Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[ToMo] Những Điều Bạn Cần Biết Về Bipolar Disorder (Chứng Rối Loạn Lưỡng Cực)

Bipolar disorder (Chứng rối loạn lưỡng cực) là trạng thái biểu hiện những sự thay đổi rõ rệt trong tâm trạng, hành động, năng lực cá nhân và có thể khiến cuộc sống hàng ngày trở nên vô cùng khó khăn.

Từng được biết đến với tên gọi là bệnh hưng - trầm cảm, đây là một căn bệnh tâm lý nghiêm trọng mà nếu không được chữa trị sẽ có thể phá hủy các mối quan hệ, tước đi khả năng thăng tiến trong sự nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng học tập. Trong một số trường họp nó còn có thể dẫn đến tự tử. Khoảng 2.9% dân số nước Mỹ bị chuẩn đoán với căn bệnh rối loạn lưỡng cực, và 83% số trường hợp mắc bệnh được phân loại nghiêm trọng. Người bệnh chủ yếu thuộc độ tuổi 15-25, nhưng bất kì tuổi nào cũng có thể mắc chứng này. Nó có tác động như nhau đến nam giới và nữ giới.

1. Những thông tin ngắn về căn bệnh rối loạn lưỡng cực

Dưới đây là vài điểm chính về rối loạn lưỡng cực. Trong phần bài viết chính sẽ bao gồm nhiều chi tiết hơn.

  • Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng nguy hiểm liên quan tới những sự bất thường nghiêm trọng trong cảm xúc.

  • Người bị bệnh thường trải nghiệm những cơn hưng phấn hoặc tăng động và trầm cảm, có thể liên quan tới chứng loạn tâm thần.

  • Một chu kỳ có thể kéo dài hàng tuần hay hàng tháng với những giai đoạn bình ổn xen giữa.

  • Nó có thể được kiểm soát bằng các biện pháp y khoa nhưng sẽ mất thời gian để tìm liều lượng và các loại thuốc chính xác.

2. Rối loạn lưỡng cực là gì?

Những triệu chứng chính của rối loạn lưỡng cực là các chu kỳ nối tiếp nhau của sự vui sướng tột độ, hay hưng phấn, và rồi sự trầm cảm nghiêm trọng. Những sự thay đổi thất thường này có thể nặng nề, nhưng tâm trạng đôi khi ổn định giữa các đợt lên và xuống. Sự thay đổi tâm trạng trong bệnh rối loạn lưỡng cực vô cùng nghiêm trọng, làm suy nhược cơ thể và làm mất khả năng của con người. Với một số người còn có thể xảy ra hiện tượng ảo giác.

Qua điều trị, nhiều người mắc căn bệnh này vẫn có thể làm việc, học tập và sống một cuộc sống đầy đủ, hiệu quả. Tuy nhiên, có một số người ngừng uống thuốc hoặc lựa chọn không uống thuốc. Một vài nghiên cứu đã cho thấy những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực có thể sở hữu khả năng sáng tạo đặc biệt. Tuy nhiên những đợt thay đổi tâm trạng có thể khiến họ khó tập trung vào công việc hay theo kịp tiến độ, do đó họ hay bắt đầu rất nhiều dự án nhưng chẳng thể hoàn thành bất kì cái nào.

3. Triệu chứng

Những triệu chứng ở mỗi người đều khác nhau, và tùy theo tâm trạng. Có người trải nghiệm những đợt thay đổi cảm xúc rõ ràng, với dấu hiệu của cơn hưng phấn và rồi trầm cảm kéo dài trong vài tháng liền, hoặc cũng có thể có nhiều tháng tâm thần hoàn toàn ổn định. Còn có những người phải trải qua hàng tháng hay năm trời trong tâm trạng thất thường như thế.

“Trạng thái hỗn hợp” là khi chu kỳ hưng phấn và trầm cảm xảy ra cùng một lúc. Người bệnh có thể thấy tiêu cực do ảnh hưởng của sự trầm cảm, nhưng cũng có thể cảm thấy hào hứng và vui vẻ.

