Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Bạn Trẻ Nên Làm Gì Để Hạnh Phúc?

Khoan, đợi một chút nào! Trước khi bạn liên tưởng đến những triết lí, châm ngôn sống hạnh phúc mà chúng ta thường đọc được qua các trang sách, mục sưu tầm trên mạng thì bài viết này không có ý trích dẫn lại những điều ấy. Cá nhân mình rất thích đọc những châm ngôn, triết lí vì nhiều lúc có thể ngẫm nghĩ ra một vài điều khá là thú vị về con người và cuộc sống. Tuy nhiên, mình tin rằng giới trẻ chúng ta ngày nay đôi lúc gặp phải một vài khó khăn trong việc diễn giải và áp dụng chúng vào đời sống. Bởi dù sao, “trẻ người thì non dạ” - chúng ta vẫn cần rất nhiều trải nghiệm hơn có thể chiêm nghiệm được những châm ngôn, triết lí ấy một cách hoàn toàn. Vậy nên, mình xin được chia sẻ kiến thức cũng như quan điểm của mình về hạnh phúc - thứ mà mỗi chúng ta luôn tìm kiếm, nhiều lúc lại trăn trở, vất vả rất nhiều mà vẫn không sao có được. Chúng ta có những quan điểm khác nhau về hạnh phúc, và mình sẽ không phủ nhận bất kì quan điểm nào. Thay vào đó, mình hi vọng những ai vẫn còn băn khoăn về việc làm thế nào để hạnh phúc có thể tham khảo quan điểm và chia sẻ của mình bởi biết đâu, bạn có thể chọn được cho mình một con đường dẫn đến hạnh phúc của riêng bạn đấy. Bài viết có hơi dài một chút nhưng mình mong các bạn có thể đọc hết nhé ^^!

Tác giả của bài viết này hiện đang là sinh viên năm thứ 3 và cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, tác giả cũng quăng mình vào các thử thách ở đại học và những trải nghiệm ở môi trường bên ngoài với mong muốn có thể trưởng thành và hoàn thiện bản thân tốt hơn. Nhiều lúc chính tác giả cũng gặp phải khó khăn, áp lực rồi bắt đầu hoang mang, hoài nghi về năng lực của mình và tương lai rất nhiều. Vì thế, nếu có thời điểm bạn dừng lại một chút vì nản chí thì cũng rất bình thường nhé. Vì giai đoạn chuyển giao từ thiếu niên thành người lớn đơn giản là như vậy. Không phải tự nhiên mà các chuyên gia tâm lí nước ngoài gọi thời điểm từ tuồi 20 đến 30 là Quarter - life Crisis (Tạm dịch: khủng hoảng phần tư cuộc đời) đâu. Chúng ta sẽ đứng trước rất nhiều lựa chọn, đồng thời phải nhận thức được sự khác nhau giữa những gì được học và những gì được áp dụng vào thực tế như thế nào. Mệt chết đi được ấy chứ!

 

HẠNH PHÚC LÀ MỘT CẢM XÚC MANG TÍNH “DÀI HẠN”

