Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Tự Vẫn, Sự Cám Dỗ Lờ Mờ Cho Những Kẻ Ngây Thơ

Con người là những tạo vật có lý trí. Để giảm cân, thực phẩm chứa nhiều calo sẽ bị chúng ta giám sát chặt chẽ trước khi đưa vào miệng. Chúng ta muốn tiết kiệm tiền, kế hoạch chi tiêu “chắt bóp" được thực hiện. Chúng ta muốn sống có mục đích, đam mê, thành công chúng ta học hỏi không ngừng, sáng tạo, khởi nghiệp... Con người khác động vật chính là ở chỗ đó, chúng ta có hoài bão ước mơ, những hành động thay đổi bản thân, thay đổi cuộc đời. Chúng ta luôn thay đổi. Nhưng, không phải lúc nào cũng lý trí, logic. Sự tích cực vốn chỉ như tảng băng trôi lập lờ trong tâm thức, để duy trì chúng ta cần học hỏi rèn luyện cả tâm lẫn trí. Nếu không, lúc nào cũng có thể bị nhấn chìm không báo trước bởi những hành xử cảm tính cám dỗ từ bên ngoài, tính cá nhân kiêu ngạo, yếu đuối bên trong đẩy ra chi phối. Và một khi chúng ta đã cho phép những cảm xúc tiêu cực lấn át, nó có đủ sức phá huỷ thành luỹ tế bào sống, mô niềm vui sống tương đương căn bệnh nguy hiểm chết người. Mà ban đầu có thể rất nhỏ từ ảnh hưởng ngoại cảnh, áp lực, bế tắc tự bản thân không thể vượt qua, những tổn thương không đủ sức, kiên nhẫn hàn gắn, tự vẫn tìm đến trong ý nghĩ rồi lớn dần kết thúc bằng hành động. Đơn giản như uống một liều thuốc giảm đau hữu hiệu, nhanh chóng dễ dàng giải quyết mọi vấn đề đang gặp phải.     Ý nghĩ tự vẫn. Ngay từ khi chúng ta biết nhận thức nó đã tồn tại, luôn ở đó, phía sau phông nền sự sống. Như cái bóng màu đen trực chờ bất cứ khi nào, vở kịch sự sống, khi không còn cảm thấy ý nghĩa, sinh động, yếu đuối lên ngôi, lý trí thoái vị nó sẽ được kích hoạt, phủ trùm, và kết thúc tất cả. Mặc cho những khán giả của nó, những người liên quan có cố níu kéo, sự xót thương, nuối tiếc hay cả dằn vặt đau khổ.   Hôm qua tôi có đọc một bức thư tuyệt mệnh của Sime, cậu bé 17 tuổi đã treo cổ tự vẫn sau khi bị cha quát mắng và đuổi ra khỏi nhà. Bức thư viết:   “Cuộc sống của tôi chấm rứt ở đây. Hôm nay là một ngày buồn, và cũng là một ngày đầy đau khổ đối với tôi. Còn với Cha đây lại là một ngày vui. Hôm nay Cha đã xua đuổi tôi. Cảm ơn Cha vì Cha chỉ yêu thương con đến được từng đó. Sima. Cho tôi gửi lời vĩnh biệt đến mẹ. Mẹ ơi, mẹ sẽ chẳng còn phải phiền lòng và thất vọng gì thêm về con trai mẹ nữa. Yêu mẹ nhiều Sima”.   Ở một khía cạnh nào đó, tự vẫn có sức hấp dẫn lớn nhu cầu về mặt cảm xúc, sự giải toả tâm lý tạm thời ngay tại thời điểm con người cảm thấy tủi hổ, bất lực, chán ghét bản thân.   Edwin Shneidman - nhà tâm lý học nổi tiếng nghiên cứu về tự sát cho rằng:   "Con đường ngắn nhất để chúng ta có thể hiểu về tự sát không phải qua nghiên cứu cấu trúc bộ não, cũng không phải qua số liệu thống kê xã hội hay những căn bệnh thần kinh mà là trực tiếp qua chính cảm xúc được mô tả lại bằng từ ngữ của người đã tự vẫn".   Khác với những lời cuối của một người sắp chết vì tuổi già, tâm lý đã chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết, thì những lời cuối của người tự vẫn thường được ghi lại bằng cảm xúc, giãi bày, hoặc oán trách. Khoảnh khắc quan trọng cuối cùng ấy lý trí đã không được góp phần tham dự. Vì vậy thông qua thư tuyệt mệnh, dựa vào mức độ dài ngắn, cách sử dụng ngôn ngữ, tính từ “mạnh-yếu” mà những người còn sống có thể hiểu, đồng cảm với họ hơn dù đã quá muộn.     