Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Những Thanh Âm Câm Lặng Của Tuổi Trẻ

Tôi mười tám tuổi, vẫn chưa trưởng thành, như một đứa trẻ mắc kẹt trong thế giới của những người lớn.

Tôi phải bắt đầu sống tự lập mà chỉ biết loay hoay như trẻ con đang chơi trò học làm người lớn...

Tôi muốn khẳng định bản thân nhưng còn chẳng biết mình thực sự có giá trị gì. Tôi muốn cất tiếng nói của mình để chạm vào thế giới rộng lớn ngoài kia, nhưng rốt cuộc thều thào không thành lời.

Tôi ngỡ mình như một thanh âm trong bản nhạc tuyệt diệu của cuộc sống, chỉ có điều tôi là một thanh âm câm lặng, chẳng ai biết, chẳng ai hay...

 

 

1. Những tháng ngày cắm cúi vừa muốn khẳng định mình vừa chối bỏ chính mình.

Tôi mười tám tuổi, muốn mình được biết đến, được chú ý, muốn tỏ ra tự tin và hơn hết là có cá tính. Tôi không biết cá tính là như thế nào, chỉ lờ mờ tưởng rằng cô gái không bao giờ nói chuyện với người khác, luôn tỏ ra bất cần mà tôi gặp ở trường là cá tính, cô gái kiêu ngạo luôn mặc những món đồ hàng hiệu là cá tính, chàng trai trốn học ngày ngày đến quán trà đàn hát là cá tính.

Tôi lầm tưởng chỉ cần khác biệt là cá tính, là dấu hiệu rõ nét nhất của kẻ có giá trị.

Và vì vậy, tôi vừa chối bỏ chính mình, một đứa mà tôi nghĩ là nhạt nhẽo, chỉ có những sở thích tầm thường, vừa cố uốn nắn mình theo hình mẫu tôi coi là cá tính. Tôi cố từ bỏ sở thích của bản thân, giả vờ thích những gì có vẻ độc đáo, khác lạ, cố tỏ ra khác biệt, tự tin, không kết bạn với những người mà tôi cho rằng không có cá tính...

Tôi cố tỏ ra thân thiện nhưng cũng tự tách mình ra với mọi người, tôi cố tỏ ra năng động nhưng lại mệt mỏi chán nản, tôi cố tỏ ra mình đang sống rất tốt nhưng thực chất lại hoang mang vô cùng....

Tôi không quan tâm tới mọi người xung quanh, tôi tự phụ không chịu học hỏi, tôi chỉ nghĩ tới việc làm sao để nổi bật, để không nhạt nhòa.

Đôi lúc tôi hoảng sợ tự hỏi thực ra mình là ai, mình đang là ai, nhưng lại tự trấn an bản thân bằng những lời nói dối hoa mỹ về vỏ bọc đẹp đẽ mà tôi có.

Và khi đó tôi tin mình có thể cất lên một thanh âm nào đó trong bản nhạc cuộc sống, không còn câm lặng, nhưng...

Những tháng ngày dù không dễ dàng giúp tôi chấp nhận bản thân.

Tôi cứ sống trong vỏ bọc đó, dù không dễ dàng nhưng chí ít cũng tốt hơn là đối diện với mình.

Tôi nghĩ như vậy, cho tới một ngày...

Đó là một buổi họp lớp cấp hai, tôi cùng các bạn tới thăm cô giáo chủ nhiệm. Cô hỏi han từng đứa về chuyện học hành, về cuộc sống hiện tại...

Vô tình, có ai đó nhắc tới một cô bạn cũ vắng mặt không đến. Cô bảo: giờ bạn ấy bị bạn bè xa lánh ghét bỏ, lúc nào cũng lủi thủi một mình. Cô buồn và lo lắng nhưng không thể giúp gì cho bạn ấy. Tôi thầm nghĩ: phải, nó chẳng thay đổi gì cả, vẫn ích kỉ, xấu tính như vậy. Song cô khóc. Cô bảo cô thương bạn, bạn bị mắc bệnh trầm cảm, bạn bè lại không ai hay biết nên cứ bỏ mặc bạn, thậm chí còn vô tình làm bạn tổn thương. Cô bạn ấy bị trầm cảm từ lúc học cấp hai. Tôi sững người. Tuy không thân nhưng tôi lúc nào cũng cho rằng mình hiểu cô bạn học cùng bốn năm cấp hai ấy. Tôi chỉ thấy những bức ảnh, những dòng chia sẻ vô thưởng vô phạt của cô bạn trên mạng xã hội. Tôi mặc định mọi thứ đã, và vẫn ổn. Tôi quên rằng không phải điều gì tôi thấy trên mạng cũng là tất cả.

