Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Bạn Có Nhận Ra Sự Lãnh Cảm Đang Dần Chiếm Lấy Chúng Ta Hàng Ngày

Đây có lẽ không phải là vấn đề của bạn, cũng có thể chẳng phải là của tôi, không là của riêng ai hết mà có khi lại đúng với rất nhiều người, thậm chí là tất cả mọi người. Rằng có thể bạn không thờ ơ với tất cả mọi người nhưng hãy thử ngẫm lại xem, gần đây, ai là người mà bạn “quan tâm” nhất?

Tôi hiện là sinh viên khoa tâm lý, và tất cả những gì tôi học được đã hỗ trợ tôi không ít trong việc giải quyết vấn đề cá nhân cũng như  đối với khó khăn của nhiều người khác. Tuy những điều tôi học được và những khó khăn tôi gặp phải có phần hạn chế nhưng cũng đủ làm tôi nhận thức được một điều: Sự lãnh cảm và thờ ơ đang dần chiếm lấy chúng ta hàng ngày.

Những gương mặt vô cảm trước những khó khăn của người khác, những thái độ dửng dưng khi có sự kêu goi giúp đỡ những hoàn cảnh, số phận éo le, sự đối lập quan tâm của những đứa con giữa thần tượng và bố mẹ của chúng, những câu chuyện soi mói về một người dài dằng dặc trong khi chẳng ai mở miệng hỏi han quan tâm với người thân lấy một lời… dường như là những hình ảnh phổ biến nhất  mà cũng làm tôi đau đớn và day dứt nhất. Vì tôi hầu như là nằm trong số những người như thế, tôi đã nghĩ có lẽ việc của mình nên tự lo trước đi thì hơn. Cho đến khi tôi chính là nạn nhân của sự thờ ơ đến đau lòng. Tôi bị ốm nặng, mệt đến nỗi phải nằm gục ra lớp mà không nhận được sự quan tâm hay sự giúp đỡ giữa một lớp học gần 200 con người, một câu hỏi han cũng không. Vốn dĩ tôi có thể tự mình đi xuống phòng y tế hay tự mua thuốc để uống nhưng cái cảm giác trong người không được khoẻ lại lủi thủi làm những việc ấy một mình không khỏi làm tôi thấy chạnh lòng và buồn bã đến cùng cực. Như có người viết “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực, mà là sự im lặng của những người tốt”. Dẫu vậy tôi cũng không trách ai cả, vì mỗi người có những mối bận tâm riêng của họ, họ có thể than thở trên facebook hàng giờ mà không biết mệt, họ có thể bận công việc này chạy chương trình kia, sẵn sàng giẫm lên quyển vở do ai vô tình đánh rơi mất để kịp giờ làm, họ có nhiều sư quan tâm và luôn vội vã như vậy. Và “vô tình” không -quan-tâm tới bất kỳ ai cả.

Chúng ta luôn được dạy rằng phải giúp đỡ người khác, trao đi cũng là cách nhận lại, “lá lành đùm lá rách”… vậy mà cuối cùng điều chúng ta rút ra được là, đến bản thân mình còn chưa lo xong huống hồ lo cho người khác. Rồi đến chủ nghĩa ái kỷ càng làm chúng ta tin tưởng hơn vào việc hãy yêu bản thân mình trước rồi mới có thể yêu được người khác. Nhưng các bạn ạ, thực tế các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, điều làm chúng ta cảm nhận được sự yêu thương chân thành nhất chính là nhận được  sự yêu thương từ người khác. Thử hỏi việc tự yêu bản thân mình bao nhiêu là đủ? Cần kiếm bao nhiêu tiền đủ để mua sắm, đủ để làm đẹp? Cần đi du lịch bao nhiêu nơi đủ để cảm nhận được cái đẹp của thiên nhiên? Mà không bỏ ra được vài lời hỏi thăm, vài phút để lắng nghe, một chút công sức để góp một phần dù chỉ là nhỏ nhoi để giúp đỡ người khác?

Sự thờ ơ lãnh cảm chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều vụ tự tử xảy ra chủ yếu ở những thành phố lớn, đáng ngại hơn hầu hết là ở độ tuổi vị thành niên. Một vài ngày trước, thật đau lòng khi nghe tin một vài fan cuồng đã tự tử, điều đó phản ánh phần nào về sự yếu đuối của con người khi đưa ra những lựa chọn thiếu đúng đắn nhất. Lại nói về việc gửi gắm tình cảm, thậm chí cả tính mạng của mình cho những người xa lạ mà quên đi tình thương yêu từ những người bạn, người thân thực sự quan tâm đến chúng ta. Những hành động mà chúng ta cho là thiếu suy nghĩ đó thực ra đối với những người đang rơi vào tình trạng trầm cảm cấp tính ấy  là vì họ cảm thấy hoàn toàn bình thường. Thật khó để chấp nhận sự thất vọng đến cùng cực như việc chia tay người yêu hay sự ra đi của một ai có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đối với mình. Khi một ai đó đang đau khổ, thì họ khó mà có thể nghĩ được về nỗi đau của người khác. Và rồi ai cũng giữ những nỗi đau riêng của mình. Dẫn đến việc không có ai để chia sẻ, và kết cục của nó là trầm cảm.

