Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Yesman, Triết Lý Viên Kẹo Và "No, Thanks"

Từ bộ phim YESMAN...

"Y...E...S"

Chắc hẳn rất nhiều người đã từng xem qua bộ phim tâm lý Yesman và đều cảm thấy thích thú vì độ hấp dẫn và hài hước của bộ phim này thể hiện thông qua cuộc đời nhân vật Carl Allen trước và sau khi thực hiện lời thề luôn luôn nói YES với mọi thứ trong cuộc sống. Ta có thể thấy, nhân vật Carl trước khi thực hiện lời thề luôn luôn nói YES là một nhân vật có cuộc sống đại diện cho rất nhiều người trong xã hội hiện đại ngày nay: Cuộc sống đầy đủ ở mức cơ bản với một công việc ổn định nhưng khối lượng công việc lớn và có tính chất lặp đi lặp lại. Cuộc sống của họ cũng vì vậy mà chán nản như cách mô tả cuộc sống của họ vậy: Nhạt toẹt và... lặp đi lặp lại. Trong phim, Carl liên tục từ chối các hồ sơ cho vay tại ngân hàng nơi anh đang làm việc, anh cũng luôn lắc đầu với những lời rủ rê của bạn bè mà chỉ nằm dài xem TV ở nhà. Cứ sống lười biếng và bỏ bê mọi thứ như vậy cho đến một ngày có một bước ngoặt xảy ra, anh được bạn "dụ dỗ" đến tham dự một buổi hội thảo, mà ở đó mọi người cam kết rằng họ sẽ luôn sống tích cực và sẽ luôn nói YES với mọi lời đề nghị, nhờ vả... Carl đã miễn cưỡng nhận lời và bị ép thực hiện lời hứa này với lời nguyền rằng nếu anh nói NO thì ngay sau đó sẽ bị phạt. Điều này đã thay đổi rất tích cực cuộc sống của anh kể từ đó. Tôi cũng vậy, xem bộ phim và ngay lập tức bị bộ phim cuốn hút, nhưng tôi đón nhận bộ phim với một cái đầu đầy hoài nghi và phản biện: "Liệu có thực sự nói YES với mọi điều đến với mình trong cuộc sống sẽ làm cuộc sống mình thú vị hơn?".

 

... Đến triết lý viên kẹo và tính chất tăng tiến của nó ...

Bạn đã từng bao giờ trong đời đối xử rất tốt với ai đó nhưng sau đó khi một ngày bạn vô tình nhận được lời nhận xét về bạn của chính người đó với một người khác lại toàn là những điều tiêu cực chưa? Kiểu như "Thằng/con đó kiệt sỉ lắm"; "Thằng/con đó chỉ biết mỗi bản thân nó thôi" hay "Tao chỉ coi thằng/con đó như bạn xã giao thôi, cũng không thân lắm" hoặc thậm chí "Thằng/con đó á? Nó ngố bỏ mẹ, chắc kiểu ít tiếp xúc với xã hội"? Chắc hẳn rơi vào tình huống đó bạn chỉ còn biết cười trừ ngẩn ngơ mà thôi, một đứa mình coi như bạn chí cốt, rất yêu quý và tin tưởng nó, người bạn còn từng nghĩ chắc nếu ai cũng ghét mình thì vẫn yên tâm, vì vẫn còn nó chơi với mình, và rằng nó mà gặp khó khăn gì thì mình cũng sẽ không tiếc thân nhảy vào giúp đỡ, giúp đỡ nhiệt tình luôn ấy!! Nếu bên trên tôi vô tình mô tả trúng bạn trong một thời điểm nào đó thì đừng giật mình, bạn không cô đơn đâu, rất nhiều người cũng đã từng rơi vào trường hợp như vậy và thậm chí đến giờ vẫn chưa thoát ra được khỏi hoàn cảnh ấy.

Hôm nay bạn có mua kẹo cho tôi chưa?