Khoảnh khắc ấy tôi tự hỏi mình đã vô cảm như vậy tự bao giờ. Tôi tự hỏi mình muốn được chú ý, được biết đến nhưng lại chưa bao giờ quan tâm tới những người xung quanh, chưa thực lòng yêu thương người khác thì liệu có ai thực lòng với mình?

Tôi không trách sự hối hả của guồng quay cuộc sống, tôi không đổ lỗi cho sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội, bởi tôi biết tất cả là do mình, do sự lạnh lùng hời hợt của mình.

Lớp vỏ bọc bấy lâu tôi dày công tạo dựng bỗng vỡ vụn, một cái tôi yếu đuối trần trụi đối mặt với cuộc đời. Tôi nhận ra điều thực sự quan trọng với mình không phải là một lớp vỏ bọc được uốn vào cái khuôn cá tính, càng không phải là kiêu ngạo tự phụ, cũng chẳng phải khác biệt mới lạ. Vốn dĩ gây ấn tượng, được chú ý có ý nghĩa gì nếu con người được biết đến ấy không phải là mình, mà chỉ là một vỏ bọc, chắc chắn một lúc nào đó cũng bị người khác phát hiện. Nhưng đáng sợ hơn nữa là đến một ngày chẳng thể thoát khỏi vỏ bọc đó.

2. Thanh âm câm lặng của tuổi trẻ hóa ra là khoảng lặng diệu kì cần thiết để làm nên những âm vang rực rỡ.

Trở thành một cây violin “thứ hai”

Tôi đã đọc đâu đó rằng nhạc cụ khó chơi nhất là những cây violin “thứ hai”. Trong một dàn nhạc, khi những nhạc cụ khác đều có những khu vực riêng, những đoạn riêng của mình thì những chiếc vĩ cầm chia làm hai nhóm: nhóm violin “thứ nhất” và nhóm violin “thứ hai”. Nhóm violin “thứ nhất” là ngôi sao của buổi hòa nhạc, họ chơi giai điệu của riêng mình, họ ngồi gần khán giả. Còn ở phía sau, nơi khán giả khó nhìn thấy, là nhóm violin “thứ hai”, họ đóng vai trò phụ. Công việc của họ là làm “tròn” âm thanh cho những nhạc cụ khác. Những cây vĩ cầm ấy phát ra âm thanh mà dường như không, nhưng nếu thiếu nhóm violin “thứ hai” ấy, buổi hòa nhạc khó có thể hoàn hảo.

Tôi từng ghét bỏ mà thực chất là lo sợ phải đóng vai trò phụ như nhóm violin thứ hai. Tôi không muốn như vậy.

Song, khi tôi tham gia cuộc thi Triết học tuổi trẻ tháng 11, tôi nhận được nhiều tin nhắn từ những người xa lạ. Có người nhắn tin để cảm ơn vì những gì tôi viết, dù chỉ một chút nhưng cũng giúp họ suy nghĩ tích cực hơn, có người nhắn tin để bàn luận thêm vấn đề tôi nhắc tới trong bài.... Và có những người nhắn tin để kể câu chuyện của mình, những câu chuyện buồn. Họ bảo họ chia sẻ với tôi những điều ấy vì khi đọc bài tôi viết họ đồng điệu, họ đơn giản chỉ kể, không cần lời khuyên, không cần an ủi, họ đơn giản chỉ muốn có người lắng nghe. Thiết nghĩ nếu ai đó tin tưởng kể câu chuyện riêng tư của họ cho một người xa lạ như tôi, chắc hẳn họ đã rất cô đơn. Và tôi không muốn ai phải cô đơn chỉ vì không có ai lắng nghe mình. Không ai phải cô đơn, không ai cả.

