Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Trái Đất Có Quá Nhỏ Để Phân Chia?

Không phải lúc nào người ta cũng ngại trở về vì muốn níu kéo sự văn minh, tiến bộ ở các nước phát triển, có rất nhiều khi người ta sợ trở về vì chưa sẵn sàng nhìn lại nơi cũ, chuyện cũ, người cũ và các rắc rối cũ. Cảm giác như trở về sau một chuyến du lịch thật dài, lại nghe mẹ hỏi: “Bao giờ con lấy chồng”, lại nghe bác hàng xóm: “Lương tháng bao nhiêu cháu?”…

Ảnh này mình chụp khi ngồi ở Piccadilly Circus. Vẫn nhớ vào trong những ngày mùa hè cuối cùng mình còn ở lại London năm ngoái, có chị bạn ngồi cùng. Hai đứa ăn mì ly và nhìn lại một năm sang Anh học. Lúc đó, sắp đến ngày chị về Việt Nam, và như không ít du học sinh, mơ hồ có một cảm giác sợ trở về.

Hôm ấy chị bảo mình: “Các bạn Châu Âu sẽ chẳng bao giờ hiểu được bọn mình. Họ có thể đi đến nhiều nơi, ở lại và làm việc. Còn bọn mình phải lo nghĩ từng ngày, chạy đôn chạy đáo chỉ để gia hạn được visa ở thêm một lúc trên đất nước họ”. 

Cuối cùng, cả hai chúng tôi đều rời khỏi Anh. Và, rất trùng hợp trở lại trong cùng một thời điểm. Một năm, chị đã khác xưa rất nhiều, đã chiêm nghiệm thêm rất nhiều thứ, để khi có anh tây đẹp trai hỏi: “Cô đến từ đâu?”, chị chỉ trả lời: “Điều đó có gì quan trọng. Tôi cũng chỉ là một con người, sống trên Trái Đất”.

Trở về Việt Nam, mọi thứ lại tươi sáng hơn dự đoán. Chị vẫn nhận lời mời cộng tác, hợp đồng từ nhiều nơi trên thế giới. Thời buổi Internet, thật ra mình có thể làm việc ở mọi nơi trên thế giới (dĩ nhiên là với một số điều kiện cần và đủ). Một cách triết học, chị bàn về thế giới mà mình phải bỏ qua những vỏ bọc để đến với cốt lõi của giá trị. Biên giới và nơi chốn có thể cũng chỉ là một trong những thứ vỏ bọc, được quy ước bởi con người.

“Trái đất chẳng phải quá nhỏ để còn phân chia nó ra. Rồi một ngày nào đó, con người có quyền đi đến bất kỳ đâu, sống ở quốc gia này hay quốc gia khác. Cũng như cái cách mình được chọn sống ở Đà Nẵng hay Sài Gòn mà thôi!”, chị nói. 

Sáng hôm nay, tôi đọc blog “Trump Won’t Kill America, Bitcoin Will” (Brett Cenkus), tình cờ lại lặp lại đúng triết lý chị nói với tôi, dưới một hình thái khác: Có sâu chuỗi lịch sự và hiện đại.

Xa xưa, nhà nước được thành lập, mỗi bốn năm bầu cử tổng thống, bởi những người sáng lập nước Mỹ không thực sự tin tưởng vào nhân dân. Họ cần nhà nước như một thể chế để ngăn các chủ đất da trắng đưa ra quyết định sai lầm.

Về mục đích trong lịch sử, nhà nước liên bang phát triển lên từ những gì còn sót lại của phong kiến lãnh chúa. Người dân trung thành với lãnh chúa để có được sự bảo vệ, về an ninh, đời sống và sinh kế. Khi phát triển lên nhà nước ở một quy mô lớn hơn, sự trao đổi “trung thành” – “được bảo vệ”, không còn đảm bảo. Người ta cần một lý do nào đó khác hơn, và “Chủ nghĩa dân tộc” (Nationalism) hình thành.

Thế rồi, tấm hộ chiếu ta cầm lại định nghĩa nên rất nhiều những trải nghiệm mà ta có. Chỉ bên này và bên kia một lằn biên giới mong manh, lại để lại những khoảng cách to lớn. Trump và Brexit đều thắng cử nhờ đánh vào chủ nghĩa dân tộc. Xét trên bình diện chung, theo nghĩa con người chỉ đơn giản là “đến từ trái đất”, điều đó khiến chúng ta chia cách.

Hằng trăm qua, ta chứng kiến sự tự do được nâng lên tầng bậc cao hơn: Giải phóng nô lệ, trao quyền bầu cử cho phụ nữ và người da màu, tự do ly hôn, tự do kết hôn giữa các chủng tộc, và gần đây nhất… là kết hôn đồng giới. Tất cả những sự tự do đó đều nằm trong phạm vi một đất nước, tác giả bài blog tin rằng, tầm 100 năm nữa, chúng ta sẽ chứng kiến những đột phá mới trong sự tự do: không chỉ bên trong mà còn bên ngoài biên giới. Chủ nghĩa dân tộc sẽ không còn phù hợp trong tương lai, khi mà lợi ích của nò ngày càng giảm, trong khi thiệt hại càng tăng.

Dĩ nhiên, quan điểm đó sẽ gây nhiều tranh cãi. Về sự tự do của con người bên ngoài những biên giới và lãnh thổ, để bạn không cần một quốc tịch để có quyền được bảo vệ, mà đứng ở bất kỳ đâu trên thế giới, bạn cũng được đối xử ngang nhau. Nhiều nhà nước sẽ tìm cách để phản kháng lại xu hướng đó, rất nhiều người sẽ hoài nghi về mức độ thực tế. Nhưng bất kể chúng ta có phản kháng thế nào, xu hướng của thời cuộc sớm muộn cũng khó lòng ngăn chặn.Nhưng, bạn hãy nhìn vào Internet như một mô phỏng của thế giới lý tưởng đó. Trên Internet, mọi người có danh tính (ID), có dấu vết (Internet footprint), có tiếng nói (nếu họ chịu lên tiếng), có thị trường (e-commerce, lao động online), thậm chí đã dần có một đồng tiền chung Bitcoin. Đó không phải một “xã hội” hoàn mỹ và không có tiêu cực, nhưng bạn được trao quyền để làm được nhiều thứ vượt ra ngoài những giới hạn địa lý và vật lý.

Không có quyền lợi nào đơn giản có được mà không cần sự đấu tranh, và bỏ qua những nỗ lực cá nhân. Trong một thế giới không biên giới, một thế giới rộng lớn hơn, nghĩa là bạn phải tìm hiểu nhiều hơn về những gì mình có, những gì mình có thể, những công cụ và cơ hội tồn tại. Quyền lợi không đến từ sự đảm bảo nào khác hơn là chính sự hiểu biết của bạn

Nghĩa là, chúng ta phải thôi bàng quan, và quan tâm nhiều hơn về thế giới mình đang sống!

Tác giả: Mai Anh D. Viết

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

464 lượt xem