Vậy triết lý viên kẹo là gì? "Triết lý viên kẹo có nghĩa là khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà, họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm. Khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn". Có thể hiểu rõ hơn thông qua một câu truyện như sau: Một anh chàng tốt bụng nọ đến thăm nhà hàng xóm, hai người rất thân nên anh chàng thường xuyên ghé qua chơi mỗi khi tan làm từ công ty về. Anh hàng xóm có một đứa con trai tầm 6-7 tuổi, rất ngoan ngoãn và dễ thương nên mỗi lần ghé thăm anh đều mua cho cậu bé một cái kẹo mút.

Ngày 1 - 3: Cậu bé thấy vậy rất thích thú và đưa hai tay đón nhận kẹo với đôi mắt long lanh và hét to dõng dạc: "Cháu cảm ơn chú ạ!" và luôn mong ngóng anh chàng đến chơi nhà.

Ngày 4 - 6: Cậu bé vẫn nhận kẹo nhưng có vẻ không còn tỏ ra thích thú nữa, nó chạy ra hỏi "hôm nay chú có mua kẹo cho cháu không?", anh chàng đưa kẹo ra và thằng nhóc nhanh nhảu lấy kẹo rồi chạy tót lên gác trên.

Ngày 7: Anh chàng vẫn từ công ty về chỗ hàng xóm chơi, nhưng do đường về trời mưa rất to nên bà bán kẹo đã về trước nên không mua được kẹo, anh vẫn đến nhà hàng xóm nhưng khác mọi khi là không có kẹo. Cậu bé vẫn ngồi sẵn ở phòng khách đó bận rộn với trò chơi điện tử trên chiếc iPhone, thấy anh chàng đến, nó chào lấy lệ mà chẳng thèm nhấc mắt lên. Chơi được một lúc nó mới lại hỏi "hôm nay chú có mua kẹo cho cháu không?" như thường lệ. Anh chàng cười nhẹ nói rằng trời mưa quá nên bà bán kẹo nghỉ rồi, thằng bé liền nhìn anh với anh mắt giận dỗi rồi đùng đùng bỏ đi lên gác kệ anh ngồi đó.

Bạn thấy gì thông qua câu chuyện trên? Đó chính là kết cục LUÔN LUÔN xảy ra khi bạn vô tình phạm phải Triết lý viên kẹo, đơn giản vì nó vốn không phải là cách mà cuộc sống vận hành, đặc biệt là trong thuật đối nhân xử thế. Ở trên tôi đang đề cập đến bạn đang đối tốt với người mà ít nhất bạn còn yêu quý và tin tưởng, nhưng thực tế còn tệ hơn, có những người tính cách của họ vốn quá hiền lành, hơi ngây ngô và không khéo léo nên đâm ra họ có chút cả nể thái quá. Ai nhờ họ hay đề nghị họ gì, dù rõ ràng họ bị thiệt thòi, người đó chỉ là bạn bè quen thông thường thôi, nhưng họ vẫn ậm ừ bấm bụng nhận lời giúp. Lâu dần, chính họ đã tự vô tình bước chân vào một cái tù vô hình không ngày mãn hạn...

Một bản án ngồi tù không ngày mãn hạn

Và với bản thân tôi, tôi cho rằng triết lý này phải là một chân lý mới đúng, vì nếu phân tích ra, nó LUÔN ĐÚNG khi ta dùng để phân tích bất kỳ tình huống quan hệ nào trong cuộc sống, với bất kể độ tuổi, quan hệ, giới tính...

