Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Biết Lắng Nghe Trong Sự Tĩnh Lặng - Bạn Có Phải Người Như Vậy?

Nhà thơ Nga vĩ đại V. Maiakovxki có viết một bài thơ có thể tóm tắt như thế này: Ngựa gặp lạc đà, nhìn thấy cái u trên lưng nó, đã không nhịn được cười và nói ngay: “Mày đúng là con ngựa quái thai vì mày có cái u ở trên lưng”. Lạc đà lập tức quặc lại: “Mày là con lạc đà quái thai vì mày không có cái u trên lưng”. Rồi hai con vật cứ thế cãi nhau không phân thắng bại. 

Trong bất cứ một cuộc tranh luận hay những cuộc cãi vã, đỉnh điểm được đẩy lên cao trào là khi không một ai lắng nghe ai, mà cứ giằng co cấu xé, thậm chí cố đay nghiến nhau bằng những lý lẽ, quan điểm riêng đến tận phút cuối cùng. Có thể bạn đã từng như vậy hoặc chứng kiến những chuyện xảy ra như cơm bữa, hay đơn cử như lần gần đây nhất bạn nói chuyện cùng với ai? Trong cuộc hội thoại ấy bạn là người nói hay người lắng nghe, hay cả hai cùng nói mà không ai lắng nghe ai cả. Mọi chuyện sẽ không được giải quyết nếu hai bên cứ cố chấp tranh cãi cho đến khi một bên dừng lại, hạ thấp cái tôi xuống và lắng nghe đối phương chia sẻ.

Hoặc nếu một ngày nào đó bạn bỗng mệt mỏi vì một chuyện vô cớ rối rắm nào đó muốn chút bỏ hết ra ngoài, vu vơ vài ba câu thơ hay ho mới sáng tác chiều nay cho một người cùng sở thích, hay đơn giản chỉ là muốn chia sẻ với ai đó về cái áo mà bạn mua hôm nay là ngày cuối cùng được hạ giá… hết sức đơn giản vậy thôi những cũng đủ để làm bạn vui vẻ, cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Âm thanh của sự im lặng 

               

Nếu bạn đã đọc “Âm thanh của sự im lặng” (The sound of silence) - câu truyện kể về Yoshio, một cậu bé đã khám phá ra sự im lặng giữa lòng thành phố Tokyo ồn ã, và tự dạy mình để cảm thụ được vẻ đẹp tinh tế này - thì chắc hẳn bạn sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác về sự lắng nghe, một cách hoàn toàn mới mẻ.

Cậu bé tình cờ phát hiện một thứ âm thanh phát ra từ tiếng đàn koto, rồi hỏi người vừa chơi đàn rằng bà có thứ âm thanh yêu thích nhất của mình không và bà bật cười trả lời rằng: “Âm thanh đẹp nhất, là âm thanh của ma – sự im lặng.” Thế là cậu bé tò mò đi tìm sự tĩnh lặng giữa thành phố Tokyo ồn ào nhộn nhịp ấy. Sau những cuộc tìm kiếm khắp mọi nơi không thu  được kết quả gì, mặc dù cậu đã cố gắng kiếm tìm hết sức có thể, kể cả trong màn đêm tĩnh lặng ngoài kia, nơi cậu đang nằm ngủ, vẫn nghe thấy tiếng radio xa xa vọng lại. Sau đó vài hôm, như một phép màu cậu bỗng tìm được “nó”- thứ âm thanh tĩnh lặng ấy xuất hiện trong lúc cậu chăm chú đọc sách trên lớp. Khi mọi tiếng ồn ào xung quanh lớp học bỗng biến mất, không có tiếng kêu re re của radio, không có tiếng kêu cót két của rặng tre già, cũng chẳng nghe thấy tiếng chỉnh dây đàn koto nữa.

 Thứ âm thanh im lặng ấy thực sự tồn tại trong mỗi người – khi bạn tập trung nội tại vào một điều duy nhất, bạn cảm nhận được nó, như một “dòng chảy” trong tâm trí chính mình. Bạn lắng nghe thấy nhịp tim mình đang đập lên từng nhịp, những tế bào sản sinh ra từng hồi, tiếng các mạch máu chảy đều đều được đưa đi khắp mọi nơi trên cơ thể. Đó là lúc bạn không còn phải đối mặt với sự tán loạn và cô đơn khi trôi theo những âm thanh ồn ã của cuộc sống bên ngoài.

               

Sự học và lắng nghe

Ernest - Nhà văn đạt giải Nobel Mỹ  có câu: I like to listen. I have learned a great deal from listening carefully. Most people never listen.(Tôi thích lắng nghe. Tôi đã học được nhiều qua lắng nghe kỹ lưỡng. Hầu hết người ta chẳng bao giờ lắng nghe).Nếu thầy cô hay bất cứ ai cho rằng đến lớp hay chăm chỉ xung phong phát biểu xây dựng bài mới học tốt, thì cho dù bạn không làm được như vậy cũng không đồng nghĩa với việc bạn học kém, trong một bối cảnh giáo dục hầu hết sai khoa học như vậy. Mỗi học sinh có một cách học khác nhau, việc hấp thụ kiến thức trong mỗi người là khác nhau. Hơn nữa, trí thông minh được các nhà khoa học chia ra làm 8 loại, mỗi người sở hữu những nhiều loại hình thông minh khác nhau và mức độ thông hiểu cũng hoàn toàn khác nhau. Có người học trực quan từ âm thanh, người từ hình ảnh qua các màu sắc sặc sỡ sinh động, có người bằng ngôn ngữ cơ thể, nghĩa là học khi chính mình được tham gia thì sẽ nhớ lâu hơn, cách này được hầu hết thầy cô áp dụng, như hãy làm bài thật nhiều, học thật nhiều, sai nhiều thì càng nhớ nhiều…

