Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tóm Tắt Sách : Tự Tin Sáng Tạo - Bí Quyết Làm Sống Lại Cảm Hứng Sáng Tạo Trong Bạn

Tự tin sáng tạo cho chúng ta thấy giá trị và tác động đáng ngạc nhiên mà sáng tạo mang lại cho cuộc sống thường ngày. Trên thực tế, khả năng tư duy sáng tạo có thể làm bạn hạnh phúc và thành công hơn trong công việc cũng như trong đời sống cá nhân. May thay, không chỉ có dân nghệ sỹ mới biết sáng tạo. Với những bài luyện tập và tư duy đúng đắn, 2 tác giả sẽ cho thấy bất kì ai cũng có thể giải phóng tiềm năng sáng tạo vô hạn trong mình.

Ai nên đọc cuốn sách này?

  • Bất cứ ai quan tâm đến bí quyết sáng tạo
  • Bất cứ ai muốn làm sống lại cảm hứng sáng tạo trong mình
  • Bất cứ ai muốn làm thế giới này tốt đẹp hơn

Tác giả cuốn sách này là ai?

David Kelley là sáng lập của IDEO, một trong những công ty sáng tạo và thiết kế hàng đầu thế giới. Ông cũng là sáng lập của Viện thiết kế (d.school) của trường Đại học Stanford.

Người anh em của ông, Tom Kelley, cũng là đối tác tại IDEO, và tác giả của cuốn sách best-seller The Art of Innovation và The Ten Faces of Innovation. Ngoài ra, ông cũng giảng dạy tại trường kinh doanh Haas tại Đại học California tại Berkeley.

1: Cuốn sách này có ích gì cho tôi? Phương pháp rèn luyện cơ bắp sáng tạo của bạn.

Bạn có nhớ từng bị giáo viên cho vào sổ đầu bài vì tội vẽ bậy hoặc hát lăng nhăng trong lớp học, và dặn bạn phải ngoan, phải vâng lời và làm những việc ích cho đời hơn, như làm bài tập về nhà chẳng hạn?

Tất nhiên, toán lý hóa quan trọng và cô cũng có ý tốt, nhưng một hệ thống giáo dục quá tập trung vào học thuộc những số liệu hơn là rèn luyện trí sáng tạo sẽ mang lại ảnh hưởng không tốt đến năng lực của mỗi học sinh.

Ngày nay, các công ty đang chủ động đi tìm kiếm những tài năng sáng tạo, và hơn hết, sáng tạo chính là chiếc chìa khóa để bạn có thể hứng khởi và hạnh phúc.

May thay, bạn không bao giờ mất đi hoàn toàn sự sáng tạo của mình, dù có bị trường học vùi dập đến đâu. Nó luôn ở bên trong bạn, chỉ cần được nuôi dưỡng.

Tự tin sáng tạo giúp bạn khám phá nguồn năng lượng sáng tạo trong mình, đưa ra những bài luyện tập dựa trên nhiều năm kinh nghiệm của 2 tác giả làm việc tại công ty thiết kế và sáng tạo nổi tiếng thế giới IDEO, cũng như các bài học họ thu nhận được khi giảng dạy tại trường thiết kế thuộc đại học Stanford danh giá.

Bạn sẽ học cách làm thế nào mà tất cả mọi người - không chỉ riêng dân sáng tạo - đều có thể thu được nhiều lợi ích khi học cách thực hành trí tưởng tượng cảu mình.

Trong những phần tóm tắt sau, bạn sẽ biết được:

  • thành viên nào của nhóm nhạc huyền thoại Beatles gần như mất đi danh tiếng và sự nghiệp của mình khi đâm đầu vào ngành sản xuất
  • tại sao trong lần thử đầu tiên, tốt nhất bạn nên thất bại
  • làm thế nào mà tư duy "làm một điều gì đó" khiến cụ già có thể đứng dầm mưa lạnh buốt.