Với Jonghyun, bức thư anh viết trước khi chết tôi mới đọc trên Kênh 14, dù không phải là fan của anh nhưng nó cũng đã khiến tôi muốn khóc. Vâng, có một điểm chung trong chúng ta, tất cả đều là bệnh nhân của một căn bệnh có tên cái chết. Từ khi sinh ra chúng ta đã phải chịu đựng nỗi đau đớn của cái chết. Bất ngờ hay tàn nhẫn từ từ cứa sát. Con mèo tôi yêu quý nó đã bị xe cán chết năm tôi lên 8, tôi cứ buồn mãi, đến giờ tôi chẳng nuôi thêm con nào nữa. Bà nội tôi mất năm ngoái sau một năm đau ốm liên miên, gia đình tôi vẫn chưa hết nỗi thương tiếc nhớ bà, một năm qua quả là khó khăn. Và với những cái chết của những con người tôi chưa từng gặp mặt, như Sima lặng lẽ, hay ồn ào như của Jonghyun thì tất cả cũng để lại một nỗi đau ít nhiều, dài lâu đâu đó trong tâm trí.   Malcolm Gladwell đã có nhiều thí nghiệm, nghiên cứu đưa đến kết luận rằng tất cả hành vi của con người đều nhạy cảm với môi trường. Hay nói cách khác sức mạnh của hoàn cảnh có vai trò cực kì to lớn trong việc định hình những hành vi của chúng ta. Lòng tốt sinh ra từ lòng tốt, nếu xung quanh bạn mọi người đều có những việc làm thiện nguyện, giúp đỡ người khác, bạn cũng sẽ hành xử đẹp. Sự vô cảm sinh ra vô cảm nếu xung quanh bạn mọi người làm ngơ trước một vụ tai nạn, trơ trơ đứng nhìn, đưa tay chỉ trỏ hơn là lao vào cứu giúp. Hành động tự vẫn cũng vậy. Đầu thập niên những năm 1960 trên những hòn đảo thuộc Liên bang Micronesia, vấn nạn tự tử xảy ra như một đại dịch theo kiểu bắt trước và thể hiện. Đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên, và treo cổ khi đó được xem là hình thức được ưa chuộng nhất. Nguyên nhân, do hầu hết các em trước đó đều đã từng ít nhất một lần trông thấy hoặc nghe thấy có người tự vẫn trên đảo, ngẫu nhiên sau đó rơi vào hoàn cảnh không mấy dễ chịu bị bố mẹ mắng, bị bạn gái bỏ, xô xát giữa các cá nhân. Vài phút ngắn ngủi cảm thấy bị tổn thương, sự tuyệt vọng bỗng chốc muốn thể hiện ra, muốn làm cái gì đó giống như ai đó đã từng làm việc này trên đảo mà không ý thức được tính chất nguy hiểm sự việc.   Không những vậy đằng sau ý định tự tử ở nhiều trường hợp các thanh thiếu niên còn xem như đó hành động chống lại việc bị đối xử không đúng, dằn mặt người sống phải hối hận vì những hành vi họ đã làm trước đó. Cách để các em tìm thấy và thể hiện lòng tự trọng, khôi phục lại danh dự bị tổn thương, thoát khỏi bế tắc đang gặp phải. Hay là hy vọng muốn tìm thấy một thế giới yên bình mơ hồ sau khi chết. Tự vẫn luôn rất cám dỗ, bởi chỉ cần chết thôi dễ dàng hơn nhiều so với việc tiếp tục đối mặt khó khăn, mà tương lai chưa chắc đã khá hơn.     Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) ở California, nổi tiếng khắp thế giới bởi kiến trúc và tầm nhìn tuyệt đẹp, nhưng đáng buồn nó cũng là địa điểm bị lạm dụng nhiều nhất thế giới cho việc tự tử. Người ta gọi nó là chiếc nam châm hút việc tự tử với hơn 1.600 người đã chấm dứt cuộc sống từ đây. Một phần sức hút ấy được giải mã bởi những lời truyền tai lãng mạng hoá rằng: “Chỉ việc ngã khỏi cầu con người sẽ thoát mọi lo âu phiền muộn, làn nước dưới chân cầu sẽ rửa sạch tâm hồn bạn”. Với những người đang tuyệt vọng, niềm tin duy nhất “mọi thứ sẽ chẳng bao giờ có thể tốt lên được”, thì việc trốn tránh, buông xuôi mà vẫn được coi là