Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] 22, 23, 24 hay 30? Tuổi Nào Thì Vẫn Có Thể Lạc Lối Thôi

22 tuổi, bấm đốt ngón tay nhẩm tính thì là tuổi vừa tốt nghiệp đại học xong. Là cái tuổi bước sang “Combo: thất học + thất nghiệp” – không mục tiêu, không ước mơ,… lạc lõng giữa cuộc đời – theo như nhiều bạn chia sẻ.

Có lẽ lớn hơn một chút mình sẽ trưởng thành hơn? Không chắc nữa, tôi chỉ thấy những người lớn tuổi thì ít than thở hơn, còn mối quan hệ “biện chứng” giữa hai vấn đề này thì chưa. Tôi có khá nhiều dẫn chứng chỉ ra rằng: ở tuổi nào thì bản thân vẫn có thể lạc lối như thường vậy.

Tôi sẽ dẫn chứng về chính mình: tôi sinh năm 93, học lực bình thường, mỗi tội khá hơn ông anh một chút (ít nhất là về mặt giấy tờ). Thế là gia đình đặt cho tôi một vài kỳ vọng lớn, bản thân tôi cũng nghĩ mình sẽ thành công lớn. Năm 18 tuổi thi đại học, không qua, tôi lạc lõng giữa cuộc đời. Trầy trật một khoảng thời gian, cuối cùng cũng được vớt vát vào một trường đại học “có tiếng” – khoa quản trị kinh doanh hệ “đóng tiền”. Tôi cảm thấy áp lực, vì nó không nhưng không thể nói ra, một kẻ thất bại thường khó biện minh, họ phải dành nhiều thời gian hơn cho việc xem xét lại lỗi lầm của bản thân trước khi “dám” nói ra một điều gì đó.

Năm đầu tiên đại học, tôi cố gắng tiếp xúc với môi trường mới bằng một tinh thần tích cực hơn nhưng không thể. Tính cách tôi hướng nội, tôi thích chìm đắm trong suy nghĩ, xem xét vấn đề một cách tỉ mỉ và cẩn trọng hơn là bùng nổ và nhiệt huyết. Mọi người xung quanh chê tôi quá chậm chạp, tôi thích gọi đó là sự trầm tĩnh, cẩn thận hay đại loại thế. Sau năm đầu tiên học “quản trị kinh doanh” tôi cảm thấy hơi ngột ngạt. Mọi thứ diễn ra quá nhanh đi, những con số cứ như muốn nhảy lên, các bài toán mang tầm “vĩ mô” với chi phí hàng “tỷ” đồng mỗi lần tính toán và tôi không thể nào nắm bắt. Đến đầu năm thứ 2 đại học, tôi 20 – lạc lõng giữa dòng đời.

Lần này tôi mạnh dạn hơn, tôi xin phép bố mẹ được ngừng học và ôn thi lại vào chuyên ngành mà tôi thích thú – các chuyên ngành về khoa học xã hội – và được chấp thuận, dù có phần miễn cưỡng.

Tôi vui mừng, tôi thích lịch sử, ảnh hưởng bởi cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa mà tôi đọc từ năm cấp 2. Tôi thấy Việt Nam mình cần có những bộ sách dã sử đồ sộ như vậy mới có thể tạo cảm hứng học sử cho người Việt Nam của mình được. Tôi sẽ trở thành người viết ra nó – tôi ôm ấp giấc mơ cao đẹp đó và ôn thi lại. Thời gian chỉ có 6 tháng, tôi đâm đầu vào học nhưng không đủ. Tôi không phải là một người thông minh, tôi thừa nhận. Sự nỗ lực đem đến cho tôi điểm số cao hơn hai năm về trước nhưng như vậy là chưa đủ, vẫn chưa thể đủ được. Cuối năm 20 tuổi, tôi lại lạc lõng giữa dòng đời.

Nhưng lần này tôi đã có nhiều sự lựa chọn hơn, điểm số cao hơn cho phép tôi làm điều đó. Ước mơ trong tôi vẫn chưa nguội lạnh, tôi nghĩ “nếu không thể trau dồi về Sử, trước tiên cứ tăng cường khả năng viết, khả năng phân tích đã”. Tôi chắc chắn và vẫn nộp đơn vào khối ngành xã hội. Tôi đi theo một “tia sáng” mà tôi tự thắp lên bằng một “hộp diêm” và tiến bước, trước khi nó lụi tàn. Tôi may mắn được nhận vào khoa “Xã Hội Học” của một trường mà tôi xin được giấu tên.