3.1. Hưng phấn hay tăng động

Tăng động và hưng phấn đều có nghĩa là vui vẻ. Hưng phấn là dạng nghiêm trọng hơn. Những triệu chứng có thể bao gồm:

  • Phán đoán không chính xác

  • Cảm thấy háo hức

  • Hay bị xao nhãng hoặc cảm thấy chán nản

  • Bỏ học hoặc bỏ làm, mất đi năng lực bản thân

  • Nghĩ rằng họ có thể “làm tất cả”

  • Tin rằng chẳng có gì không ổn hết

  • Cảm thấy cực kì muốn làm gì đó, đôi khi hơi quá lố

  • Có khả năng thực hiện hành vi nguy hiểm

  • Một cảm giác như làm chủ thế giới, vô cùng vui sướng, hồ hởi

  • Tự tin quá mức, có lòng tự trọng và tự tôn cao hơn bình thường

  • Nói quá nhanh và có một áp lực phải nhảy từ đề tài này sang đề tài khác

  • Những suy nghĩ “đua nhau” đến và đi rất nhanh, và có thể hành động dựa trên những ý tưởng kì quặc

Hưng phấn có thể khiến người ta phung phí tiền bạc, lạm dụng chất kích thích hay đồ uống có cồn, và tham gia vào những hoạt động nguy hiểm. Ở trạng thái nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới sự quan hệ tình dục bừa bãi.

3.2. Triệu chứng của sự trầm cảm

Trong một chu kỳ trầm cảm, người ta có thể trải nghiệm:

  • Một cảm giác u ám, tăm tối, chán chường và tuyệt vọng

  • Sự muộn phiền kinh khủng

  • Bệnh mất ngủ và các vấn đề về giấc ngủ

  • Sự lo âu về những thứ lặt vặt

  • Những cơn đau hay vấn đề về thân thể mà không thể chữa trị được

  • Một cảm giác tội lỗi, luôn cảm thấy cái gì sai cũng là lỗi tại mình

  • Thay đổi thói quen ăn uống, hoặc ăn nhiều hơn hoặc ít hơn

  • Tăng cân hoặc giảm cân

  • Mệt mỏi vô cùng, bơ phờ, ủ rũ

  • Mất sự hứng thú với các hoạt động hay sở thích mà trước kia thường đem lại niềm vui

  • Khả năng tập trung và ghi nhớ kém

  • Dễ bị gây khó chịu bởi các âm thanh, mùi vị, quần áo bó hoặc những thứ nhỏ nhặt khác

  • Không thể chịu được việc đi làm hay đị học, có thể dẫn tới sự bỏ học, bỏ làm

Trong những trường hợp nghiêm trọng, cá nhân đó có thể mang suy nghĩ kết liễu cuộc đời và hành động theo suy nghĩ ấy.

Chứng loạn tâm thần có thể xảy ra trong cả chu kỳ hưng phấn lẫn trầm cảm. Người bệnh thường cảm thấy không thể phân biệt giữa ảo giác và thực tại. Khi đang hưng phấn, họ có thể tin rằng mình nổi tiếng hay có những mối quan hệ xã hội thượng lưu, hoặc mình có siêu năng lực. Còn trong chu kỳ trầm cảm, họ có thể tin rằng mình đã gây ra tội lỗi gì đó hoặc mình đã thất bại và không còn một xu.

Những dấu hiệu của chứng loạn tâm thần có thể bao gồm ảo giác, là những niềm tin sai lầm nhưng mạnh mẽ, sự thay đổi tâm trạng nhanh chóng, sự bột phát của tính thích gây gổ, cơn tức giận không kiểm soát nổi và những hành vi điên rồ. Để có thể được chuẩn đoán là mắc chứng rối loạn lưỡng cực thì những triệu chứng này phải theo chu kỳ chứ không phải kinh niên. Với liệu pháp đúng đắn, tất cả triệu chứng trên có thể được kiểm soát.

4. Sự chuẩn đoán

Một nhà tâm thần học hay tâm lý học sẽ chuẩn đoán dựa trên những tiêu chí được đặt ra trong Hệ thống Chẩn đoán và Thống kê bản thứ 5 (DSM-5).

Người bệnh phải đáp ứng những tiêu chí nhất định về hưng phấn và trầm cảm, bao gồm tâm trạng vui sướng và dễ tức giận, “mức độ hoạt động và năng lượng tăng liên tục”. Những triệu chứng này ít nhất phải kéo dài trong 7 ngày, hoặc ít hơn nếu chúng đủ nghiêm trọng để cần tới chữa trị. Cá nhân và các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, giáo viên, bạn bè có thể giúp đỡ bằng cách theo dõi biểu hiện của bệnh nhân. Những chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể phát hiện ra những dấu hiệu khác của căn bệnh. Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra sức khỏe và các bài kiểm tra chuẩn đoán bao gồm xét nghiệm máu và nước tiểu. Làm thế này có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác của triệu chứng như lạm dụng chất kích thích.

