Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tranh Cãi Và Những Điều Nên Làm

Trong giao tiếp, có đôi khi do truyền đạt ý không rõ ràng khiến chúng ta hiểu lầm nhau. Khi sự hiểu lầm kéo dài, chúng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ, dẫn đến sự rạn nứt, tan vỡ, hoặc gây ảnh hưởng không kém đến sức khỏe tâm lý.

Thế nào là truyền đạt không rõ ràng?

John Gottman và các đồng sự của ông ở Đại Học Washington đã dành 30 năm để tìm hiểu và so sánh các hành vi trong giao tiếp của các cặp đôi hạnh phúc và không hạnh phúc. Bằng cách này, họ đã tìm ra một số mẫu hành vi quan trọng.

Không nói điều họ nghĩ: nhiều người khi phàn nàn về việc gì đó, thay vì nói thẳng vào trọng tâm, họ hay đề cập đến một loạt những thứ xung quanh đó. Ví dụ, khi một người phàn nàn về một chiếc vé phạt, họ lại nói, “Cái này không những vì anh bất cẩn, mà còn là do đám bạn không ra gì của anh, thêm nữa là anh toàn đi với bạn, chả bao giờ động tay động chân giúp việc trong nhà.” Điều này làm cho vấn đề cần được nói đến bị đè bẹp bởi những thứ không liên quan, đi lạc đề, và sẽ chẳng có cái nào được giải quyết cả.

Không nghe ý kiến của nhau: nhiều người thường tự suy diễn ý của đối phương (mà khi suy diễn thì lại hay đi theo hướng xấu nhất) chứ không hỏi lại xem đối phương thực ra đang muốn nói đến cái gì. Một khía cạnh của việc này là đọc suy nghĩ, đó là khi họ cho rằng họ hiểu suy nghĩ, cảm xúc, và ý kiến của đối phương mà không cần phải hỏi. Trong mối quan hệ thông thường, quả thật có nhiều người rất hiểu ý đối phương, nhưng đối với các cuộc cãi nhau, người ta thường hiểu theo cách tiêu cực, mặc dù có thể ý đối phương là tích cực, hoặc chẳng có ý gì cả. Ví dụ như, “Anh nói vậy để chọc tức em đó à, tại hôm qua em lỡ làm anh giận chứ gì?” Và đôi khi họ lại chặn ngang khi người khác nói chỉ để bày tỏ sự không đồng tình, mà không cho họ cơ hội nói hết ý của họ. Trong khi cự cãi, thay vì lắng nghe ý kiến của đối phương, họ lại đi tìm những phần sai sót để tấn công vào. Đây gọi là ừ-nhưng mà, “Ừ, mình có thể thử cái này, nhưng mà không được việc gì đâu, tại vì…” Thêm nữa là khi tranh cãi, họ hay công kích chéo, mà bỏ qua vấn đề người kia đang nói đến, tức là khi bị than phiền, thay vì nhìn nhận vấn đề, họ bật lại bằng một câu than phiền khác. “Anh không thích em chất chén dĩa dơ đầy bồn rửa chén như kia.” “Vậy à, còn em thì không chịu nổi việc anh vứt quần áo đầy sàn như kia!”

