Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] “Tư Duy Cảm Tính” - Khi Con Người Dần Cư Xử Giống Người Nguyên Thuỷ

Đã bao giờ bạn chọn học 1 trường đại học chỉ vì bạn thích hoặc hâm mộ một người đang hoặc đã học tại ngôi trường ấy? Đã bao giờ bạn ghét cay ghét đắng một người chỉ vì bạn thân bạn ghét người ấy, thậm chí là khi chưa tiếp xúc với người ấy lần nào? Có bao giờ bạn vào comment mắng một người xối xả chỉ vì người ấy bị nhiều người nói giống như vậy?

Từ bao giờ chúng ta đánh cược tương lai, phẩm chất của mình bằng hành động cảm tính, thậm chí là không có sự can thiệp nào từ suy luận phải trái đúng sai như vậy?

Trong đám đông, chỉ có sự ngu đần được hợp lại chứ không phải trí thông minh.

Trước tiên tôi xin chia sẻ câu chuyện mà tôi mới được đọc cách đây không lâu: “Vài năm trước có một vụ rớt máy bay ở châu Phi. Đó là chuyến bay nội địa, đi từ thủ đô của Cộng Hoà Congo, Kinshasa đến thành phố Bindundu. Máy bay lâm nạn trong lúc sắp hạ cánh. 20 người thiệt mạng gồm hành khách và 2 phi công. Chỉ có một người duy nhất sống sót, được đưa ngay tới bệnh viện. Không ai biết được vì sao máy bay rớt.Chiếc máy bay còn mới mà lại rất hiện đại: chiếc phản lực Let L-410 do Czech sản xuất, tầm nhìn và điều kiện thời tiết hoàn toàn thuận lợi. Cả hai phi công một là người Anh, Christ Wilson – một là người Bỉ, Danny Philemotte, cả hai đều được đào tạo bài bản và dày dạn kinh nghiệm. Xác máy bay được khám nghiệm và  không có gì sai sót kỹ thuật nào cả. Họ không tìm thấy một lý do nào mà máy bay có thể rơi được. Cho tới khi, họ hỏi người sống sót đang hồi phục trong bệnh viện. Anh này kể lại điều gì đã xảy ra và đó là điều không ai có thể ngờ tới. Anh này khai rằng có hành khách giấu một con cá sấu con trong túi rút. Đem lên như thế là phạm pháp, thế nên họ lén đem lên. Tất cả hành lý đều được chất ở phần đuôi máy bay, đằng sau ghế hành khách. Khi máy bay sắp đáp thì con cá sấu xổng ra. Tiếp viên hết hồn vội vã chạy lên báo cho phi công. Khách thấy tiếp viên chạy trốn khỏi con cá sấu thì bấn loạn hết cả lên. Thế là họ chạy theo sau cô tiếp viên. Tất cả sức nặng dồn hết lên phần đầu máy bay và thế là máy bay mất thăng bằng. Phi công nói mọi người hãy dồn lại ra sau. Nhưng máy bay chúi mũi xuống đất thì hành khách không thể leo ngược trở ra sau được. Máy bay cứ thế mà rơi, đâm đầu xuống đất. Và 20 người thiệt mạng. Nhưng con cá sấu non thì còn sống, vì nó ở đằng đuôi máy bay. Nó leo ra khỏi máy bay và luồn lách trốn vào những bụi rậm gần đấy. Một người dân địa phương trông thấy liền giết nó bằng một cái rựa. Anh không biết chúng thoát từ máy bay ra. Nếu không có người sống sót kể lại thì không ai có thể biết được nguyên nhân máy bay rơi cả. Bởi vì có mơ thì người ta cũng không thể ngờ rằng một con cá sấu có thể làm cả một chiếc máy bay rơi. Mà nó có làm đâu, thủ phạm chính là sự hoảng  loạn. Con cá sấu ấy còn bé tý, chẳng phải loại trưởng thành dài 6 mét ăn thịt người như chớp. Chỉ là một con cá sấu nhỏ xíu vừa trong túi rút. Cùng lắm thì nó cho bạn một vết cắn hơi sâu thôi. Và nếu không động chạm gì nó, thì nó cũng chẳng làm gì bạn cả.”