Những trạng thái khác có thể đi kèm chứng rối loạn lưỡng cực là:

  • Sử dụng chất kích thích hoặc đồ uống có cồn để chống chọi với các triệu chứng

  • Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý

  • Ám ảnh xã hội

  • Tăng động - giảm chú ý

Tuy nhiên, những trạng thái trên cũng có thể đang ẩn giấu sự chuẩn đoán cho các bệnh khác.

Một người sẽ có xu hướng tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị trầm cảm hơn là khi hưng phấn. Viện Sức khỏe Tinh thần Quốc gia kêu gọi những người phụ trách chăm sóc sức khỏe tích cực tìm kiếm những dấu hiệu của chứng hưng phấn trong tiền sử người bệnh để tránh chuẩn đoán sai.

5. Phân loại rối loạn lưỡng cực

Người bệnh có thể nhận được sự chuẩn đoán mắc 1 trong 3 loại lớn của chứng rối loạn lưỡng cực.

5.1. Rối loạn lưỡng cực loại I

Để được chuẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực loại I:

  • Phải có ít nhất một chu kỳ hưng phấn

  • Người bệnh phải từng trải qua một chu kỳ trầm cảm nghiêm trọng

  • Bác sĩ phải loại trừ những chứng rối loạn không liên quan tới rối loạn lưỡng cực như tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng và các chứng rối loạn tâm lý khác

5.2. Rối loạn lưỡng cực loại II

Để được chuẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực loại II, bệnh nhân phải từng trải qua ít nhất một chu kỳ trầm cảm và ít nhất một chu kỳ tăng động. Trang thái tăng động ít nghiêm trọng hơn hưng phấn. Triệu chứng của tăng động bao gồm ngủ ít hơn bình thường và có tính cạnh tranh, thân thiện, đầy năng lượng. Tuy nhiên, người bệnh vẫn phải hoạt động bình thường, khác với chu kỳ hưng phấn.

Rối loạn lưỡng cực loại II cũng có thể gồm các chu kỳ hỗn hợp và có thể tồn tại các triệu chứng của chứng loạn tâm thần thể tâm thần phù hợp với khí sắc. Chứng này sẽ có các đặc điểm phù hợp với tâm trạng. Ví dụ, nếu một người đang trải qua giai đoạn trầm cảm, chứng này sẽ mang lại sự buồn bã.

5.3. Cyclothymia

Cyclothymia bao gồm các chu kỳ trầm cảm nhẹ xen kẽ với các giai đoạn tăng động. DSM-5 phân loại nó tách biệt với rối loạn lưỡng cực, bởi những cơn thay đổi cảm xúc ít mãnh liệt hơn. Một người bị chuẩn đoán mắc chứng cyclothymia sẽ là kinh niên. Họ có thể sẽ bước vào một giai đoạn bình ổn, nhưng sẽ luôn mắc chứng này.

6. Điều trị

Các liệu pháp điều trị nhằm giảm thiểu tần suất các chu kỳ hưng phấn và trầm cảm, giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng để người bệnh có được một cuộc sống bình thường và năng suất. Nếu không được chữa trị, một cơn hưng phấn hay trầm cảm có thể kéo dài đến tận 1 năm. Với liệu pháp chữa trị, những sự tiến triển có thể thấy được trong vòng 3 đến 4 tháng.

Chữa trị bao gồm sự kết hợp của nhiều liệu pháp, có thể liên quan đến việc uống thuốc và sự can thiệp của tâm lý học. Người bệnh có khả năng vẫn tiếp tục trải qua những đợt thay đổi tâm trạng, nhưng gắn bó với một bác sĩ có thể giảm độ nghiêm trọng và giúp kiểm soát các triệu chứng.

6.1. Chữa trị bằng thuốc

Các-bon lithium là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để chữa trị những chu kỳ dài của trầm cảm, hưng phấn hay tăng động. Bệnh nhân thường cần uống thuốc này trong ít nhất 6 tháng. Bệnh nhân cần phải tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về việc uống thuốc khi nào và như thế nào để thuốc hoạt động hiệu quả.