  • "Ê, tớ nhờ cậu chút việc này tí" Điều không hay là ban đầu chỉ là những lời nhờ vả hết sức dễ dàng, nhưng qua thời gian những điều nhờ vả đó quá đáng dần, số lượng lần nhờ vả bạn nhiều dần và đương nhiên đi kèm với đó là những lý do hết sức "hợp lý", ví dụ như tình huống bạn là một đứa uống nhiều nước, nên hàng ngày đi học bạn mua chai nước từ cantin mang lên lớp uống dần. Câu bạn hay nhận được nhất là gì nhỉ? Ngày nào bạn cũng được nghe thấy cậu bạn giàu có nhưng lươi biếng gần đó bật dậy "Tao xin một hớp", cũng lại đâu cần thân lắm để xin đâu nhỉ? Easy, cho họ xin một hớp cũng chả mất gì, và đột nhiên nó lặp lại hàng ngày.
  • Rồi một ngày nọ, cậu bạn đó kêu "Tớ cần phúc khảo điểm thi, cậu đi với tớ lên xin đơn đi chứ tớ không biết lên đâu hỏi xin kiểu gì đâu", tính chất đã tăng lên, nhưng chí ít cậu bạn vẫn còn đi cùng bạn.
  • Nhưng rồi vẫn cậu bạn đó: "Tớ dốt máy tính lắm nên ít vô trang quản lý đào tạo (qldt), cậu lên qldt canh có thông báo đăng ký học lại và lịch học thì làm danh sách đăng ký học hộ tớ nhé", sau đó "nhà cậu gần trường cậu làm danh sách rồi nộp lên trường cho tớ nhé" (ai là sinh viên cũng biết các phòng hành chính của các trường ĐH thường làm khó sinh viên thế nào), rồi hôm nào rảnh gặp thì khệnh khạng hỏi "Ê đăng ký xong chưa, có kết quả đăng ký học chưa thế, bao giờ bắt đầu học thế?" bla bla... Nhưng lần này thì họ đã... "đặt trọn niềm tin" vào bạn và dù là việc của họ nhưng họ "giao phó" bạn làm giúp họ trọn gói từ A-Z.

Cái họ chỉ cần quan tâm đến kết quả thôi, bạn phải cung cấp cho họ dịch vụ trọn gói từ A-Z, họ thậm chí không phải động tay vào làm gì dù đó là việc của họ, họ đâu cần biết bạn ngày nào cũng vào qldt một lần để hóng thông báo, bạn phải làm danh sách rồi gọi điện hẹn giáo viên chủ nhiệm để xin ký vào danh sách, bạn đang ngủ ngon nhưng vẫn phải dậy sớm đến trường đúng giờ hành chính không thì các phòng hành chính sẽ đóng cửa không tiếp, bạn phải nộp sớm để nếu bị phòng đó làm khó vẫn chưa hết deadline sửa lại danh sách và xin chữ ký lại rồi lại nộp lại lần nữa...

Bạn đã vô tình nuông chiều con quỷ trong họ

Những ví dụ này bạn có thấy quen thuộc không? Cũng chả có gì to tát nhỉ, nhưng sau đó thì sao? Mọi thứ bắt đầu tiếp diễn tệ hơn, họ đã quen với những lần nhờ vả và "xin một hớp" đó. Khi họ có các cuộc vui vẫn không gọi đến lượt tên bạn, những lúc họ cần tâm sự cũng không đến lượt tai bạn, ảnh họ tag trên facebook không đến lượt tên bạn, nhưng chỉ duy nhất lúc họ vướng vấn đề gì đó thì họ sẽ làm bộ lý do lý trấu để sai bạn và bạn cùng với cái tính cả nể của mình vẫn miễn cưỡng nói YES!? Những lần bạn giúp họ những việc vô thưởng vô phạt như vậy hết lần này đến lần khác vô tình đã nuôi dưỡng con quỷ ỷ lại trong họ, con quỷ này càng ăn nhiều càng lớn và càng lớn nó càng đòi hỏi ăn ngon và nhiều hơn, đây chính là tính chất tăng tiến của con quỷ này.

 

... và NO, THANKS.

"N...O..."