2: Sáng tạo không có nghĩa là cứ phải làm ra những kiệt tác

Sáng tạo là gì? Có phải là tạc một bức tượng cầu kì, tráng lệ hay viết ra một bài hát hay điên đảo?

Những tác phẩm sáng tạo hay xuất hiện trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng trên thực tế nó có ứng dụng rộng lớn hơn nhiều. Sáng tạo đơn thuần là sử dụng trí tưởng tượng của bạn để tạo ra thứ gì đó mới.

Định nghĩa rộng này bao gồm rất nhiều đặc điểm của công việc sáng tạo mà người ta vẫn thường bỏ qua. Nó không chỉ đề cập đến các nghệ sĩ, mà còn bao gồm những dân công sở bình thường như các quản lý, hay kỹ sư máy tính.

Trên thực tế, những con người vẫn bị nghĩ là buồn tẻ này thể hiện sự sáng tạo của mình bất cứ khi nào họ làm gì thứ gì đó mới: ví dụ, khi một lập trình viên thiết kế một giao diện duyệt Web mới, hay một giám đốc nghĩ ra một chiến lược kinh doanh mới.

Khi ta áp dụng định nghĩa về sáng tạo bao quát hơn này, ta khám phá ra rằng ai bẩm sinh cũng được trời phú cho khả năng sáng tạo.

Khi con bé, ta vô tư vẽ vời và nhảy múa khắp căn phòng. Ta dựng những ngôi nhà trên cây với đôi bàn tay mình và tìm ra những giải pháp thú vị cho các giải pháp mình đối mặt.

Rủi thay, khi ta lớn, rất nhiều người đã chọn ngừng hành động một cách sáng tạo. Tuy nhiên, ta chưa bao giờ vĩnh viễn mất đi khả năng này.

Thực ra, bạn có thể nghĩ năng lực sáng tạo của mình như cơ bắp có thể tập luyện, và sử dụng nó để tìm ra những giải pháp đổi mới cho vấn đề cũ.

Kể cả đã lâu bạn không vận động cơ sáng tạo này, chỉ cần thực hành chăm chỉ mỗi ngày là sẽ nó săn chắc, lực lưỡng trở lại.

Hãy xem một ví dụ. Doug Mietz, nhân viên kĩ thuật máy chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kiểu người lý tính. Anh cố tìm cách để khiến trẻ cảm thấy an tâm khi nằm trong những chiếc máy quét đáng sợ này. Nhờ sự huấn luyện của hai tác giả, anh đã tập luyện cơ sáng tạo của mình để tìm ra một giải pháp.

Anh thay đổi và trang trí lại hoàn toàn hình dáng của máy MRI để biến nó như một chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh hay một chiếc thuyền cướp biển. Những đứa trẻ, khi bị quét, cảm thấy như mình đang ở trong một cuộc phiêu lưu ngoạn mục hơn là cảm giác sợ hãi đến phát khóc khi đi bệnh viện.

3: Sau nhiều năm thất sủng, sáng tạo giờ trở thành một phẩm chất đáng mong ước

"Sáng tạo chỉ dành cho bọn nghệ sĩ."

Đã bao nhiêu lần bạn từng nghe hoặc thậm chí nói câu này với bản thân? Trong xã hội hiện đại, có một truyền thuyết vây quanh sự sáng tạo - rằng chỉ những người làm những công việc như vẽ tranh phong cảnh hay đi hát nhạc jazz mới được trả tiền cho sự sáng tạo của họ, không phải những luật sư hay các giám đốc.

Rất nhiều người nghĩ rằng sáng tạo không có chốn dung thân tại những môi trường làm việc truyền thống. Ví dụ, những người làm trong các lĩnh vực như y tế hay luật thường phải đối mặt với các sếp chỉ bảo họ rằng: "Tôi cần sáng tạo của anh/chị làm gì để hoàn thành tốt công việc", và thậm chí chẳng ai buồn cố gắng và xử lý những bất cập.