nên thơ và đầy dũng khí thì đây quả là một nơi đáng mơ ước. Nhưng Kevin Briggs, một cảnh sát tuần tra của khu vực mũi phía Nam của Hạt Marin, bao gồm cả Cầu Cổng Vàng cho biết sự thật tàn nhẫn rằng, việc tự kết liễu cuộc đời mình bằng cách rơi tự do 4 đến 5 giây, cơ thể bị đập mạnh xuống nước với vận tốc trên 120km/h sẽ làm gãy xương, và các xương ấy sẽ đâm vào các cơ quan nội tạng trọng yếu. May mắn thì chết ngay với một cơ thể đã nát bươm bên trong. Còn không, một vài phút trước khi chết, thật kinh khủng với những cái quẫy đạp trong vô vọng. Có còn lãng mạng, nên thơ với chính thân xác cơ thể, thanh thản ư...? “Có”, nếu sự lãng mạng, thanh thản được định nghĩa lại.   Con người bản chất vừa lý trí nhưng cũng rất nhạy cảm. Từ việc bị bạn bè chế nhạo, bế tắc cuộc sống, công việc, chuyện tình cảm, cho đến diện rộng những tổn thương đến từ xã hội bị phân biệt, miệt thị xa lánh nhất là những người giới tính thứ ba. Một số coi đó như là động lực vươn lên và thành công hơn trong cuộc sống. Số khác coi đó là một sự bất công bằng tệ hại, bám vào hoài nghi, chán ghét bản thân, chán ghét cuộc đời, tiêu cực rồi dẫn đến những hành động gây tổn thương cho người khác hay nhiều hơn là chính mình..   Tôi cũng dám cá 98% những người đang còn sống đã từng nghĩ đến tự tử, nhất là giai đoạn tuổi mới lớn nổi loạn và phớt đời. Cũng phải công nhận thỉnh thoảng suy nghĩ kiểu “mình sẽ tự vẫn, nếu...”, bằng cách nào đó khi gặp khó khăn, mà với cá nhân tôi khi biết mình mãi mãi không còn khả năng đi lại được nữa cũng khiến bản thân tạm thời cảm thấy thanh thản hơn đôi chút. "Không sao, minh sớm thoát khỏi chuyện này, dễ thôi mà”. Tự vẫn được xem như một phương án giải quyết dự bị cho những khó khăn, dễ dàng và đầy quyến rũ, nếu... Và tất nhiên cho đến lúc này với tôi ý nghĩ ấy vẫn chỉ là một vị sứ giả chẳng được việc mà thần chết sai đến. Tôi mừng vì dẫu sao lý trí và sự nhận thức đúng đắn vẫn luôn đồng hành cùng tôi trong những thời khắc khó khăn nhất.     Mỗi chúng ta được sinh ra với những đặc điểm riêng biệt và những nỗi đau, thử thách gặp phải cũng vậy, ít nhiều không ai tránh khỏi. Đó có thể là một vài trở ngại khiếm khuyết cơ thể, rào cản về giới, màu da, chủng tộc.., cho đến những điều tồi tệ xảy đến không báo trước trong quá trình trưởng thành. Và chúng ta sống chính là để chấp nhận cùng đồng hành với thử thách, nỗi đau. Cùng vượt qua những đêm tối để thấy ánh bình minh lên.   Tự vẫn, tự vùi dập cuộc đời quý giá và duy nhất là trái với quy luật tự nhiên sinh, lão, bệnh, tử. Không những vậy hệ lụy từ những vụ tự sát còn ảnh hưởng đến rất nhiều người. Những người thân còn sống, người đã chứng kiến thời khắc một con người kết thúc sự sống mà không thể làm gì như Kevin Briggs, và đôi khi cả những người không quen biết khi tình cờ biết đến một vụ tự sát đầy ám ảnh của ai đó mà báo đài đưa tin.   Chối bỏ hiện tại bằng cách buông xuôi, không cho mình một lý do để thức dậy là tàn nhẫn với sự sống, tàn nhẫn với bản thân. Dừng lại, một chút thôi lắng nghe tiếng nói của lý trí thay vì cảm xúc bạn sẽ thôi không còn ngây thơ với cuộc đời vốn dĩ đã không công bằng này. Can đảm sống lại, yêu lại rồi bạn cũng sẽ tìm thấy cho mình một ý nghĩa cuộc đời mới.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,021 lượt xem, 990 người xem - 996 điểm