Cùng nói một chút về tâm lý học từ phần này nhé, Bạn có thắc mắc rằng tại sao khi một ngày bạn đã nghĩ thông và quyết định nói NO và rồi đón nhận hậu quả bị lờ đi thậm chí bị nói xấu không? Bởi vì ngay từ lúc bạn bắt đầu nuông chiều con quỷ ỷ lại trong họ, qua thời gian với nhiều lần nhờ vả thì bạn cũng đã vô tình cho họ biết rằng bạn là đối tượng chỉ đặc biệt để... nhờ vả mà thôi. Lúc này trong họ đã ngấm ngầm hiểu rằng họ cao giá trị hơn bạn và việc bạn đáp ứng nhờ vả của họ là điều tất yếu (vì trong mắt họ bạn đã rất "ngố" và là "cửa dưới" của họ rồi). Đây cũng là lý do vì sao tôi nói Triết lý viên kẹo phải là một chân lý và nó luôn đúng với khả năng áp dụng trong nhiều hoàn cảnh, ở mọi lứa tuổi, vì bạn có nhận thấy quen thuộc không? Ở trên là một ví dụ trong học đường. Nhưng áp dụng trong tình yêu cũng thế, giữa một chàng trai lụy tình, luôn yêu chiều cô gái hết mực và một anh chàng "bad boy" lạnh lùng với cô gái thì cô gái đó chọn theo đuổi ai? Chắc chắn cô ta sẽ bị anh chàng badboy kia thu hút, vì trong mắt cô gái, anh chàng badboy nọ tuy đối xử không nâng niu mình, nhưng anh chàng thật bí ẩn và thú vị, còn cậu chàng chiều mình kia cũng tốt đấy, nhưng nên là bạn tốt thôi. Thật vậy, tất cả nằm ở hai chữ GIÁ TRỊ.

Giá trị là câu trả lời

Thắc mắc tiếp theo là thế quái nào họ có thể đối xử với bạn rất phũ dù trước đó bạn vẫn rất tốt với họ được nhỉ? Tiếng Anh có một câu idiom mà chắc nhiều bạn học cũng biết "Easy come, easy go". Con người thường có xu hướng không trân trọng những gì mà họ dễ dàng có được, không đánh giá đúng giá trị của nó ít nhất là cho đến khi họ không còn sở hữu nó nữa. Nhưng tin buồn là ngay liền khi họ nhận được lời từ chối NO từ bạn thì rất tiếc là họ vẫn chưa nhận ra giá trị của bạn ngay đâu, lúc đó cái đầu tiên mà họ nghĩ là lòng tự trọng và giá trị của họ đã bị tổn thương sâu sắc, họ sẽ liền ngầm nghĩ:

  • "Thế quái nào một đứa giá trị thấp như nó lại dám từ chối lời đề nghị từ một người như mình? Có ai thèm chơi với nó đâu, mình đã quá rộng lượng khi vẫn tiếp xúc với nó mà nó còn làm cao ư? Được lắm, thằng "ngố" này, từ nay tao không thèm đếm xỉa đến mày nữa, khi nào mày cầu xin may ra tao suy nghĩ";
  • "Tao có xin một ngụm nước mà nó cũng không cho, thằng/con đó kiệt sỉ lắm" (nhưng tao không nói đây là hớp thứ 1000 của tao rồi)";
  • "Nó biết làm, còn tao dốt không biết, nhà lại xa nên chỗ bạn bè tao nhờ nó làm rồi nộp hộ cái danh sách một tí thôi nó cũng không giúp, thằng/con đó chỉ biết mỗi bản thân nó thôi" (nhưng tao không nói tao còn chẳng cần biết việc có dễ không, tao giúp được gì không dù đó là việc của tao);
  • "Thằng/con đó á? Nó ngố bỏ mẹ, chắc kiểu ít ra ngoài tiếp xúc xã hội như anh em mình nên cứ ngơ ngơ ngố tàu, tao thân thiết gì cái loại nó" (nhưng tao không nói tự tao thì chả biết làm cái gì còn nó mới có đầu óc để biết làm mà giúp tao). Và đó là nguồn gốc ra đời của những lời đàm tiếu vô lý bạn nhận được...

Người khác không biết thực hư câu chuyện, qua góc nhìn của kẻ thứ ba thì chỉ biết về bạn thông qua những nhận xét một chiều ấy, nếu họ không tình táo mà tin vào những lời kể ấy, rồi miệng truyền miệng, bạn sẽ thấy hậu quả lớn đến thế nào qua những ánh mắt và lời ì xèo to nhỏ từ những người mà thậm chí bạn cả năm mới tiếp xúc với họ một lần!?

 

Vậy tôi phải làm sao?

