Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Vui Thôi, Đừng Vui Quá! Và Ngược Lại.

Tôi đi dạo trên con đường gần nhà vốn nổi tiếng là nơi của sự vui vẻ. Nhạc vui, đèn trông cũng vui, người trông càng vui hơn nữa, đến độ cây lá xung quanh như bị ảnh hưởng bởi niềm vui lan tỏa và bất diệt ấy. Những tiếng cười đầy sắc thái, từ khúc khích, đến khúc khích hơn, đến khúc khích hơn nữa, vỡ òa trên những khuôn mặt trẻ tuổi ấy. Hầu như từ lúc hoàng hôn bảng lảng lặn đi cho đến khi bình minh thỏ thẻ trên lá, không khi nào tôi không thấy những khuôn mặt hạnh phúc quen thuộc.

Ngẫm nghĩ mới hôm qua, tôi ngồi nghe cô bạn thở than về một cuộc đời chán. Cô tha thiết kể về gia đình mình, ba mẹ cô không chu cấp nổi cho niềm vui của cô vì không có đủ điều kiện cho cô học ở một trung tâm anh ngữ có tiếng. Cô nói học ở trung tâm anh ngữ bình thường cũng được, nhưng nếu chỉ cần một chút điều kiện nữa thôi, cô sẽ cảm thấy khá hơn. Một cảm giác chắc chắn, đó là tất cả những gì cô cần, để vui hơn.

Tôi nghĩ, con người là loài sinh vật nhạy cảm. Khi vui, khi buồn đúng là chuyện hiển nhiên. Đó là đặc điểm rõ ràng về sự phong phú của tư duy cảm xúc để phân biệt rõ giữa con người và những loài khác. Tần suất biến đổi cảm xúc ấy hầu như là liên tục và đó là nguồn sống phong phú để con người tạo ra những sản phẩm thú vị. Không mấy ai sống mà không thay đổi những cảm xúc này liên tục như cối xoay gió.

Tuy nhiên việc vui buồn phải có một chừng mực nhất định. Người xưa tạo ra âm dương, ví vui là dương còn âm là buồn, nếu âm lớn hơn dương và ngược lại thì sẽ nảy sinh vấn đề ngay. Vấn đề ấy là vui quá thì sẽ không tập trung vào giá trị của nỗi buồn, xem nhẹ những nỗi buồn và tiếp tục tập trung vào việc tìm kiếm niềm vui trên bất cứ phương diện nào, còn buồn quá thì sẽ dẫn bản thân lún sâu vào những ý tưởng tiêu cực, đến một lúc nào đó sẽ không thể thoát ra được. Bản chất của việc này là do con người chỉ cần 21 ngày ( một con số tương đối chính xác qua rất nhiều nghiên cứu tâm lý khác nhau ) để hình thành một thói quen mới, hoặc trong một số trường hợp, nếu niềm vui đó bắt nguồn từ tình yêu hoặc sử dụng thuốc, nó có thể gây tác động phụ thuộc nhanh hơn nữa. Xét về nỗi buồn cũng vậy, nếu đó là một nỗi buồn thường trực, người sở hữu có thể không thể thoát ra.

Điển hình cho sự vui quá ấy là vị vua Lê Long Đĩnh. Hồi tôi và các bạn còn nhỏ, không ai học sử mà không nhớ đến vị vua vì ham vui mà sinh bệnh tật, đến mức khi bàn việc nước mà phải nằm nghe tấu, bị gán cho cái danh “Lê Ngọa Triều Đế“(tức vị vua nằm mà nghe tấu ). Dân gian tương truyền rằng ông đã đam mê tửu sắc, hám cái vui bệnh hoạn quá mức qua những việc hung tàn. Hay vị vua Lý Thần Tông mê mẩn sưu tầm vật lạ. Đại Việt sử ký toàn thư từng nhắc đến như sau: ”Phàm ai có hươu trắng, hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng… đều đem dâng vua cả. Lúc ấy, có Đỗ Khánh là lính ở Tả Vũ Tiệp đem dâng con cá xương và con cá công sắc vàng, ông cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng.” Ta thấy được cái niềm vui thú khi nhìn vật lạ trần gian này đã làm vua mờ mắt cũng như “lúc ấy Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân nói rằng: “Cá là vật nhỏ mọn mà bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân con phượng thì bệ hạ sẽ làm sao?”. Nghe lời ấy, vua mới thôi mê muội.” Vui thích một điều gì đó quá mà không xem xét lành dữ, ắt có ngày gặp họa chẳng lường trước.