Tác động tiêu cực: khi tranh cãi, họ phản ứng lại những lời than phiền bằng cách mỉa mai một cách khinh bỉ và coi thường, và thay vì sửa chữa vấn đề, họ làm cho nó trở nên tệ hơn (Gottman & Levenson, 1992). Những cuộc tranh cãi kiểu này thường bắt đầu bằng sự chỉ trích nhằm vào nhân phẩm hay tính cách của đối phương thay vì chỉ ra hành vi nào đã gây nên vấn đề. Ví như, thay vì nói “Anh không bằng lòng việc em để khăn ướt xuống sàn,” thì người chỉ trích sẽ nói rằng “Em thật là một đứa ăn ở nhếch nhác!” Sự coi thường được biểu hiện bằng lăng mạ, nhạo báng, hoặc chế giễu cũng xuất hiện trong những tranh cãi này. Để phản ứng lại với những tấn công kiểu này, đối phương thường trở nên phòng thủ; thay vì nhận lấy sự than phiền và tìm cách sửa chữa, người bị tấn công sẽ tìm cách bào chữa, hoặc lại trách ngược lại (công kích chéo), hoặc tấn công ngược lại để tự bảo vệ mình. Tự xây tường bao bọc mình cũng là một điều thường thấy, nhất là ở phái nam, họ phản ứng lại bằng cách im lặng như cục đá (Christensen et al., 2006). Nhiều người cho rằng đây là cách hay để chấm dứt một cuộc cãi nhau, nhưng thực chất không hẳn là như thế. Sự phớt lờ có thể khiến người còn lại trở nên bực mình (Williams, 2007). Thay vì cần phải cho đối phương thấy họ đã nhận thấy và hiểu vấn đề mà đối phương đưa ra, sự tự xây tường sẽ bị cho rằng họ không đồng thuận, lạnh lùng, hoặc tự mãn (Gottman, 1994b, p.94). Cuối cùng sẽ dẫn đến sự giao tranh hủy hoại, khi mà người này hùng hổ gạt bỏ người kia, “Rồi sao? Anh/em làm gì được nào?”

Những cách thức tranh cãi này sẽ khiến mối quan hệ ngày càng xấu đi, và thường sẽ dẫn đến sự đổ vỡ (Gottman et al., 1998). Thậm chí, những người phải chịu đựng lẫn nhau, họ cảm thấy không vui vẻ dễ chịu gì cho cam (Feeney, 2002). Vậy thì, phải làm thế nào để tranh cãi một cách đúng đắn?

Nói điều chúng ta nghĩ

Khi phàn nàn về điều gì ở đối phương, chung ta nên chỉ thẳng ra hành vì nào đã khiến ta khó chịu. Đây gọi là miêu tả hành vi, điều này không chỉ giúp chúng ta cho đối phương biết chúng ta đang nghĩ gì, mà còn giúp giữ cuộc tranh cãi gói gọn trong việc sửa chữa hành vi, một thứ dễ dàng thay đổi hơn nhiều so với tính cách. Một sự miêu tả hành vi đúng chỉ ra sự kiện cụ thể chứ không nên khái quát hóa; vì vậy không nên dùng những từ “luôn luôn” hoặc “không bao giờ.”

Chúng ta cũng nên sử dụng câu bày tỏ Tôi khi muốn bày tỏ cảm xúc của mình. Chúng ta mở đầu câu bằng “Tôi” và theo sau đó là mô tả lại một phản ứng xúc cảm cụ thể nào đó. Mẫu câu này buộc chúng ta phải xác nhận lại cảm xúc của chính mình, từ đó giúp ta điều khiển và thấu hiểu cảm nhận của mình thay vì chỉ tập trung vào đối phương. Thay vì nói, “Anh làm em nổi khùng rồi đấy,” ta có thể nói thành, “Em đang cảm thấy tức giận.”

Ta có thể gộp cả hai điều trên thành mẫu câu bày tỏ XYZ. “Khi anh/em làm X trong trường hợp Y, em cảm thấy Z.” Hãy thử lắng nghe chính bạn nói những gì khi bạn than phiền với đối phương. Bạn nói câu kiểu như “Anh thật không biết nghĩ cho người khác. Anh chẳng bao giờ để em nói hết câu!” Hay là bạn nói “Khi anh ngắt lời em như vậy, em cảm thấy thật khó chịu.” Có một sự khác biệt lớn giữa hai câu nói trên, và một trong hai câu đó có nhiều khả năng nhận được một lời xin lỗi đàng hoàng hơn là câu còn lại đấy.