Trong vài thập kỉ, dân sáng tạo, như thiết kế, nhạc sĩ, họa sĩ, thường ám chỉ những đứa trẻ mộng mơ dại khờ, trong khi những "người lớn" chúng ta - như kế toán, tài chính, ngân hàng - phải làm những công việc quan trọng cho đời trong các phòng họp.

Ta thậm chí còn chứng kiến sự vùi dập này trong lớp học, nơi sáng tạo phải nhường bước cho lý tính, và lũ trẻ được bảo rằng phải tuân theo những luật lệ và đừng cố tỏ ra khác biệt.

Thử nghĩ xem, khi Paul McCartney ở trường, mọi người bảo anh rằng hãy từ bỏ âm nhạc và theo đuổi một "công việc an toàn" hơn tại khu công nghiệp sản xuất và vận chuyển hàng hải tại Liverpool. Ơn giời, anh không nghe theo lời khuyên ngớ ngẩn này và thay vào đó trở thành một phần của ban nhạc thành công nhất trong lịch sử âm nhạc.

Nhưng định kiến chống-sáng-tạo này đang thay đổi.

Các doanh nghiệp ngày nay đã bắt đầu nhận ra rằng cách tốt nhất để tìm ra những giải pháp đột phá đối với các vấn đề phức tạp là đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc vào nuôi dưỡng động lực đổi mới của nhân viên.

Ví dụ, trong một cuộc khảo sát gần đây của hơn 1,500 CEO do IBM thực hiện báo cáo rằng sáng tạo là kĩ năng lãnh đạo quan trọng bậc nhất cho các công ty muốn cạnh tranh trên môi trường khốc liệt ngày nay, và các giải pháp đối mới là tối quan trọng nếu muốn tiếp tục sống sót.

Để thu hoạch được lợi ích từ sáng tạo, bạn đầu tiên phải tự khám phá bản thân mình. Những phần tóm tắt tiếp theo sẽ mách lối cho bạn.

4: Dũng cảm để khám phá sự sáng tạo của mình - đây là bước đi lớn đầu tiên để khám phá con người mới của bạn

Bạn đã bao giờ ở trong tình huống phải đối mặt với nỗi đáng sợ lớn nhất của đời mình, như chạm vào một con rắn chẳng hạn? Nó cũng giống như khi bạn run sợ khi buộc phải sáng tạo.

May thay, có những chiến lược bạn có thể sử dụng để khiến xua tan nỗi sợ hãi này

Rất nhiều người muốn trở nên sáng tạo, nhưng họ thực sự không biết làm thế nào. Điều căn bản nhất bạn có thể làm là từ bỏ định kiến bạn không thể sáng tạo. Bạn phải nhớ rằng tất cả mọi người - kể cả bạn - đều có cơ bắp sáng tạo.

Bạn phải thực sự tin rằng mình có thể phát triển, trải nghiệm và tạo ra những thứ mình chưa bao giờ làm được trong quá khứ.

Bằng cách áp dụng lối tư duy cầu tiến, bạn sẽ tự động thay đổi quan niệm về bản thân và thế giới xung quanh, và thỏa sức "sáng tạo không sợ ngại"

Một cách để phát triển lối tư duy này là tạo ra một lộ trình dẫn lối bạn đi qua các quá trình của sáng tạo. Tấm bản đồ sẽ có tất cả những kĩ thuật khác nhau bạn cần để rèn luyện cơ sáng tạo của mình, cung cấp cho bạn một con đường dễ dàng, rõ ràng để học theo.

Một phương pháp mà 2 tác giả thường sử dụng với những dân "phi-sáng tạo" là tư duy thiết kế (design thinking). Nói ngắn gọn, tư duy thiết kế giúp ta xác định được những nhu cầu cẩu con người và kiến tạo những giải pháp mới lạ bằng cách tư duy những nhà thiết kế.