Khi đó, tôi chợt nhận ra trở thành một cây violin “thứ hai” không buồn tẻ như tôi tưởng.

Hóa ra những âm vang rực rỡ của tuổi trẻ bắt đầu từ những thanh âm câm lặng.

 Mười tám tuổi chênh chao trước nhiều quyết định, ngờ vực những giá trị sẵn có, và tự đáy lòng tồn tại một khát vọng mãnh liệt, khát vọng khẳng định mình. Tôi đã sống những giây phút tuổi mười tám như vậy.

 

Tôi nghĩ rằng mình chưa đủ trải nghiệm, va vấp chưa nhiều để nhìn nhận thấu đáo cuộc đời này, nhưng với những điều đã trải qua, tôi thấm thía để khẳng định giá trị của bản thân mình cần trân trọng giá trị người khác, trước khi cất lên tiếng nói của mình hãy lắng nghe người khác nói.

Tác giả David Thoreau từng tâm niệm: “Lời khen tuyệt vời nhất mà tôi từng được nhận là khi ai đó hỏi tôi nghĩ gì và thực sự chú ý lắng nghe tôi trả lời.”

Khi lắng nghe những người yêu thương tôi nhận ra tôi được yêu thương vì là chính tôi, chứ không phải là một ai khác. Lắng nghe những người xung quanh tôi nhận ra vẻ đẹp đáng quý ở họ mà mình cần học hỏi. Lắng nghe những người xa lạ, đôi khi để rộng lòng cảm thông, rộng lòng chấp nhận những khác biệt, rộng lòng đón nhận những buồn vui trong đời.

 Có lẽ, đúng như vậy, điều con người thực sự cần là lắng nghe thật tốt. Lắng nghe không chỉ là cách quan trọng mà chúng ta dành thời gian cho người khác, lắng nghe còn để biết mình vơi, biết khiêm tốn học hỏi, lắng nghe người khác để nhìn nhận lại chính mình, hiểu mình hơn. Bởi thế, tôi cố gắng lắng nghe nhiều hơn mỗi ngày, lắng nghe những người xung quanh, lắng nghe những câu chuyện của những người đôi khi chỉ tình cờ gặp.

Cách lắng nghe, mà tôi cho rằng tốt nhất, không phải nằm ở cách chúng ta lắng nghe như thế nào mà là lắng nghe để làm gì. Chỉ khi mong muốn thấu hiểu một ai đó, ta mới thực sự lắng nghe họ.

Đúng như Paulo Coelho viết trong cuốn “Nhà giả kim”: “Bất kể giàu hay nghèo, sang hay hèn, ai cũng đều có một vai trò chính trong lịch sử thế giới. Có điều phần nhiều ta không biết đó thôi.” Lắng nghe đôi khi cũng là một sự khẳng định giá trị của mình rồi, khiêm tốn, trung thực, chân thành cũng chính là những cá tính đáng quý.

Mong rằng tôi, bạn, chúng ta luôn sẵn lòng lắng nghe nhau. Lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để biết mình vơi mà có thêm động lực phấn đấu, lắng nghe để nhận ra giá trị thực sự của bản thân.

Tôi mười tám tuổi, vẫn chưa trưởng thành, như một đứa trẻ mắc kẹt trong thế giới của những người lớn.

Tôi muốn biết mình là ai trong thế giới rộng lớn này?

 

Có những ngày tôi lạc lối trong những quanh quẩn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Và khi lắng nghe thế giới tôi nhận ra: “Cuộc sống không phải là một quá trình tìm hiểu mà là một quá trình sáng tạo. Bạn không phải tìm hiểu mình mà là sáng tạo mình. Cho nên đừng vội tìm hiểu mình là ai mà hãy quyết định bạn muốn trở thành người như thế nào.” (William Ward)

Tác Giả: Thu Thảo 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/boconganh.vagio.58

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN?

Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,127 lượt xem, 1,121 người xem - 1136 điểm