Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[ToMo] Mỗi Quan Điểm Đều Có Sự Hợp Lý Của Riêng Nó

Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều nếu chúng ta tin tưởng vào điều tốt đẹp ở người khác.

Khi tôi đang trong giai đoạn trưởng thành, gia đình tôi rơi vào cảnh khó khăn. Đằng sau những cánh cửa đóng kín, những cuộc hội thoại khó nghe về vấn đề “chúng ta sẽ trả hóa đơn kiểu gì đây”, và “chúng ta sẽ làm gì với cái xe?” và “anh có biết rằng Ed bị đuổi khỏi nhà rồi không?” diễn ra thường xuyên. Anh trai tôi và tôi sẽ ngồi trên ghế, nơi mà tôi giả vờ đang xem phim hoạt hình, nhưng thực chất là căng tai để nghe xem chuyện gì sắp xảy ra với chúng tôi.

Trong môi trường này, những thông điệp về sự nghèo khó đều là ảo tưởng và vì lợi ích cá nhân. Những người giàu không thể giàu lên nếu không giẫm đạp lên người khác khi họ tiến lên trên nấc thang kinh tế, nếu không thì họ được thừa hưởng gia tài một cách không xứng đáng và coi thường chúng ta một cách bất công. Các chính trị gia bị dắt mũi bởi người giàu, những người muốn người khác nghèo, và mãi mãi nghèo, một phần của sự sống còn để ngăn chúng ta tiến lên và giành lấy những gì từng thuộc về mình. “Tin ta đi, con trai”, cha tôi từng nói với tôi. “Đất nước này sẽ không bao giờ thật sự làm gì để giúp người nghèo đâu. Những tên vô lại tham lam ở trên đó cần chúng ta ở dưới đáy và họ không thể để chúng ta tiến lên hoặc họ sẽ mất đi con Rolls Royces và món trứng cá muối”. Tôi được dạy rằng khả năng thoát nghèo của bất kỳ ai trong chúng ta (tôi, bạn tôi, hàng xóm của chúng tôi) là cực kỳ nhỏ. Chúa phù hộ mẹ tôi, người luôn khăng khăng rằng tôi phải học đại học, bà tin rằng tấm bằng đại học là con đường thoát nghèo duy nhất.

Hệ thống trường học của chúng ta, tôi nghe người ta nói rằng, chỉ là nơi đào tạo cho cuộc sống của lao động chân tay, một nỗ lực để cho chúng ta những mục tiêu có thể đạt được, để cho chúng ta lý do để sợ phải vào tù. Tất nhiên, tôi học toán và từ vựng, nhưng tôi cũng học cách giữ im lặng trong khoảng thời gian dài, cách để tuân theo những luật lệ chuyên quyền, để tôi có thể trở thành một nhân viên tốt, người giữ mồm giữ miệng và làm những gì được giao. Trong album “The Wall” của Pink Floyd, tôi nhận ra thông điệp trong bài hát, “Another Brick in The Wall” (hay còn được gọi là “We don’t need no education”).

Trong video, một vài học sinh đang ở trong phòng học, lặp đi lặp lại định nghĩa hecta, khi mà giáo viên bắt quả tang một trong số các học sinh đang viết nhật ký. Ông cầm quyển sổ lên, thấy rằng đó là một bài thơ (một biểu tượng cho tính cá nhân của cậu bé) và đọc to nó lên cho cả lớp nghe, chế giễu cậu ấy. Ca khúc bắt đầu, và chúng ta thấy các học sinh xếp thành hàng một, tiến vào một cỗ máy lớn, và đi ra bên kia với những chiếc mặt nạ giống nhau. Nền giáo dục của họ đã thành công trong việc biến họ thành bản sao của nhau. Hàng “gạch” tiếp tục đi, và tiến vào một cỗ máy khác, thứ tiếp nhận họ, và sau đó biến họ thành thịt xay. Họ đã bị tàn phá bởi bộ máy của hệ thống.

Thông điệp về cảnh sát cũng tương tự. Bạn chắc chắn không thể tin họ. Họ là cánh tay của hệ thống mà muốn chúng ta ở nguyên vị trí của mình, cảm ơn rất nhiều. Nếu chúng tôi đang đi xe, và bố tôi nhìn thấy cảnh sát - bất kỳ đâu, trên lề đường, sau xe chúng tôi, đi qua chúng tôi theo hướng ngược lại, trong bãi gửi xe nói chuyện với ai đó - ông ấy sẽ bảo chúng tôi hãy nhìn thẳng. Trong xe tràn ngập sự lo lắng cho đến khi tay cảnh sát rời khỏi tầm nhìn. Khi tôi ở nhà, lang thang trong khu, tôi nhớ có lần một cảnh sát đi xe ngang qua. Tôi không làm gì sai hết, nhưng tôi vẫn lén lút trốn sau cây hoặc đi đường khác. Bạn không thể cẩn thận quá. Nếu có mâu thuẫn trong khu của mình, bạn chỉ gọi cảnh sát để giúp đỡ khi không còn cách nào khác. Ai biết được cảnh sát sẽ làm gì hay nói gì nếu chúng ta để cho họ biết mình. Nếu chúng ta cho họ vào nhà, họ có thể tìm thấy thứ gì đấy khiến ta gặp rắc rối. Nếu chúng ta nói chuyện với họ qua tấm kính xe, họ sẽ phạt chúng ta vì thứ gì đó và đưa thẻ phạt cho chúng ta. Tốt hơn hết là cứ tự lo lấy mọi việc thôi.