Ví dụ, để thiết kế lại một loại các dụng cụ nhà bếp, 2 tác giả ra ngoài và nói chuyện trực tiếp với các bà nội trợ gặp phải vấn đề nấu nướng, như những cụ già, để tìm ra những khiếm khuyết của các đồ nấu ăn đang dùng.

Sau đó, họ sử dụng kiến thức có được từ những lần thử nghiệm nhiều loại giải pháp, và cuối cùng chọn cái tốt nhất để đưa vào sản xuất.

5: Cho phép bạn dám thất bại để thành công

Đôi lúc, khi ta đang trên đường đạt được những mục tiêu của mình, ta chùn bước, mất tự tin và tự bỏ. Đây chính xác là lúc thành công và thất bại chạm mặt nhau.

Đừng từ bỏ! Hãy đứng dậy và thử lại lần nữa!

Kể cả những thiên tài sáng tạo vĩ đại nhất cũng thường xuyên trượt chân. Tuy nhiên, khi ngã, họ lợi dụng sai lầm của mình để tiến bước.

Bạn nghĩ Mozart viết những tuyệt phẩm đầu tiên của mình mà không có sản phẩm nào lỗi hay sao? Hay Thomas Edison chỉ cần bật công tắc với chiếc bóng đòn đầu tiên là nó sáng mà không phải thử hàng trăm loại chất liệu dây tóc và mô hình khác nhau hay sao.

Ai cũng từng thất bại. Trên thực tế, giáo sư Simonton tại trường Đại học California phát hiện ra rằng những thần đồng sáng tạo không chỉ hay phạm sai lầm, mà họ còn sai nhiều hơn người thường.

Tuy nhiên, thay vì từ bỏ, họ chọn cách bước tiếp. Họ học từ những sai lầm của mình và sửa đổi những lần thử tới để họ đến gần mục tiêu hơn.

Nếu ta muốn sáng tạo thành công, thì ta cần phải suy nghĩ như Edison: thất bại chỉ là thất bại nếu bạn không học được gì từ nó.

Thật vậy, có một nghịch lý:

thành công ngay lần đầu tiên có thể không tốt cho bạn về lâu về dài.

Nguyên do là thất bại xảy ra ngay trong giai đoạn đầu của quá trình sáng tạo sẽ tiết lộ điểm yếu trong sản phẩm hay lối tư duy của bạn.

Ví dụ, hãy thử nghe câu chuyện của anh em nhà Wright, thực hiện chuyến bay thành công đầu tiên tại Kitty Hawk, Bắc Carolina năm 1903. Nếu họ không sai hàng trăm lần và có cơ hội cải thiện thiết kế của mình, có lẽ hậu thế sẽ chẳng phải viết sách để ca ngợi họ.

6: Những trải nghiệm mới sẽ giúp bạn khám phá hạt màu sáng tạo bên trong bạn.

Đã bao lần bạn đợi nàng thơ của mình bay đến? Thường ta hay ngồi yên một chỗ đợi táo rụng, nhưng mãi không thấy gì. Nếu bạn muốn có cảm hứng, bạn sẽ cần có những trải nghiệm mới.

Đi nhiều nơi, gặp nhiều người sẽ giúp bạn nhìn thế giới với một lăng kính mới, vì vậy giúp các ý tưởng mới lạ ập đến dễ dàng hơn.

Ví dụ, các sinh viên của 2 tác giả từng một lần đối mặt với nhiệm vụ phải tìm ra cách giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Sau khi thực hiện một vài nghiên cứu trên mạng, họ quyết định rằng cách duy nhất để họ có thể thực sự hiểu vấn đề là đến trực tiếp bệnh viện của các quốc gia đang phát triển để quan sát.

Những bài học và trải nghiệm có được từ những chuyến đi thực tế này giúp họ phát triển một túi ngủ giá rẻ với hệ thống giữ nhiệt bên trong giúp vô số đứa trẻ sống trong những khí hậu khắc nghiệt tránh bị hạ thân nhiệt.

Nhưng giả sử bạn không có tiền để bay vòng quanh thế giới để tìm cảm hứng, bạn nên làm gì?