Vậy làm sao để chúng ta quan tâm nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn? Bạn còn nhớ đề bài nghị luận xã hội môn văn, kì thi THPTQG 2017 vừa rồi chứ? Tôi không bất ngờ lắm khi đọc được đề bài ấy. Cũng không dưng mà lại có đề bài về sự thấu cảm và lòng trắc ẩn, một chủ đề hoàn toàn mới, hoàn toàn cần được đưa vào giáo dục  mà cũng rất liên quan tới tâm lý học. Có phải là những điều ấy đang cấp thiết cần được kích hoạt lại vào hành vi ứng xử của mỗi người? Lòng trắc ẩn trong một số trường hợp được gọi là “tính người”. Như việc quan tâm thực sự chân thành với ai đó hay từ một việc giúp đỡ người khác dù là việc nhỏ nhất, một việc làm đủ để cảm nhận được bằng tình người. Ví dụ tên ăn trộm bỗng thấy không nên ăn trộm người đàn bà đang bế đứa bé kia vì hắn cũng có đứa con tầm ấy tuổi và hắn nghĩ nếu mình làm vậy đứa bé có thể sẽ bị đói. Lòng trắc ẩn sẽ được bộc lộ khi có sự giúp đỡ, bất kể là việc gì. Còn thấu cảm thì sao? Thấu cảm là mặc dù không trải qua tình huống ấy nhưng có sự đồng điệu về mặt cảm xúc. Khi có sự đồng điệu như vậy, việc cảm thông và sẻ chia sẽ phần nào làm nguôi ngoai đi được nỗi đau của người khác, đối phương có thể sẽ bớt cảm thấy cô đơn, bớt cảm thấy mình lạc lõng giữa một thế giới hỗn độn và đầy biến động này. Tôi cũng đã tìm hiểu và sử dụng sự thấu cảm một thời gian,  điều này đã giúp tôi dung hoà được một số cảm xúc sợ hãi và cô đơn hơn bao giờ hết, nó đưa tôi tới đỉnh cao của sự lắng nghe người khác, giúp đỡ gỡ bỏ những điều tiêu cực trong họ dễ dàng hơn khi mà họ nhận được sự đồng cảm từ người khác. Sau đây là một đoạn trích tôi viết cách đây 5 tháng, khi mà tôi nhận ra mình đã có được một bài học lớn:

”Chỉ là khi bạn thấu cảm một ai đó, nỗi đau sẽ len lỏi khắp cơ thể và tâm trí, chui vào từng kẽ hở của tế bào, chen lấn, lấp đầy bạn. Các khoảng trống không còn rỗng toác như sự cô đơn hờ hững, mà hoà quyện cùng những day dứt, như thể chính bạn đang trải qua nó.

Khi bạn thấu cảm với một ai đó, là lúc bạn cố chống chọi sự đè nén ấy trong vô vọng, tiếng hét như vùng vẫy khỏi thế giới vang lên không có hồi đáp, rồi cuối cùng thì sao, bất lực chấp nhận hay cứ vùng vằng kéo dài cảm giác ấy cho đến khi nó chấm dứt.

Khi bạn thấu cảm với ai đó, là lúc bạn không là bạn nữa, là những trạng thái thực ảo xen lẫn, chồng chéo như những sợi chỉ rối, muốn gỡ cũng chẳng xong. Hiện tại không còn là hiện tại, mà hiện tại nó nằm ở quá khứ, hay đâu đó trong tương lai. Trạng thái ấy tuy tồn tại không lâu, nhưng cũng đủ để thấu, để cảm nhận đến đáy trái tim.”

Cuộc sống chính là một chuỗi sự lựa chọn, có thể là giữa việc sáng nay có nên nghỉ học hay không, trưa nay ăn cơm hay ăn bánh, quan tâm hay không quan tâm,… Việc bạn chọn lựa một công việc để làm hay đơn giản chỉ là kêu gọi sự giúp đỡ hoặc là giúp đỡ những người cần chúng ta thực sự - trong khả năng của chúng ta, thì hãy làm việc đó, từ ngay bây giờ. Hãy bắt đầu từ chính những người thân của mình, đừng để sự lãnh đạm quá lâu trở thành cơ chế phòng vệ  né mọi sự tổn thương như một sự trốn tránh của kẻ thua cuộc.         

                                                                        Tác giả: Nông Thị Yến Nhi – ĐH KHXH&NV

                        Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/my.ruly.5

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN?

Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,066 lượt xem, 4,056 người xem - 4065 điểm