Mọi thứ có vẻ đã khác, tôi thấy như cá gặp nước, tôi học tập chăm chỉ hơn và nó chiếm trọn thời gian học đại học của tôi. Có thể một phần kiến thức nặng hẳn về lý thuyết nên tôi phải tốn thời lượng hơn để “hấp thụ” được hết nó. Sau 4 năm cày cọt, tôi tốt nghiệp với tấm bằng khá, may mắn được kết nạp vào Đảng, có một vài kinh nghiệm điều tra bảng hỏi thông qua việc giúp đỡ thầy cô tham gia một vài dự án điều tra “xã hội học” đơn giản.

Mọi chuyện tốt đẹp CHO ĐẾN KHI tôi tốt nghiệp và bắt đầu tìm kiếm việc làm. Tốt nghiệp một trường tầm trung với một chuyên ngành mà các nhà tuyển dụng “chưa hề biết tới”. Thị trường việc làm không có “nhiều chỗ” cho ngành khoa học xã hội nói chung, và ngành “Xã hội học” còn hiếm hoi hơn rất nhiều. Việc được kết nạp vào Đảng thậm chí còn là nhân tố cản chân tôi khi không ai muốn tuyển một nhân viên theo đuổi chủ nghĩa “công bằng và lý tưởng”.

Tôi thử tìm các công việc trái ngành học của mình. Kinh nghiệp đến từ công việc “thời vụ” trong 4 năm đại học không được nhà tuyển dụng để mắt đến. Họ thậm chí hỏi tôi một câu hỏi đau đớn hơn “24 – 25 tuổi rồi mà chưa có kinh nghiệm việc làm gì à?”. Đó thật sự là một nỗi đau. Giấc mơ dần trượt khỏi bàn tay, hơn 6 tháng tìm việc, cuối 24 – đầu 25, tôi lại lạc lõng giữa dòng đời, dù bản thân đã có kinh nghiệm lạc lõng từ trước đó rất nhiều lần.

Ngóng mắt nhìn xung quanh bạn bè xưa (cùng lứa 93) đều đã có công việc ổn định, nhiều đứa thậm chí đã tự mua được xe máy, lập được gia đình. Còn tôi, không nghề nghiệp, không kinh nghiệm, không tài giỏi, bằng cấp tầm thường, không mục đích sống, tôi thực sự bị dồn đến chân tường.

Không ai có thể lạc mãi mãi

Nếu vẫn còn sống thì vẫn còn cơ hội, đó là điều Tư Mã Ý đã dạy tôi, con người không ai có thể lạc mãi được, nếu lạc mãi – tôi xin nói gở một chút – chắc họ đã chết rồi. Và việc thoát ra khỏi sự lạc lõng ấy có thể gần hơn bạn tưởng rất nhiều. Và tôi xin mạn phép được tiếp tục chia sẻ thêm một vài kinh nghiệm bản thân mình để vượt qua nó.

  1. Bạn cần lạc thêm vài lần nữa.

- Trong hơn 6 tháng lăn lộn tìm việc ở trên, tôi có 2 lần làm “nhân viên kinh doanh” ở 2 nơi khác nhau nhưng chẳng nơi nào tôi trụ quá được một tháng. Lần thứ nhất là do tôi không thể giao tiếp với khách hàng. Bản thân tôi ít nói lại không linh động nên không chốt “sales” được. Sau lần đó tôi nghĩ có thể là mặt hàng đó tôi không thích nên không bán được, tôi thử lại mặt hàng khác mà tôi thích. Nhưng cũng không khả quan hơn. Kết luận chỉ có 1: Tôi không thể làm kinh tế tốt được. Sau mỗi lần bật bãi là một lần tôi lạc lõng hơn.

Nhưng điều đó không vô dụng, nó giúp tôi thống nhất được quan điểm sẽ trải dài suốt cuộc đời mình là tôi không thực sự hợp lắm với kinh tế. Tôi quay về với bản ngã của mình, lựa chọn công việc ứng tuyển cẩn trọng hơn, loại bỏ bớt những nghề nghiệp mà tôi nhận thấy không phù hợp.

Không phải cứ rải CV nhiều là tốt đâu các bạn ạ. Bởi có những công việc hoặc những doanh nghiệp rất “vào dễ - ra càng dễ”. Ở đó, họ tuyển dụng chúng ta để “vắt kiệt” các mối quan hệ của chúng ta. Sau khi chúng ta lừa bán sản phẩm hết cho anh em, bạn bè, họ hàng của mình xong, khi mà nguồn lực của bạn đã cạn kiệt thì bạn sẽ phải ra đi. Còn học hỏi được nhiều hay ít là do số trời vậy.