Để có được những góc nhìn sâu sắc, hãy thử tư duy như một du khách, nhìn mọi thứ - kể cả những hoạt động tầm thường và quen thuộc nhắt - với con mắt mới.

Hỏi "Tại sao?" trước mỗi cơ hội. Bạn sẽ thấy rằng qua mỗi lần Tại sao, bạn sẽ hiểu hơn lý do ẩn sau hành động của moi người, cách họ dùng sản phẩm và làm sao bạn có thể cải tiến chúng.

Ví dụ, rất nhiều người vẫn còn sử dụng công nghệ liên lạc lỗi thời như điện thoại cố định. Nếu ta dám hỏi "Tại sao", ta có thể sẽ khám phá ra rằng họ dùng chúng chỉ do thói quen, chứ không phải do nó thực sự hữu dụng hơn máy di động.

Trang bị hiểu biết này, bạn có thể tìm thêm các cách để sản xuất hoặc quảng bá điện thoại sao cho phù hợp với tâm tư của những vị khác hàng bảo thủ này hơn, thay vì cố gắng chào mới họ những thiết bị không thực sự làm họ cảm thấy thu hút.

7: Hãy làm việc với những người hỗ trợ và chia sẻ đam mê của bạn

Quan niệm phổ biến về những thiên tài sáng tạo, như nhạc sỹ hay nhà tư tưởng, thường là những kẻ cô đơn cùng cực, phát triển những ý tưởng mạnh mẽ nhất của họ trong sự biệt lập hoàn toàn.

Tuy nhiên, phương pháp "tự kỉ" này không là cách tốt nhất để luyện tập cơ bắp sáng tạo của bạn. Trên thực tế, ngược lại mới đúng: sáng tạo là sản phẩm của cả nhóm. Những môi trường sáng tạo nhất là nơi rất nhiều người làm việc thân thiết cùng nhau. Tại sao?

Đầu tiên, làm việc trong nhóm giúp hạ thấp mức độ stress của bạn.

Ai cũng từng có lần, khi chuẩn bị làm bài hay diễn thuyết, bỗng dưng đầu óc bị trống rỗng và ống sáng tạo bị tắc nghẽn.

Thường nguyên nhân là do bạn đang quá stress và quá cố để sinh ra những ý tưởng hay.

Nhưng nếu bạn ở trong một đội, và phương pháp sáng tạo được chia sẻ, đầu óc bạn sẽ dịu đi. Nói chuyện với những người khác về ý tưởng của bạn và tâm trí của bạn sẽ có thời gian tạo ra khoảng trống cần thiết. Bất cứ khi nào thấy bí, làm việc với một nhóm sẽ giúp bạn sản xuất ra những góc nhìn mới lạ.

Một đội có thể gia tăng năng lực sáng tạo lên gấp nhiều lần nếu mỗi thành viên lan truyền cảm hứng cho nhau theo một vòng lặp tích cực.

Nhờ những quan điểm và ý tưởng của họ, bạn sẽ không phụ thuộc duy nhất vào kho ý tưởng của mình, đặc biệt nếu bạn nghĩ rằng những ý tưởng ban đầu của mình không đủ tốt.

Một trong những ví dụ thực tế của nguyên tắc này có thể được quan sát tạo công ty tư vấn IDEO, nơi hai tác giả làm việc. Họ lắp đặt một tấm bảng đen khổng lồ để ai cũng có thể nháp ý tưởng, câu hỏi, trích dẫn ưa thích của mình nhằm mục đích tối đa hóa cảm hứng làm việc.

Vậy nên, đừng ngại chấp nhận sự giúp đỡ. Kể cả những nguồn cảm hứng vô cùng nhỏ cũng đủ để phá tan chiếc đập đang ngăn chặn dòng chảy sáng tạo của bạn.