Nhưng hãy thử ngẫm lại, nhu cầu học tập của chúng ta có được đáp ứng hết bởi ngần ấy kiến thức từ các thầy cô không? Hay còn thiếu hụt từ khả năng học tập của mỗi người nữa? Khi bạn bắt đầu học một điều gì đó, từ bất kỳ ai đi chăng nữa, kể cả thầy cô hay bè bạn, đều bắt đầu từ sự lắng nghe.

Lắng nghe từ âm thanh cuộc sống. Tạm thời bạn hãy bỏ chiếc tai nghe cắm từ smart phone ra, chậm rãi uống một ngụm nước rồi thưởng thức những thứ âm thanh chân thực trần trũi ấy. Tiếng gió rì rào lướt nhẹ qua kẽ lá, thì thầm nhắn nhủ gì đó với mây. Tiếng chổi xoèn xoẹt của cô lao công lặng lẽ quét lá dưới màn đêm đen tĩnh mịch, xào xạc lá khô được gom đầy để chất lên xe rác. Tiếng con chim chích choè khẽ đậu lên những vòng dây điện chằng chịt rối rắm ngoài kia mà ra sức cất những tiếng hót lanh lảnh thanh vút dưới màn sương của những ngày thu sớm. Tất cả thứ âm thanh ấy như một liệu pháp kéo bạn cảm nhận thực tại, rằng bạn cũng là một phần của cuộc sống ngoài kia, cũng đầy tinh tế và đáng yêu như vậy.

Lắng nghe ở giữa bốn bề xung quanh bộn bề bận rộn. Bạn chọn cho mình một quyển sách, lắng nghe từng lời đối thoại của nhân vật, và tưởng tượng, như lạc sang một thế giới khác, một vùng đất mới với những con người mới. Hãy thử đi và mặc dòng đời bề bộn xoay vòng lộn xộn vốn không có điểm dừng ấy, bạn sẽ có rất nhiều điều đáng để học hỏi từ chính những trải nghiệm của riêng bản thân bạn.

Lắng nghe, từ những điều đơn sơ dung dị nhất.


Lắng nghe để thấu hiểu chính mình và người khác

Theo nhà tâm lý học Ba Lan Krytyna Skarzyska: “Chất lượng cuộc sống của chúng ta phụ thuộc khá lớn vào việc xung quanh chúng ta có nhiều người thấu hiểu chúng ta hay không”. Có một người bạn hỏi tôi rằng vì sao mọi người lại hay tâm sự, giãi bày với tôi nhiều tâm sự đến như vậy, và ngay cả người bạn ấy, cũng rất hay chia sẻ mọi chuyện với tôi. Đôi lúc nghe nhiều chuyện của nhiều người quá cũng làm tôi thấy mệt mỏi và căng thẳng. Đúng thế, không stress làm sao được khi mà hằng ngày phải nghe, thậm chí tưởng tưởng rất thật những chuyện bức xúc của người khác, lan truyền những cảm xúc tiêu cực đến mình?

Nhưng sau một thời gian lắng nghe kỹ lưỡng, tôi hiểu được những cảm giác họ đang trải qua như thế nào, họ khó chịu ra sao, làm tôi bất giác nhớ lại mình cũng đã từng bị như thế, mình cũng đã có những khó khăn như thế. Ngược lại, khi gặp những chuyện không may xảy ra, tôi lại đối chiếu lại với những khó khăn của người khác và nhận ra một  điều, giống như mình đã từng cảm thấy như vậy, từ đó tôi có cách giải quyết vấn đề nhanh hơn và dễ dàng chấp nhận mọi việc một cách nhẹ nhàng và đơn giản hơn nhất nhiều. Hay nói cách khác là khi có quá nhiều điều tương tự xảy ra, bạn sẽ có cách để đơn giản hoá chúng và giải quyết chúng như giải một bài toán khó lớp 1, còn nếu lúc ấy mà tôi không giải được bài toán ấy, tôi đảm bảo sẽ buộc mình phải học lại toán lớp 1. Cũng tương tự, những người như tôi, càng có khả năng lắng nghe người khác họ càng có cơ sở để thấu hiểu mình một cách khách quan hơn, đa số những người như họ có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình, cũng vì thế mà họ thành công hơn những người khác trong cùng một lĩnh vực. Đương nhiên cuộc sống của họ cũng hạnh phúc hơn người khác rất nhiều.

Trong thời đại số, có quá nhiều thông tin cần chắt lọc và có quá nhiều điều cần chia sẻ. Sự lắng nghe là một kỹ năng thiết yếu để gắn kết những mảng lục địa cô đơn đang trôi dạt ở đâu đó, cũng có thể dùng để xuyên thấu những góc khuất trong tâm hồn mà bấy lâu nay chúng ta còn  quên lãng

Tác Giả: Nông Thị Yến Nhi-ĐHKHXH&NV

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/my.ruly.5

 --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

705 lượt xem