Buồn một điều gì hoài mà không thể thoát ra, bị chính cái bóng tư tưởng tiêu cực ấy đè nặng thì sống cũng không ổn. Dazai Osamu là một văn hào lớn của văn học xứ mặt trời, ông đã sống một cuộc đời thiếu vắng niềm vui. Nói vì bản chất hay buồn và vì dòng đời đưa đẩy xui rủi cho ông là một cách nói, nhưng theo tôi cách nói đúng hơn là vì ông chưa bao giờ nhận ra hạnh phúc là gì vì mải mê buồn cho kiếp người không trọn vẹn. Giá như ông đã có thể mở to mắt hơn mà tìm kiếm hạnh phúc thì ông đã không cố gắng tự tử kép đến năm lần, tôi chắc chắn. Nỗi buồn chi phối con người khi con người thực sự không muốn thoát ra. Ngày nay, ta hay thấy những sự viện cớ tâm lý. Tôi thấy khá nhiều tự thu mình và gọi mình là anti-social mà không biết rằng đây là một chứng bệnh, tự nói bản thân là tự kỷ hoặc cứ lặp đi lặp lại những dòng tâm trạng văn học không biết sưu tầm ở đâu về một kiếp người buồn chán. Đó không phải là những nỗi buồn thực sự. Bạn nghĩ đó là “buồn quá“ nhưng thực sự chỉ là một kiểu suy nghĩ không đến nơi đến chốn mà thôi.

Điều gì mất cân bằng cũng trở nên gãy gánh. Thấu hiểu khi nào nên vui, khi nào nên buồn cũng là một trí thông minh đúng đắn cho giới trẻ ngày nay. Thật ra chúng ta không nhất thiết phải lúc nào cũng vui, buồn. Chúng ta có thể đắm mình trong sự bình thường, cân bằng của cảm xúc, giữ một tư thế cứng cỏi và an nhiên. Tôi nghĩ thật ra trong thế giới thay đổi xoành xoạch, việc có quá nhiều cảm xúc đâm ra không cần thiết. Cái gì quá nhiều cũng không cần thiết, đặc biệt thì cảm xúc là một dạng an thần nhẹ khiến cho con người them thuồng quá đỗi thì càng không cần hơn nữa. Cảm xúc chỉ nên ở những lúc cần thiết, khi ta ngồi kế một người bạn thân và giải bày cùng họ những điều tế nhị, khi đối diện với nỗi đau, sự trăn trở. Vui và buồn là ở những lúc ấy, với một liều lượng nhất định, không để ảnh hưởng gì đến cuộc sống bình thường. Việc điều khiển cảm xúc đã trở thành một bài học dài hạn mà những người trẻ yếu lòng nên tham gia.

Khi vui, ta cũng nên suy xét nguồn cội của niềm vui ấy. Liệu đó có phải niềm vui đúng đắn, không vượt qua hang rào xã hội, không ảnh hưởng đến người thân? Đặt đúng giới hạn niềm vui chứ không quá trớn sẽ giúp ta hiểu và phân biệt tốt xấu rõ rang. Khi buồn, ta cũng nên nhớ rằng đây chỉ là thử thách. Con người luôn được thử thách để trở nên mạnh mẽ hơn.

Thật ra đây là một bài học khó. Tôi nhớ lúc còn tuổi dậy thì, cái tuổi đầy tinh mơ với những thứ ánh sáng trông thích mắt vô cùng tận từ việc thích đọc sách sâu sắc, tâm trạng sâu lắng. Tôi đã đọc Dazai Osamu, đặc biệt là tác phẩm nổi tiếng cho sự u buồn hấp dẫn của ông: “Thất lạc cõi người.” Tôi còn nhớ tôi đã buồn hơn một năm vì tôi nghĩ như vậy mới có ích cho việc cảm nhận sâu sắc về thế giới, cũng như cậu bé Yozo nhạy cảm trong truyện vậy, nhưng thực ra là không. Một năm sau đó tôi hoàn toàn không có sức sống để viết bất cứ thứ gì, gục ngã trong sự tăm tối vì tôi lún sâu hơn. Dù thời gian đã mang lại một vốn kiến thức triết học như Schopenhauer (một nhà triết gia hay buồn) nhưng cũng mang lại một nỗi cô đơn khủng khiếp khi ít tương tác với người khác. Mất sáu tháng sau đó nữa tôi mới trở lại bản là mình, là chính mình với niềm vui nho nhỏ xen lẫn những nỗi buồn (nho nhỏ nốt).

Jack Ma có nói:” Tôi rất thích từ “cân bằng”. Phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo có lẽ là khả năng cân bằng được Âm và Dương.” Andrei Tarkovsky, đạo diễn nổi tiếng người Nga với những thước phim huyền thoại cũng là một nhân chứng tiêu biểu về sự hòa hợp (harmony). Hãy trở nên cân bằng hơn trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, để nhìn thấu được điều thiết yếu. Một trái tim nóng, một cái đầu lạnh để giữ bản thân rắn rỏi trong từng khoảnh khắc. Một đôi mắt thông suốt nữa, nhé!

Tác giả: Nguyễn An Thơ

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link : https://www.facebook.com/lisse2812

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,438 lượt xem, 1,398 người xem - 1398 điểm