8: Tư tưởng "cứ làm đã" sẽ giải phóng bạn khỏi vùng an toàn

Đã bao nhiêu lần bạn muốn làm gì đó, như ứng tuyển một công việc mới hoặc tiếp cận một cô nàng hấp dẫn trong quán bar, nhưng lại ngần ngại bởi vì bạn quá sợ?

Kể cả khi ta biết mình nên làm gì - như mời người đó một buổi cà phê - ta đơn giản lại không thực hiện. Thay vào đó, ta chỉ ngồi như phỗng và lặng nhìn người đó từ đằng xa.

Khoảng cách giữa biết và làm không chỉ tồn tại trong khoản hẹn hò. Ta cũng nhìn thấy hiện tượng ù lì này trong các doanh nghiệp. Hãy thử nhìn vào đội ngũ sáng tạo của công ty máy ảnh Kodak những năm 1990: họ biết rằng tương lai của nhiếp ảnh sẽ là kĩ thuật số, nhưng quá sợ để thay đổi chiến lược của mình.

Do đó, Kodak, từng là một trong những nhãn hiệu lớn nhất và mạnh nhất nước Mỹ, tiếp tục đánh mất thị trường về tay các đối thủ - và doanh thu của họ cũng từ đó mà sụt giảm nghiêm trọng.

May thay, bạn không nhất thiết phải để cơ hội trôi qua kẽ tay: chỉ cần bắt đầu thay đổi suy nghĩ.

Thay đổi tư tưởng của bạn từ, "Tớ biết tớ nên làm điều này," sang "Tớ sẽ làm điều này," là phương pháp mạnh mẽ nhất bạn có thể sử dụng để thay đổi cuộc đời.

Kể cả khi không phải lúc nào bạn cũng sẽ thành công, nhưng bạn sẽ không phải hối tiếc bởi vì bạn biết ít nhất thì mình đã từng thử. Sai lầm lớn nhất là không dám thử, không dám học và sau đó ngồi than thở.

Ví dụ, hãy xem John Keefe, biên tập tại một đài radio ở Manhattan. Một ngày, anh chợt nghe thấy đồng nghiệp của mình than phiền rằng người mẹ già của anh ta thường đứng chết cóng vì chẳng biết khi nào xe bus sẽ đến.

Keefe nhìn ra một giải pháp khả dĩ, và hành động ngay lập tức. Anh hack vào trang Web của cơ quan quản lý giao động để theo dõi các chuyến bus, và tạo một đường dây nóng để cho các thính giả biết chiếc xe bus còn bao nhiêu điểm dừng.

Cả dự án chỉ mất ít hơn 1 ngày để hoàn thành, nhưng sáng kiến đơn giản này chỉ xuất hiện bởi vì anh đã quyết định hành động.

Bây giờ, ta đã thấy vai trò vô cùng quan trọng của sáng tạo trong mảng kinh doanh. 2 phần tóm tắt cuối sẽ cho bạn thấy sáng tạo cũng có thể thay đổi tích cực đời sống cá nhân của bạn như nào.

9: Cân bằng giữa "kiếm cơm" và đam mê để tìm một công việc thỏa mãn những ham muốn của bạn

Bạn thích kiểu công việc nào: việc nhẹ lương cao nhưng nhạt hay kiểu cho phép bạn theo đuổi những đam mê của mình?

Thường thì mọi người muốn cả hai, và điều này gây ra rất nhiều stress. Tuy nhiên, công việc kiểu đó rất hiếm và thường bạn chỉ có thể chọn một trong hai.

1 trong 2 tác giả, Tom Kelley, đối mặt với thế lưỡng nan khi ông rời vị trí tư vấn quản lý để nghe theo con tim, cùng làm việc với anh trai của mình, David tại IDEO. Sau khi nghỉ việc, ông nhận được một cuộc gọi thảm thiết, xin ông quay lại với chế độ đãi ngộ cao hơn.