Hạnh phúc, một lần nữa, có rất nhiều định nghĩa. Một định nghĩa khái quát nhất chính là cảm giác vui, mãn nguyện với những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Nhìn chung, khi bạn có nhiều cảm xúc như là vui mừng, hào hứng, hài lòng trong một thời gian dài thì khả năng cao là bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Ở đây, mình muốn nói đến rằng hạnh phúc không phải là cảm giác mà bạn có thể cảm nhận được trong ngày 1, ngày 2 mà nó tích lũy theo quá trình mà chúng ta sống và trải nghiệm hàng ngày. Thông thường, chúng ta hay quan niệm rằng chúng ta sẽ hạnh phúc khi đạt được một thứ gì đó. Đó có thể là tiền, vật chất, thành tích hay là công việc mơ ước chẳng hạn. Tuy nhiên, có một nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta sở hữu được những thứ đó, cảm xúc của chúng ta sẽ tốt hơn trong một thời gian ngắn và rất nhanh chóng sau đó lại trở về định mức ban đầu. Và cứ thế, chúng ta sẽ bắt đầu một vòng lặp mới theo đuổi những thứ mà chúng ta “cho rằng” mình sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu có được nó. Không có gì sai khi bạn đặt ra những mục tiêu, những thứ mà bạn mong muốn theo đuổi trong cuộc đời vì nó sẽ hoàn thiện và phát triển con người bạn tốt hơn. Đơn giản chỉ là bạn không nên đặt hạnh phúc của mình vào những điều đó, vì nó không mang tính bền vững và lâu dài. Nắm bắt được khái niệm này là bước đầu tiên để chúng ta có thể hiểu được và cảm nhận về hạnh phúc một cách đúng đắn hơn.

 

Cảm xúc của bạn sẽ nhanh chóng trở lại mức ban đầu, nhưng mà lần này bạn sẽ có ít tiền và thời gian hơn.

(Nguồn: Ảnh cắt từ clip How To Be Happy - THE TRUTH - Improvement Pill)

 

BẠN PHẢI CÓ GIÁ TRỊ/ NGUYÊN TẮC SỐNG CỦA RIÊNG MÌNH

Mình biết điều này nghe có vẻ cứng nhắc và chẳng thú vị gì, nhưng bạn cần phải có giá trị/nguyên tắc sống của riêng mình để có thể cảm nhận hạnh phúc. Khi đối mặt với một vài tình huống hay kết quả làm chúng ta chán nản, chúng ta cần có thứ của chính bản thân để dựa vào. Một ví dụ kinh điển nhé: bạn tỏ tình với một người và bị họ từ chối tình cảm. Quào, tổn thương lớn đấy! Và thường chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng rằng bản thân mình không có tí giá trị gì với người khác và dễ tìm đến những thứ “giải sầu” như bia, rượu hay lành mạnh hơn một chút là chơi game, nghe nhạc, lướt web hàng giờ với mong muốn nhanh chóng quên đi cảm xúc tồi tệ ấy. Nhưng khi chúng ta rời khỏi những thứ đó, cảm xúc tiêu cực sẽ quay lại và ta bắt đầu luẩn quẩn trong cái vòng lặp ấy. Nhưng nguyên tắc sống thì khác. Nó sẽ cho chúng ta câu trả lời ngay từ ban đầu và ngăn chúng ta hành động theo cảm xúc. Một nguyên tắc của mình chính là: Không để hành động của người khác phủ nhận những giá trị tốt đẹp của bản thân, mình vẫn đang và sẽ tiếp tục làm những điều tuyệt vời cho mọi người và cho chính mình (như viết bài chia sẻ này chẳng hạn). Một người sẽ không ăn quá nhiều thức ăn nhanh cho dù nó có hấp dẫn đến đâu, vì họ có nguyên tắc sống là gìn giữ sức khỏe của mình và họ sẽ không ăn nó chỉ vì họ cảm thấy muốn ăn. Một người bản lĩnh sẽ có nguyên tắc không để giá trị của bản thân phụ thuộc vào người khác. Tương tự thế, khoảng khắc bạn tạo ra giá trị cho riêng mình thông qua những nguyên tắc sống cũng chính là lúc bạn có được hạnh phúc đấy, vì nó mang tính bền vững và lâu dài.

 

Giá trị/ Nguyên tắc sống sẽ giúp hành động của chúng ta hạn chế phụ thuốc vào cảm xúc. 

(Nguồn: Ảnh cắt từ clip What matters most in Life? - PragerU)

 

NGƯNG SO SÁNH BẢN THÂN VỚI NGƯỜI KHÁC...