Khi tôi lớn hơn, khi tôi đã trưởng thành qua hệ thống giáo dục, tôi nhận ra rằng các lớp ở đại học càng ngày càng khuyến khích tính cá nhân của tôi, thay vì là một chiếc búa nghiền tôi ra bã. Khi tiếp xúc với nhiều người lớn lên trong cảnh khá giả, tôi nhận ra rằng, chỉ vì ai đó có một căn nhà không có nghĩa là họ từng trèo đầu cưỡi cổ người nghèo. Địa vị và nguồn vốn xã hội ngày càng tăng của tôi kéo theo việc có được sự phát triển về chính trị. Các chính trị gia đại diện cho tôi và lợi ích của tôi. Tôi có thứ để mất và thứ để giành lấy, và chính trị trở thành một môn học, thay vì là thứ vô bổ tốn thời gian. Khu vực tôi chuyển đến ở trở thành nơi dành cho tầng lớp trung lưu. Khi gặp rắc rối, tôi gọi cảnh sát để nhờ giúp đỡ. Tôi để ý rằng, khi người cảnh sát lái xe đến cạnh tôi, ánh mắt chúng tôi giao nhau và những tay cảnh sát gật đầu thể hiện rằng họ nhận ra tôi.

Điều đó có nghĩa là những gì tôi biết trước đây là hoàn toàn sai? Tôi không nghĩ vậy. Một số người giàu lợi dụng những người khác để đạt được đỉnh cao, hoặc ít nhất là có được lợi thế một cách bất công mà giúp họ đạt được thành công. Một xã hội tư bản không cần những người ở các cấp bậc kinh tế khác nhau hoạt động theo kế hoạch. Hệ thống trường học chắc chắn đóng vai trò là nơi đào tạo để dạy người ta cách tồn tại khi là người trưởng thành ở mức thu nhập mà mỗi trường đại diện. Ví dụ, nhiều trường ở khu vực nghèo có máy dò kim loại, và trông giống dự án nhà ở nơi mà các học sinh sinh sống một cách kỳ lạ. Hơn nữa, các cơ hội được trao cho học sinh bị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tầng lớp xã hội của học sinh. Liệu các cảnh sát có đi vào khu vực nghèo nhiều hơn khu vực giàu không, và liệu họ có những mong chờ khác nhau đối với các cư dân ở khu vực đó không? Câu hỏi này thật khó để bàn luận.

Điều xảy ra với tôi là tôi đã chuyển từ một phạm vi này đến phạm vi khác, và quan điểm về “cách mọi thứ vận hành” của những người sống trong phạm vi mới này khác với những người ở khu dân cư cũ của tôi. Quan điểm này không đúng hơn quan điểm kia. Cả hai quan điểm đều thiển cận ở một mức nào đó, và đúng ở một mức nào đó.

Đây là điều tôi đã để ý thấy. Những người từng nghèo, những người lớn lên và thoát nghèo, có thể chia thành 2 nhóm. Nhóm đầu tiên kết luận rằng thành công của họ chứng minh rằng bất kỳ ai cũng có thể thoát nghèo, chỉ cần họ chăm chỉ, làm việc bở hơi tai, thành công bằng chính sức mình. Không có lý do gì để thương cảm những người vẫn cứ nghèo. Nếu họ không ra nhiều quyết định sai lầm, hay nếu họ chăm chỉ theo đuổi thành công, họ sẽ không rơi vào tình cảnh đó.

Nhóm thứ hai thì biết ơn nhiều thứ, ADN, gia đình và trải nghiệm cộng đồng, những thứ này đã giúp họ thành công. Nhóm thứ hai này, theo định nghĩa, thấu hiểu những người không vươn lên cấp bậc tương đương. Sau cùng, những ai giống tôi sẽ nói, không ai có được tổ hợp những trải nghiệm cuộc sống và sự kiện như tôi từng có. Tôi có làm việc chăm chỉ không? Chắc chắn có. Có phải ai cũng có thể làm những thứ giống như tôi đã làm? Không hẳn.

Trong văn hóa Mỹ, chúng ta ở thời kỳ trụ cột khi mà các nhóm người khác nhau có quan điểm cạnh tranh nhau về sự công bằng. Nhiều người nghèo cảm thấy thế giới có thành kiến bất công đối với người nghèo. Nhiều người da đen cảm thấy thế giới có thành kiến bất công đối với người da đen. Cuộc tuyển cử của Trump có thể ám chỉ rằng một vài người da trắng cảm thấy thế giới có thành kiến bất công với họ. Phụ nữ nói về những khó khăn của họ trong việc giành công bằng về đền bù và bảo toàn thân thể. Những người ủng hộ LGBTQ đã cố dạy chúng ta rằng ghê sợ đồng tính luyến ái là vật cản đối với hạnh phúc cá nhân.