Xem xét các lựa chọn, ông thấy công việc tại IDEO giúp mình sống với đam mê, mặc dù công việc cũ thì kiếm được tốt hơn. Sau nhiều ngày vật vã, ông cuối cùng quyết định từ chối lời đề nghị, từ chối khoản lương hậu hĩnh để làm việc mình thực sự yêu thích.

Ông quyết định được vậy nhờ tìm ra sự cân bằng giữa tiền và đam mê.

Ban đầu, có vẻ như một công việc lương cao sẽ khiến bạn hạnh phúc về lâu về dài - nhưng đổi lại bạn phải làm việc như điên từ sáng đến tối, hi sinh cả cuối tuần, sinh nhật, nghỉ lễ.

Mặc khác, làm những công việc xã hội không lương có thể khiến bạn thấy đời mình có ý nghĩa, nhưng nếu bạn không thể tự trả tiền nhà, và lại phải nhận hỗ trợ từ gia đình thì sao? Liệu bạn có thể hạn phúc với mức lương 2 triệu 1 tháng?

Cả hai thái cực trên đều không phải là một lựa chọn hợp lý. Đó là lý do tại sao tìm điểm cân bằng vô cùng quan trọng. Kể cả bạn có nhảy rất nhiều việc mới tìm được công việc ao ước, đó là khoảng thời gian đáng bỏ ra.

10: Tập sáng tạo mỗi ngày sẽ khiến bạn có cảm hứng sống

Cho phép bản thân tự do suy nghĩ sáng tạo và làm sáng tạo là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo hạnh phúc của bạn trong công việc lẫn cuộc sống.

Đầu tiên, khi bạn tư duy khác biệt, nhiệt huyết, mong muốn đổi mới, tự động sếp sẽ chú ý đến bạn. Ngày nay, các công ty ghi nhận giá trị từ những người có thể đột phá và đưa dự án lên những tầm cao mới.

Không chỉ thế, cảm giác được công nhận và thành công cũng sẽ khiến công việc của bạn vui vẻ và thú vị hơn.

Gần như bất cứ ai từng làm việc với hai tác giả để tái khám phá tiềm năng sáng tạo của mình đều có những câu chuyện về ích lợi của sáng tạo trong sự nghiệp của họ

Một tâm trí sáng tạo cũng có thể thay đổi đời sống cá nhân của bạn.

Chúng ta đều sẽ cảm thấy chán đời ở thời điểm nào đó. Tuy nhiên, khi bạn nhìn đời với lăng kính mới và biết ơn cả những thứ nhỏ nhất, bạn sẽ tìm lại nguồn năng lượng sống.

Cứ nhìn quay đường phố trên đường đi làm, và bạn sẽ thấy mỗi ngày là một cuộc hành trình, chứ không phải là trang giấy trên tờ lịch. Ví dụ, hãy thử quan sát lũ trẻ con chơi đùa trong công viên hay nhìn lá cây đổi màu.

Những góc nhìn mới sẽ không chỉ giúp bạn yêu thích cuộc sống đời thường, mà còn tiếp năng lượng và tạo động lực sống cho bạn.

Vì vậy, hãy cứ khát khao, hãy cứ khờ dại. Và sống như thể ngày mai bạn sẽ chết.

Lời kết

Thông điệp chính trong cuốn sách này là:

Sáng tạo không chỉ dành cho dân nghệ sĩ. Nó nằm trong máu của bạn. Và mặc dù dân tình có làm mọi thứ để trù dập nó, bạn vẫn có thể luyện tập cơ sáng tạo của mình để khiến nó cường tráng trở lại. Tuy nhiên, cách duy nhất để làm điều này là hãy đối mặt với nỗi sợ của mình và dám hành động

Lời khuyên

Nếu bạn muốn con mình tư duy sáng tạo, thì đừng để chúng bị tẩy não bởi những bài học trên trường học. Hãy để chúng tự do làm những thứ "điên rồ." Hãy để chúng vấp ngã để có thể sử dụng kinh nghiệm đó phát triển ra những giải pháp mới lạ.

Nguồn : tramdoc.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,520 lượt xem