Trong cuốn Tâm lý học đám đông, có nhắc đến tính bốc đồng, dễ bị ám thị bởi đám đông, cũng như sự biến đổi về tư duy và tính cách cá nhân khi trở thành một phần của đám đông. Về đám đông tâm lý, hay một đám đông có tổ chức: Nó hình thành một thực thể thống nhất và bị thống trị bởi quy luật tinh thần của đám đông. Tâm lý bầy đàn thúc đẩy ta rất mạnh mẽ. Lấn át cả suy luận logic,  không nghi vấn, không bàn cãi, không lý do lý trấu gì cả. Dù có biết hậu quả ra sao thì ta vẫn cứ làm như thế. Thương  vong, chiến tranh, phạm pháp hay cả diệt chủng thì cũng vậy. Nỗi sợ của một cá nhân có thể khuấy động cả một quốc gia – khiến người ta nối đuôi nhau làm theo, vì phải khác biệt, sợ bị lẻ loi, sợ bị tẩy chay. Chính vì thế khi bạn thấy mình đang suy nghĩ theo cách thông thường thì đó là lúc hãy cố gắng bứt phá đi.

“Hãy tham lam khi người khác sợ hãi, và sợ hãi khi người khác tham lam” – Warren Buffet, nhà đầu tư giỏi nhất thế giới đã nói. Làm người đứng ngoài dòng chảy đó cũng có khi khó chịu thật đấy. Nhưng đó là cơ hội duy nhất để bạn suy nghĩ xem mình có nên hoà mình vào đám đông hay không. Một khi đã bước vào bầy, thì có trầy trật bước ra cũng là muộn màng rồi.

(Xem link video ở cuối bài)

Đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài

Hãy thử ăn mặc thật sành điệu  và hôm sau ăn mặc rách rưới ra ngoài chợ mua đồ cùng một gian hàng, và bạn sẽ phải trả số tiền khác nhau. Tôi đã thử nghiệm và thành công. Ngay cả khi đeo khẩu trang cũng không tránh khỏi câu nói: “Đeo khẩu trang thế này chắc là mồm bị vâu rồi”. Ôi! Có bảo môi tôi bị truề đi chẳng nữa tôi cũng chấp nhận với sự ô nhiễm đậm đặc của Hà Nội như thế đấy! Đa số mọi người đều đánh giá phẩm chất con người qua cách họ ăn mặc và nói năng nhưng họ lại không nhìn và soi kỹ con người ấy. Có những công việc không nhận những con người có năng lực thực sự chỉ vì lý do: ngoại hình xấu, hay nhìn là biết không biết làm gì vì rất tiểu thư, công tử; nhìn là biết nhà có điều kiện vì ăn mặc sành điệu; nhìn là biết không nhanh nhẹn vì ít nói; nhìn là biết cô A năng động hơn cô B...

Và nhiều người hay thắc mắc xã hội ngày nay đôi lúc cũng lạ kỳ, người ta thường nhìn nhận một con người qua quần áo họ mặc, đồ dùng họ mang trên người mà chẳng đoái hoài gì tới cách họ cư xử với những người xung quanh như thế nào. Vậy mà cách giải thích lại rất dễ dàng:

Từ thời nguyên thuỷ, những người làm trụ cột trong gia đình đều phải là những người khoẻ mạnh, có khả năng nuôi sống, duy trì và bảo vệ gia đình của mình. Đàn ông thì phải to cao lực lưỡng để săn bắn kiếm mồi, mang chiến lợi phẩm về nhà. Đấy là lý do tại sao hiện nay những đàn ông trong cao ráo khoẻ mạnh lại thu hút nhiều hơn. Đơn giản vì anh ta có tiềm năng làm trụ cột cho gia đình vững chắc hơn.

Căn nguyên nguồn gốc mọi sự là như vậy, quá trình tiến hoá của loài người dù có phát triển đến mấy cũng chưa chắc thoát khỏi sự đánh giá người khác theo cảm tính. Tuy nhiên, để tiến hoá đến một thời đại với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ, là một hành trình vô cùng khó nhọc, khi phải cải tiến dần qua biết bao thời kì văn hoá, giáo dục, lịch sử, tiếp cận tri thức,… Cũng chính vì công nghệ phát triển, nguồn thông tin bị bão hoà, con người lại hoang mang trước một thời cuộc mới, hoặc là tự ý thức để sử dụng chúng, hoặc làm nô lệ của chúng – trở về cư xử như đúng tổ tiên loài người – phụ thuộc vào đấng siêu nhiên khi chưa có khoa học can thiệp.