Chủ động lắng nghe

Chúng ta có hai nhiệm vụ quan trọng khi ta là người nhận những thông điệp từ người khác: thứ nhất, đó là phải hiểu chính xác điều mà đối phương đang muốn nói, và thứ nhì, đó là biểu đạt được sự chú ý và sự nhận thức đến đối phương để họ biết rằng ta quan tâm những điều họ nói đến. Để làm được điều này, chúng ta có thể diễn giải lại thông điệp bằng lời của mình, và để đối phương xác nhận xem có đúng đó là ý của họ hay không. Bằng cách này, người trong cuộc tranh cãi sẽ không cho rằng mình hiểu ý đối phương và phản hồi lập tức mà họ phải dừng lại để kiểm tra xem họ có nhận thức đúng ý đó hay không qua việc diễn giải lại nó. Cách này tuy nghe có hơi kì quặc, nhưng nó là một cách làm tuyệt vời để tránh những cuộc tranh cãi vì những hiểu lầm không đáng có về sau. Khi một cuộc trò chuyện hay tranh luận trở nên căng thẳng, diễn giải lại ý đối phương có thể giúp nó không vượt khỏi tầm kiểm soát.

Một thí dụ như sau:Vợ: Em mừng vì mẹ anh không đến thăm chúng ta vào tuần sau.Chồng: Mẹ tôi thì làm sao hả? Cô lúc nào cũng có ý kiến về mẹ tôi, tôi thấy cô quả là một đứa không biết điều!

Thay vào đó, người chồng đã có thể dùng diễn giải để hiểu ý người vợ hơn:Vợ: Em mừng vì mẹ anh không đến thăm chúng ta vào tuần sau.Chồng: Ý em là em không thích mẹ đến thăm à?Vợ: Không phải thế, mẹ lúc nào cũng được hoan nghênh cả. Có điều tuần sau em phải làm nhiều việc và không có thời gian để lo cho mẹ nếu mẹ đến đây.Chồng: Ờ.

Một kĩ năng lắng nghe rất hữu dụng nữa là kiểm tra nhận thức, ngược lại với đọc suy nghĩ. Ta không tự cho rằng mình biết đối phương đang cảm thấy gì, mà ta hỏi họ xem họ có đang cảm thấy vậy hay không. Điều này sẽ cho đối phương thấy ta đang chú ý và quan tâm đến họ, giúp họ trở nên cởi mở hơn trong việc nói ra suy nghĩ của chính mình.

Trong giao tiếp, khi chúng ta thực tập hai kĩ năng trên, chúng ta thể hiện mình đã bỏ công sức để hiểu đối phương hơn, điều mà đối phương sẽ rất trân trọng. Chủ động lắng nghe còn giúp giải quyết những khó khăn về sau trong những mối quan hệ.

Lịch sự và bình tĩnh

Tuy nhiên, nếu cuộc trò chuyện quá gay gắt và đối lập thì dù chúng ta làm tất cả mọi điều trên để nghe và nói một cách hiệu quả cũng chưa chắc đạt được kết quả tốt. Thật khó lòng giữ bình tĩnh và thả lỏng khi mà đối phương cứ coi thường hay đối chọi với chúng ta, và những người hay nhạo báng hoặc khinh thị đối phương thường sẽ nhận về những phản ứng khó chịu và cáu kỉnh. Khi chúng ta không hài lòng về đối phương, chúng ta thường sẽ nhốt mình vào những tác động tiêu cực qua lại, khi mà cả hai bên đều có những suy nghĩ coi thường lẫn nhau và xem nhẹ những điều đối phương cần biểu đạt (Levenson et al., 1994).

Thật ra, dập tắt những vòng lẩn quẩn gây gổ cãi vã là điều tốt, nhưng không dễ dàng gì. Mặc dù việc sử dụng câu bày tỏ XYZ hay lắc nghe chủ động có thể giúp ta tránh khỏi những cuộc đấu khẩu gay gắt từ đầu, nhưng khi ta đang giận dữ thì hiếm ai mà nghĩ đến việc dùng chúng cả (Gottman et al., 2000). Khi mà ta nổi giận và đang căm ghét đối phương, muốn chống đối, hoặc chỉ muốn dập bẹp đối phương, thật khó để mà vận dụng câu bày tỏ Tôi (Wile, 1995, p.2).

