những người đã xúc phạm ta, ta tha thứ để mang lại sự minh mẫn và thanh thản cho riêng mình”

Nguồn : nghethuatlanhdao360.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,315 lượt xem