  1. Tìm kiếm 1% của bản thân mình

Mỗi còn người đều là 100%, bao gồm 99% nỗ lực và 1% thiên tài. Các thiên tài khẳng định: Sự thành công của họ đến từ 99% kia, còn người bình thường đứng ở vế còn lại, trong đó có tôi. Bởi điều tôi nhận ra cái 1% đó không phải chỉ chứa yếu tố thiên tài, bản thân nó bao gồm cả niềm tin, sự thích thú, niềm đam mê,... Hai vế đối lập ở trên có thể quy về một câu hỏi: “cái nào có trước? Thiên tài có trước hay nỗ lực có trước”?

Tôi khẳng định luôn chẳng ai mới sinh ra đã là người nỗ lực cả, nhưng tố chất thiên tài thì luôn tiềm ẩn sẵn trong bản thân mỗi người. Một số gia đình thông qua sự giáo dục đã thúc ép con cái mình phải nỗ lực để ép cho cái 1% đó phải nảy nở ra theo ý của họ nhưng sẽ không trọn vẹn. Nếu họ thành công thì sự thiên tài đó có thể xuất hiện nhưng các yếu tố khác như niềm tin, sự thích thú thì không. Còn nếu họ thất bại thì… Cá nhân tôi nhận thấy, nên để 1% kia dẫn lối, thúc ép cho 99% phần trăm còn lại nảy nở chứ không phải là chiều ngược lại vậy.

Tôi không biết Marketing là cái gì cả, thậm chí nghĩ đến nó cũng không bởi một phần trong nó liên quan đến “kinh tế”. Nhưng một cơ duyên trời định dẫn lối, tôi biết đến khái niệm “Content Marketing” (hay Marketing Nội dung) và tôi thấy mình có thể làm được. Tôi tập trung tìm kiếm các công việc gần gũi với khái niệm này hơn và cuối cùng cũng nhận được công việc thực tập viết Content cho một sản phẩm.

Công việc khá loằng ngoằng, đòi hỏi nhiều sự sáng tạo với những áp lực về Deadline khá nặng nhọc. Nhưng tôi thích thế, lần đầu tiên tôi cảm thấy thích thú đến vậy, lần đầu tiên bị ăn chửi mà bản thân tôi cảm thấy rạo rực và hài lòng đến vậy. Dù mức lương bèo bọt nhưng tôi nghĩ tôi muốn gắn bó với công việc này. Hay nếu tôi bị đuổi chắc sau này tôi vẫn muốn làm Content thôi.

 Tôi cảm thấy mình đã có thể tạm vượt qua cơn khủng hoảng “tuổi 25” của mình, giống cái cách mà tôi đã làm ở tuổi 20 khi đó. Tôi vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn nhưng có lẽ 1% trong tôi chỉ đơn giản là muốn viết ra một cái gì đó, chỉ là muốn trải hết suy tư trong tâm khảm mà tôi quá ngại ngùng để nói ta với một tính cách hướng nội đến cực đoan của mình. 1% trong tôi hình như vẫn chưa từng thay đổi.

Cách để tìm ra 1% này tôi nghĩ có lẽ nên chia sẻ vào một lúc khác, điều tôi muốn tập trung ở đây là dù bạn bao nhiêu tuổi, bạn có học vấn ra sao hay bạn ở địa vị xã hội nào thì bạn vẫn có thể trở nên “lạc lõng” giữa cuộc đời này. Đừng chủ quan nghĩ mình đã thành công, nhưng cũng không bao giờ được thất vọng nếu chúng ta thất bại. Quan trọng là bản thân bạn tự tạo cho mình niềm cảm hứng để bước tiếp trên con đường đời đầy chông gai phía trước.

Nếu bạn lạc lối, đừng ngại than thở, dù bạn bao nhiêu tuổi đi nữa, bởi 1% trong bạn ở gần hơn bạn tưởng rất nhiều, có thể chỉ từ một sự trợ giúp nhỏ của bạn bè, gia đình hay từ một kỷ niệm bé tí ti trong quá khứ bạn cũng có thể chạm vào cái “thiên tài” mà bạn ẩn giấu từ lâu lắm.

Phải cố gắng sống thật tốt, nếu bạn còn tồn tại thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết được. Khi vấp ngã đừng chán nản, sẵn sàng từ bỏ và trải nghiệm nhiều điều bạn sẽ biết mình cần phải làm gì để trở nên tốt hơn. Tôi không khuyên bảo các bạn hãy trở thành Bill Gates, Steve Jobs, chỉ cần chúng ta hạnh phúc hơn chính bản thân mình ngày hôm qua không phải đã là một sự thành công lớn rồi hay sao? Trước tiên, “HÃY ĐỂ 1% TRONG BẠN DẪN DẮT CHÍNH MÌNH”.

 

Tác giả: Tiêu Dao Thịnh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/thinhpt93  

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,083 lượt xem, 2,047 người xem - 2053 điểm