Ông cha ta thời xưa vẫn có câu "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" tức có nghĩa là cái bên trong tốt thì sẽ đáng quí hơn cái vẻ đẹp bên ngoài, không nên đánh giá con người qua cái vẻ bề ngoài. Hà cớ gì ta quay ngược thời gian trở về sống như thời nguyên thuỷ?

 

Vấn đề không còn là “Tương lai sẽ làm gì?”, mà là “Không làm gì để sống sót?”

Nếu search trên mạng từ khoá “Ngưng <làm gì đó>” thì tôi dám chắc với bạn rằng có hàng triệu kết quả từ các nghiên cứu, nhận định của các chuyên gia từ trong đến ngoài nước, sự đa dạng chủ đề rải khắp từ khoa học, y tế… cho đến cách nuôi dạy con, chăm sóc sức khoẻ tuổi già…. Và tôi cũng dám chắc rằng, không ít người coi nhẹ việc cảnh báo từ những thói quen thường ngày mà chúng ta nghĩ là vô hại lại là những tinh thể nhỏ bé cấu tạo nên quả bom nổ chậm đối với chúng ta. Để đến một ngày nó phát nổ, chúng ta không còn gì khác ngoài sự mất mát và thất bại. Để tôi lấy ví dụ, thứ nhất, “Ngưng những việc làm có thể huỷ hoại não bộ”, và bạn sẽ đọc được: a)Ít giao tiếp, b)Ăn quá nhiều đường,  c)Không vận động não thường xuyên,  d)Bỏ bữa ăn sáng… Ví dụ thứ 2: “Ngưng làm những điều này để học tốt tiếng anh”, tương tự, nội dung sẽ là: 1) lo sợ mắc lỗi, 2) tự nói một cách tiêu cực, 3) xấu hổ, 4) chỉ học trong lớp, 5) ý nghĩ từ bỏ…

Phải chăng cái gì càng cấm, chúng ta càng làm? Đó là lý do của mọi nguồn thất bại nhưng cũng rất để giải thích cho câu: Càng cấm càng làm. Ấy là vì tò mò, là vì trái cấm có vị ngọt. Nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra "hiệu ứng Romeo & Juliet": các bậc bố mẹ càng cản trở tình yêu của con cái, tình cảm gắn bó của đôi trẻ lại càng phát triển mãnh liệt hơn. Như nhà văn Mark Twain từng viết: "Adam cũng là con người…. Anh không muốn ăn trái táo vì chính trái táo, anh muốn trái táo chỉ vì nó bị cấm". Theo trang Business Insider, tốt nhất bạn hãy hòa hợp tâm lý ngược, xem xét bản thân xem liệu đề nghị của người khác có thực sự tệ đến mức bạn muốn làm điều trái ngược. Hay bạn chỉ đang cố đấu tranh cho sự tự do của mình, hoặc đơn giản là bạn đang muốn "gãi ngứa".

Ở bất kỳ nơi đâu – không phân biệt chủng tộc, quốc gia và nền văn hóa - chúng ta đều nhận thấy có những người khác nhau bị chi phối bởi lối nghĩ cảm tính theo những câu chuyện tương tự nhau. Thực tế, tất cả chúng ta đều có xu hướng bị tư duy cảm tính chi phối. Nhất là trong quá trình trưởng thành, bước thêm một bước là có những khó khăn thử thách mới, việc đưa ra quyết định, lựa chọn sai là điều không thể tránh khỏi. Không ai có thể giữ một cái đầu lạnh và một trái tim nóng để đưa ra những quyết định tỉnh táo và thông minh nhất, nhưng hoàn toàn có thể giảm thiểu sai sót qua sự tự ý thức được rèn luyện và sự thông hiểu qua sự học nhiều nhất.

Link video về tâm lý đám đông: https://www.youtube.com/watch?v=HGJqdP4JEc0

 

Tác Giả: Nông Thị Yến Nhi – ĐHKHXH&NV

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/my.ruly.5

                 --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,330 lượt xem, 1,298 người xem - 1303 điểm