Vì lẽ đó, có thể giữ cho bản thân tỉnh táo khi đối phương khiêu khích bạn, hoặc có thể bình tĩnh lại khi bạn bắt đầu nổi giận, là kĩ năng rất giá trị. Bạn có thể làm điều này khi bạn phân tích được cơn nóng giận chỉ là một cách nghĩ về sự việc. Sự cáu giận là kết quả của sự nhận thức rằng mọi người đang làm chúng ta đau khổ một cách không công bằng và sai trái. Hãy sử dụng một góc nhìn khác cho sự việc, và bạn có thể dập tắt sự nóng giận này (Tice & Baumeister, 1993). Ví dụ, thay vì nghĩ, “Họ không có quyền nói vậy với tôi!” Hãy nghĩ, “Người yêu quý mình lại đưa ra một ý kiến trái ngược với mình. Vì sao vậy nhỉ?”

Đương nhiên là không dễ dàng gì để giữ cho suy nghĩ của chúng ta được bình yên khi mà ta đang bị kích động. Bởi thế, hãy tập đồng ý với nhau rằng, chúng ta sẽ tranh luận một cách lịch sự hơn khi có thể. Nếu như bạn hay đối phương có điều cần bày tỏ, cả hai có thể chọn một buổi để nói chuyện với nhau về điều đó. Và dù trong hoàn cảnh nào, cả hai không nên tiếp tục giao tiếp nếu như hai bên chỉ lăng mạ lẫn nhau. Khi bạn thấy mình bắt đầu trở nên nóng giận và có những tác động tiêu cực, bạn hãy tạm thời dừng lại. Nói với đối phương bạn cần chút thời gian để bình tâm lại, và chỉ quay trở lại vấn đề khi bạn bớt kích động hơn (Markman et al., 1994).

Sức mạnh của sự tôn trọng và sự công nhận

Những điều mấu chốt trong các phương thức giao tiếp đúng đắn – từ ý thức cố gắng để đưa ra thông điệp rõ ràng, rành mạch, đến nghe một cách thận trọng và kĩ càng, đến giữ lịch sự và không công kích kể cả khi hai bên bất đồng ý kiến – là để thể hiện chúng ta quan tâm đến và tôn trọng góc nhìn của đối phương. Chúng ta cũng mong đợi điều tương tự từ họ, và khi chúng ta nghĩ rằng mình không được tôn trọng, chúng ta sẽ cảm thấy hằn học và đau khổ (Reis & Patrick, 1996). Vì lẽ đó, sự công nhận đối phương, nhận thấy ý kiến chính đáng của họ và biểu đạt sự tôn trọng tới vị trí của họ là điều chúng ta muốn đạt được trong những mối quan hệ.

Công nhận không nhất thiết là phải đồng ý. Chúng ta có thể giao tiếp với sự tôn trọng và thừa nhận quan điểm của đối phương mà không cần phải đồng ý với điều đó. Sự tôn trọng ý kiến của đối phương không làm chúng ta trở nên giả tạo hay thiếu quyết đoán, khi chúng ta không đồng tình với họ.

Hãy xem ví dụ sau: Khi A than phiền về B

A: Anh không thích khi em hành xử như vậy.(Công kích chéo) B: Còn em thì không thích khi anh nhậu nhẹt suốt ngày.(Đồng thuận) B: Ừ, anh nói đúng. Em dừng lại đây.(Công nhận) B: Ừ, em hiểu ý anh. Anh có điểm đúng. Nhưng em muốn anh cũng ráng hiểu cho cảm giác của em nữa.

Thật vậy, công nhận đối phương giúp sự bất đồng ý kiến trở nên dễ chịu hơn. Những kĩ năng trên giúp chúng ta tạo dựng sự quan tâm và lo lắng cho nhau và giảm thiểu sự bất hòa với người khác (Verhofstadt et al., 2005). Thậm chí, bạn còn có thể giúp một mối quan hệ đang tan rã trở nên tốt hơn bằng việc luyện tập những điều trên và hứa sẽ lịch sự và tôn trọng lẫn nhau khi gặp khó khăn (Stanley, Bradbury, & Markman, 2000).

Theo beautifulmindvn.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

244 lượt xem