Mình từng viết một bài về lý do vì sao chúng ta lại rất hay so sánh mình với những người xung quanh và vì sao không nên làm như vậy. Các bạn có thể đọc thêm bằng cách bấm VÀO ĐÂY. Ở bài viết này thì mình sẽ nói về một lí do chính yếu khác. Nhìn chung vào thời gian này, chúng ta sẽ gặp gỡ rất nhiều người và vô tình họ lại sở hữu rất nhiều thứ mà bạn không có hoặc không vượt trội bằng, chẳng hạn như là ngoại hình, kiến thức, năng lực, công việc, quan hệ, vân vân... Thời điểm bạn bắt đầu ước mình là họ, ước mình có được những điểm nổi bật của họ cũng là lúc bạn đang chơi một trò chơi mà danh hài Tom Shillue gọi là Mix&Match (tạm dịch: hòa trộn và so khớp) một cách không thực tế. Chúng ta bắt đầu lấy ưu điểm của những người khác - thứ mà chúng ta không có - và gắn chúng lại với nhau để hình dung ra một “con người hoàn hảo” mà chúng ta mong muốn trở thành. “Trời ơi, tôi ước mình có ngoại hình ưa nhìn của anh ta!”, “Phải chi tôi cũng có thể nói chuyện hài hước như cô ấy thì tuyệt quá!”. Và bạn biết đấy, người mà sở hữu mọi ưu điểm bạn mong muốn trong thực tế lại không tồn tại. Chúng ta không biết được rằng anh chàng điển trai chúng ta hay gặp lại phải trăn trở với chứng nghiện rượu của mình. Cô nàng chúng ta luôn thấy tươi cười thì lại đang cố gắng vượt qua chứng trầm cảm của bản thân vì cha mẹ li hôn. Vậy bạn có muốn được như họ không? Tất nhiên là không, bạn chỉ muốn có được những ưu điểm của họ chứ không phải cả những rắc rối của họ và điều đó là không công bằng. Thành thật mà nói thì bạn không muốn có cuộc sống của một ai khác, bạn chỉ cần cuộc sống của chính mình - mà nó có thể tốt hơn thôi. Làm sao chúng ta có thể hài lòng và mãn nguyện với thực tại nếu như lúc nào chúng ta cũng ao ước có được cuộc sống của người khác?

 

Hãy viết nên câu chuyện cuộc đời đẹp nhất của riêng bạn (chứ không phải của người khác) nào.

(Nguồn: Ảnh cắt từ clip Don't Compare Yourself to Others - PragerU)

 

... VÀ THEO ĐUỔI SỰ XUẤT SẮC CỦA CHÍNH MÌNH

Vậy bạn nên làm gì để hoàn thiện cuộc sống của mình trở nên tốt hơn? Có một cụm từ tiếng Anh mà mình rất thích đó chính là Pursuing Excellent (Tạm dịch: Theo đuổi sự xuất sắc). Hãy suy ngẫm lại xem thế mạnh của bạn là gì, bạn có khả năng làm tốt những việc gì và bạn có cảm thấy thích thú khi làm việc đó không? Khi xác định được rồi, bạn hãy làm nó bằng tất cả khả năng của mình và làm nó một cách xuất sắc nhất có thể. Nếu bạn có khả năng về giao tiếp, hãy biến nó trở nên “chuyên nghiệp”. Thay vì dành thời gian để cải thiện những điểm yếu của bản thân, bạn hãy phát huy những điểm mạnh của mình tối đa nhất có thể. Vì sau cùng, nó sẽ là một giá trị riêng của chính bạn và khẳng định năng lực lẫn con người của bạn, là thứ bạn có thể lấy làm tự hào về mình. Sự hài lòng và mãn nguyện bắt đầu khi chúng ta cảm thấy bản thân có giá trị nhất định của riêng mình và sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Theo đuổi sự xuất sắc ở mọi thứ chúng ta làm sẽ hoàn thiện từ năng lực đến nhân cách của chính con người chúng ta.