Để tôi nói cho bạn một sự thật không mấy vui vẻ, không ai trong chúng ta đủ tốt để chưa từng đưa ai đó vào cái ngục Triết lý viên kẹo cả, vì đôi khi nó diễn ra một cách vô thức, chỉ khác nhau về hậu quả và cách phản ứng của người đã bị đưa vào ngục. Bạn không tin ai cũng vô tình vướng vào chân lý này ư?  Hãy quay đầu lại nhìn bố mẹ bạn, họ đã rơi vào cái ngục Triết lý viên kẹo của bạn bao lâu rồi? Ý tôi là, ví dụ các bạn sinh viên đi học xa quê (đối tượng bạn đọc nhiều nhất), từ ngày bé bạn hiểu bố mẹ phải chu cấp cho bạn. ĐÚNG, nhưng bạn có dám nói tất cả các bạn chưa từng hoạnh họe với bố mẹ vì bố mẹ không mua cho cái bạn muốn? Bạn xin tiền đóng trọ hàng tháng, tiêu xài hàng tháng nhưng khi cầm tiền đó trên tay thì trong bạn đã bao giờ nhìn vào mớ tiền đó mà lòng trào dâng cảm động? Bạn học hành bết bát thi lại, học lại triền miền rồi phải đóng tiền x2 x3 lần để trả nợ các môn, các bạn đã bao giờ cầm tiền của bố mẹ để trả cho đống đó mà thấy xấu hổ chưa, xin thưa, không đâu, bạn không xấu hổ vì xin mớ tiền đó, bạn chỉ xấu hổ vì phải xin tiền học lại nên sẽ nói dối con học cái này cái nọ nên cần xin tiền, chứ đời nào dám nói con xin tiền học lại, thi lại, nhỉ? Cả tháng các bạn chơi bời với bạn bè bằng tiền của họ, bạn mua đồ sinh hoạt bằng tiền của họ nhưng có khi họ gọi cho bạn vì nhớ bạn lại gắt gỏng vì họ nỡ gọi chen ngang trận chiến trên màn hình máy tính cùng các chiến hữu của bạn? Cả tháng bạn mới về một lần vì... bị họ giục? Các dịp ngày lễ của họ bạn còn chẳng nhớ đến mà chúc, 8/3, ngày của mẹ thì bạn còn bận đăng status facebook than vì không có người yêu? Ngày của bố bạn vội vã đăng status cảm ơn bố đầy hiểu thảo trên... facebook?

Bên trên chỉ là một trong vô vàn điều, chúng ta đôi khi vướng vào bẫy triết lý viên kẹo một cách vô tình mà bản thân chúng ta không hề biết, là điều khó tránh, do đó bạn đừng thất vọng về bản thân, ai cũng vậy thôi. Nếu bạn là người vô tình nhốt ai đó trong cái ngục của mình, cách giải quyết tốt nhất là bạn từ giờ hãy trau truốt hơn trong cách đối nhân xử thế với tất cả mọi người, nhìn nhận mọi việc theo nhiều hướng, đứng ở góc nhìn của người khác khi đối xử với họ, vì đối nhân xử thế là thứ rất phức tạp, con người học cả đời không hết điều về nó. Còn nếu bạn là người bị người khác nhốt vào cái ngục của họ? Đây thực sự là một vấn đề đơn giản nhưng giải quyết lại phức tạp.

Tại sao tôi nói đây là một vấn đề đơn giản nhưng giải quyết lại phức tạp? Vì bạn có thể phải đánh đổi hoặc mất mát để giải quyết, một khi bạn nói NO và vô tình nuôi con quỷ trong người bạn của bạn quá lớn và quá béo, lúc này họ đã bị con quỷ đó điều khiển đôi phần rồi, nó quấn lấy cả cái tôi của họ nữa, nên dù bạn cố gắng nói ra sao, người bạn đó dù là người hiểu lý lẽ, cố lắng nghe và hiểu cho bạn, nhưng cũng sẽ ít nhiều thành kiến với bạn và mối quan hệ với họ sẽ không còn như trước nữa. Tệ hơn, với những người "không được tốt như thế", họ sẽ không nghe bạn trình bày đâu, mà họ sẽ lờ bạn luôn, gặp tình huống ấy, tốt nhất bạn nên từ bỏ, đừng "làm phiền" họ nữa, quên họ đi, hãy enjoy cuộc sống của bản thân, hãy cứ vui vẻ mỗi ngày, thoải mái kết bạn mới. Tuy cái giá mà họ phải trả đến muộn, nhưng nó sẽ đến. Đến kiểu gì nhỉ? Con quỷ ỷ lại béo múp trong họ là một con quỷ hai mặt, nó hại bạn và khiến họ không hiểu đúng giá trị của bạn, nhưng khi bị bạn bỏ đói, nó vốn quen được mớm mỗi ngày, giờ bị bạn bỏ đói sẽ như con sư tử sau 10 năm được nuôi trong môi trường nhân tạo mà giờ được thả về rừng vậy - không biết săn mồi