Những phương pháp chữa trị bằng thuốc khác gồm:

  • Thuốc chống co giật: Đôi khi được dùng để giảm bớt các cơn hưng phấn

  • Thuốc giảm loạn tinh thần: Aripiprazole, olanzapine, risperidone là vài lựa chọn nếu hành vi của bệnh nhân khó kiểm soát và các triệu chứng nặng nề

Nếu như tâm trạng thay đổi thì có thể liều lượng thuốc cũng cần thay đổi, và một số loại thuốc có tác dụng phụ. Vài loại thuốc chống trầm cảm được đưa cho bệnh nhân trước khi họ nhận được chuẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực có thể kích hoạt một chu kỳ hưng phấn. Bất cứ bác sĩ nào đang chữa trị cho bệnh nhân trầm cảm cũng nên chú ý điều này.

6.2. Tâm lý trị liệu, liệu pháp nhận thức - hành vi, sự chăm sóc của bệnh viện

Tâm lý trị liệu nhằm giảm nhẹ và giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng. Nếu bệnh nhân có thể xác định được những yếu tố kích thích chính, họ có thể giảm thiểu những ảnh hưởng phụ của căn bệnh. Người bệnh có thể nhận biết những triệu chứng ban đầu báo hiệu sự khởi đầu một chu kỳ và cải thiện những yếu tố giúp giữ được giai đoạn “bình ổn” càng lâu càng tốt. Việc này có thể hỗ trợ duy trì những mối quan hệ tích cực ở nhà và nơi làm việc.

Liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive behavioural therapy - CBT), được sử dụng như một liệu pháp cá nhân hoặc tập trung vào gia đình, có thể giúp phòng ngừa những chu kỳ lặp lại. Liệu pháp cá nhân và nhịp điệu xã hội kết hợp với CBT có thể hỗ trợ các triệu chứng trầm cảm.

Sự chăm sóc của bệnh viện hiện nay ít phổ biến hơn trong quá khứ. Tuy nhiên, sự nhập viện tạm thời có thể là nên làm nếu có bệnh nhân có nguy cơ tự làm tổn hại bản thân hay người khác.

Nếu những cách chữa trị trên không hiệu quả thì có thể dùng đến phương pháp chữa bệnh trầm cảm bằng sốc điện (electroconvulsive therapy - ECT).

Tuân thủ chặt chẽ theo một lịch trình thường xuyên với chế độ ăn mạnh khỏe, ngủ đủ giấc và tập thể dục hàng ngày có thể giúp bệnh nhân duy trì sự bình ổn. Bất kì loại thuốc bổ sung nào cũng nên được bàn bạc với bác sĩ trước, bởi vài phương pháp có thể tác động đến các loại thuốc dùng cho chứng rối loạn lưỡng cực hay làm nặng thêm các triệu chứng.

7. Nguyên nhân

Rối loạn lưỡng cực dường như không đến từ một nguyên nhân duy nhất vì nó thường là kết quả của một loạt các nhân tố tác động với nhau.

7.1. Nhân tố di truyền

Vài nghiên cứu đã gợi ý rằng rối loạn lưỡng cực có thể là vì thành phần nào đó trong gen. Nó có xu hướng xuất hiện ở người có thành viên gia đình với tình trạng tương tự.

7.2. Đặc điểm sinh lý

Bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực thường biểu hiện những thay đổi có thể thấy được trong não bộ, nhưng mối liên kết vẫn còn chưa rõ.

  • Sự thiếu cân bằng hóa chất não: Sự thiếu cân bằng trong chất dẫn truyền thần kinh có vẻ đóng vai trò chủ yếu trong nhiều cơn rối loạn cảm xúc, bao gồm rối loạn lưỡng cực

  • Vấn đề hooc-môn: Những sự mất cân bằng trong hooc-môn có thể kích hoạt hoặc gây ra rối loạn lưỡng cực

  • Nhân tố ngoại cảnh: Sự ngược đãi, căng thẳng tâm lý, một sự mất mát quá to lớn hay những sự kiện gây khủng hoảng tinh thần khác có thể là một phần hoặc là nguyên nhân chính kích hoạt chứng rối loạn lưỡng cực

Một khả năng nữa là vài người có gen di truyền bị chứng rối loạn lưỡng cực nhưng chưa có biểu hiện đáng chú ý cho đến khi một nhân tố ngoại cảnh kích hoạt một sự thay đổi cảm xúc nghiêm trọng.

----------

Tác giả: Christian Nordqvist

Link bài gốc: What should you know about bipolar disorder

Dịch giả: Bùi Hương Mai - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài viết thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Bùi Hương Mai - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Fanpage ToMo: Learn Something New để cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

623 lượt xem