 

CUỐI CÙNG, HÃY CÓ CHO MÌNH THÓI QUEN BIẾT ƠN

Ngay cả bản thân mình cũng cảm thấy khá xa lạ với khái niệm này nên nếu bạn cũng vậy thì cũng bình thường nhé. Nhìn chung, chúng ta rất dễ vướng vào hai thái độ tiêu cực: Coi thường (taking for granted) và Thương hại bản thân (self-pity). Và tất nhiên, không một ai có thể hạnh phúc nếu họ luôn nhìn bản thân mình là nạn nhân của cuộc sống và luôn cảm thấy bị thiệt thòi. Thế việc này có liên quan như thế nào đến biết ơn? Để mình giải thích cho. Não bộ của chúng ta không thể vừa cảm thấy thương hại bản thân và vừa biết ơn cùng một lúc được, vì thế nếu được chọn hoặc biết ơn hoặc thương hại bản thân thì bạn biết đáp án rồi đấy. Mặt khác, chính việc chúng ta có thói quen biết ơn sẽ hạn chế sự dửng dưng, mặc định là hiển nhiên đối với những thứ chúng ta có. Bạn biết không, quý trọng những gì chúng ta đang nắm giữ chính là hài lòng với hiện tại - là hạnh phúc đấy! Chúng ta thường chỉ bắt đầu biết trân trọng một thứ gì đó khi mà chúng ta đánh mất nó thôi.

Thời điểm mình thực hiện bài viết này cũng là lúc mình gặp phải một tai nạn giao thông và mình đã rất may mắn vì chỉ bị thương tích ngoài da. Sau đó, mình đã nhận ra chỉ cần mình còn khỏe mạnh, còn tư duy và hành động được thì đã là tốt lắm rồi, những thứ mà mình cho là "quan trọng" khác có thể có hoặc không. Sức khỏe là thứ thường được chúng ta đánh đổi với công việc và thú vui vì chúng ta ít khi trân trọng nó. Nhưng tưởng tượng nhanh nhé: bạn sẽ có mọi thứ mà bạn ao ước từ bấy lâu nay, đổi lại bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi đến độ chỉ có thể nằm trên giường mà không làm được gì khác. Bạn sẽ không thiếu thốn bất kì một thứ gì cả. Nhưng mình tin là chẳng ai trong chúng ta lại muốn được như thế, đúng không nào? Biết ơn không có nghĩa là thỏa mãn với thực tại, mà nó là thái độ trân trọng những gì tốt đẹp cuộc sống ban cho chúng ta.

 

Và mang trong mình lòng biết ơn sẽ thay đổi cách bạn nhìn thế giới xung quanh chúng ta.

(Nguồn: Symphony of Love - David Wagner)

 

LỜI KẾT

Cho đến bây giờ, tác giả tin rằng tuổi trẻ là thời gian đẹp nhất của đời người, trong đó có thời sinh viên - thời đi học. Khi mà mọi thứ đối với chúng ta đều mới mẻ và chúng ta vẫn còn sự nhiệt tình, hào hứng để khám phá, học hỏi và hoàn thiện con người của mình. Sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta bỏ lỡ những điều hạnh phúc trong khoảng thời gian này. Vậy nên các bạn trẻ ơi, hãy quăng mình vào những trải nghiệm, hãy cảm nhận mọi thứ bằng cả trái tim và cố gắng có thật nhiều khoảng khắc đáng nhớ trong thời gian này nhé! Ngày mai có thể sẽ là ngày tuyệt vời nhất của cuộc đời bạn đấy.

Tái bút: Trên đây là quan điểm của mình về hạnh phúc. Còn các bạn, quan điểm của các bạn về hạnh phúc là như thế nào và giới trẻ nên làm gì để hạnh phúc? Hãy chia sẻ cho mình và mọi người biết với nhé ^^!

 

Tác Giả: Huỳnh Phát, Sinh viên @ Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Phat.Huynh.97 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,427 lượt xem