Câu nói nổi tiếng trên của Đại văn hào Shakespear là cách mà bạn sẽ dùng để đối đầu với kẻ đã hiểu sai giá trị của bạn. Bị bỏ đói một thời gian dài, con quỷ hai mặt đó sẽ quay lại cắn chính chủ nhân của nó, trong khi bạn vẫn sống cuộc sống vui vẻ với những người bạn mới, thì khi con quỷ kêu đói, người bạn kia lúc này gặp vấn đề vốn đã quen sai bạn giúp ngồi trầm ngâm liếc nhìn bạn bằng ánh mắt chán nản (tuy vẫn còn pha lẫn chút khinh rẻ), rằng người mà vốn thường xuyên giúp họ giờ cái tôi của họ không cho phép họ nhờ nữa sau khi chửi/nói xấu về bạn, rằng cái đứa họ chả thèm đếm xỉa đến, tưởng bạn không nhờ họ chơi cùng thì chả ai thèm chơi hóa ra lại vẫn có thể có bạn mới, rằng hóa ra những kẻ mà họ cho rằng thú vị hơn bạn và thường xuyên ngồi tám ngẫu cùng lại chỉ... có tác dụng lúc họ vui còn khi họ cần nhờ vả gì lại "muốn giúp lắm nhưng không biết làm". Bạn hiểu ý mình chứ? Cái mất là từ nay bạn sẽ phải chấp nhận mất đi một người bạn, chính là người mà bạn vẫn hay giúp đỡ đó, nếu bạn từng có cảm tình, hoặc bạn từng quý họ thì việc từ bỏ sẽ khó khăn hơn, nhưng bạn phải chứng minh cái giá trị của mình, nếu bạn cứ ủ rũ, hoặc mềm lòng tha thứ dễ dàng cho họ, thì họ sẽ hiểu rằng bạn đang cầu xin họ chơi với bạn vì thật sự bạn đúng là không có ai thèm chơi nếu không phải họ, không mạnh mẽ từ bỏ thì hãy tiếp tục vào cái ngục của họ vậy, bạn đã đối xử tệ với bản thân mình nên đừng than vãn. Nếu có ai đó phải nhận lỗi, xin làm hòa và hứa sẽ thay đổi thì đó là họ, còn họ coi trọng cái tôi của họ hơn bạn thì bạn biết phải làm gì rồi.

Để tôi nhắc cho các bạn rằng, ở trên tôi có nói lúc đầu tôi đón nhận bộ phim Yesman với một cái đầu đầy hoài nghi và phản biện, tôi đã tự hỏi "Liệu có thực sự nói YES với mọi điều đến với mình trong cuộc sống sẽ làm cuộc sống mình thú vị hơn?". Câu trả lời hóa ra được đặt ở cuối bộ phim làm tôi rất thỏa mãn, rằng hội thảo mà Carl Allen tham dự đó không hề có phép thuật gì, việc nói YES với mọi thứ đến với anh không phải là thứ khiến cuộc đời anh bỗng dưng tốt đẹp hơn, mà nó cũng có thể (đã) làm cuộc đời anh tệ hơn, anh mất người anh yêu, bị sếp chỉ trích, cái duy nhất khiến cuộc đời anh bỗng tích cực hơn chính là thái độ tích cực của anh đối với cuộc sống và mọi người.

Tác Giả: Cà Phê Sữa, Viết lách tự do @ home 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hoang.sieunhan.5

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,154 lượt xem, 4,064 người xem - 4089 điểm