Nếu bạn lớn lên và học từ những người xung quanh bạn rằng một hoặc nhiều tính cách của bạn khiến bạn bị đối xử bất công, đặc biệt khi việc đó trùng với các thế kỷ của sự bất công (ví dụ như nô lệ, nô lệ tình dục, tội ác vì thù ghét), có 2 cách để thích ứng với hiện thực. Bạn có thể tập làm quen với nó, coi như nó là điều không thể tránh khỏi, chỉ cần cố tránh xa rắc rối. Các nhà tâm lý học gọi nó “sự bất lực có đào tạo”.

Bạn cũng có thể trở nên trắc ẩn hơn, để mọi ánh nhìn, mọi cuộc đối đầu đều là minh chứng rằng sự ảo tưởng của bạn là chính xác. Bạn sẽ cảnh giác cao độ, chờ đợi chiếc giày tiếp theo sẽ rơi ra, và bên trong, sẵn sàng chiến đấu hoặc bỏ chạy. Bạn sẽ tin rằng thế giới vốn không công bằng, và bạn cần phải sẵn sàng và trong tư thế phòng thủ đối với sự xúc phạm lòng tự trọng không thể tránh khỏi.

Điều tôi thấy thú vị nhất là sự thiển cẩn của hầu hết mọi người, khi đem luận điểm của họ bàn luận với luận điểm của người khác. Nếu bạn là gay, bạn sẽ thấy người gay bị mô tả một cách đầy xúc phạm, và ngôn ngữ của chúng ta (ví dụ “đồng dâm nam”, hay “gay thế”) là một phần của văn hóa ghê sợ đồng tính luyến ái. Nếu bạn là phụ nữ, bạn có thể thông cảm với những người phụ nữ mà cảm thấy bản thân họ đang ở trong một tình huống nguy hiểm hay nhượng bộ mà không có sự chấp thuận của họ. Nếu bạn nghèo, bạn có thể thấy và cảm nhận đồng tiền điều khiển thế giới như thế nào, và không có tiền sẽ đưa bạn vào tình huống xấu hổ mà khiến việc nhờ giúp đỡ và tìm cách giải quyết trở nên khó khăn.

Và còn nữa, mặc dù có khả năng nhìn ra sự bất công khi chúng ta bị đối xử tàn nhẫn, chúng ta lại như bị mù khi người khác bị đối xử như vậy. Bạn đồng ý là người nghèo thì khó khăn thật, nhưng nạn phân biệt chủng tộc với người da đen đã hết rồi! Tại sao người da đen không thể ngừng nhắc lại quá khứ? Bạn biết phụ nữ thì khó khăn thật, nhưng người gay sẽ ngăn được cả đống rắc rối nếu họ ngừng việc đi xung quanh khoe khoang giới tính của họ.

Chúng ta thấy được nỗi sợ, sự chèn ép và địa vị của bản thân chúng ta, và chúng ta có thể chê bai hệ thống trong mối quan hệ với điểm nhìn của chúng ta. Nhưng sau đó, chúng ta có thể dễ dàng bác bỏ nhận thức tương tự khi người khác, người ở cấp bậc thấp hơn, cho rằng lời phê bình của họ là đúng. Vì lợi ích của sự thấu hiểu và lòng tốt cao cả hơn, hãy tin tưởng vào điểm tốt của nhau và làm việc cùng nhau để tố cáo sự bất công bất cứ nơi nào nó tồn tại. Như Martin Luther King nói trong lá thư gửi từ nhà tù Birmingham, “Sự bất công ở bất cứ đâu là mối đe dọa đối với công lý ở mọi nơi. Chúng ta mắc kẹt trong một mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau không thể thoát ra được, bó buộc vào số phận. Bất cứ thứ gì ảnh hưởng trực tiếp đến một người thì sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến mọi người”.

Có lẽ nào, khi mà bạn đã tin rằng bạn đúng về việc cuộc sống của bạn đã đối mặt với những trở ngại bất công như thế nào, rằng niềm tin của người khác rằng cuộc sống của họ cũng đối mặt với những trở ngại bất công ít nhất cũng phần nào đúng? Chỉ mình bạn mới đúng sao? Bạn vô tình được sinh ra trong nhóm người tố cáo một cách chính thống sự bất công, và những người khác chỉ đang viện cớ? Chúng ta đều giống nhau. Và phần lớn chúng ta đều đang ở trên cỗ máy đó, hướng thẳng đến chiếc máy xay. Hãy cố để đưa càng nhiều người ra khỏi đó nhất có thể.

---------

Tác giả: John D.Rich

Link bài gốc: There's Truth in Most Perspectives

Dịch giả: Phạm Hà Thủy Linh - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Phạm Hà Thủy Linh - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

141 lượt xem